TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tĩnh Tâm Linh mục và phó tế -2015

Thứ năm - 06/05/2021 20:53 |   1031
Tĩnh Tâm Linh mục và phó tế -2015

Khai mạc Khóa Tĩnh Tâm Linh mục và phó tế Banmêthuột năm 2015 (1)

Theo thông báo của Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, tuần Tĩnh Tâm Linh mục và Phó tế thuộc Giáo phận Banmêthuột, khai mạc vào lúc 16 giờ 30 chiều thứ Hai, ngày 23.11.2015 tại Tòa Giám mục BMT và kết thúc vào sáng thứ Sáu, ngày 27/11/2015.

Chiều ngày 23. 11. 2015, gần 160 linh mục thuộc Triều, Dòng và Phó tế, đang phục vụ trong Giáo phận Banmêthuột, đã qui tụ về dưới mái Nhà Chung để tham dự Tuần Tĩnh Tâm do Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo Phận Phát Diệm, phụ trách giảng phòng với chủ đề Linh mục và Thánh Thể.

Tại phòng họp chung của Tòa giám mục BMT, cha Tổng Đại diện Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, đọc lời chào mừng Đức cha giảng phòng, ĐGM giáo phận BMT và linh mục đoàn trong bầu khí thân thương vui vẻ.

Sáng ngày 24.11 .2015, Đức cha Giuse Nguyễn Năng gợi ý tuần tĩnh tâm với đề tài Thánh Thể trong bối cảnh tân Phúc-Âm-hóa :

Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (s. 14), ĐTC Phanxicô nhắc lại ba lãnh vực của tân Phúc-Âm-hóa. Trước hết và trên hết, cần phải loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Giêsu Kitô hay đã chối bỏ Ngài. Kế đến là những người đã rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của bí tích Rửa tội. Cuối cùng là lãnh vực thường được gọi là mục vụ cho những người thường xuyên tham dự phụng vụ để giúp họ sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày.
Cha giảng thuyết nói lên Thực trạng và Những thách đố của Hội Thánh Việt NamCó những khó khăn từ bên ngoài, trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị, như bách hại, cấm cách, nghèo đói, thiếu nhân sự, ít phương tiện, … Tuy nhiên có hai thách đố rất lớn:

Trước hết là những thách đố về văn hóa Con người trong xã hội hiện đại bị chi phối bởi não trạng thế tục, sống theo óc thực dụng, đề cao vật chất, tìm hưởng... Nhưng khó khăn hơn cho công cuộc loan báo Tin Mừng là chính những thách đố từ bên trong Hội Thánh mà ĐTC Phanxicô đã nêu lên trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (ss. 76-101). Chính các môn đệ của Đức Kitô cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi não trạng của thời đại:

- Tội lỗi và các gương xấu của một số thành phần trong Hội Thánh.
- Nguy cơ đánh mất niềm say mê truyền giáo. Lối sống cá nhân chủ nghĩa, khủng hoảng căn tính. Chủ nghĩa tương đối đưa đến chủ nghĩa hoài nghi, không còn xác tín và niềm vui.
- Nguy cơ đánh mất niềm vui loan báo Tin Mừng. Ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng, Tê liệt nhàm chán thiêng liêng. Lo cho cuộc sống riêng tư, ngại dấn thân.
- Nguy cơ đánh mất niềm hy vọng. Thái độ bi quan trước tình trạng cái xấu lan tràn trong thế giới và ngay trong chính Hội Thánh. Một số nơi muốn loại bỏ căn tính Kitô giáo khỏi nguồn gốc của mình, loại bỏ mọi ảnh hưởng của Kitô giáo khỏi đời sống xã hội, thậm chí bách hại các Kitô hữu. Chủ bại, than van, thất vọng.
- Nguy cơ mất đời sống chung. Lối sống khép kín trong cuộc sống cá nhân, không còn gặp gỡ dựa trên tương quan người-người.
- Nguy cơ đánh mất chính Tin Mừng. Tính thế tục trong đời sống thiêng liêng. Tìm vinh quang loài người hơn là vinh quang Thiên Chúa. Thái độ phô trương, thích được tôn vinh, háo danh, chạy theo hào nhoáng của lợi lộc xã hội và chính trị, lễ hội linh đình, não trạng doanh nghiệp.
- Nguy cơ đánh mất tình hiệp thông huynh đệ. Gương xấu của sự tranh chấp, phe nhóm, chia rẽ, thù nghịch, vu khống.
- Trước những khó khăn và nguy cơ cho công cuộc loan báo Tin Mừng, các môn đệ Đức Kitô không được sợ hãi. Bao nhiêu thách đố phải là bấy nhiêu cơ hội mới để loan báo Tin Mừng : Tân Phúc-Âm-hóa - Khởi hành từ Đức Kitô.

Bài I  Thánh Thể : lời tạ ơn

Trong bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu tạ ơn Cha cùng với chúng ta và cho chúng ta. Làm sao lời tạ ơn của Đức Giêsu lại chẳng nhào nặn cuộc sống của linh mục ? Linh mục biết rằng mình phải khai triển một tinh thần tạ ơn trường kỳ về nhiều hồng ân mình đã nhận lãnh trong cuộc đời : đặc biệt là hồng ân đức tin mà mình có bổn phận loan báo, và hồng ân được làm linh mục nhờ đó mình được thánh hiến trọn vẹn để phục vụ Nước Thiên Chúa. Chúng ta có những thánh giá để mang – mà chắc chắn không chỉ có chúng ta mới phải vác thánh giá ! – nhưng những hồng ân đã lãnh nhận lại lớn lao đến nỗi chúng ta không thể không hát lên lời ngợi khen Magnificat từ đáy lòng mình... Bài giảng gồm :
1. Chiều kích tạ ơn của thánh lễ : Việc thiết lập bí tích Thánh Thể được lồng vào bối cảnh phụng vụ tạ ơn và diễn ra trong sự nối tiếp liên tục với toàn thể lịch sử cứu độ, như là thâu tóm và kết tinh của tất cả mọi can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử cứu độ. Đức Giêsu « tạ ơn », vì cuộc vượt qua không còn là một hình bóng nữa, mà đã trở thành thực tại. Với Tiệc ly và Thập giá, tất cả nhiệm cục trở thành hoàn tất ...

2. « Mirabilia Dei » : Kỳ công vĩ đại nhất của Thiên Chúa chính là công trình cứu chuộc. Trong thánh lễ, Hội Thánh tạ ơn về hồng ân Con Một và hồng ân Thánh Thần. Đó là hồng ân cao cả nhất và bao trùm tất cả mọi hồng ân. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để cứu độ thế gian. Đức Giêsu đã chết, đã sống lại và ban Thần Khí để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Người thực hiện cuộc giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và mở đường cho nhân loại tham dự vào sự sống của Thiên Chúa...Tuy nhiên công trình cứu chuộc không tách rời khỏi công trình tạo dựng. Ơn cứu độ phần hồn và ơn tha thứ tội lỗi nơi mỗi tín hữu là khởi đầu của việc cứu độ toàn diện liên hệ đến toàn thể tạo vật...

3. Sống đời linh mục hạnh phúc : Thánh lễ là lời tạ ơn chúc tụng của Hội Thánh nhưng cũng là lời tạ ơn chúc tụng của linh mục trong vai trò của Đức Kitô. Lời tạ ơn của linh mục chỉ có ý nghĩa và thật sự đầy tràn hân hoan phấn khởi khi chính linh mục cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu chính linh mục không hạnh phúc, lời tạ ơn chỉ còn là theo công thức.

Đối với linh mục, Thánh Thể nuôi dưỡng tình yêu dâng hiến nên cũng là nguồn suối đem lại niềm vui và hạnh phúc cho đời linh mục.
- Cử hành Thánh Thể là lời tạ ơn về thiên chức linh mục đã lãnh nhận, tạ ơn về cuộc sống thực tế hằng ngày trong đời linh mục.
- Dù cuộc đời có muôn ngàn thử thách thương đau, nhưng tất cả sẽ được biến đổi và làm mới lại trong mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh được hiện tại hóa nơi bí tích Thánh Thể.
- Thánh Thể là lương thực bổ dưỡng đem lại « sự sống và sống dồi dào sung mãn » (Ga 10, 10).

Suy nghĩ :
- Niềm vui nỗi buồn của đời linh mục. Niềm vui nào là sâu xa và nỗi buồn nào là đáng sợ ? 

- Đời linh mục của tôi có hạnh phúc ? Làm thế nào để biến đổi nỗi buồn thành niềm vui ?

Buổi chiều, Đức cha giảng  thuyêt  nói về đề tài: 

Bài 2 : Thánh Thể : cuộc đời là hy tế

Trong linh đạo linh mục, niềm mong chờ (Đức Kitô đến) phải được biểu lộ dưới hình thức đức ái mục vụ : đức ái ấy thôi thúc chúng ta sống giữa Dân Chúa, để hướng dẫn bước đi và nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ. Nhiệm vụ này đòi linh mục phải có một thái độ nội tâm giống như thái độ của chính thánh Tông đồ Phaolô : "Quên đi những gì đã qua và lao mình về phía trước, tôi chạy tới đích" (x. Pl 3,13-14). Linh mục là người dù đã trải qua nhiều năm tháng, vẫn tiếp tục chiếu tỏa sự tươi trẻ, "chuyển thông" sự tươi trẻ ấy cho những ai mình gặp gỡ trên đường đời. Bí quyết của linh mục hệ tại ở "lòng say mê" Đức Kitô. Tông đồ Phaolô đã nói : "Đối với tôi, sống là Đức Kitô" (x. Pl 1,21). »

1.Thánh Thể là hy tế của Chúa Giêsu : Chức tư tế của Tân ước không chỉ là một chức năng, một thừa tác vụ. Chúa Giêsu đã thay thế chức tư tế Cựu ước bằng một chức tư tế mới, và đặc điểm của chức tư tế mới này hệ tại ở chính sự hiến thánh bản thân và hiến thân để cứu chuộc.

2. Một cuộc đời được hiến tế : Hiến tế của đời linh mục được biểu lộ rõ nét trong việc hiến thân vì đoàn chiên. Từ thánh lễ dâng trên bàn thờ, linh mục sẽ nói với dân Chúa : này là thân tôi hiến thân vì anh em, hy sinh vì anh em. Đức ái mục tử là linh đạo của linh mục giáo phận.

3. Những đau khổ trong đời mục tử : Người rao giảng phải trở thành hiện thân của Lời Chúa và dám sống đến tận cùng điều mình rao giảng. Sứ giả, sứ mạng và sứ điệp đã trở nên đồng nhất....Dường như cuộc đời ngôn sứ thường kết thúc như một thất bại, nhưng chính từ những khổ đau và thất bại, hạt giống được ươm mầm chờ ngày sinh hoa kết trái. Thành công chỉ đến sau khi ngôn sứ đã ra đi. Đức Giêsu gieo trong đau khổ để các tông đồ gặt hái những thành quả đầu tiên : Đức Kitô « đã làm cho cộng đoàn mỗi ngày được thêm đông số »

Linh mục, giám mục, phó tế, phải chăn nuôi đàn chiên của Chúa với tình yêu. Nếu không làm điều ấy với tình yêu thì không phải là phục vụ. Một linh mục mà không phục vụ cộng đoàn của mình thì đã làm sai … » (x. Mt 20, 25-28 ; Mc 10, 42-45) (ĐTC Phanxicô nói về bí tích truyền chức ngày 26-3-2014).

Suy nghĩ :
- Lối sống của tôi có hoạ lại lối sống của Chúa, của Tin Mừng ?
- Cách ứng xử của tôi đối với những thành phần đặc biệt : người chống đối, người khô khan nguội lạnh, tội nhân ?

VHTT - BMT
 

Ngày thứ hai của tuần tĩnh tâm linh mục, Đức cha giảng phòng tiếp tục chia sẻ với các linh mục giáo phận Ban Mê Thuột chủ đề : Linh Mục và Thánh Thể.

Bài 3 : Thánh Thể và đời sống thánh thiện

« Một cuộc sống "được cứu độ" để cứu độ » : Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". Mình và Máu Đức Kitô được trao ban để cứu độ con người, cứu độ con người trọn vẹn và tất cả mọi người. Đó là ơn cứu độ toàn diện và đồng thời cũng là phổ quát, bởi vì không một ai bị loại trừ khỏi quyền năng cứu độ của Máu Đức Kitô, trừ khi họ tự do từ khước : "Máu đổ ra cho các con và nhiều người". Bí tích Thánh Thể mời gọi linh mục đi vào hành trình hoán cải liên tục -  Linh mục « nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ » (Kim Chỉ Nam Linh mục, 22c). Khi cử hành Thánh Thể « in persona Christi », linh mục cũng cần thực hiện nơi cuộc đời mình một cuộc « biến hình », một sự « biến bản thể » để trở thành người được cứu độ... « Đời sống thiêng liêng của linh mục được đóng ấn, được uốn nắn và được đánh dấu bằng những cách ứng xử của Đức Kitô » (PDV s. 21). « In persona Christi » một cách cụ thể là « có những tâm tình như đã có nơi chính Đức Kitô » (Pl 2, 5), là được biến đổi mỗi ngày « cho tới khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em » (Gl 4, 19).

1. Thánh Thể là nguồn mạch và khuôn mẫu của thánh thiện

« Thánh thiện là sự biểu lộ trọn vẹn của ơn cứu độ ». Người được cứu độ là người sống thánh thiện.
Sự thánh thiện của Kitô hữu trước hết không phải là một nỗ lực tu thân, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa bắt nguồn từ mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu : « Con xin hiến thánh chính mình con cho họ để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến (= thánh hóa) » (Ga 19, 19).

a) Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống thánh thiện

Ơn cứu độ có hai phương diện : ơn tha tội và đời sống mới trong Đức Kitô. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, chính Ngài diễn giải ý nghĩa và hiệu quả của mầu nhiệm Thánh giá : thân thể Ngài bị nộp vì nhân loại và máu Ngài đổ ra để « nhiều » (= tất cả) người được tha tội, được giao hòa với Thiên Chúa. Mầu nhiệm phục sinh kiện toàn công trình cứu độ khi làm cho nhân loại được tham dự vào đời sống mới của Ngài.

Ơn tha thứ tội lỗi là ân sủng riêng biệt của bí tích giao hòa chứ không phải của bí tích Thánh Thể ; nhưng cử hành Thánh Thể chính là hiện tại hóa mầu nhiệm Thánh giá, tức là biến cố cứu độ đem lại ơn tha tội cho nhân loại. Đức Kitô hiến tế chính mình trong mầu nhiệm khổ nạn là vì Hội Thánh, để khai sinh một cộng đoàn Dân Chúa mới. « Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ;  như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh » (Ep 5, 25-26).

b) Bí tích Thánh Thể là khuôn mẫu cho đời sống thánh thiện
Sự « đồng hình đồng dạng ở bình diện hữu thể » (configuration ontologique) được biểu lộ qua những hành vi ứng xử như Đức Kitô : « Anh em hãy có những tâm tình như đã có nơi chính Đức Giêsu », đó là yêu thương, khiêm tốn, vâng phục, bỏ mình, phục vụ (Pl 2, 5-8). « Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2, 20). Sự thánh thiện được ban tặng do bí tích Thánh Thể cần được biểu lộ và chứng thực do nỗ lực của tín hữu trong cuộc sống hằng ngày.

2. « Ex opere operato » và « ex opere operantis » : Khi linh mục cử hành Thánh Thể với tư cách là hiện thân của Đức Kitô, các nghi thức sinh hiệu quả « ex opere operato ». Hiệu quả của bí tích phát sinh do việc cử hành nghi thức thánh « in persona Christi » và « in persona Ecclesiae »…. Làm thế nào để bàn tay của linh mục được tinh khiết, làm thế nào để bàn tay của vị linh mục hoàn toàn là bàn tay của Chúa Giêsu, để khi nâng cao lên, thì nơi bàn tay linh mục chính là Máu Thánh Chúa Kitô. Khi đến tòa cáo giải, một hối nhân mang đầy tội lỗi, thì khi bước ra khỏi tòa, anh ta là một tội nhân được sạch mọi tội. Làm thế nào để các linh mục hoàn toàn nên một với Chúa Giêsu để cho Chúa Giêsu sử dụng mình ở địa vị của Ngài, trong Danh của Ngài, bày tỏ những lời của Ngài, thực hiện những hành động của Ngài, tẩy trừ những tội lỗi, và làm cho bánh tầm thường hóa nên Bánh Hằng Sống là Mình và Máu của Người. Chỉ trong sự thinh lặng của trái tim mình linh mục mới có thể nghe thấy Lời của Thiên Chúa, và từ sự sung mãn của trái tim mình, linh mục mới có thể thốt lên những lời này : "Tôi tha tội cho bạn" và "Đây là Mình Thầy". »

3. Một cuộc hoán cải liên tục : Bí tích Thánh Thể mời gọi linh mục đi vào hành trình hoán cải liên tục. Bí tích Thánh Thể mời gọi linh mục đi vào hành trình hoán cải liên tục -  Linh mục « nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ » (Kim Chỉ Nam Linh mục, 22c). Khi cử hành Thánh Thể « in persona Christi », linh mục cũng cần thực hiện nơi cuộc đời mình một cuộc « biến hình », một sự « biến bản thể » để trở thành người được cứu độ... « Đời sống thiêng liêng của linh mục được đóng ấn, được uốn nắn và được đánh dấu bằng những cách ứng xử của Đức Kitô » (PDV s. 21). « In persona Christi » một cách cụ thể là « có những tâm tình như đã có nơi chính Đức Kitô » (Pl 2, 5), là được biến đổi mỗi ngày « cho tới khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em » (Gl 4, 19)…

Suy nghĩ :
- Cung cách dâng lễ của tôi có biểu lộ sự thánh thiêng cao cả của bí tích Thánh Thể ? « In persona Christi » và « in persona Ecclesiae ».
- Những dấu hiệu cho thấy tinh thần thế tục len lỏi vào đời sống Hội Thánh.
- Kinh nghiệm về thân phận tội lỗi của bản thân.


Buổi chiều, Đức cha giảng phòng tiếp tục loạt bài chia sẻ với các linh mục về chủ đề : Linh mục và Thánh Thể.

Bài 4 : Thánh Thể - Linh đạo tưởng nhớ 


Một cuộc sống biết « tưởng nhớ »
« "Hoc facite in meam commemorationem. – Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Không những thánh Luca (22, 19) mà cả thánh Phaolô (1 Cr 11, 24) đã ghi lại những lời này của Đức Giêsu. Chúng ta cần nhớ rằng những lời ấy đã được nói ra trong bối cảnh của bữa tiệc Vượt qua ; mà đối với người Do Thái, đó thật sự là một cuộc "tưởng nhớ"

1. Cử hành Thánh Thể là « nhớ đến »
« Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy » : làm lại tất cả những việc Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly để « nhớ đến » Ngài. « Nhớ » ở đây không chỉ là « nhớ về », là hồi tưởng, nhắc lại chuyện cũ, mà còn là « nhớ đến ».

2. Linh đạo « tưởng nhớ »
Khi cử hành Thánh Thể, Hội Thánh « nhớ đến » Chúa. Sự « nhớ đến » này cần được kéo dài và nội tâm hóa qua việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Tông thư Mane nobiscum mời gọi tín hữu không những ở lại trong Chúa, mà còn « ở lại với Chúa » để tôn thờ, chiêm ngắm Chúa hiện diện nơi Thánh Thể.

Một thánh lễ được cử hành vội vã, thiếu sự chuẩn bị trước và kéo dài sau thánh lễ, sẽ không thể nuôi dưỡng đời sống linh mục... Để trung thành với Chúa, linh mục cần nhớ đến những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện nơi mình, đặc biệt là hồng ân linh mục. Nhớ đến mỗi ngày, nhớ đến thường xuyên… Ơn gọi linh mục đòi hỏi phải được hiến thánh “trong sự thật”. Mà sự thật là LỜI của Chúa Cha (Ga 17, 17-18). Linh mục “được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa.”... . « Ở lại » với Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể vừa là hiện diện bằng thể xác nhưng đồng thời cũng phải là hiện diện của hai ngôi vị sống động.

a) « Kinh nguyện hồi tưởng »
Ở lại với Chúa trước hết để nhớ lại những hồng ân mà Chúa đã ban. Thiên Chúa thường xuyên nhắc nhở Dân riêng « đừng bao giờ lãng quên những kỳ công của Chúa », « hãy nhớ lại »… Khi Dân Chúa nhớ đến những điều Chúa đã thực hiện cho họ thì họ trung thành với giao ước ; còn khi họ xa rời Chúa và rơi vào tội lỗi lầm lạc là vì họ đã lãng quên Chúa.

Để trung thành với Chúa, linh mục cần nhớ đến những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện nơi mình, đặc biệt là hồng ân linh mục. Nhớ đến mỗi ngày, nhớ đến thường xuyên. Nhiều lúc trí nhớ chúng ta không tốt lắm. Tâm tình sốt sắng và lòng quảng đại dấn thân trong ngày thụ phong dễ phôi phai theo năm tháng và những vất vả của hoạt động. Đừng để mất « tình yêu ban đầu » (Kh 2, 4).

b) Thống nhất đời sống
Khi nhớ đến Chúa như vậy, đời sống linh mục sẽ được quy về một mối thống nhất. Trong linh đạo linh mục, việc thống nhất đời sống là điều rất quan trọng. Nơi mỗi người đều có những lực kéo khác nhau, mạnh nhẹ tùy thời điểm. Các lực kéo này, nếu để cho chúng tự phát, có thể sẽ xé nát cuộc đời ; nhưng nếu biết thống nhất và qui về Chúa, sẽ trở thành một lực tổng hợp mạnh mẽ.

Cuộc sống của linh mục làm việc mục vụ thường bị xé vụn thành nhiều mảnh, nhất là trong thế giới hôm nay. Nếu không biết thống nhất đời sống, con người dễ bị mệt mỏi vì căng thẳng (stress) và mất phương hướng, cuối cùng là thả lỏng và buông trôi. Ngược lại, nếu biết thống nhất đời sống, con người sẽ tìm thấy niềm vui, nghị lực và ý nghĩa cuộc đời ngay trong chính những vất vả, phức tạp và khổ đau.

c) Nhớ đến Lời Chúa
« Ở lại với Chúa » để chiêm ngắm Chúa và được biến đổi để nên giống Chúa. Để được biến đổi, cần có thời gian. Con người của cuộc sống hiện đại bị cuốn vào tốc độ vội vã, sợ phải dừng lại một mình. Cầu nguyện với Chúa không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của mình, nhưng trước hết là ở lại với Chúa để được biến đổi.
Ơn gọi linh mục đòi hỏi phải được hiến thánh « trong sự thật ». Mà sự thật là Lời của Chúa Cha (x. Ga 17, 17-18). Linh mục « được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa. »

d) Say mê Chúa
« Nhớ đến Chúa » đạt đến cao điểm khi sự tưởng nhớ biến thành một nỗi say mê. Yêu Chúa mà thôi thì chưa đủ, tình yêu phải mạnh mẽ nồng nàn đến độ trở thành lòng say mê. Yêu nhiều thì nhớ nhiều. Càng say mê càng nhớ nhiều. Không nhớ là dấu chỉ của một tình yêu đã nguội lạnh. Thánh Gioan-Phaolô II : « Bí quyết của linh mục hệ tại ở "lòng say mê" Đức Kitô. Tông đồ Phaolô đã nói : "Đối với tôi, sống là Đức Kitô" » (x. Pl 1, 21) (Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh năm 2005, s. 7).

Linh mục không phải là nhân viên hành chánh hoặc nhân viên tôn giáo chuyên lo cử hành tế tự ; và làm linh mục cũng không phải chỉ vì muốn làm điều tốt để đổi mới thế giới và phục vụ người nghèo… Lý do chính yếu và nền tảng cho sự tận hiến cuộc đời trong ơn gọi linh mục là vì đã được tình yêu Chúa Giêsu chinh phục... Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai. » (Niềm vui của Tin Mừng, s. 266)

Suy nghĩ :
- Tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu đã đạt tới mức độ say mê ?
- Hậu quả của một đời sống thiếu cầu nguyện là gì ? Sự khủng hoảng trong căn tính linh mục bắt nguồn từ đâu ?
- Làm thế nào để giữ được sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và hoạt động tông đồ?

Sau những giờ cầu nguyện thinh lặng, hoặc giờ chầu Thánh Thể cuối ngày, các linh mục tự vấn mình qua những suy nghĩ của Đức cha giảng phòng gợi ý.

VHTT - BMT
 

Sáng ngày thứ ba trong tuần tĩnh tâm, Đức Cha giảng phòng tiếp tục chia sẻ với các linh mục giáo phận Ban Mê Thuột về chủ đề  “Linh mục và Thánh Thể

Bài 5 : Thánh Thể và sứ vụ

Thánh thiện là sự biểu lộ trọn vẹn của ơn cứu độ. Chỉ khi nào sống như là những người được cứu độ, chúng ta mới trở thành những người loan báo ơn cứu độ đáng tin. Đàng khác, lúc nào cũng ý thức rằng Đức Ki-tô muốn ban tặng ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Điều ấy không thể không khơi lại nhiệt tình truyền giáo trong lòng chúng ta…

1. Thánh Thể là nguồn mạch của sứ vụ loan báo Tin Mừng
Cử hành Thánh Thể và hiệp thông Thánh Thể dẫn đưa Hội Thánh đến việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. “ Một Hội Thánh thật sự sống Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo”. Bí tích Thánh Thể khong giam hãm Hội Thanhstrong căn phòng khép kín, nhưng thúc đẩy đi ra loan báo Tin Mừng. Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu, Đấng đổ máu mình ra để cho “nhiều” người được tha tội… Hội Thánh được Đức Ki-tô sai đi “vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần : “Như Chúa Cha  đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20, 21)… Bí tích Thánh Thể thúc đẩy cộng đoàn dấn thân một cách thực tiễn, nhằm kiến tạo một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Trong Thánh Thể, Thiên Chúa đã bày tỏ cách thức tối hậu của tình yêu, khẳng định cách triệt để : “ Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt heestvaf phục vụ mọi người” (Mc 9, 15).

2. Một Hội Thánh “đi ra”
ĐTC Phanxicô mời gọi Hội Thánh lấy truyền giáo làm định hướng cho mọi sinh hoạt mục vụ : “ Hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh…Mục vụ bảo tồn lo bảo vệ các tín điều, duy trì kỷ luật ổn định trật tự, củng cố quyền bính theo não trạng giáo sỹ trị, thiết lập những cơ chế để cai trị hoặc phô trương, đầu tư công sức  vào các sinh hoạt như xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức nghi lễ long trọng…Hội Thánh khi đó được xem như một tổ chức theo mô hình của xã hội trần thế, một cong ty đa quốc gia được điều hành bởi các chuyên viên quản trị hành chánh… Càng lo củng cố tổ chức nội bộ thì Hội Thánh lại càng khép kín; càng khép kín không đến với muôn dân thì Hội Thánh lại càng không thể phát triển; các Ki-tô hữu càng mất đi sức sống và niềm vui Tin Mừng. Hậu quả của một mục vụ bảo tồn là Hội Thánh ngày càng yếu đi, cả về số lượng lẫn phẩm chất của đời sống Ki-tô hữu. ĐTC Phanxicô nói “ Thay vì chỉ là Hội Thánh đón tiếp và thu nhận, chúng ta hãy tìm cách trở thành một Hội Thánh biết đi ra khỏi chính mình, để hướng đến những người nam và người nữ không còn lui tới, không biết đến Hội Thánh, những người đã ròi bỏ Hội Thánh và những người dửng dưng…”

3. Chuyển đổi lối nhìn về linh mục
Chức linh mục phải được nhìn trong tính “tông đồ vụ” của Hội Thánh. Các linh mục “trước tiên có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng”. Làm linh mục trước hết không phải để dâng lễ. Hy tế tạ ơn là nguồn mạch, trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh, chứ không phải là hoạt động đầu tiên và ưu tiên, càng không phải là hoạt động duy nhất của linh mục. “Các linh mục hiện hữu và hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và để xây dựng Hội Thánh trong vai trò của Chúa Ki-tô là Đầu và Mục tử”. Loan báo Tin Mừng là sứ mạng thiết yếu và đầu tiên của linh mục. Tự bản tính, tất cả mọi linh mục đều là thừa sai, cũng như tất cả mọi “môn đệ” đều là những “ thừa sai” (Niềm vui của Tin Mừng. s.120)

Suy nghĩ :
- Hội Thánh tại Việt Nam đã ý thức về sứ vụ”đi ra” thế nào ? “Đi ra” hay “bảo tồn” ?
- Các hoạt động truyền giáo có vị trí nào trong các hoạt đọng của tôi ? Ưu tư ? Kế hoạch ? Tổ chức ? Đào tạo nhân sự ?

 

Buổi chiều, Đức cha giảng phòng chia sẻ bài cuối cùng trong loạt bài về chủ đề Linh mục và Thánh Thể.

Bài 6 : Sứ vụ theo mô hình Thánh Thể

“Nếu toàn thể Hội Thánh sống bằng Thánh Thể, thì cuộc sống của linh mục cũng phải mang lấy “mô hình Thánh Thể” với một danh nghĩa đặc biệt. Những lời thiết lập Thánh Thể không phải chỉ là một công thức thánh hiến, mà còn phải là một “công thức sống” (Thư của Đức G.Phao-lô II gửi các linh mục nhân dịp Thứ Năm Tuần Thánh 2005). Hội Thánh tìm thấy mình trong mầu nhiệm Thánh Thể, và không ngừng nỗ lực để nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong mầu nhiệm tự hiến ấy…

1. Lối sống Thánh Thể : Một Hội Thánh đậm tính chất Thánh Thể là Hội Thánh sống theo mô hình Thánh Thể. ĐTC Gioan Phao-lô nói đến một “dự phóng Thánh Thể” (project eucharistique), và Hội Thánh có trách nhiệm đưa “dự phóng Thánh Thể” vào đời sống thường nhật để biến đổi thế giới thành một “văn hóa Thánh Thể”. Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Người lại đến” đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể phải cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi biến đổi thể giới theo đương lối Tin Mừng làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc cử hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Ki-tô giáo : “ Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (GHTTT s. 20)….Lối sống Thánh Thể áp dụng vào sứ vụ : hiệp thông và phục vụ như một tôi tớ.

2. Sứ vụ theo tinh thần hiệp thông : Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh như thể bí tích, nghĩa là dấu hiệu và khí cụ của sự kết hợp mật thiết giữa loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau. Sứ vụ của Hội Thán là sứ vụ hiệp thông. Hiệp thông là qui luật và mẫu mực cho mọi hoạt động mục vụ và truyền giáo…

- Dấu chỉ thời đại : Có nhiều nghịch lý trong các dấu chỉ thời đại : Một thế giới bị xâu xé vì ích kỷ, nên khao khát một sự liên kết toàn cầu. Nhân loại bị phân tán và xâu xé : chiến tranh, thù hận, bạo lực giữa các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, kinh tế, quân sự, văn hóa…Văn minh đô thị hóa : cuộc sống cô đơn, mỗi người chỉ là một con số… Xã hội tiêu thụ, hưởng thụ, ích lỷ, hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn… Hiện đại hóa cũng có nghĩa là tự động hóa : con người trở thành một cái máy trong cỗ máy thế giới. Vì vậy mất tính người và thiếu tình cảm… Tốc độ cuộc sống nhanh hơn, con người bận rộn, không còn giờ sống cho nhau… Đang khi đó, văn hóa toàn cầu hóa ngày càng lan rộng. Nhiều tổ chức liên hiệp, nối ết và hợp tác. Thế giới trở thành mái nhà chung, con người khao khát hiệp nhất.

- Hiệp thông trong sứ vụ : Linh mục là người của hiệp thông - Chức linh mục tự bản chất có tính cộng đoàn. Do đo, việc linh mục có khả năng giao tiếp với người khác là điều có tầm quan trọng đặc biệt… Một cách thiết yếu, căn tính linh mục mang tính “tương quan”. Những người tông đồ cần hiệp thông với nhau trong giáo lý của các Tông Đồ, trong quản trị, trong hoạt động bác ái… Đó chính là chương trình tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ.

3. Sứ vụ theo tinh thần tôi tớ : Phúc Âm hóa có nghĩa là dự phần vào số phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ. Sự hiệp thông giữa Đức Ki-tô và những người dự tiệc Thánh thể đòi hỏi những người này  phải chia sẻ số phận của Người…. Nói tới tinh thần tôi tớ là nói lòng khiêm tốn âm thầm, vô vị lợi, đồng thời cũng nói lên lòng hy sinh, khổ chế, tinh thần thánh giá, và cả sự giản dị, đơn sơ, khó nghèo… Những đặc tính này phải thấm nhuần vào mọi hoạt động rao giảng và phục vụ của Hội Thánh.

Suy nghĩ :
- Các sinh hoạt mục vụ của tôi có theo đường lối của Hội Thánh và của giáo phận ?
- Tôi sống tình hiệp thông linh mục thế nào ?
- Tương quan của tôi đối với giáo dân thế nào ?


Cuối cùng, Đức cha đã mượn lời khuyên của chân phước Tê-rê- sa Calcuta để tóm kết những bài thuyết giảng trong tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Ban Mê Thuột, như sau : “Hãy dâng thánh lễ này như thể đây là thánh lễ đầu tiên, như thể đây là thánh lễ cuối cùng, và đây là thánh lễ duy nhất trong đời”.

Lúc 16g30, tại Nhà Nguyện TGM, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã chủ sự giờ chầu. Hai đức cha và tất cả các linh mục tham dự tuần tĩnh tâm cùng tham dự, để kín múc nguồn sức sống từ Thánh Thể. Trong bầu khí linh thiêng, từng hai vị tiến lên cung thánh, đặt tay trên Sách Thánh long trọng lặp lại lời tuyên hứa linh mục  “ Xin chọn Chúa làm gia nghiệp”.  Những giây phút lặp lại lời tuyên hứa thật là cảm động và sốt sắng!

Cộng đoàn cùng đọc Kinh Truyền Tin đã kết thúc giờ chầu Tạ ơn.

VHTT - BMT
 

Lúc 05g00 ngày 27. 11. 2015, tại Nhà Nguyện Tòa Giám mục – Ban Mê Thuột, Đức cha giáo phận BMT, Đức cha Giuse Nguyễn Năng - Giám mục Giáo Phận Phát Diệm và linh mục đoàn, đồng tế thánh lễ Tạ Ơn kết thúc tuần tĩnh tâm Linh mục và Phó tế GP. BMT. Tham dự thánh lễ có đông đảo Tu sỹ nam nữ, Chủng sinh, Ứng sinh và bà con giáo dân.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản mời gọi cộng đoàn cùng hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đã ban cho các linh mục trong giáo phận Ban Mê Thuột một tuần tĩnh tâm thật sốt sắng, nhờ sự hướng dẫn của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, với những bài giảng về "Linh mục và Thánh Thể" rất thực tế cho đời sống linh mục trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng hôm nay. Nhân dịp này, Đức cha giáo phận giới thiệu Đức cha Giuse Nguyễn Năng với cộng đoàn. Cộng đoàn hân hoan mừng ngài với những tràng pháo tay thật nồng nhiệt...

Trong bài giảng lễ, dựa vào hai bài đọc Đn 7, 2-14; và Lc 21, 29-33, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã gợi lại hình ảnh kinh hoàng trong ngày thế mạt. Hai bài đọc đã vẽ lên một cảnh tượng rất hãi hùng, sợ hãi… điềm lạ của mặt trời, mặt trăng, những tại họa xảy đến… Ngày nay thế giới đang xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, những tệ nạn xã hội…dường như quyền lực sự dữ đang dấy lên rất mạnh mẽ… Nhưng đối người Ki-tô hữu, Đức Giêsu đã đem lại niềm hy vọng cho nhân loại. Ngài đã chịu chết để kết thúc sự dữ và sống lại vinh quang. Chúa Giê-su sống lại để đem niềm hy vọng cho con người. Vì thế chúng ta không lo sợ, không thất vọng, nhưng tin tưởng nơi Đấng Cứu Độ. Trong một thế giới đầy dẫy bóng tối hiện nay, Đức cha Giuse nhắn nhủ mọi người, đặc biệt các linh mục khi trở về nhiệm sở, hãy mạnh dạn lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa với lòng khiêm tốn, can đảm, kiên trì, không lo sợ viển vông, nhưng phục vụ với tinh thần hy sinh, đơn sơ khó nghèo và hiệp thông …để có thể biến đổi môi trường đang sống trở thành “Thánh thể” nhờ sự tự hiến…

Hai Đức cha đã ban phép lành cuối lễ kết thúc tuần tĩnh tâm thật sốt sắng và tràn ngập niềm vui huynh đệ.

VHTT -BMT

(Xem thêm hình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây