TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

THÁNH LỄ MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT

Thứ năm - 06/05/2021 21:19 |   1072
THÁNH LỄ MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT

NGHI THỨC & THÁNH LỄ MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT
TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA BANMÊTHUỘT


Hôm thứ Sáu, ngày 11. 12. 2015, vào lúc 15g00, tại Đồi Thánh Tâm giáo xứ Xã Đoài, thuộc giáo hạt Đăkmil, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã long trọng cử hành thánh lễ khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót cùng với trên 100 linh mục đồng tế. Có khoảng 15.000 người tham dự thánh lễ, gồm tu sỹ nam nữ các dòng tu và bà con giáo dân trong giáo phận.

Hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, vào lúc 8g00 sáng nay, ngày 13.12.2015 - Chúa nhật III Mùa Vọng, tại Giáo phận Banmêthuột, Nghi Thức và Thánh Lễ Mở Cửa Lòng Thương Xót được long trọng cử hành ở 2 nơi: Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột, và Nhà thờ Giáo xứ Long Điền thuộc Giáo hạt Phước Long.

Tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận chủ sự cùng với Cha Chưởng Ấn, Cha Quản lý, Quý Cha Quản hạt, Quản xứ, Phó xứ vùng Đaklak,… Có rất đông Quý tu sĩ nam nữ, Quý chức HĐGX, Giáo họ và cộng đoàn giáo dân về tham dự.

1. NGHI THỨC MỞ ĐẦU

Ngày 13 tháng 3 năm 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng công bố sẽ mở một “Năm Thánh đặc biệt”. Gần một tháng sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 2015, ngài đã ban hành Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus) công bố việc thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu từ ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm Thánh Lòng Thương xót đã được ĐTC Phanxicô khai mạc với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô, vào ngày 08 tháng 12 năm 2015 vừa qua, mừng kính Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì Mẹ Maria giữ vai trò khởi đầu lịch sử cứu độ, khởi đầu cho ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Chúa nhật III Mùa Vọng ngày 13-12-2015 hôm nay, nghi thức mở Cửa Thánh được cử hành tại vương cung thánh đường Latêranô và vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, tại Rôma- và tại các Nhà Thờ Chính Tòa trên thế giới. Tại Rôma, có bốn Cửa Thánh, được đặt tại các Đền Thánh chính ở Rôma: Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, và Đền thờ Đức Bà Cả. Ngoài Năm Thánh, những cửa này được xây bít kín lại cách kiên cố. Ngày 8-12-2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng mở Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, khai mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Như một dấu chỉ hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, Giáo phận BMT chúng ta mở cửa thánh Nhà Thờ Chính Tòa, nhà thờ mẹ của toàn thể tín hữu, nơi mà vị Chủ chăn của giáo phận thi hành sứ vụ thầy dạy, cử hành các mầu nhiệm thánh và thực thi các hành động phụng vụ để ngợi khen, cầu xin Thiên Chúa và hướng dẫn cộng đoàn Giáo hội.

Khởi đầu Nghi thức khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục nhắn nhủ:

Anh chị em thân mến,

Đức Thánh Cha, mắt nhìn thẳng lên Chúa Giêsu và khuôn mặt đầy lòng từ bi thương xót của Người, trong ngày lễ trọng kính Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, đã khai mạc Năm Thánh Ngọai thường này khi mở Cửa Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người chúng ta.

Trong niềm hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, buổi cử hành hôm nay đánh dấu việc long trọng khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận chúng ta; đây là khởi đầu cho một trải nghiệm đầy ân sủng mang đến ơn giao hòa đang mở ra cho chúng ta suốt năm nay.

Chúng ta sẽ hân hoan được nghe Tin Mừng của Lòng thương xót mà Đức Kitô Chúa chúng ta, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, đang tiếp tục công bố trên toàn thế giới, kêu mời chúng ta vui hưởng tình yêu của Người: tình yêu mãi còn được tiếp tục rao giảng cho mọi tạo vật trên mặt đất này.

Sau bài Tin Mừng (Lc 15, 1-7), Cha Chưởng Ấn FX. Nguyễn Kim Long công bố phần mở đầu của Trọng sắc thiết lập Năm Thánh Ngoại thường.

Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng “giầu lòng thương xót” (Ep 2,4), sau khi mặc khải cho ông Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa hay thương xót và nhân hậu, chậm giận, giầu lòng yêu mến và tín trung” (Xh 34,6), đã không ngừng mặc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. “Lúc đến thời gian viên mãn” (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo chương trình cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết tình yêu của Ngài theo một đường hướng rõ ràng. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người (x. Công Đồng Vaticanô II, Dei Verbum, 4).

Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn suối mang lại niềm vui, sự thanh thản và an bình. Ơn cứu độ của chúng ta lệ thuộc vào lòng thương xót này. Lòng thương xót chính là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là cầu nối kết Thiên Chúa với con người, khi mở lòng chúng ta hướng về niềm hy vọng được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.

Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha trong cuộc đời của chúng ta. Đấy là lý do thúc đẩy tôi công bố một Năm Thánh Ngoại Lệ của Lòng Thương Xót, như một thời gian đặc biệt cho Giáo Hội, thời gian trong đó những chứng từ của các tín hữu có thể trở nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn.

2. CUỘC RƯỚC TRỌNG THỂ

Dẫn đầu cuộc rước đi về cửa chính nhà thờ là người cầm bình hương, tiếp theo là Thánh Giá nến cao được trang hoàng đặc biệt cho cuộc rước. Kế đến là Phó tế cung nghinh sách Tin Mừng, rồi đến Đức Giám mục, Quý linh mục, Quý thừa tác viên, Quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn giáo dân đi tiếp theo sau.

Cuộc rước biểu thị cuộc lữ hành của Hội Thánh, và là điểm thực hành “có một ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó tượng trưng cho cuộc đời của mỗi người chúng ta nơi trần thế” (MV 14). Cuộc rước cũng nhắc nhở chúng ta điều này: “lòng thương xót là mục tiêu phải đạt tới và cần phải tự hiến, hy sinh” (Ibid.)

3. MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ ĐI VÀO NHÀ THỜ CHÁNH TÒA

Đoàn rước dừng lại trước cửa chính nhà thờ. Trong giây phút thiêng liêng nhất, Đức Giám mục Giáo phận Công bố Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương xót.

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến,

Vào ngày 11 tháng 4 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã chính thức ban hành Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus)- ấn định mở Năm Thánh Lòng Thương xót.

Qua văn kiện nền tảng của Năm Thánh, khi mời gọi các tín hữu chiêm ngắm Mầu nhiệm của lòng thương xót, ĐTC chỉ ra rằng: đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an, vì Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu, phải được bao bọc trong sự dịu dàng. Bởi thế, không thể thiếu vắng sự thương xót, trong lời rao giảng và chứng tá của Giáo Hội với thế giới.

Vì Ơn gọi của Giáo Hội trong Năm Thánh này là biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu từ bi Thiên Chúa và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các Giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót.

Theo Tông Sắc của ĐTC, hôm nay Gia đình Giáo phận tập trung về Nhà thờ Chính tòa để tham dự cuộc cử hành Nghi thức Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót.

Hiệp thông với ĐTC Phanxicô, trong tư cách là chủ chăn của Giáo phận, tôi tha thiết kêu gọi tất cả Anh Chị Em, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận, hãy sống và thực hiện Ơn gọi của mình trong Năm Thánh này dưới ánh sáng Lời Chúa nói: “Các con hãy thương xót như Chúa Cha” (Lc 6, 36). Để “Trong Năm Thánh này, (…) Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an” (MV 25§2)

“Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của truyền thống Năm Thánh, mỗi Giáo Hội địa phương sẽ có cơ hội mở một Cửa Thánh -Cửa Lòng Thương Xót- tại NhàThờ Chính Toà hay một đền thờ đặc biệt quan trọng cho các cuộc hành hương”. (Lời của ĐTGM Salvatore Fisichella, Chủ tịch HĐTT về Tân Phúc Âm hoá, Trưởng BTC Năm Thánh).

Bởi việc mở Cửa Thánh giống như mở Cửa Lòng Thương Xót để ai vào thì sẽ được “an ủi, được tha thứ và hy vọng” (MV 3§2).

Với tất cả ý nghĩa cao đẹp ấy, và như một dấu chỉ hiệp thông trong toàn Giáo Hội, tôi xin công bố khai mạc NĂM THÁNH trong Gia đình Giáo phận, và đồng thời mở CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT, biểu trưng qua việc mở Cửa Thánh Nhà thờ Chính tòa Giáo phận.

MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức Giám mục mở cửa Nhà thờ đánh dấu việc khai mạc Năm Thánh Mở Cửa Lòng Thương xót: Hãy mở các cửa công chính, chúng ta sẽ tiến vào và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. (x. Tv 118, 19)

Toàn thể cộng đoàn hân hoan vỗ tay reo mừng. Chuông Nhà thờ đổ liên hồi. Kèn đồng, chiêng trống nổi lên rộn rã. Các em thiếu nhi thả bong bóng theo gió bay bổng lên trời cao trong xanh bao la...

Đức Giám mục xướng: Đây là cổng Nhà Chúa, chúng ta hãy bước qua cổng và nhận lãnh lòng thương xót và ơn tha thứ.

Chúa phán: Tôi là cửa, ai qua Tôi mà vào, sẽ được cứu độ. Người ấy sẽ ra vào và tìm thấy đồng cỏ.

ĐI VÀO CỬA NHÀ THỜ

Đoàn rước theo sau Đức Giám mục đi qua cửa chính của Nhà thờ. Điều này mang một ý nghĩa đặc biệt hướng về Chúa Kitô (x. Ga 10, 7.9) và được coi như là Cửa của Lòng Thương Xót, là điểm luôn phải ghi nhớ trong Năm Thánh ngoại thường này. Chúa Kitô là Cửa duy nhất mọi người phải đi qua để được cứu độ (x. Ga 1o, 9), và đến với Chúa Cha (Ga 14, 6). Bất cứ ai bước vào qua Cửa Lòng Thương Xót, “sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng”.

4. NHẮC LẠI BÍ TÍCH RỬA TỘI VÀ LẬP LẠI LỜI HỨA

Bí tích Rửa tội là cửa ngõ qua đó người ta được gia nhập cộng đoàn Giáo Hội. Việc làm phép nước và rảy nước trên cộng đoàn là một nhắc nhở sống động về bí tích này. Thật vậy, Rửa tội là “bí tích đầu tiên của Luật Mới, qua đó, ai vững vàng tin theo Chúa Kitô và lãnh nhận Thần khí nghĩa tử sẽ được gọi và thực sự là nghĩa tử của Thiên Chúa. Khi đã được liên kết với sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, họ trở nên chi thể của Thân thể Người. Và khi được xức dầu Thánh Thần, họ trở thành đền thờ của Thiên Chúa và là thành viên của Hội Thánh, thuộc về ‘dân tuyển chọn, chức linh mục hoàng vương, về dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’” (Sách các chúc lành, số 1080).

Đức Giám mục rảy nước thánh trên mình, trên các vị đồng tế, các thừa tác viên, sau đó đi xuống lòng nhà thờ để rảy trên cộng đoàn.

Xin dùng cành hương thảo rảy nước trên con thì con được sạch, xin rửa con, thì con sẽ nên trắng hơn tuyết.

5. CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Cao điểm của nghi thức này là việc Thiên Chúa thánh hóa nhân loại trong Chúa Kitô, và việc phụng tự mà nhân loại dâng lên Chúa Cha để nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa và trong Chúa Thánh Thần mà tôn thờ Chúa Cha – nên cử hành Thánh Thể phải là cao điểm của việc khai mạc Năm Thánh. Trong Thánh Thể, Chúa Cha động lòng thương xót, vội vã đến gặp những ai đang tìm kiếm Ngài với “tâm hồn thành thật”, và không ngừng hiến tặng cho nhân loại giao ước của Ngài, đồng thời ban cho chúng ta được nếm thử hương vị vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa, “ở đó, cùng với muôn loài thọ tạo đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết, muôn đời chúng ta được tôn vinh Thiên Chúa là Cha” (Kinh nguyện Thánh Thể IV).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Sau các bài đọc (Xp 3, 14-18a; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18), Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Đặc biệt trong năm thánh Lòng Thương Xót, chúng ta không chỉ cho đi những thứ chúng ta dư thừa, mà phải cho đi những thứ mà anh em chúng ta đang cần. Trong tâm tình mùa vọng, anh em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần, Đấng giàu lòng thương xót. (Mời nghe Bài giảng)

NGHI THỨC KẾT LỄ

Trước khi ban phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Giám mục chủ tế mời gọi:

Anh chị em thân mến,

Trong Năm Thánh Lòng Thương xót này, hiệp lời với ĐTC Phanxicô: “Tôi mong muốn biết bao rằng: nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các Giáo xứ và các Cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm” (Sứ điệp Mùa Chay 2015).

Vậy trước khi về với cuộc sống đời thường, tôi xin mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, hãy nhớ rằng NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT được mở ra là một động lực cho hoán cải: bằng cách vượt qua ngưỡng Cửa Thánh, lãnh nhận nguồn ân sủng qua các bí tích, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và hiến mình cho lòng thương xót tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta. Đồng thời, hãy thể hiện những hoạt động qua việc thực thi 14 mối thương người: thương xác bảy mối: đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết.

Cùng thực hiện việc thương linh hồn bảy mối: đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Xin chúc anh chị em sẵn sàng lên đường ra đi thi hành sứ vụ và thực thi Lời Chúa dạy: “Các con hãy thương xót như Chúa Cha” (Lc 6, 36).

Giờ đây, chúng ta hãy hướng tâm trí về Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót. Nguyện xin ánh mắt xót thương của Mẹ dõi theo chúng ta suốt Năm Thánh này, để tất cả chúng ta tái khám phá niềm vui nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

VIDEO do BAN VHTT-GP.BMT thực hiện:

 

Mời xem HÌNH ẢNH

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây