Mở đầu video Đức Thánh Cha đề cao sự tận tuỵ và quảng đại của các nhân viên y tế, các tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ, các linh mục và tu sĩ nam nữ trong đại dịch. Nhưng ngài đặc biệt lưu ý rằng đại dịch cũng cho thấy những yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe và sự bất bình đẳng trong việc được điều trị đầy đủ.
Theo báo cáo “Health at a Glance 2021” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tình trạng chăm sóc sức khỏe không đầy đủ đã ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh. Trong số các yếu tố khác nhau góp phần ảnh hưởng, việc thiếu nhân viên y tế còn hạn chế hơn số giường bệnh hoặc trang thiết bị kỹ thuật.
Lý do của sự hạn chế này, theo Đức Thánh Cha, “thường là do quản lý tài nguyên không tốt và thiếu cam kết chính trị nghiêm túc.” Do đó ngài nhắc nhở các chính phủ của tất cả các quốc gia trên thế giới “đừng quên rằng một dịch vụ y tế tốt và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, là một ưu tiên.”
Ngoài khía cạnh tổ chức, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng việc chăm sóc sức khỏe trước hết phụ thuộc vào “những người nam nữ cống hiến cuộc đời mình để chăm sóc sức khỏe người khác,” như chúng ta đã thấy trong đại dịch.
Trong video ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha có hình ảnh nói về sự dấn thân của các nhân viên y tế trong các sáng kiến khác nhau trên thế giới: Chiến dịch “một vắc xin cho chúng ta” và “Bà mẹ và trẻ em trước hết” của Tổ chức Bác sĩ với Châu Phi (CUAMM); Dự án của AVSI ở Uganda để đưa phụ nữ mang thai đến bệnh viện bằng xe máy; công việc của tu sĩ dòng Thánh Gioan Thiên Chúa ở nhiều quốc gia khác nhau; công việc chăm sóc bệnh nhân của các tu sĩ dòng thánh Camillo ở Thái Lan và ở Brazil;vv. Tiến sĩ Erik Jennings Simões cũng xuất hiện trong video này. Trong hai mươi năm, ông đã phục vụ những người dân bản địa ở vùng Amazon của Brazil, nơi ông đã mang đến dịch vụ phẫu thuật thần kinh đầu tiên.
Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe, là những người phục vụ bệnh nhân và người cao tuổi, đặc biệt trong các quốc gia nghèo nhất; xin cho họ được hỗ trợ thích đáng từ các chính phủ và cộng đồng địa phương.” (CSR_1455_2022).
Hồng Thủy - Vatican News