TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6/4/2022

Thứ tư - 06/04/2022 19:53 | Tác giả bài viết: |   1129
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến sự chào đón quảng đại của dân tộc Malta, như họ đã chào đón thánh Phaolô
Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6/4/2022

ĐTC Phanxicô: Malta - phòng thực nghiệm hoà bình

Đức Thánh Cha vừa kết thúc chuyến viếng thăm Malta trong hai ngày, từ 2-3/4/2022. Do đó, trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6/4/2022, ngài chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI về cuộc viếng thăm này. Ngài khen ngợi Malta là "phòng thực nghiệm hoà bình", là quốc gia đi đầu trong nỗ lực đáp lại vấn đề di cư.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến sự chào đón quảng đại của dân tộc Malta, như họ đã chào đón thánh Phaolô và các bạn đồng hành của ngài với “lòng nhân đạo hiếm có” khi thánh nhân và các bạn bị đắm tàu gần Malta vào năm 60. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại những sự kiện trong chuyến tông du của ngài: tại Hầm thánh Phaolô, ngài cầu nguyện cho sự canh tâm tinh thần truyền giáo nổi bật của Giáo hội Malta; tại đền thánh Đức Mẹ Ta' Pinu, ngài suy tư về lòng sùng kính Đức Mẹ của người dân Malta...

Và Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý rằng lịch sử cũ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn hơn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay bất chấp những nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài sau Thế chiến thứ hai. Cuộc chiến ở Ucraina ngày nay cho chúng ta thấy sự bất lực của Liên Hợp quốc và là nơi lý luận của kẻ mạnh thắng thế.

Với lòng nhân đạo hiếm có

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Bảy và Chúa Nhật tuần trước, tôi đã thăm Malta: một chuyến Tông du đã được lên kế hoạch từ khá lâu; nó bị hoãn lại hai năm vì Covid-19... Không nhiều người biết về Malta, dù nó là một hòn đảo ở giữa Địa Trung Hải. Nó đón nhận Tin Mừng từ rất sớm vì thánh tông đồ Phaolô bị đắm tàu gần bờ biển và ngài cùng với tất cả những người trên tàu với ngài - hơn 270 người - đã được cứu sống một cách kỳ diệu. Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng người Malta đã chào đón tất cả họ “với lòng nhân đạo hiếm có” (28,2). Đây là điều quan trọng, đừng quên nó: “với lòng nhân đạo hiếm có.” Tôi đã chọn chính những từ này - với lòng nhân đạo hiếm có - làm khẩu hiệu cho chuyến đi của tôi bởi vì đây là những lời chỉ ra con đường phải đi theo, không chỉ để đối mặt với hiện tượng người di cư, mà nói chung, để thế giới có thể trở nên huynh đệ hơn, đáng sống hơn và có thể được cứu khỏi một “con tàu đắm” đe dọa tất cả chúng ta. Vì tất cả chúng ta - như chúng ta đã học biết - ở trên cùng một con thuyền. Nhìn từ quan điểm đó, Malta là một địa điểm quan trọng.

Sự bất lực của các Tổ chức Quốc tế

Trên tất cả, nó cũng quan trọng về mặt địa lý, do vị trí của nó nằm ở trung tâm của Biển giữa Châu Âu và Châu Phi, nhưng cũng nối với Châu Á. Malta là một loại “hoa hồng gió”, nơi các dân tộc và các nền văn hóa gặp gỡ nhau. Đó là một nơi hoàn hảo để quan sát khu vực Địa Trung Hải từ góc nhìn 360 độ. Ngày nay chúng ta thường nghe nói về “địa chính trị”. Nhưng thật không may, lối lý luận chi phối lại là các chiến lược của các quốc gia hùng mạnh nhất nhằm khẳng định lợi ích của chính họ, mở rộng khu vực ảnh hưởng về kinh tế, ý thức hệ và quân sự của họ; chúng ta đang thấy điều này trong chiến tranh. Trong sơ đồ này, Malta đại diện cho quyền và sức mạnh của các quốc gia “nhỏ”, nhỏ nhưng giàu lịch sử và văn minh, những nước sẽ dẫn đến một lối lý luận khác - đó là tôn trọng và tự do, cùng tồn tại những khác biệt, trái ngược với sự thực dân hóa của hầu hết những nước mạnh mẽ nhất. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nỗ lực đã được thực hiện để đặt nền móng cho một kỷ nguyên hòa bình mới. Nhưng, thật không may, chúng ta không học được. Lịch sử cũ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại tiếp diễn. Và, trong cuộc chiến ở Ucraina hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các Tổ chức Quốc tế.

Mỗi người di cư là một người với phẩm giá, có cội nguồn, có văn hóa

Đức Thánh Cha chia sẻ về khía cạnh thứ hai: “Malta là một địa điểm trọng yếu liên quan đến hiện tượng di cư. Tại trung tâm chào đón Gioan XXIII, tôi đã gặp rất nhiều người di cư, những người đã đến đảo sau những hành trình khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ được mệt mỏi khi lắng nghe những chứng từ của họ vì chỉ có cách này, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi một tầm nhìn méo mó thường được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và khuôn mặt, câu chuyện của họ, vết thương của họ, ước mơ và hy vọng của họ có thể xuất hiện. Mỗi người di cư là độc nhất, không phải là một con số, nhưng là một con người; họ là độc nhất, như chúng ta. Mỗi người di cư là một người với phẩm giá, có cội nguồn, có văn hóa. Mỗi người trong số họ là những người mang lại sự giàu có vô hạn, lớn hơn những vấn đề mà việc chào đón họ có thể gặp phải. Và đừng quên rằng châu Âu được hình thành từ các đợt di cư.

Toàn bộ Malta là một phòng thực nghiệm cho hòa bình

Chắc chắn, việc đón tiếp họ phải được tổ chức, được giám sát; và trước tiên, nó phải được lên kế hoạch cùng nhau, ở cấp độ quốc tế. Hiện tượng di cư không thể được giảm xuống thành một cuộc khủng hoảng; nó là một dấu hiệu của thời đại của chúng ta. Nó nên được đọc và giải thích như vậy. Nó có thể trở thành một dấu hiệu của xung đột, hay đúng hơn là một dấu hiệu của hòa bình. Nó phụ thuộc vào chúng ta. Những người đã dành cuộc đời cho Trung tâm Gioan XXIII ở Malta đã thực hiện lựa chọn Kitô giáo. Đây là lý do tại sao nó được gọi là “Peace Lab”: Phòng thực nghiệm hòa bình. Nhưng tôi muốn nói rằng toàn bộ Malta là một phòng thực nghiệm cho hòa bình! Và nó có thể thực hiện được sứ mạng này nếu, từ cội nguồn của mình, nó rút ra được nhựa sống của tình huynh đệ, lòng trắc ẩn và sự liên đới. Người Malta đã tiếp nhận những giá trị này, cùng với Phúc Âm. Và, nhờ Phúc Âm, họ sẽ có thể giữ cho những giá trị này tồn tại.

Vì lý do này, với tư cách là Giám mục của Roma, tôi đã đi để củng cố dân tộc đó trong đức tin và hiệp thông.

Loan báo Tin Mừng

Khía cạnh thứ ba của vị trí quan trọng của Malta là loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói: Từ Malta và từ Gozo, hai giáo phận của đất nước, nhiều linh mục và tu sĩ, nhưng thậm chí cả giáo dân đã ra đi để mang chứng tá Kitô của họ trên khắp thế giới. Nó như thể là thánh Phaolô đã để lại sứ mạng trong DNA của người Malta! Vì lý do này, chuyến thăm của tôi trên hết là một hành động biết ơn - lòng biết ơn đối với Chúa và dân tộc thánh thiện, trung thành của Người ở Malta và Gozo.

Tái loan báo Tin Mừng

Tuy nhiên, làn gió của chủ nghĩa thế tục, của một nền văn hóa giả toàn cầu hóa dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tân tư bản và chủ nghĩa tương đối cũng thổi đến đó. Vì vậy, bây giờ cũng là thời tái loan báo Tin Mừng ở đó. Giống như những người tiền nhiệm của tôi, chuyến thăm mà tôi thực hiện đến Hầm thánh Phaolô giống như một sự kín múc từ nguồn mạch để Tin Mừng có thể chảy tràn qua Malta với sự tươi mới của các nguồn gốc của nó và làm sống lại di sản vĩ đại của lòng đạo đức bình dân. Điều này được biểu tượng trong Đền thánh Đức Mẹ Quốc gia Ta’ Pinu trên đảo Gozo, nơi chúng tôi đã cử hành một giờ cầu nguyện sốt sắng. Ở đó, tôi nghe thấy nhịp đập trái tim của người Malta, những người hết lòng tin tưởng vào Thánh Mẫu. Mẹ Maria luôn đưa chúng ta trở về với những điều cốt yếu, với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại vì chúng ta, với tình yêu thương xót của Người. Mẹ Maria giúp chúng ta làm sống lại ngọn lửa đức tin bằng cách đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, ngọn lửa làm sinh động lời loan báo Tin Mừng cách vui tươi từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì niềm vui của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng! Chúng ta đừng quên câu nói này của Thánh Phaolô VI: ơn gọi của Giáo hội là loan báo Tin Mừng; niềm vui của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. Chúng ta đừng quên rằng đó là định nghĩa đẹp nhất của Giáo hội.

Tri ân

Nhân cơ hội này tôi gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Cộng hòa Malta, một người rất tốt bụng và một người anh em: cảm ơn ông và gia đình ông; cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan dân sự khác, những người đã tiếp đón tôi rất ân cần; cũng như cám ơn các Giám mục và tất cả các thành viên của cộng đoàn Giáo hội, các tình nguyện viên và tất cả những người đã đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện.

Tôi không muốn bỏ qua Trung tâm Tiếp đón người di cư Gioan XXIII: ở đó, tu sĩ dòng Phanxicô [Cha Dionisio Mintoff], người đã 91 tuổi vẫn tiếp tục công việc, và vẫn tiếp tục làm việc như vậy, với các cộng tác viên từ giáo phận. Đó là một ví dụ về lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu đối với người di cư, mà ngày nay rất cần. Thực tế, với cuộc viếng thăm này, chúng ta gieo hạt, nhưng chính Chúa mới là người làm cho nó lớn lên. Xin lòng nhân hậu vô biên của Người ban dồi dào hoa trái bình an và mọi điều tốt lành cho dân tộc Malta thân yêu! Cảm ơn dân tộc Malta vì sự tiếp đón của họ, rất nhân văn, rất Kitô giáo. Cảm ơn rất nhiều.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây