Đức Adriano VI sinh tại Utrecht, ngày nay thuộc Hà Lan, đã làm gia sư cho Hoàng đế tương lai Carlo V. Ngài được bầu làm Giáo hoàng với tư cách là một ứng cử viên thỏa hiệp giữa hai phía hồng y cạnh tranh là Pháp và Tây Ban Nha. Ngài lãnh đạo Giáo hội trong vòng chưa đầy hai năm.
Đức Thánh Cha nói với các linh mục về triều đại Giáo hoàng ngắn ngủi của của Đức Adriano VI (1522-1523) và di sản mà ngài để lại: “Ngài tìm cách cổ võ trên hết là sự hòa giải trong Giáo hội và thế giới, áp dụng những lời của thánh Phaolô, trong đó, Thiên Chúa đã giao phó sứ vụ hòa giải cho các Tông đồ.”
Triều đại giáo hoàng của Đức Adriano VI được đánh dấu bằng cuộc Cải cách Tin lành và mối đe dọa về các cuộc chinh phục tiếp theo của đế quốc Ottoman ở phía đông.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng vị tiền nhiệm của ngài đã nỗ lực hòa giải với các tín đồ Tin Lành Luther, và thậm chí còn công khai cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của các thành viên của Giáo triều Roma, điều đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong Giáo hội. Ngài cũng tìm kiếm mối quan hệ hòa hợp giữa các nhà cầm quyền Pháp và Tây Ban Nha để chống lại mối đe dọa từ quân đội Ottoman.
Dù Đức Adriano VI không thể hoàn thành những dự án vì qua đời sớm, nhưng theo Đức Thánh Cha, “chứng tá của ngài, một người làm việc không biết sợ và không mệt mỏi vì đức tin, công lý và hòa bình vẫn ghi dấu ấn trong ký ức của Giáo hội.” Ngài đã nêu gương đó cho các linh mục Đức ngay cả ngày nay, cung cấp động lực cho ơn gọi của họ như là các tôi tớ của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha cầu xin Chúa nâng đỡ sứ vụ của các linh mục, và dẫn họ đến một đức tin ngày càng bắt nguồn từ tình yêu thương của Người, sống với niềm vui và sự cống hiến. Theo gương của Đức Adriano VI trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa giải, Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục hãy đi theo con đường của Đức Adriano, đặc biệt với tư cách là các thừa tác viên của Bí tích Sám hối.”
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện bằng cách nhắc nhở các linh mục cần lắng nghe những lời xưng tội với tình yêu thương, sự khôn ngoan và lòng thương xót. Ngài nói: “Đây là điều quan trọng. Nhiệm vụ của cha giải tội là tha thứ chứ không phải tra tấn. Hãy nhân từ, hỡi những người tha thứ vĩ đại, đó là điều Giáo hội muốn nơi anh em.” Ngài nói rằng tất cả những tôi tớ tốt của ơn tha thứ của Chúa Giêsu Kitô phải biết cách “tha thứ cho người khác, thương xót trong các mối quan hệ của mình, và trở thành người của hòa bình và hiệp thông.” (CSR_1491_2022).
Hồng Thủy - Vatican News