TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ Tạ ơn 3 Tân Linh Mục (26. 9. 2014)

Thứ sáu - 04/06/2021 00:09 | Tác giả bài viết: LM. Antôn Vũ Thanh Lịch |   2593
Bài giảng lễ Tạ ơn 3 Tân Linh Mục (26. 9. 2014)

Bài giảng lễ Tạ ơn 3 Tân Linh Mục (26. 9. 2014)

- Phaolô Lưu Văn Phan
- Antôn Dương Văn Thảo
- GB. Nguyễn Quốc Thuần

Kính thưa cộng đoàn,

Trước khi có đôi lời chia sẻ trong thánh lễ Tạ ơn hôm nay, tôi xin kể lại câu chuyện tôi đọc được trên trang điện tử GP. BMT. Tác giả bài viết là cha Giuse Nguyễn Văn Nghĩa, chánh xứ Phúc Lộc, nguyên Phó xứ Châu Sơn. Cha Nghĩa kể câu chuyện mà ngài nghe được từ một nữ tu bề trên. Nữ tu này dự lễ Tạ ơn của một tân Linh Mục ở Pleiku. Trong thánh lễ, cha Nguyễn Văn Đông, Tổng đại diện GP. Kontum là nghĩa phụ của Tân Linh mục, lợi dụng bầu khí thánh thiêng để nói thân tình với người con Linh mục, sợ mai này cha con là anh em bình đẳng, khó có thể nói thẳng nói thật với nhau… Cha Đông nói: “Cha đã là Linh mục, xin cha lưu ý kẻo bị cám dỗ “LÀM” ba điều này:

- Làm biếng: lười cử hành các bí tích
- Làm tiền: lo kiếm tiền để vừa XÂY vừa CẤT
- Làm tàng:  làm cha thiên hạ, muốn nói, muốn làm gì, chẳng nể ai…

Sau đó, cha Nghĩa làm Mao-tôn-Cương bình giải thêm…

Câu chuyện có vẻ như bịa, nhưng có thật!

Bài chia sẻ của tôi hôm nay, không phải chỉ nói với các Tân linh mục - các ngài vừa là nghĩa tử, vừa là học trò của chúng tôi - mà còn nói với chính chúng tôi. Trong ba cám dỗ (và nhiều cám dỗ khác), cha Đông lưu ý, có thể chúng tôi cũng có điều này và điều khác, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có…

Kính thưa cộng đoàn,

ĐGH Phanxicô đã cử hành lễ Dầu đầu đời Giáo hoàng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma ngày 28. 03. 2013. Bài giảng lễ Dầu của ngài đã gây ấn tượng sâu sắc và liên quan trực tiếp đến các linh mục. Dựa vào ý tưởng của ngài, tôi xin chia sẻ:

I. Linh mục được xức Dầu là VÌ người khác và CHO người khác

Trong bài giảng (lễ Dầu năm 2013), Đức Phanxicô đã dựa vào bài đọc và Thánh vinh 132 để nói đến ba vị được xức Dầu. Đó là: một Tiên tri, Vua Đavít và Chúa Giêsu. Ba vị này đã được xức Dầu  để rồi xức Dầu cho dân của Thiên Chúa, xức Dầu cho nghèo, người bị giam cầm, người bị áp bức… Nói tóm lại là xức Dầu cho người khác. ĐGH nhắc đến cả câu 2 của Thánh vịnh 132, nói về “Dầu thơm quí giá xức trên đầu lan xuống râu, xuống cổ Ông Aaron, và loang xuống cả gấu áo của Ông”. Ngài giải thích rằng, hình ảnh Dầu lan xuống râu, xuống gấu áo chầu của Ông Aaron, là hình ảnh Dầu thánh được xức cho linh mục, do bí tích xức Dầu thánh, phải được lan tràn qua người được xức Dầu, xuống tới áo mặc, nghĩa là tới ngoại vi biên giới với trần gian. Đức Phanxicô gợi nhớ đến câu chuyện Đức Giêsu – người được Thiên Chúa xức Dầu – đã ra đi, xuống đường với ông Trưởng Hội đường Do-thái, hòa mình với đám đông chen lấn… Người đã tạo cơ hội cho một phụ nữ bị bệnh băng huyết nặng đã 20 năm trời chạy chữa mà không khỏi. Bà tự nhủ : nếu tôi sờ được vào áo của Người thôi, ắt là sẽ được cứu. Bà đã lách qua đám đông, đến phía sau để sờ vào áo Người. Và bà đã được khỏi bệnh. Còn Đức Giêsu thì cảm thấy có năng lực từ nơi mình phát ra. Năng lực của Dầu thiêng liêng Người mang vào mình, đã lan ra tới gấu áo người để chữa lành cho bà (Lc 8, 43-48).

Vì thế, ngày nay, khi ĐGH cùng với 8 vị Hồng Y cố vấn, họp bàn để cải tổ Giáo Hội, các ngài đã chọn ra 9 ưu tiên, mà ưu tiên số 1 (để cải tổ canh tân) là phải chấm dứt lối sống giáo sĩ trị. Đó là lối sống lợi dụng được xức Dầu phong chức, để có quyền bính, có bổng lộc cho bản thân mình mà thôi, mà không nghĩ phải quan tâm đến người khác. (x. Tuần báo CG&DT số 1973, tr. 13, ĐTGM Bùi Văn Đọc trả lời phỏng vấn với đài RFA, về sự trưởng thành của giáo hội Hàn quốc và giáo hội Việt Nam).

Các ngài còn chọn ưu tiên số 2 là đi ra ngoại biên, nghĩa là chấm dứt lối sống thu mình trong phòng thánh, trong nhà xứ, trong giáo xứ, để đi ra tới vùng ngoại biên, giáp ranh với người khác. Ngài đả phá các cha xứ thích chải lông cho chiên lành sạch và không thích đi tìm những chiên ghẻ, chiên lạc. Ngài muốn giáo hội đi ra khỏi chính mình, đi tới  những người không lui tới giáo hội, rời bỏ giáo hội, thờ ơ với giáo hội. Ngài ước mong chúng ta đi ra khỏi chính mình, đem Phúc Âm đến cho người khác, trao ban chút Dầu mà chúng ta được xức, cho những ai chưa có được tí xíu nào.

Dầu thơm quí giá được xức trên đầu Ông Aaron, không chỉ làm cho thơm bản thân Ông mà đã loang cho tới vùng ngoại biên là gấu áo chầu. Chính Đức Giêsu đã nói rõ ràng về mình rằng: “Người được xức Dầu là để trao ban cho người nghèo, người bị giam cầm, người mù, người bị áp bức, bệnh tật và những ai sầu khổ, cô đơn. Còn Đức Phanxicô nhắc nhở rằng: việc xức Dầu không chỉ làm thơm cho bản thân chúng ta, cũng không phải để chúng ta giữ gìn trong bình. Làm như thế, Dầu sẽ bị ôi, bị hôi, bị khét… còn trái tim chúng ta thì héo hắt, đắng cay, tù túng.

II. Được xức Dầu là có quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu

Trong bài giảng lễ sáng 11. 01. 2014, tại Nguyện  đường nhà trọ Thánh Matta, Đưc Phanxicô đã diễn giải bài đọc thư thứ I của Thánh Gioan, nói về quan hệ tình nghĩa của linh mục với Đức Giêsu “Linh mục chân chính là người được Thiên Chúa xức Dầu để phục vụ Dân Chúa”. Linh mục được xức Dầu là có quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu, khi thiếu quan hệ này, thì linh mục trở thành người không còn được xức Dầu nữa, mà trở thành người thờ ngẫu tượng, thờ vị thần là cái TÔI của mình. Như thê, Đức Phanxicô cho thấy việc linh mục được xức Dầu, là để có quan hệ nghĩa tình với Đức Giêsu. Không phải tự động do việc xức Dầu bề ngoài mà có, nhưng do việc xức Dầu mang ý nghĩa là trao ban Ân Sủng của Thiên Chúa cho linh mục. Dầu ấy có ý chỉ Dầu thơm hoặc hương thơm của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức Dầu. Hương thơm hay mùi thơm của sự thánh thiện.

Ai cũng biết Dầu chỉ là một chất nhờn, không hòa tan trong nước, và nhẹ hơn nước, lấy từ nguồn thực vật, động vật hay khoáng vật, có thể dùng để ăn, để chữa bệnh, thắp đèn, chạy máy… Trong bí tích Xức Dầu Thánh, giáo hội thường dùng dầu ôliu để chỉ SỰ HOAN LẠC, chỉ dầu ban SỨC MẠNH, DẦU CỦA CHÚA THÁNH THẦN, Dầu tình nghĩa của Đức Giêsu. Giáo Hội dùng Dầu ấy để xức cho Giám mục, Linh mục… Các ngài được xức Dầu để có thể xức Dầu lại cho người khác, cho dân Chúa. Đức Phanxicô nói : người ta nhận ra một linh mục chân chính, tốt lành, tùy theo cách ngài xức DẦU CHO DÂN MÌNH.

Khi các tín hữu nhận được Dầu hoan lạc, thì ta có thể thấy ngay, khi họ tham dự lễ về với nét mặt vui tươi của những người vừa được nghe Tin Vui – Phúc Âm – Lời Chúa. Kitô hữu đánh giá Phúc Âm mà một linh mục loan báo cho họ có Dầu hay không, khi Phúc Âm đụng chạm đến đời sống ngoại vi đời thường của họ, khi Phúc Âm soi sáng những hoàn cảnh, những biên giới mà tín hữu phải đối phó, trước những tấn công của kẻ thù muốn phá hoại Đức tin của họ. Kitô hữu biết ơn các linh mục, khi họ cảm thấy được rằng các ngài cầu nguyện cho những thực tại của đời họ: Đó là những vất vả và vui mừng, những lo âu và hi vọng. Và khi họ cảm nghiệm được mùi thơm của Dầu Thánh đến với họ, xuyên qua các linh mục, họ sẽ được khuyến khích để bộc lộ với các ngài những vui buồn, khắc khoải, nhu cầu thiêng liêng, vật chất. Đó chính là Dầu đã lan ra tới ngoại vi gấu áo, mang năng lực chữa lành cho người khác.

III. Những linh mục có Dầu và những linh mục không có Dầu

1. Những linh mục có Dầu: là những linh mục chân chính, được Thiên Chúa xức Dầu để phục vụ Dân Chúa. Là nhưng linh mục có quan hệ thân tình với Thiên Chúa và với mọi người. Ơn Chúa sẽ qua các ngài là những người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Phanxicô nói lên ước mong của các tín hữu, là được đón nhận Dầu thơm mà họ biết rằng các ngài đang mang vào mình, và ngài xin các linh mục phải là những chủ chăn mang vào mình mùi chiên. Đó là các chủ chiên “sống giữa đàn chiên của mình và là người thu phục người ta” (Mt 4, 19), là người cứu sống người ta (Lc 5, 10), là người sống  như có Đức Kitô sống trong mình (Gl 2, 20). “Mang vào mình mùi chiên” là tư tưởng gây sửng sốt nhiều người. Đức cha An-Phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa, đã chọn câu trên làm châm ngôn cho đời giám mục của ngài. Ngài giải thích: “chiên ở đây trước hết là chính Đức Giêsu - Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Rồi xác định: “mình phải thấm đẫm mùi Chiên Giêsu, thánh thiện, tốt lành, khiêm nhu, yêu thương, phục vụ…”. Sau mới là chiên của mình. Có chiên ngoan, có chiên lạc, có chiên ghẻ và mang đủ thứ mùi… Ở giữa đàn chiên, thấm đẫm mùi chiên là biết lắng nghe, cảm nhận để đưa vào lời cầu nguyện hằng ngày của mình những vất vả, lo âu trong đời thường của họ, và để trao ban chính mình, trao ban Phúc Âm, trao ban cả chút xíu Dầu  xức, mình đang có cho họ.

2. Những linh mục không còn Dầu:  Đức Phanxicô còn gọi là những linh mục đã hết Dầu, khô Dầu, giải Dầu (khử Dầu), không còn Dầu nữa. Các linh mục này gây tai hại cho Giáo Hội. Họ coi sức mạnh của họ ở nơi những điều hời hợt, phù phiếm, đạo đức giả, háo danh… Khi không còn mùi chiên Giêsu nữa, họ phải tìm bù trừ tình trạng đó bằng những cách sống khác, chẳng hạn: linh mục áp phe, linh mục doanh nhân, linh mục sống hai mặt, nước đôi, chân trong, chân ngoài (chân ngoài dài hơn chân trong). Hoặc bù trừ Dầu thơm Giêsu bằng mùi các nước hoa đắt tiền. Đức Phanxicô còn nói thêm trong bài giảng lễ Truyền Dầu rằng: Một linh mục hết Dầu, khô Dầu, giải Dầu, hoặc không ra đi để xức Dầu, không còn sống VÌ và CHO người khác, thì linh mục đó đã đánh mất đi cái tốt nhất của dân minh, cái đó có thể thắp sáng con tim mình từ thẳm sâu. Đó là LÒNG BIẾT ƠN, lòng biết ơn phát xuất từ con tim của dân mình. Cho nên, thay vì các linh mục là người trung gian (médiateur) thì dần biến thành mối lái (intermédiaire) buôn bán, chạy chọt. Có người trở thành sưu tầm đồ cổ hay đồ mới. Họ không còn là chủ chăn mang vào mình mùi chiên. Họ đã được hưởng lợi lộc, chẳng được nhớ ơn. HỌ MANG NHIỀU MẶC CẢM, CÔ ĐƠN, BUỒN THẢM…

Kết thúc bài giảng, Đức Phanxicô nói: Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mạng sống mình như là một linh mục, và dân chúng nói về những vị ấy: Cha này, cha kia khó tính, nhưng đó là một linh mục chân chính. Dân chúng đánh hơi giỏi lắm. Trái lại, khi thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục, thay vì có Đức Giêsu, lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái THẦN TÔI của mình. Thấy các linh mục như thế, dân chúng nói: Thật là một kẻ tội nghiệp!!!

KẾT:

Kính thưa cộng đoàn,

Lễ Dầu là lễ của mọi Kitô hữu. Những người mang tên Đức Kitô, là bạn của Đức Kitô, Đấng được xức Dầu. Giáo dân được xức Dầu Thánh hai lần, giáo sĩ còn được xức nhiều lần hơn… Được xức Dầu Thánh để phục vụ Đức Kitô, để vì người khác và cho người khác. Kitô hữu giáo sĩ cần ý thức và ghi nhớ thật sâu sắc, rõ ràng về căn tính của mình, để lúc nào cũng mang trong mình Mùi của Đức Kitô, mùi của chiên trong đàn chiên, sống như Đức Kitô sống trong mình. Điều cứu chúng ta thoát khỏi những sự trần tục, khỏi sự thờ thần tượng khiến chúng ta bị giải Dầu, chính là quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu Kitô. Thà đánh mất mọi sự trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất quan hệ tình nghĩa này với Đức Giêsu Kitô. Đó chính là chiến thắng của chúng ta.

LM. Antôn Vũ Thanh Lịch - Quản xứ GX. Dũng Lạc

 Tags: Tân Linh Mục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây