TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng LỄ TRUYỀN DẦU –2016

Thứ sáu - 04/06/2021 03:51 | Tác giả bài viết: Lm Phêrô Trần Ngọc Anh |   1387
Bài giảng LỄ TRUYỀN DẦU –2016

Bài giảng LỄ TRUYỀN DẦU – Đồng Xoài, Bình Phước
Lc 4,16-21

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu thánh hiến tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ.
Những lời trên đây là của tiên tri Isaia. Trong Hội đường Nagiarét, Đức Giêsu đã đọc lại những lời này và nói thêm: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Như thế, khi đọc lại và áp dụng cho mình những lời tiên báo trên, Đức Giêsu đã công khai loan báo sứ mạng của Ngài, sứ mạng của Đấng Messia được Thiên Chúa sai đến để cứu độ trần gian. Ơn Thánh Thần và việc xức dầu thánh hiến (tức sự diễn tả ơn Thánh Thần) này đã trải rộng sứ mạng được sai đi đến toàn thể Giáo Hội, điều sẽ biểu lộ cách tỏ tường trong ngày lễ Ngũ tuần, khi Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ, dưới hình lưỡi lửa. Kể từ biến cố đó, tất cả chúng ta, những người được xức dầu thánh, đều tham gia vào sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì vậy, Dầu Thánh, Dầu mà Đức Giám Mục sẽ làm phép lát nữa đây, biểu lộ và hiện thực hóa việc xức dầu thánh hiến Đức Giêsu; và như thế, giúp chúng ta trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh. Chúng ta được liên kết với sứ mạng của Ngài không phải bằng ý hướng nhưng bằng chính cuộc sống, với những hành động đầy tự do của chúng ta. Qua việc được xức dầu thánh hiến - những ai đã lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, cũng như tất cả các giám mục, linh mục- tất cả chúng ta đều trở nên những người loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, -bằng nhiều cách thế khác nhau- đã nhắc lại cho chúng ta rằng Giáo Hội không thể nhận ra được căn tính đích thực của mình và sống cái căn tính đó, (1) nếu như Giáo Hội không biết liên lỉ quy hướng về trung tâm của đời sống Giáo Hội là chính Chúa Kitô, và (2) nếu như Giáo Hội không để cho tình yêu Thiên Chúa, tình yêu con người đưa mình đến với nhân loại, đang mong chờ Tin mừng, cả khi họ không ý thức. Tất cả những ai đã may mắn gặp được Đức Kitô cách thật sự, thì niềm vui Tin Mừng sẽ tràn ngập tâm hồn họ, đời sống họ, và tất sẽ thôi thúc họ đến với người khác. Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha nhắc, người tín hữu chúng ta đừng loan báo Tin mừng trên đầu môi chót lưỡi, nhưng phải bằng cả con người, nhất là bằng chứng tá đời sống.

Mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận chúng ta đã và đang thực hiện điều Đức Thánh Cha kêu gọi. Vào năm 2000, giáo phận chúng ta chỉ mới có 4 giáo hạt, 81 giáo xứ mà nay đã là 8 giáo hạt, 105 giáo xứ, và 71 giáo họ. Con số giáo dân nay đã lên đến 422.000 người, trong đó có hơn 90.000 anh em dân tộc, chiếm 1/5 số giáo dân. Người Công giáo nay chiếm tỉ lệ 14,7% dân số trong địa bàn giáo phận. Phải nói đó là một kết quả khả quan (tuy nhờ tác động không nhỏ của những đợt di dân); thế nhưng, kết quả đó thật ra vẫn còn khiêm tốn, vì số người chưa biết Chúa vẫn còn rất nhiều: 85% dân số!

Để đẩy mạnh công cuộc Loan báo Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Khi mở ra Năm Thánh, Đức Thánh Cha mong muốn là năm nay phải là thời gian ân sủng đối với Giáo Hội, nhất là chứng tá của tất cả các tín hữu phải “được nên mạnh mẽ và hiệu năng hơn” (x. Tông Sắc Mở Năm Thánh về Lòng Thương Xót). Quả vậy, không có cách thông truyền niềm vui Tin mừng nào hiệu quả hơn, có sức thuyết phục hơn cho bằng việc mỗi người tín hữu trở nên tác nhân để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài nơi anh chị em đồng loại. Mong sao Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ đơm bông kết trái nhờ việc mỗi một thành phần Dân Chúa trong giáo phận biết tích cực trở nên dấu chỉ sống động của Tình yêu Chúa Cha giữa trần gian.

Thưa Cộng đoàn Phụng vụ. Lễ Truyền Dầu hôm nay hướng về ơn gọi và sứ mạng linh mục, vì thế, tôi xin được trước tiên có đôi tâm tình với các anh em linh mục, trong linh mục đoàn giáo phận.

Thưa các cha, Đức Cha giáo phận dạy con chia sẻ Lời Chúa thay ngài trong thánh lễ này. Khi soạn bài giảng tại ĐCV, con đã thử hình dung khung cảnh của thánh lễ hôm nay, tuy nhiên, những gì con đang chứng kiến khác nhiều lắm so với những gì con đã tưởng tượng. Không khí thánh lễ rất trang trọng, bà con giáo dân thật đông; đặc biệt khi nhìn thấy các cha đang vui tươi hăng hái, một lòng một ý sát cánh đông đảo bên Đức Cha giáo phận, con thấy thật xúc động. Con cảm nghiệm cách sâu xa rằng Giáo Hội không phải là một cơ chế, nhưng là một thân thể sống động, trong đó, mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng các linh mục đang liên kết mật thiết với Đầu là Chúa Kitô, qua trung gian chính vị chủ chăn giáo phận.

Trong dịp hè vừa qua, con đã có dịp đi thăm một số giáo xứ, giáo họ vùng sâu vùng xa của giáo phận như Eayuin, Eakmar, Bombo (Bình Minh), Đắc Ân, Châu Ninh, Đồng Tín, vv.. Đi trên những chặng đường dài mà các cha đã phải thường xuyên qua lại để ban các bí tích, thăm viếng mục vụ, con tự nhủ, nếu vào những mùa mưa gió, đường xá lầy lội, thì không biết các cha sẽ còn phải vất vả đến đâu! Thế nhưng, vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến các linh hồn, các cha đã chấp nhận tất cả, gánh vác mọi công việc của Mẹ giáo phận, mà lẽ ra phải có thêm cả trăm linh mục nữa mới làm xuể. Những nhọc nhằn do công việc mục vụ quá tải đã để lại dấu ấn nơi chính thân xác quý cha. Chỉ trừ một số cha trẻ đang hồi phong độ, con thấy phần lớn các cha nay sức khỏe đã có phần giảm sút, tóc đã điểm bạc; khí lực cũng đã tiêu hao nhiều... Tuy nhiên, thưa các cha, tất cả những dấu tích đó lại là bằng chứng của một tình yêu lớn mà các cha dành cho Chúa và cho con người.

Tất cả chúng ta đã được hiến thánh nhờ Dầu Thánh ngày chúng ta lãnh chức linh mục. Chúa Kitô đã đưa chúng ta gia nhập linh mục đoàn giáo phận, và Ngài biến chúng ta thành những người phục vụ Dân Chúa để loan báo Tin mừng cứu độ. Đối với mỗi chúng ta, việc bước theo Chúa Kitô được khắc ghi nơi chính hiến lễ cuộc đời của mỗi người, qua việc chúng ta từ bỏ những dự phóng riêng tư để dâng hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc Loan báo Tin mừng, qua những công việc, những lựa chọn, theo những cách thức mà chúng ta thấy là phản ánh nhiều nhất lòng thương xót của Chúa.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, hơn ai hết, chúng ta được mời gọi làm tác nhân của Lòng Chúa xót thương con người. Cuộc sống của người linh mục chúng ta phải là bằng chứng sống động để người khác nhận ra nơi đó sự gần gũi, lòng nhân hậu đến vô biên của Chúa. Phải làm sao để đàn chiên được trao phó luôn nhận ra được nơi chúng ta “tiếng nói của Chúa Chiên nhân lành”, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy (1).  Trong Tông Sắc Mở Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: trong đàn chiên của Chúa, chúng ta phải chăm sóc cách đặc biệt các gia đình, cách riêng những gia đình gặp rủi ro hoạn nạn, những người nghèo thiếu, già cả yếu đau bệnh tật; phải quan tâm hơn đến giới trẻ di dân, đến những người sống bên lề xã hội; phải gần gũi hơn những con chiên lạc, những con chiên bướng bỉnh; phải yêu thương hơn những ai phải sống trong cảnh tăm tối đức tin, phải đối diện với những thử thách nan giải của cuộc sống… Thật nặng nề trách vụ của người mục tử, bởi vì tất cả những gì mà Đức Thánh Cha căn dặn người mục tử phải làm, rồi sẽ hút hết tất cả thời giờ, sức lực, tâm trí của chúng ta; tuy nhiên, thưa các cha, đó lại chính là cái làm nên nét đẹp của hiến lễ đời linh mục. Nhà thần học Hans von Balthasar, khi suy niệm về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu đã nói rằng chính khuôn mặt bị bầm dập, tơi tả, bị biến dạng vì thương tích của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá lại là dung mạo hấp dẫn nhất đối với mọi con người của mọi thời đại, bởi vì đó là dung mạo của Đấng đã hết lòng sốngchết cho tình yêu, tình yêu: yêu Thiên Chúa, yêu con người. Thật ý nghĩa đời linh mục. Thật đẹp sứ mạng của chúng ta.

Trong năm thánh này, người linh mục được mời gọi hơn ai hết trở nên tác nhân của Lòng Thương Xót Chúa; nhưng có một điều rất quan trọng, đó là trước khi trở nên tác nhân, thì chúng ta (nói “chúng ta”, nghĩa là có con trong đó nữa) phải là đối tượng của lòng thương xót Chúa. Có cảm nghiệm từ tâm can thế nào là niềm vui được tha thứ, chúng ta mới có thể hăm hở tìm cách để người khác cũng được đón nhận lòng thương xót Chúa. Lo cho phần rỗi của người khác, nhưng người linh mục chúng ta cũng phải đồng thời lo cho phần rỗi của chính mình nữa.

Kính thưa ÔBACE, Kinh thưa mọi thành phần Dân Chúa.
Biến cố long trọng hôm nay được cử hành là để kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa cầu nguyện cho các linh mục mà Thiên Chúa đã ban cho Dân của Ngài, để dẫn dắt chúng ta, dạy dỗ chúng ta, thánh hóa chúng ta. ÔBACE hãy hết lòng nâng đỡ các ngài, nhất là cầu nguyện thật nhiều cho các ngài. Cầu nguyện không chỉ vì chúng ta cần đến các ngài, nhưng cầu nguyện vì các ngài, tuy mang phận người như chúng ta, lại được trao phó một sứ mạng cao cả, một sứ mạng chỉ có thể hoàn tất được nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Vốn mang thân phận phàm nhân, tất cả chúng ta -ÔBACE cũng như các linh mục- đều cần đến sự nâng đỡ của Giáo Hội, đều cần đến lòng thương xót của Chúa.

Lời cuối cùng, tôi xin được ngỏ với các bạn trẻ nam nữ.
Các bạn thân mến. Các bạn hãy để tâm lắng nghe tiếng của Chúa trong cuộc đời các bạn, hãy chú ý đến nhu cầu của những người đang sống chung quanh các bạn. Nếu các bạn thấy là Giáo Hội có thể và phải làm những gì để đem ơn cứu độ đến cho con người của thế kỷ XXI này, các bạn hãy hỏi Chúa xem là Ngài mời gọi bạn, đề nghị bạn làm gì cụ thể trong sứ mạng đó. Trong cuộc đời các bạn, nếu các bạn đã gặp được các linh mục đồng hành với các bạn trên hành trình đi theo Đức Kitô, các bạn đừng ngần ngại chỉ cho những bạn trẻ khác đến với các ngài. Giáo Hội đang thiếu các linh mục, tu sĩ. Giả như Chúa có gọi các bạn, thì đừng ngần ngại đáp lại lời mời gọi của Chúa. Nếu như bạn dám quảng đại dâng hiến đời mình cho Chúa, Ngài không lấy mất của các bạn điều gì đâu, trái lại, sẽ còn cho các bạn nhiều hơn, dư đầy hơn.

Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ. Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh. Xin kính chúc mọi thành phần Dân Chúa một Tam Nhật Thánh sốt sắng với nhiều ơn lành. Xin Thiên Chúa cho tất cả chúng ta, trong những ngày này, biết sát bước theo Chúa Kitô chịu Khổ nạn, hầu đón nhận phần thưởng mà thánh Phaolô hứa: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống lại với Người” (2 Tm 2,11). AMEN.

Linh mục Phêrô Trần Ngọc Anh

1. Lời ĐTC Bênêđictô XVI trong Vatican City, 14/04/2010

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây