TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Lễ thánh Anrê Kim Thông

Thứ năm - 03/06/2021 23:41 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   1769
Bài giảng Lễ thánh Anrê Kim Thông

Bài giảng Lễ mừng thánh Anrê Kim Thông
của Đức cha Vinh Sơn
(Kn 3, 1- 9; Rm 8, 31- 39; Mt 10, 17 – 22)

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu sai 12 Tông Đồ đi rao giảng. Sau khi ban cho các ngài quyền trên hết các thần ô uế, để các ngài trừ chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, Chúa căn dặn các ngài thái độ cần phải có và những điều cần phải tránh trong khi thi hành sứ vụ. Rồi sau đó, Chúa tiên báo cho các ngài những cuộc bách hại, những nguy cơ có thể xảy đến trong khi loan báo Tin Mừng.

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ”. Đây là mối nguy hiểm đến từ nội bộ của cộng đồng Do-thái. “Người đời” là những con người cư xử theo những khuynh hướng xác thịt, khác với người được gọi là “con cái sự sáng”. Vì thế, họ đánh giá những người môn đệ của Chúa Giêsu, những người sống theo lời mời gọi của Thầy Chí Thánh, như là những người đi ngược lại với truyền thống Cha ông. Chúa Giêsu không dạy các môn đệ làm trái với luật của tiền nhân, nhưng là làm trọn. Đọc lại “bài giảng trên núi”, chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môi-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (5, 17). “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” Chúa Giêsu điều chỉnh những cách giải thích Luật tùy tiện của các kinh sư Do-thái, để giúp con người sống đúng với ý muốn của Thiên Chúa.

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”. Mối nguy đến từ phía những người dân ngoại, có thể ở trong vùng đất Palestine hoặc ở những vùng truyền giáo khác, ngay cả ở tại Việt Nam.

Tại sao các môn đệ được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng, làm những điều tốt lành, mà lại phải chịu bắt bớ khốn khó như thế? Có thể vì người ta chưa hiểu biết được giá trị của Tin Mừng! Có thể người ta không muốn chấp nhận một niềm tin khác với họ! Có thể người ta muốn dùng các Kitô hữu làm những vật hi sinh để loại trừ một điều gì khác nữa.

Đọc lại lịch sử các cuộc bách hại tại Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy được câu trả lời cụ thể. Vào  thời của thầy giảng Anrê Phú Yên, người ta muốn loại trừ một đạo mới du nhập vào đất nước, vì cho rằng nó nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc. Nhưng qua các cuộc đối chất với những người Kitô hưu bị bắt, họ không tìm ra được những điều gì sai trái nơi những con người hiền lành này. Và hơn nữa, lý luận của những người Kitô hữu về niềm tin của mình thật là tuyệt vời, không thể bắt bẻ được. Dẫu biết những người Kitô hữu vô tội, người ta vẫn tìm cách loại trừ.

Vào thời các vua Minh Mạng, Tự Đức, người ta tìm cách đổ lỗi cho người công giáo là tà đạo, là đạo của phương tây. Nhưng thực ra là họ sợ ảnh hưởng của đạo trên mọi tầng lớp dân chúng. Nhìn vào danh sách của vị tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy được mọi thành phần trong xã hội. Từ những vị quan quyền, đến những người buôn bán; từ những thày thuốc, y sĩ, đến những ngư phủ, những nông dân quê mùa; từ những bậc trí thức, đến những người phụ nữ đảm đang mọi công việc trong gia đình. Đạo của Chúa đã thâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội và lớn dần lên như cây đại thụ, làm chỗ nương náu cho chim trời. Dù thuộc mọi thành phần trong xã hội, nhưng tất cả đều có một niềm tin như nhau. Và ngay cả khi bị kết án, hành hình một cách bất công, các vị tử đạo cũng không thốt lên một lời oán trách, hay nguyền rủa trả thù. Tất cả đều chung một tấm lòng bao dung, yêu thương tha thứ.

Trong dịp chuẩn bị phong thánh cho 117 vị vào năm 1988, có một số dư luận trong nước phản đối việc phong thánh này đưa ra lập luận để chống đối như: trong số những vị tử đạo, có những vị liên quan đến chính trị, không xứng đáng. Nhưng Giáo Hội nhận thấy rằng dù các ngài có là ai đi nữa, thì các ngài đã can đảm chết vì đạo Chúa. Các ngài đã làm chứng một cách tuyệt vời về lời dạy của Thầy Chí Thánh: Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền sự sống.

Nhìn vào cuộc sống của thánh Anrê Kim Thông, chúng ta có thể thấy rõ hơn ý nghĩa của đời sống người Kitô hữu. Được sinh ra trong một gia đình khá giả, được học hành kỹ lưỡng, ngài có được những người vợ hiền với 9 người con. Xét theo một góc độ nào đó, cuộc sống gia đình của ngài được bảo đảm và hạnh phúc. Thế nhưng kinh nghiệm về sự mất mát qua việc những người vợ hiền và những người con yêu dấu lần lượt bỏ ngài ra đi, cho ngài cảm nếm bài học về những giới hạn của khả năng con người.

Là một ông trùm cả giàu có, có địa vị trong xã hội, sự kính trọng nơi người khác và sự bảo đảm về cuộc sống do của cải và địa vị mang lại, nhưng thánh Anrê đã vượt qua được sự lệ thuộc này, khi dám chấp nhận những điều mình đang có  thành nơi trú ẩn tương đối an toàn cho các vị thừa sai, đặc biệt là Đức cha Cuénot Thể trong suốt thời gian bị cấm cách.

Và rồi sự hi sinh của thánh Anrê không chỉ dừng lại ở yếu tố bên ngoài, ngài đã hiến dâng chính cuộc đời mình làm của lễ. Ngài đã chấp nhận vâng theo ý Chúa cho đến tận cùng, như lời cha chính giáo phận Tây Đàng Trong ghi lại những giây phút cuối cùng của cuộc đời ngài. “Gần giờ hấp hối, cụ Năm Thuông biết là quan đã chỉ định Bác Chiên là nơi phát lưu của cụ. Cụ khẩn khoản xin họ dẫn cụ đến đó để lễ tế của cụ được trọn vẹn. Chẳng bao lâu cụ bị hôn mê, thỉnh thoảng cụ tỉnh lại, cụ xin những người đứng chung quanh cầu nguyện thay cho cụ. Thấy cụ kiệt sức, họ muốn tháo bỏ xiềng xích cho cụ, để đỡ nguy kịch hơn trong cơn hấp hối, nhưng cụ từ chối và dùng sức lực héo tàn của cụ, đọc bảy thánh vịnh sám hối và thêm một vài kinh kính Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là thánh danh được mấp máy trên môi, lúc cụ trút hơi thở cuối cùng.”

Anh chị em thân mến,

Mừng lễ thánh Anrê Kim Thông hôm nay, chúng ta muốn nói lên rằng, những hi sinh của Ngài dành cho Chúa và Giáo Hội là một việc làm thật tuyệt vời, và sẽ tiếp tục là gương sáng cho tất cả  mọi người Kitô hữu và nhất là các chức việc của chúng ta.

Cuộc sống nào cũng đòi hỏi những hi sinh, nhưng những hi sinh mà đem lại cho con người có một cuộc sống ý nghĩa và làm cho đức tin phát triển mạnh mẽ vẫn là điều đáng làm.

Xin thánh Anrê Kim Thông, bổn mạng của quí chức, chúc lành và giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trong ơn gọi của mình, để chúng ta cùng với Ngài tiếp tục dâng lên bàn thờ  Thiên Chúa cua rlễ hiến tế - Amen.

Gm. VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây