Bài giảng ngày Tĩnh Huấn Thày Thuốc Công giáo Gp. BMT
Anh chị em thân mến,
Trong Tin Mừng Matthêu“ Bài giảng trên núi” bắt đầu với tám mối phúc, rồi tiếp tục với sáu lời giảng dạy về những vấn đề đạo đức. Trong những lời giáo huấn này, Chúa Giêsu thường bắt đầu câu: “Anh chị em đã nghe dạy rằng…”, và Ngài nhắc là đó không phải là Lề Luật, nhưng là lời giải thích truyền thống về Luật. Rồi Ngài thêm vào lời dạy của mình; “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”. Trong đoạn này, Chúa Giêsu không lên tiếng chống lại Lề Luật, nhưng Ngài đưa ra một nhận định phê bình về cách mà các thày thông luật Do Thái và thời đó giải thích Luật.
Anh em đã nghe dạy rằng: “Hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù..”. Ghét kẻ thù không phải là điều ghi trong Cựu Ước. Lv 19, 18 ghi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Trong cộng đoàn Qumrân, bất cứ ai không thuộc về nhóm con cái của sự sáng thì ghét bỏ, vì họ thuộc về con cái của bóng tối, sẽ bị Thiên Chúa nghiêm phạt. Từ “kẻ thù” ở đây, có lẽ chỉ về kẻ thù của cộng đoàn tôn giáo (cf. Tv 31, 7; 139, 21; Rm 5, 10; 2Th 3, 15) và những ám chỉ về các cuộc bách hại trong Mt 5, 10.44). Sự thù ghét nặng nề trong lãnh vực tôn giáo có lẽ ám chỉ một sự đối nghịch tập thể hơn là sự ác cảm cá nhân (cf. 6, 24; 10, 22; 24, 9-10).
Nhưng Chúa Giêsu lại bảo: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Chúng ta thấy rằng lệnh truyền yêu thương kẻ thù đi ngược lại với bản tính con người. Theo bản năng, chúng ta có khuynh hướng đối nghịch lại với những kẻ không ưa mình, thậm chí còn thù ghét nữa. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta thay đổi cách quan niệm này. Ngài mời gọi chúng ta yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những người coi chúng ta là kẻ thù. Tại sao Chúa lại đòi hỏi như vậy?
Chúa nói: “như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Chúa đòi hỏi người môn đệ thay đổi sâu xa cái nhìn, cách sống của mình. Trước kia, bạn đã sống như vậy, thì bây giờ, bạn phải đổi khác. Cả thái độ của ban cũng mặc lấy đặc tính Thần Linh. Bạn sẽ trở nên rất khác với những người không từ Thiên Chúa mà ra, những người không hoán cải từ bỏ tội lỗi của họ, và chưa được tái sinh. Thực vậy, chúng ta tham dự vào một cuộc tái sinh, nhờ đó chúng ta trở thành những tạo vật mới của Thiên Chúa. Theo đức tin Công giáo, người ta không thể nói đến cuộc hoán cải thực sự, nếu trong chúng ta không làm phát sinh một sự thay đổi tận căn, mà Kinh Thánh gọi là sự tái sinh.
Chúng ta hiểu rằng, đó không chỉ đơn thuần là sự làm mới lại về nhân cách. Kitô giáo nhắm đến một sự thay đổi căn bản nơi bản tính con người. Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc cách mạng của toàn thể con người: từ bỏ con người cũ để sống con người mới, con người được cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô. Cuộc cách mạng nơi con người chỉ có thể thực hiện với sự can thiệp của Thiên Chúa. Quyền năng của Thiên Chúa sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận trở nên con người mới.
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh chị em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh chị em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Ý thức được ơn gọi cao quý là được làm con Chúa, được mời gọi trở nên giống Ngài, mỗi người chúng ta sẽ cố gắng vượt qua những cách suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi, của con người xác thịt, để sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Biết rằng trong cuộc sống thường ngày, cũng như trong môi trường làm việc của anh chị em, sống theo lời mời gọi nên thánh của Chúa Giêsu không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, tin tưởng vào ơn Chúa và quyết tâm sống xứng đáng với tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ khiêm tốn vượt qua được những thử thách, để can đảm làm chứng cho Chúa trong môi trường mình đang làm việc. Xin thánh tử đạo Simon Phan Đắc Hòa, bổn mạng của anh chị em làm việc trong ngành y khoa, cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
GM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn