TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hai con rắn trong Thánh Kinh

Thứ bảy - 29/05/2021 22:21 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Hữu An |   1112
Hai con rắn trong Thánh Kinh
Hai con rắn trong Thánh Kinh


Nhâm Thìn qua, Quý Tỵ đang đến. Rồng Nhâm Thìn sắp bàn giao cho Rắn Quý Tỵ.

Nếu như tuổi rồng là cái gì đó bay bổng thanh cao thì con rồng lại không có thật. Còn con rắn nghe có vẻ nhỏ bé, thấp kém bò dưới đất nhưng lại có thật 100%.
 
Tỵ là năm thứ sáu trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Khi đặt tên cho 12 con giáp, người xưa đã xác định những đặc điểm sinh học của các loài vật, chú ý đến các thời điểm liên quan đến từng con vật cụ thể để ám chỉ ngày giờ cùng những chuyện liên quan khác. Với ý nghĩa như vậy, Tỵ thuộc về tháng 4 âm lịch. Căn cứ vào thực tế, người xưa cho rằng vào thời điểm này rắn bắt đầu lột xác, nó trở nên yếu ớt. Tháng 4 cũng là lúc vạn vật âm khí đã tàn, dương khí vươn mình. Do đó xét về dịch lý, Tỵ thuộc âm hỏa, đó cũng là ý nghĩa tượng hình của rắn trong dịch học phương Đông. Rắn là con vật tượng trưng cho dương khí, không chỉ mang trong mình ngọn lửa mạnh mẽ mà còn sinh ra khí dương.


Trong ngày, Tỵ là lúc 10giờ sáng, Tỵ là hướng nam – đông nam, Tỵ là mùa hè trong năm. Người sinh năm Tỵ có ý hướng thượng, dám đảm nhận những công việc quá sức mình và thường hoàn thành mỹ mãn. Dường như người tuổi Tỵ thường có vẻ trầm tĩnh, có khi gây cảm giác lạnh lùng cho người mới tiếp xúc, cái lạnh lùng bề ngoài mang bản chất có lửa bên trong, nó sẽ được bộc lộ một cách phong phú dồi dào. Các nhà phong thủy dự đoán Quý Tỵ là năm của lạc quan, cải cách và thịnh vượng.

Trong truyền thuyết Hy lạp,Thần Chữa Bệnh có tên là Asklepios được biểu tượng bằng con rắn. Hai ngành y học và dược học đều liên quan tới sự sống con người. Cả hai đều nhận con rắn là biểu hiệu. Con rắn cuốn trên chiếc gậy là biểu hiệu của ngành y. Con rắn cuốn trên chiếc ly có chân, đầu hướng vào miệng ly, là biểu hiệu của ngành dược. Cả hai ngành nhận con rắn làm biểu hiệu vì người xưa, cả đông lẫn tây phương đều coi con rắn là tượng trưng cho sức mạnh. Người ta còn lầm tưởng con rắn là loài bất tử, do hiện tượng lột xác của nó. Cả đông lẫn tây đều truyền nhau câu truyện cổ tích, về sự bất tử của con rắn.

“Thuở trời đất vừa được dựng nên, Tạo Hoá muốn cho loài người đuợc bất tử, bằng cách lột xác, còn loài rắn thì tới già phải chết. Tạo Hoá liền sai sứ giả là vị Thiên lôi xuống trần nói ý định đó cho loài người. Tạo Hóa truyền Thiên lôi, khi gặp con người thì nói mệnh lệnh này:“Người già,người lột. Rắn già chạy tuột vô săng”.

Thiên lôi xuống trần, vừa đi vừa lẩm nhẩm mệnh lệnh của Trời, nhưng vì Thiên lôi lơ đãng, đọc đi đọc lại thế nào, mà khi xuống trần vừa gặp con người thiên lôi lại đọc: “Rắn già rắn lột. Người già chạy tuột vô săng”.

Vì thế mà con rắn được lột xác, còn con người sinh ra, lớn lên, già, chết, rồi phải đi vào săng, đem chôn”. (x.Đỗ đình Tiệm, Lương thực hằng ngày, tr 722).

Theo các điển tích ngày xưa, rắn có thể tu luyện thành tinh và lột da sống đời. Những "mãng xà tinh" này đều có viên ngọc trong đầu gọi là ngọc rắn, nếu người nào có viên ngọc này sẽ có thể nghe được tiếng nói của loài vật. Ngày xưa, có một anh học trò nghèo tên Công Dã Tràng vì cứu được một gia đình rắn nên được rắn chúa trả ơn bằng cách nhả cho môt viên ngọc. Một hôm, Dã Tràng ngậm viên ngọc rắn trong miệng đi vào rừng, chợt nghe bầy kiến xôn xao bảo nhau phải dời tổ lên cành cây cao vì trong vòng ba ngày sẽ có mưa lụt lớn. Nghe được tin này, Dã Tràng bèn tức tốc báo cho quan huyện sở tại để ra thông tri cho dân chúng chuẩn bị tránh nạn hồng thủy. Quả nhiên ba ngày sau trời đổ mưa tầm tã là vỡ đê gây lụt lớn. Nhưng dân cư trong vùng không bị thiệt hại vì đã đề phòng trước. Quan huyện tâu với triều đình vì Dã Tràng có ngọc rắn nghe được tiếng loài vật nên đã biết truớc có nạn lụt. Nhà vua rất thích, cho với Dã Tràng vào cung, ban cho một chức quan nhỏ để có thể cùng Dã Tràng du ngoạn đó đây, cùng nghe tiếng loài vật. Môt hôm, vua ngự thuyền rồng cùng Dã Tràng ra biển nghe tiếng cá. Chợt nhà vua nghe thấy một cặp cá vừa thong dong bơi lội, vừa thân mật trò chuyện với nhau. Thích quá, vua há miệng ra cười khiến viên ngọc rắn rơi xuống biển. Dã Tràng tiếc ngọc, nhảy xuống biển mò nên bị chết đuối. Tuy đã chết nhưng Dã Tràng vẫn muốn tìm viên ngọc nên biến thành con dã tràng là một loài cua nhỏ, hàng ngày bò lên bãi biển lấy cát mong lấp biển nhưng vẫn không bao giờ tìm lại được viên ngọc. Vì vậy, người đời thường ví những ai làm những việc không thể thực hiện được là "uổng công dã tràng". Trong dân gian cũng có câu:

"Dã Tràng xe cát biển Ðông;

Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì".

Trong Thánh Kinh hình ảnh con rắn xuất hiện ngay từ những trang đầu (x. St 3) và được nhắc đến trên 40 lần.

Kinh Thánh trình bày về rắn cả hai ý nghĩa tốt xấu. Rắn được đồng hóa với chính Satan, thủ lãnh của ma quỉ cám dỗ nguyên tổ phạm tội (x. St 3, 1-15). Đôi khi rắn được dùng như là biểu tượng của sự khôn ngoan: " Hãy khôn ngoan như con rắn!" (Mt 10,16), hay rắn đồng cứu người.(x. Ds 21, 4-9).

Trong Cựu Ước có hai câu chuyện về rắn. Con rắn cám dỗ đưa tới sự chết tại địa đàng (St 3, 1-7) và con rắn đồng trong sa mạc cứu người nhìn lên nó (Ds 21, 6-9).

1. Rắn cám dỗ

Rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú (3,1a). Rắn là loài có hình thù và cách di chuyển đặc biệt; nó khôn khéo và nguy hiểm làm người ta sợ và ghê tởm. Nhiều tôn giáo (cụ thể tại Canaan) coi rắn như thần và nó có vai trò trong việc ma thuật và biểu tượng sự sinh sản phong phú. Ở đây, rắn biểu tượng cho sự độc ác và khôn khéo, tìm cách phá hoại hạnh phúc con người bằng cách phá đổ mối thân thiện giữa con người với Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan ví rắn là quỷ dữ (Satan): “Chính vì quỷ dữ ganh tỵ, mà cái chết xâm nhập thế gian” (St 2,24); Khải Huyền gọi là Satan, ma quỷ (Kh 12,9); (1Ga 3,8).

Khi cám dỗ Evà, Rắn quỷ quyệt đưa ra một câu hỏi bâng quơ: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (3,1b). Quả là một câu hỏi khôn khéo và nguy hiểm vì có hai nghĩa:

- Không được ăn tất cả, chỉ một số nào đó thôi.

- Không được ăn cây nào cả.

Rõ ràng, lời này có ý xuyên tạc hoàn toàn ý Thiên Chúa, và như thế có tác dụng lôi kéo người nữ vào câu chuyện.

Người nữ phản kháng: Quả cây trong vườn chúng tôi được ăn. Nhưng về quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa đã phán: các ngươi không được ăn, không được rờ đến kẻo phải chết (3,2). Việc đầu tiên là người nữ thấy cần phải đính chính để bênh vực Chúa, và nói quá đi (không được đụng tới) như thể xác định một lệnh truyền nghiêm nhặt để giữ mình.

Con rắn ngọt ngào dụ dỗ: Chẳng chết chóc gì đâu ! quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu. (3,4-5). Hết sức khôn khéo, rắn không xúi giục ăn trái cấm, nhưng tạo nên trong lòng con người sự nghi ngờ Lời Chúa. Nó quả quyết mình biết Chúa hơn người nữ và thuyết phục bà bớt tin tưởng để phán đoán rằng, biết đâu Thiên Chúa cấm vì sợ con người sẽ bằng mình. Các ngươi sẽ như Êlohim (giống Êlohim) là những kẻ biết thiện ác. Biết không nguyên bằng trí thức nhưng còn là kinh nghiệm; biết là làm chủ được sức mạnh thần bí. Rắn gợi cho con người nghĩ là họ có thể mở rộng cuộc sống vượt qua những giới hạn mà Chúa đã đặt, để họ có quyền định đoạt tốt xấu cho mình nghĩa là định mệnh cuộc đời mình, và như thế là đồng nghĩa với sự từ chối lệ thuộc Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, tức là kiêu ngạo muốn tách mình ra khỏi Thiên Chúa.

Người đàn bà đã nhìn: quả là cây ăn phải ngon. Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy, để được tinh khôn (3,6). Rắn không nói gì thêm. Cần đi vào yên lặng để những lời cám dỗ trên được lắng sâu vào trí óc và cõi lòng. Nó tác động từ giác quan, đi vào trí khôn tạo lòng muốn. Người nữ ngắm nghía trái cây thấy ngon (giác quan - cảm giác), mát mắt (thẩm mỹ) và đáng thèm khát để được Khôn Ngoan, thông minh như Chúa, nên giống Chúa.

Và bà đã hái lấy quả mà ăn, và bà cũng trao cho chồng ở bên bà đưa cho chồng. (3,6). Người bị dụ dỗ trở hành kẻ dụ dỗ. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được thông minh như Thiên Chúa.

Tại sao trong tình trạng sáng suốt và quân bình ban đầu, con người có thể bị sa ngã? Xét cho cùng, dầu sao họ cũng chỉ là thụ tạo bất toàn, với thân phận mỏng manh. Điều quan trọng đó là họ luôn có tự do để phán đoán và quyết định.

Và ông đã ăn (3,6). Lời Thánh Kinh thật vắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược của Ađam và ông đã sa ngã.

Mắt hai người mở ra (3,7). Đúng như lời rắn nói, bây giờ họ thấy một cái gì mới, nhưng cách khác hẳn họ tưởng: thay vì trở nên thần linh biết thiện ác, họ biết mình trần truồng. Tất nhiên, trước khi phạm tội, họ trần truồng nhưng coi đó là tự nhiên và không xấu hổ. Bây giờ sự vô tội đã mất, xấu hổ là dấu chỉ của ý thức tội lỗi họ có; tội đã gây nên trong thẳm sâu con người sự đổ vỡ: thế quân bình và hòa hợp giữa tinh thần và thể xác đã mất, con người không còn làm chủ được mình nữa, và vì thế cảm thấy xấu hổ trước mặt nhau.

Sau khi sa ngã, hai người lẫn trốn Thiên Chúa. Họ đi trốn chứng tỏ lương tâm hối hận vì đã không vâng lời. Tội phá vỡ sự hài hòa với chính mình. Để chạy tội, con người như đổ lỗi cho Chúa: người đàn bà mà Chúa đã đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn ( 3,12). Người đàn ông đỗ lỗi cho Chúa: chung quy chỉ vì Chúa cho tôi người đàn bà ở với tôi. Người nữ đổ tội cho rắn: Con rắn dụ dỗ tôi nên tôi đã ăn (3,13). Cả hai câu nói trên tỏ lộ mối rạn nứt giữa người với nhau. Sự liên đới trong tội bị phủ nhận, người ta đổ trách nhiệm cho nhau. Sự đồng phạm không liên kết con người trước mặt Chúa, nhưng làm họ ra lẻ loi. Tội bắt đầu gây chia rẽ và phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa người với nhau.

Tại sao Kinh Thánh chọn loài “rắn” làm hiện thân cho Satan? Còn “trái cấm” có ý nghĩa hiện sinh gì trong cuộc sống không?

a. Con rắn

Trước tiên, hình ảnh “rắn” rất quen thuộc trong Cựu Ước. Cái tên “Satan” (Quỉ Vương) có sẵn trong các tôn giáo cổ xưa, nhưng Do Thái là tôn giáo đầu tiên cho rắn đội lốt Satan đến cám dỗ con người ăn trái cây “biết lành biết dữ”. Rắn cũng xuất hiện lần nữa khi Môisen và Aaron ném gậy xuống đất hòa thành rắn để Pharao cho dân Chúa đi tự do. Trong sa mạc, Môisen đúc rắn đồng treo lên cây cao, hễ ai bị rắn cắn nhìn vào đó sẽ được khỏi. Có thể hiểu “bị rắn cắn” theo nghĩa rộng như là một sự chùn chân, chán nản, không muốn tiếp tục cuộc hành trình qua sa mạc. Trong 40 năm lưu lạc trong sa mạc, dân Do Thái có lẽ đã tiếp xúc, đụng độ hoặc muốn đồng hóa với các bộ lạc thờ rắn sống trong vùng, và Môisen phải đúc rắn đồng riêng cho dân Do Thái để họ lên tinh thần mà tiếp tục cuộc hành trình về đất hứa. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một số rắn đồng tại vùng mỏ đồng sa mạc Araba.

Ngoài Kinh Thánh ra cũng có nhiều chuyện thần thoại khác về rắn đã được lưu hành trước đó rất lâu. Chuyện thần thoại Gilgamesh ở xứ Sumeria, kể lại vua Utnaphistim và vợ ông ta đã tìm được một loài cây trường sinh, nhưng trước khi có dịp ăn quả trường sinh thì có một con rắn đã đánh cắp cây quý khỏi tay nhà vua, và từ đó không ai có thể sống đời đời nữa. Điển tích về rắn cướp lấy cơ hội trường sinh bất tử ảnh hưởng ít nhiều vào sự tích Satan hóa thân con rắn đến cám dỗ Evà, từ đó loài người mất đi cơ hội sống đời đời. Phải đợi đến thời Kitô giáo, “trái cấm” được thay thế bằng “Mình và Máu” của Chiên Thiên Chúa. Cũng như thế, Evà, người nữ đem trái cấm đến cho Ađam ăn, sẽ được thay thế bằng Đức Trinh Nữ Maria, người “chưa hề biết đến một người nam”. Ngoài ra, cuộc chiến giữa rắn tiền sử và thần Marduk nói lên nhu cầu hy sinh đổ máu của “thần thánh” để loài người được sống. Khái niệm thần thánh trở thành của lễ hiến tế để đem lại sự sống cho nhân loại có lẽ không xa lạ cho lắm đối với hậu cảnh văn hóa và tôn giáo của Cựu Ước và Tân Ước. Tư tưởng “máu đào tử đạo là hạt giống đức tin” có lẽ cũng mang ảnh hưởng phần nào của khái niệm trên đây.

Với quan niệm của người Á Đông xem rồng như là vật linh thiêng, thì dân tộc Trung Đông cũng tôn thờ rắn vậy. Rắn đại diện cho sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và cả sự nguy hiểm, trả thù độc địa nếu cần. Dân tộc xứ Syria xem rắn như một thần phù trợ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại các đền thờ, các tạc hình “đầu rắn” vì họ tin thần rắn sẽ cắn chết những kẻ xâm lăng và bảo vệ dân chúng khỏi hiểm nguy bệnh tật. Khi thấy rắn lột da nhưng vẫn sống, người ta tin rắn có bí quyết trường sinh bất tử. Người Việt tin là rắn có trí nhớ và khả năng trả thù như trong chuyện Nguyễn Trãi giết cả một tổ rắn hổ mang và sau này bị rắn trở lại báo oán (tru di tam tộc).

Dân Cam Bốt tin rằng vương quốc Khmer do vua rắn sáng lập. Con đường dẫn đến ngôi đền chính tại Ankhor Wat của Cam Bốt được khảm bằng nhiều "naga" bảy đầu và cũng có nhiều hình rắn được tạc trên tường. Người Hy Lạp có rất nhiều thần thánh và huyền thoại liên quan tới rắn. Loại nữ trang cổ Hy Lạp thông dụng nhất mang hình rắn khoanh tròn. Thần Zeus được coi như vị thần tối cao, xuất hiện mỗi mùa xuân dưới dạng môt con rắn khoanh tròn cùng với nữ thần cai quản trái đất Rhea cũng mang hình rắn. Người Hy Lạp coi rắn là biểu tượng của đất và nước.

b. Trái cấm

Vì sự tinh ranh của rắn, Satan đội lốt rắn để đem “trái cấm” đến dụ dỗ con người. Nhưng “trái cấm” có ý nghĩa gì không? Cũng như các ngụ ngôn Đức Giêsu dùng để giảng dạy trong Tân Ước, ngôn ngữ huyền thoại của sách Sáng Thế không phải là loại ngôn ngữ cứng rắn của siêu hình học. Muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của nó chúng ta cần phải đặt mình vào trong bối cảnh và ngữ cảnh của câu chuyện.

Vì thế, ở đây chúng ta hãy giải thích “trái cấm” qua lăng kính hiện sinh. Nếu xét theo kinh nghiệm trưởng thành của mỗi người, chúng ta có thể diễn đạt ý nghĩa của “trái cấm” qua ba giai đoạn sau đây.

Trước tiên, “vườn địa đàng” đại diện cho tuổi còn bé thơ, sống trong vô tư và trần truồng, mọi miếng ăn thức uống đều lệ thuộc vào cha mẹ, chỉ biết chơi đùa với thú vật, mỗi buổi chiều tà cha mẹ dẫn đi chơi hay ngồi nghỉ dưới bóng mát của hàng cây.

Giai đoạn “Ađam và Evà bị cám dỗ” nói lên những khủng hoảng thường gặp phải trong tuổi dậy thì. Đây là cái tuổi thích mạo hiểm và tự do, hay chống đối lại bề trên nhưng không màng đến hậu quả xấu. Ở giai đoạn này, tính tình thì rất nông nổi và bồng bột, dễ bị quyến rũ và sa ngã về tính dục và tình cảm.

Cuối cùng, giai đoạn “sống ngoài vườn địa đàng” nói lên sự trưởng thành, đầy đủ nghị lực và trách nhiệm để tự lập. Đàn ông tự kiếm sống với mồ hôi nước mắt của chính mình, đàn bà mang nặng đẻ đau, nhưng cả hai sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng cho họ. Vườn địa đàng có thiên thần “cầm gươm đứng gác cửa” ngăn chận không cho con người trốn chạy trách nhiệm hay trở về với tổ ấm của cha mẹ, nhưng phải đương đầu với thực tại đau khổ và biết giá trị của sự chọn lựa. Nói cách khác, “trái cấm” đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời người. Khi lớn lên không tránh khỏi những sai lầm hay sa ngã, nhưng chỉ qua đó, con người mới làm chủ vận mệnh và chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa của mình. Đó có thể là lý do tại sao “trái cấm” được gọi là trái của “cây biết lành biết dữ”. (x. Nội san chia sẻ, số 52).

Có lẽ vì hình ảnh tinh ranh quỷ quyệt của rắn trong Vườn Ðịa Ðàng nên hầu hết các sắc dân trên thế giới đều dùng rắn để ví von với những hình tượng mang ý nghĩa xấu.

Trong tiếng Pháp, "serpent" là con rắn, nhưng người Pháp cũng dùng chữ "serpent" để chỉ loại người hiểm độc. Thí dụ như "langue de serpent" là ăn nói độc địa; "serpent caché sous fleurs" tức "rắn ẩn dưới hoa" là sự nguy hiểm nằm dưới bề ngoài đẹp đẽ không ngờ; "réchauffer un serpent dans son sein" tức "ủ rắn trong ngực" là nuôi họa vào thân hay nuôi ong tay áo. Người Anh cũng có những câu nói không đẹp về rắn. Thí dụ như ""snake in the grass" đồng nghĩa với "serpent sous fleurs"; "speak with forked tongue" là miệng lưỡi ăn nói độc địa như lưỡi rắn; "lower than a snake's belly" để chỉ loại người đê tiện, hèn hạ, xảo trá, hèn hạ như không cón gì thấp hơn. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu "cõng rắn cắn gà nhà" để chỉ phường Việt gian bán nước, can tâm làm đầy tớ cho ngoại bang, cúi đầu khom lưng cõng giặc về làm hại đồng bào.

2. Rắn đồng sa mạc

Dân Do thái thoát khỏi ách nô lệ Ai cập và đi vào đời tự do. Suốt bốn mươi năm ròng rã nơi hoang địa, họ gặp rất nhiều thử thách. Bấy giờ họ phàn nàn kêu trách Chúa và Môsê vì đã không cho họ bánh ăn và nước uống như hồi ở bên Ai cập. Họ đã quá chán ngán manna rồi. Và thế, Chúa đã trừng phạt họ bằng cách cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Tuy nhiên, khi họ biết ăn năn hối cải, Thiên Chúa đã ra lệnh cho Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên một cây cột và hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu sống. (x. Ds 21, 4-9). Con rắn đồng ở sẵn đó như một con tim yêu thương và tha thứ luôn mở rộng. Dù con người hết cứ lần này đến lần khác xúc phạm đến Chúa, nhưng chỉ cần họ sám hối và nhìn lên đó thì lại được tha.Thiên Chúa luôn cứu sống dân dù họ đã từng bất trung, oán trách, nổi loạn chống đối Người.

Chúa Giêsu kể chuyện con rắn đồng và so sánh: " Xưa Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, hầu cho mọi kẻ tin kính Ngài khỏi hư đi nhưng đuợc sống muôn đời" (Ga 3, 14-15). Nếu ngày xưa dân Do thái đã tin tưởng nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành thì ngày nay, tất cả những ai tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu trên thập giá đều được ơn Cứu độ. Thập giá là tột cùng của đau đớn nhục nhã, nhưng cũng là minh chứng tuyệt vời của một tình yêu: Tình yêu của Cha đã trao ban Con Một, tình yêu của Con đã hiến dâng mạng sống. Tin vào một tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nhân loại được đưa đến đời sống vĩnh cữu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3, 16).

3. Chúa Giêsu – suối nguồn bình an.

Trong sách Sáng Thế, con rắn là hình ảnh của sự quỷ quyệt và cám dỗ.

Đến sách Dân Số, con rắn trở nên biểu tượng cứu sống.

Hình ảnh con rắn đồng treo lên giữa sa mạc đã trở nên hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị treo lên Thánh Giá. Nhờ đó, nhân loại được ơn cứu độ. Ngày xưa, nhờ nhìn lên con rắn đồng mà nhiều người đã ăn năn sám hối và được cứu thoát.Ngày nay,nhờ nhìn ngắm và tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh mà nhân loại “không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”.

Hai hình ảnh, con rắn bị treo lên và hình ảnh Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh cho thấy rõ tính liên hệ không gián đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước trong Nhiệm Cục Cứu Độ của Thiên Chúa. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước làm cho Cựu Ước được ứng nghiệm, được thành toàn. Cả hai đều nhắm đến một mục đích duy nhất của Thiên Chúa, đó là muốn cho loài người được cứu độ. Chân lý này mang lại cho chúng ta niềm tin, hy vọng, niềm vui và ơn bình an của Chúa Kitô.


Hoa quả của bình an là: yêu thương, tha thứ, bao dung, quảng đại, khiêm tốn, nhẫn nại, nhịn nhục.Hoa quả của bình an chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội. Hoa qủa bình an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hoà thư thái trong tâm hồn.Hoa quả bình an cũng chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật. Tâm hồn tràn ngập bình an là tâm hồn đạo đức. Đó là người hạnh phúc. Tâm hồn bình an khi hòa giải với Chúa, tin yêu Chúa. Tâm hồn bình an khi hòa giải với chính mình. Tâm hồn bình an khi hòa giải với mọi người sống chung quanh. Tâm hồn bình an khi không chất chứa tham vọng, không chất chứa oán hờn ganh ghét bất hòa. Tâm hồn bình an khi tâm hồn không bị xáo trộn bởi đam mê bất chính. Tâm hồn bình an khi là con người tự do đích thực và tôn trọng người khác. Đó là bình an Chúa Kitô để lại cho chúng ta.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Năm mới, mỗi người phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

Tết đang gần kề. Cầu chúc quý độc giả, một năm mới Quý Tỵ vui trong sức khoẻ, trẻ trong tâm hồn, khôn trong lý tưởng, trưởng thành trong… tất cả mọi lĩnh vực… khang an thịnh vượng và phát đạt thăng tiến.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây