TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tha hương – đánh dấu một kỷ niệm

Thứ năm - 17/11/2022 07:27 |   951
Thiên Chúa, Đấng hiện diện khắp nơi, chúng ta lại không thể cảm nhận Ngài về thể lý. Tha nhân, những người cũng hữu hình như chúng ta nhưng phần nào luôn xa cách và vô thực. Và cuối cùng, chính chúng ta là một bí ẩn cho chính chúng ta
Tha hương – đánh dấu một kỷ niệm

 

.
e4f650aeef0760d82eeb022d5e7bd6c3
e4f650aeef0760d82eeb022d5e7bd6c3

 Tha hương – đánh dấu một kỷ niệm

 Ronald Rolheiser, 2022-11-14

Tháng 11 năm 1982, 40 năm trước, tôi bắt đầu viết chuyên mục này khi đang nghiên cứu luận án tiến sĩ ở Bỉ. Tôi đặt tên cho chuyên mục là “Tha hương” vì hai lý do. Lý do bên ngoài vì lúc đó, tôi sống ở châu Âu, xa nơi tôi xem là nhà. Tôi không định làm một Robert Browning, viết quyển Suy tư về quê hương từ đất khách (Home-Thoughts, From Abroad), tôi chỉ bắt chước theo kiểu tài tử mà thôi. Vì nhiều lý do quan trọng, tôi chọn tựa đề này vì tất cả chúng ta đều đang sống tha hương. Chúng ta sống đời mình (như lời thánh Phaolô) qua “tấm gương tối”. Chúng ta sống trong những câu đố khó hiểu, riêng rẽ, phần nào tách biệt với Thiên Chúa, với nhau và thậm chí với chính bản thân mình. Chúng ta đã trải nghiệm tình yêu, tình cộng đồng, bình an, nhưng không bao giờ được trọn vẹn. Sự hiện hữu cá nhân của chúng ta đặt một rào chắn nào đó giữa chúng ta và cộng đồng. Chúng ta thật sự sống trong những câu đố khó hiểu. Thiên Chúa, Đấng hiện diện khắp nơi, chúng ta lại không thể cảm nhận Ngài về thể lý. Tha nhân, những người cũng hữu hình như chúng ta nhưng phần nào luôn xa cách và vô thực. Và cuối cùng, chính chúng ta là một bí ẩn cho chính chúng ta.

Nghĩ như thế, tất cả chúng ta đều xa mái ấm, đều ly hương, khao khát biết và được biết trọn vẹn hơn, nhưng lại bị tách biệt khỏi quá nhiều điều. Và trên hành trình này, quan điểm của chúng ta chỉ có thể cục bộ, tầm nhìn của chúng ta là của “người ngoài”, không thật sự thấy hay hiểu được.

Từ quan điểm tha hương này, tôi đã có 40 năm để đem lại cho độc giả những suy tư của tôi. Chuyên mục này nhiều thể loại. Như văn hào Margaret Atwood đã nói: “Điều chạm đến chúng ta là điều chúng ta chạm đến”. Tôi đã chạm đến nhiều thứ, nhưng tất cả chúng, theo cách riêng của tôi, là một trong những cách để cố giải câu đố này, để chấm dứt cảnh ly hương, để lên đường về nhà!

Ban đầu, cột bài này chỉ đăng trên một tờ báo duy nhất, là tờ Western Catholic Reporter. Năm 1987, Green Bay Compass cũng nhận đăng, rồi một năm sau đến tờ Portland Sentinel. Đến năm 1990, cột bài có bước đột phá lớn, được đăng trên tờ Catholic Herald ở Luân Đôn, Anh quốc, tờ báo quốc gia ở Anh, và vào thời đó ở trong tay của Otto Herschan, người cũng nắm tờ Irish Catholic, tờ báo quốc gia ở Ireland và tờ Scottish Catholic Observer, tờ báo quốc gia ở Scotland. Từ đó, cột bài này được đăng trên sáu tờ báo ở năm quốc gia, trong đó có ba tờ là báo quốc gia. Hơn nữa, với việc bản quyền ở châu Á không nghiêm ngặt như ở Mỹ, nên sớm có nhiều giáo phận ở châu Á bắt đầu đăng bài.

Đầu thập niên 1990 đem đến một bước đột phá nữa cho cột bài. Tờ Catholic Register và Prairie Messenger, hai tờ báo quốc gia ở Canada đã chọn đăng chuyên mục của tôi từ năm 1992. Với tôi, thế là đã phát hành quá đủ rồi. Tuy nhiên, sau khi tôi xuất bản quyển The Holy Longing ở Mỹ năm 1999, con số phát hành bỗng tăng vọt. Trong vòng ba năm, chuyên mục  của tôi xuất hiện trên hơn 60 tờ báo ở hơn 10 quốc gia. Và bây giờ đã có 80 báo đăng. Từ năm 2008, chuyên mục này được đăng bằng tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam, có nhiều độc giả ở Việt Nam, Mexico và nhiều nơi ở châu Mỹ La tinh.

Tôi mang ơn nhiều người, nhưng tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến một số người. Trước hết, tôi cảm ơn tờ Western Catholic Reporter ở Edmonton, Canada, và tổng biên tập Glenn Argan. Đây là tờ báo đầu tiên và tổng biên tập viên đã cho tôi cơ hội, một thanh niên nông thôn đồng cỏ với không nhiều bằng cấp hay quan hệ. Chính vì lý do này, suốt 40 năm, tôi luôn viết mã cột bài là WCR, vì trước bất kỳ ai, tôi viết cột bài này cho tờ Western Catholic Reporter. Ngày nay, mỗi tuần, khi bài gởi đến hơn 80 tờ báo, bài viết mới của tôi luôn kèm mã WCR. Tôi nghĩ nhiều biên tập viên chẳng hiểu những chữ đó là gì, nhưng bây giờ các bạn đã biết rồi đấy.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Delia Smith vì đã đưa cột bài này lên tờ Catholic Herald ở London, và xin cảm ơn ông Otto Herschan, chủ và nhà xuất bản của tờ báo lúc đó. Từ năm 1990 cho đến khi qua đời, ông Otto đã bảo đảm mọi tờ báo ông xuất bản đều có chuyên mục của tôi. Tôi cũng cám ơn bà JoAnne Chrones, thư ký điều hành không mệt mỏi của tôi suốt 28 năm qua, tôi cũng cám ơn ông Key Legried, người đã đưa chuyên mục đến nhiều tờ báo khác nhau, và cám ơn ông Doug Mitchell đã dò lại tất cả các bài cho tôi.

Sự thật là, khi mới viết chuyên mục này, có lẽ tôi mong muốn khai sinh một chuyên mục hơn là giúp nước Chúa trị đến. Động cơ của chúng ta luôn mãi cần được thanh tẩy. Tôi mong rằng sau 40 năm, tôi đã trưởng thành hơn trong chuyện này, và tôi xin gửi lời cám ơn lớn nhất đến các bạn, những độc giả của tôi.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2022/11/16/tha-huong-danh-dau-mot-ky-niem/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây