TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ Kim Khánh dòng Thiên Hòa -2012

Thứ năm - 03/06/2021 22:52 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   842
Bài giảng lễ Kim Khánh dòng Thiên Hòa -2012

Bài giảng lễ Kim Khánh dòng Thiên Hòa (07/12/12)
(St 3, 9-15.20 ; Ep 1, 3-6.11-12 ; Lc 1, 26-38)

Anh chị em thân mến,

Trong bầu khí hân hoan mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng đan viện, và cũng là dịp đan viện mừng Kim Khánh, chúng ta có dịp nghe lại bài đọc sách Sáng Thế, kể về cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tổ tiên phạm tội, và Tin Mừng Luca trình bày về việc thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ. Lời Chúa hôm nay có soi sáng cho chúng ta điều gì trong dịp tạ ơn về 50 năm hành trình và phát triển của đan viện Thiên Hòa?

Bài đọc sách Sáng Thế cho chúng ta thấy được tình trạng của Nguyên tổ sau khi phạm tội: biết mình phạm tội, nhưng không nhìn thấy rõ nguyên nhân chính đưa mình đến việc làm trái ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi người đều nhìn thấy nguyên nhân phạm tội đến từ người khác. Thiên Chúa, trái lại, Ngài thấy rõ nguyên nhân đưa Nguyên tổ đến tội lỗi, và Ngài đã nói với con rắn: “Mi đã làm điều đó...” (3, 14). Rồi Ngài nói tiếp: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (3, 15). Chúa nhắm vào con rắn như nguyên nhân làm cho người phụ nữ mềm lòng, làm cho Adam sa ngã; và Ngài mở cho con người một niềm hy vọng. Dẫu cho tội lỗi luôn tìm cách níu kéo con người (dùng miệng cắn vào gót), nhưng con người sẽ có cách thế để thống trị (gót chân con người đạp đầu con rắn). Dưới ánh sáng của những sách khác trong Kinh Thánh, truyền thống kitô giáo thường xem bản văn này như là “Tiền Tin Mừng” loan báo sự chiến thắng của Đấng Messie, sinh bởi người phụ nữ. Truyền thống công giáo nhận ra ở đây một yếu tố quan trọng về vai trò của người Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúng ta tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Đấng chiến thắng tội lỗi (ma quỷ), chúng ta cũng tin rằng Mẹ Maria đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến thắng này. Mẹ đã làm gì để góp phần với Chúa Giê-su trong công cuộc cứu chuộc?

Tin Mừng Lc kể lại cho chúng ta biết về việc thiên thần truyền tin cho Mẹ. Sau lời giới thiệu về cuộc gặp gỡ giữa thiên thần và Mẹ Maria, là một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này. Cuộc đối thoại bắt đầu bằng lời chào mừng của thiên thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

Lời chào này đã làm cho Mẹ bối rối, bởi vì đây không phải là lời chào thông thường trong cách nói của người Hy-lạp. Nó làm vang lên những lời loan báo ơn cứu độ cho Giê-ru-salem, thiếu nữ Sion. Hơn nữa, Mẹ còn được gọi là “người đầy ân sủng”. Từ này chỉ được dùng trong sách Huấn Ca có 1 lần để chỉ về người được đầy ân phúc, nhưng không nói rõ là ai. Ở đây, từ “người đầy ân sủng” lại trở thành tên riêng được ban tặng cho Mẹ. Khác với Giacaria, khi thấy thiên thần xuất hiện thì bối rối và sợ hãi, Mẹ không sợ hãi, nhưng bối rối và suy nghĩ về sứ điệp của thiên thần. Mẹ cố gắng đi vào trong sự bí nhiệm của mạc khải bất ngờ này.

Trước sự bối rối của Mẹ, thiên thần giải thích ý nghĩa của danh hiệu “đầy ân phúc”: “Maria, đừng sợ, vì bà có ân phúc bên cạnh Thiên Chúa”. Chính nhờ ân phúc này mà “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”. Ở đây, thiên thần lấy lại lời của tiên tri Isaia: “Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (7, 14). Emmanuel – nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta – được đổi thành Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Thế (Lc 2, 11).

Yếu tố “thụ thai, sinh hạ một con trai” càng làm Mẹ thắc mắc hơn, nên Mẹ đã đặt câu hỏi: “việc ấy sẽ xảy ra thế nào, bởi vì tôi không biết đến người đàn ông?” Trong bối cảnh này, theo cách dùng của Kinh Thánh, từ “biết” có nghĩa là có tương quan vợ chồng. Dẫu rằng Mẹ Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng vẫn còn là một trinh nữ (c. 27). Thiên thần loan báo rằng ngài sắp được làm mẹ (c. 31). Mẹ hiểu là mẹ phải trở thành người mẹ trong tương lai như trong trường hợp của mẹ ông Samson (Qa 13, 5.8). Nhưng Mẹ phản đối vì Mẹ chưa hề có quan hệ vợ chồng với thánh Giuse, và câu hỏi của Mẹ đã dẫn đến lời giải thích tiếp theo của thiên thần. Trong khi Giacaria đặt câu hỏi vì không tin vào lời thiên thần loan báo, và kết quả là ông bị câm cho đến khi đặt tên cho Gioan; câu hỏi của Mẹ Maria lại được thiên thần đón nhận như là được gợi hứng từ một đức tin, tìm cách làm sáng tỏ hơn điều Chúa mạc khải.

Thiên thần giải thích lý do tại sao không có quan hệ vợ chồng mà Mẹ vẫn có thể sinh con: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”: lời này nhắc Mẹ nhớ lại việc Chúa Thánh Thần thực hiện công việc sáng tạo của Thiên Chúa ngay từ lúc khởi nguyên (St 1, 2), và sự đăng quang của Đấng Cứu Thế  (Is 11, 1-6).

“Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà”: lời này nhắc Mẹ nhớ lại hình ảnh của đám mây, tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, đậu xuống trên nhà tạm trong hoang địa (Xh 40, 35; Ds 9, 18.22). Đám mây phủ bóng trên nhà tạm làm cho dân chúng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và vinh quang của Ngài.

Nghe những lời giải thích của thiên thần, mẹ hiểu được thân phận người con mà Mẹ cưu mang là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa, và Mẹ đã vội vã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Lời thưa xin vâng của Mẹ không chỉ phản ánh tâm tình khiêm nhượng thẳm sâu, nhưng còn là một cử chỉ của đức tin, dám tin vào lời Chúa qua miệng thiên thần, như lời bà Isave chúc mừng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).

Anh chị em thân mến,

Như trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thái độ của Mẹ khi đón nhận mạc khải, đặt những câu hỏi liên quan đến điều mình chưa hiểu, và khi được giải thich thì chính sự hiểu biết về Lời Chúa giúp Mẹ hiểu rõ hơn về những điều Chúa mạc khải qua lời trình bày của thiên thần. Mẹ không đóng kín cửa lòng trước lời mời gọi của Chúa, nhưng luôn mở ra để Lời Chúa hướng dẫn. Nhờ đó, mẹ đã vượt qua được chính cái tôi đầy giới hạn của mình, và trở thành dụng cụ tuyệt vời trong tay Thiên Chúa.

Người nữ Maria đã để cả đức tin và lý trí của mình dưới sự hướng dẫn của thiên thần. Trong khi nghe lời thiên thần giải thích, Mẹ đã sống lại kinh nghiệm đức tin của dân Chúa trong lịch sử, và nhờ đó, Mẹ hiểu được rằng con đường Chúa đang dẫn mình đi cũng chính là con đường mà Chúa đã dẫn dân Ngài bước đi. Để có thể trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, niềm tín thác vào Chúa và sự hiểu biết trong đức tin về lịch sử dân Chúa, là hai điểm tựa vững chắc cho cuộc đời của Mẹ.

Cách riêng, quí anh em trong tu viện Thiên Hòa thân mến,

Kinh nghiệm 50 năm tồn tại và phát triển của đan viện cho anh em thấy được rằng ơn Chúa đang bao phủ lấy anh em, như quyền năng của Đấng Tối Cao đã tỏa bóng trên Mẹ. Nhờ tấm lòng yêu mến tín thác vào Chúa mà anh em đã đón nhận những biến cố tích cực hay tiêu cực, do thời cuộc hay trong nội bộ, xảy đến trên cộng đoàn với một cái nhìn rộng mở và một tâm hồn biết lắng nghe. Anh em đã luôn sống trong niềm hy vọng, dẫu cho hoàn cảnh lúc đó chẳng có gì để hy vọng. Nhờ sự liên kết với Chúa trong đời sống chiêm niệm, mà Chúa luôn hiện diện trước mắt anh em như người dẫn đường. Anh em luôn sống trong niềm hy vọng, vì anh em không bước đi trong đêm tối.

Như Mẹ Maria đã đón nhận lời thiên thần truyền tin, đã cưu mang Chúa Giêsu, và đã cùng cộng tác với Người trong chương trình cứu chuộc; anh em cũng đã đón nhận niềm tin, niềm hy vọng, và anh em đang được mời gọi để trở nên những chứng nhân cho niềm hy vọng này. Để có thể trở nên những chứng nhân cho niềm hy vọng, anh em hãy tiếp tục phát huy ơn gọi chiêm niệm của mình bằng việc say mê học hỏi và suy niệm Lời Chúa. Sự hiểu biết Lời Chúa và kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn, cũng như của dân Chúa, sẽ giúp anh em hiểu rõ hơn con đường Chúa đang dẫn Giáo Hội bước đi. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành viên trong đan viện được luôn sống trong tình yêu Chúa và kéo ơn lành của Chúa xuống cho toàn thể Giáo Hội, cách riêng cho giáo phận Ban Mê Thuột.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây