TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ thứ Sáu Tuần Thánh của ĐGM

Thứ ba - 04/05/2021 06:28 |   1241
Bài giảng lễ thứ Sáu Tuần Thánh của ĐGM

Bài giảng lễ thứ Sáu Tuần Thánh của ĐGM Vinh Sơn

Bài THƯƠNG KHÓ về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ khi Chúa cùng với các môn đệ vào cầu nguyện trong vườn cây dầu cho đến khi Người được chôn vào trong huyệt đá. Chúng ta dành ít phút để tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu phải chết một cách đau khổ như thế và cái chết của Người có ý nghĩa gì với chúng ta. ?

1/ Trước hết, chúng ta thấy rằng chính Chúa Giêsu đã tự ý nộp mình chịu chết để thực hiện công việc cứu rỗi loài người, chứ không phải là Người tình cờ rơi vào trong đó. Người ý thức về nỗi khổ mà Người phải chịu, vì trước đó đã ba lần Người tiên báo về cuộc tử nạn của Người. Ngay cả trong cuộc khổ hình mà chúng ta vừa nghe qua bài thương khó, Chúa Giêsu cũng không tìm cách tránh né hay tìm cách tố cáo ngược những người tố cáo gian mình. Người trả lời Philatô một cách can đảm, không van xin hèn yếu.

Tóm lại, Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn một cách ý thức và tự do như một người biết làm chủ vận mệnh của mình. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tại sao Ngài phải chết, và có thật sự cần đến một phương thế kinh khủng đến thế để thực hiện hành vi cứu rỗi cho nhân loại không?

Chúng ta không biết là có thật cần thiết không, nhưng việc Chúa Giêsu bị đối xử như một tội nhân và bị đóng đinh trên thập tự là một sự kiện lịch sử; và rồi biến cố Phục Sinh cũng là một sự kiện mà các môn đệ không thể chối cãi được. Rồi khởi đi từ ánh sáng Phục Sinh, người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của biến cố tử nạn. Vì thế, dưới ánh sáng Phục Sinh, người ta hiểu được rằng Chúa không chết như một tử tội bị xã hội loại trừ, nhưng như một người tôi tớ đau khổ gánh lấy tội lỗi của toàn dân ( bài đọc I), như một vị Thượng Tế có khả năng thông cảm và chia sẻ mọi sự đau khổ và yếu đuối với con người để trở nên Đấng bầu cử hữu hiệu cho loài người trước nhan Thiên Chúa (bài đọc II).
Rồi cũng từ ánh sáng phục sinh đó chiếu dọi vào biến cố tử nạn của Chúa Giêsu mà môn đệ dần dần hệ thống hóa lại những lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế, để khám phá rằng Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian để làm cho hoàn tất những điều mà Chúa hứa với các tổ phụ Do Thái. Khi mà Chúa Giêsu được đón nhận như là Đấng đến để xóa tội trần gian, để giao hòa thế gian tội lỗi với Thiên Chúa để phục hồi giá trị của con người mà tội lỗi đã làm cho hư hoại, người ta không đặt vấn đề “tại sao Ngài phải chết” nữa, nhưng là “cái chết và sự sống lại của Người có liên quan gì đến tôi”.

2/ Khi chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá, Chúa Giêsu chứng minh một điều : sự từ bỏ chính mình của Ngài có khả năng giúp cho con người tìm lại được ý nghĩa cuộc sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Thực vậy, trong khi Adam là một tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, lại muốn trở thành ngang hàng với Thiên Chúa, và hậu quả là ông đã kéo theo mình cả loài người phải sống trong tội lỗi; còn Chúa Giêsu, Người đã từ bỏ những gì đáng được hưởng trong thân phận Thiên Chúa, cam tâm đội lốt người phàm, vâng lời Thiên Chúa cho đến chết, và chính cái chết của Người đã đem lại cho con người cơ hội được sống trong thân phận của con cái Thiên Chúa. Người đã giúp cho con người có điều kiện và sức mạnh dám nói không với tội lỗi để sống xứng đáng như một con người tự do.
Khi chúng ta tin vào Đức Kitô bị đóng đinh, chúng ta cùng với người chiến đấu với những yếu đuối của mình và chúng ta sẽ thắng được tội lỗi, với sự nâng đỡ của Người.

3/ Được cứu chuộc trong Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để sống đời sống mới. Đời sống mới này được xây dựng trên nền tảng là “ tôi đã được Chúa Giêsu yêu thương, tôi không có quyền sống không xứng đáng với tình thương đó”. Và tình thương này được trao ban cho tôi để tôi đáp đền lại tình yêu đó bằng chính cuộc sống của tôi và tôi biết chia sẻ tình yêu đó với những người sống chung quanh mình, đặc biệt là những người trong gia đình, trong giáo xứ của mình.

Xin cho trái tim bị đâm thâu của Đấng bị treo lên thập giá cho chúng ta hiểu được cái giá mà Người phải trả để cứu chuộc ta, để chúng ta sống đức tin một cách mạnh mẽ.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây