TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vui Học Giáo Lý PHỤNG VỤ THÁNH THỂ 153 Câu Hỏi Thưa

Chủ nhật - 02/05/2021 09:32 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   5695
"Tất cả anh em hãy uống chén này,28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.
Vui Học Giáo Lý PHỤNG VỤ THÁNH THỂ 153 Câu Hỏi Thưa
Vui Học Giáo Lý
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
 
Gb. Nguyễn Thái Hùng
 
 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói : "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy."
 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn,
trao cho môn đệ và nói :
"Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.
 Thầy bảo cho anh em biết : từ nay,
Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho,
cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới
trong Nước của Cha Thầy."
Tin Mừng thánh Mátthêu 26,26-29



PHỤNG VỤ THÁNH THỂ


        Kinh Chịu Lễ Thiêng Liêng
        Lạy Đức Giêsu,
con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh.
        Con kính mến Chúa trên hết mọi sự cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con, song le bây giờ con chẳng có thể chịu Chúa cho thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì khi Chúa ngự vào thật, thì con xin ẳm lấy cùng hợp làm 1 với Chúa cho trọn.
        Xin Chúa chớ để con lìa bỏ Chúa bao giờ.  Amen



“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,23-24)
 
Khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh không làm gì khác hơn là tuân theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (KNTT)
 
A. TỔNG QUÁT VỀ THÁNH LỄ
 
01. Hỏi : Thánh lễ là gì ?
        - Thưa :  Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, là hiện tại hóa và tiến dâng lễ hy sinh độc nhất của Người lên Chúa Cha trong phụng vụ của Hội Thánh.


02. Hỏi : Hội Thánh dâng thánh lễ vì những ý nào?
        - Thưa :  Hội Thánh dâng thánh lễ vì những ý :
- Một là để cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha vì các ơn huệ Người ban cho loài người.
- Hai là để tưởng niệm Hy tế của Chúa Kitô và Thân thể Người là Hội Thánh.
- Ba là để đền bù tội lỗi của người sống, người chết, đồng thời xin Thiên Chúa ban cho ta những ơn lành hồn xác.
- Bốn là để các tín hữu được hiệp nhất với nhau   trong Chúa Kitô và được kết hợp với phụng   vụ trên trời.


03. Hỏi : Thánh lễ còn được diễn tả qua những tên gọi nào ?
        - Thưa :  Bữa ăn của Chúa, Lễ Bẻ Bánh, Lễ Tạ Ơn…


04. Hỏi : Bữa ăn của Chúa nghĩa là gì ?
        - Thưa : Thánh Phaolô gọi thánh lễ là Bữa ăn của Chúa (1Cor11,20-27) vì do Chúa Giêsu chủ tọa tại nhà tiệc ly, trước khi bước vào cuộc thương khó. Thánh nhân dạy cử hành bữa tối của Chúa bằng cách thánh hiến bánh và chịu lấy bánh đã thánh hiến trở nên Mình Máu Thánh Chúa Kitô.


05. Hỏi : Lễ Bẻ Bánh nghĩa là gì ?
        - Thưa : Nghi thức bẻ bánh là nghi thức riêng trong bữa ăn của người Do Thái : Sau khi cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa, người chủ tọa bẻ tấm bánh đã được dâng lên trao cho mọi thành viên. Các tông đồ và những tín hữu tiên khởi đã gọi cuộc họp mặt để cử hành bữa ăn tối của Chúa là lễ Bẻ Bánh để gợi nhớ lại bữa tiệc ly.


06. Hỏi : Từ tạ ơn có lễ phù hợp với bầu khí của bữa Tiệc ly, vì trong bữa Tiệc ly ấy, Chúa Giêsu đã cầm lấy tấm bánh dâng lời tạ ơn, cầm lấy chén rượu dâng lời tạ ơn … Do đó, mầu nhiệm do Chúa Giêsu thiết lập còn gọi là gì ?
        - Thưa :  Lễ Tạ Ơn


07. Hỏi : Tại sao gọi Thánh Lễ là trọng tâm đời sống Kitô hữu ?
        - Thưa :  Vì Thánh Lễ là trung tâm, “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Trong thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Thánh Thể ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.


08. Hỏi : Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta điều gì ?
        - Thưa : Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta nhớ lại “ngày thứ nhất trong tuần”, ngày Chúa Phục Sinh, ngày dành riêng để thờ phượng Chúa và làm các việc bác ái.


09. Hỏi : Chúng ta phải sống tâm tình ngày Chúa Nhật thế nào ?
        - Thưa : Chúng ta phải mang tâm tình đạo đức và vui tươi vì được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và anh chị em mình.



B. THÁNH LỄ & DIỄN TIẾN
I. NGHI THỨC ĐẦU LỄ  : TIẾP NHẬN



10. Hỏi : Thánh lễ có mấy phần chính ?
        - Thưa : Thánh lễ có hai phần chính :
        - Một là Phụng vụ Lời Chúa.
        - Hai là Phụng vụ Thánh Thể.


11. Hỏi : Ngoài 2 phần chính, Thánh Lễ còn có những phần nào nữa ?
        - Thưa : Đó là nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.


12. Hỏi : Nghi thức đầu lễ gồm những gì ?
        - Thưa : Nghi thức đầu lễ gồm cuộc rước đầu lễ với Ca nhập lễ, dấu Thánh Giá, lời chào khai mạc, nghi thức sám hối, kinh Thương xót, kinh Vinh danh, lời kêu mời cầu nguyện và lời nguyện nhập lễ.


13. Hỏi : Nghi thức đầu lễ giúp các tín hữu điều gì ?
        - Thưa : Giúp các tín hữu hiệp thông với nhau, để chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa và tham dự cử hành thánh lễ cách sốt sắng hơn.


14. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với nghi thức đầu lễ ?
        - Thưa : Chờ đợi, vui bước đến, chuẩn bị tâm hồn, vui tươi và mau mắn chào hỏi.


15. Hỏi : Ca nhập lễ được cất lên khi nào ?
        - Thưa : Khi linh mục và lễ sinh tiến ra bàn thờ để mở đầu thánh lễ.


16. Hỏi : Mục đích của ca nhập lễ là gì ?
        - Thưa : Tạo mối dây hiệp nhất giữa các tín hữu tham dự thánh lễ.


17. Hỏi : Vì sao chủ tế và lễ sinh phải bái chào bàn thờ ?
        - Thưa : Vì bàn thờ đã được thánh hiến là dấu chỉ chính Đức Kitô, là nơi cử hành lễ hiến tế.


18. Hỏi : Vì sao linh mục hôn bàn thờ ?
        - Thưa : Linh mục hôn bàn thờ để tỏ lòng tôn kính Chúa Kitô.


19. Hỏi : Bàn thờ là biểu tượng ai ?
        - Thưa : Bàn thờ là biểu tượng Chúa Kitô.


20. Hỏi : Hương thơm biểu tượng cho lời kinh dâng lên Thiên Chúa. Việc xông hương bàn thờ là dấu chỉ tôn kính Chúa Kitô là gì ?
        - Thưa : Tôn kính Chúa Kitô là Đền Thờ, là Thượng tế và Hy lễ.


21. Hỏi : Mở đầu thánh lễ, linh mục và cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình là dấu chỉ nói lên mối tương quan giữa chúng ta với ai ?
        - Thưa : Giữa chúng ta Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.


22. Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta nhắc nhớ lại điều gì trong cuộc đời của Chúa Giêsu ?
        - Thưa : Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.


23. Hỏi : Dấu thánh giá còn nhắc nhở chúng ta ý thức về bí tích gì mà chúng ta đã lãnh nhận ?
        - Thưa : Bí tích Thánh Tẩy.


24. Hỏi : Dấu thánh giá còn là lời tuyên xưng đức tin của người tín hữu về mầu nhiệm gì ?
        - Thưa : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.


25. Hỏi : Dấu thánh giá còn nói lên sự vui mừng được ai qui tụ thành một cộng đoàn phụng vụ ?
        - Thưa : Thiên Chúa Ba Ngôi


26. Hỏi : Ý nghĩa của từ "Amen" trong cử hành phục vụ là gì ?
        - Thưa : Lời Amen kết thúc lời kinh hay trong các nghi thức cử hành phụng vụ  là lời chấp nhận về những gì minh vừa đọc hay vừa nghe ; đồng thời cũng là lời tuyên xưng đức tin.


27. Hỏi : Lời chào cộng đoàn của vị linh mục : “Chúa ở cùng anh chị em …” là lời tuyên xưng Thiên Chúa đang ở giữa cộng đoàn và cầu chúc cộng đoàn điều gì ?
        - Thưa : Được tràn đầy ân sủng, bình an và niềm vui của Chúa Kitô.


28. Hỏi : Qua lời chào đầu lễ, linh mục muốn công bố với cộng đoàn về điều gì ?
        - Thưa : Về sự hiện diện của Thiên Chúa.


29. Hỏi : Trong thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện cách nào ?
        - Thưa : Chúa Giêsu hiện diện trong Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và thực hành bác ái, trong con người thừa tác viên thánh, và nhất là trong hình bánh rượu đã được truyền phép.


30. Hỏi : Lời mời gọi : “Anh chị em hãy nhìn nhận tội lỗi, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh” nhắc nhở cộng đoàn điều gì ?
        - Thưa : Nhắc nhở cộng đoàn ý thức thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình, nhìn nhận mình là tội nhân, để xin Chúa nhân từ thương xót thứ tha, hầu xứng đáng tham dự hiến lễ của Chúa Giêsu và nhận lãnh ân sủng của Người.


31. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với phần sám hối ?
        - Thưa : Chúng ta phải khiêm tốn, nhận biết mình, xin ơn tha thứ, thay đổi con tim và tin tưởng và Thiên Chúa.


32. Hỏi : Nghi thức sám hối đầu lễ có thay bí tích Hòa Giải không ?
        - Thưa : Thưa không, vì nghi thức sám hối đầu thánh lễ là biểu lộ tâm tình sám hối vì thấy mình bất xứng nên xin Chúa thứ tha lỗi lầm để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao cả. Vì thế, đây chưa phải là bí tích Hòa Giải, vì chưa có lời Xá giải bí tích cho từng hối nhân.



Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều
trong tư tưởng, lời nói, việc làm,
và những điều thiếu sót.
Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.



33. Hỏi : Kinh ‘Tôi thú nhận” nói lên điều gì ?
        - Thưa : Thú nhận tội lỗi mình xúc phạm đến Chúa, phủ nhận tình yêu đối với anh chị em và xin Hội Thánh cầu bầu.



X: Xin Chúa thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.
X: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X: Xin Chúa thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.



34. Hỏi : Kinh Thương Xót được cất lên với ý gì ?
- Thưa : Để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người.



                Kinh Vinh Danh

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa,
chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
Là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa
là Con Đức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian,
xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô,
chỉ có Chúa là Đấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao,
cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha . Amen.

 
35. Hỏi : Kinh Vinh Danh có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Đây là một thánh thi, được dùng để ca ngợi, tung hô quyền năng và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Đồng thời cũng diễn tả lòng biết ơn và mến yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.


36. Hỏi : Những mùa nào trong năm Phụng vụ không đọc Kinh Vinh Danh ?
        - Thưa : Các Chúa Nhật Mùa Vọng và Mùa Chay.


37. Hỏi : Kinh Vinh Danh được hát hoặc đọc và những dịp nào ?
        - Thưa : Các lễ Chúa Nhật mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, mùa Thường Niên. Các lễ trọng kính Chúa, kính Mẹ Maria, lễ kính nhớ các thánh và các dịp lễ cử hành cách long trọng.


38. Hỏi : Vì sao chủ tế lại kêu mời “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” và có vài giây thinh lặng ?
        - Thưa : Để nhắc mỗi người ý thức mình đang hiện diện trước nhan thánh Chúa và hãy hiệp thông với lời nguyện của ngài. Riêng trong lời nguyện nhập lễ, chủ tế mời gọi mỗi người dâng ý nguyện riêng mà ngài sẽ tổng kết trong lời nguyện được gọi là “lời tổng nguyện”.

 
II. PHỤNG VỤLỜI CHÚA
* Tổng quát
 

39. Hỏi : Phần Phụng vụ Lời Chúa được bắt nguồn từ đâu ?
        - Thưa : Được bắt nguồn từ Phụng vụ Hội đường của người Do Thái trong ngày sa-bát.


40. Hỏi : Cuộc cử hành phụng vụ Hội đường của người Do Thái gồm những gì ?
        - Thưa : Gồm những bài Thánh Vịnh, những lời cầu xin, chúc tụng, nhất là đọc Lời Chúa theo chu kỳ nhất định.


41. Hỏi : Lời Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh để giáo huấn các tín hữu. Khi Lời Chúa được công bố là lúc Thiên Chúa làm gì ?
        - Thưa : Khi Lời Chúa được công bố là lúc Thiên Chúa hiện diện nói với dân, hướng dẫn và dạy dỗ dân.


42. Hỏi : Thiên Chúa hướng dẫn và dạy dỗ cho dân biết điều gì ?
        - Thưa : Thiên Chúa là Cha nhân từ và mọi người là con Thiên Chúa, là anh chị em với nhau.


43. Hỏi : Lời Chúa dạy cho các tín hữu biết sống đạo đức, thánh thiện trong khi chờ đợi điều gì ?
        - Thưa : Chờ đợi ngày Chúa quang lâm.


44. Hỏi : Chính nhờ được nghe Lời Chúa và được giải thích, tín hữu ngày càng hiểu biết hơn về các mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô qua dòng lịch sử. Nhờ đó tín hữu được gì ?
        - Thưa : Được gia tăng đức tin và thực thi giáo huấn của Chúa trong cuộc sống.


45. Hỏi : Lời Chúa cần được tôn kính, nên cần được công bố ở những nơi trang trọng, xứng đáng, thích hợp như : Nhà thờ, Cung thánh, Giảng đài …  để làm gì ?
        - Thưa : Để Lời Chúa được loan báo và tín hữu hướng về nhìn thấy và nghe được Lời Chúa nói với mình qua thừa tác viên.


46. Hỏi : Phần phụng vụ Lời Chúa bắt đầu và kết thúc khi nào ?
        - Thưa : Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Kinh Thánh thứ nhất, sau lời nguyện nhập lễ của chủ tế, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện chung, tức là trước khi dâng lễ vật.


47. Hỏi : Phần Phụng vụ Lời Chúa gồm những gì?
        - Thưa : Bài đọc 1 – Thánh Vịnh đáp ca – Bài đọc 2 – Alleluia – Tin Mừng – Giảng lễ - Kinh Tin Kính – Lời Nguyện Giáo Dân.


48. Hỏi : Phận sự của thừa tác viên đọc sách phải chuẩn bị những gì ?
        - Thưa :
* Một là phải tìm đúng bài đọc của ngày lễ.
* Hai là xem trước bài đọc để tránh va vấp, phát âm đúng những danh từ riêng.
* Ba là nắm vững cấu trúc bài đọc, ngắt câu đúng chỗ, để người nghe không hiểu sai câu văn.
* Bốn là ổn định tâm lý khi đứng trước đám đông.


49. Hỏi : Khi công bố Lời Chúa, thừa tác viên phải làm những gì ?
        - Thưa :
* Một là đứng đọc sách đúng nơi qui định.
* Hai là ý thức mình là người làm cho Lời Chúa dưới dạng chữ viết trong Thánh Kinh trở thành lời nói giữa cộng đoàn.
* Ba là cần đọc rõ ràng, chậm rãi.
* Bốn là không được đọc theo kiểu đọc bài hay như hát.
* Năm là giữa lời tựa và bài đọc cần nghỉ chút ít.
* Sáu là nghỉ lấy hơi đúng dấu chấm, dấu phẩy.
* Bảy là câu cuối bài đọc chậm rãi để dừng.
* Tám là đọc xong, chờ cộng đoàn tung hô “Tạ ơn Chúa” rồi mới xuống.


50. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với phần Phụng vụ Lời Chúa ?
        - Thưa : Phải lắng nghe, mở lòng đón nhận, thinh lặng, đối thoại, giữ trong lòng và suy niệm.



** Diễn tiến

51. Hỏi : Phụng vụ Lời Chúa là con đường dẫn tín hữu đến với Chúa Kitô, nên Hội Thánh  đã phân chia những giáo huấn quan trọng theo chu kỳ thế nào ?
        - Thưa : Theo chu kỳ 3 năm (A-B-C) cho các ngày Chúa Nhật và chu kỳ 2 năm (năm chẵn, năm lẻ) cho các ngày trong tuần Mùa Thường Niên.


52. Hỏi : Thông thường, ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng có bao nhiêu bài đọc ?
        - Thưa :  Thưa có 3 bài đọc.


53. Hỏi : Những bài đọc ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng là những bài nào ?
        - Thưa : Thưa 1 bài đọc Cựu Ước, 1 bài trích trong thư các tông đồ (hay các sách khác của Tân Ước) và 1 bài Tin Mừng.


54. Hỏi : Ngày trong tuần có bao nhiêu bài đọc ? Đó là những bài nào ?
        - Thưa : Có 2 bài đọc : 1 bài đọc Cựu Ước hoặc thư các tông đồ (hay các sách khác của Tân Ước) và 1 bài Tin Mừng.


55. Hỏi : Bài đọc I thường được trích từ đâu ?
        - Thưa : Bài đọc I thường được trích từ Thánh Kinh Cựu Ước để loan báo hành động của Thiên Chúa là Đấng từ khi tạo thành thế giới, đã chuẩn bị cho dân Ngài đón tiếp Chúa Giêsu. Ngày Chúa Nhật, Bài đọc I giúp ta hiểu bài Tin Mừng rõ hơn.


56. Hỏi : Các bài đọc Cựu Ước cho chúng ta thấy sự trưởng thành đức tin của dân Chúa qua dòng thời gian. Đó là lịch sử cứu độ của điều gì ?
        - Thưa : Đó là lịch sử cứu độ của ân sủng và tội lỗi, của trung tín và phản bội, của niềm tin và nghi ngờ…


57. Hỏi : Các bài đọc Cựu Ước được chọn đọc trong thánh lễ giúp tín hữu nhận ra điều gì ?
        - Thưa : Nhận ra mối dây liên hệ giữa hai giao ước, để thấy Thiên Chúa trong Cựu Ước và Thiên Chúa trong Tân Ước chỉ là một Thiên Chúa của tình thương, giàu lòng nhân nghĩa và trung tín.


58. Hỏi : Trong Mùa Phục Sinh, Bài đọc 1 trích từ sách nào ?
        - Thưa : Từ sách Tông Đồ Công Vụ, kể về các sinh hoạt thời đầu của Hội Thánh.


59. Hỏi : Thánh Vịnh đáp ca có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Thánh Vịnh đáp ca là dây liên kết các bài đọc với nhau, giúp tín hữu hiểu ý nghĩa của các bài đọc Thánh Kinh, cũng chính bày tỏ lòng tin và thái độ đáp lại Lời Chúa vừa nghe.


60. Hỏi : Bài đọc II thường được trích từ đâu ?
        - Thưa : Từ thư của các tông đồ, hoặc từ sách Tông Đồ Công Vụ, qua đó Hội Thánh mời gọi tín hữu nghe lại giáo huấn của Chúa Giêsu do các tông đồ truyền lại.


61. Hỏi : Alleluia là gì ?
        - Thưa : Alleluia là tiếng Do thái, có nghĩa là : “Hãy chúc tụng Chúa”.


62. Hỏi : Lời tung hô trước Tin Mừng “Alleluia” giúp các tín hữu điều gì ?
        - Thưa : Giúp các tín hữu tuyên xưng niềm tin và thể hiện sự vui mừng vì sắp được gặp Chúa qua Lời của Ngài.


63. Hỏi : Các Chúa Nhật nào không đọc hay hát Alleluia ?
        - Thưa : Các Chúa Nhật Mùa chay.


64. Hỏi : Trong Tin Mừng, chính Chúa Giêsu nói với chúng ta. Vì thế chúng ta phải làm gì khi nghe Lời Chúa ?
        - Thưa :  Phải đứng khi nghe Lời Chúa.


65. Hỏi : Tại sao phải đứng khi nghe công bố Tin Mừng ?
        - Thưa : Cử chỉ đứng lắng nghe là dấu chỉ bày tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài.


66. Hỏi : Ai là người được phép công bố Tin Mừng trong Thánh lễ ?
        - Thưa : Khi cử hành Thánh lễ, chỉ có những người có chức thánh mới được phép công bố Tin Mừng. Đó là các giám mục, linh mục hoặc phó tế.


67. Hỏi : Bài Tin Mừng có chỗ đứng như thế nào trong Thánh lễ ?
        - Thưa : Đó là trọng tâm của phần phụng vụ Lời Chúa : Chính Chúa Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta.


68. Hỏi : Trước khi công bố Tin Mừng, linh mục làm gì ?
        - Thưa : Linh mục phải xin Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng và tâm hồn để xứng đáng công bố Lời Chúa.


69. Hỏi : Để tỏ lòng tôn kính Lời Chúa, chúng ta có thể làm gì ?
        - Thưa : Có thể rước Sách Tin Mừng với đèn nến, hương trầm nghi ngút.


70. Hỏi : Khi công bố Tin Mừng, chủ tế xướng “Chúa ở cùng anh chị em”, và cộng đoàn phụng vụ thưa “Và ở cùng cha” có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Đó là lời tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện và nói với cộng đoàn phụng vụ.


71. Hỏi : Trước khi nghe công bố Tin Mừng, chúng ta làm Dấu Thánh Giá ở những đâu ?
        - Thưa : Trên trán, trên môi và trên ngực.


72. Hỏi : Những cử chỉ làm Dấu Thánh Giá trên trán, trên môi và trên ngực có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Những cử chỉ này mang ý nghĩa cầu xin cho Lời Chúa đi vào tận sâu trong tâm trí chúng ta, cư ngụ trong tâm hồn chúng ta và được diễn tả bằng lời qua môi miệng chúng ta.


73. Hỏi : Cử chỉ linh mục làm dấu Thánh giá trên Sách Thánh có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Cử chỉ linh mục làm dấu Thánh giá trên Sách Thánh trước khi công bố Tin Mừng là dấu chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu đang hiện diện trong Lời của Ngài. Khi linh mục hoặc phó tế đọc Lời Chúa nói đến với cộng đoàn qua môi miệng các Ngài.


74. Hỏi : Khi linh mục xông hương trước sách Tin Mừng, điều này có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Việc xông hương bày tỏ lòng tôn kính, ước mong được Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn.


75. Hỏi : Sau khi công bố Tin Mừng, linh mục long trọng xướng “Đó là Lời Chúa” và cộng đoàn phụng vụ đáp “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Như lời xác nhận, những lời vừa được nghe đích thực là Lời của Chúa nói với cộng đoàn.


76. Hỏi : Việc hôn Sách Thánh có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Linh mục hay phó tế hôn Sách Thánh là cử chỉ tôn kính Sách Thánh và yêu mến Lời Chúa.


77. Hỏi : Ai được phép giảng lễ ?
        - Thưa : Chỉ những người có chức thánh mới được giảng lễ (như Giám mục, linh mục, phó tế).


78. Hỏi : Dựa vào đâu để giảng lễ ?
        - Thưa : Dựa vào những gì Lời Chúa vừa nói với cộng đoàn để giúp chúng ta đón nhận giáo huấn, như xưa Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ làng Emmau.


79. Hỏi : Qua bài giảng lễ, điều gì của Hội Thánh  được thể hiện rõ rệt nơi thừa tác vụ linh mục ?
        - Thưa : Quyền giáo huấn của Hội Thánh.


80. Hỏi : Nhờ bài giảng lễ, Hội Thánh làm gì với Lời Chúa ?
        - Thưa : Làm cho Lời Chúa và lời các thánh ký ăn sâu vào đời sống và tâm thức các tín hữu.


81. Hỏi : Kinh Tin kính là gì ?
        - Thưa : Đây là bản tóm lược toàn bộ đức tin của người kitô. Tuyên xưng niềm tin có nghĩa là công khai bày tỏ những gì chúng ta tin : Tin vào Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô Con của Người, Chúa Thánh Thần, Hội Thánh, thân xác sống lại và sự sống mai sau.


82. Hỏi : Qua Kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng điều gì ?
        - Thưa : Chúng ta tin vào Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô Con của Người, Chúa Thánh Thần, Hội Thánh, thân xác sống lại và sự sống mai sau.


83. Hỏi : Trong Hội Thánh có bao nhiêu bản Kinh Tin kính ?
        - Thưa : Thưa có nhiều bản, nhưng thông dụng nhất là Kinh Tin kính của các Tông Đồ và Kinh Tin kính của công đồng Nicêa – Constantiôpôli.


84. Hỏi : Kinh Tin kính thường được đọc hay hát trong các ngày lễ nào ?
        - Thưa : Thường được đọc hay hát trong các ngày lễ Chúa Nhật và lễ trọng.


85. Hỏi : Trong các ngày lễ Chúa Nhật và lễ trọng cộng đoàn thương hát hay đọc Kinh Tin kính nào ?
        - Thưa : Kinh Tin kính của công đồng Nicêa – Constantiôpoli


86. Hỏi : Khi đọc Kinh Tin kính trong thánh lễ là nhắc lại lời tuyên xưng khi chúng ta chịu bí tích gì ?
        - Thưa : Bí tích Thanh Tẩy.



Kinh Tin Kính Nicêa – Constantiôpôli

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất,
muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,
Con Một Thiên Chúa,
Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Đức Chúa Cha :
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế.
(từ "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần" đến "và đã làm người" mọi người cúi mình)
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần,
Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,
thời quan Phongxiô Philatô;
Người chịu khổ hình và mai táng,
ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.
Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang
để  phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống,
Người bởi Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con mà ra,
Người được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con:
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện,
công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.

 
Kinh Tin Kính các Tông Đồ

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

 
87. Hỏi : “Lời nguyện giáo dân” trong Thánh lễ là gì ?
        - Thưa : “Lời nguyện giáo dân” (lời nguyện cho mọi người, lời nguyện tín hữu, lời nguyện chung) là lúc cộng đoàn dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho các nhu cầu của toàn thể Hội Thánh và của cộng đoàn.


88. Hỏi : Thứ tự những ý nguyện thường thế nào?
        - Thưa :
        - Trước tiên Cho các nhu cầu của Hội Thánh.
        - Cho chính quyền và thế giới.
        - Cho một hạng người, hay một trường hợp đặc biệt.
        - Và cuối cùng Cho cộng đoàn địa phương (QCTQ 70).

 
III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

89. Hỏi : Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi nào ?
        - Thưa : Trong Bữa Tiệc ly, trước khi Ngài chịu chết.


90. Hỏi : Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là thi hành ý muốn và lệnh truyền của Chúa Giêsu theo câu Thánh Kinh nào ?
        - Thưa : Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.


91. Hỏi : Phụng vụ Thánh Thể gồm những gì ?
        - Thưa : Gồm dâng lễ vật, Kinh Tiền tụng, Kinh Tạ Ơn, thánh hiến lễ vật và hiệp lễ.


92. Hỏi : Chúng ta phải có tâm tình gì trong phần Phụng vụ Thánh Thể ?
        - Thưa : Chúng ta phải có tâm tình biết ơn, mở rộng bàn tay, đón nhận, cảm tạ và trao ban.


93. Hỏi : Lễ vật là những gì ?
        - Thưa : Đó là bánh và rượu, (hoa màu ruộng đất và công lao của con người) để cử hành Thánh lễ cùng với những lễ vật khác diễn tả sự dâng hiến đời sống của chúng ta cho Chúa.


94. Hỏi : Ngoài bánh rượu, chúng ta còn dâng gì nữa không ?
        - Thưa : Còn phần tiền lắc giỏ để dành cho người nghèo và Hội Thánh như dấu hiệu của việc chia sẻ.


95. Hỏi : Phần tiền lắc giỏ có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Đó là dấu chỉ sự tham dự tích cực của tín hữu vào cử hành Thánh lễ, như lễ vật của mỗi người. Ngoài ra, còn thể hiện tình liên đới giữa các phần tử trong cộng đoàn, góp phần mình trong những vấn đề chung của giáo xứ, giáo phận … và giúp đỡ người nghèo.


96. Hỏi : Thứ tự dâng lễ vật thế nào ?
        - Thưa : Trước hết là Bánh và rượu, tiếp đến hoa-nến, trái cây, vật kỷ niệm, tiền lạc quyên…


97. Hỏi : Việc rung chuông trong phụng vụ có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Tiếng chuông được rung lên trong phụng vụ vào những lúc được coi như quan trọng, nhằm nhấn mạnh việc cử hành và tập trung sự chú ý của cộng đoàn cũng như lời mọi gọi tín hữu chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn.


98. Hỏi : Tiếng chuông được rung lên trong phụng vụ vào những lúc được coi như quan trọng, nhằm nhấn mạnh việc cử hành và tập trung sự chú ý của cộng đoàn như những lúc nào?
        - Thưa : Khi chủ tế tiến ra bàn thờ dâng lễ, khi hát Kinh Vinh  Danh, khi chủ tế đặt tay trên lễ vật, khi chủ tế rước lễ.


99. Hỏi : Tiếng chuông như lời mọi gọi tín hữu chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn như những lúc nào ?
        - Thưa :  Khi truyền phép, khi mở cửa Nhà Tạm, khi ban phép lành Chầu Thánh Thể.


100. Hỏi : Tại sao phải đặt Chén, Đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh Chúa trên khăn thánh ?
        - Thưa : Việc đặt Chén, Đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh Chúa trên khăn thánh để bày tỏ sự tôn kính cần phải có đối với bí tích Thánh Thể.


101. Hỏi : Việc linh mục pha chút nước và rượu có nghĩa gì ?
        - Thưa : Việc linh mục pha chút nước và rượu là dấu chỉ nhân loại được tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.


102. Hỏi : Theo truyền thống Tây phương, người ta thường dùng bánh gì trong phụng vụ ?
        - Thưa : Thường dùng bánh không men theo gương Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.


103. Hỏi : Sau phần chúc tụng trên bánh và rượu, có thể xông hương những gì ?
        - Thưa : Chủ tế có thể xông hương lễ vật, bàn thờ, thánh giá rồi Phó tế hoặc giúp lễ xông hương cho chủ tế, vì thừa tác vụ thánh, và cộng đoàn, vì phẩm giá phép Rửa.


104. Hỏi : Việc chủ tế rửa tay có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Đó là dấu chỉ bày tỏ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn. Vì nước là dấu chỉ của sự thanh tẩy.


105. Hỏi : Lời nguyện tiến lễ kết thúc phần chuẩn bị lễ vật để dẫn vào cử hành Thánh Thể, (như lời nguyện nhập lễ kết thúc phần mở đầu thánh lễ để dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa và lời nguyện hiệp lễ kết thúc Phụng vụ Thánh Thể để chuyển sang phần kết lễ) diễn tả tâm tình gì ?
        - Thưa : Diễn tả tâm tình tạ ơn và xin Chúa thương nhận của lễ được Hội Thánh dâng tiến để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.


106. Hỏi : Kinh Tiền tụng là gì ?
        - Thưa : Được đặt trước Kinh Tạ ơn. Đây là lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa Cha vì lịch sử cứu độ Người đã thực hiện.

 
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Ð. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Ð. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ð. Thật là chính đáng.

      
107. Hỏi : Thánh ! Thánh ! Thánh ! Nghĩa là gì ?
        - Thưa : Là một thánh thi ngợi khen được lấy từ Thánh Kinh, qua đó tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng ngàn trùng chí thánh và thật vĩ đại trong lịch sử.

 
Thánh! Thánh! Thánh!
Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.
Trời đất đầy vinh quang Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.

 
108. Hỏi : Trong sách lễ Rôma có bao nhiêu Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể) để tùy nghi sử dụng sao cho phù hợp với Thánh lễ được cử hành ?
        - Thưa : Có 4 Kinh Tạ ơn


109. Hỏi : Kinh Tạ ơn là gì ?
        - Thưa : Là kinh hiến tế, là lời kinh cộng đoàn tạ ơn Chúa Cha đã yêu thương thực hiện những việc kỳ diệu.


110. Hỏi : Trọng tâm của Kinh Tạ ơn là gì ?
        - Thưa : Là linh mục (người đại diện Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn phụng vụ) nhân danh Hội Thánh tạ ơn Chúa Cha, nài xin Chúa Thánh Thần đến thánh hóa  và biến bánh - rượu thành Mình – Máu Chúa Kitô, và xin Chúa Thánh Thần liên kết tín hữu nên một với Chúa Kitô và với nhau.


111. Hỏi : Khi nói với các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì Chúa Giêsu có ý gì ?
        - Thưa : Chúa Giêsu không chỉ muốn các môn đệ diễn lại hành vi Ngài đã làm trong Bữa Tiệc Ly, nhưng còn mời gọi họ yêu thương đến độ trao ban chính sự sống của mình như Ngài đã làm cho con người. Với chúng ta, điều này có nghĩa là yêu thương và phục vụ tha nhân ở quanh chúng ta.


112. Hỏi : Khi nào bánh - rượu trở thành Mình – Máu Chúa Kitô ?
        - Thưa : Bánh - rượu trở thành Mình – Máu Chúa Kitô khi chủ tế đọc dứt lời truyền phép trên bánh và rượu.


113. Hỏi : Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi bánh và rượu trở thành Thân Mình và Máu Chúa Kitô. Chính Người giờ đây cũng giúp biến đổi chúng ta, gia dình chúng ta và mọi tín hữu thành điều gì ?
        - Thưa : Thành một thân thể duy nhất, hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô.

 
Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
Mà mọi danh dự
và vinh quang đều qui về Chúa
Là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần
đến muôn đời. Amen

 
114. Hỏi : Vinh tụng ca là gì ?
        - Thưa : Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa kết thúc Kinh Tạ ơn.



* Nghi thức hiệp lễ

115. Hỏi : Nghi thức hiệp lễ gồm những gì ?
        - Thưa : Gồm Kinh Lạy Cha, cầu bình an, chúc bình an, bẻ bánh, hiệp lễ và lời nguyện hiệp lễ.

116. Hỏi : Chúng ta phải có tâm tình với nghi thức hiệp lễ ?
        - Thưa : Chúng ta phải có tâm tình tha thứ, đón nhận, chia sẻ, xây dựng hiệp nhất và trở nên mạnh mẽ để sống theo những lời dạy của Chúa Giêsu.


117. Hỏi : Kinh Lạy Cha do ai dạy cho chúng ta?
        - Thưa : Chính Chúa Giêsu


118. Hỏi : Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta nhận biết điều gì ?
        - Thưa : Chúng ta nhận biết mọi người đều là anh em với nhau và là con của cùng một Cha trên trời.


119. Hỏi : Chúc bình an là dấu chỉ chia sẻ sự bình an của Chúa Giêsu ban tặng diễn tả điều gì?
        - Thưa : Diễn tả sự hiệp nhất, hiệp thông liên đới giữa những người được gọi là con cái Chúa.


120. Hỏi : HĐGM Việt Nam quy định giáo dân chúc bình an thế nào ?
        - Thưa : Hai bên quay vào nhau, tay để trước ngực, cúi đầu chào nhau.


121. Hỏi : Việc linh mục bẻ bánh nói lên điều gì?
        - Thưa : Việc bẻ bánh nói lên sự chia sẻ hiệp thông trong cùng một tấm bánh Ban sự sống là chính Chúa Kitô, làm thành những chi thể trong thân thể nhiệm mầu Chúa Kitô là Hội Thánh.


122. Hỏi : Việc bỏ một miếng Bánh nhỏ đã truyền phép vào chén Máu Thánh có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Cử chỉ bỏ một miếng Bánh nhỏ đã truyền phép vào rượu muốn nói rằng : Mình và Máu Chúa Kitô không tách biệt. Ai rước chỉ hình bánh (một mẫu bánh) hay hình Rượu (một chút rượu) đã được truyền phép thì cũng đủ trọn vẹn Chúa Kitô Thánh Thể.


Lạy Chiên Thiên Chúa,
        Ðấng xóa tội trần gian:
        xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
        Ðấng xóa tội trần gian:
        xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
         Ðấng xóa tội trần gian:
        xin ban bình an cho chúng con.


123. Hỏi : Khi nào thì cộng đoàn hát “Lạy Chiên Thiên Chúa” ?
        - Thưa :  Khi linh mục bẻ bánh.

 
        Kinh Dọn Mình Rước Lễ
        Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang ngự trong tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ. Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, đã trở nên lương thực nuôi sống chúng con/ trên đường về quê trời. Chúa muốn ở lại trong con / và con cũng ước ao rước Chúa vào lòng / để được ở lại trong Chúa. Nhưng con biết / mình còn nhiều tội lỗi, chẳng đáng Chúa đến thăm. Xin Chúa tẩy sạch quả tim con, để con nên trong trắng. Xin Chúa mở rộng tâm hồn con, để con đừng từ chối Chúa sự gì. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa lắm, xin Chúa mau đến với con.
        Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xứng đáng đón rước Chúa Giêsu. Amen.
 
        Kinh Cám Ơn Sau Rước Lễ
        Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đang ngự trong lòng con. Con cung kính thờ lạy Chúa / là Thiên Chúa uy nghi cao cả. Con sung sướng vì Cha đến thăm con, dù con không xứng đáng.
        Lạy Chúa Giêsu, xin ở với con mãi mãi, trong suốt cuộc đời con. Xin làm cho con nên giống Chúa, hiền hậu và khiêm nhường, chăm chỉ và bác ái, hiếu thảo và vui tươi. Xin cho con nhớ rằng : Chúa đang ngự trong con / và con có bổn phận đem Chúa đến mọi nơi : ở nhà và ở trường, trong khu xóm và ngoài đường phố, để tất cả những người bạn của con / nhận biết Chúa và sống yêu thương nhau.
        Lạy Chúa Giêsu, con quyết tâm sống theo lời Chúa dạy, để đáp lại tình Cha yêu con. Có Cha, con không sợ hy sinh. Có Chúa con đủ sức tránh xa tội lỗi / và sống trung thành với Chúa suốt đời con.
        Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa biết bao. Amen.
 
124. Hỏi : Hiệp lễ là gì ?
        - Thưa : Hiệp lễ là đón nhận Chúa Giêsu Kitô cách trọn vẹn dưới hình bánh - rượu, để nuôi dưỡng đức tin, đức mến của tín hữu ; nhờ đó, họ được sống, sống dồi dào và sống đời đời trong ơn nghĩa Chúa.


125. Hỏi : Hiệp lễ được dành cho những ai ?
        - Thưa : Cho mọi tín hữu đã chuẩn bị kỹ càng và sạch tội trọng.


126. Hỏi : Lời thưa “Amen” trước khi rước lễ có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Lời “Amen” lúc đó có nghĩa là : “Vâng, con tin thật đây là Mình Thánh Chúa !”


127. Hỏi : Việc rước lễ mang lại cho tín hữu những ơn ích gì ?
        - Thưa :
- Một là được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô
        và Hội Thánh.
- Hai là được tẩy xóa các tội nhẹ.
- Ba là được lớn lên trong ân sủng.
- Bốn là được bảo đảm sự sống muôn đời.


128. Hỏi : Muốn Rước lễ cho nên thì phải có những điều kiện nào?
        - Thưa : Muốn Rước lễ cho nên thì phải sạch tội trọng, có ý ngay lành, dọn mình chu đáo và giữ chay Thánh Thể theo luật dạy.


129. Hỏi : Giữ chay rước lễ nghĩa là gì ?
        - Thưa : Theo Giáo luật số 919 : Những ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống, chỉ trừ nước lã và thuốc men, ít là một giờ trước khi rước lễ ; ngoại trừ những người cao niên, người đau yếu.


130. Hỏi : Người tín hữu có được rước lễ nhiều lần trong ngày không ?
        - Thưa : Theo Giáo luật số 917 : Ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ thêm một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ được ở trong thánh lễ mà họ tham dự thôi.


131. Hỏi : Luật của Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ thế nào ?
        - Thưa : Luật của Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ mỗi năm ít nhất một lần.


132. Hỏi : Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ mỗi năm ít nhất một lần vào mùa nào ?
        - Thưa : Mùa Phục sinh


133. Hỏi : Những ai được phép trao Mình Thánh Chúa ?
        - Thưa : Bình thường, Giám mục, linh mục, thừa tác viên ngoại lệ và những tín hữu được cắt cử để làm việc này.
        Bất thường : linh mục có thể ủy thác cho các tín hữu thích hợp theo từng lần.


134. Hỏi : Chúng ta nên rước lễ bằng miệng hay bằng tay ?
        - Thưa : Chúng ta được tự do chọn một trong hai cách trong việc rước lễ : bằng tay hay bằng miệng. Nhưng cần có sự chuẩn bị và cung kính đón nhận Mình Thánh Chúa. Nếu rước lễ bằng tay, lưu ý vụn Bánh còn sót lại trên tay.


135. Hỏi : Lời nguyện hiệp lễ có ý nghĩa gì ?
        - Thưa : Lời nguyện này kết thúc phần hiệp lễ : Xin cho mầu nhiệm Thánh Thể sinh hoa kết quả nơi người lãnh nhận và nói lên ước nguyện của cộng đoàn : mong ước được đoàn tụ trong vương quốc củ Chúa mai sau.

 
VI. NGHI THỨC KẾT LỄ

136. Hỏi : Nghi thức kết lễ gồm những gì ?
        - Thưa : Gồm phép lành và giải tán.


137. Hỏi : Lời chào cuối lễ như lời nguyện cầu xin điều gì ?
        - Thưa :
- Xin Chúa đồng hành với các tín hữu sắp trở về  với cuộc sống đời thường.
- Xin Chúa hiện diện trong từng tín hữu, để dù ăn, dù uống, dù đi lại hay nghỉ ngơi, họ đều làm rạng rỡ danh Thánh Chúa.
- Xin Chúa thúc bách các tín hữu làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu.


138. Hỏi : Sau khi chúc lành, linh mục xướng : “Lễ xong chúc anh chị em ra về bình an”, có nghĩa gì ?
        - Thưa : Như lời sai tín hữu lên đường làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong môi trường sống của họ.


139. Hỏi : Sau khi chúc lành “Lễ xong chúc anh chị em ra về bình an”, cộng đoàn đáp “Tạ ơn Chúa” và ra về thế nào ?
        - Thưa : Mọi người ra về trong xác tín, trong hân hoan, trong sự chia sẻ và đem bình an của Chúa đến cho mọi người.

*******

140. Hỏi : Trong Thánh lễ, linh mục  xướng "Chúa ở cùng anh chị em"  cộng đoàn thưa "Và ở cúng Cha" mấy lần ?
        - Thưa :  Trong thánh lễ có 5 lần xướng đáp như trên.


141. Hỏi : Trong Thánh lễ, linh mục xướng "Chúa ở cùng anh chị em"  cộng đoàn thưa "Và ở cúng Cha"có 5 lần. Đó là những khi nào ?
        - Thưa :
- Một là nghi thức đầu lễ
- Hai là trước kh công bố Tin Mừng
- Ba là bắt đầu Kinh Tiền Tụng
- Bốn là trước khi chúc bình an cho nhau
- Năm là nghi thức kết thúc.


142. Hỏi : Mùa nào chủ tế rảy nước phép trong nghi thức đầu lễ ?
        - Thưa :  Mùa Phục Sinh


143. Hỏi : Khi chủ tế rảy nước phép trên cộng đoàn thì hát bài gì ?
        - Thưa :  Tôi Đã Thấy Nước


144. Hỏi : Việc rảy nước thánh nhắc lại điều gì ?
        - Thưa :  Nhắc lại nước rửa tội để sám hối mà được thanh tẩy trước khi tham dự thánh lễ.


145. Hỏi : Tại sao gọi Thánh Lễ là trọng tâm đời sống Kitô hữu ?
        - Thưa :  Vì Thánh Lễ là trung tâm, “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Trong thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.


146. Hỏi : Trong thánh lễ, chúng ta làm gì ?
        - Thưa : Tiếp nhận Lời Chúa, đón  nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.


147. Hỏi : Ngày Chúa nhật là ngày gì ?
        - Thưa : Ngày Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại nên ngày này được dành riêng cho Thiên Chúa, để ta thờ phượng và mừng ngày Chúa sống lại.


148. Hỏi : Tại sao buộc phải tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc ?
        - Thưa :  Phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc, vì đó là đòi buộc của lòng yêu mến Chúa, đó là bổn phận của người kitô hữu phải chu toàn với Chúa.


149. Hỏi : Những ai lỗi phạm nghĩa vụ phải tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc thì thế nào ?
        - Thưa : Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này một cách có suy nghĩ, thì phạm một tội trọng" (GlCg92 số 2181).


150. Hỏi : Người tín hữu từ bao nhiêu tuổi buộc phải giữ trọn lễ Chúa Nhật và lễ buộc ?
        - Thưa :  Từ 7 tuổi (Gl 11)


151. Hỏi : Người tín hữu phải tham dự thánh lễ thế nào ?
        - Thưa : Phải hiện diện nơi dâng lễ cùng với cộng đoàn dân Chúa, phải dự lễ với sự chú ý, tích cực và phải buộc dự trọn từ đầu tới cuối.


152. Hỏi : Những ai được miễn chuẩn tham dự lễ Chúa Nhật và lễ buộc ?
        - Thưa : Những người già, những bệnh nhân và các người chăm sóc, người coi con thơ, người ở nơi quá xa Nhà Thờ…


153. Hỏi : Người tín hữu nên làm gì trong ngày Chúa nhật ?
        - Thưa : Dành thời gian để dâng thánh lễ, học hỏi giáo lý, làm việc bác ái, vun xới tình gia đình…



GB. NGUYỄN THÁI HÙNG


http://www.gpbanmethuot.vn/content/vui-h%E1

 
 Tags: vhgl

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây