TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm C

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. (Ga 14, 23-29)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người trẻ trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Chủ nhật - 18/05/2025 20:43 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ |   36
Bài viết là những tổng hợp, phân tích để có một cái nhìn rõ hơn về AI, theo Giáo huấn của Hội thánh Công giáo.


NGƯỜI TRẺ TRONG THỜI ĐẠI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

 
WHĐ (18/5/2025) – Bài viết là những tổng hợp, phân tích để có một cái nhìn rõ hơn về AI, theo Giáo huấn của Hội thánh Công giáo. Qua đó giúp người trẻ sử dụng AI đúng và hữu ích hơn.

Dẫn nhập

Sau khi được chọn làm Giáo hoàng, tân Giáo hoàng đã giải thích lý do chọn tước hiệu Lêô XIV. Cụ thể, ngài phát biểu: “Tôi đã chọn tước hiệu là Leo XIV. Có nhiều lý do khác nhau cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo hoàng Leo XIII, trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum, đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên. Ngày nay, Hội Thánh tiếp tục trao ban cho mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình như một lời đáp lại trước một cuộc cách mạng công nghiệp khác, cũng như những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vốn đang đặt ra những thách đố mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động”.

Tôi không biết chính xác trí tuệ nhân tạo (AI) là gì. Tôi càng không đoán được AI đang và sẽ tác động lên con người ra sao. Tôi chỉ biết trong những năm gần đây, AI đang phát triển thần tốc. Các nước đang ráo riết đầu tư vào hệ thống AI. Có người lo lắng, nhiều người hào hứng với kỷ nguyên AI. Là người Công giáo, tôi lắng nghe những hướng dẫn của Giáo hội về AI. Bài viết dưới đây là những tổng hợp, phân tích để có một cái nhìn rõ hơn về AI, theo Hội thánh Công giáo.

Phân tích giáo huấn

Tài liệu “Antiqua et Nova” (28.01.2025) do Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa mở đầu với nhận định này: “Trí tuệ nhân tạo đang tạo nên những biến đổi mang tính “kỷ nguyên” trong đời sống con người, đe dọa và đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới”. Phải thừa nhận rằng trí thông minh của con người là đặc điểm thể hiện phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta. Từ xưa Thiên Chúa ban Thần Khí cho con người “để cho họ có kỹ năng và sự hiểu biết về mọi nghề thủ công” (x. Xh 35,31), và “khoa học, kỹ thuật là hoa trái của khả năng sáng tạo mà Chúa ban tặng”. Trên nền tảng này, Giáo hội khuyến khích tiến bộ khoa học và công nghệ như một phần của “sự cộng tác của nam nữ với Thiên Chúa trong việc hoàn thiện thế giới hữu hình”. Một cách nào đó, AI không thể tách khỏi con người: Đây là hệ quả của khả năng trí tuệ mà con người được ủy thác để “cày cấy và canh giữ” đất (St 2,15).

Antiqua et Nova” gọi AI là một thách thức nhân văn và luân lý đặc biệt, bởi AI chính là cố gắng nhân bản hóa khả năng trí tuệ của con người. AI có thể tạo ra văn bản hay hình ảnh gần như không phân biệt được với sản phẩm của con người, đặt ra nguy cơ làm bùng phát “khủng hoảng sự thật” trong xã hội. Trong nhiều lãnh vực, AI có thể làm tốt hơn con người. Chính vì vậy, Giáo hội xem AI là một công cụ “vừa hứa hẹn vừa đáng sợ”, vừa có khả năng phục vụ nhân loại, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đức Giáo hoàng Phanxicô tại G7 (2024) so sánh: “AI như một cuộc cách mạng công nghiệp trí tuệ, có thể mở ra dân chủ hóa tri thức, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học, giao việc lao nhọc cho máy móc. Nhưng đồng thời, AI cũng có thể làm gia tăng bất công giữa các quốc gia và giai cấp, thậm chí “khiến văn hóa vứt bỏ” được ưa chuộng hơn văn hóa gặp gỡ”.

Trong hầu hết các tài liệu, Giáo hội luôn nhìn nhận thực tại này: Con người là hợp nhất thể xác và linh hồn, được Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận thức, tự do và có giá trị cao quý vốn có (phẩm giá). Từ đó, Giáo hội nhấn mạnh việc dùng lý trí và khôn ngoan theo tinh thần Tin mừng để làm chủ công nghệ (AI). Đây là một thách đố, và đang là vấn đề gây tranh cãi. Văn kiện Antiqua et Nova khẳng định trí tuệ nhân tạo là: “Sản phẩm thuộc về khả năng thông minh của con người” chứ không phải trí tuệ nhân tạo tương đương với trí tuệ con người (x. Antiqua et Nova số 35). Nói cách khác, AI chỉ là công cụ do con người tạo ra; nó không có linh hồn, không có con tim như con người. Điều này ai cũng công nhận. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người lấy khôn ngoan từ máy móc thay cho “khôn ngoan của con tim” (wisdom of the heart). Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng chỉ có con người, với tầm nhìn thiêng liêng và trái tim hướng thiện, mới “đối mặt và diễn giải những điều mới lạ của thời đại” một cách đúng đắn.

Nhân bản Kitô giáo dạy rằng mọi công nghệ, kể cả AI ngày nay, phải phục vụ con người và các giá trị nhân bản. Bộ Giáo lý nhắc lại rằng Thiên Chúa trao ban cho con người khả năng sáng tạo để làm vinh danh Ngài (Tv 8,3). Khi con người dùng trí tuệ hợp tác với Thiên Chúa “để làm cho mặt đất trở nên tổ ấm xứng đáng cho cả gia đình nhân loại”, chính là thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa trên trần gian. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, khi đưa xã hội đến trật tự tốt đẹp và tình liên đới huynh đệ, sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại. Thực tế, kể cả trong lẫn ngoài Giáo hội, nhiều người đang cảnh báo AI có thể đi lệch quỹ đạo này, chẳng hạn: bất công, chiến tranh, thao túng, chia rẽ.

Trong mọi quyết định về AI, Giáo hội luôn đặt phẩm giá con người và lợi ích chung làm thước đo căn bản. Antiqua et Nova nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô rằng: “Phẩm giá vốn có của mỗi người nam và người nữ phải là tiêu chí then chốt khi đánh giá các công nghệ mới”. Theo đó, các ứng dụng AI chỉ được xem là “đạo đức” khi chúng giúp tôn trọng và nâng cao giá trị con người trên mọi phương diện. Thực tế AI không tự mình sống đạo đức, hướng thiện hay ác, nó tùy thuộc vào cách con người sử dụng. AI được dùng “theo cách tôn trọng nhân phẩm và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cá nhân và cộng đồng”? Chúng ta hy vọng vào điều này. Ngược lại, nếu ai đó vì tham vọng quyền lực, lợi nhuận mà lạm dụng AI, thì hậu quả sẽ rất tai hại.

AI và tôi

Để tránh những hậu quả xấu, Giáo hội kêu gọi mọi người – đặc biệt chính phủ và các công ty công nghệ – ý thức về trách nhiệm luân lý trong việc thiết kế và điều khiển AI. Phần thiết kế AI, chúng ta nhường lại cho bộ phận chuyên môn. Phần sử dụng AI, ít là chúng ta cố gắng dựa trên tiêu chí tôn trọng nhân phẩm và phục vụ lợi ích chung. Ví dụ, dùng AI để tạo tin giả, gây ảnh hưởng xấu, lừa đảo hoặc chỉ để câu “view”, là điều không nên! Bộ Giáo lý mời gọi chúng ta không thể buông xuôi cho “ảo ảnh toàn năng” của công nghệ mà quên rằng mỗi thuật toán và ứng dụng AI đều phản ánh quan điểm và giá trị của người tạo ra nó. Do đó, “trách nhiệm cuối cùng trong các quyết định sử dụng AI” phải thuộc về con người, không phải máy móc. Các cấp lãnh đạo, nhà phát triển lẫn người sử dụng đều phải chịu trách nhiệm giám sát, đảm bảo rằng mọi hệ thống AI tuân thủ chuẩn mực đạo đức và các quy tắc xã hội.

Bạn có thể nghe thông tin này: AI có thể tác động rộng lớn đến đời sống xã hội: từ giáo dục, kinh tế, đến y tế, quan hệ quốc tế và công bằng xã hội. Chính xác! “Antiqua et Nova” đã chỉ ra nhiều khía cạnh tích cực; chẳng hạn, AI có thể tốt cho tri thức, mở rộng tiếp cận giáo dục, và giải phóng con người khỏi những công việc lao động nặng nhọc (robot AI). Tài liệu của Giáo hội thường cảnh báo AI có thể tạo ra “khoảng cách số” giữa giàu–nghèo hoặc giữa các nước phát triển và đang phát triển, dẫn đến bất công lớn hơn. Đó chưa kể là việc sử dụng AI trong các cuộc chiến tranh. “Không một cỗ máy nào được phép quyết định về mạng sống của một con người” – Đức Phanxicô nói tại Hội nghị G7 (2024).

Bạn thân mến,

Chúng ta đang ở phần nhức nhối nhất của AI: đạo đức. Giáo hội đã đưa ra tài liệu ngắn liên quan đến vấn đề này: Rome Call for AI Ethics. Trong đó, đạo đức về AI gồm vài nguyên tắc: minh bạch, bao gồm, trách nhiệm, công bằng, đáng tin cậy và bảo vệ con người. Các tài liệu theo sau cũng cảnh báo AI có thể tạo ra tình trạng cô lập con người và thậm chí ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ em nếu họ coi AI như “người thật”. Thậm chí AI “dẫn con người đến một cảm giác bất mãn sâu sắc và buồn bã trong các mối tương quan giữa người với người, hoặc một cảm giác cô lập có hại”. Hoặc như đã nói, thật nguy hiểm khi sử dụng AI để lừa dối người khác: trong giáo dục, trong kinh tế, luật pháp, v.v.

Chắc ai cũng đồng ý rằng sử dụng AI cần khôn ngoan. Tuy AI có thể hỗ trợ học tập và phản hồi tức thì, nhưng nếu lạm dụng để “chỉ cung cấp đáp án thay vì rèn luyện tư duy phê phán”, nó sẽ cản trở sự phát triển toàn diện của người học công cụ AI cũng dễ dẫn đến “thông tin sai lệch” (fake news) và phân cực dư luận, gây khủng hoảng niềm tin xã hội. Là giáo viên, tôi đồng tình với quan điểm của bà bộ trưởng giáo dục Pháp, Blandine Coudert: “Dù không thể loại bỏ AI khỏi trường học, giáo viên cần chuyển hướng phương pháp giảng dạy để thích ứng và đồng thời giữ vững vai trò hướng dẫn của mình.” Các em cần tương quan và tích lũy kiến thức và hình hành tư duy phản biện, khi còn trên ghế nhà trường.

Về khía cạnh kinh tế và lao động, AI hứa hẹn tăng năng suất, nhưng cũng có thể thay thế công việc của người lao động, buộc họ phải làm các công việc lặp đi lặp lại dưới giám sát tự động. Có lẽ vì lợi ích này, cuộc đua AI giữa các nước đang ngày càng quyết liệt hơn. Trong khi đó, Giáo hội kêu gọi một lộ trình toàn diện để mọi người – đặc biệt là người lao động – được đào tạo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. AI cũng đặt ra vấn đề về công bằng trong y tế: nếu dùng không đúng, nó có thể “khuếch đại sự cách biệt về chăm sóc sức khỏe”, tạo ra một nền “y tế cho người có tiền” khi người nghèo khó tiếp cận dịch vụ cơ bản.

Đó chưa kể vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng được coi trọng để tránh việc lạm dụng AI trong giám sát, phân biệt đối xử hay xâm phạm quyền cá nhân.

Ứng dụng mục vụ

Với tất cả sự dè chừng, tôi và bạn cần “hợp tác” với AI như thế nào?

Sau vài năm dùng AI (Chatgpt và Magisterium), cộng với những hướng dẫn của Giáo hội, tôi mạo muội đưa ra vài cách có thể ứng dụng AI trong môi trường nhà đạo:

Giảng dạy và truyền giáo: AI có thể trở thành công cụ hỗ trợ giải thích giáo lý hay tín lý Công giáo. Chẳng hạn, tôi thích Magisterium AI có những câu trả lời tương đối tốt, vốn được lấy trên kho dữ liệu chính thức của Giáo Hội (Giáo lý, luật, thông điệp, tông huấn v.v.). Tương tự, những chatbot Công giáo giúp người trẻ tìm hiểu Lời Chúa, lịch sử Kitô giáo hay kỷ luật đức tin một cách tức thì và cá nhân hóa. Đây là cách vận dụng trí tuệ nhân tạo nhằm làm sâu sắc đức tin, mở rộng giáo lý đến với những người chưa biết Chúa; song Giáo hội nhấn mạnh là đây chỉ là những công cụ hỗ trợ, không thay thế trải nghiệm cộng đoàn, cử hành Thánh lễ hay đồng hành của mục tử.

Truyền thông kết nối: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi chúng ta sử dụng AI để “khắc phục sự thiếu hiểu biết và thúc đẩy trao đổi thông tin giữa các dân tộc và thế hệ”. Giới trẻ có thể dùng AI để tạo ra nội dung truyền thông tích cực (như video, bài viết, tranh ảnh) quảng diễn sứ điệp Tin mừng, công lý xã hội và hy vọng. Ví dụ, có thể phát triển ứng dụng AI giúp dịch Kinh thánh sang nhiều ngôn ngữ khác nhau? (AI dịch thuật đang làm rất tốt). Hoặc dùng AI để phân tích các xu hướng xã hội, từ đó góp phần làm việc bác ái, chăm sóc người nghèo? Hoặc dùng AI trong môi trường giáo xứ?, v.v

Giáo dục hay tự học? Tôi ngạc nhiên với nhận xét của bộ trưởng người Pháp Élisabeth Borne: “Gần như toàn bộ học sinh trung học và sinh viên đều sử dụng AI một cách thường xuyên.” Tôi không ủng hộ học sinh (dưới 18 tuổi) chỉ học một mình, mà không cần đến trường. Cho đến khi viết bài này, vấn đề dùng AI trong giáo dục vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, không ai cấm người trẻ tiếp cận nguồn tri thức trên mạng. Người trẻ Công giáo có thể sử dụng các công cụ dịch thuật AI, phần mềm hỗ trợ viết luận hay lập trình, để khám phá khoa học, triết học, thần học. Tuy nhiên, nên sử dụng AI một cách khéo léo để hình thành năng lực tự học và tư duy phản biện. Hai năng lực này đã được cổ vũ trước khi có AI. Cha mẹ và người hữu trách Công giáo cần đồng hành hướng dẫn trẻ em, thanh niên phân biệt đúng-sai, tránh những cạm bẫy như lạm dụng máy trả bài hay tiếp cận nội dung độc hại qua AI. Các trường Công giáo vẫn đang suy xét có nên kết hợp giáo dục kỹ thuật số (AI) với giáo dục nhân bản, giúp giới trẻ nhận thức “tâm hồn” của công nghệ. Đây đang là thách đố rất lớn!

Hoạt động xã hội: AI có thể được triển khai để phục vụ những nhu cầu cụ thể, như ứng dụng hỗ trợ người tàn tật truy cập thông tin, app theo dõi sức khỏe, sàng lọc bệnh, hoặc chatbot tư vấn tâm lý. Ví dụ, các trẻ em khiếm thị có thể dùng AI hỗ trợ đọc văn bản, học tập, trong khi người mù có thể dùng AI giọng nói hướng dẫn đi lại. Các tổ chức từ thiện Công giáo có thể dùng AI để dự báo nguồn lực cần thiết cho người nghèo, hay kết nối các nhà hảo tâm hiệu quả hơn. (Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này vẫn còn xa vời!)

Đối thoại và phản biện: Nhiều người trẻ đang dùng AI. Các bạn trẻ có thể đề xuất ý kiến trong các chương trình mục vụ, nên có những hướng dẫn cụ thể về AI. Ví dụ, nếu một ứng dụng AI nào đó lạm dụng hình ảnh Đức Mẹ, Thiên Chúa hay đức tin để trục lợi (phủ nhận thần tính, làm sai lời Chúa, thậm chí tạo nội dung khiêu dâm giả mạo…), thì cộng đoàn cần lên án và loại bỏ. Cộng đoàn giáo xứ nhắc nhở nhau về việc nhân hóa AI một cách lừa dối, hay dùng AI để lừa gạt trong giáo dục và mối quan hệ, đều bị xem là “vô đạo đức” và cần giám sát kỹ lưỡng. Trên hết, tinh thần phục vụ phải định hướng người trẻ giữ được đức tin, bình an và tính nhân bản giữa cơn lốc công nghệ.

Vài chú ý để dùng AI

Vì AI là địa hạt rất mới, nên Giáo hội khuyến khích chúng ta dùng AI một cách cẩn trọng. Có thể liệt kê vài điểm chính ở đây trong những tài liệu của Giáo hội bàn về AI:

Thứ nhất, đặt con người làm trung tâm. Dù AI có tiến bộ đến đâu, mỗi người nên ý thức mình luôn được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng. AI cũng như công nghệ, chỉ là công cụ phục vụ con người. Xin đừng để AI trở thành “ông chủ” đời mình. Mọi quyết định quan trọng cuối cùng phải do khối óc và trái tim con người quyết định. Để làm được điều này, đòi hỏi thời gian thực tập. Chẳng hạn khi dùng, chúng ta tự hỏi: Quyết định tôi định dựa vào máy móc có còn tôn trọng giá trị của con người không? Việc này có giúp ích cho mọi người, hay chỉ phục vụ lợi ích riêng tư?

Thứ hai, có cảm thức về giới hạn. Tôi thích điều này khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về AI. Khi học tập hay làm việc với AI, một trong những “nguyên tắc đạo đức” người trẻ cần đặt ra: khiêm tốn. Bởi, “trí khôn con người không bao giờ có thể múc cạn sự phong phú của thế giới, ngay cả khi có các thuật toán tiên tiến nhất trợ giúp.” Đây là một thách đố nữa!

Thứ ba, cần phát triển tư duy phản biện. AI có khả năng cung cấp lượng kiến thức khổng lồ, nhưng bản thân nó không thể tự đánh giá đúng-sai. Ngay cả Chatgpt cũng thừa nhận rằng “tôi có thể mắc lỗi”, nên ta phải luôn tự kiểm chứng thông tin do AI tạo ra. Các bạn trẻ cần rèn luyện kỹ năng đánh giá thông tin, phân biệt thật giả: khi đọc một đoạn văn hoặc xem hình ảnh do AI tạo, hãy hỏi lại: nguồn gốc của nó là gì? Có gì sai lệch không? Việc này giúp ngăn ngừa việc rơi vào cái bẫy “thực tế ảo” hay tin giả (fake news). Giáo hội khuyến cáo rằng có những kịch bản AI có thể tạo ra nội dung “rất thuyết phục nhưng lại sai lệch". Xin đừng tin ngay vào mọi kết quả do máy đưa ra, mà luôn đối chiếu, kiểm tra bằng kiến thức và lương tâm của mình.

Thứ tư, cần hợp tác và bao dung. AI phải được dùng để gia tăng sự gắn kết, chứ không để chia rẽ con người. Giới trẻ nên tận dụng AI để giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào lợi ích cộng đồng. Ví dụ: Sinh viên có thể dùng AI phân tích dữ liệu để lập kế hoạch phục vụ xã hội, chia sẻ tài nguyên học tập cho bạn bè. Nếu đang sống trong cộng đoàn Giáo xứ, các bạn có thể đề nghị áp dụng AI để minh bạch hơn trong quản lý tài chính giáo xứ hay liên lạc với giáo dân. Chắc chắn Giáo hội, qua đức Giáo hoàng mới luôn theo đuổi con đừng bác ái Kitô giáo: Không chấp nhận việc AI tạo ra bất công giữa giàu-nghèo.

Thứ năm, luôn bảo vệ quyền riêng tư và chống phân biệt đối xử. Dừng như trách nhiệm này thuộc về các công ty quản lý AI. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin. Khi tiếp cận các ứng dụng AI, hãy chú ý không để lộ thông tin quan trọng. Đồng thời, hãy cảnh giác với bất kỳ chương trình AI nào có xu hướng “định kiến sẵn”, tức là áp đặt quan điểm hay xúc phạm nhóm người nhất định.

Sau cùng, cần bồi dưỡng tri thức và huấn luyện lương tâm. AI phát triển rất nhanh, nên người trẻ cần liên tục học hỏi để đón đầu tiến bộ. Giáo hội khuyến khích việc giáo dục chuyên sâu về AI gắn với giáo dục nhân bản. Hãy tham gia các khóa học, hội thảo về đạo đức kỹ thuật số, đọc tài liệu Giáo hội về công nghệ. Đồng thời, ta cần lắng nghe với cả trái tim. Có lẽ vì đều này mà Bộ Giáo lý Đức tin và Văn hóa mời gọi chúng ta chú trọng đến “Antiqua et Nova”, nghĩa là sự khôn ngoan vừa cổ xưa, vừa mới mẻ. Từ đó chúng ta có một “bản đồ” đức tin để định hướng những lựa chọn kỹ thuật số của mình, tránh sa đà vào ảo tưởng công nghệ.

Tạm kết

AI có thể nói là một điểm giao thoa giữa “sự khôn ngoan xưa và nay - Antiqua et Nova”. Nó khẳng định tiềm năng sáng tạo mà Thiên Chúa trao ban cho con người, nhưng đồng thời đòi hỏi lòng đạo đức và sự khôn ngoan mới mẻ. Thật may quan điểm của Giáo hội về AI không khước từ tiến bộ khoa học; ngược lại, Giáo hội nhìn nhận AI là món quà nếu được hướng dẫn đúng đắn, có thể giúp nhân loại hoàn thiện tác phẩm sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo hội cũng liên tục mời chúng ta hướng đến giá trị nhân bản, phẩm giá, và tình liên đới.

Ước gì chúng ta nhận ra chủ nhân đích thực của công nghệ – đó là con người và Thiên Chúa – chứ không phải là máy móc. Bằng việc tích cực học hỏi giáo huấn của Giáo hội, thực hành lòng bác ái và phát triển giá trị nội tâm, các bạn trẻ sẽ sử dụng AI một cách có trách nhiệm và sáng tạo.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây