TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Sự phức tạp và nghịch lý

Thứ năm - 19/08/2021 09:28 |   994
Chắc chắn có sự mâu thuẫn và bất nhất quán thật sự, nhưng cũng có nghịch lý trong những tâm trí vĩ đại, những người biết chính xác khi nào thì tôn kính tượng thần và khi nào đập nát nó.
 Sự phức tạp và nghịch lý

 Sự phức tạp và nghịch lý

 Ronald Rolheiser, 2021-08-09

Gần đây, khi đọc Những lá thư của Dorothy Day, nhà làm việc xã hội Mỹ, tôi gặp phải dòng này, “chắc chắn chúng ta cần một người lên giàn giáo như Savonarola nhưng cũng cần một người thánh thiện như thánh Phanxicô”. Bà đang nói về điều mà linh đạo cần có để giữ được sự lành mạnh và cân bằng. Và điều này làm cho tôi nghĩ đến một chuyện, một chuyện tôi chưa bao giờ giải quyết được. Tôi luôn thấy thoải mái, có lẽ là quá thoải mái, giữa cả giữa những người sùng đạo và cả những người đả phá tín ngưỡng. Lòng tôi hướng về Thánh Tâm Chúa kể cả khi tôi thấy được kích thích bởi triết gia Nietzsche, và tôi thấy được óc hài hước nguyên thô của nhà thần nghiệm Thomas Merton là một điều phát xuất từ cùng một chỗ độc nhất vô nhị trong ông đã phát xuất đức tin, cái này học hỏi cái kia.

Một trong những ngòi bút thiêng liêng mà tôi yêu thích nhất là Carlo Carretto, tu sĩ và ẩn sĩ người Ý. Khi đọc sách Carretto, chúng ta không bao giờ biết chắc cái mình sẽ đọc thấy là về lòng sùng tín hay điều ngược lại. Trang này, ngài viết về một món đồ chơi tự làm dâng lên Đức Trinh nữ Maria để tặng cho Hài đồng Giêsu, và một hay hai trang sau, ngài lại đưa ra một chỉ trích nghiêm khắc đối với chủ nghĩa giáo quyền hoặc kêu gọi giáo hoàng đóng cửa các chủng viện hiện thời vì ngài tin rằng sự đào tạo linh mục phải là sống mỗi ngày trong gia đình. Nhiều người chúng ta quen thuộc với bài “Tụng ca Giáo hội” của ngài, trong đó ngài thể hiện rõ cả tấm lòng mến mộ lẫn chủ trương đả phá tín ngưỡng.

Tôi phải chỉ trích Giáo hội biết chừng nào, thế mà tôi lại yêu Giáo hội biết bao, Giáo hội của tôi!

Sao người làm cho tôi đau khổ đến thế mà tôi lại nợ người nhiều đến thế.

Tôi muốn thấy người bị hủy diệt nhưng tôi cần sự hiện diện của người.

Người đã đem lại quá nhiều tai tiếng, nhưng mà chỉ mình người khiến tôi hiểu được sự thánh thiện.

Trong đời này, tôi chưa hề thấy cái gì ngu dân, thỏa hiệp, sai lầm đến thế, nhưng mà trong đời này, tôi chưa hề được chạm đến điều gì tinh tuyền, quảng đại và đẹp đẽ hơn thế.

Nhiều lần tôi muốn đóng sầm cánh cửa linh hồn mình với người, nhưng tôi lại thường cầu nguyện cho tôi được chết trong vòng tay vững chãi của người.

Không nhiều ngòi bút thiêng liêng có sự mãnh liệt như thế. Như thần học gia Đức Ernst Kasemann từng nói, vấn đề trong Giáo hội và trong thế giới chính là người mến mộ thì không theo chủ nghĩa tự do và người theo chủ nghĩa tự do thì lại không mến mộ. Nhưng Carretto là cả hai. Ngài có thể yêu Giáo hội một cách mãnh liệt, sùng tín, với sự hết lòng như con trẻ, kể cả trong sự hết lòng đó, ngài có thể nhận thức phê phán và lên tiếng chống lại những sai lầm của Giáo hội. Đó là một năng lực hiếm có, chỉ thấy ở một vài vị thánh.

Dorothy Day, không như Carretto, bà là một phụ nữ cự kỳ sùng đạo, một người một mình chống lại thế giới, đứng ra bảo vệ sự khiết tịnh trong các cộng đồng bà ở, và là một phụ nữ tin rằng sự tôn kính là một đức hạnh miễn bàn cãi. Nhưng, như Carretto, bà có thể gay gắt chỉ trích lòng sùng đạo bất kỳ lúc nào nó bịt mắt làm ngơ trước bất công, kỳ thị chủng tộc, bạo lực và chiến tranh. Chẳng ngạc nhiên khi vị thánh bà yêu thích là Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu sùng tín ẩn mình trong một tu viện kín ở Pháp, viết những bài thần nghiệm về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta.

Hơn nữa, chính Têrêxa là gương mẫu tuyệt vời về lòng sùng tín có thể rất ngọt ngào, nhưng lại có khả năng làm cho óc phê phán phải câm lặng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng là người, dù thể hiện mình trong những bài viết như một cô bé nhỏ, một người không quan trọng, Đóa hoa nhỏ, lại có thể đảo chiều cực kỳ và đột nhiên trở nên như một triết gia già dặn khôn ngoan với những lời khuyên thiêng liêng đầy gai góc: “Hãy cẩn thận, đừng tìm bản thân nơi tình yêu, vì như thế cuối cùng bạn sẽ mang trái tim tan nát. Tôi cảm thấy nói chuyện với Chúa thì giá trị hơn là nói chuyện về Chúa, vì trong những chuyện trò thiêng liêng đó vẫn vương vấn sự ái kỷ. Không có phép lạ, xuất thần gì cả… chỉ có phục vụ”. Têrêxa có ngòi bút có thể cất lên những giai điệu rất đa dạng.

Cố học giả kinh thánh người Ireland, Jerome Murphy-O’Connor, từng nói, sự nhất quán là sản phẩm của những tâm trí nhỏ bé. Điều mà ông nhấn mạnh dĩ nhiên là những tâm trí vĩ đại thì không đơn giản, rằng họ biết tầm quan trọng của sắc thái, rằng họ không có kiểu hoặc trắng hoặc đen, rằng họ có thể giữ mọi sự trong căng thẳng mà không hấp tấp giải quyết nó, và họ có thể làm cho bạn sốc cả về tinh thần tôn kính hay tinh thần đả phá tín ngưỡng.

Chúa Giêsu phù hợp với mô tả đó. Ngài đã làm cho người đồng thời chướng tai gai mắt và tiếp tục làm chúng ta chướng tai với những lời có vẻ như bất nhất quán, nhưng lại là năng lực của một tâm trí và tâm hồn vĩ đại có thể giữ chân lý trong nghịch lý, trong căng thẳng. Chẳng lạ gì khi thời nay có quá nhiều phái kitô giáo. Chúng ta, những người theo Chúa Kitô, không thể giữ chân lý lại với nhau như Ngài đã làm, và chúng ta sống thể hiện ra từng mảnh thay vì toàn bộ Phúc âm. Cũng có thể nói như thế về những nhân vật vĩ đại trong lịch sử, như Thánh Âugutinô, người được xem là nguồn của cả chính thống lẫn dị giáo trong thần học.

Chắc chắn có sự mâu thuẫn và bất nhất quán thật sự, nhưng cũng có nghịch lý trong những tâm trí vĩ đại, những người biết chính xác khi nào thì tôn kính tượng thần và khi nào đập nát nó.

 

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/08/12/su-phuc-tap-va-nghich-ly/

 Tags: sống đạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây