TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG MONG MUỐN NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TỐT?
WHĐ (19.8.2021) - Chúng ta phải học biết 3 bài học về những mong muốn của chính mình.
Liệu bạn có ngạc nhiên khi tôi nói tôi cảm thấy lễ Giáng Sinh đã ở trong tâm trí mình ngay từ giữa tháng Tám? Thật vậy, việc suy nghĩ về Giáng Sinh ngay từ bây giờ đã phản chiếu vai trò của những mong muốn trong đời sống thiêng liêng.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta đến với một ví dụ: một gia đình đã kể cho tôi nghe về việc đón Giáng Sinh của cô con gái lớn của họ khi cô còn là một đứa trẻ chập chững. Vào buổi sáng hôm ấy, cô bé không hiểu tại sao cha mẹ mình lại đánh thức cô thật sớm. Họ trao vào tay cô một món gói quà, và cô ngạc nhiên hỏi: “Của con ạ?” Thêm một vài món quà nữa, cô bé đã thay đổi cách đáp trả, cô nhận quà và khẳng định: “Cái này của con!” Đến cuối buổi tặng quà, cô bé đã hoàn toàn đắm chìm trong đống giấy gói và những món quà mới được tặng, cô luôn miệng kêu đòi: “Thêm nữa, thêm nữa, cho con nữa!” Cô bé đã được trao tặng toàn là những thứ tốt đẹp, thế nhưng những đòi hỏi, mong muốn của cô đã vượt lên trên lòng biết ơn. Bài học thứ nhất: Chúng ta không thể mong muốn những điều tốt đẹp một cách bừa bãi.
Một ví dụ minh họa khác: Khi còn là một linh mục trẻ và nôn nóng, tôi đã có một bài giảng lễ trong ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay để khuyên răn các sinh viên đại học nên từ bỏ việc quan hệ bừa bãi trước hôn nhân, việc lệ thuộc vào các phương pháp tránh thai nhân tạo, và việc dễ dàng chấp nhận phá thai như một phương án dự phòng. Đó là những điều tôi cho là họ phải từ bỏ trong mùa Chay (và mãi mãi). Với khát mong như vậy, tôi đã nói với họ rằng: “Mùa Chay là thời điểm thích hợp để chúng ta nhận ra rằng chẳng có điều gì khác ngoài Thiên Chúa xứng đáng làm chủ cuộc đời chúng ta, và tôi biết rất nhiều người trong số các bạn đã chuyển rời lòng trung thành của mình từ một Thiên Chúa hằng sống qua những ngẫu tượng vô hồn và chết chóc.” Bài học thứ hai: Chúng ta có thể có những mong muốn cho những điều tệ hại, và thường đưa ra những lý do để bào chữa cho những hành vi và thói quen không tốt của mình.
Thêm một hình ảnh minh họa nữa: Trông chương sáu của Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã tỏ lộ chính mình là “Bánh trường sinh”. Một vài người đáp lại “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” Tôi ngạc nhiên rằng liệu họ có thật sự hiểu điều họ đang thỉnh cầu, và tôi cũng tự hỏi rằng họ mong muốn Bánh ấy theo các điều kiện và cách thức của riêng họ, hay theo của chính Thiên Chúa. Tôi sợ rằng nó thuộc về điều thứ nhất hơn là thứ hai. Tôi nói vậy vì trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, thánh Phaolô buộc phải viết thế này: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11, 27-29). Bài học thứ ba: Nếu không được nguồn ơn thánh sủng soi dẫn, những khao khát và lý lẽ trong các hành vi nơi bản chất dễ sa ngã của con người hoàn toàn có thể lôi kéo và dẫn dắt những điều thiêng thánh theo một cách thức méo mó, xấu xa và thậm chí phá hoại.
Vậy thì chúng ta phải làm gì?
Đầu tiên, chúng ta phải xét xem những mong muốn có nghĩa là gì. Chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa thực sự chứ không phải mục đích của chúng. Những mong muốn này dễ thường lôi kéo chúng ta nghiêng chiều về những nhu cầu của mình. Ví dụ, sau khi trải qua một cơn đột quỵ, cảm giác đói và thèm ăn của mẹ tôi đã bị giảm đi. Tuy không cần quá nhiều thực phẩm, nhưng bà ấy buộc phải ăn uống theo lịch trình. Mẹ tôi có thể sẽ chẳng ăn uống chút gì, nếu bà cứ muốn đợi cho đến khi cảm thấy đói.
Mặt khác, những mong muốn thường không có nghĩa rõ ràng. Tắt một lời, những mong muốn biểu lộ sự bất toàn của chúng ta, và chỉ ra rằng chúng ta được dựng nên để tiến tới sự hoàn thiện. Hãy lưu tâm đến những lời của Thánh Tôma Aquinô: “Trong cuộc đời này không một ai có thể đáp ứng đầy đủ những khát vọng của chính mình, cũng như chẳng có thụ tạo nào có khả năng lấp đầy được những ước muốn của con người. Chỉ duy một mình Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên hết mọi niềm vui thú và ước muốn phàm hèn, mới có thể khỏa lấp điều đó. Đó là lý do tại sao con người không thể tìm thấy sự bình an nơi đâu ngoài Thiên Chúa.”
Tất cả những ước muốn của chúng ta cho thấy sự bồn chồn, day dứt, và là một dấu hiệu của sự không thỏa mãn nơi bản thân mình. Hạn từ “thỏa mãn” trong La ngữ có nghĩa là satis facere – “làm cho nên viên mãn”. Chúng ta thật sự chẳng bao giờ có thể nên viên mãn ở cõi đời này. Tự sâu trong cõi lòng, chúng ta biết rằng mình không thể thú nhận rằng: “Không còn gì tốt hơn thế này nữa”, bởi vì sau đó chúng ta lại muốn những điều tốt hơn, nhiều hơn thế. Chúng ta luôn muốn điều tốt nhất. Nếu nhận thức rằng tất cả ước muốn của mình là những dấu hiệu cho thấy chúng ta được tạo dựng do bởi và cho Thiên Chúa, thì chúng ta mới thấu hiểu rõ hơn về việc sắp xếp trật tự cuộc sống của mình một cách hợp lý.
Đôi khi chúng ta mong muốn những điều tốt đẹp, nhưng lại muốn chúng cách tồi tệ. Đôi khi chúng ta mong muốn những điều tồi tệ và chúng ta mong muốn cách lệch lạc.
Đích nhắm trong cõi đời này là việc chúng ta lượng giá chính xác những bậc thang giá trị đúng đắn sao cho có thể ước mong những điều đáng mong ước. Tất cả những điều chân thực, thiện hảo và hoàn mỹ chúng ta có thể hưởng dùng lúc này đều là hình ảnh tiên trưng về sự Chân, Thiện, Mỹ mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta ngay khi chúng ta được dựng nên. Duy chỉ nơi hạnh phúc Nước Trời, những thực tại tối hậu và toàn hảo này, cũng như niềm mãn nguyện miên trường của bản chất con người mới tìm được chốn nghỉ ngơi. Hãy học lấy cách sống một cuộc sống xứng hợp và truyền lại cho con cháu cũng như cộng đoàn của mình để họ cùng sống như vậy.
Tác giả: Lm. Robert McTeigue, SJ
Chuyển ngữ: Quang Sáng
Từ: aleteia.org (06.8.2021)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn