TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có thể sửa đổi các phần của Thánh lễ không?

Thứ năm - 03/06/2021 00:14 | Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa |   971
Có thể sửa đổi các phần của Thánh lễ không?

Có thể sửa đổi các phần của Thánh lễ không?

Giải đáp phụng vụ: Giám mục có thể sửa đổi các phần của Thánh lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đang giúp trong một giáo phận ở Nam Mỹ, và tôi thấy ở đó vị Giám mục mời giáo dân cùng đọc kinh mở đầu Thánh lễ với ngài. Sau đó, ngài mời mọi người cũng làm tương tự cho kinh vinh tụng ca. Ngoài ra, họ còn hát thánh ca trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể, và giữa các phần, họ hát các bài ca ngắn. Tôi cũng đã cử hành Thánh Lễ cho quân nhân, và ngay sau khi tôi truyền phép Bánh thánh, và nâng bánh lên cao, ban nhạc chơi bài quốc ca, và tôi đã đợi cho đến khi họ kết thúc, tôi mới truyền phép Máu thánh. Và trong trọn phần truyền phép, mọi người đều đứng. Tôi hỏi các linh mục địa phương về việc thực hành này, và các cha nói với tôi rằng điều này được Hội đồng Giám mục và Giám mục đặc trách quân đội qui định, mặc dù các cha không trưng cho tôi văn kiện nào cả. Do đó tôi xin hỏi: Liệu một Giám mục có thể sửa đổi các phần của Thánh Lễ không? - J. S., Bolivia.

Đáp: Câu hỏi này cần phải được chia thành các phần, bởi vì các luật khác nhau được áp dụng cho các trường hợp khác nhau.

Trước hết, một nguyên tắc tổng quát liên quan đến thẩm quyền của Giám mục trong phụng vụ là rằng ngài không cấm điều gì được phép, và cũng không cho phép điều gì bị cấm. Có thể có một số luật trừ cho nguyên tắc này, và Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn cho các tín hữu khỏi giữ các luật có tính cách kỷ luật, dù phổ quát dù địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội ban hành cho lãnh thổ hay cho thuộc dân của mình (Điều 87, Bộ Giáo luật).

Tuy nhiên, một Giám mục không có bất kỳ thẩm quyền chung nào để điều chỉnh các văn bản hoặc chữ đỏ của Thánh Lễ, và ngài cũng không được làm như vậy. Trong trường hợp đề cập ở trên đây, vị Giám mục đã sai lầm khi mời mọi người tham gia với ngài trong các phần Thánh Lễ chỉ dành cho vị chủ tế.

Cần phải có đa số hai phần ba các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục, cộng thêm sự chuẩn y của Tòa Thánh, mới được phép thực hiện các sự điều chỉnh ổn định cho phụng vụ phổ quát.

Đối với những gì mà độc giả của chúng tôi gọi là "một số bài hát" trong Kinh Nguyện Thánh Thể, các phần thêm vào này đã được chuẩn y cho Brazil. Vì quốc gia được đề cập bởi độc giả của chúng tôi có biên giới với Brazil, có thể rằng một số sự thực hành phụng vụ của Brazil đã lan qua biên giới. Tuy nhiên, như tôi được biết, không quốc gia nào khác có có sự chuẩn y đặc biệt từ Tòa Thánh cho việc thực hành này.

Kể từ khi Brazil đang xem xét lại bản dịch hiện nay, vốn giống với bản dịch cũ bằng tiếng Anh trong nhiều khía cạnh, dường như có xu hướng là giảm bớt các sự can thiệp như vậy.

Cuối cùng, tập tục chơi bài quốc ca, trong hoặc sau khi truyền phép, dường như có nguồn gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là trong giới quân đội. Chính vì thế tập tục này có mặt tại một số quốc gia Nam Mỹ.

Đây là một tập tục đang biến mất dần, nhất là khi luật phụng vụ hiện tại nói rõ ràng rằng người ta không được chơi âm nhạc trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Vì vậy, huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ Musicam Sacram năm 1967 nói:

“Nên dùng nhạc khí để đệm theo tiếng hát hầu giữ cho giọng khỏi xuống, và giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như hợp nhất với nhau mật thiết hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy” (số 64).

"Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Có thể áp dụng cùng một quy tắc đó, thích nghi cho các buổi cử hành thiêng thánh khác" (số 65) (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban phụng tự, HĐGMVN).

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người ta có thể lập luận rằng một ngoại lệ được bảo đảm cho một tập tục xa xưa. Đôi khi người ta cũng cho rằng việc hát quốc ca là nhằm tôn vinh Bí Tích Thánh Thể, hoặc như là một dấu hiệu của sự dâng hiến quốc gia cho Chúa Kitô.

Đó là ý nghĩa, khi vào năm 1899, quốc ca Venezuela được hát sau khi truyền phép, trong một cử chỉ long trọng mà các Giám mục Venezuela đã dâng hiến quốc gia này cho Phép Thánh Thể.

Như tôi đã nói, lập luận theo tập tục có thể được thực hiện. Nhưng tốt hơn nên để cho tập tục này trở nên mờ nhạt đi, vì nó không còn phù hợp với luật phụng vụ hiện nay, và dễ dàng mở ngỏ cho việc hiểu sai. (Zenit.org 12-2-2013).

Nguyễn Trọng Đa
http://www.vietcatholic.net/News/Html/102776.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây