TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 07/10/2024 23:19 |   223
Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1-9)

18/10/2024
Thứ sáu tuần 28 THƯỜNG NIÊN

Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Thánh Luca

Lc 10,1-9


được gọi và được sai đi
Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1-9)

Suy niệm: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là người được sai đi” (TG 1). Trong Giáo hội sứ mệnh của mọi người là truyền giáo. Chúa Giê-su sai 72 môn đệ cũng là sai mỗi một tín hữu ra đi loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải là việc mỗi người làm riêng lẻ, mà là của cả một mạng lưới, “cứ từng hai người một” thành một nhóm liên kết với nhau. Loan báo Tin Mừng không chỉ là truyền đi một thông tin nào đó, mà là tất cả một cuộc sống chứng tá về Ngài, Đấng đã chịu chết trên thập giá và đã sống lại để đem ơn cứu độ. Đó là cuộc sống hiền lành và thanh bần “không túi tiền, bao bị giày dép, không chào hỏi ai dọc đường”. Sứ điệp đầu tiên được đem đến là sự bình an: “Vào nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Lúc đó tâm hồn người ta như mảnh đất đã cày bừa sẵn sàng đón nhận sứ điệp “Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần”.

Mời Bạn: Bạn và tôi cũng đang được Chúa mời gọi đem Chúa đến cho anh chị em xung quanh, nơi trường học, xí nghiệp, thôn xóm, khu phố mà chúng ta hiện diện. Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Cuộc sống huynh đệ bác ái giúp chúng ta gắn kết và tạo động lực cho việc loan báo tin Mừng có sức thuyết phục con người thời đại hôm nay.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con trở nên người tông đồ nhiệt thành dấn thân loan báo Tin Mừng ngay trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.

Ngày 18: Lạy Mẹ Mân Côi! Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì hoàn toàn tin tưởng, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu, nhưng không phải buồn rầu cho mình, mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng, nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Đức Giêsu trước sự cố chấp của loài người chúng con. Trong đời sống đức tin, sẽ có biết bao điều chúng con không thể nào hiểu được, thậm chí có những điều vô lý, trái ý nghịch lòng. Xin cho chúng con có được một đức tin vững mạnh để đón nhận Thánh Ý Chúa, ngay cả khi chúng con không thể nào hiểu được. Xin cho chúng con biết tin tưởng, phó thác cuộc đời chúng con trong tay Mẹ, như Mẹ vẫn hằng luôn tin tưởng, buông mình trong tay Thiên Chúa toàn năng. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

Thánh Luca


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 28 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8

“Abraham đã tin vào Thiên Chúa và điều đó kể cho ông như sự công chính”.

Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta phải nói gì về chuyện Abraham, tổ phụ theo huyết nhục của chúng ta đã gặp thấy? Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và điều đó được kể cho ông như sự công chính.

Ðối với người thợ làm việc, tiền công không kể được là ân huệ, nhưng là một món nợ. Còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Ðấng làm cho người ác nên công chính, thì đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính, theo ơn Thiên Chúa phân định.

Cũng như Ðavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm, mà rằng: “Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.

Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.

Xướng: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng!

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 11-14

“Chúng tôi trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô, và anh em được ghi dấu Thánh Thần”.

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 12-13

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình! (c. 12b).

Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. 

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực; địa cầu đầy ân sủng của Chúa. 

Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta.

Alleluia: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 1-7

“Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.

“Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.

“Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

HÃY CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA (Lc 12,1-7)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau bao nhiêu phép lạ đi kèm với lời giảng, uy tín của Đức Giê-su càng gia tăng, vì thế, dân chúng tụ họp quanh Ngài rất đông. Nhân dịp này Đức Giê-su dạy các môn đệ phải can đảm và làm chứng về Chúa. Bài học được bắt đầu với lời cảnh cáo về sự giả hình dối trá nơi những người biệt phái và thông luật, nó cũng có nguy cơ phát sinh nơi những ai không biết hết lòng cảnh giác. Người môn đệ Đức Giê-su phải nhiệt tâm loan báo Tin Mừng với một thái độ yêu thương, khiêm nhường. Đức Giê-su an ủi, khuyến khích các môn đệ hãy luôn can đảm, phó thác sứ vụ và cả cuộc đời mình vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

2. Cả tuần này, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giê-su liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của nhóm biệt phái và thông luật. Hôm nay, lại một lần nữa, Đức Giê-su không chấp nhận lối sống giả hình của họ; đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình  khỏi vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các biệt phái và luật sĩ. Nhân dịp này, Đức Giê-su cũng mời các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng, dù có phải chết. Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế, không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau. Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa quan phòng (Ngọc Biển).

3. Chúa dạy các môn đệ phải tránh “men biệt phái”, nghĩa là men đạo đức giả. Thứ men này rất nhỏ bé, được ví như một thứ virút cực hiếm và cực lạ, khó có thuốc chữa trị. Vì sao? Vì những thứ giả khác như bằng cấp giả, thuốc giả, hàng hóa giả  là sự vật có thể bị soi xét nhận diện, còn đạo đức giả ở trong tâm hồn và được ngụy trang khéo léo bằng những hình thức bên ngoài che giấu những bất chính trong tâm hồn rất khó phát hiện, nhằm đánh lừa người khác.

ĐTC Phan-xi-cô cho rằng: thứ virút đạo đức giả này tựa như con rắn, cứ trườn bò luồn lách, không rõ ràng minh bạch, từ lừa dối này sang lừa dối khác qua lời đường mật và dáng mạo bên ngoài. Thứ virút đạo đức giả này vừa tàn phá nhân cách của mọi người, kể cả Ki-tô hữu, vừa lây nhiễm rất nhanh sang nhiều người. Tuy nhiên, như vị lương y thần linh, Chúa Giê-su khuyên nhủ ta tránh xa thứ “men biệt phái” đó, ngăn ngừa lây nhiễm thứ virút đạo đức giả đó, bằng cách tin tưởng và đối diện với Chúa hằng ngày (5 phút mỗi ngày).

4. Chúa khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Động từ “đừng sợ” trong Tin Mừng hôm nay được lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Chúng ta cũng tìm thấy từ ngữ này 365 lần trong Thánh Kinh. Cuộc sống đời thường với đầy những nỗi lo toan sợ hãi: sợ thua thiệt, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhục, sợ chết… Nhưng Đức Giê-su chỉ cho chúng ta chỉ có một Đấng đáng để cho chúng ta kính sợ đó là Thiên Chúa Cha trên trời. Vì Người có thể giết cả hồn và xác chúng ta.

Chúa khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời.

5. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Thiên Chúa quan phòng mỗi người con cái Thiên Chúa. Đức Giê-su đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: Một con chim sẻ hay cả từng sợi tóc trên đầu Chúa cũng thấu biết, huống chi vận mạng con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người. Chúa Giê-su không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sự tin tưởng vào Chúa quan phòng không có tinh cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho (Hiền Lâm).

6. Truyện: Đức Tổng giám mục Oscar Romero.

Khi mới lên Tổng Giám mục giáo phận San Salvador, Đức cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi cái nhìn của mình.

Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chính tòa để tố cáo những tội ác đã diễn ra mà đa số là các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội. Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng làm việc để lắng nghe ngài.

Ngài bị đặt vào trong tình trạng bị đe dọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn cho riêng mình. Ngài nói: “Một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Nhưng tôi sẽ ở lại với dân tôi”.

Và ngài đã bị chết dưới làn đạn của kẻ thù vào tháng Ba năm 1980 đang lúc ngài dâng thánh lễ.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Ca nhập lễ

Đẹp thay bước chân người đi khắp núi đồi rao giảng thái bình, người rao giảng tin mừng, người rao tin cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh Kitô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Tm 4, 9-17a

“Chỉ còn một mình Luca ở với cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, Ðêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Ðalmatia. Chỉ còn một mình Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.

Anh thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại được nghe.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa

Xướng: Lạy Chúa, mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương trong mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con phục vụ Chúa với một tâm hồn tự do thực sự, để của lễ chúng con dâng tiến Chúa trong ngày lễ kính thánh Lu-ca vừa chữa trị hồn xác chúng con, vừa cho chúng con tham dự vào sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông đồ

Ca hiệp lễ

Chúa đã sai các môn đệ đi rao giảng trong các thành rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì bí tích chúng con vừa lãnh nhận tại bàn thờ này làm cho chúng con được nên thánh, và giúp chúng con tin vững vàng hơn vào Tin Mừng do thánh Lu-ca truyền đạt lại. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là Sinh nhật thánh Luca Tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.

Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiochia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14: Người anh em chúng tôi là Lu-ca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.

Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).

Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Lu-ca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6, 20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó . . . Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi . . . Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4, 18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).

Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1, 14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói: “Các con vào thành nào . . . hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô: “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động: “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).

Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng –quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10). Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi . . . (Tv 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).

Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng vụ giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.

Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Ma-ri-a, mẹ Chúa Giê-su” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.

Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết: “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.

Enzo Lodi

VĂN LÀ NGƯỜI
(Lễ Thánh sử Luca – 18/10) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Được xem như là tác giả sách Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ, thánh sử Luca vốn là một lương y. Ngài là một trong những cộng sự viên tháp tùng thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo (x.Cl 4,14; 2Tm 4,10; Plm 24). Nhân ngày lễ kính nhớ ngài Luca xin mạn bàn đôi nét qua cụm từ “văn là người”.
 
Văn là người. Một cụm từ diễn tả hiện thực cảnh nhân sinh. Qua cung cách tiếp xúc ăn nói, nhất là qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật người ta có thể một cách nào đó vẽ được chân dung của tác giả. Không chỉ là nguồn gốc xuất xứ mà cả tính cách, khuynh hướng, những mặt mạnh và mặt hạn chế của tác giả thường được biểu lộ qua các dòng thơ, trang sách, khúc ca, bức họa…của chính họ. Tác phẩm như là một phóng ảnh của chính tác giả. Người sao thì văn vậy. Chính vì thế khi xem văn thì chúng ta có thể biết người. Theo viễn kiến này, qua các trang của Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ chúng ta cùng vẽ đôi nét về chân dung người được xem là tác giả, thánh sử Luca.
 
1. Lòng thương cảm với người nghèo, người đau yếu bệnh tật, kẻ cô thế cô thân. Tin mừng Luca tường thuật khá rõ nét về tấm lòng của Chúa Giêsu dành cho đối tượng kém phận trong xã hội. Ngoài những câu chuyện song song với hai Tin mừng Matthêu và Maccô chữa lành bệnh tật cho người đau yếu thì thánh sử Luca lại tường thuật thêm các dữ kiện Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót tội nhân, cảm thông với nhiều phụ nữ bất hạnh đồng thời đón nhận sự trợ giúp của họ cho công cuộc loan báo Tin mừng (x. Lc 8,1-3). Chân dung một lương y như từ mẫu của thánh Luca ghi đậm trong văn phong và trước tác của ngài. Thi sĩ Dante gọi ngài là “tác giả Tin mừng về tình thương dịu dàng của Thiên Chúa”.
 
2. Tính hiện sinh, cụ thể: Khi so sánh các đoạn song song giữa Tin mừng Luca và Matthêu, nhiều nhà nghiên cứu Tin mừng đồng thuận rằng các bản tường thuật của Luca xem ra sát với hoàn cảnh cụ thể hơn trong khi thánh Matthêu dường như đã công thức hóa lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế. Bản tường thuật về “Các mối phúc thật” và “kinh Lạy Cha” là những đan cử (x.Mt 5,1-12; Lc 6,20-23). Đã là nghề y, nhất là nghề y ngày xưa thì việc tiếp cận lâm sàng bệnh nhân là điều tối quan trọng. Vì sức khỏe và tính mạng người bệnh các lương y không thể hành nghề kiểu phỏng đoán từ xa hay xem mặt qua hình.
 
3. Truy nguồn, tìm gốc cẩn thận: Nghề y xưa kia, cách riêng Đông y luôn chú tâm đến việc “chữa bệnh chữa tận gốc” và thường chữa cách từ từ, cẩn thận. Nét lương y Luca đã hiện rõ trong trước tác của ngài. Khi tường thuật gia phả Chúa Cứu Thế, không như thánh Matthêu kể từ trên xuống khởi đi từ tổ phụ Abraham, thì thánh Luca lại bắt đầu từ dưới đi lên và dẫn đển nguồn gốc tổ tiên loài người là Ađam, con của Thiên Chúa (x.Mt 1,1-17; Lc 3,23-38). Chính thánh sử cũng đã nói rõ việc truy cứu tận nguồn cách cẩn thận của mình trong việc trước tác Tin mừng qua những dòng đầu Tin mừng của ngài: “Thưa ngài Thêôphilô….Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để tặng ngài…” (Lc 1,1-4). Sự cẩn thận này cũng rõ nét trong sách Công vụ Tông đồ khi tường thuật bối cảnh Giáo Hội thời sơ khai, cách riêng hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô. Chính nhờ một trong những tính cách tốt của nghề y này mà chúng ta có được những dữ liệu về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đặc biệt nhiều dữ liệu liên quan đến Mẹ Maria.
 
Xin cám ơn thánh sử Luca đã biết tận dụng nén bạc Thiên Chúa trao ban là khả năng y học của mình để làm sáng Danh Người. Danh Chúa cả sáng không chỉ qua việc ngài đem lại sức khỏe và sự bình an cho nhiều bệnh nhân, mà nhất là ngài đã góp phần làm rực sáng chân dung Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Nhờ cây bút của ngài mà nhân loại thêm xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, nhất là những người bé mọn. Nhờ ngài mà chúng ta cảm nhận rằng tình Chúa dành cho mỗi người thật cụ thể, và riêng có, không ai giống ai. Nhờ ngài đã tường thuật câu chuyện “người trộm lành” giúp chúng ta thêm vững lòng tin vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa để biết giữ vững niềm hy vọng trong mọi cảnh huống của cuộc đời (x.Lc 23,39-43). Có nhiều trường hợp, đối với loài người thì dường như không thể, không thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng đối với Thiên Chúa thì moi sự đều là có thể (x.Lc 18,27).
 
Mừng kính lễ thánh sử Luca, thiển nghĩ rằng lời tri ân cảm tạ dâng lên thánh sử đẹp lòng ngài là mỗi người chúng ta hãy chuyên chăm khám phá chân dung Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót qua văn phong và ngòi bút của ngài. Và hơn nữa cần biết sử dụng ân ban là nén bạc Thiên Chúa trao ban cho mỗi người để làm vinh danh Thiên Chúa và làm cho Nước Chúa hiển trị hết sức có thể. Văn là người. Nhưng văn cũng góp phần lớn làm nên con người, nên người con cái Thiên Chúa.
 

 

CÙNG CÕI ĐỊA CẦU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc - dù chỉ là một tân tòng - thánh Luca Giáo Hội mừng kính hôm nay là một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụ sắc bén, Luca mang thông điệp cứu độ của Thiên Chúa đến mọi dân nước, mọi thế hệ; đã tác động và thay đổi cuộc sống của bao người ở ‘cùng cõi địa cầu’.

Là thầy thuốc, Luca say mê Phaolô; tại Troa, Luca xin trở lại. Như một đồ đệ trung tín, Luca được Phaolô nhắc đến, “Chỉ một mình Luca ở với tôi” - bài đọc một. Đồ đệ này đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ - ‘nhật ký đầu tiên’ của Giáo Hội. Không thể hiện sự am tường về niềm tin và tập tục, Luca chú tâm vào những gì cần thiết cho anh em lương dân: một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Chỉ Luca đề cập con số “72”; các Phúc Âm khác chỉ nói “Nhóm 12”; và dẫu nhiều người trong họ đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng hẳn một số đã đến các lãnh địa không Do Thái. Vì thế, “Nhóm 72” là biểu tượng cho sự chuẩn bị mọi lương dân ở ‘cùng cõi địa cầu’.

Chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến ​​thức của mầu nhiệm Nhập Thể; các khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis Giáo Hội hát mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin - như thể Luca thấp thỏm sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp - nơi sứ thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần; và sau đó, các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi đầu sơ sinh của Hội Thánh.

Khoa khảo cổ và các học giả thế giới đánh giá cao Luca. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay gọi “Luca là nhà sử học hạng nhất với những tuyên bố thực tế đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, “Luca, một sử gia xuất sắc, ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; N. L. Geisler cho biết, “Luca kể tên 32 miền, 54 thành phố và 9 hòn đảo mà không một sai sót!”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong sự nghiệp cầm bút, Luca không viết với tư cách một sử gia mà là một nhà truyền giáo công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Có truyền thống còn cho Luca là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria được gán cho Luca. Vì thế, Luca được coi là thánh bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”. Bạn và tôi là những “môn đệ khác” được chỉ định và sai đi. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Kẻ hiếu trung với Chúa được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang”. Hãy là những “kẻ hiếu trung”, chúng ta làm cho những người khác nhận biết triều đại rực rỡ vinh quang Nước Chúa! Hãy cầu nguyện cho một ai đó, một số người nào đó. Đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo với những phương tiện tuyệt vời ‘sẵn trên tay!’. Khi làm vậy, chúng ta có thể tạo nên ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó, ở một góc trời nào đó. Với Luca, bạn và tôi tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ cho đến ‘cùng cõi địa cầu!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ để con lơi lỏng trong việc chuyển trao Lời Chúa cho anh em con tận mút cùng trái đất. Lạy Quan Thầy các nghệ sĩ, đừng quên truyền cảm hứng cho con!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Luca, thánh sử - thứ Sáu-28TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây