TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”. (Lc 1-12. 17-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Anh em hãy ra đi (Lc 10, 1-12.17-20)

Thứ sáu - 04/07/2025 00:53 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   32
“Bình an cho nhà này” (Lc 10, 1-12.17-20)

ANH EM HÃY RA ĐI
Chúa Nhật 14 Thường niên năm C: Lc 10, 1-12.17-20

LmTN 040725a


Suy niệm

Tin Mừng hôm nay đã xác định cho chúng ta biết: không riêng gì các tông đồ, mà tất cả các môn đệ đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý nghĩa này lại được làm rõ với con số 72. Đây là số dân của loài người mà sách Sáng Thế chương 10 đã liệt kê.

Đức Giêsu sai đi “Từng nhóm hai người” , vì việc loan Tin Mừng không thể mang tính cá nhân, mà là việc của cộng đoàn, không thể độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên kết với nhiều người khác. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng trước tiên không phải là một phương thức hành động, mà là lời “cầu xin” Thiên Chúa, chủ mùa gặt, Đấng sai phái và điều động mọi người trong cánh đồng nhân gian. Chính Thánh Thần sẽ tác động, soi sáng và hướng dẫn các môn đệ trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng không dễ chút nào, Đức Giêsu cho họ biết trước những hiểm nguy và thù nghịch mà họ sẽ gặp trên đường, chẳng khác nào chiên non vào giữa sói rừng”.

 

Đây là sứ mạng cấp bách, nên Đức Giêsu căn dặn: “đừng chào ai dọc đường” nghĩa là không nán lại hay chần chừ. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng: Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra để ‘ra đi’.” (Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014). Ra đi để trao ban bình an, vì môn đệ Chúa là “con cái của sự bình an”, nên chủ yếu của việc loan Tin Mừng là đem đến bình an: “Bình an cho nhà này”, bình an với Chúa và giữa mọi người với nhau. Loan báo Tin Mừng mà không mang lại bình an thì thật là vô nghĩa.  
 

Còn nhiều chi tiết khác mà Đức Giêsu căn dặn, nhưng điều quan trọng là “Ra đi” chứ không phải “ở lại”, đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy Giêsu là một hành trình: sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Ngài luôn lên đường và không ngừng ra đi, nên Thánh Gioan Phaolô II khẳng định: Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, cũng không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (RM 3). Nhưng loan báo hữu hiệu nhất là đời sống chứng tá của họ. Đúng như L. Moody đã nói: Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng”. 

Hiện nay dân số Châu Á chiếm gần 2/3 thế giới, nhưng số người nhận biết Chúa khoảng 8%, nhưng chỉ có khoảng 2,5% Kitô hữu công khai và sống đạo tích cực. Còn dân số Việt Nam hiện giờ lên đến 100 triệu, chỉ có 6 triệu rưỡi Kitô hữu = 7,2%. Đúng là cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Nhưng công cuộc truyền giáo hiện thời đang ra sao? Dường như giáo dân, nếu không dám nói là phần đông các Linh mục, Tu sĩ, ngày càng ít quan tâm đến vấn đề truyền giáo, ngày càng quên rằng mình là người đươc sai đi. Để cắt nghĩa cho tình trạng ngày, cha Trần Kim Ngọc đã đưa ra 5 lý do là: thiếu nhân lực truyền giáo; thiếu đào tạo; thiếu tổ chức; thiếu mục tiêu; thiếu cộng tác.

Thực ra, 5 điều trên chưa phải là lý do, mà chỉ là những yếu tố của một tình trạng: là tình trạng thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin. Một đức tin còn non nớt thì không thể có một lòng mến thâm sâu để hăng hái dấn thân cho sứ mạng. Chỉ có tình yêu mới là động lực mạnh mẽ để người tín hữu dám ra khỏi mình. Ngoài ra, còn có những trở ngại làm lu mờ nhiệt tình truyền giáo, như trong một lá thư của cha Chân Tín gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cho thấy chính quyền muốn các nhà tu hành lao đầu vào việc xây dựng những nhà thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, bày ra những cuộc ăn uống linh đình để quên đi, hoặc hoàn toàn dửng dưng trước sứ mạng mà Đức Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội.

Chúng ta quen sống an nhàn trong một tổ chức quá đầy đủ, một Giáo Hội cơ chế quá an toàn, nên dần mất đi tấm lòng và tính cách của Đức Giêsu: một tấm lòng khao khát cho mọi người được ơn cứu độ, và một tính cách luôn ra đi phục vụ với tất cả tình yêu. Con người hôm nay mong thấy được khuôn mặt Đức Kitô nơi chúng ta: khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường, với lối sống khó nghèo, thanh bạch. Người Châu Á hôm nay rất dễ đón nhận người tông đồ biết sống khổ hạnh, thoát tục, trầm tư, nhân từ, phục vụ. Với khuôn mặt của Đức Kitô, chúng ta mới tỏa ngát hương thơm của của Ngài, để có thể nâng con người lên với Thiên Chúa.  

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã sai chúng con vào thế giới,
tùy hoàn cảnh mỗi người ở giữa đời,
để con loan Tin Mừng khắp mọi nơi.


Nhưng xem ra con chưa quan tâm tới,
vẫn còn giữ đạo mông lung xa vời,
chỉ muốn sống đời mình cách thảnh thơi,
chẳng tha thiết tới điều Chúa mong đợi.


Xung quanh con có nhiều người dân ngoại,
sống bơ vơ trong tình cảnh lạc loài,
không tìm được ý nghĩa trong hiện tại,
chẳng thấy đâu lẽ sống của ngày mai.


Bao người đói khát cơm áo gạo tiền,
nhưng không bằng họ đói khát tình thương,
còn hơn nữa đói khát Chúa thiên đường,
cuộc đời họ biết bao là gai chướng.


Họ mong được tự do và kính trọng,
muốn là mình trong tình nghĩa đệ huynh,
nên cần gặp được ai biết đoái hoài,
có trái tim bao dung và quảng đại.


Cuộc đời con đã là Ki-tô hữu,
nên đừng quá bận tâm về chính mình,
mà phải thấy được chương trình của Chúa,
thấy ân ban và sứ mạng đã trao.


Cho con thấy đời mình đẹp biết bao,
vì Tin Mừng mà con đi loan báo,
xin cho con được trở nên nhân chứng,
dám sống điều mà mình đã tuyên xưng. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 Tags: Anh em, hãy ra đi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây