Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 18/06/2021 10:03 |
1078
Đức Giêsu là một thành viên trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, Người là con trong một gia đình nhân loại; Người hiểu thế nào là tinh thần gia đình.
“GIA ĐÌNH” TRONG BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (các chương 5- 7 của Tin Mừng Mátthêu) Linh mục FX Vũ Phan Long, OFM
WHĐ (18.6.2021) - Đức Hồng Y Baldisseri trong buổi họp báo để giới thiệu Tông huấn Amoris Laetitia đã nói: "Amoris Laetitia ở trong chiều hướng của Tông huấn Evangelii Gaudium mang niềm vui của Tin Mừng đến niềm vui được sống trong lòng gia đình. Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) đã trình bày vẻ đẹp của gia đình khi nói đến tình yêu là nền móng của định chế gia đình. Thiên Chúa là Ba Ngôi, không phải là một sự cô độc, nhưng là tình yêu được chia sẻ. Trong Tông huấn của ngài, khi đào sâu Tin mừng về hôn nhân, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cống hiến những định hướng cụ thể chất chứa những năng động mới. Đức giáo hoàng đã viết ở s. 4, Toàn thể các can thiệp của các Nghị Phụ, được chăm chú lắng nghe, đã đề nghị cho tôi một viên ngọc quý đa diện, một hình ảnh hình học đã được nói đến trong Evangelii Gaudium. Các công việc của THĐGM, trong thực tế, là kết quả của các công việc của THĐGM quy tụ những kinh nghiệm và những lập trường đa dạng của các Giáo Hội địa phương. Việc trao đổi các ý kiến đã được thực hiện trong sự tự do và thẳng thắn hoàn toàn, điều đó đã cho phép đạt tới một kết quả được chấp nhận hầu như nhất trí.
1. Đức Giêsu là một thành viên trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, Người là con trong một gia đình nhân loại; Người hiểu thế nào là tinh thần gia đình. Sau khi thánh Giuse qua đời Người đã trở thành cột trụ của gia đình. Dọc theo hành trình cuộc sống xã hội Do Thái, Người đã chứng kiến, thậm chí trải nghiệm các bi kịch gia đình lớn nhỏ từ hoàn cảnh các gia đình trong làng xóm. Trong Bài giảng trên núi (các chương 5- 7 của Tin Mừng Mátthêu), chúng ta có thể nghe ra những mối bận tâm của Đức Giêsu cho các gia đình. Người đã dạy chúng ta cách sống đời sống gia đình; Người xác định những cái khung chúng ta phải dựa vào mà xây dựng đời sống gia đình, mà sống ơn gọi gia đình.
Sau khi đã công bố các Mối phúc (Mt 5,1-12), Đức Giêsu đưa chúng ta đến chỗ áp dụng thực tiễn: Các môn đệ của Người phải trung thành với Luật Thiên Chúa và các lối ứng xử Người cho thấy Người không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng đưa đến chỗ kiện toàn (Mt 5, 17). Người không phải là nhà cách mạng cuồng tín, đến để hủy bỏ trật tự sẵn có. Quả thật, Đức Giêsu đã nói rõ ràng từng chuyện. Người đã nói Không! với tình trạng vô chính phủ và bạo lực. Người nói Có! với luật của Thiên Chúa. Người mời chúng ta loại trừ các lối sống vụ luật và việc tuân giữ thuần túy bên ngoài, như người Pharisêu vẫn làm ("Nếu sự công chính của các con không dồi dào hơn sự công chính của người Pharisêu"....; Mt 5, 20). Đức Giêsu nói với ngôn ngữ mới và dạy chúng ta chu toàn lề luật vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người khác.
2. Đức Giêsu lưu ý đến những thái độ có liên hệ đến người thân cận. Trước tiên, sự tôn trọng đối với sự sống: Điều răn thứ 5 truyền: Không được giết người! Thế nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn: Hãy yêu thương đồng loại! Nếu phải quyết định giữa việc thờ phượng Thiên Chúa hay là cổ võ hòa bình giữa các anh chị em, hãy chọn hòa bình với anh chị em. Tình yêu loại trừ bất cứ cử chỉ nào có nghĩa là khinh dể, thù ghét hay giận dữ. Vì vậy, cũng thế hành vi phượng tự phải nhường bước cho việc hòa giải với người anh em bị xúc phạm. Trước bàn thờ Thiên Chúa, phải dành chỗ cho những người anh chị em chúng ta phải giao hòa với mình (Mt 5, 23).
3. Tình yêu con người làm tổ trong gia đình: Và để bảo vệ gia đình, Đức Giêsu đã đặt các điều răn 5 và 9 làm hai cột trụ, trấn giữ, hai người canh gác gia đình. Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra "tòa" (Mt 5, 21) và điều răn thứ 9 : Còn Thầy, Thầy bảo anh em: "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 28). Hai điều răn này là hai nguồn đưa lại sự thanh thản và an toàn cho đời sống hôn nhân và gia đình. Đức Giêsu đi xa hơn những gì mặt chữ của luật và chất thể của các hành vi quy định, “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Đức giáo hoàng vận dụng kinh nghiệm đời thường mà dạy: "Sống chung với nhau là một nghệ thuật, một cuộc tiến bước kiên nhẫn, xinh đẹp và hấp dẫn. Chuyện này không kết thúc một khi các bạn đã chinh phục được nhau... Trái lại, chính là vào lúc này mà mọi chuyện bắt đầu! Cuộc tiến bước của mỗi ngày có những quy tắc mà ta có thể tóm lại trong ba từ này mà bạn đã nói, mà cha đã thường xuyên nhắc lại với các gia đình: «Làm ơn» hoặc là «anh (em) có thể» như bạn vẫn nói, « cám ơn» và « xin lỗi»[1].
Nhưng tình yêu hôn nhân bị đe dọa bởi bóng ma ly dị: Đức Giêsu loại trừ việc ly dị. "Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình" (Mt 5, 32). Người kiên quyết trong quan điểm của Người. Vào lúc tạo dựng, Thiên Chúa đã liên kết người nam và người nữ, và không có một lý do nào cho phép tách biệt họ bằng sức mạnh loài người. Đức Giêsu tìm cách cứu lấy gốc rễ tốt đang có trong các con tim ô nhơ, đưa nó đến chỗ không đầu hàng sự dữ và giúp nó chiến thắng các cám dỗ.
Luật tình yêu không chỉ bị xúc phạm khi người ta gây ra cái chết, nhưng còn cả khi làm các hành vi nhắm hủy diệt hoặc xúc phạm người khác. Triết gia Bonhoeffer đã nói: “Ai xúc phạm đến người anh em hoặc vu khống công khai thì không có chỗ trước nhan Thiên Chúa bởi vì đó là việc sát nhân”. Không phải chỉ là vấn đề xin tha thứ: cần phải cấp bách tái xây dựng các quan hệ huynh đệ bởi vì điều thiện hảo của người anh em là điều thiện hảo của tôi. Đi đến với người khác như vậy có mục tiêu là tái tạo chỗ bị xé rách; là một chuyển động đưa đến hòa giải. Các tương quan trong gia đình thường xuyên bị xé rách, vì sự ích kỷ, kiêu ngạo, nóng giận, nên cần phải được thường xuyên tái tạo.
Thiên Chúa, Đấng mạc khải cho thấy lề luật viên mãn nằm trong sự công chính mới được đặt trên nền tảng là tình yêu, chờ đợi con cái Người là các Kitô hữu biết theo giáo huấn của Đức Kitô sống phù hợp với các đòi hỏi của Tin Mừng và quay về với từng con người như dấu chỉ của hòa giải và hòa bình”.
[1] Ngày 14/2/2017, trong sứ điệp gửi cho các bạn trẻ mới đính hôn, Đức giáo hoàng Phanxicô chia sẻ như thế. Xem Zenit 23/2/2017. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/-gia-dinh-trong-bai-giang-tren-nui-42084