TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN – A

Thứ năm - 18/05/2023 14:49 |   527
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28, 19)

21/05/2023
chúa nhật VII PHỤC SINH - A

Chúa Thăng Thiên

cn t7 PS

Mt 28, 16-20


RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28, 19)

Suy niệm: Tin Mừng Phục sinh không chỉ để chiêm ngắm, suy phục, mà còn phải được các môn đệ đi loan báo, làm cho người đón nhận Tin Mừng đó trở thành môn đệ của Chúa Giê-su qua phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cùng với việc tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Tiến trình làm chứng, loan báo Tin Mừng Phục sinh đã và đang được các thế hệ Ki-tô hữu thực thi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa. Có thời đại gặt hái được những thành quả tốt đẹp; có lúc như khựng lại; nhưng vẫn luôn là ưu tư hàng đầu của cả Hội Thánh. Hội Thánh vẫn lạc quan tin tưởng vào lời Chúa hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Mời Bạn: Qua bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, người Ki-tô hữu được giao cho sứ mạng làm chứng tá cho Tin Mừng Nước Trời trong bậc sống của mình. Họ được kêu gọi lên đường đi ra vùng ngoại biên loan báo Chúa Phục Sinh, làm cho người muôn dân trở thành môn đệ Ngài. Bạn đã ý thức bổn phận đó và chuẩn bị hành trang gì cho chuyến đi này chưa? Nếu chưa, hôm nay chính là lúc bạn phải bắt đầu từ đâu ngay sứ mạng đó.

Sống Lời Chúa: Hành trang này không thể thiếu khát vọng đem ơn cứu độ cho người anh em, cũng như nhiệt tình tông đồ mà bạn cần phải hun đúc. Đồng thời bạn cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, vì bạn không thể thành công tự sức mình được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ nâng đỡ, khích lệ chúng con. Xin soi sáng và hướng dẫn chúng con trên con đường loan báo Tin Mừng Phục sinh của Chúa Ki-tô mỗi ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VII Phục Sinh -Năm A
Chúa Thăng Thiên

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Lễ Thăng Thiên vừa nhắc đến một mầu nhiệm và vừa nói đến quyền năng vươn tới một chiều kích mới. Lễ này chấm hết sứ vụ Đức Kitô ở trần gian và mừng đón Chúa vinh hiển trở về cùng Chúa Cha trên trời. Mặc dù là hành động cuối cùng của Chúa trên dương thế, hôm nay không phải là một ngày buồn trái lại là một ngày vui, chan chứa hy vọng. Đức Kitô không còn tự giới hạn mình vào một khoảng thời gian, khoảng không gian, hay một nhóm người nào nữa. Nhờ sức mạnh của Thần Khí, Người hiện diện vô hình và sẵn sàng đến với bất cứ ai muốn tiếp súc, muốn chia sẻ vinh quang với Người. “ Thầy ở đâu anh em sẽ ở đó”. Vì thế, việc Đức Giêsu thăng thiên bảo đảm với chúng ta rằng có một mục đích tối hậu cho ta trong cuộc đời lữ hành này, nghĩa là chúng ta sẽ cùng Người vinh hiển. Muốn được như thế chúng ta cần thống hối cải thiện đời sống ngay từ bây giờ.

Ca nhập lễ

Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Alleluia: Đấng vừa lìa các ông lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời – Alleluia , alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

Xướng:  Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

“Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”.

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Người đã hứa, chúng ta sẽ được tham dự vào vinh quang của Người. Giờ đây, chúng ta dâng lời cầu nguyện xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn cứu độ và cuộc sống bất diệt.

1. Chúa Giêsu về trời, Người hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, và mang lại cho nhân loại niềm hy vọng về cùng đích mai sau. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, để sống công chính và thánh thiện.

2. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ sứ mạng tiếp tục công trình cứu độ của Chúa ở trần gian. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám Mục, các linh mục, và hết thảy mọi người đang góp phần mang ơn cứu độ của Chúa đến cho anh chị em, bằng lời nói và việc làm.

3. Chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa, vì sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ chúng ta, cách riêng các bậc làm cha mẹ, để họ trao lại cho con cháu hồng ân đức tin mà họ đã lãnh nhận.

4. Xin cho những ai đang đau khổ vì bị bách hại, mất tự do, bệnh tật và cô đơn, xin Chúa ban cho họ ơn an ủi, nâng đỡ.

Chủ tế: Lạy Cha, xin khơi dậy lòng nhiệt thành nơi tâm hồn, và sức mạnh trong ước muốn của chúng con, để chúng con can đảm làm chứng cho tình yêu của Cha và dẫn đưa anh chị em tới gặp Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Ðức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Thăng Thiên

Ca hiệp lễ

Các ngươi hãy ca mừng Chúa, Đấng lên trời cao thẳm, hướng về phía đông – Allêluia

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Ðức Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Được sai đi

Sứ điệp được sai đi là một điểm nổi bật trong phần phụng vụ Lời Chúa sáng hôm nay, ngày lễ Chúa lên trời.

Trước hết là bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ, kể lại những biến cố xảy ra trước, trong và sau khi Chúa Giêsu về trời. Điều đáng ghi nhận đó là lời Ngài căn dặn các môn đệ: Các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, tại Giuđêa, tại Samaria và cho đến tận cùng trái đất.

Lời căn dặn này cũng là lời tuyên bố của Ngài trong bài Phúc Âm: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Giáo Hội ngay từ buổi đầu đã ý thức được tầm mức quan trọng của việc lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngay sau ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ đã lên đường chinh hục thế giới, đem ánh sáng Phúc Âm chiếu tỏa cho muôn dân. Và từ đó cho tới nay, trải dài hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội không ngừng thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô.

Thế nhưng, không phải lúc nào Giáo Hội cũng nhiệt thành với sứ mạng của mình. Theo các nhà nghiên cứu, thì trong mấy thập niên gần đây, đà hoạt động truyền giáo đã giảm sút một cách đột ngột. Và ngay cả sứ điệp cứu độ của Giáo Hội cũng xem ra mất đi nhiều sức thu hút và tính bén nhạy, trước những thách đố và khủng hoảng do hiện tượng tục hóa gây ra bên Tây Phương và các giáo phái lớn bên Đông Phương.

Chính vì thế mà các Đức Thánh Cha, tiếp nối công cuộc danh tân của Công Đồng Vaticanô II, đã không ngừng lên tiếng và nhấn mạnh đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm chứng cho Đức Kitô, giúp cho con người khám phá ra Giáo Hội là dấu chỉ và là dụng cụ Thiên Chúa dùng để cứu chuộc nhân loại.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong tông huấn “Người tín hữu giáo dân”, đã nêu lên vấn để phải đổi mới việc truyền bá Phúc Âm. Đổi mới ở đây có nghĩa là phải có phương pháp mới, nhiệt huyết mới và tổ chức mới. Muốn có được sự đổi mới ấy, thì cần phải thực hiện một cuộc kiểm điểm đời sống một cách nghiêm túc và khiêm tốn, từ đời sống cá nhân của mỗi thành phần dân Chúa, đến đời sống tập thể của cộng đoàn Giáo Hội, trong đó điểm nổi bật cần lưu ý, đó là đời sống bác ái yêu thương, và bênh vực công lý hòa bình của Giáo Hội. Đây cũng chính là những khía cạnh nhạy cảm đối với con người thời nay.

Còn chúng ta, chúng ta đã thực sự lên đường, đã thực sự góp phần vào công cuộc truyền bá Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội hay chưa?

Ngày Chúa trở lại

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở lại Giêrusalem, chính tại đây bổn phận và nhiệm vụ đang chờ đón các ông.

Với chúng ta cũng thế, thời gian hiện tại không phải là thời gian mơ mộng, thương tiếc vẩn vơ, nhưng là thời gian hành động. Vậy chúng ta phải làm gì trong lúc trông chờ ngày Chúa lại đến. Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong Phúc Âm bằng những hình ảnh cụ thể.

Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh những nén bạc. Một người giàu có trước khi trẩy đi phương xa, đã gọi các đầy tớ đến và trao phó tiền bạc của mình cho họ tuỳ theo như khả năng của họ. Sau khi chủ lên đường, người thì dùng tiền ấy đầu tư cho công chuyện làm ăn và đã sinh lời. Kẻ thì chôn giấu số tiền của mình dưới đất. Và khi chủ về đòi tính sổ, ông đã nói với những đầy tớ sinh lời rằng: Hỡi tôi tớ trung thành và khôn ngoan, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi. Còn tên đầy tớ biếng nhác, chôn vùi tiền bạc, thì đã bị trừng phạt một cách đích đáng.

Qua hình ảnh này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta không được phép chờ đợi ngày Ngài trở lại một cách thụ động và biếng nhác. Chúng ta cũng không được phép chọn lựa giữa hành động và chối từ. Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta một sứ mệnh mà chúng ta có bổn phận phải thực hiện. Ngài cần đến chúng ta. Đó là một nhu cầu, một đòi hỏi cần thiết. Nếu chúng ta không làm gì cả là chúng ta đã xỉ nhục Ngài và trong ngày sau hết Ngài sẽ không đón nhận chúng ta như là những người con của Ngài.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh 10 cô trinh nữ được mời đi phù dâu trong số đó 5 cô khôn ngoan đem đèn và dầu. Còn 5 cô khờ dại, đem đèn mà không có dầu. Và khi chàng rể đến, những cô đã sẵn sàng thì bước vào phòng tiệc với chàng, còn những cô khờ dại thì chạy đi mua dầu và bị chàng rể từ chối. Để kết luận Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta: Hãy tỉnh thức. Điều quan trọng không phải là biết được ngày giờ Ngài trở lại, nhưng là sẵn sàng với đèn cháy sáng trong tay.

Điều này đòi buộc chúng ta phải cố gắng thực thi thánh ý Chúa, tuân giữ những điều Ngài truyền dạy. Để trở nên bạn hữu của Chúa, chúng ta phải cố gắng, chúng ta phải hành động. Thế nhưng chúng ta phải cố gắng những gì và phải hành động ra làm sao?

Yêu mến Thiên Chúa là chu toàn thánh ý Ngài trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ. Nghĩa là sẵn sàng xin vâng ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin vâng là dùng mọi khả năng của mình để chu toàn điều Chúa muốn, như những người đầy tớ đã sinh lời cho chủ. Xin vâng là sống gắn bó mật thiết với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện. Vì cầu nguyện không phải chỉ kết hiệp chúng ta lại với Thiên Chúa mà còn giúp chúng ta khám phá ra được những điều Chúa muốn nơi chúng ta. Xin vâng là sẵn sàng thực hiện những hành động bác ái giúp đỡ anh em.

Bởi vì trong ngày thẩm phán, chúng ta sẽ bị xét xử về những hành động yêu thương chúng ta đã làm hay không làm để giúp đỡ những người nghèo túng, ốm đau và bất hạnh. Thi hành được như thế là chúng ta đã góp phần xây dựng Nước Chúa, và tương lai của chúng ta sẽ được bảo đảm trong ngày Chúa trở lại.

Chúa nhật lễ Thăng Thiên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 28, 16-20).

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Suy niệm

Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Đức Giêsu đã hé mở cho các Tông đồ biết về tương lai của Giáo hội, bởi khi Ngài đã hoàn tất sứ mạng của mình, Ngài trở về với ngôi vị Thiên Chúa, nơi Ngài đã rời bỏ để đi vào trần gian, theo chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha. Phụng vụ Lời Chúa trong ngày lễ Thăng Thiên, mời gọi chúng ta hướng về điểm đến của mỗi người trong tương lai, để phút giây hiện tại, trong trách vụ của mỗi ơn gọi, chúng ta sống và làm chứng cho tin mừng phục sinh, như lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi rời khỏi thế giới này.

Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã tường thuật lại những lời căn dặn của Đức Giêsu trước khi Ngài chia tay với các học trò của mình. Ngài nhắc họ hãy bình tâm và đợi chờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hãy cộng tác với Ngài để loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân, cho mọi thời. Dù chưa thể hiểu được tất cả, nhưng các Tông đồ đã đón nhận biến cố đó với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, Thầy đi xa thì có lợi cho anh em đó, còn ngày mai đây, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn mỗi người làm việc gì, đi tới đâu, chưa ai có thể biết, nhưng mỗi ngày sống trong mỗi công việc, mỗi hành trình, Thầy luôn bên cạnh anh em: “Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Có thể nói đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa sứ vụ của Đức Giêsu và chương trình của Chúa Thánh Thần. Dù sự ra đi của Thầy để lại những nỗi buồn, nhưng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, mới là điều cần thiết cho anh em và cho các cộng đoàn Giáo hội thuở ban đầu. Chính Ngài sẽ cho mỗi người biết công việc của mình, biết sứ mạng thế nào và mỗi người được mời cộng tác với Ngài theo chương trình của Thiên Chúa.

Với một niềm xác tín về ngày mai của mình, thánh Phaolô luôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa sẽ trọng thưởng cho những ai biết tin thờ và cộng tác với Thiên Chúa, để loan truyền tin mừng cứu độ, họ sẽ được Chúa Cha đưa về trời, hưởng trọn niềm hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa, đó là phần thưởng dành cho người trung tín và khôn ngoan: “Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau”. Tin vào một Thiên Chúa, cộng tác với Đức Giêsu hay cùng với Chúa Thánh Thần, tất cả đều là chương trình của Thiên Chúa. Con người không thể hiểu tất cả những kế hoạch đó, vì thế, Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi con người thái độ quảng đại cộng tác, niềm tin chân thành, và lòng mến sắt son, để rồi khi kết thúc cuộc đời, Thiên Chúa Cha sẽ cho hưởng niềm vinh quang nơi các thánh, trong ngôi nhà của Ngài.

Khi sứ vụ đã hoàn tất, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha đưa về trời trong vinh quang của Thiên Chúa. Ngay sau khi Thiên Chúa Cha dùng quyền năng Chúa Thánh Thần cho Ngài sống lại, Đức Giêsu đã đi vào cõi vinh quang của Nước Trời rồi, Ngài không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian của thế giới hữu hình nữa. Dù đã đi vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài muốn hiện diện thiêng liêng bên cạnh các học trò, để nâng đỡ về tinh thần, hướng dẫn họ sống tình huynh đệ cộng đoàn, đồng hành với họ trong sứ vụ cho tương lai: “Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đức Giêsu được rước lên trời trong vinh quang của Thiên Chúa, gợi mở cho các môn đệ biết phần nào về số phận của người đầy tớ trung tín, khôn ngoan, biết làm việc theo ý của chủ mình. Đức Giêsu, người tôi tớ của Giave, đã hoàn tất sứ mạng của Ngài, nay được rước về trong niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa. Ngài như mở ra một niềm hy vọng cho mỗi tín hữu biết về tương lai, khi biết chọn con đường của Đức Giêsu giới thiệu, để có thể đi vào cõi vĩnh phúc của Thiên Chúa là Nước Trời.

Với một quan niệm về thế giới quan rất đơn giản: trời – đất – địa ngục, ba tầng trong thế giới, các tác giả thánh đã dùng quan niệm đó để trình bày cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người như thế nào. Vì yêu thương, Chúa Cha đã sai Con của Ngài từ trời, xuống đất, tiêu diệt ma quỷ từ địa ngục tràn lên, lôi kéo con người và giết chết con người. Sau khi diệt trừ mọi kẻ xấu, Con Thiên Chúa trở về nơi mình ra đi là trời cao. Đó là những suy nghĩ của con người thời đó, thực ra, Con Thiên Chúa, dù đã chết nhưng nhờ quyền năng Thánh Thần, đã sống lại và luôn hiện diện với con người mỗi ngày như lời Ngài đã nói: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Trên từng bước chân sứ vụ, Đức Giêsu phục sinh vẫn ở bên cạnh các môn đệ của Ngài, để nâng đỡ, để chia sẻ và để hướng dẫn họ biết phải nói, phải sống và phải làm chứng như thế nào về tin mừng phục sinh cho phù hợp với hoàn cảnh thế gian, phù hợp với khả năng của mỗi người.

Đức Giêsu đi vào trần gian trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Có thể nói, Đức Giêsu đã thực hiện sứ mạng của mình cách vẹn toàn với Cha yêu, từng công việc, từng giai đoạn cuộc đời, từng bước chân loan tin mừng, Ngài đều tìm thánh ý Cha thế nào để thực hiện. Bước vào cuộc khổ nạn, dẫu biết sẽ đau khổ, sẽ cô đơn và sẽ phải chết, nhưng Đức Giêsu vẫn cầu xin cho ý Cha được trọn vẹn trong cuộc đời của Ngài. Vì thế, với sự hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh, đến nỗi, khi nghe danh thánh Giêsu, các đầu gối trên trời, dưới đất và cả trong địa ngục phải quỳ xuống. Một người đầy tớ khôn ngoan là biết tìm ý chủ và thực hiện cách trọn vẹn, Đức Giêsu đã đi bước trước giúp người tín hữu ý thức hơn về sứ vụ của mình, để từng ngày cố gắng, hầu mai sau sẽ được Thiên Chúa Cha trọng thưởng trên trời. Sự cố gắng nhỏ bé hàng ngày của mỗi người không rơi vào quên lãng, nhưng sẽ được Thiên Chúa ghi nhận, đến ngày sau, mỗi người sẽ nhận lãnh phần thưởng tương xứng với những gì mình đã làm khi còn sống trong mỗi ơn gọi của bản thân.

Đức Giêsu được rước về trời trong vinh quang của Thiên Chúa và tiếng tung hô của các Thiên Thần, đó là dấu chứng cho người tín hữu biết rằng, điểm đến của mỗi người là Nước Trời, chứ không phải bất cứ nơi nào, và càng không phải là nơi thế gian này, vì thế, trải qua những ngày trên trần thế, là thời gian để con người thánh hóa bản thân và ơn gọi của mình, chứ không phải là thời gian để trải nghiệm cuộc sống, cũng không phải chết là hết, để rồi phải hưởng thụ những gì có thể, hầu cuộc sống đáng sống hơn. Đức Giêsu đã hé mở cho thấy Nước Trời mới thực sự là quê hương đích thực của các tín hữu Kitô, nơi đó, phần thưởng cuộc đời, sẽ được trao cho mỗi người. Nơi đó, không còn đau khổ, không còn lo lắng trăn trở về số phận, về ngày mai sẽ ra sao, nơi đó chỉ còn là hạnh phúc viên mãn, là sự bình an đích thực của Thiên Chúa phủ bóng trên cuộc đời mỗi người. Quả thực đó là niềm hạnh phúc lớn lao người tín hữu đang hướng về mỗi ngày.

Lạy Chúa Giêsu, được Thiên Chúa Cha trọng thưởng trong vinh quang Nước Trời, là lúc Chúa mở cho chúng con thấy đích điểm cuộc đời của người môn đệ Chúa là ở đó, xin cho chúng con biết cố gắng đi theo con đường Chúa đã giới thiệu, sống theo những lời chỉ dạy của Chúa, và làm chứng cho một tin mừng cứu độ muôn dân. Chúa đã chu toàn trách vụ của người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, xin giúp chúng con biết cố gắng mỗi ngày trong mỗi hoàn cảnh và ơn gọi của mình, để mai ngày khi Chúa hỏi về trách nhiệm của mình, chúng con can đảm trả lời rằng, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con đã làm những việc của người đầy tớ trung tín thôi. Amen.

 

MỪNG CHÚA LÊN TRỜI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Còn với Kitô hữu Công giáo chúng ta thì không mấy chú tâm mầu nhiệm này. Vì hằng năm chỉ một lần được đề cập theo niên lịch Phụng vụ. Đoàn tín hữu được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong thánh lễ mừng Chúa về trời. Và cũng thật không may, nếu ở đâu đó có vị rao giảng Lời Chúa cách chính thức, gửi cho tín hữu một vài thông điệp qua loa, chiếu lệ cho xong bổn phận giảng lễ ngày Chúa Nhật. Chúa Giêsu lên trời là gì? Việc Người lên trời có liên quan gì đến chúng ta, những người đang tại thế? Xin được chia sẻ đôi dòng suy tư và cảm nhận.

Chúa Giêsu lên trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây. Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.

Ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời:

1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời, Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).

2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4, 8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường hoàn thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người là Giêsu Kitô.

3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ nhân tính của Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10, 19-20).

4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9, 24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.

Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn lòng Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta và đang bầu chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa.

Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh… được đi vào vĩnh cửu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mải mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu, nghĩa là cứu nhân độ thế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây