TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – B

Thứ sáu - 09/04/2021 17:45 |   961
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)

11/04/2021
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – B

CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT



Ga 20,19-31

VÌ TIN NÊN THẤY

Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)

Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tôma. Thật là oan cho ông Tôma! Bởi vì các tông đồ khác cũng chẳng hơn gì: Các ông cũng được xem tay và cạnh sườn Chúa (x. Ga 20,20) mà có ông còn sợ tưởng mình thấy ma (x. Lc 24,37). Trái lại, phải cám ơn Tôma, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi mắt phải thấy, tay phải đụng chạm vào các lỗ đinh của Đức Giêsu thì mới chịu tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.

Mời Bạn củng cố niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, niềm tin quan trọng nhất của cuộc đời người Kitô hữu. Tôma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: vì tin Đức Giêsu phục sinh nên thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.

Sống Lời Chúa1. Ý thức Chúa Kitô phục sinh đang sống với tôi, đang yêu mến nhìn tôi và giúp tôi sống Tin mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2. Mỗi ngày làm một nghĩa cử bác ái như một hành động loan báo Tin Mừng Phục sinh cho một người lân cận.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu phục sinh đến, chúc bình an và tỏ các vết  thương cho các tông đồ, chứng tỏ Người yêu thương và hằng lưu tâm tới các ông đang phải u buồn, lo sợ trước cái chết đau thương của Người. Người tỏ lòng thương xót nhân loại, bởi vì Người đã chấp nhận gánh lấy tội của con người, đến chết nhục nhã trên Thập Giá, nhưng đã sống lại hiển thắng vinh quang. Người mời gọi các ông hãy tin vào Người, tin vào Lời Chúa, chứ đừng muốn thực nghiệm theo kiểu Tôma, để đức tin được trọn vẹn và quang sáng. Chúng ta là những người hậu sinh sau 20 thế kỷ đối với những sự kiện xem ra vẫn còn nóng hổi của ngày phục sinh ấy, chúng ta hãy hân hoan tham dự vào buổi họp mặt này, cũng có Chúa và anh chị em cùng hiện diện. Xin cho niềm vui được đầy tràn vì chúng ta đang sống trong tình trạng ân sủng, và cương quyết sống xa con đường bất chính. Như thế bình an Chúa trao ban sẽ trọn vẹn, lòng thương xót Chúa đổ xuống sẽ tràn lan trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Ca nhập lễ

Như trẻ sơ sinh, anh em hãy ao ước sự thiêng liêng không phôi pha, để nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu độ – Allêluia.

Hoặc đọc:

Anh em hãy nhận lãnh niềm vui vinh quang của anh em, hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào nước trời – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-35

“Họ đồng tâm nhất trí”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Bài Ðọc II: 1 Ga 5, 1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Niềm tin của Tôma vào Đấng Phục Sinh là một chặng đường, và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định. Với niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại”.— Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh dùng quyền uy, sự thánh thiện, gương sáng và lời giáo huấn, hướng dẫn mọi người tin nhận Chúa Kitô phục sinh, hầu được ơn cứu rỗi.

2. “Đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta”,- Xin cho các tín hữu đang gặp thử thách, biết lấy đức tin là thuẫn đỡ gươm che mà chiến đấu và chiến thắng, để bảo vệ gia sản muôn đời.

3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. – Xin cho các dòng tu làm việc tông đồ ý thức lệnh truyền của Chúa, mà hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân tộc đang khát vọng chân lý.

4. “Lạy Chúa con! lạy Thiên Chúa của con!” Xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa, mở mắt tâm hồn người Do Thái, để họ nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng họ trông đợi đã đến, để sau thời gian nghi ngờ, họ cùng với tông đồ Tôma lên tiếng tuyên xưng đức tin.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu giầu lòng thương xót, chúng con đang sống trong một thế giới ngờ vực về sự hiện hữu của Thiên Chúa, xin Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng con, để chúng con không quá dựa theo những luận chứng của khoa học thực nghiệm, nhưng biết nhìn nhận sự an bài khôn ngoan của Chúa trong vũ trụ, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Con hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhìn xem những vết đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN BAN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM B

(Cv 4, 32-35; 1 Ga 5, 1-6; Ga 20, 19-31)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

 

Người Công Giáo Việt Nam chúng ta thường hay nhận xét một biến cố hay một nhân vật nào đó, ít có mấy người để ý đến điều đang tiềm ẩn đằng sau những mặt nổi hay chiều sâu bên trong nơi những con người mà ta nhận xét. Vì thế, nhiều khi chúng ta khá chủ quan để kết luận một vấn đề, nên dễ dẫn đến chuyện đóng khung sự kiện hay đối tượng mà ta đánh giá trong một khoảng tham chiếu rất phiến diện dựa trên chuẩn mực mà chính ta đưa ra….

Với thánh Tôma mà hôm nay Tin Mừng nhắc đến, ngài cũng chịu sự nhận xét khá tiêu cực của nhiều người trong chúng ta, qua cái nhìn và lối suy diễn rất hiện sinh: “Tôma, vị Tông đồ cứng lòng tin”.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng Lời Chúa và ân sủng do lòng thương xót của Người, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng nơi câu chuyện Tin Mừng ngang qua nhân vật và cách biểu cảm của thánh Tôma.

1. Tiến trình căn bản của đức tin

Đức Tin là một ân ban của lòng thương xót Chúa cho ai thì người đó được. Điều này đã được Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha khi nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Quả thật, không phải ai muốn mà được, nhưng còn phải được chính Thiên Chúa là người dẫn lần ta đến với đức tin như chính thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).

Tuy nhiên, đức tin ấy không thể trưởng thành mà không có môi trường, không có cộng đoàn. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận hồng ân đức tin ấy trong tương quan và ngang qua cộng đoàn.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở một bầu khí đức tin cộng đoàn thì chưa đủ, mà nó lại phải trở về với mối tương quan cá vị giữa ta với Chúa, để đức tin của chúng ta mang tính cá biệt với Thiên Chúa, rồi sau đó trở về hòa nhập với cộng đoàn để được lớn mạnh.

Đây cũng là tiến trình đức tin của Tôma mà Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta.

Niềm tin của thánh nhân vào Đức Giêsu, Đấng Phục sinh được khai mào từ lời chứng của cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” (Ga 20,25). Đây là lời klhẳng định của các Tông đồ khi Tôma vắng mặt trong biến cố Đức Giêsu hiện ra với các ông vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi sống lại từ cõi chết.

Với Tôma, một người hiện sinh về việc tìm tòi cốt lõi của vấn đề, thì lời chứng của cộng đoàn chỉ đóng một vai trò dẫn đường để đưa ngài tới chỗ chính mình phải là người chủ động cảm nghiệm trực tiếp vấn đề mang tính cá vị: “Nếu tôi không thấy tôi không tin” (x. Ga 20, 25). Qua câu nói này của thánh Tôma, chúng ta nhận thấy ngài là một con người ngay thẳng, chân tình và rất thực tế.

Chính vì điều này mà Đức Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót đã mặc khải trực tiếp khi tỏ tình thương đối với vị Tông đồ này cách đặc biệt sau 8 ngày.

Quả thế, khi hiện ra với các Tông đồ lần này, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma, nên Ngài đã lên tiếng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27). Đứng trước lòng thương xót của Đấng mà thánh nhân đang đi tìm, ngài đã không dám thực hành điều đã nói với các Tông đồ là: xỏ tay vào vết đinh, thọc tay vào cạnh sườn…, mà ngay lập tức, ông đã quỳ mọp xuống và tuyên xưng niềm tin của mình các mạnh mẽ mang tính cá vị và tuyệt đối: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20, 28) . Đây là đỉnh cao của lời tuyên tín Phục Sinh nơi Tôma.

Nhờ vào lòng thương xót của Đức Giêsu cách đặc biệt, nên cũng từ đây, Tôma nhận ra một chân lý rằng: tin rồi mới thấy cách trọn vẹn. Thấy Đấng Phục Sinh thì cũng thấy Đấng là Thầy của mình trước đó. Thấy Đấng Phục Sinh cũng là thấy Thiên Chúa của mình. Điều này đã đem lại một sự mãn nguyện mang tính tuyệt hảo và hạnh phúc viên mãn của Tôma.

2. Đức tin của mỗi chúng ta

Từ những trải nghiệm đức tin của thánh Tôma, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xem lại những xác tín và biểu hiện đức tin của mỗi người.

Thật vậy, chúng ta khám phá ra một chân lý rằng: Đức tin không chỉ một phía từ Thiên Chúa ban, cũng chẳng phải do sự cố gắng thuần túy cá vị, mà nó được kết hợp cả hai từ trên xuống dưới, tức là do lòng thương xót của Thiên Chúa ban nhưng không cũng như nghị lực rất cố gắng của mỗi người và được nuôi dưỡng bởi cộng đoàn. 

Điều này lý giải cho chúng ta thấy rằng: nếu bất kể cái gì ta cũng thuần phục và gán cho ơn thánh thì sẽ rơi vào tình trạng: “Kính nhi viễn chi” hay không bao giờ dám bàn luận và cũng chẳng cần phải đào sâu hơn nữa, bởi lẽ “mọi chuyện đã rồi” nên chỉ tin mà thôi. Tin như thế, có thể rơi vào tình trạng cả tin rồi lại chẳng tin! Nó giống như số phận của những hạt giống bên bụi gai, vệ đường và đá sỏi.

Còn nếu dựa vào lý trí thuần túy, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phỏng chiếu đức tin của mình trên những gì mắt thấy, tai nghe, hay cân đo đong đếm được và phải đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự hiếu tri. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn, chúng ta rất có thể rơi vào sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, vô cảm và bất tín giống như những Kinh sư và người Pharisêu.

Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tập thể, tức là đức tin của tôi phụ thuộc vào cộng đoàn, thì đức tin mạnh mẽ hay là yếu ớt của cộng đoàn cũng là tâm thức của tôi. Tin như thế, không chừng chúng ta đang lấy cộng đoàn làm bình phong hay ngụy biện cho sự hời hợt, giả tạo và hình thức của mình. Điều này có nguy cơ rơi vào tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Rất giống như đám đông dân chúng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta một kinh nghiệm được lấy từ mẫu thức của thánh Tôma.

Trước tiên, đừng cả tin mọi chuyện. Cần phải suy thấu dựa trên ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, Giáo Huấn của Giáo Hội. Lấy Lời Chúa làm nền tảng, Giáo Huấn của Giáo Hội làm điểm tựa cho niềm tin của mình.

Thứ hai, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!” điều này soi sáng cho chúng ta: Không phải bất cứ cái gì cũng đo lường được bằng đơn vị định lượng của khoa học, nhưng nhiều khi nó còn được đo bằng từ ánh mắt đến trái tim, từ lòng với lòng. Bởi lẽ, nhận thức của con tim đôi khi khác hoàn toàn với nhận thức của lý trí.

Cần nắm vững điều căn cốt của đức tin chính là: vun đắp, cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa để đức tin do lòng thương xót của Người ban được lớn lên trong tâm hồn, đồng thời làm sao cho đức tin của mình được chung nhịp đập với đời sống đức tin của cộng đoàn.

Cuối cùng, đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng trong mối tương quan cá vị từng người, để qua đó, ta mới có đủ cảm thức và nhạy bén thực sự với ơn Chúa và hòa nhập được với đời sống cộng đoàn. Có thế, chúng ta mới vươn tới một đức tin vừa mang tính khả giác, vừa mang chiều kích ân sủng và mầu nhiệm. Điều ta muốn thấy mà không thấy thì hãy bắt đầu bằng đức tin, để từ đó, đức tin sẽ dẫn ta đến điều ta không thấy và điều ta không thấy mà tin sẽ đem lại cho mình hạnh phúc trọn vẹn như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đến thánh Tôma. Xin Chúa cũng thương xót đến chúng con như Chúa đã thương xót đến thánh Tôma khi xưa. Tất cả những ước nguyện đó, con xin tín thác nơi lòng thương xót Chúa. Amen.

 Tags: Lời Chúa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây