TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT I MÙA CHAY –B

Thứ hai - 05/02/2024 13:12 |   635
Chúa Giê-su ở trong hoang địa suốt bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ…, và có các thiên thần hầu hạ Người. (Mc 1,12-15)

18/02/2024
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY –NĂM B

cn t1 MCb

Mc 1,12-15


CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG
Chúa Giê-su ở trong hoang địa suốt bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ…, và có các thiên thần hầu hạ Người. (Mc 1,12-15)

Suy niệm: Mùa Chay là mùa “tập luyện chiến đấu thiêng liêng”. Trong cuộc chiến đó, Chúa Giê-su là vị tướng chỉ huy. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô ngắn gọn nhưng cũng cho chúng ta biết Chúa Giê-su, mang bản tính con người, Ngài cũng đương đầu chiến đấu với những cơn cám dỗ và đã chiến thắng ma quỷ thế nào. Ngài không chỉ đi bước trước mở con đường chiến thắng cho chúng ta mà còn nêu gương cho chúng ta biết làm thế nào để chiến thắng trong cuộc chiến thiêng liêng của chúng ta.

Mời Bạn: Đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ với ba kẻ thù hiệp lực tấn công chúng ta, đó là ma quỷ, thế gian và chính xác thịt chúng ta. Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Không cần vào nơi rừng sâu núi thẳm mới là vào hoang địa; bằng việc thinh lặng cầu nguyện, cùng với những hy sinh khổ chế, bạn ở một mình kết hiệp với Chúa, đó là hoang địa ở ngay nội tâm mình; ở đó bạn tập quen từ bỏ ý riêng mình để khám phá thánh ý Chúa, và hành động thuận theo ý Ngài.

Sống Lời Chúa: Tích cực chọn làm những điều đẹp lòng Chúa trong mọi việc bổn phận hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khổ chế, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Xin Chúa thêm lòng tin, lòng cậy và lòng mến nơi con để nhờ ơn Chúa con có thể kiên trì trong cuộc chiến đấu này. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Chay -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mùa chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu để nhờ gương mẫu và sự giúp đỡ của Người, ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với Chúa và chính lòng mình. Trọng tâm của Mùa Chay là chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh, đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa thương ban cho chúng ta. Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay tập trung vào việc Thiên Chúa đã cứu vớt con người: Thiên Chúa đã cứu ông Noe và con cái ông khỏi nạn lụt hồng thủy, Thiên Chúa đã dùng phép thanh tẩy để cứu toàn thể nhân loại khỏi chết; Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu đến trần gian rao giảng Nước Trời, chịu chết trên Thập Giá và Phục Sinh để giải thoát mọi người. Điều kiện để được cứu là thống hối và tin vào Tin Mừng. Đó chính là sứ điệp Lời Chúa. Vậy giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối    

Ca nhập lễ

Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 9, 8-15

“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.

Trích sách Sáng Thế.

Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 18-22

Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy“.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mc 1, 12-15

“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng bằng thời gian thử thách trong sa mạc. Để hiệp thông với Chúa trong chay tịnh thể xác và tinh thần, làm cho mùa hồng ân này thực sự hoán cải chúng ta, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa trở nên như những ông Noe, hướng dẫn các tín hữu cải hối để Chúa ban ơn giao hoà, hầu xứng đáng lãnh nhận hồng ân cứu độ.

2. “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta”.— Xin cho giới trẻ đang sống giữa những cạm bẫy của đam mê nhục dục, biết suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà can đảm chống lại mọi cơn cám dỗ, thắng vượt được những nguy cơ khiến họ phải xa lìa tình thương Chúa.

3. “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa, biết mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân cứu độ Chúa ban trong thời thuận tiện này.

4. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng“.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, mau mắn lắng nghe Lời Chúa kêu gọi trở về và canh tân đời sống, nên gương mẫu, thánh thiện hơn.

Chủ tế: Lạy Chúa Cha toàn năng, Thánh Thần Cha đã hướng dẫn Đức Kitô tiến vào hoang địa, sống những ngày thân mật với Cha, xin cho chúng con cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thi hành những điều Cha đã truyền ban, đặc biệt trong mùa chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay là Chúa Nhật đầu mùa chay thánh, chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ: để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời. Vì thế, hiệp với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa, mà tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Ðức Ki-tô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Nơi hoang dã

Có một vở kịch mang tựa đề là nơi hoang dã, kể lại câu chuyện như sau: Chàng thanh niên yêu say đắm cô gái hàng xóm. Thế nhưng cha nàng không ưng vì cuộc sống có phần bê bối của chàng. Ông ra sức dập tắt mối tình của chàng. Thất vọng, chàng đâm ra rượu chè bê bối. Ngày kia, sau khi đã uống rượu, chàng gây lộn và đánh nhau với một người trong quán, nên bị chủ quán tống cổ ra ngoài đường. Cha chàng rất hiểu và cảm thông với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại thế quân bình. Sau khi biết được cô gái hàng xóm cũng yêu chàng, thế là chàng quyết định hối cải và làm lại cuộc đời.

Vở kịch được trình diễn một cách rộng rãi và đã thu hút được nhiều người đến xem vì nó đưa ra một hoàn cảnh chung, vừa nhân bản, lại vừa gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nó vẽ lên phần nào cảnh hoang dã mà chúng ta đang sống.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Thực vậy, trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào sa mạc, nơi hoang dã để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ suốt 40 đêm ngày. Theo Kinh Thánh, sa mạc hay nơi hoang dã đã là nơi trú ẩn của thần dữ, của thử thách.

Với chúng ta cũng vậy, chúng ta đang sống trong một nơi hoang dã, một thế giới tràn ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa cho bằng sự tàn bạo của con người thời đại. Giết người không gớm tay. Ngược đãi trẻ em cộng với những hành động gian tham, trộm cướp bất công. Có con thú dữ nào giết hại hằng triệu người mỗi năm? Thế nhưng, việc phá thai của con người thời nay còn vượt hơn con số đó rất nhiều.

Thú dữ mang hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huy không những sự sống thể xác, mà hơn nữa, còn đặc biệt phá huỷ sự sống tinh thần của chính chúng ta và của những người thân yêu. Chẳng hạn như những phim ảnh và sách báo đồi truỵ. Vậy liệu có phương cách nào để kềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn hay không?

Tôi xin thưa rằng có, đó là phương cách của Chúa Giêsu. Bởi vì chính Ngài đã đến để cứu chữa những gì đã hư đi. Cũng vì thế mà Ngài đã vào hoang địa để chiến thắng sự dữ bằng việc hãm mình và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng được sự dữ trong thế giới ngày hôm nay.

Đúng thế, chỉ bằng việc cầu nguyện và hy sinh, chúng ta mới có thể thuần hoá được những con thú tiềm ẩn trong cõi lòng chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện và chấp nhận những hy sinh hãm mình, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ chiến thắng được những cám dỗ suốt dọc cuộc đời chúng ta.

Suy niệm của Camille Gagnon

TA YÊU CÁC NGƯƠI TỪ LÂU RỒI - HÃY TRỞ THÀNH DÂN CỦA TA

Mùa Chay, một thời gian yêu mến.

Lễ tro vừa rồi, chúng ta đã mang một bộ mặt mùa chay hơi buồn bã, nghiêm khắc và nghiêm túc, như phải có. Thứ tư lễ tro không phải là một ngày hội hóa trang. Nó nhắc nhở chúng ta nhớ đến tội lỗi và sự mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta là tro bụi, những gì chúng ta làm được đều bấp bênh; chúng ta có một con tim nặng trĩu vì những ích kỷ và thiếu tế nhị, thậm chí phản bội nữa. Hàng năm người ta cử hành lễ thánh Valentin, lễ tình yêu trước hoặc sau ngày thứ tư lễ tro. Tình yêu càng khó kéo dài thì người ta lại càng ham thích ca ngợi chúc mừng nó! Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ, bắt đầu mùa chay bằng lễ thánh Valentin không phải là điều vô ích. Điều quan trọng là hiểu được đề tài và sự năng động của khẩu hiệu được nêu ra cho mùa chay này: “Ta yêu các ngươi từ lâu rồi”.

Đúng vậy! Mùa chay là thời gian để nghe nói về tình yêu. Một mùa chay tình yêu xem ra mới mẻ, nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta hãy nhớ lại ngôn sứ Ôsê đã đặt lời than thở này nơi miệng Đức Giavê để khơi lại tình yêu của dân Ngài: “Ôi! Ta sẽ dẫn ngươi vào nơi thanh vắng và sẽ quyến rũ ngươi”. Chẳng phải đây là lời yêu thương tốt đẹp cho mùa chay sao: “Ta sẽ quyến rũ ngươi?”. Phải Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta từ lâu rồi. Ngài muốn nhắc lại điều đó để ta nhớ và để cho nó trở thành nơi chúng ta như một bài ru con được nhiều người biết đến: “Ta đã yêu con từ lâu và Ta sẽ không bao giờ quên con”.

Trong mùa chay này, Thiên Chúa sẽ nhắc lại với chúng ta điều đó bằng rất nhiều cách. Một trong những cách đó là nói với chúng ta hôm nay Tin Mừng này: chúng ta là dân của Ngài.

Hãy trở thành dân của Ta. Gần đây một người bạn của tôi được nhận quốc tịch Canada với niềm tự hào lớn đến độ làm tôi phải ngạc nhiên. Sự kiện đó đã khiến tôi suy nghĩ lại xem: Một xứ sở, một dân tộc là những gì; Có những quyền được nhìn nhận và được bảo vệ và có thể thực thi những quyền này quan trọng đến mức nào; Nhu cầu cảm thấy được liên kết với những người khác mạnh làm sao; Được chia sẻ cùng một cuộc sống xã hội gây phấn khởi dường nào.

Từ kỷ niệm này, chúng ta hãy cố gắng suy nghĩ lại về quốc tịch “Thiên quốc” của chúng ta: Chúng ta là một dân tộc thánh, là công dân nước trời, dân của Thiên Chúa.

Dân tộc của giao ước. Nền tảng của một quốc gia trước hết là người ta chấp nhận sống chung với nhau, tuân theo những qui luật chung. Một quốc gia được xây dựng trên những thỏa thuận của các thành phần xã hội.

Trong câu chuyện đại hồng thủy và cầu vồng vào thời gọi là của Nôê. Thiên Chúa bày tỏ sự đồng ý liên kết lịch sử của chúng ta với lịch sử của Ngài, dùng sức mạnh của Ngài để hỗ trợ và cứu độ chúng ta. Lịch sử Thánh Kinh tương đương với một hiệp ước hoặc với hiến pháp trong một quốc gia. Nó đặt nền tảng cho dân Chúa: “Này đây Ta ký kết một giao ước với các ngươi, với hết thảy con cháu các ngươi, và hết thảy các vật sống động…” Trong những lời này, có một hiệp đồng, một giao ước.

Nghĩa vụ công dân. Thiên Chúa lập một hiệp ước với chúng ta. Nhưng một hiệp ước đòi hỏi sự tương hỗ. Hai bên cùng ký vào đó. Một công dân mới tuyên thệ. Một Kitô hữu ký vào bản hiệp ước đó nhờ phép rửa. Thánh Phaolô nhắc lại rõ ràng: Phép rửa là một sự cam kết chứ không phải là một việc tẩy rửa những vết nhơ bên ngoài. Ta hãy nghe ngài nói: “Chịu phép rửa, không phải là được tẩy sạch những vết nhơ bên ngoài, nhưng là cam kết với Thiên Chúa bằng một lương tâm ngay thẳng”. Ta hãy hiểu rõ ý nghĩa của những từ quan trọng này: Cam kết với Thiên Chúa bằng một lương tâm ngay thẳng.

Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu vào hoang địa.

Tin Mừng thánh Marcô nhấn mạnh rằng, sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu đã vào hoang địa. Và ở đó, các thiên thần phục vụ Ngài. Ta có thể thấy rằng, sau khi đã cam kết với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vào sa mạc để bày tỏ tình yêu của mình đối với Cha, đã được quyến rũ bởi dự án của Chúa Cha chứ không phải bởi dự án của ma quỷ. Vậy nên, không lạ gì khi kết thúc mùa chay của mình, Ngài đã nói: “Triều đại Thiên Chúa đã đến, hãy tin vào Tin Mừng”.

Vào đầu mùa chay này, chúng ta hãy xác tín rằng chúng ta là dân Thiên Chúa. Triều đại của Ngài đang ở giữa chúng ta.
 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay -Năm B
Mc 1, 12-15
“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
        
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
        
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 
TIN MỪNG GIÚP HOÁN CẢI
(Chúa Nhật I Mùa Chay B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
        
“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1…). Nội dung lời rao giảng của Đấng Cứu Thế, Giêsu Kitô thật ngắn gọn mà rõ ràng và đủ đầy ý nghĩa. Đang bước vào Mùa Chay thánh, xin được sẻ chia đôi tâm tình liên hệ đến vế sau lời rao giảng của Chúa Kitô: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Thử hỏi rằng phải chăng nhờ ăn năn sám hối nên chúng ta tin vào Tin Mừng hay nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta sám hối ăn năn?
        
Để có được câu trả lời mang tính khả tín thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai từ Tin Mừng. Hai từ Tin Mừng vừa nói lên sứ điệp gieo rắc niềm vui đích thực vừa nói đến chính niềm hạnh phúc, niềm vui trọn hảo. Như thế Tin Mừng ở đây chính là Chúa Kitô, là con người, cuộc đời, các hoạt động và lời giảng dạy của Người. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Nước Trời chính là Chúa Kitô và Tin Mừng cũng chính là Người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9).
        
Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là tỏ bày cho nhân loại nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa tối cao cũng như chương trình ý định của Ngài trên toàn thể thụ tạo, cách riêng trên loài người chúng ta.
        
Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế nói đến một Thiên Chúa tự nguyện ký kết giao ước với nhân loại. Người tự nguyện cam kết rằng sẽ không trừng phạt con người: “Ta lập giao ước của ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt…” (St 9,11). Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước Người đã lập. Và mọi đường lối của Người đều là yêu thương và thành tín (x.Tv 24). Lòng thành tín của Thiên Chúa đã hiện lộ cách rõ nét khi đến thời viên mãn với công cuộc nhập thể cứu độ của Chúa Kitô.
        
Để giúp con người từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối và đổi thay nếu sử dụng phương pháp hù dọa, nghĩa là trình bày các hậu quả xấu xa phải gánh chịu, thì dường như dễ có kết quả tức thời nhưng lại không bền. Bên cạnh đó cái phương pháp này nhiều khi làm méo mó chân dung Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương.
        
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã xác nhận lời tiên tri Isaia ứng vào sứ mạng của mình: “Thần Khí chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Một nội dung chính của Tin Mừng đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
        
Mùa Chay thánh đã về, đoàn Kitô hữu thường được nghe các vị chủ chăn nói đến chủ đề tội lỗi. Đây là một việc làm chính đáng. Thế nhưng nếu quá chăm chăm dán mắt vào cái được gọi là tội lỗi thì nhiều khi chúng ta sẽ bị lệch lạc trong cái nhìn. Mầu nhiệm tội lỗi chỉ được sáng tỏ khi chúng ta quy chiếu cái nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu Người đã dành cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và giàu lòng xót thương là khởi điểm để chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình và cũng là đích đến khi chúng ta nỗ lực ăn năn hoán cải, đổi thay, trở về.
        
Một thực tế của Mùa Chay: Nơi nơi, xứ xứ đều có lời mời gọi sám hối và các cử hành bí tích Hoà Giải. Chuyện các Kitô hữu Công Giáo, cách riêng người Công Giáo Việt Nam chen nhau đến tòa giải tội dịp Mùa Chay là chuyện quá phổ biến, ít ai chối cãi. Các vị mục tử có nơi phải sắp xếp lịch trình hợp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu này của đoàn tín hữu. Thế nhưng có chăng việc xưng thú lỗi lầm ấy chẳng qua là chỉ để thanh thản lương tâm chút nào đó hầu tham dự các Lễ nghi của Tuần Thánh và để đủ điều kiện rước Thánh Thể dịp Phục Sinh? Đại lễ Phục sinh đến thì mọi sự lại trở về như xưa. Mùa Chay vội qua như nó chưa từng đến. Một sự đổi thay mang tính tích cực và lâu bền chỉ có thể đặt trên nền tảng một cảm nghiệm sâu xa về Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
        
Không phải chúng ta sám hối ăn năn rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng nhờ tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì chúng ta mới thành tâm ăn năn sám hối, thay đổi đời sống cách cụ thể thiết thực và lâu bền. Ước gì chân dung Thiên Chúa Tình yêu được tỏ lộ nơi đoàn tín hữu Kitô, đặc biệt nơi các vị mục tử để nhiều tâm hồn lầm lạc biết ăn năn trở về. Và khi ấy chúng ta có thể nói rằng Mùa Chay không phải là mùa của sầu khổ, đau buồn mà đích thực là Mùa của hồng ân.
        
Mong sao không chỉ các đấng bậc trong Hội thánh mà cả đoàn tín hữu Kitô nhiệt thành loan Tin Mừng để tội nhân khi “tin vào Tin Mừng, thì biết sám hối ăn năn”. Tin Mừng cần được loan báo ở đây đó là: làm cho kẻ bị giam cầm thoát khỏi xiềng xích ngục tù, làm cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, làm cho người nghèo hèn, kém phận biết họ được ưu ái, cho người tội lỗi biết họ luôn được đón chờ và thứ tha…

 

Chúa nhật I Mùa Chay -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 12-15).

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Suy niệm

Bước vào Mùa Chay, tâm tình sám hối, lời mời trở về với Thiên Chúa luôn được đề cập đến, có thể giúp cho người tín hữu hãy cố gắng nhìn nhận chính mình, để cố gắng thay đổi nhận thức, thay đổi nhân sinh quan và thế giới quan, đặc biệt là tâm tình tôn giáo, để thực sự được làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật đầu tiên Mùa Chay, nhắc nhở mỗi tín hữu Kitô hãy lắng nghe sự hướng dẫn của Thiên Chúa, để thay đổi, để sám hối, để trở về với Ngài cách chân thành, để được tha thứ, được yêu thương và được cứu độ. Thiên Chúa luôn mong chờ, mong sao được nhìn thấy bóng dáng người con của mình từ xa, để chạy đến ôm vào lòng, đưa con trở lại mái ấm gia đình, để luôn ở mãi trong vòng tay của người Cha yêu.

Câu chuyện lụt đại hồng thủy mà sách Sáng Thế kể lại, không làm cho Thiên Chúa vui vì thấy những tội nhân bị tiêu diệt, nhưng Ngài cảm thấy xót xa trước cảnh con cái bị hủy diệt, chỉ vì tội lỗi, vì thế, sau khi chứng kiến nỗi đau của con cái, Ngài đã thiết lập một giao ước, từ nay không còn trừng phạt con cái nữa: “Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nô-e và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Trái tim của người Cha không ngủ yên khi thấy con cái đang bị cái ách của tội lỗi đè nặng trên đôi vai, tước mất quyền tự do và nhận chìm trong hố sâu sự chết. Một lối mở cho sự sống được Thiên Chúa chỉ dạy, Ngài mong con người hãy thay đổi để được sống.

Thao thức với niềm tin còn non yếu của các cộng đoàn, của những người con trong và ngoài đất Do-thái, thánh Phê-rô đã nhắc cho các tín hữu hãy ý thức rằng, Thiên Chúa đã yêu con người đến nỗi cho người Con đến cứu con người khỏi tội, khỏi chết, được làm con cái Thiên Chúa, con cái sự sống: “Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt”. Ơn cứu độ con người được mời gọi là một sáng kiến của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, Ngài đã cúi xuống, đã răn dạy, hơn nữa còn nghiêm phạt, tất cả chỉ giúp con người nhận ra là họ đang bị lôi kéo xa dần tình thương của người Cha hết mực yêu thương họ. Hãy ý thức điều đó để sám hối, để thay đổi và để được làm hòa với Cha yêu.

Thánh Mar-cô chỉ giới thiệu sơ lược về bước đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã đối diện với những cơn cám dỗ như con người, Ngài đã chiến thắng hay đã thất bại, chắc chắn không bao giờ Thiên Chúa thất bại trước những thủ đoạn của ma quỷ: “Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người”. Đức Giêsu không dựa vào sức mạnh của thế gian, hay mãnh lực của đồng tiền để chiến thắng cám dỗ, Ngài cũng không dựa vào tài năng cá nhân để đuổi xa kẻ thù, Ngài đã dựa vào ánh sáng Lời Chúa, vào quyền năng của Thiên Chúa, để đẩy xa mọi cám dỗ đang bủa vây quanh Ngài khi đối diện với sự thiếu thốn.

Những cơn cám dỗ của Đức Giêsu đối diện trong sa mạc, là những câu chuyện rất đời thường mà con người hôm nay đang đối diện và cũng là những thách đố lớn. Trước hết, đó là cơn cám dỗ về kinh tế, thứ đến, là cơn cám dỗ về kỹ thuật, và sau cùng là cơn cám dỗ về quyền lực. Để có thể hiểu được mục đích của ma quỷ, cần phải nhìn nhận rằng ma quỷ luôn vẽ lên trước mặt con người những sự thật tốt lành, nhưng đó chỉ là một nửa sự thật. Nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật được, vì thế, chúng đã cám dỗ con người tin rằng một nửa sự thật vẫn là một sự thật đáng tin.

Loại hình cám dỗ thứ nhất là kinh tế. Con người hôm nay vẫn minh định rằng đầu tiên là tiền đâu. Có tiền là giải quyết được mọi vấn đề, từ việc sinh con, lập gia đình cho con thế nào, đến việc chữa bệnh, việc làm sao để có bằng cấp, có học hàm học vị, rồi cả chiếc ghế địa vị nữa, tiền bạc sẽ giải quyết tất cả, ngay cả chức tước ngoài xã hội cũng bị cuốn vào đó, không biết trong tôn giáo có bị ảnh hưởng gì tới tiền bạc không. Chính vì mang trong đầu quan niệm như thế về tiền bạc, nên con người lệ thuộc hoàn toàn vào đó, đánh mất những giá trị tinh thần khác, ngay cả phẩm giá của con người cũng bị bán rẻ. Loại hình cám dỗ này đang phá hoại thế giới, phá hoại tình liên đới nhân loại và phá đổ luôn ngôi nhà thế giới, len lỏi vào trong ngôi nhà Giáo hội, đánh mất giá trị thánh thiêng của Lời Chúa. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không là cứu cánh, chỉ vì sử dụng sai mục đích mà con người trở thành nạn nhân của nó.

Loại hình cám dỗ thứ hai là sự tiến bộ của kỹ thuật. Ma quỷ bảo rằng những thành công của kỹ thuật sẽ giúp con người hạnh phúc. Con người tin và chạy theo nó, nhưng con người có biết rằng, sự tiến bộ của kỹ thuật đang là con dao hai lưỡi, giết chết con người cách thầm lặng, từ y học cho đến chiến tranh, từ thức ăn thể xác cho đến lương thực tinh thần, tất cả có dấu ấn của kỹ thuật. Chúng đang phục vụ con người hay đang giết hại con người. Thiên Chúa sẽ đỡ nâng những ai bị vấp ngã, đó là lời ma quỷ nói khi chúng bảo Đức Giêsu hãy gieo mình xuống từ đền thờ. Một nửa sự thật thôi. Thiên Chúa sẽ đỡ nâng những ai biết trông cậy vào Ngài, chứ không chấp nhận việc cậy dựa vào Thiên Chúa để làm vinh danh chính mình. Nếu con người không ý thức, sẽ dễ dàng rơi vào loại hình cám dỗ về kỹ thuật, sẽ giải quyết mọi vấn đề nhờ kỹ thuật và không nên tin vào Thiên Chúa.

Loại hình cám dỗ thứ ba là quyền lực. Nhắc đến quyền lực, con người nghĩ ngay tới câu nói, nhất hậu duệ, nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ và cuối cùng là trí tuệ. Quyền lực để phục vụ, quyền lực để chăm sóc và quyền lực để xây dựng, đó mới là điều cần lưu tâm trong xã hội hay trong giáo hội cũng vậy. Nếu biết dùng quyền để xây dựng một đất nước phồn thịnh, giàu đẹp, thì thực sự cần có quyền lực, nếu dùng quyền để bảo vệ một dân tộc, một quốc gia, thì thực sự cần có quyền lực, tất cả để phục vụ cho một đất nước, một dân tộc và một quốc gia, nếu dùng quyền để chăm sóc những cộng sự của mình, thì quả thực là người có trái tim lớn, nếu dùng quyền để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất huynh đệ, thì quả thực quyền lực là một công cụ hữu ích. Ngược lại, nếu dùng không đúng mục đích, quyền lực sẽ là cái gậy bọc nhung, gây ra bao đau khổ và chia rẽ, gây ra bao tang thương cho các thế hệ và đặc biệt là các cộng sự của mình.

Những loại hình cám dỗ trong thời hiện đại, đang len lỏi vào trong mọi sinh hoạt của con người, cả về khía cạnh xã hội lẫn tôn giáo. Dùng tiền bạc để mua chuộc, dùng quyền lực để áp đảo và làm tổn thương tha nhân, dùng thành tựu khoa học kỹ thuật để xóa dần những giá trị thiêng liêng của con người. Tất cả đang làm thay đổi nhân sinh quan, vũ trụ quan của con người thời nay, tôn giáo cũng không ngoại lệ, nếu không dựa vào ánh sáng Lời Chúa, nếu không nhìn nhận quyền bính của Đấng Cứu Thế đang ở giữa thế gian, con người sẽ làm thay đổi mọi giá trị trong cuộc sống.

Lạy Chúa, khi đối diện với những cơn cám dỗ trong sa mạc, Chúa đã chiến thắng nhờ dựa vào thánh ý Cha, xin giúp chúng con luôn biết lấy Lời Chúa như là thánh ý Cha, để soi sáng giúp chúng con giải quyết mọi bế tắc trong cuộc sống. Chúa không để mình lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào của thế gian, xin giúp chúng con đừng bao giờ nghĩ rằng tiền bạc, quyền lực và khoa học kỹ thuật, sẽ giúp con người thỏa mãn mọi thiếu thốn, mọi nhu cầu. Thiên Chúa trao cho con người những ý tưởng, những sáng kiến chỉ là để phục vụ con người, chứ không để điều khiển thế giới, thay quyền Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thực điều đó, để cộng tác với Chúa Thánh Thần tích cực hơn, để mọi người được cứu độ. Amen.

TRONG ĐỨC KITÔ, TA CHỊU CÁM DỖ và CHIẾN THẮNG XATAN
(CHÚA NHẬT TUẦN I MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa ban cho chúng ta bốn mươi ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta sống những ngày khắc khổ ấy, mà học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành tường thuật lại việc ông Môsê đến gặp vua Pharaô: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của người Hípri đã sai tôi đến gặp vua và nói: Hãy thả cho dân Ta đi để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc. Những cố gắng đầu tiên của ông Môsê và ông Aharon đã hoàn toàn thất bại, nếu không nói là đã làm cho tình cảnh dân Ítraen tệ hại hơn, nhưng, Thiên Chúa sẽ can thiệp, và ngày cứu độ đã gần tới.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho thấy: Trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, và cũng trong Người, chúng ta đã chiến thắng ma quỷ, bởi vì, như lời ngôn sứ Giêrêmia nói: Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi. Ngươi sẽ không ngã gục vì gươm đao, nhưng, ngươi sẽ được sống và bảo toàn được tính mạng.

Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi, phần chúng ta, khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta có vững tin vào lời hứa của Chúa, hay ngã lòng thất vọng? Vững tin vào Chúa, chắc chắn, chúng ta sẽ được cứu thoát. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Sau cơn hồng thủy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôê: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phêrô đã nói: Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, đường lối Chúa tất cả là yêu thương và thành tín, đối với ai giữ giao ước của Ngài. Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời, giờ đây xin nhớ lại. Xin Chúa lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Đi theo đường lối Chúa là đi vào con đường sự sống, như lời Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại ngắn gọn: Đức Giêsu chịu Xatan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, và cũng trong Người, chúng ta đã chiến thắng ma quỷ. Đức Giêsu đã chịu cám dỗ về bánh ăn, của cải và quyền lực, nhưng, Người đã chiến thắng nhờ quy hướng mọi sự về Chúa Cha. Đối với thế gian, quy hướng mọi sự về Chúa Cha, là điều thiệt thòi, mất mát, ngu dại, và điên rồ. Những toan tính thế gian liên quan đến “thương trường” thì thật hữu dụng, nhưng, liên quan đến “thiêng trường”, thì lại thật vô dụng. Theo thế gian, chúng ta có thể đạt được lương thực, của cải, quyền lực, nhưng, chúng ta vẫn nghèo nàn ở bên trong. Theo thế gian, chúng ta có thể thống trị cả thiên hạ, nhưng, chúng ta không thể là vua cai trị như Chúa, bởi vì, bên trong chúng ta vẫn còn là nô lệ. Nếu chúng ta muốn thức ăn mau qua, của cải chóng tàn, quyền lực nhất thời, chúng ta sẽ đi theo tiếng gọi của thế gian. Nếu chúng ta muốn bình an vĩnh cửu, hạnh phúc miên trường, hoan lạc thiên thu, chúng ta phải đi theo đường lối, huấn lệnh của Chúa, và chỉ lựa chọn những gì chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Sám hối Mùa Chay là: dừng lại những chọn lựa thuộc về thế gian, để bắt đầu quay về chọn lựa những gì thuộc về Thiên Chúa. Chọn thế gian hay chọn Chúa là tùy thuộc vào tự do của mỗi người chúng ta, khi đứng trước các cơn cám dỗ: Tình, Tiền, Tiếng, Thánh, tứ “tê”, ai khôn chọn “Thánh” bốn bề an vui.

VIỆC CỦA THÁNH THẦN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” chịu Satan cám dỗ”.

Trong tác phẩm của mình, Samuel Baker kể về một trung đoàn chết khát trên sa mạc. “Ở phía xa xa, họ nghĩ, họ đã nhìn thấy nước; nhưng người dẫn đường Ả Rập cảnh báo, đó chỉ là ảo ảnh! Họ cãi nhau; cuối cùng, người dẫn đường bị giết, cả trung đoàn lao về phía trước. Dặm này qua dặm khác; đoàn quân tiến sâu hơn. Cuối cùng, quá muộn để họ có thể nhận ra sự thật. Và kết quả, tất cả họ đã chết khi theo đuổi một điều viển vông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Marcô tóm tắt sự kiện Chúa Giêsu trải qua bốn mươi đêm ngày chiến đấu trong hoang địa; ở đó, người dẫn đường của Ngài không phải là một ‘anh Ả Rập’, nhưng là Chúa Thánh Thần, “Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa…; chịu Satan cám dỗ”. Điều thú vị là chính Thánh Thần dẫn dụ Ngài! Lời Chúa muốn nói rằng, chay tịnh, ‘việc của Thánh Thần’.

Cả ba thánh sử nhất lãm đều nói đến việc Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa. Nhất lãm không nói đến sự vùng vằng của Ngài, Ngài vào đó cách tự do và tự nguyện theo ý muốn của Chúa Cha với sự dẫn dắt của Thánh Thần. Đang khi Matthêu và Luca đưa ra nhiều chi tiết, thì Marcô nói đến sự kiện này cách vắn tắt với vai trò của Ngôi Ba, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa”. Phải, Mùa Chay, mùa sống với Thánh Thần.

Thứ đến, cuộc chiến của Chúa Giêsu với Satan diễn ra ngay sau khi Ngài chịu phép rửa; hai sự kiện liên tiếp này có một ý nghĩa lớn đối với chúng ta. Sự thật là khi bạn và tôi bước theo Chúa Kitô và sống Bí tích Rửa Tội của mình, chúng ta sẽ nhận được một sức mạnh mới để chống lại sự dữ. Đó là ân sủng của Bí tích. Hai sự kiện này muốn nói rằng, bạn và tôi cũng có thể chiến thắng ma quỷ và những lời nói dối gian của nó khi lắng nghe sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã dẫn Chúa Giêsu đi vào cuộc chiến thế nào; Ngài cũng sẽ dẫn chúng ta trong cuộc chiến với ma quỷ mỗi ngày như vậy.

Đức Phanxicô khẳng định, Satan không phải là sản phẩm của tưởng tượng nhưng là một ‘tạo vật thật’ có thể gây ra những tàn phá nghiêm trọng cho mỗi người, cho Giáo Hội, “Hoàng tử thế gian này là Satan không muốn chúng ta nên thánh; nó không muốn chúng ta đi theo Chúa Kitô. Nó sẽ tấn công; và nếu không cậy vào ơn Chúa, chúng ta sẽ bị nó đánh bại!”. Với sức mạnh của Thánh Thần và Lời Chúa, Chúa Giêsu đã chiến thắng; cũng thế, với Thánh Thần và Lời Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng. Mùa Chay, mùa chiến đấu với ma quỷ nhờ Thánh Thần. Như vậy, Mùa Chay, mùa lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa”. Đi vào hoang địa trong những ngày Chay thánh và đi vào sa mạc cuộc đời mỗi ngày, chúng ta có một người dẫn đường là Chúa Thánh Thần, Ngài tinh tường hơn người hướng đạo Ả Rập ngàn lần. Tin Mừng nói, khi Chúa Giêsu chiến đấu trong hoang địa, “các thiên thần hầu hạ Người”. Điều này cũng đúng với chúng ta. Thánh Thần không để chúng ta đơn độc giữa những ngày này và những cám dỗ của cuộc sống thường nhật; đúng hơn, Ngài sẽ luôn gửi cho chúng ta ‘những thiên thần’ để phục vụ và phù giúp chúng ta đánh bại kẻ thù ‘rất chung’ này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tiếp tục lao về phía trước vì những ảo ảnh chết chóc! Cho con ngoan nguỳ dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần và con sẽ ‘hết khát!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây