TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ LỄ TRO

Thứ hai - 05/02/2024 13:16 |   477
“Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Mt 6,5-6)

14/02/2024
THỨ TƯ LỄ TRO

t4 letro

Mt 6,1-6.16-18


DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA
“Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Mt 6,5-6)

Suy niệm: Có sự tương phản rõ rệt giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu về cung cách, ý hướng ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Người Pha-ri-sêu làm ngoài đường phố, nơi công cộng có ý phô trương, cho người khác thấy. Còn Chúa Giê-su thì dạy các môn đệ thay vì tìm cách để người ta thấy thì sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, làm các việc đạo đức chỉ để cho “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” nhìn thấy mà thôi. Chúa không nhìn theo bề ngoài, không đánh giá theo số lượng nhưng Ngài nhìn thấu suốt và đánh giá theo tấm lòng chân thành của người ta với Chúa (x. Lc 21,1-4).

Mời Bạn: Khi đến với Chúa trong “nơi kín đáo”, là tâm hồn mình, ta được gặp Chúa, được trở về với con người thật của mình. Cái nhìn yêu thương của Chúa giúp ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm, những giới hạn, yếu đuối của mình để sám hối. Nhận biết mình là tội nhân hèn yếu nhưng lòng bao dung của Chúa không làm ta không tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin tưởng để quyết tâm làm lại cuộc đời. “Nơi kín đáo” là nơi ta cảm nhận tình yêu của Chúa và sức mạnh giúp ta đổi mới cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn cảnh giác trước căn bệnh thành tích đang lan tràn trong xã hội. Dù ở đâu, lúc nào, tôi cũng sống dưới con mắt âu yếm của Chúa và chăm chỉ làm việc bổn phận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Giáo Hội bắt đầu mùa chay tịnh và sám hối. Xin cho khi chúng con biết sống tinh thần sám hối cách chân thành không giả dối, không phô trương để thời gian này trở thành mùa hồng ân, thời cứu độ cho chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ LỄ TRO

Dẫn vào Thánh Lễ: 
Lễ Tro nhắc bảo mùa Chay bắt đầu. Tro bụi là biểu tượng sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du.
Cha Marco cho biết: “Trong Cựu Ước, tro được dùng như dấu chỉ sự khiêm nhường và tính phải chết; đồng thời cũng là dấu chỉ lòng lo buồn và thống hối về tội lỗi.”
Theo Tân Ước, nghi thức xức tro, mở đầu Mùa Chay là mùa thống hối, nhắc bảo mỗi Ki-tô hữu phải làm mọi việc vì sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân, dù là việc làm nhỏ bé nhất.
Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân, là người có tội, như lời Thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa yêu thương mọi loài, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành, Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ, vì Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ge 2, 12-18
Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Giô-en.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa
Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 20 – 6,2
“Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.

PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
Ðó là lời Chúa.

Làm phép và xức tro
Sau bài giảng chủ tế chắp tay nói:
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, và khiêm tốn xin Người giáng phúc cho chúng ta, để cử chỉ sám hối chúng ta sắp làm được Chúa thương chấp nhận.
Thinh lặng cầu nguyện giây lát, chủ tế dang tay đọc:
Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và thứ tha cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngay chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Ki-tô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Hoặc:
Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh X hoá nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Chủ tế thinh lặng rảy nước thánh, rồi xức tro cho từng người có mặt và nói:
Hãy ăn năn sám hối và đón nhận tin mừng
Hoặc:
Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi.
Trong khi đó hát tiền xướng.
Xức tro xong, chủ tế rửa tay và kết thúc bằng lời nguyện cho mọi người
Không đọc kinh tin kính.

Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Khởi đầu mùa Chay thánh, chúng ta kêu cầu Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và nâng đỡ chúng ta trên hành trình sám hối đích thật. Với tâm tình sốt sáng, chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới.
1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô được Chúa tuyển chọn kế vị thánh Phê-rô và mục tử hướng dẫn đoàn chiên Chúa, xin cho Ngài khi thi hành sứ mạng cao cả Chúa đã trao phó, lãnh nhận được sức mạnh từ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và niềm an ủi nhờ ánh sáng của Người.
2. Cầu cho các nhà lãnh đạo các quốc gia. Xin Chúa ban cho họ trở thành khí cụ bình an và hòa giải của nhân loại, đồng thời hằng tích cực hoạt động để phẩm giá con người được tôn trọng và thăng tiến.
3. Cầu cho các Dự Tòng đang chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh. Xin cho họ được tràn đầy tình yêu của Chúa Ki-tô và cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.
4. Khởi đầu mùa chay thánh với nghi thức xức tro, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta trái tim mới và trung tín để nhận ra thân phận tro bụi, và hồng ân làm con cái Chúa.
Chủ tế: Lạy Cha, Cha mời gọi chúng con lắng nghe và hướng dẫn chúng con trên con đường trở về với Cha; xin đón nhận lời cầu nguyện của chúng con, để khi sống mùa Chay thánh này, nhờ Lời Chúa Giêsu, Con Cha yêu dấu hướng dẫn, và được thánh hóa bằng ân sủng của Cha, chúng con có thể tiến lên núi thánh phục sinh với bàn tay thanh sạch và trái tim nhân hậu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con long trong dâng lên Chúa lễ tế đầu Mùa Chay thánh này. Xin soi sáng mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu. Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sắng thông phần cuộc khổ nạn của Ðức Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng mùa chay III hoặc IV

Ca hiệp lễ
Ai ngày đêm suy ngẫm luật Chúa, sẽ đâm hoa kết quả đúng mùa.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chớ gì Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô chúng con vừa lãnh nhận, giúp chúng con biết ăn chay hãm mình sao cho đẹp lòng Chúa, và nhờ đó tâm hồn chúng con được khỏi hết tật nguyền. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay truớc Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay” (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay” (Caput ieiunii), hay ” Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày” (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.

Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đ kiệu, Ðức Giáo Hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo Hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo Hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời : “Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi” (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu “tro” đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: “Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời” (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).

2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro

Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).

Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.

Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.

Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.

Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ

(Theo Tinh Thần)

GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA? (Mt 6,1-6.16-18)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo.

Tuy nhiên, ý nghĩa của việc xức tro và ăn chay nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, mà không có tâm tình bên trong.

Nhân ngày thứ tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.

1. Xức Tro

Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).

Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.

Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết, nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 – 22; x. Lc 10, 13).

Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.

Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?

2. Ăn Chay

Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2), (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc trừ Quỉ… (x. Mt 17,21).

Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

3. Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay

Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.

Có những người ăn chay, bố thí… chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ dột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt! Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa… Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều… mà không hề nghĩ rằng: tiền bớt chắt được trong ngày chay là để chia sẻ bác ái, đóng góp cho công cuộc truyền giáo và các nhu cầu khác của Giáo Hội!

Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ. Như vậy, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, hay giống chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành “danh hài” hay “con hề” trên sân khấu.

Thái độ khiển trách nặng nề những người Pharisêu của Đức Giêsu: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6), không chừng cũng chính là lời trách móc nặng nề cho những ai hôm nay giữ chay hình thức, hời hợt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Thiên Chúa… vì bây giờ là cơ hội thuận tiện” (x. 2 Cr 5, 20 – 6, 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống tinh thần của ngày lễ hôm nay đó là: “Xé tâm hồn chứ đừng xé áo”. Amen.

 

Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro
Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
        
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
        
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
        
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

 

Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm




CÁM DỖ ĐƯỢC XỨC TRO 
(Thứ Tư Lễ Tro) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

        
Vừa đọc cái tựa bài viết, hẳn nhiên không ít người phân vân tự hỏi: người viết có ấm đầu chăng hay người viết đã lạc đạo? Để có thể phân bua hay gọi là giải thích cho sự thắc mắc thường tình ở trên, xin được cùng nhau xem xét một vài hiện tượng rất phổ biến trong sinh hoạt nhà đạo chúng ta. Đó là việc người người tranh nhau hôn kính Thánh Giá Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và người người đua nhau đến để được xức chút muội than trên đầu vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay Thánh.
        
Nói rằng người người thì cũng chẳng hàm hồ, vì ngay một trong những hình ảnh của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã từng ví là các bé thơ trong trắng vẫn được bố mẹ hay anh chị bồng đến để lãnh nhận chút tro hay được bố mẹ “dí mũi” vào tượng chuộc tội để chúng được hôn chân Chúa. Nói rằng người người thì cũng chẳng là phóng đại theo hình thái văn chương ngoa ngữ, vì không ít người đang ngần ngại đến tòa cáo giải nhưng vẫn không thể bỏ việc hôn chân Chúa hay cúi đầu nhận tro. Vậy thử hỏi cớ nguyên nào có các hiện tượng ấy? Xin được mạo muội vạch ra một vài lý do, cho dù chưa hẳn là xác đáng nhưng hy vọng có thể giúp chúng ta suy nghĩ thêm chút gì.
        
1. Tâm lý chung thường xem cái gì hiếm thì quý
: Mỗi năm chỉ một lần được hôn chân Chúa giữa cộng đoàn. Cũng thế mỗi năm chỉ một lần cử hành nghi thức xức tro. Tượng chuộc tội, có thể nói là không còn hiếm với ngày nay. Đã là Kitô hữu Công giáo thì hầu như nhà nào cũng có tượng chuộc tội vì dư khả năng để mà có. Các tượng đời mới lại xem ra có mỹ quan hơn so với trước đây. Trừ một số người có thói quen đạo đức, thì ít có ai “hôn Chúa” dăm bảy lần trong năm chứ đừng nói gì là hằng ngày. Cái tượng mà hằng năm được trưng ra để tín hữu hôn chân vẫn để hay treo đâu đó trong phòng thánh, nhưng thử hỏi có mấy ai đến “hôn chân” ngoài ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
        
Giả như nghi thức xức tro diễn ra hằng ngày hay hằng tuần, giả như nghi thức “hôn chân Chúa” cũng được cử hành hẳng tuần hay hằng ngày thì chắc chắn có chăng chuyện người người tranh dành nhau vì không thể bỏ?
        
2. Tâm lý không muốn bị mất phần trong những sự gọi là của chung:
“Một miếng giữa làng bằng cả sàng trong bếp”. Câu ngạn ngữ này dù chưa phản ánh cách sít sao nhưng cũng nói lên cái tâm lý không muốn bị mất phần. Đêm tiệc ly, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng nếu không để Chúa rửa chân thì sẽ không được dự phần với Người thì dù chẳng biết là phần gì, Phêrô đã sợ mất phần nên vội xin không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu! (x.Ga 13,6-11). Trong một cuộc họp hay hội chung, có phát một tờ giấy tài liệu đơn giản, nếu mình không có thì cũng cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Đúng là chuyện bình thường kiếp người cho dù bản thân là linh mục hay tu sĩ.
        
3. Tâm lý muốn biểu hiện tâm tình cách chung chung, như mọi người:
để biểu lộ tâm tình sám hối cách chung chung như lên chịu chút tro thì hầu như rất dễ thực hiện. Vừa nhanh, vừa chẳng cần xưng thú điều gì cách cụ thể, thì việc chịu tro đã trở thành “một cám dỗ” khó bỏ qua. Giả như Hội Thánh thay đổi hình thức lãnh nhận bí tích hoà giải bằng việc chịu tro thì người người, nhà nhà sẽ nô nức lãnh nhận “bí tích hoà giải kiểu này” hằng ngày không chừng. Cái tâm tình chung chung tuy vẫn có tác dụng của nó nhưng hiệu quả thì hạn chế và chóng qua. Sám hối là để đổi thay, không biết có được bao nhiêu người nhận tro bày tỏ sự sám hối đã có được quyết tâm thay đổi? Yêu mến Chúa là để dõi theo chân Chúa, nên một với Chúa, sống như Chúa sống. Không biết có được bao nhiêu người bày tỏ sự mến yêu Chúa qua việc hôn chân Chúa đã có được nỗ lực đi theo chân Chúa, sống và yêu thương như Chúa đã sống và yêu thương?
        
Mùa chay thánh lại về. Các nghi thức, nghi lễ, các cách thức sống đạo được lập ra nhằm giúp ta sám hối ăn năn, thay đổi cuộc sống như xức tro, ăn chay, hôn chân Chúa, ngắm đàng Thánh Giá, ngắm nguyện các sự thương khó Chúa Giêsu… quả là tốt đẹp đáng trân trọng và phát huy. Những tâm tình đạo đức vốn có giá trị và chỗ đứng của chúng trong đời sống đạo, đời sống đức tin. Tuy nhiên, lời dạy của Mẹ Hội Thánh về việc tôn kính Đức Maria chắc chắn cũng không thể sai khi áp dụng với những hình thức đạo đức của mùa Chay. “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật…” (GH 67).
        
Chước cám dỗ luôn có đó. Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta như tìm mồi cắn xé (x.1P 5,8). Chước cám dỗ mà ẩn sâu trong các hình thức đạo đức thì lại càng khó nhận diện để chống trả. Nếu chỉ hài lòng với một vài tình cảm đạo đức như “thấy thương Chúa”, “thấy mình là kẻ tội lỗi”… mà thôi chứ không thay đổi cuộc sống để nên tốt hơn, quảng đại hơn, thánh thiện hơn… thì cũng rất dễ sa chước cám dỗ. Quả thật, những câu chuyện thật như bịa “cười ra nước mắt” về việc sống đạo mùa chay vẫn chưa có hồi kết.
        
“Tên kia, đứng lại, lấy tiền ra, nộp ông đây”. Cha thánh Gioan Vianey nhân một buổi đi kẻ liệt trong ngày thứ Tư Lễ Tro về, cảm thấy có cái gì lành lạnh như con dao nhọn dí ở sau lưng, ngài nói: “Tôi không có tiền, nhưng hôm nay trời lạnh quá, mời anh điếu thuốc”. “Ồ, xin lỗi cha, trời tối quá, con không nhận ra cha. Xin cám ơn cha, hôm nay thứ Tư lễ Tro, ngày ăn chay, con không dám hút thuốc, kẻo phá chay”.
        
Một chuyện khác: “Sao chúng con đánh nhau?” Cha xứ hỏi hai thiếu niên. Một em thút thít trả lời: “Thưa cha, bạn ấy dành hôn chân Chúa, xô con té”.
        
Lại một chuyện khác nữa: Đêm thứ Tư Lễ Tro năm nọ sát liền sau Tết Nguyên Đán chỉ mấy ngày, cha xứ thấy đèn một phòng học giáo lý còn sáng, ngài đến để tắt đèn bỗng thấy năm, sáu giáo lý viên còn ở đó. “Sao giờ này chúng con còn ở đây? Họp hành gì khuya thế! “Thưa cha - Một giáo lý viên gãi đầu thú nhận - dạ chúng con chờ đồng hồ điểm 12 giờ đêm để nhậu mà khỏi phá chay. Đang còn Xuân mà cha”. Cha xứ chào thua, tuy nhiên, vốn quá cẩn thận việc giữ luật, ngài căn dặn: “Nhưng cha cấm chúng con không được vặn đồng hồ chạy nhanh đó nghen, nhanh một phút cũng không được! Nhậu trước 12 giờ đêm là phá chay đó nghen!”. Chuyện mùa chay còn tiếp…


SỐNG KHẮC KHỔ CHIẾN THẮNG ÁC THẦN
(THỨ TƯ LỄ TRO)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Lễ Tro này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ngày hôm nay, tất cả chúng ta ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin Chúa giúp chúng ta hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đã mời gọi phải đề cao cảnh giác:  đừng ăn chay theo hình thức bên ngoài. Giữ chay, trước hết là tránh xa tội lỗi, hơn thế nữa, là sống tình thương với những người chung quanh, là góp phần giải thoát những ai đau khổ: Chúa phán: Cách ăn chay mà Ta ưa thích là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Bấy giờ ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhậm lời; ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: Có Ta đây!

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I đã kêu gọi hoán cải như lời các ngôn sứ đã kêu gọi: Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ đường lối mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA, và Người sẽ xót thương, bởi vì, Người từ bi và nhân hậu. Thiên Chúa không muốn cho tội nhân phải chết, nhưng muốn nó trở lại và được sống, bởi vì, Người từ bi và nhân hậu.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Gioen đã kêu gọi: Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài. Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã kêu gọi: Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ. Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dạy: hãy bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách kín đáo, bởi vì, Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Con người chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì nhìn thấu suốt tận đáy lòng. Trong Lời Tổng Nguyện, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Muốn chiến thắng được ác thần, thì tất cả những việc làm khổ chế của chúng ta như bố thí, cầu nguyện, và ăn chay phải là những việc làm đẹp ý Chúa, là những việc được làm xuất phát từ lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa, chứ không phải dựa vào sức riêng, để phình to bản ngã của mình, hay dùng các việc khổ chế để nô dịch cho ác thần.

Chúng ta thích làm nhiều việc để tạo nên những tính cách (personality), nhằm được khen ngợi và được công nhận, vì thế, chúng ta thích quàng vào mình đủ thứ mặt nạ (persona). Ước gì chúng ta biết để cho mọi thứ mặt nạ của mình biến đi. Điều này sẽ gây đau đớn cho chúng ta, bởi vì, chúng ta đã tự đồng hóa với chúng từ rất lâu rồi. Mỗi lần một chiếc mặt nạ rơi xuống, là mỗi lần chúng ta cảm thấy một cái chết đang xảy ra. Lúc mọi chiếc mặt nạ biến mất, thì chỉ còn lại bản chất đích thực của chúng ta, chúng ta ở đây, lúc này (hic et nunc) và khi đó, chúng ta nên một với Thiên Chúa, bởi vì, Người là Đấng Đang Là. Ước gì chúng ta sống thực bản chất của mình trong Đấng tuyệt đối chân thật, không giả hình, gian dối. Ước gì chúng ta biết cậy dựa vào sức Chúa, và sống như lời Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Ai nhẩm đi nhẩm lại luật Chúa đêm ngày, cứ đúng mùa là trổ sinh hoa quả.

Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 6, 1-6. 16-18).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Suy niệm

Bước vào mùa Chay, người tín hữu được mời gọi trở về với con người thực của mình, con người đang bị thiếu hụt sự công chính thánh thiện nguyên thủy, do sự thiếu hụt đó, con người cần phải cân bằng lại đời sống tinh thần của mình. Thời gian 40 đêm ngày của mùa Chay chính là thời gian giúp con người tìm lại bản thực của chính mình, đồng thời, ánh sáng Lời Chúa chỉ ra cho con người những yếu điểm con người thường bị rơi vào, đánh mất giá trị của người con Thiên Chúa. Phụng vụ ngày Thứ Tư Lễ Tro như là kim chỉ nam giúp các tín hữu tìm thấy phương thế để cân bằng đời sống tâm linh của mình. Cầu nguyện, ăn chay, bố thí, cả ba cùng sánh bên nhau như phương thuốc thần dược, giúp con người tìm lại sự thánh thiện công chính nguyên thủy, món quà Thiên Chúa trao nhưng ma quỷ đã đánh cắp.

Cùng đồng hành với dân Chúa, tiên tri Gio-en đã khuyên bảo con cái của ngài, hãy sám hối, hãy xé lòng đừng xé áo, hãy trở về để được tha thứ, được hòa giải và được gọi Thiên Chúa là Cha: “Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó”. Tội lỗi đã chen vào trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Một dân riêng của Thiên Chúa sẽ không thể vắng bóng Ngài, một dân riêng gọi Thiên Chúa là Cha, sẽ không thể thờ ơ với anh chị em chung quanh. Cố gắng loại bỏ tội lỗi, thay đổi cuộc đời, con người sẽ gặp lại Thiên Chúa và anh chị em của mình.

Trước mối tương quan bị rạn nứt do tội, con người như không còn cơ hội để trò chuyện hay gặp gỡ Thiên Chúa. Hiểu được trăn trở của con cái, thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo đoàn Co-rin-tho hãy cố gắng và nỗ lực hoán cải, con người sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa, được Ngài tha thứ và giao hòa: “Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa”. Làm hòa với Thiên Chúa không phải là việc làm khó khăn, nhưng trước hết cần có sự cố gắng của con người, loại bỏ những tham vọng, tính ích kỷ cùng mọi đầu mối tội lỗi, con người can đảm bước qua ngưỡng cửa của khổ đau do tội lỗi, tiến gần tới Thiên Chúa, trở nên nghĩa thiết với Ngài.

Trước sự bế tắc của con người mỗi khi sám hối, Đức Giêsu hướng dẫn cho họ hãy bắt đầu từ chính trái tim, tâm hồn của mình, chấp nhận sám hối, đổi thay nhận thức, dứt khoát với tội, rồi đứng lên cầu nguyện với Thiên Chúa, xin ơn tha thứ, xin ơn hòa giải, mối tương quan bấy lâu bị rạn nứt nay được hàn gắn, từ đó, con người mở vòng tay, mở trái tim, kết nối với tha nhân bằng tha thứ, bằng cảm thông và chia sẻ cả tinh thần lẫn vật chất: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Thời gian của mùa Chay là lúc thuận tiện nhất để con người có thể thực hiện ba việc làm đó có ý nghĩa và đem lại nhiều giá trị tinh thần. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, giao hòa, nhưng con người có đủ can đảm đứng lên, rũ bỏ mọi thứ như đang níu kéo, để trở về, để được đón nhận.

Có thể nói khởi đầu của tinh thần sám hối là ăn chay. Ăn chay không phải là nhịn sáng, ăn trưa no nê, tối làm thêm chút chút, nhưng ăn chay được hiểu là giảm bớt chi tiêu, giảm bớt những nhu cầu không cần thiết, giảm bớt những tham lam, những tính toán hơn thiệt trong công việc, tất cả để tâm trí thanh thản, sắp xếp mọi thứ ngổn ngang trong trái tim, để dành những khoảng trống cho Thiên Chúa. Nếu con người cố gắng đứng lên với những việc làm quyết tâm sám hối, con người sẽ thấy mình như được giải thoát khỏi những ràng buộc của thế gian, của tội lỗi và của ma quỷ. Điều độ trong nhận thức, điều độ trong ăn uống, điều độ trong chi tiêu và công việc, tất cả sẽ giúp con người tìm thấy sự quân bình, từ đó, con người mới dám bước ra khỏi vỏ bọc sợ hãi, hướng lên trò chuyện với Thiên Chúa.

Trò chuyện với Thiên Chúa là giãi bày với Ngài về những khó khăn, những bế tắc trong đời sống tinh thần, trong ơn gọi của mình. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ chỉ lối giúp con người tìm thấy niềm vui và hy vọng trong đời sống tinh thần. Khi làm việc hay lúc nghỉ ngơi, nếu có sự hiện diện của Thiên Chúa trong trái tim, con người có thể nghe được tiếng Ngài nhắc nhở, chỉ dạy, và đó là lúc con người chủ động tránh xa những thách đố, những cám dỗ giữa một xã hội tiêu thụ, với xu hướng tôn thờ cá nhân. Thiên Chúa sẽ vẽ lên một đường thẳng trong cuộc đời mỗi người bằng những nét cong, đó là chương trình của Ngài, con người có dám chấp nhận để cho Ngài vẽ những nét cong đó trong công việc, trong gia đình và trong cuộc sống của chính mình.

Bố thí là dám mở ra, là dám cho đi không tính toán. Đây là một việc làm Đức Giêsu gợi nhắc cho con người, đừng nghĩ rằng mình là một hòn đảo giữa đại dương, nhưng chung quanh còn có tha nhân. Họ đang cần tình người, họ đang cần sự chia sẻ, họ đang cần sự cảm thông và họ đang cần sự giúp đỡ về mọi mặt. Ăn chay rồi, dám chấp nhận từ bỏ cái tôi rồi, hướng về Thiên Chúa để cầu nguyện, xin Ngài hướng dẫn, giờ có dám mở lòng, mở đôi tay để chia sẻ với anh chị em nữa không, tất cả đến từ quyết định của mình. Người tín hữu bước vào mùa Chay, nếu cố gắng thực thi những việc làm đó, sẽ là người hạnh phúc và bình an, để mạnh dạn vác thập giá với Thầy lên đồi Can-vê, can đảm cùng Thầy từ bỏ tất cả nơi mồ trống, rồi cùng Thầy bước vào mầu nhiệm phục sinh vinh quang.

Lạy Chúa, mùa chay trở về, nghi thức xức tro nhắc nhở chúng con hãy sám hối, hãy tin vào Tin mừng, xin giúp chúng con biết nhận mình là một tội nhân, một con người bất toàn để chấp nhận được Chúa thay đổi trong sự cố gắng của bản thân, từ đó, những ngày mùa chay sẽ thanh luyện chúng con nên con người mới dưới ánh sáng của Tin mừng. Chúa đã thực hiện những việc làm như cầu nguyện, ăn chay, bố thí để chỉ dạy chúng con sám hối có hiệu quả hơn, xin giúp chúng con biết học nơi Chúa những gì đem lại lợi ích cho cuộc sống hôm nay và mai sau của chúng con. Amen.



XÓT THƯƠNG, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!”

“Khi nói về thiên đàng, hãy “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!” Khi nói về địa ngục, bạn cứ để tự nhiên, khuôn mặt bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi xuống; cúi xuống để biết phận mình, phận của những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Đấng Xót Thương, tất cả chỉ có thế!” - Charles Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’; và Mùa Chay, Mùa Xót Thương, tất cả cũng chỉ có thế! Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ nói ngần ấy. Vì thế, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” - Thánh Vịnh đáp ca - bạn đang kéo ghì Chúa xuống, xin Ngài tiếp tục xót thương!

Nói đến Mùa Chay, bạn thường sợ hãi vì phải “từ bỏ một cái gì đó”. “Từ bỏ một cái gì đó?”. Đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn! Chúa Giêsu nói đến thực hành khổ chế qua bố thí, cầu nguyện và ăn chay - Tin Mừng hôm nay. Nhưng với chỉ ngần ấy, xem ra không đủ, vì Mùa Chay còn là mùa mời gọi đến với ân sủng hơn là mùa của những gánh nặng!

“Từ bỏ một cái gì đó” chỉ thực sự mang ý nghĩa khi biết ‘chìm hẳn’ vào lòng thương xót của Thiên Chúa ở một ‘mức độ sâu hơn!’. Đó là cởi bỏ những gì đang trói buộc hầu bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống mới. “Từ bỏ” đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức về tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở ‘mức độ Chúa muốn’. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘một Ai đó’ thì đáng giá hơn gấp bội! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để hướng tới thiên đàng, “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!”.

Vậy mà trong cuộc sống, cảm xúc và ham muốn thường thao túng bạn và tôi; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Vì thế, thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là để chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đối với đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn. Nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái và sống xót thương.

Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, bạn và tôi trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là ‘yêu’ như Ngài yêu; tự do để tình yêu chấp cánh cho linh hồn. Bấy giờ, chúng ta “xé lòng, trở về với Chúa” - bài đọc Gioel; “làm hoà với Ngài” - thư Phaolô. Được tình yêu chiếm hữu, việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn khó khăn!

Kính thưa Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’. Xót thương là quà tặng miễn phí được trao ban cho chúng ta, “những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng”. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót, chúng ta xót thương nhau. Hãy biến mùa này thành mùa ân sủng! Đừng mắc kẹt với ý nghĩ, hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn tặng ban, cuộc sống nên thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì ân sủng và lòng Chúa xót thương rửa sạch linh hồn con, khuôn mặt con… hầu nó rạng ánh thiên đàng, khi con tìm lại được những gì đã mất!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây