TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH

Chủ nhật - 14/04/2024 14:18 |   557
“Chiên không nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,1-10)

22/04/2024
THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH

t2 t4 PS

Ga 10,1-10


KẺ QUEN NGƯỜI LẠ LÀ AI?
“Chiên không nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,1-10)

Suy niệm: Người quen mà Chúa muốn nói đến là mục tử của đàn chiên; còn người lạ là kẻ cướp, kẻ ăn trộm chiên về làm thịt. Mục tử thương chiên như con cái; người lạ coi chiên như đồ vật để mua bán trao đổi. Là con, chiên nhận ra mùi mục tử vì nhiều lần được bồng, vác chiên lên vai về ràn. Trái lại, bị coi là đồ vật, chiên không nhận biết tiếng và mặt người, vì cả hai đều là kẻ xa lạ. Mục tử sẵn lòng hy sinh thời giờ, sự quan tâm, lòng yêu mến chăm sóc đàn chiên, thậm chí phải hy sinh bảo vệ chiên trước thú dữ, kẻ cướp. Đang khi ấy, người lạ chỉ có một mục tiêu là dùng chiên như phương tiện thụ hưởng, làm lợi cho mình. Mục tử là Chúa Giê-su, kẻ trộm là người Pha-ri-sêu, kinh sư, thích mặc áo lông chiên, ăn thịt chiên nhưng lại để đàn chiên là dân chúng bơ vơ vất vưởng như không có người chăn dắt.

Mời Bạn: Chương 10 Tin Mừng theo thánh Gio-an nói về Chúa Giê-su, Mục tử nhân lành. Có thể bạn nghĩ ngay đến các mục tử hôm nay, thầm mong các vị là mục tử nhân lành, theo mẫu gương Thầy mình. Dân chúng nói chung và giáo dân trong các xứ đạo nói riêng, được chăm sóc, quan tâm đầu tư để tăng trưởng hay không tùy nơi tấm lòng các vị mục tử ấy. Nếu là giáo dân, bạn hãy nghe theo tiếng các vị mục tử của mình.

Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào Lời Chúa: “Tôi đến cho chiên được sống, và sống dồi dào,” tôi tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ cho các linh mục đang phục vụ giữa dân Chúa.

Cầu nguyện: Sacerdos victima (“Linh mục tế vật”). Xin cho các mục tử của chúng con ngày càng trở nên hy tế xứng hợp với của lễ các ngài dâng trên bàn thờ mỗi ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, thì không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên; xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18

“Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: “Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?” Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: “Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: “Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn”. Tôi thưa: “Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu”. Tiếng từ trời nói lần thứ hai: “Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp”. Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.

“Và ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: “Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ”. Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: “Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?”

Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3; 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi.

Xướng: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời!

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúng con biết rằng Ðức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả: giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Giêsu đứng giữa các môn đệ mà phán rằng: Bình an cho các con – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. chúng con cầu xin…

Suy niệm

MỤC TỬ THÍ MẠNG VÌ CHIÊN (Ga 10, 11-18)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hình ảnh người “Mục tử” hay người chăn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông, được dùng để diễn tả mối tương quan thân mật dễ mến dễ thương giữa Thiên Chúa với dân.

Hình ảnh này được người ta khắc vẽ với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, ôm chúng vào lòng, đưa chiên về với đàn của chúng thật là đẹp.

Khi tự cho mình là Mục Tử, Chúa Giê-su muốn sống những đặc tính của người mục tử biết rõ từng con chiên, yêu thương đến thí mạng vì đoàn chiên để cho chiên được hạnh phúc. Mục Tử chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Quả thật, Chúa Giê-su Mục Tử đã yêu thương loài người (tức chiên) bằng một tình yêu thí mạng, chết cho đoàn chiên. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Chúa. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ).

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm.

Lạy Chúa Giê-su vị mục tử nhân lành, xin đón nhận sự chân thành, cộng tác của mỗi người chúng con trong việc bảo vệ, cổ võ và vun trồng ơn Thiên Triệu. Amen.

 

“TA BIẾT CHÚNG VÀ CHÚNG THEO TA” (Ga 10, 1-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Chuyện kể rằng: một du khách đến Palestin, gặp được người mục tử đang làm việc tại trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh đồi núi và bày cừu đang tung tăng trên cánh đồng cỏ.

Phóng tầm nhìn, du khách hỏi: “Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?” Người mục tử hỏi lại: “Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi”.

Trong cuộc đời của Đức Giê-su, một trong những phương pháp sư phạm của Ngài khi rao giảng Tin Mừng chính là phương pháp ẩn dụ. Tức là mượn hình ảnh của thiên nhiên, động vật… để nói lên một chân lý thuộc về Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cho biết: Đức Giê-su dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Ngài và dân Israel.

Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.

Hôm nay, Đức Giê-su khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.

Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.

Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con được “biết” Chúa như chính Chúa đã “biết” chúng con. Amen.

HƯỞNG PHÚC TRƯỜNG SINH
(THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 4 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Hưởng phúc trường sinh là phần thưởng dành cho những ai đã chiến thắng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền đã cho thấy: Cuộc chiến giữa các con thú và dân thánh diễn ra hết sức ác kiệt, đời sống đức tin cũng là một cuộc chiến, ai bền đỗ sẽ được cứu: Ai thắng sẽ được mặc áo trắng, Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh. Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người. Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Hưởng phúc trường sinh là nhờ nước và Thần Khí, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Baxiliô Cả đã nói: Chúa là Đấng ban cho ta sự sống, Người thiết lập cho chúng ta một giao ước, đó là Bí Tích Thánh Tẩy, hình ảnh tượng trưng cho cái chết và sự sống: nước là hình ảnh của cõi chết, Thần Khí là bảo chứng mang sự sống. Như vậy, ta thấy rõ điều ta tìm hiểu: Tại sao nước và Thần Khí lại liên kết với nhau? Thưa vì Bí Tích Thánh Tẩy nhắm hai mục tiêu: một là loại bỏ con người làm nô lệ tội lỗi, để sau này nó khỏi sinh hoa trái đưa tới cái chết, hai là sống bởi Thần Khí và sinh hoa trái là được trở nên thánh thiện.

Hưởng phúc trường sinh là ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô phân trần với những người đang chất vấn ngài: Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?

Hưởng phúc trường sinh là nỗi khát khao, là niềm hy vọng chắc chắn dành cho những ai luôn đặt tin cậy nơi Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 41, vịnh gia đã cho thấy: Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gảy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào. Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất là cửa duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Qua cửa Đức Kitô, là trải qua cái chết và phục sinh vinh hiển của Người. Từ chối bước qua ô cửa Giêsu, chúng ta không thể đến được đồng cỏ xanh tươi. Người mục tử nhân lành thì làm cho chiên được sống và sống dồi dào, còn, kẻ trộm chỉ cướp phá và giết hại. Ai thuộc về Đức Kitô thì nghe tiếng Đức Kitô, chúng ta không thể thuộc về Đức Kitô, mà lại, nghe theo tiếng của thế gian. Thế gian sẽ hứa hẹn cho chúng ta đủ mọi thứ, nhưng rồi, sẽ làm cho chúng ta thất vọng ê chề. Ước gì chúng ta luôn biết nghe theo tiếng của Đức Kitô, cho dẫu, có bị chê cười, bị nhạo báng. Ước gì được như thế!

TIẾNG NGƯỜI LẠ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng sẽ không theo nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Một người Mỹ du lịch Syria, thấy ba người chăn chiên dẫn đoàn vật của mình đi chung trên một con đường. Một lúc sau, người thứ nhất hô to, “Men ah! Men ah!”, tiếng Ả Rập là “Hãy theo tôi!”. Chiên của anh tách đàn, túc tắc theo anh lên một ngọn đồi. Người thứ hai cũng làm thế, chiên lững thững theo anh. Người Mỹ nói với người thứ ba, “Cho tôi mượn mũ, gậy của anh; tôi sẽ gọi, xem làm sao?”. Người ấy vui lòng. Người Mỹ gọi, “Men ah! Men ah!”. Chẳng con nào ngẩng lên! “Chiên không nghe ai khác, chỉ trừ một mình anh?”. Người ấy trả lời, “Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”. Lời Chúa hôm nay bất ngờ hỏi chúng ta, “Con có khoẻ không?”. Và hy vọng, bạn khoẻ, để từ chối ‘tiếng người lạ’ và chỉ nghe tiếng Giêsu - Chủ Chiên - như lời Ngài nói, “Chúng sẽ không theo người lạ!”.

Có lẽ chúng ta thường tự trấn an, ‘tiếng người lạ’ không ảnh hưởng mấy đến tôi! Thế nhưng, tiếng của ‘tin lạ’, ‘người lạ’, ‘tiền lạ’, dục vọng và các thứ khác… lại ảnh hưởng lên bạn và tôi nhiều hơn chúng ta tưởng. Và dù tin hay không tin, chúng vẫn tác động và áp lực mạnh mẽ! Chúa Giêsu nói đến sự khác biệt giữa tiếng mục tử và ‘tiếng người lạ’. Chiên dễ thuần thục khi được dạy để phản ứng có điều kiện, vì chủ chiên thường nói chuyện với chiên. Nghe anh, chiên ngẩng lên và đi theo anh; với người lạ thì không!

Điều này cũng đúng với chúng ta. Bạn sẽ đi theo tiếng mà bạn quen thuộc! Vậy thì bạn quen với điều gì nhất? Lý tưởng là chúng ta dành đủ thời gian cho việc đọc Lời Chúa, học ngôn ngữ, giọng điệu và tiếng của Ngài; lý tưởng là chúng ta dành một phần thời gian trong ngày, mỗi ngày, để im lặng đủ mà chiêm ngắm, cầu nguyện. Khi làm điều này, bạn xây dựng cho mình một ‘thói quen nghe’ và trở nên dễ chịu với tiếng Chúa. Một khi thói quen này được hình thành, chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc nhận ra tiếng Chúa giữa những bận rộn ‘đời đời’ của mình và làm theo ngay!

Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ. Những người đồng hương trách Phêrô vì ông giao du với người ngoại. Nhưng nhờ cầu nguyện và lắng nghe, Phêrô nhận ra tiếng Chúa qua câu chuyện dài mà ông đã kể, “Nghe xong, họ mới chịu im”; họ nói, “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Chúa Giêsu không bao giờ nghe ‘tiếng người lạ!’; cuộc chiến của Ngài trong hoang địa 40 đêm ngày chứng tỏ điều đó. Ngài luôn hướng về Chúa Cha, quen với tiếng của Cha, nên Ngài luôn làm điều đẹp lòng Cha. Cũng thế, với chúng ta, đừng để ‘tiếng người lạ’ lấn át tiếng nói của Giêsu Mục Tử và Thánh Thần của Ngài! Ngài không bao giờ xa lạ; Ngài là bạn, là anh em, miệt mài nói to nói nhỏ với chúng ta mỗi ngày để bạn và tôi có thể ‘phản xạ có điều kiện’ mỗi khi Ngài gọi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhạy bén để nghe được Ngài giữa bao bận rộn. Vì thế, hãy cẩn thận! Chúng ta luôn có nguy cơ bị phân tâm bởi những ‘tiếng lạ’ vốn luôn ngọt ngào, lôi cuốn. Đừng để mình thuộc số “Vài con bị bệnh, sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có lẽ con ‘không khoẻ’ lắm, nếu không nói là ‘bệnh’. Xin cứu con, để con không đi theo bất cứ ai!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây