TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – B

Thứ sáu - 05/07/2024 00:25 |   374
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đuờng, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mt 6,7-13)

14/07/2024
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – B

cn t15 TNb

Mc 6,7-13

 
lời cảnh giác đối với của cải
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đuờng, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mt 6,7-13)

Suy niệm: Công cuộc rao giảng đầy những rủi ro, nguy hiểm, có khi còn bị xua đuổi nữa. Trước một sứ mạng cam go như thế, ai lại không lo toan về tiền nong, áo quần, giày dép, về những mối quan hệ xã hội, những chỗ dựa an toàn…? Hẳn Chúa Giê-su hiểu rõ điều đó. Nhưng những chỉ thị trong ‘lệnh lên đường’ của Chúa Giê-su thật trái ngược với những tính toán của các môn đệ. Ngài căn dặn các ông: “không mang gì trừ cây gậy, không mang lương thực,... không mặc hai áo...” Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn họ đừng bận tâm đến của cải vật chất, đừng toan tính theo kiểu thế tục, trái lại, biết hoàn toàn phó thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa khi rao giảng Tin Mừng.

Mời Bạn: Lòng ham mê tiền của, cùng với lối sống thế tục làm băng hoại con người tông đồ và làm cho sứ điệp họ rao giảng không còn đáng tin nữa. Ở đâu lối sống xa hoa, hưởng thụ vật chất bủa vây con người và cộng đoàn của Hội Thánh, ở đó người nghèo bị phân biệt, quên lãng, ở đó sứ vụ trở nên thứ yếu, và bất hoà chia rẽ tha hồ nảy nở. Bởi thế, phải luôn tỉnh thức để khỏi bị của cải làm tê liệt sức sống tông đồ.

Sống Lời Chúa: Chấp nhận cách vui lòng những thiếu thốn vật chất khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sinh ra và sống trong cảnh khó nghèo. Chúa yêu thương người nghèo và dấn thân rao giảng Tin Mừng cho họ. Xin Chúa giữ gìn con thoát khỏi cạm bẫy tiền bạc của cải thế gian để tâm hồn luôn đuợc tự do yêu mến Chúa và dấn thân phục vụ Nước Trời. Amen.


Ngày 14: Lạy Chúa! Nếu những gì chúng con làm ở bên ngoài, không có sự hòa điệu với mục đích bên trong chúng con, thì muốn đạt được một điều gì đó, chúng con phải mất rất nhiều nỗ lực, phải tranh giành, kể cả những mưu mô và thủ đoạn. Tuy nhiên, làm như thế, thì chúng con sẽ không có được niềm vui khi những công việc đó hoàn tất, và những kết quả đó sẽ mang lại khổ đau cho chúng con, và cho người khác. Xin cho chúng con biết xác định chính xác cùng đích của đời mình là chính Chúa, và để Chúa có thể điều động mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XV Thường Niên –Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi thực tập truyền giáo. Người chỉ thị cho các ông phải rao giảng sự thống hối. Rao giảng vừa bằng lời nói vừa bằng gương sáng. Gương sáng nói đây chính là: Sự hiệp nhất yêu thương giữa hai người cùng trong một nhóm, là phải sống thanh thoát khó nghèo, và luôn cậy trông phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng gìn giữ, là khiêm tốn phục vụ tha nhân hết khả năng, bằng các việc xua trừ ma quỉ và xức dầu chữa lành các bệnh nhân. Mỗi người chúng ta cũng có ơn gọi và sứ mệnh làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những hồng ân lớn lao, nhưng đồng thời cũng là những trách nhiệm nặng nề phải chu toàn. Chúng ta có thể học cùng Thánh Phaolô và các Tông Đồ, cũng như học cùng tiên tri Amos và nhất là học với chính Đức Kitô, để sống cách trọn hảo ơn gọi và sứ mệnh đã lãnh nhận. Trong tâm tình tạ ơn vì những hồng ân Chúa ban, chúng ta thống hối để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. 

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. 

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Người Kitô hữu có sứ mệnh làm tiên tri, sứ mệnh làm nghĩa tử, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cả ba sứ mệnh đều quan trọng, và phải chu toàn, chúng ta hãy thành khẩn kêu xin:

1. “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó” – Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, là những Đấng kế vị các Tông Đồ được tràn đầy ân sủng, để Chúa Thánh Thần luôn hoạt động nơi các ngài, giúp các ngài bền tâm thi hành sứ vụ, dù gặp chống đối, thử thách, nhờ đó, lời rao giảng của các ngài được nhiều người đón nhận.

2. “Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng” – Xin cho các tín hữu biết cảm tạ và tôn vinh Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban, và ra sức thông tri cho mọi người biết Chúa luôn nhân từ, yêu thương và sẵn sàng ban ơn cho mọi người.

3. “Ai không đón tiếp và không nghe lời các con thì hãy ra khỏi đó” – Xin cho các Linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân khi làm việc truyền giáo, chỉ nhằm vinh quang Chúa, chứ không màng đến lợi lộc, vinh dự cho bản thân.

4. “Các ông ra đi rao giảng sự thống hối” – Xin cho các thanh niên nam nữ trong giáo xứ chúng ta, biết lắng nghe lời giáo huấn của Hội Thánh, để nhờ lòng thống hối, họ mau mắn hoán cải cuộc đời, hầu đạt được Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận thức được những hồng ân Chúa ban, mà luôn sống thân tình với Chúa, trong khiêm tốn và từ bỏ, để hôm nay chúng con là chứng nhân cho Chúa, và mai sau được ca tụng Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Phục vụ người nghèo

Như chúng ta đã biết: thánh Phanxicô Assisi, sinh trong một gia đình giàu có. Thuở niên thiếu, người là một cậu bé lêu lỏng hoang phí. Thế rồi vào năm 1202, thành phố Assisi và Perugia bỗng trở nên thù địch nhau. Phanxicô gia nhập quân đội Assisi và lên đường chiến đấu. Chàng bị bắt làm tù binh. Sau đó bị xiềng và giam trong hầm ngục dơ bẩn suốt một năm. Khi được trả tự do, phải mất một thời gian dài, sức khoẻ chàng mới được khôi phục. Chính biến cố này đã thay đổi cuộc đời chàng. Chàng dẹp bỏ những bộ quần áo đắt tiền và khoác lên người bộ quần áo công nhân nghèo khổ. Chàng từ giã gia đình để sống đời ẩn sĩ khổ hạnh. Chàng đặc biệt lưu tâm tới những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Sở dĩ tình thương ấy lớn mạnh trong tâm hồn chàng là do mối xúc cảm sâu xa trước hai lời giáo huấn trong Kinh Thánh.

Lời giáo huấn thứ nhất nằm trong sách Sáng Thế Ký, đó là mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh Chúa. Giáo huấn thứ hai nằm trong sách Phúc Âm, đó là sự gì chúng ta làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy. Chàng đã xác tín và thực thi đúng với những lời giáo huấn kể trên. Lần kia, đang lúc đi đường, Phanxicô gặp một người cùi. Mặc dù rất ghê tởm, nhưng Phanxicô xấn tiến lại ôm hôn con người bất hạnh đó.

Hơn thế nữa, chính đoạn Tin Mừng hôm nay, ngài được nghe đọc trong một thánh lễ đã thay đổi toàn bộ nếp sống của ngài. Ngài từ giã nếp sống ẩn sĩ, dùng đức khó nghèo làm hành trang lên đường để rao giảng Tin Mừng. Nếp sống này chẳng bao lâu đã lôi cuốn được nhiều thanh niên. Và những tu sĩ đầu tiên của dòng Phanxicô này ra đi khắp nơi, chăm sóc các bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Họ lấy trời làm nhà và ăn uống bất cứ thứ gì người ta bố thí cho. Đức khó nghèo biến họ trở nên một với những kẻ nghèo khó. Và đó cũng chính là nếp sống mà Chúa Giêsu đã chọn.

Thánh Phanxiô kêu gọi mọi người giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoàn cảnh của mình, và nhường cho kẻ khác trách nhiệm động viên quần chúng và chính quyền tấn công vào cội rễ phát sinh ra sự nghèo khổ. Điều đó dẫn chúng ta đến một kết luận thật quan trọng. Đó là ngày nay hơn bao giờ hết, xã hội đang cần những loại chứng từ phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu, như thánh Phanxicô, như Mẹ Têrêsa…

Phải, thế giới đang rất cần những người biết giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoành cảnh riêng của mình. Lời giáo huấn của Chúa trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay thật rõ ràng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi rao giảng Phúc Âm. Và chúng ta có thể rao giảng Phúc Âm bằng cách biểu lộ tình yêu và sự quan tâm đối với kẻ khác, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau.

Và để kết luận, chúng ta hãy nhớ lại kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Tông đồ

Có một câu chuyện tưởng tượng kể lại:

Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu trở về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ở họ.

Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, khi Ngài về trời, Ngài đã để lại một nhóm tông đồ ít ỏi xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Hơn thế nữa, ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, đức tin của các ông vẫn còn chập chững và chao đảo. Chẳng hạn lần kia Chúa Giêsu gặp gỡ họ trên bờ biển Tibêria, sau khi nghe theo lời Chúa truyền, các ông đã được một mẻ lưới đầy cá. Lên bờ, thấy sẵn có than hồng, với cá đang nướng và bánh. Các ông được Chúa ân cần mời: Hãy ăn đi các con. Tuy nhiên các ông vẫn còn nghi ngờ, chưa nhận ra ngay là Chúa. Và sách Tông Đồ Công Vụ còn cho chúng ta thấy thái độ sợ sệt và khép kín của các ông sau khi Chúa đã về trời. Thế nhưng, chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng hoàn tất chương trình Chúa muốn thực hiện. Đó là chương trình biến trần gian trở thành Nước Trời. Cũng trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta còn thấy được một hình ảnh khác hẳn khi các ông nhận lãnh Chúa Thánh Thần.

Thực vậy, các ông đã can đảm ra khỏi những gian phòng đóng kín, nơi các ông đã từng sợ hãi và trốn tránh, để lên đường rao giảng Tin Mừng Đức Kitô ở khắp mọi nơi, bất chấp mọi cấm đoán, mọi đòn vọt, mọi giam cầm, sẵn sàng chấp nhận cái chết để nêu cao niềm tin. Tất cả các tông đồ, ngoại trừ một mình Gioan, đều đã lấy máu đào để minh chứng lời mình rao giảng.

Nước Trời từ một hạt cải nhỏ bé, đã trở thành một cây to cho chim trời tới đậu. Đã hai mươi thế kỷ trôi qua, có biết bao nhiêu người, thuộc đủ mọi thành phần, mọi sắc dân, đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống.

Và bây giờ đến lượt chúng ta. Đúng thế, có lẽ lúc này Ngài đang nhìn mỗi người chúng ta và đưa ra một câu hỏi để chúng ta có được một thái độ dứt khoát. Câu hỏi ấy như thế này: Còn con, con có muốn trở nên tông đồ, cộng tác với Ta bằng lời nói cũng như bằng chính việc làm và cuộc sống của mình, để đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh hay không? Thế nhưng, trước câu hỏi ấy, chúng ta đã trả lời như thế nào và chúng ta sẽ làm gì để đáp trả tiếng Chúa.

Tông đồ

Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu.

Rồi hôm nay, Ngài đã sai các ông đi để thực tập truyền giáo. Và trước khi các ông lên đường, Ngài đã căn dặn: Đừng mang theo bao bị, đừng mang theo cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc và đừng mặc hai áo, nghĩa là Ngài bảo các ông phải ra đi trong một hoàn cảnh bấp bênh nhất, để tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng, cũng như luôn phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Lầm lỗi nặng nề nhất của người tông đồ hăng say và nhiệt thành, đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Hay như lời thánh Phaolô xác quyết: Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.

Đối với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng sẽ là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình một cách hiệu quả nhất vẫn là đời sống gương mẫu của chúng ta.

Vì thế, sau khi công bố tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con là ánh sáng thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy những công việc của các con mà ngợi khen Cha các con là Đấng ở trên trời.

Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Tuy nhiên, nói tới việc tông đồ, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ bởi vì họ cho rằng đó là bổn phận của giới tu hành, chứ không phải là bổn phận của họ, những người giáo dân sống giữa lòng đời. Đây là một quan niệm sai lạc, bởi vì đã là con cái Giáo Hội, chúng ta đều có bổn phận làm cho Giáo Hội được phát triển, được rộng mở, tùy theo hoàn cảnh và đấng bậc của mình.

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một mẩu chuyện cảm động như sau: Ngày kia có một thiếu phụ cùng tám đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà ta một bao. Bà nhận gạo rồi chia làm hai phần, Mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà trả lời: Tôi dành một phần cho gia đình Hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua, họ không có gì để ăn.

Người nghèo khổ nhất cũng có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc tông đồ, làm sáng danh Chúa bằng chính đời sống của họ.

Hành trang người môn đệ
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?

2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?

3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?

4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?

THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ XỨNG HỢP
(CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 15 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu, biết tránh mọi điều bất xứng,theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình.

Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, chúng ta là con cái luôn được Chúa xót thương nuôi dưỡng, cho dù, ta có bội tín, thất trung với Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển I cho thấy: Vua Akháp vốn chẳng đạo đức gì, lại chịu ảnh hưởng của vợ là bà Ideven thờ tà thần. Ngôn sứ Êlia báo trước cho vua một cơn hạn hán lớn, như hình phạt người có tội và dấu chỉ quyền tối thượng của Thiên Chúa dân Ítraen, nhưng không phải vì vậy, mà Thiên Chúa quên thương xót. Nếu Người thẳng tay trừng trị dân phản bội, thì lòng thương xót của Người vẫn dưỡng nuôi những đứa con hèn mọn nhất của Người. Ông Êlia đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa; rồi ông cầu xin thì trời liền mưa xuống. Ngôn sứ Êlia xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.

Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, chúng ta đã được Chúa thanh tẩy, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Một khi đã được đổi mới nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, anh em biết sống xứng hợp với đời sống của những người đã được thanh tẩy… Xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, buông theo các đam mê của tính xác thịt. Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.

Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ mạng: ra đi loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Amốt nói: Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta. Cũng như, trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 84, vịnh gia cũng đã kêu xin: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Chúa đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Các thần ô uế làm cho con người ra nhơ uế, ngược lại với hoạt động của Thiên Chúa là thanh tẩy làm cho con người trở nên thanh sạch. Xatan là cha của sự dối trá, luôn tìm cách làm cho con người ra tối tăm, lầm lạc, đánh mất niềm hy vọng mà Chúa mang lại cho chúng ta. Chúa dùng các ngôn sứ để giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng chân lý, mà trở về nẻo chính đường ngay. Ước gì ta biết nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa, để ta biết quảng đại đáp lại ân tình của Người bằng cách: xa tránh mọi điều bất xứngtheo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!

 

“Người bắt đầu sai các ông đi”. (Mc 6, 7-13)

Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm B

CN15TNb 2

Mc 6, 7-13
“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
          
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

CHÂN DUNG NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
(Chúa Nhật XV TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thu
ột

Ai là những người được sai đi?
          
Hằng năm cứ vào dịp hè về, các Chủng viện, các Hội Dòng tại Việt Nam thường có những tổ chức cắt cử người thụ huấn đi thực tập mục vụ, truyền giáo, với các văn thư sứ vụ hay còn gọi là “bài sai”. Hình như tâm trạng chung là vừa hí hửng khi được dịp khẳng định mình và vừa hồi hộp không biết mình sẽ đi đâu và làm việc gì. Cần khẳng định rằng không phải chỉ có các linh mục, chủng sinh, thỉnh sinh, tập sinh hay tu sĩ nam nữ mới là những người được sai đi.
          
Những người được sai đi phải là những người được Thiên Chúa chọn gọi. Ngôn sứ Amốt đã trả lời với tư tế Amatgia cách tượng hình rằng: “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật…” (Am 7, 15). Thánh sử Maccô ghi rõ “Khi ấy Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một…” (Mc 6,7). Có thể nói rằng bất cứ ai là Kitô hữu cũng đều được sai đi, đặc biệt khi đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức để sống đời Kitô hữu cách trưởng thành, nghĩa là với sự ý thức, tự giác và tinh thần trách nhiệm. Một người dân quê, chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung như Amốt cũng được sai đi. Tất thảy là vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1, 4).
          
Được sai đi để làm những gì?
          
Chúng ta có thể liệt kê một vài công việc của người được sai đi như sau: Trước hết là nhân danh Chúa truyền đạt ý định của Chúa cho tha nhân. Đây chính sứ vụ làm ngôn sứ mà Cựu ước thường gọi là đi tuyên sấm hay đi nói tiên tri và Tân ước thường gọi là đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Công việc của người được sai đi còn là xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, nghĩa là thi ân giáng phúc cả phần hồn lẫn phần xác cho nhân trần.
          
Một định luật dường như là tất yếu: Không ai có thể trao ban những gì mình không có. Để thực thi những điều, những việc vượt lẽ thường tình, thì những người được sai đi phải có khả năng cách nào đó cũng như phương tiện nào đó. Nhìn vào danh sách của Nhóm Mười Hai thì người ta có quyền nghi ngại về khả năng tự bản thân các ngài. Hơn nữa, khi các ngài được sai đi thì như với hai bàn tay trắng. Không tiền bạc, không lương thực, không bao bị, trên thân chỉ mỗi một manh áo, dưới chân chỉ có đôi dép và chiếc gậy trên tay, thế thì các ngài dựa vào đâu để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, rao giảng tin mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối? Câu trả lời là đây: Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế (6,7).
          
Một nguồn lực để thực thi sứ mạng tông đồ: Có quyền trên các thần ô uế.
          
Có quyền trên một ai đó là ta thực sự làm chủ trên họ, ra lệnh cho họ và họ phải tuân theo. Thử hỏi các thần ô uế là những ai? Nếu cho rằng đó là thần dữ, là ma quỷ thì ít ai dám phản đối. Thế nhưng, người mà thần ô uế đành tuân lệnh thì phải Đấng Thánh của Thiên Chúa (x.Mc 1,23-24). Thần ô uế xét như là thế lực bên ngoài thì chính là ma quỷ. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu đã ban quyền cho các Tông đồ cách nào đó trên thế lực này. Xưa lẫn nay, cũng có nhiều đấng được thông ban ơn trừ quỷ. Tuy nhiên số các vị này rất ít. Thế thì những người khác không có ơn này thì không được sai đi để thi hành sứ vụ tông đồ ư? Dễ dàng trả lời là không phải như thế. Thử hỏi có mấy ai dám to gan cho rằng mình đủ khả năng đương đầu với ma quỷ? Trước kẻ thù bên ngoài như “sư tử gầm thét”, thì chúng ta không dám coi thường (x.1 P 5,8), nhưng chúng ta rất có thể xao lãng kẻ nội thù.
          
Vậy cần phải xem xét thêm một thứ thế lực ô uế bên trong con người chúng ta. Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định những cái bên trong phát xuất ra làm cho người ta ra ô uế đó là “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Có quyền trên các thần ô uế thì cũng có nghĩa là làm chủ các khuynh hướng xấu, các ý định xấu, các việc làm xấu xa ở trên. Một điều chắc chắn rằng để được sai đi và có khả năng thực thi sứ mạng, thì người đựơc sai phải làm chủ một cách nào đó những cái bên trong vốn có thể làm chúng ta ra ô uế.
          
Đó đây có thể thiếu người được sai đi, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì có thể nói vẫn chưa thiếu nếu không muốn nói là còn thừa. Với những người được sai đi thì Thiên Chúa không bao giờ dè sẻn ân ban. Thế nhưng, những người được sai đi có thực thi được sứ mạng hay thực hiện sứ mạng cách tốt, xấu ra sao, thì vẫn còn tùy ở việc họ có làm chủ được các thần ô uế bên trong, nghĩa là làm chủ những xung lực xấu ở bên trong, khả dĩ có thể làm cho họ ra ô uế như thế nào.

MỘT TRUNG TÂM, MỘT KHUÔN MẶT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”.

Một nhóm du khách Công Giáo thăm Trung Đông, họ tìm thăm một nhà ẩn tu đạo hạnh nổi tiếng. Đến nơi, họ phát hiện ông sống trong một túp lều đơn sơ. Tất cả những gì bên trong là một chiếc giường thô sơ, một chiếc ghế, một cái bàn và một chiếc lò cũ kỹ. Họ đã sốc khi thấy vị ẩn tu có ít tài sản đến mức nào. Một số buột miệng hỏi, “Ồ, đồ đạc của ngài đâu?”. Vị ẩn sĩ hỏi lại họ, “Đồ đạc của các bạn đâu?”. Họ lắp bắp, “Tất nhiên là ở nhà. Chúng tôi đang đi du lịch!”; “Tôi cũng vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi cũng vậy!”. Vị ẩn sĩ đang sống nguyên tắc căn bản của Tin Mừng: Kitô hữu phải tập trung tình cảm của mình vào Chúa Kitô, chứ không vào những điều tạm bợ trên trần gian này. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chỉ ra phong cách của người truyền giáo vốn có thể tóm tắt ở hai điểm: sứ mệnh truyền giáo ‘có một trung tâm’, có ‘một khuôn mặt’.

Trước hết, người môn đệ có một trung tâm để quy chiếu là Chúa Giêsu. Trình thuật chỉ ra điều này bằng cách sử dụng một loạt các động từ mà “Chúa Giêsu” làm chủ ngữ: “Ngài gọi nhóm Mười Hai, sai đi”. “Ngài ban quyền” và “Ngài chỉ thị”. Ngài chủ động tất cả để việc ra đi của nhóm Mười Hai hầu như phải toả ra từ ‘một trung tâm’. Điều này chứng tỏ rằng, các tông đồ ‘không có gì’ để công bố, cũng ‘không có khả năng’ để công bố; đúng hơn, họ nói và hành động như những “sứ giả” của chính Ngài.

‘Trung tâm’ này áp dụng không chỉ cho các Linh mục mà còn cho tất cả những ai đã được rửa tội để làm chứng cho Tin Mừng trong nhiều lĩnh vực. Thật vậy, sứ mệnh này chỉ đích thực khi có ‘một trung tâm’ không thay đổi của nó là Chúa Giêsu; vì lẽ, đó không phải là sáng kiến ​​của các cá nhân hay cộng đoàn và thậm chí, của các sự kiện tụ họp lớn. Đó là sứ mệnh của Giáo Hội vốn không thể tách rời khỏi Chúa của mình. Vì thế, không Kitô hữu nào “tự rao giảng”, mà chỉ được sai đi bởi Giáo Hội trong Chúa Kitô.

“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Thứ đến, phong cách của người truyền giáo còn có ‘một khuôn mặt’: nghèo khó! Trang bị của Chúa Giêsu chỉ đáp ứng tối thiểu những gì họ cần, “Chỉ trừ cây gậy!”; “Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo!”. Ngài không muốn chúng ta dựa vào những nỗ lực cá nhân, những công nghệ tiên tiến hay yếu tố nào khác để bảo đảm an toàn hoặc thành công. Ngài là ‘nguồn mọi thành công’ và chỉ có Ngài mới mang lại sự an toàn thực sự trong cuộc đời mỗi người. Ngài bảo các tông đồ đừng mang theo gì trong hành trình rao giảng của mình, ‘ngoại trừ Ngài!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài tự do và không bị cản trở, cũng không vướng bận với bất cứ thứ gì, với bất cứ ai; một chỉ quy về trung tâm - chính Ngài - và tín thác vào tình yêu quan phòng của Đấng sai họ đi, cũng là Đấng củng cố họ bởi Lời của Ngài mà họ loan báo. Trong cuộc sống, chúng ta không thường gặp những đám đông dễ tiếp thu, cởi mở và háo hức muốn nghe về Chúa Kitô. Thành công hay thất bại, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài và nhớ rằng, bạn và tôi được kêu gọi trung thành, không nhất thiết phải thành công theo quan điểm con người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lệch tâm khi không còn lấy Chúa làm trung tâm; đừng để con mang theo gì trong hành trình rao giảng, ngoại trừ một mình Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây