TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 03/07/2024 23:27 |   256
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu... khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,7-8)

11/07/2024
THỨ NĂM TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Thánh Benêđictô, viện phụ

t5 t14 TN

Mt 10,6-15

 
một mệnh lệnh bắt buộc
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu... khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,7-8)

Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không thích cũng chẳng sao. Đang khi ấy, đây là mệnh lệnh bắt buộc. Đức Giê-su như vị chủ tướng truyền lệnh cho binh sĩ trước khi xung trận, như nhà vua truyền lệnh cho quần thần, như thầy giáo ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những mệnh lệnh phải làm và phải làm ngay. Quả thực, mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là lệnh truyền vừa khẩn cấp, vừa bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho các linh mục, tu sĩ, mà quên mất đây là lệnh truyền mỗi người giáo dân.

Mời Bạn sửa đổi lại một cách nhìn của về bổn phận của người Ki-tô hữu: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giê-su mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể. Bạn sẽ nói gì, làm gì để giới thiệu Đức Giê-su cho những người đang sống quanh bạn?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giê-su cho một người bạn chưa biết Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.


Ngày 11: Lạy Chúa! Xin cho chúng con có được cái nhìn của Chúa, cái nhìn hội nhất, nên một, không phân cách, để mọi nghi ngờ của chúng con về sự quan phòng của Chúa sẽ biến mất, những ảo tưởng của chúng con về chính mình sẽ tiêu tan, những ghen ghét hận thù của chúng con với người khác sẽ không còn tồn tại, thay vào đó, là một lòng tin son sắt, không đổi dời, một lòng trông cậy vững vàng, không gì lây chuyển, và một lòng yêu mến thiết tha, không bao giờ đóng lại trước Chúa, trước tha nhân, và trước thiên nhiên vạn vật trong trời đất này. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, chúng tôi tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong đền thánh Chúa. Lạy Chúa, cũng như thánh danh Chúa, lời khen ngợi Chúa sẽ vang  đến tận cùng trái đất; tay hữu Chúa đầy đức công minh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 44, 18-21. 23b-29; 45, 1-5

“Ðể cứu sống anh em mà Thiên Chúa đã sai em xuống Ai-cập trước anh em”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Giuđa lại gần mà nói thật thà với Giuse rằng: “Thưa ngài, xin ngài nghe tôi tớ của ngài nói đôi lời, xin ngài đừng phẫn nộ với tôi tớ của ngài, vì sau vua Pharaon ngài là chủ của tôi. Trước đây ngài đã hỏi các tôi tớ ngài rằng: “Các ngươi còn cha, còn đứa em nào nữa chăng?” Chúng tôi đã trả lời với ngài rằng: Chúng tôi còn cha già, và một đứa em út sinh ra lúc cha chúng tôi đã già. Anh áp út đã chết rồi: mẹ nó chỉ còn lại một mình nó, cha chúng tôi thương nó lắm. Vậy mà ngài đã bảo các tôi tớ ngài: “Hãy đem nó tới đây cho ta xem thấy nó”. Chúng tôi đã thưa với ngài rằng: “Ðứa nhỏ không thể bỏ cha nó được”. Nhưng ngài đã nói dứt khoát với các tôi tớ ngài rằng: “Nếu em út các ngươi không tới với các ngươi, thì các ngươi sẽ không thấy mặt ta nữa”. Vậy khi chúng tôi trở về cùng tôi tớ của ngài là cha chúng tôi, chúng tôi đã thuật lại hết mọi điều ngài đã nói. Cha chúng tôi bảo rằng: “Các con hãy trở lại mua thêm ít lúa thóc nữa”. Chúng tôi trả lời với người rằng: “Chúng con không thể đi được. Nếu em út đi với chúng con, thì chúng con cùng đi chung với nhau. Nếu em út không đi với chúng con, thì chúng con không dám đến trước mặt người”. Cha chúng tôi nói: “Các con biết rằng bạn ta chỉ sinh ra cho ta hai đứa con trai, một đứa đã ra đi và các con đã nói nó phải thú dữ ăn thịt, và cho đến nay chưa thấy nó trở về; các con lại đem thằng này đi nữa, nếu dọc đường có gì rủi ro xảy đến cho nó, thì các con đưa cha già đầu bạc sầu não này xuống suối vàng cho rồi”.

Khi ấy Giuse không thể cầm lòng nổi trước mặt mọi người đang đứng đấy, nên truyền cho mọi người ra ngoài, và không còn người nào khác ở đó lúc ông tỏ cho anh em biết mình, ông khóc lớn tiếng: những người Ai-cập và cả nhà vua đều nghe biết. Giuse nói với các anh em rằng: “Tôi là Giuse đây, cha còn sống không?” Các anh em sợ hãi quá nên không dám trả lời. Giuse nói với anh em cách nhân từ rằng: “Hãy đến gần tôi”. Khi họ đến gần, ông lại nói: “Tôi là Giuse em các anh mà các anh đã bán sang Ai-cập. Các anh chớ khiếp sợ, và đừng ân hận vì đã bán tôi sang đất này, vì chưng để cứu sống các anh em mà Thiên Chúa đã sai tôi sang Ai-cập trước anh em”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21

Ðáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm 

Xướng: Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ. 

Xướng: Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho người.

Xướng: Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9

“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 7-15

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa dùng của lễ chúng con dâng tiến để thanh tẩy và hướng dẫn chúng con, cho chúng con ngày càng biết sống chân tình với Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; Phúc cho ai tìm nương tựa ở nơi Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ mang đỡ bổ sức cho các ngươi”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa chúng con vừa lãnh nhận hồng ân cao cả; xin cho chúng con được hưởng ơn cứu độ dồi dào và không ngừng chúc tụng tạ ơn Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LÃNH NHẬN VÀ CHO ĐI
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. (Mt 10, 8)

Có lẽ các môn đệ là những người cảm nhận cách sâu sắc nhất về câu nói này của Chúa Giê-su. Từ chốn trời cao, Chúa đã đến ở giữa các ông, cho các ông cơ hội tiếp xúc và lắng nghe lời giảng dạy của Người. Còn các ông, từ những con người hèn kém và đầy yếu đuối, nhưng giờ đây các ông đã được Chúa chọn để đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người khác. Các ông đã được biết Chúa, được nhận ơn huệ của Người và các ông có trách nhiệm mang Chúa đến cho anh chị em.

Anh chị em thân mến, mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa cho không và chúng ta cũng hãy cho không như vậy. “Cho không” không có nghĩa là thứ được cho không có giá trị gì nhưng bởi vì thứ đó có quá trị quá lớn, không thể định giá được. Ai có thể trả hết được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Mỗi chúng ta khi sinh ra cũng chỉ là một đứa trẻ trần trụi, không có gì, nhưng đến giây phút hiện tại này, chúng ta tự hỏi chính mình về nhiều điều mà chúng ta đang sở hữu. Thời gian trôi đi, con người càng lớn dần lại càng cảm thấy Chúa đã ban cho quá nhiều ân huệ: như trong công việc, trong gia đình, con cái… Nhiều người đã thầm cảm tạ Chúa vì họ đã nhận được điều mà họ mong muốn. Và nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn nữa, thì được sinh ra trên cõi đời này là một ân huệ lớn lao. Không ai trong chúng ta dám khẳng định là tôi có quyền được sinh ra và sống cả. Một hồng ân cao cả hơn là mỗi chúng ta được Chúa yêu thương và cho chúng ta trở thành con cái của Ngài qua bí tích Rửa tội. Con Một Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô đã chết vì tội của chúng ta để cho chúng ta được sống. Như thế, nếu chúng ta suy gẫm và nhìn lại cuộc đời đã qua, chúng ta đã nhận được quá nhiều từ Thiên Chúa.

Cảm nhận được điều trên, chúng ta hãy cho không đối với người khác. Hãy mang Chúa đến với tất cả mọi người, cách đặc biệt là những anh chị em xung quanh, để họ cũng cảm nhận được tình yêu và bình an của Ngài.

 

CHÚA HUẤN DỤ CÁC TÔNG ĐỒ (Mt 10, 7-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi gọi 12 Tông đồ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giê-su huấn dụ các Tông đồ nhiều điều khi sai các ông đi thực tập truyền giáo.

Trong huấn dụ truyền giáo, Chúa Giê-su dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo thì “đừng mang gì cả”. Người tông đồ của Chúa không được lệ thuộc vào vật chất nhưng cần nhẹ nhàng thanh thoát như một người lữ hành. Hơn nữa, một người loan báo Tin Mừng phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa quan phòng.

2. Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt họa lên chân dung của một vị Tông đồ của Chúa Giê-su trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng: mang sứ điệp Nước Trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Vậy Chúa Giê-su sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo tới nơi nào? Dặn dò các ông mang những gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Phải có thái độ nào khi người ta tiếp đón hay hay không tiếp đón, thậm chí còn bị người ta xua đuổi… Đó là những điều chúng ta cần tìm hiểu trong bài này.

3. Trước hết, Chúa bảo các ông phải rao giảng Nước Trời. Đó là nội dung sứ điệp các ông phải giảng dạy. Nước Trời đã được Ngài loan báo và thiết lập, nghĩa là với sự xuất hiện của Ngài, Nước Trời không còn xa xôi, cũng không còn là lời hứa, nhưng đã hình thành trong thời gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước Trời ở trần gian.

Tiếp đến là khi đi truyền giáo, Chúa bảo các ông phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nghĩa là người môn đệ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, của cải vật chất, phải thoát ly ra ngoài vòng kiểm tỏa của tiền bạc…

Sau cùng, Chúa cho các ông biết: công việc rao giảng của các ông không dễ dàng, có người chấp nhận, có người không. Vậy các ông phải có thái độ thế nào? Gặp được nhà nào tốt lành chính đáng, niềm nở đón tiếp, thì ở lại đó  cho tới lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách…

4. Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy một điểm khó hiểu đến phi lý, đó là Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi vào một nơi vô định với hai bàn tay trắng, ngay cả một chút tiền túi cũng không, tất cả đều nằm trong chờ đợi. Thật là nghịch lý và khó hiểu, nhưng đó lại là điều Chúa muốn nơi các môn đệ: Ngài muốn cho họ sống nghèo khó để rồi khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực. Người môn đệ nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giàu hoặc không được phép hưởng dùng của cải. Nhưng trong sự nghèo khó, họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của giàu có và cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó họ sẽ an tâm dồn nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng cứu rỗi (Mỗi ngày một tin vui).

5. Hôm ấy là lễ thánh Têrêsa Avila, dòng kín Carmêlô tại Lisieux mở cửa cho giáo dân và du khách viếng thăm. Có một người du khách không hiểu lý do đời sống khắc khổ của các nữ tu đã thầm nghĩ: chỉ có những người không đủ ăn đủ mặc mới dấn thân vào đây. Gặp một nữ tu tại hành lang, ông nói: “Này chị, giả như chị có tòa nhà sang trọng như tòa nhà ở ngoài cổng đối diện với nhà Dòng, chị có thể hy sinh chôn mình trong bốn bức tường Dòng Kín này không”? Chị nữ tu mỉm cười trả lời: “Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi”. Quả thật, đó là nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng mà người du khách hiếu kỳ vừa chất vấn.

6. Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước Trời, tức là rao giảng về Chúa Giê-su, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.

7.  Truyện: Nhạc sĩ phó tế Vũ Thành An.

Mới đây, với chủ đề nhạc thính phòng, trung tâm ca nhạc Thúy Nga có trụ sở tại Paris đã giới thiệu một số nhạc sĩ quen thuộc, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An được chú ý tới một cách đặc biệt. Người ta chú ý đến người nhạc sĩ này không phải vì những bài ca không tên bất hủ của ông hồi năm 1975  mà vì cuộc hành trình đức tin mà ông đã chia sẻ trong cuốn băng.

Như một linh mục đứng trên bục giảng trong nhà thờ, nhạc sĩ Vũ Thánh An cho biết ông đã gặp gỡ Chúa Ki-tô. Với tất cả niềm vui và xác tín của mình, ông đã kể lại cho mọi người nghe tại sao ông đã trở lại với đức tin Công giáo? Tại sao ông đã chuyển hướng để chỉ sáng tác thánh ca và hiện đang chuẩn bị để phục vụ Giáo hội trong chức phó tế vĩnh viễn.

Với những khán thính giả ngoài Kitô giáo, những điều chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Thành An hẳn là một trong những bài giảng hay nhất và có sức thuyết phục nhất. Dù có dửng dưng và lạnh lùng đến đâu có lẽ không ai mà không bị đánh động bởi cung cách tuyên xưng và rao giảng Tin Mừng một cách vô cùng đơn sơ và cũng vô cùng can đảm của người nhạc sĩ này.

Truyền giáo là chia sẻ niềm tin mà mình đã và đang sống một cách xác tín và triệt để. Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực thi đúng mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay: Các con đã nhận lãnh nhưng không, các con cũng hãy cho nhưng không”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Benêđictô, viện phụ

Ca nhập lễ

Đây là các vị thánh đã được ơn chúc phúc của Chúa, và được Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ thương xót, vì đây là dòng dõi những người tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đặt thánh viện phụ Biển Đức làm tôn sư lỗi lạc để dạy những ai muốn hiến thân phục vụ Chúa. Xin cho chúng con hằng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để tâm hồn được thảnh thơi rảo bước trên con đường theo Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương nhận của lễ chúng con dâng trong ngày lễ kính thánh Biển Đức. Xin cho chúng con dõi theo gương người để chỉ tìm kiếm và phụng sự một mình Chúa mà thôi, nhờ vậy chúng con sẽ được sống bình an và hiệp nhất. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc cho người trông cậy vào Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Con Một Chúa là bảo chứng cuộc sống muôn đời. Xin cho chúng con biết theo lời thánh Biển Đức chỉ dạy là trung thành thờ phượng Chúa và hết tình yêu mến anh em. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Grêgoriô Cả trong cuốn Đối thoại của mình, khi kể về tiểu sử và phép lạ của Viện Phụ Biển Đức khả kính, không nhắc tới ngày qua đời của Người tại núi Cassin, vào khoảng năm 547, sau khi đến sống ở đây từ năm 529. Lễ kính được cử hành theo ngày mà bản phụng vụ cổ nhất các nước francs ghi lại, ngày 11 tháng Bảy. Ngày này trùng ngày hài cốt của Người có thể đã được chuyển từ núi Cassin về Flenry trên bờ sông Loire vào năm 703 như lời một tác giả vô danh thế kỷ VIII ghi lại. Tuy nhiên, các tu sĩ Núi Cassin, những người vẫn còn giữ di hài được coi là của Thánh Biển Đức thì vẫn không đồng ý với truyền thuyết đó.

Ngày 11 tháng Bảy đã thế chỗ cho ngày chết của Người, vì theo niên biển của núi Cassin, ngày đó chính là 21 tháng Ba.

Biển Đức (theo tiếng Latinh là Benedictus có nghĩa là được chúc phúc), sinh tại Norcia (Ombrie), vào khoảng năm 480, trong một gia đình La Mã dòng họAnicia, bảy mươi năm sau khi quân đội Wisigotho của Alaric vây hãm thành và bốn năm trước Odoacre, vua người Hérules, hạ bệ vị hoàng đế La Mã cuối cùng và chứng kiến sự xuống dốc của nền văn minh phương Tây do làn sóng tràn ngập của các dân man di, đặc biệt của người Goths do Totila lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, Biển Đức, sau thời gian theo học tại Roma, muốn rút lui khỏi thế gian. Biển Đức thử nghiệm nhiều hình thức tu dòng khác nhau sau khi đã từng ẩn tu trong một hang núi gần Subiaco miền Latium ba năm: ban đầu Ngài sống cuộc đời bán-đơn tu tại Effide (nay là Affile), sau sống độc tu gần Aniene, nơi đây chỉ có một tu sĩ tên là Romain biết Ngài và mang thức ăn cho Ngài. Tuy nhiên những người chăn cừu cũng đã biết và họ đã thường lui tới với Người. Sau này, Biển Đức trở thành bề trên một tu viện gần đấy theo yêu cầu của các tu sĩ sống tại đây. Thế nhưng vì không đồng tình với kỷ luật cải cách của thánh nhân, một số tu sĩ tìm cách đầu độc Ngài. Biển Đức bỏ đi, đến sống ở Subiaco như một tu sĩ cộng đoàn và đã thành lập mười hai tu viện nhỏ cho các tu sĩ dưới quyền. Ngài rời Subiaco đến sống ở núi Cassin khoảng năm 529.

Thánh Grêgoriô Cả viết tiểu sử Thánh Biển Đức thành ba mươi tám chương theo văn phong khoa trương thời đại, kể lại ba mươi bảy năm của thánh nhân ở Norcia. Tác giả trình bày cho chúng ta một Biển Đức chọn câu “Ora et labora“(cầu nguyện và lao động) làm châm ngôn sống, lấy chiếc cày và thập giá làm biểu tượng. Thánh Biển Đức là người bảo vệ nền văn minh phương Tây bằng cách đối đầu với vua Totila người Ostrogoths. Khi sắp qua đời, Ngài yêu cầu được đưa tới nhà nguyện, nơi đây “đứng lên, hai tay hướng về trời, ngài cầu nguyện và trút hơi thở cuối cùng”. (Grêgoriô Cả, Tiểu sử …37, 3).

Thông điệp và tính thời sự

Các kinh cầu nguyện trong Thánh Lễ hôm nay rút từ bản Qui luật của Thánh Biển Đức, tất cả đều nhắc tới giáo huấn của vị thầy cao cả trên đường tu đức này, người đã từ bỏ việc học hành sách vở, bỏ gia đình và tài sản thân phụ để lại, chỉ để làm vui lòng Chúa.

Lời nguyện của ngày nhắc tới bản Qui luật (lời nói đầu 45 và 49): “Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Thánh Biển Đức trở thành nhà hướng dẫn cho những ai đang học cách phụng sự Ngài, chúng con xin Chúa đừng để chúng con coi trọng điều gì hơn tình yêu Chúa và chúng con sẽ được tiến bước trên con đường các giới răn của Ngài với tâm hồn không gì vướng bận”. Qui luật của Thánh Biển Đức dung hòa kinh nghiệm tu đức của Thánh Basile với sự khôn ngoan của người Roma và sự kín đáo Phúc Âm “ngu dốt một các sáng suốt”, hầu biến nó trở nên bản hiến chương cho cái thành trì mới tức là tu viện này. Tại đây, viện phụ là hiện thân cho quyền cha của Thiên Chúa trong một thế giới được xây dựng trong an bình nhờ các sợi dây nối kết của tình ái Đức Kitô. Chúng ta có thể đọc thấy tinh thần Qui luật trong Phụng vụ Bài đọc: “Họ sẽ tuyệt đối không ưa chuộng gì hơn Đức Kitô”. Qui tắc này không phải chỉ dành cho các tu sĩ, nhưng liên hệ mọi tín hữu, vì mỗi người ai cũng có thể noi gương Thánh Biển Đức “nhanh nhẩu bước đi trên những nẻo đường Phúc Âm, trong sự êm ái của tình yêu và con tim không hề vướng bận” (xem Đáp ca của Phụng vụ Bài đọc). Lời nguyện sau hiệp lễ nhắc tới một khía cạnh khác của tinh thần Biển Đức (xem Qui luật, 72): “Ước gì chúng con có thể vâng theo lời giáo huấn của Thánh Biển Đức, biết trung thành phụng sự Chúa trong việc cầu nguyện và bác ái với anh em”. Các khu vực thuộc dòng Biển Đức luôn tìm cách lan tỏa tình bác ái huynh đệ ra chung quanh bằng việc giúp con người tự hoàn thiện nhờ lao động (kể cả lao động chân tay) và lòng hiếu khách. Lời nguyện trên lễ vật (lấy tư tưởng từ Tông Hiến của Đức Phaolô VI khi công bố Thánh Biển Đức làm bổn mạng Châu Âu) thì cầu xin “ơn hiệp nhất và an bình”. Roma được hưởng một giai đoạn an bình với Théodoric và Cassiodore cho đến năm 526. Chiến thắng của Kitô giáo Roma đối với làn sóng man di đứng đầu là Totila trở thành biểu tượng của sự hiệp nhất tan rã nay đã tìm lại được. Việc tìm lại các giá trị nhân bản và giá trị của Kitô giáo đã cứu vãn nền văn hóa Châu Âu, trong khi hoàng đế Justinien cùng với những cuộc chiến chinh dữ dội và bất tận của ông cũng như nghị sĩ Cassiodore đã thất bại. Cassiodore vẫn sống trong ảo tưởng rằng nền văn hóa La Mã cũng như nền triết học của nó sẽ muôn đời vĩnh tồn.

Một ca vãn của Pierre le Vénérable viện phụ Cluny viết rằng: Thánh Biển Đức đã dạy “muôn dân biết phục tùng luật lệ và các ước nguyện của Đức Kitô”. Tinh thần qui hướng vào Đức Ki-tô của Thánh Biển Đức vốn cũng là một thứ nhân bản đích thực đã dung hoà tính siêu việt của lời cầu nguyện (ora) với việc làm của con người (labora), vì như Thánh Grêgoriô viết: Thánh Biển Đức “nhờ biết cân nhắc mọi sự cách chín chắn, đã nắm được đầy đủ tinh thần tất cả những người ngay lành”. (Tiểu sử… II, 8, 9).

Enzo Lodi

YÊU MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ
(LỄ THÁNH BIỂN ĐỨC 11/07)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Biển Đức hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã đặt thánh Biển Đức làm tôn sư lỗi lạc, dạy những ai muốn hiến thân phục vụ Chúa, xin Chúa cho chúng ta: hằng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để tâm hồn được thảnh thơi mà rảo bước trên con đường theo Chúa. Chào đời quãng năm 480 tại Noócxia, sau một thời gian theo học ở Rôma, Biển Đức rút lui vào một hang ở Xubiacô và bắt đầu sống đời ẩn sĩ, chiêu mộ các đồ đệ rồi chuyển đến Montê Cátxinô. Tại đây, người lập một đan viện thời danh, chính người soạn Tu Luật cho đan viện. Sau này Tu Luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”. Người qua đời ngày 21 tháng 03 năm 547. Từ cuối thế kỷ VIII, người đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 07. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra tông thư “Sứ giả hoà bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, là cách thờ phượng đích thực mà Chúa ưa thích, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Sử Biên Niên quyển I cho thấy: Sự thánh thiện của Đavít sáng ngời đến độ truyền thống đã xem ông như người khai sinh các cơ cấu tôn giáo, chỉ đứng sau ông Môsê: Nếu vua Đavít không được vinh dự xây Đền Thánh, thì điều ông làm còn cao quý hơn nữa: ông dạy ta yêu mến Chúa hết sức hết lòng, và trong mọi hoàn cảnh. Đó là cách thờ phượng đích thực mà Thiên Chúa ưa thích. Giờ đây, hãy hết lòng hết dạ tìm kiếm Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi. Đứng lên đi, xây thánh điện của Đức Chúa là Thiên Chúa, nào ta tiến vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng.

Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, là tuyệt đối không quý gì hơn Đức Kitô và thập giá của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Biển Đức nói: Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô, Đấng muốn dẫn đưa chúng ta đến hưởng sự sống đời đời… Giã từ cha, không màng chi gia sản, chỉ ôm ấp trong lòng một nỗi đam mê là làm vui lòng Chúa, Biển Đức dấn thân vào cuộc đời chiêm niệm. Người rút lui khỏi thế giới loài người, giàu sang danh vọng không ham, mánh khoé mưu mô chẳng thiết. Trong nơi thanh vắng, người sống dưới cái nhìn của Đấng thấu suốt những gì bí ẩn.

Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, là từ bỏ mọi ngẫu tượng, quay về tìm nương ẩn nơi một mình Thiên Chúa mà thôi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa: Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 79, vịnh gia cũng đã kêu xin: Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. Lạy Mục Tử nhà Ítraen, Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hốitin vào Tin Mừng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Cuộc đời của chúng ta là một cuộc hành trình bước theo Chúa, để được sống đời đời. Để có thể thong dong tiến bước theo Chúa, chúng ta phải vứt bỏ những gì làm cản trở bước tiến của chúng ta. Đã bao phen, chúng ta lầm đường lạc lối, hãy sám hối quay về với Chúa, đặt hết lòng tin tưởng nơi Người, đặt Chúa làm ưu tiên số một trong những lựa chọn của chúng ta, hầu, chúng ta có thể dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi. Ước gì ta biết bắt chước thánh Biển Đức: yêu mến Chúa trên hết mọi sự, tuyệt đối không quý gì hơn Đức Kitô, để tâm hồn ta được thảnh thơi mà rảo bước trên con đường theo Chúa. Ước gì được như thế!

VÔ GIÁ MÀ CHO KHÔNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các con đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”.

“Chúng ta không trả gì cho tình yêu của Chúa Cha, không trả gì cho sự cứu chuộc của Chúa Con, không trả gì cho bảy nguồn ân huệ của Chúa Thánh Thần; và cũng không trả gì cho sự yên nghỉ hạnh phúc đời đời của mình! Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ đến những gì chúng ta hưởng và những gì chúng ta đáng chịu. Hãy gắn trên cửa địa ngục tấm bảng “Đáng Chịu”, trên cửa thiên đàng tấm bảng “Cho Không!”. Những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta là vô giá mà cho không!” - Richard Baxter.

Kính thưa Anh Chị em,

“Những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta là vô giá mà cho không!”. Lời Chúa hôm nay đặt ra câu hỏi, chỉ riêng Tin Mừng, giá phải trả của nó là bao nhiêu? Thật thú vị, không chỉ một mà là hai: giá ‘mua’, giá ‘bán!’. Phải ‘tốn’ bao nhiêu để ‘mua hay nhận’ Tin Mừng? Và phải ‘tính’ bao nhiêu để ‘bán hay trao tặng’ nó? Kết quả là một câu trả lời kép, nó ‘vô giá mà cho không’ nên liệu đó mà ‘mua’, liệu đó mà ‘bán!’.

Tin Mừng - Lời Thiên Chúa - không bao giờ được thanh toán bằng tiền hoặc hiện vật. Nó vô giá! Chúa Giêsu nói, “Các con đã được cho không”, nghĩa là để có nó, bạn không phải trả bất cứ một thứ gì. Lời vô giá đó xem ra cũng đã từng được tặng không cho Israel. Qua Hôsê, Thiên Chúa nói với họ những lời không thể ngọt ngào hơn, “Khi Israel còn non trẻ, Ta đã yêu nó; từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta về”; “Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó”; “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Israel không trả gì cả, tuyệt đối không, khi được chọn làm dân riêng của Ngài!

“Thì cũng phải cho không như vậy!”. Chúng ta không có quyền tính phí hoặc mong đợi bất cứ điều gì để cho đi một cái gì đó mà chúng ta không sở hữu. Sứ điệp cứu rỗi của Phúc Âm thuộc về Chúa Kitô; Ngài đến thế gian, tự do trao tặng nó miễn phí cho mọi người! Chúng ta cũng phải tặng miễn phí Tin Mừng cho người khác; hành động tặng trao này hàm chứa một đòi hỏi âm thầm, thúc giục hiến dâng chính mình. Vậy đâu là lời biện minh cho việc tự do ‘tặng trao’ này? Lý do chỉ vì chúng ta hưởng nhận từ Thiên Chúa tình yêu đời đời của Ngài, một tình yêu ‘vô giá mà cho không!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Phải cho không như vậy!”. Tại sao? Bởi lẽ, Tin Mừng không là gì khác ngoài một Con Người, Đức Giêsu Kitô! Ngài đến giữa chúng ta, trong chúng ta, cách nhưng không; thì đến lượt, chúng ta cũng phải trở thành món quà ‘cho không’ đối với người khác! Mọi sự bạn và tôi có, ơn tự nhiên, ơn siêu nhiên; từ đôi môi biết nói, đôi tai biết nghe; từ hơi thở tự nhiên, siêu nhiên; từ sự sống thể xác, tinh thần; từ những gì thấy được đến những gì vô hình; thời gian, không gian… mọi sự đều được ‘cho không’. Đó là “tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, sự cứu chuộc của Chúa Con, bảy nguồn ân huệ của Chúa Thánh Thần”. Nếu cảm nhận sâu sắc ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta hẳn đã thay đổi cách sống! Hôm nay, hãy bắt đầu lại với những gì nhỏ nhất, một nụ cười, một sự hiện diện cảm thông, một ánh mắt nhân từ, một lời nói yêu thương… và nhất định thế giới sẽ đổi thay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những gì con hưởng, Chúa ‘cho không’; những gì con đáng chịu, Chúa ‘rước lấy’. Xin dạy con luôn sống trong tâm tình sám hối và tạ ơn!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây