TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/07/2024 14:01 |   219
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,32-38)

09/07/2024
THỨ BA TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Thánh Augustinô Zhao Rong, linh mục, và các bạn tử đạo

t3 t14 TN

Mt 9,32-38

 
 

giáo dục cái tâm
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng. (Mt 9,32-36)

Suy niệm: “Sẽ là sỉ nhục tôi, nếu hỏi tôi định giá Viện Tim là bao nhiêu.” Vâng, chỉ một câu nói thôi, nhưng đã gói ghém cả tấm lòng, tình thương, và trách nhiệm của bác sĩ A. Carpentier, người đã sáng lập Viện Tim ở Sài Gòn. Cũng vậy, chỉ một câu Tin Mừng ngắn gọn (9,36), Mát-thêu đã diễn tả trọn vẹn tấm lòng, tâm tình, và trách nhiệm của Đức Giê-su với đám đông vô danh. Trước tình cảnh cùng khốn của dân chúng, trái tim Ngài thổn thức, xúc động mãnh liệt; lòng trắc ẩn thương cảm sâu đến tận đáy lòng. Đám đông lầm than vất vưởng vì bị hướng dẫn do những nhà lãnh đạo tôn giáo vô tâm, bị cai trị do những quan chức tham lam, tàn bạo. Đó cũng là tình cảnh của đám đông dân chúng ngày nay tại nhiều nơi.

Mời Bạn: Mọi điều đáng tiếc và đáng sợ nơi con người và xã hội thời nay đều phát xuất từ tình trạng thiếu tình yêu hay yêu không đúng đắn. Do đó, liệu pháp cần thiết là giáo dục trái tim hay cái tâm của con người (ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI). Mời bạn chú tâm giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa qua tâm tình chạnh lòng thương trước nỗi khổ của người khác.

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm những việc cụ thể nào để giảm nhẹ đau khổ của đám đông dân chúng hiện nay?

Sống Lời Chúa: Tập chạnh lòng thương qua việc không bằng lòng khi mình sở hữu quá nhiều, đang khi người chung quanh quá thiếu thốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chạnh lòng thương truớc nỗi khổ của chúng con. Xin cho chúng con biết giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa hơn. Amen.

Ngày 9: Lạy Chúa! Khi chúng con gặp những nghịch cảnh đau buồn, chắc chắn, những điều này không thể làm chúng con vui được. Tuy nhiên, chúng con vẫn “có thể” có được niềm an bình sâu sắc. Có thể có nước mắt và buồn đau, nhưng, nếu chúng con từ bỏ sự kháng cự: chống lại ý Chúa, thì đằng sau những giọt nước mắt và buồn đau đó, chúng con sẽ cảm thấy một niềm an bình sâu sắc, tĩnh lặng, một sự có mặt tròn đầy, thiêng liêng, huyền diệu đầy an ủi của Chúa. Niềm an ủi thiêng liêng này không ai có thể cướp mất được, và cũng không ai có thể ban tặng cho, ngoài một mình Chúa mà thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 32, 22-32 (Gr 23-33)

“Tên ông sẽ được gọi là Israel, vì ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: “Hãy buông ta ra, vì đã hừng đông rồi”. Ông trả lời: “Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi”. Vậy người ấy hỏi: “Ông tên gì?” Ông trả lời: “Tôi tên là Giacóp”. Người ấy lại nói: “Tên ông sẽ không còn gọi là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người”. Giacóp hỏi người ấy: “Xin ông cho tôi biết ông tên gì?” Người ấy đáp: “Tại sao ông lại hỏi tên ta?” Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: “Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng sống tôi vẫn an toàn”.

Khi ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7. 8b và15

Ðáp: Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan 

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành! 

Xướng: Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. 

Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. 

Xướng:  Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 8, 4-7. 11-13

“Chúng gieo gió thì sẽ gặt bão”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: “Chúng cai trị chớ không phải Ta. Chúng đã làm thủ lãnh, và Ta không nhận biết. Chúng đã lấy vàng bạc mà đúc tượng thần, để Ta tàn phá đi.

“Hỡi Samaria, hãy ném con bê của ngươi đi. Ta đã nổi giận chúng. Chúng không thể thanh tẩy mình đến bao giờ? Con bê này bởi Israel mà ra, người thợ đúc đã làm ra nó, nó đâu phải là thần. Con bê của Samaria sẽ giống như con nhện. Chúng gieo gió thì sẽ gặt bão: lúa mì của chúng chẳng đâm bông, mà nếu có bông cũng chẳng có hạt, và nếu có được hạt, thì người ngoại bang cũng sẽ nuốt hết.

“Ephraim làm thêm bàn thờ để phạm tội, những bàn thờ này đã nên dịp tội cho nó. Vì Ta viết cho nó muôn ngàn lề luật, và nó coi như không can gì đến nó. Chúng sẽ dâng của lễ, sẽ hiến tế thịt thà, chúng cứ việc ăn, Chúa không chấp nhận đâu. Chúa sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng và sẽ phạt tội chúng: chúng sẽ hướng về Ai-cập”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 113B, 3-4. 5-6. 7-8. 9-10

Ðáp: Nhà Israel! cậy tin vào Chúa (c. 9a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Thiên Chúa chúng ta ngự trên trời, phàm điều chi Người ưng ý, Người đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay người tác tạo.

Xướng: Chúng có miệng mà không nói năng; chúng có mắt mà không nhìn thấy; chúng có tai mà chẳng khá nghe; chúng có mũi mà không biết ngửi.

Xướng: Chúng có tay mà không sờ mó; chúng có chân mà chẳng bước đi. Sẽ nên giống y như chúng, bao nhiêu kẻ làm ra và cậy tin vào chúng.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 32-38

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương nhận của lễ chúng con dâng trong ngày lễ kính thánh Biển-đức. Xin cho chúng con dõi theo gương người để chỉ tìm kiếm và phụng sự một mình Chúa mà thôi, nhờ vậy chúng con sẽ được sống bình an và hiệp nhất. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc cho người trông cậy vào Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Con Một Chúa là bảo chứng cuộc sống muôn đời. Xin cho chúng con biết theo lời thánh Biển-đức chỉ dạy là trung thành thờ phượng Chúa và hết tình yêu mến anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHỮA NGƯỜI CÂM BỊ QUỈ ÁM (Mt 9,32-38).

1. Người ta đem đến cho Chúa Giê-su một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ… Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.

2. Mở đầu Tin Mừng là câu chuyện Chúa Giê-su trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giê-su, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giê-su, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin Mừng phải được loan báo cho muôn dân.

3. Sự ghen tị của người biệt phái.

Trong ý thức hệ của người Do-thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không phải hòa đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giê-su nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thỏa hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giê-su, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.

4. “Lúa chìn đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Chúa Giê-su chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giê-su yêu cầu là cầu nguyện: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Chúa Giê-su sai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.

5. “Chúa Giê-su chạnh lòng thương”.

Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giàu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những La-da-rô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.

Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Ki-tô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giê-su tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giê-su đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không?

Có lần Mẹ Tê-rê-sa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: ”Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng  cho Tình Yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.

Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giê-su, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.

6. Truyện: Người hành khất bất đắc dĩ.

Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thật. Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường ngỡ ông là người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo hèn ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

HÃY TIN CẬY CHÚA
(THỨ BA TUẦN 14 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 14 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.
 
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải hạ mình xuống như Chúa: yêu thương cả những người chống đối, làm hại mình, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển II cho thấy: Bị chính con ruột mình là Ápsalom chống lại, vua Đavít chỉ quan tâm có một điều là liệu con mình có được an lành chăng. Hay tin con bỏ mạng, vua đã khóc lóc kêu la thảm thiết… Giả như tên địch thù phỉ báng, thì cha cũng cam lòng; nhưng đây lại là con, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với cha, đã cùng cha chia ngọt sẻ bùi, mà nay cũng giơ gót đạp cha.
 
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải yêu thương hết mọi người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Hãy sống bác ái không phải chỉ giữa anh em với nhau, mà còn với những người ngoài. Đó là những người ngoại giáo chưa tin vào Đức Kitô, hoặc là những người đã phân ly khỏi chúng ta… Hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.
 
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải loại bỏ các ngẫu tượng, chỉ tin cậy vào một mình Chúa mà thôi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê cho thấy: Ítraen là cây lúa không làm đòng, là hạt lúa lép không có bột, nhưng giả như có bột, thì ngoại bang cũng sẽ nuốt hết. Khi Épraim đua nhau dựng bàn thờ, thì các bàn thờ ấy chỉ làm cho chúng phạm tội thêm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 113B, vịnh gia cũng cùng tâm tình này khi kêu gọi: Nhà Ítraen, hãy tin cậy Chúa, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che. Nhà Aharon, hãy tin cậy Chúa, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Người nói: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Chúa là Mục Tử nhân lành, ấy thế mà, Chúa bị gán cho tội: dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Chúa biết từng con chiên và chạnh lòng thương đàn chiên lầm than vất vưởng không người chăn dắt. Chúa muốn mời gọi chúng ta tham gia vào sứ mạng của Chúa, để yêu thương chăm sóc hết mọi người, kể cả, những người đã, đang tìm cách bách hại, chống đối chúng ta. Để thi hành sứ mạng của Chúa, điều kiện tiên quyết là phải tin cậy Chúa, tránh xa các ngẫu tượng, những thứ thần không cứu được ai. Chúa đã hạ mình xuống, để nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, để chúng ta được hưởng phúc trường sinh. Ước gì chúng ta luôn biết đặt hết niềm tin tưởng, cậy trông vào Chúa: chấp nhận bị hiểu lầm, bị thua thiệt, để yêu thương, ngay cả những người thù ghét chúng ta; chấp nhận bị bách hại, bị bắt bớ, bị loại trừ, để thi hành sứ mạng chăm sóc, dẫn đưa thật nhiều người về với Chúa. Ước gì chúng ta biết chạnh lòng thương như Chúa, khao khát cho mình và cho mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!

MẮT CỦA NIỀM TIN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng!”.

“Niềm tin như một radar nhìn xuyên sương mù. Niềm tin nhỏ đưa linh hồn bạn lên tận thiên đàng, niềm tin lớn kéo tận linh hồn bạn cả một thiên đàng! Nếu chúng ta có thể nhìn thấy mọi sự bằng mắt của niềm tin, bạn và tôi đã nên thánh từ lâu!” - Corrie Ten Boom.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu có thể nhìn thấy mọi sự bằng ‘mắt của niềm tin’, chúng ta đã làm bao việc lạ lùng cho thế giới, cho anh chị em mình! Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi mở lòng mình ra để thấy những gì Chúa Giêsu thấy hầu làm những gì Ngài mong chúng ta làm.

“Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. Ơ hay! Ngài không chỉ thấy bằng mắt, nhưng còn thấy bằng tim! Cũng thế, với đôi mắt và trái tim của Ngài, các môn đệ mọi thời đã đem về cho Chúa biết bao linh hồn! Họ không cần những bài diễn văn lưu loát, hoa mỹ mang tính thuyết phục, vì những người lắng nghe sẽ đọc thật nhanh trong ánh mắt và trái tim họ ‘một niềm xót thương, một sự thấu cảm!’. Để rồi, chỉ cần người ấy nói, “Lối này”, và họ sẽ đi theo! Đừng sợ trở thành tông đồ! Nhiều người đã sẵn sàng cho những gì trái tim chúng ta thổn thức, những gì đôi tay chúng ta ôm ấp ‘đúng’ với điều chúng ta nói hơn là những gì chúng ta nghĩ, là đã sẵn sàng cho một ý tưởng hay!

Tin Mừng nói, “Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc”. Nghĩa là Ngài lên phố, về quê; là xuống làng chài, lên làng thượng; là leo lên núi, tụt xuống đồi, băng qua nương, tắt qua rẫy, tạt ra biển, dạm sang hồ… Lang thang nhưng không ngơi nghỉ, gặp gỡ nhưng chẳng dừng chân, Ngài đi nhiều nơi cốt để Tin Mừng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhiều người biết đến. Thanh thản, tự do, Ngài không bịn rịn cũng chẳng quyến luyến nhưng dứt khoát kịp ‘mang dép trái’ ra đi. Chúa Giêsu quá thao thức cho những gì phải làm, một đoàn chiên tất tưởi bơ vơ không người chăn, một đoàn người đang đói, một đồng lúa chín đang thiếu thợ gặt. Ngài rao giảng, chữa lành không mệt mỏi, chẳng có thời gian nghỉ ngơi ăn uống đến nỗi anh em bà con bảo Ngài “mất trí”.

Nếu có thể nhìn thấy với tấm lòng của Chúa Kitô bằng đôi ‘mắt của niềm tin’, chúng ta sẽ không tỏ ra bi quan khi đối mặt với nền ‘văn hoá sự chết’ hoặc ‘văn hoá chối từ Thiên Chúa’; và sẽ biết rằng, Ngài vẫn đáp ứng đầy đủ sự khát khao của con người, bất chấp lịch sử khốn khổ, đớn đau hoặc buông thả của nó - bài đọc một. Những ai càng xa Chúa, càng cho thấy họ cần lòng thương xót của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca là một lời gọi hãy mở mắt nhìn xem việc Thiên Chúa làm, “Nhà Israel! Hãy tin cậy Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vì họ lầm than vất vưởng!”. Trong thế giới ngày nay, Chúa Giêsu vẫn đang nhìn thấy và Ngài vẫn đang nặng lòng với bao người đang vất vưởng lầm than ngay cả với những người giàu có nhất, học thức nhất. Ngài vẫn đang nói với mỗi người chúng ta “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít!”. Chớ gì ‘tiếng của lòng thương xót’ đã trỗi dậy trong trái tim Chúa Giêsu giờ đây cũng trỗi dậy trong tâm hồn bạn và tôi. Chớ gì chúng ta cũng nhìn thấy mọi sự với ‘mắt của niềm tin’ để có thể nhìn thấy như Chúa Giêsu đang nhìn thấy! 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn thiên đàng kéo xuống tận linh hồn con. Để được vậy, cho con có một niềm tin đủ lớn để yêu mến “Giêsu”, Thiên Đàng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây