TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/07/2024 23:52 |   492
“Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)

12/07/2024
THỨ SÁU TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

t6 t14 TN

Mt 10,16-23

 
can đảm trong mọi thử thách
“Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã có lần báo trước con đường thập giá Ngài phải trải qua. Và nay đã đến lúc Chúa thẳng thắn nói đến những đau khổ thử thách sẽ xảy đến với các môn đệ. Vâng, bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ. Các ông phải đối diện nhiều thử thách khi đi theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn: thánh Tê-pha-nô bị bách hại và ném đá chết tại Giê-ru-sa-lem, hoặc thánh Phao-lô bị cầm tù, rồi tử vì đạo. Tuy nhiên, dù thử thách đến đâu và bị bách hại thế nào, các môn đệ vẫn luôn trung thành với Chúa cho đến cùng, như thánh Phao-lô đã nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giê-su, để sự sống của Chúa Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Mời Bạn: cuộc sống nào mà không có thách đố? “Nếu có ai cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa” (Allyson Jones). Còn bạn, bạn có cảm thấy sợ hãi trước những đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống mình không? Bạn có chắc là bạn đang đi theo Chúa Giêsu và cố gắng “vác” lấy những gánh nặng ấy trong niềm xác tín: “Ơn Thầy đủ cho con”?

Chia sẻ: Phản ứng của bạn khi gặp đau khổ, thử thách: né tránh, oán trách Chúa, hay đón nhận như cái giá người môn đệ của Đấng chịu đóng đinh?

Sống Lời Chúa: Đón nhận đau khổ của ngày hôm nay, như một cách sống tư thế môn đệ trung thành của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa  báo trước ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa.

Ngày 12: Lạy Chúa! Cùng đích của cuộc đời chúng con là điều mà không gì có thể thay thế được, và cùng đích của cuộc đời chúng con cũng sẽ: không thể tìm thấy được ở những gì chúng con sở hữu, hay thành đạt bên ngoài. Cùng đích cuộc đời chúng con rất liên quan đến khả năng nhận biết Chúa, bởi vì, Chúa nói: Ta muốn tình yêu, chứ đâu cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết, hơn là được của lễ toàn thiêu (Hs 6,6). Vì thế, điều quan trọng nhất, mà chúng con cần nhận biết là: Chúa chính là cùng đích của cuộc đời chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, chúng tôi tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong đền thánh Chúa. Lạy Chúa, cũng như thánh danh Chúa, lời khen ngợi Chúa sẽ vang  đến tận cùng trái đất; tay hữu Chúa đầy đức công minh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 46, 1-7. 28-30

“Cha chết cũng vui lòng, vì Cha đã trông thấy mặt con”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, ông Israel ra đi, đem theo tất cả những gì ông có và đến Giếng Thề; tại đây ông dâng hy tế lên Thiên Chúa của Isaac, cha của ông. Ban đêm trong một thị kiến, ông nghe Chúa gọi ông và nói với ông rằng: “Hỡi Giacóp, Giacóp!” Ông liền thưa: “Này con đây”. Thiên Chúa nói tiếp: “Ta là Thiên Chúa rất hùng mạnh của cha ngươi, nên ngươi đừng sợ, hãy xuống xứ Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ xuống đó với ngươi. Cũng chính Ta sẽ đưa ngươi trở về, (sau khi) tay Giuse đã vuốt mắt cho ngươi”.

Bấy giờ Giacóp bỏ Giếng Thề mà đi: các con cái đưa ông và vợ con lên các xe Pharaon đã phái đến rước cha già và tất cả những gì ông có ở Canaan; ông sang Ai-cập với tất cả dòng dõi ông, gồm con trai, con gái và cháu chắt.

Bấy giờ Giacóp sai Giuđa đi trước báo tin cho Giuse biết mà đón rước cha tại Ghêsen. Khi ông đến đó, thì Giuse thắng xe đi đón cha tại Ghêsen. Vừa thấy cha, ông ôm cổ cha mà khóc. Giacóp nói với Giuse rằng: “Cha chết cũng vui lòng, vì cha đã trông thấy mặt con và biết con còn sống”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ 

Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. 

Xướng: Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no. 

Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu, bởi vì Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành.

Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ: trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 14, 2-10

“Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: “Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: ‘Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Assurô sẽ không giải thoát chúng tôi; chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót’.

“Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ, và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ôliu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.

“Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả. Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 8-9. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa (c. 17b).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Nhưng Chúa ưa sự thật trong tâm khảm, và trong đáy lòng, Chúa dạy con điều khôn. Xin dùng cành hương thảo rảy con thanh khiết; xin tẩy rửa cho con được hơn tuyết trắng tinh.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy vào Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 16-23

“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

“Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa dùng của lễ chúng con dâng tiến để thanh tẩy và hướng dẫn chúng con, cho chúng con ngày càng biết sống chân tình với Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; Phúc cho ai tìm nương tựa ở nơi Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ mang đỡ bổ sức cho các ngươi”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa chúng con vừa lãnh nhận hồng ân cao cả; xin cho chúng con được hưởng ơn cứu độ dồi dào và không ngừng chúc tụng tạ ơn Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

BÁO TRƯỚC NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI (Mt 10,16-23)

1. Sau khi huấn dụ các Tông đồ về mục đích, tinh thần và cách thế của người tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giê-su tiên báo những cuộc bách hại mà các Tông đồ gặp phải trên bước đường truyền giáo.

Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, các Tông đồ sẽ gặp muôn vàn khó khăn: bị ghen ghét, bắt bớ… Chúa Giê-su đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa ở bên cạnh để giúp đỡ họ. Để bền chí đến cùng, người môn đệ phải luôn có đời sống tin tưởng phó tác và cầu nguyện.

2. “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”.

Hình ảnh bầy sói ám chỉ những bách hại và thử thách mà các Tông đồ phải đương đầu, đồng thời cũng có thể hiểu Chúa muốn nói đến các tiên tri giả để cảnh giác các Tông đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh lời Chúa để phá hoại Tin Mừng.

Trước âm mưu xảo quyệt và ngụy biện như thế, người môn đệ phải khôn như con rắn. Rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người tông đồ đừng để mình bị lọt vào tròng của những ông tiến sĩ giả, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên vẫn phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ hiền lành như con chim bồ câu, loài chim hơi nghe tiếng động là bay đi và vẫn được coi là hiền lành (Trần Hữu Thành).

3. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.

Sự bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người môn đệ sẽ phơi bầy tật xấu của thế gian. Chúa Giê-su cho biết lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người môn đệ Chúa: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như các con thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”.

Trong chuyến hành hương Lộ Đức vào tháng 8 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã có nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới.

Ngài nói: Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, tu sĩ bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”.

4. Thông thường, trong những lời hứa hẹn ít khi thấy bóng dáng khó khăn thử thách. Chúa Giê-su đã hành động vượt ngoài qui luật này: môn đệ Ngài sẽ là người không còn đất sống, bị người đời ghét bỏ. Hội đường kết án, ngay cả người thân cũng phản bội họ

Đối diện với viễn ảnh, xem ra đen tối này, người môn đệ phải trang bị bằng những hiểu biết cụ thể, và xác tín rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến. Nếu trong xã hội loài người, họ không có chỗ đứng, thì trong Nước Trời  họ đã có chỗ Chúa dành sẵn cho họ; và cho dù thế gian có đổ dồn bách hại lên họ, họ vẫn không bị nghiền tán, vì đã có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Điều quan trọng là họ phải trung thành: trung thành với Thánh Thần bằng cách giữ tâm hồn đơn sơ chân thật; trung thành với con đường đã chọn, vì Thiên Chúa không để họ quá mức chịu đựng: Các con sẽ không đi hết các thành của Israel trước lúc Con Người đến” (Mỗi ngày một tin vui).

5. Người môn đệ được đồng hóa với Chúa Giê-su và chia sẻ số phận của Ngài. Người môn đệ chẳng những là kẻ sống tinh thần khó nghèo, mà còn là kẻ luôn cảm thấy mình yếu đuối, không thể tự mình chống lại những bách hại. Nhưng sự yếu đuối của các môn đệ lại là sức mạnh của Thiên Chúa, bởi vì ý thức mình yếu đuối, nên người môn đệ hết lòng tin tưởng và gắn bó với Chúa.

6. Truyện: Cái bạt tai tôi xin vui lòng lãnh nhận.

Năm 1227, bá tước Schavenbourg nguyên là thiếu tướng trong quân đội hoàng gia Phổ, đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Ông xin vào tu Dòng Những Anh Em Hèn Mọn của thánh Phan-xi-cô. Bề trên trao cho thầy một bộ quần áo nghèo hèn, một chiếc bị và một cái bát để khất thực ngay giữa nơi thành thị đông đúc cho người nghèo và cũng là để tự nuôi sống.

Một hôm, đang trên đường đi xin ăn, ông gặp một vị hoàng thân quí tộc đang dạo phố. Ông đến ngửa tay xin bố thí, nhưng vị hoàng thân chẳng màng lưu tâm. Nhà tu hành tiếp tục theo sau nhỏ nhẹ nài van một cách kiên trì nhẫn nhục. Bực quá, vị hoàng thân quay phắt lại, tát cho thầy tu vốn là cựu bá tước một cái tát nảy lửa.

Thầy thấy bị xúc phạm ghê gớm, lòng tức giận chỉ chực trào lên như trong những ngày oai phong xưa kia. Thế nhưng, thầy đã kịp bình tĩnh lại và khiêm hạ nói, tay vẫn ngửa ra: “Vâng, thưa ngài, phần cái bạt tai thì tôi xin vui lòng lãnh nhận, nhưng còn phần dành cho những người nghèo khổ đáng thương hơn tôi, thì xin ngài đừng quên bố thí”.

BƯỚC THEO THẦN KHÍ
(THỨ SÁU TUẦN 14 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 14 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải trung thành đi theo đường lối Chúa, nếu không, sớm muộn gì cũng phải chuốc lấy tai họa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển I cho thấy: Sau khi âm mưu nơi cung cấm bị bẻ gãy, vua Đavít đặt người Chúa chọn là Salômôn lên ngôi báu. Cùng với tân vương, vương quốc Ítraen sẽ đạt tới hoàng kim thời đại. Tuy nhiên, vua cũng có những lầm lỗi khiến vua không trung thành với sứ mạng, đến nỗi, các ngôn sứ sẽ phải nặng lời quở trách. Các thiếu nữ Xion, hãy ra chiêm ngưỡng vua Salômôn: người đội triều thiên hoàng thái hậu đã đội cho người, trong ngày vui nhất của lòng người. Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, để Người xét xử dân Ngài theo công lý và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì sống đức ái, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta chu toàn mệnh lệnh Chúa mà sống hòa thuận trong đức ái, để nhờ đức ái, chúng ta được tha thứ tội lỗi. Quả thế, Sách Thánh đã ghi: Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung... Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều thuộc vào hai điều răn ấy.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải từ bỏ ngẫu tượng, quay về tìm nương ẩn nơi Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách ngôn sứ Hôsê đã kêu gọi: Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện. Hãy thưa với Người: Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia cũng kêu xin: Xin cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Thần Khí sẽ dẫn ta đến sự thật vẹn toàn, khi bước theo Thần Khí, ta sẽ biết nói, biết làm những gì Chúa muốn. Mỗi khi, ta lạc xa, không theo sự hướng dẫn của Thần Khí, ta sẽ tự chuốc họa vào thân, như vua Đavít, như vua Salômôn, như dân Ítraen xưa. Tuy nhiên, Chúa luôn từ ái một niềm, sẵn sàng tha thứ, khi ta biết sám hối quay về với Người: quay về yêu mến và phụng sự Thiên Chúa; quay về yêu thương và phục vụ tha nhân như Chúa dạy; quay về tìm nương tựa vào một mình Thiên Chúa, chứ không ỷ vào sức mình, hay cậy dựa vào bất kỳ một thế lực nào khác, ngoài Chúa, bởi vì, không phải ta nói, ta làm, nhưng là, Thần Khí của Chúa Cha sẽ hoạt động trong ta. Chúa đã hạ mình xuống, để nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, ước gì ta luôn biết vâng nghe và bước theo Thần Khí, để ta được hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

LUÔN LÀ CHIÊN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”.

Từ thế kỷ 17, Lancelot Andrewes đã dâng một lời cầu nguyện lạ lùng, “Lạy Chúa, hãy ở trong con, để bổ sức con; ở ngoài con, để canh chừng con; ở trên con, để bảo vệ con; ở dưới con, để nâng đỡ con; ở trước con, để dẫn dắt con; ở sau con, để con khỏi lạc; ở quanh con, để bao bọc con… Nhờ đó, con luôn là chiên, trung kiên đến cùng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến bốn loài vật: chiên, sói, rắn và bồ câu! Qua đó, Ngài muốn nói với nhóm Mười Hai rằng, Ngài đang sai họ đến những nơi mà nền ‘văn hoá thù địch Thiên Chúa’ rất lớn! Vì thế, họ phải ‘luôn là chiên!’.

Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta có khả năng đối mặt với bầy sói, nghĩa là có thể tranh luận, phản biện, đưa ra những lý lẽ để tự bảo vệ mình. Không, không! Chúng ta có thể nghĩ, “Hãy để chúng tôi trở nên thích nghi, đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe, tôn trọng và chúng tôi sẽ đánh bại bầy sói!”. Không, không phải thế! “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”, như những con chiên non. Điều này thật quan trọng! Nếu bạn không muốn trở thành chiên, Chúa sẽ không bảo vệ bạn khỏi bầy sói. Hãy giải quyết ‘căn tính’ này tốt nhất có thể! Nhưng nếu bạn là chiên, hãy yên tâm, Chúa sẽ bảo vệ bạn khỏi bầy sói! Khiêm tốn. Đúng, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta khiêm tốn, hiền lành, có ý chí sống vô tội và sẵn sàng hy sinh.

Và Chúa Giêsu, Người Chăn Chiên, sẽ nhận ra chiên mình và sẽ bảo vệ chúng đến cùng. Mặt khác, những con chiên ‘cải trang’ thành sói sẽ bị vạch mặt và bị xé xác từng mảnh. “Chừng nào chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng. Ngay cả khi có nhiều sói vây quanh, chúng ta vẫn sẽ chiến thắng. Nhưng nếu trở thành sói - ‘À, thật thông minh, nhìn này, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình!’ - chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi lẽ bạn sẽ mất đi sự giúp đỡ của Người Chăn Chiên. Mục Tử Giêsu không chăn sói, Ngài chăn chiên!” - Gioan Kim Khẩu. Nếu tôi muốn thuộc về Chúa Giêsu, tôi phải để Ngài chăn dắt tôi, những con chiên hiền, khiêm tốn, nhân hậu như Mục Tử của mình.

Các môn đệ sẽ dễ bị tổn thương như chiên trước sói. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn nói, “Anh em phải khôn như rắn, đơn sơ như bồ câu!”. Để đối phó với sói, chiên phải thông minh như rắn, luôn “bảo vệ cái đầu”, tức bảo vệ đức tin chân chính của mình; đơn sơ như bồ câu, nhẹ nhàng bay đi để “bảo vệ bản thân” khỏi sự thù địch không cần thiết.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Văn hoá thù địch Thiên Chúa thời Chúa Giêsu vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Ở nhiều nơi trên thế giới, hoàn cảnh các Kitô hữu bị bách hại, có thể nói, trở nên khắc nghiệt hơn, ngay cả ở những quốc gia trước đây đã từng ủng hộ Kitô giáo. Nhiều Kitô hữu ngày càng cảm thấy mình như chiên giữa sói và ý thức hơn tính cần thiết phải khôn như rắn, trong khi vẫn phải hiền lành như chim bồ câu. Vì thế, trước hết và trên hết, bạn và tôi phải luôn ghi nhớ một điều, tôi pr ‘luôn là chiên’, tín thác tuyệt đối vào Chủ Chiên Nhân Lành của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể chiến thắng sói dữ, cho con biết ‘luẩn quẩn’ bên Chúa, Đấng ở trên con, trong con, ngoài con, trước con, sau con và cả ‘dưới’ con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây