TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 19/08/2022 05:08 |   1725
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào… Có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” (Lc 13, 24.30)

21/08/2022
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – C

 

Lc 13, 22-30

ĐỪNG TƯỞNG BỞ!
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào… Có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
(Lc 13, 24.30)

Suy niệm: Chúa Giê-su không trả lời câu hỏi nhiều hay ít người được vào Nước Trời. Ngài chỉ bảo rằng hãy chiến đấu và đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời ấy. Chiến đấu bằng sức mạnh của ý chí, lẽ phải và của ân sủng Chúa trợ giúp. Qua cửa hẹp là biết tuyệt đối từ bỏ, kể cả sự sống của mình, hy sinh bất cứ điều gì cản trở đường trọn lành. Đây thực là thách đố không nhỏ cho người Ki-tô hữu, vì phải sống giữa thế gian mà không vấn vương mùi tục lụy, nói chi đến sử dụng các phương tiện trần thế để thỏa mãn những đam mê bất chính, như tôn thờ vật chất, trọng chủ nghĩa cá nhân thái quá, bỏ ngoài tai chân lý nơi lương tâm và Tin Mừng Chúa dạy…

Mời Bạn: Đừng tưởng bở vì cho rằng Ki-tô hữu là người thuộc về Chúa Ki-tô, được Ngài ưu ái hơn người. Sự ưu ái có đến thì cũng nhờ Ki-tô hữu biết sống chết cho Chúa Ki-tô, một Đức Ki-tô bị đóng đinh, tự hủy mình ra không. Là môn đệ của Ngài, bạn được mời gọi sống như Ngài, chọn con đường hẹp của hy sinh thập giá, theo cửa hẹp của từ bỏ chính mình. Cuộc đời người môn đệ Ngài luôn đi liền với cuộc chiến đấu một mất một còn với chính cái tôi của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng kiêu ngạo đứng đầu trong bảy mối tội, nhưng hậu quả của kiêu ngạo là chốn sâu thẳm của hỏa ngục. Do đó, tôi nỗ lực sống khiêm tốn, từ bỏ cái tôi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa mời gọi con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Xin giúp con nỗ lực chiếm hữu Nước Trời ấy bằng sự khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Căn cứ vào ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Nhật XXI mùa thường niên năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và nỗ lực con người cần phải có.

Tuy nhiên, theo lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm, thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ và con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Mà còn phải được Chúa mời gọi và ban ơn, con người mới có thể đạt được ơn cứu độ vì Chúa nói: “các ngươi hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, và lời khác nữa “Ta bảo cho các ngươi biết, nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Như thế cần phải sống đức tin Chúa sẽ thấy thiện chí và quyết tâm của chúng ta và trợ giúp chúng ta đạt lý tưởng.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để lựa chọn đúng con đường dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ con đường rộng, con đường thênh thang, bằng lòng thống hối ăn năn mọi lỗi lầm của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 18-21

“Chúng dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: “Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta. Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng, cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem, khác nào con cái Israel mang của lễ trong chén tinh sạch vào nhà Chúa, Chúa phán như thế. Trong những dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi: Chúa phán như vậy”. Vì chưng lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 5-7, 11-13

“Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt. Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

“Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy biết lợi dụng mọi hoàn cảnh, nhất là những khi gặp trái ý hay thử thách, như những phương tiện để thánh hóa bản thân và mưu cầu phần rỗi cho các linh hồn biến nó thành lời cầu xin.

1. “Ta đến qui tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”- Xin cho các vị Chủ chăn một lòng nhiệt thành lo việc xây dựng Nước Chúa, để các ngài luôn tìm những phương thế hữu hiệu, giúp dân Chúa và mọi người sống đúng tinh thần bát phúc.

2. “Trong khi được sửa dậy anh em hãy bền chí”– Xin cho các tín hữu, dù phải vướng bận với những công việc trần thế, cũng không quên nhiệm vụ phải bồi dưỡng đức tin, để họ sống xứng đáng là những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ.

3. “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Chúa” – Xin cho các nhà truyền giáo khi khai mở tâm trí con người, biết sẵn sàng đón nhận mọi mầu da sắc tộc, để đưa họ về tin nhận giáo lý của Chúa.

4. “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” – Xin cho những người tội lỗi ơn đức tin và can đảm, để họ không ngã thua trước những quyến rũ của dục vọng, nhưng biết dứt khoát đi vào con đường hẹp, để mai ngày được dự tiệc thánh nơi quê trời.

Chủ tế: Lạy Chúa, cửa hẹp là cửa của niềm tin và là chính Đức Giêsu Kitô, chúng con phải qua mà vào quê trời, xin ban ơn giúp chúng con biết dùng thời gian và ân huệ Chúa ban, để sông theo tinh thần Chúa đòi buộc. Nhờ đó, khi thời gian chấm dứt, chúng con được phúc đón nhận vào Nước Hằng Sống, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cửa hẹp

Phải chăng chỉ có một ít người được cứu thoát? Thắc mắc này hẳn đã xuất phát từ lời giảng dạy của Chúa Giêsu về những điều kiện và những thái độ phải có để được vào Nước Trời. Thế nhưng qua câu trả lời, chúng ta nhận thấy điều quan trọng đối với Chúa Giêsu và cũng là điều Ngài muốn nói với những kẻ đã nêu lên câu hỏi, đó là người ta phải cố gắng, phải chiến đấu mới mong được vào Nước Trời, bởi vì một mặt cửa vào Nước Trời thì nhỏ hẹp, mặt khác, thời gian dành để cho người ta vào Nước Trời thì vắn vỏi.

Trong cuộc chiến đấu để được vào Nước Trời sẽ không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay đúng hơn, có gốc gác tốt. Ở đây Chúa Giêsu muốn nhắm đến những người Do Thái cứng lòng tin. Họ suy luận rằng: Tước hiệu dân riêng của Chúa, tước hiệu con cháu của Abraham, là một bảo đảm chắc chắn, là một tấm giấy ưu tiên để được vào Nước Trời. Thế nhưng tiên tri Isaia đã từng loan báo về cách xử sự của Thiên Chúa trong thời cứu chuộc, trong ngày phán xét: Ngài sẽ quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, Ngài sẽ dẫn đưa mọi người từ các dân nước mà đến. Sự phân biệt giữa người được vào bàn tiệc và kẻ ở ngoài, giữa người được ở trong bàn tiệc với Abraham, Isaac và Giacob, với kẻ bị đuổi ra chốn tối tăm, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng, giữa người được cứu chuộc và kẻ bị hư đi, lý do là ở chỗ họ có chiến đấu đủ và đúng thời đúng buổi để đi ngang qua khung cửa hẹp hay không?

Tất cả mọi người từ phương đông, phương tây, phương bắc, phương nam đều được đặt trong một điều kiện bình đẳng để được vào Nước Trời. Chính trong điều kiện này mà người sau hết có thể trở nên trước hết và những kẻ trước hết có thể tụt xuống sau hết. Nhu chúng ta đã thấy, điều quan trọng Chúa muốn nói đến đó là phải qua cửa hẹp, thế nhưng qua cửa hẹp là gì?

Tôi xin thưa qua cử hẹp là thi hành ý Chúa, là từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Chúa, là dám bán tất cả những gì mình có để làm phúc bố thí cho những kẻ nghèo túng, là liều mất mạng sống mình vì người khác. Nói tóm lại là đi con đường Chúa Giêsu đã đi.

Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước toà phán xét Ngài không hỏi chúng ta: Đã chịu phép Rửa tội chưa? Có phải là người công giáo hay không? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi đó là chúng ta có làm và sống như Chúa đã dạy hay chưa.

CHÚA NHẬT 21C THƯỜNG NIÊN
(Lc. 13:22-30) Lm Lã Mộng Thường

Suy niệm về bài Phúc Âm vừa được công bố, tôi thực sự nghĩ rằng tất cả chúng ta đang hiện diện nơi nhà thờ sẽ đặt vấn đề về câu hỏi được nêu lên, Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Mọi người đều là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta đồng thời quan niệm rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ và xót thương; Ngài là Đấng thánh thiện và là sự thánh; Ngài không từ chối một ai và muốn cho mọi người được cứu rỗi cho dù người đó thế nào. Điều này được minh chứng nơi câu truyện Phúc Âm nói về chủ chăn nhân từ và con chiên lạc. Đặt vấn đề như vậy, câu hỏi được nêu lên và đó là cứu độ có nghĩa là gì và cứu độ khỏi sự gì? Phúc Âm nói rõ ràng về mục đích sự rao giảng của Chúa Giêsu và đó là công bố tin mừng nước trời, “Ngài bảo họ: ‘Ta còn phải đem tin mừng nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Lc. 4:43; 8:1; 20:1; Mt. 4:23; 9:35; Mc. 1:14).

Tôi muốn nhắc lại, Phúc Âm thánh Luca đoạn 4, câu 43, nói rằng mục đích mà Đức Giêsu được sai đến là để rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa. Theo Phúc Âm, Đức Giêsu cũng chỉ sai các môn đồ đi rao giảng về tin mừng nước trời mà thôi. Chúng ta có thể đọc được điều này nơi Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 10, câu 7, “Hãy đi và loan báo rằng: ‘Nước trời đã gần bên,’” hoặc “Và Ngài nói với họ: ‘Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo’” (Mc. 16:15; 13:10). Phúc Âm thánh Mathêu đoạn 6, câu 33, nói rõ cho chúng ta biết về điều quan trọng nhất của cuộc sống con người và đó làTiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người rồi mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi”.

Xét suy như vậy, chúng ta cần được cứu thoát khỏi sự mù tối bởi không chịu tìm hiểu hay suy nghĩ về Phúc Âm để nhận biết Nước Thiên Chúa. Chúng ta cảm nghiệm được rõ ràng Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Cảm nghiệm này minh chứng Thiên Chúa đang làm việc nơi chính thân xác chúng ta. Suy nghĩ kỹ hơn, Thiên Chúa chính là quyền lực của mọi sự hiện hữu, hữu hình cũng như vô hình. Chúng ta nói rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và như thế, nước Thiên Chúa là chính Ngài. Do đó, tin mừng nước Thiên Chúa, tin mừng nước trời có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, đang làm việc nơi mỗi người chúng ta từng giây từng phút. Thiên Chúa chính là quyền lực khiến con tim đập, khiến lá phổi thở; nói cách khác, Ngài là quyền lực sự sống nơi mọi người, mọi loài; Ngài là quyền lực hiện hữu của tạo vật. Không nhận biết Thiên Chúa, không nhận biết thực thể quyền lực hiện hữu đang hoạt động nơi chính mình, nơi mọi tạo vật, con người dễ dàng hướng chiều theo khát vọng thế tục; điều mà Phúc Âm thánh Mathêu gọi là ý tưởng của loài người nơi đoạn 16, câu 23, “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (Lc. 8:33).

Bởi đó, sự u tối do bởi không suy tư, không chịu học hỏi Phúc Âm để nhận biết tin mừng nước trời là cội nguồn của mọi sự tội lỗi nơi cuộc đời con người. Nhận định như thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao Phúc Âm được viết những người tuyên xưng ăn uống đồng bàn và được nghe những lời giảng dạy nhưng đã bị từ chối, “Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Nếu tự đặt mình vào vị thế những người gõ cửa, khá nhiều vấn đề chúng ta cần để tâm suy xét. Trước hết là Kytô hữu, chúng ta tuyên xưng tin nơi Đức Giêsu, tin vào Thiên Chúa. Nói rằng tin nơi Đức Giêsu vậy những lời giảng dạy của Ngài có vị thế nào nơi cuộc đời mỗi người chúng ta? Phỏng chúng ta có biết Ngài đã giảng dạy những gì để theo hay không? Phỏng chúng ta có dành thời giờ đọc Phúc Âm và để tâm suy nghiệm những điều Ngài đã rao giảng hay không? Vì lý do gì những người đã được nghe những lời giảng dạy bị Phúc Âm gọi là những kẻ làm điều gian ác? Tại sao Lời Chúa khuyến khích chúng ta cố gắng vào qua cửa hẹp? Bởi đâu Phúc Âm được viết, “Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” trong khi những người được nghe giảng dạy lại bị từ chối? Lý lẽ nào minh chứng có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên sau hết? Nếu lấy sự việc lên đò và xuống đò qua sông theo cách thức ngày xưa để giải thích người xuống đò sau hết sẽ lên bờ trước hết như đã có sách viết thì ngày nay không hợp nữa bởi chiếc phà đưa người và xe qua sông thời nay có hai cửa, xe nào xuống trước sẽ lên trước.

Xét theo sự thực lòng ăn năn hối cải vào phút cuối cuộc đời thì chưa chắc kẻ đợi phút cuối đã có cơ hội. Thế nên, câu Phúc Âm ám định về sự để tâm nghiệm chứng nơi hành trình đức tin. Thuở ban đầu, bất cứ ai cũng đều gặp những khó khăn suy nghiệm cũng như định tâm suy tư bởi đã quá quen lề lối suy nghĩ thế tục. Tuy nhiên, nếu ai thực tâm và cố gắng suy nghiệm, lâu dần thành quen thì sự suy nghiệm về Lời Chúa càng ngày càng phát triển và dễ dàng hơn. Sự để tâm bền chí suy nghiệm này được Phúc Âm giải thích bằng câu, “Kẻ đã có thì được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ đã không có thì dù có ít cũng sẽ bị lấy mất”. Mục đích tối hậu của con người đó là tìm kiếm Nước Trời, nhận biết Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình. Thế nên, bất cứ sự việc hay tính toán hoặc âu lo nào làm cản trở hành trình đức tin, làm phiền hà sự nhận biết tin mừng Nước Trời đều thuộc về thế tục. Bởi vậy, những ai không để tâm suy nghiệm Lời Chúa hầu nhận biết Tin Mừng đều được gọi là những kẻ làm điều gian ác. Họ làm điều ác cho chính họ do tự ngăn cản hoặc đã không cần biết gì về Tin Mừng Đức Giêsu công bố cho họ biết. Hơn nữa, là con người, chúng ta phải lo suy xét và tính toán mưu sinh do đó chúng ta bị những lề lối hay thói quen suy nghĩ thế tục ám ảnh. Những lối suy nghĩ thế tục này ngăn cản hoặc che mờ tâm trí rất khó cho chúng ta suy nghiệm Phúc Âm.

Như vậy, con đường hẹp mà Phúc Âm nói tới chính là sự suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu được ghi chép nơi Phúc Âm. Đây có thể là lý do tại sao Phúc Âm ghi lại câu nói, “Ta bảo các ngươi biết: Nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”. Kinh nghiệm thực tiễn nơi mỗi người minh chứng, đã có nhiều lần chúng ta cảm thấy nản lòng vì nghe hoặc đọc Phúc Âm nhưng không thể nào hiểu được Lời Chúa muốn nói gì. Cố gắng suy luận, dùng những sự kiện nơi cuộc sống làm căn bản nghiệm chứng thì Lời Chúa thuận hoặc phù hợp nơi trường hợp này lại không thể nào chấp nhận được nơi trường hợp khác. Quá nhiều lần gặp phải sự khó khăn như thế sinh lòng chán nản nên chúng ta thường nghe giảng giải cho qua, và như vậy, vô tình càng ngày chúng ta càng để tâm trí lánh xa Lời Chúa để rồi cho rằng chỉ đi lễ, đi nhà thờ và tuân theo lề luật Công Giáo là đủ để được cứu rỗi. Đức Giêsu đến công bố Tin Mừng, giải thoát chúng khỏi vòng nô lệ thế tục hầu nhận ra vị thế cao trọng của mình nơi Thiên Chúa. Muốn nhận biết Tin Mừng, muốn được cứu thoát khỏi vòng nô lệ thế tục hay không đều tùy thuộc sự nghiệm chứng Phúc âm mà thôi. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây