TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 18/11/2022 04:54 |   545
“Ông Giê-su ơi ! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23, 35-43)

20/11/2022
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN – C
CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

cn34 tn C

Lc 23, 35-43


CÓ TRỜI MỚI BIẾT
“Ông Giê-su ơi ! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23, 35-43)

Suy niệm: Một tử tội sắp chết lại hứa hạnh phúc thiên đường cho một tử tội khác ngay trên thập giá là một chuyện vừa mỉa mai vừa kỳ lạ đến mức phi lý. Mỉa mai vì không hợp tình hợp cảnh: động cơ nào khiến tên tử tội kia lại xin một ơn huệ tréo ngoe đến buồn cười: “Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”; và cũng kỳ lạ nữa vì chỉ “có trời mới biết” Đức Giê-su là ai mà dám tuyên bố điều đó. Thế nhưng ngày nay ai cũng biết “anh trộm lành” này đã “ăn trộm” được thiên đàng trước cả chúng ta, vì lời cầu xin của anh bao hàm một niềm tin mạnh mẽ: Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Thế.

Mời Bạn: Danh xưng “Vua” ngày nay có thể gợi lại cho chúng ta hình ảnh đáng buồn của một chế độ phong kiến đã lỗi thời. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của từ này vẫn diễn tả mối tương quan cơ bản của muôn loài đối với Thiên Chúa: Đấng cầm quyền sinh tử mọi loài Người đã dựng nên. Thế mới thấm thía lời kinh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa: “Xin hãy làm vua cai trị hết mọi người…”

Chia sẻ: Đức Giê-su có phải là Vua của lòng bạn? Bạn có đặt vận mạng của bạn trong tay Ngài không? Nếu không thì đó là ai, là cái gì? Tiền bạc? Danh vọng? Lạc thú? Hay một thứ ô dù nào đó?

Sống Lời Chúa: Nếu đã tin nhận Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thì việc thần phục Ngài là Vua của bạn là một hệ luận tất yếu. Hãy thờ phượng Ngài bằng cả đời sống bạn.

Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giê-su là Vua cai trị mọi loài. Xin Trái Tim Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN – C
CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quangvà chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ Người là Thượng Đế và là Đấng tác tạo nên chúng ta, nên mọi việc chúng ta làm đều quy hướng về Người và làm cho danh Người được cả sáng trên trần gian. Khi long trọng mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta mong đợi ngày hồng phúc, ngày Chúa của chúng ta vinh quang ngự đến, xét xử mọi người chúng ta. Vì thế, từng giây phút chúng ta phải sẵn sàng và chuẩn bị tâm hồn để đón rước Vua của chúng ta, ngự đến trong giờ sau hết của đời chúng ta. Ngày xét xử đó có thể là ngày hạnh phúc, vui mừng và vinh quang nhưng cũng có thể là ngày tăm tối, khóc lóc và nghiến răng.

Chúng ta cũng bình tâm lại để soi xét lại cuộc đời mình vì thiếu sót và lầm lỗi, vì bao đam mê và vương vấn trần tục để xứng đáng lãnh nhận ơn Thánh Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tạo dựng thế giới với mong muốn con người được hạnh phúc, no ấm, bình an và yêu thương nhau. Thế nhưng, qua bao thế kỷ, con người vẫn sống trong chiến tranh, hận thù, nghèo khổ và tội lỗi. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :

1. “Họ xức dầu phong David làm vua Israel” – Xin cho các vị Mục tử biết noi gương Chúa Kitô vua tình thương, rao giảng vương quyền Người bằng sự tha thứ và phục vụ yêu thương.

2. “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn can trường trước những thử thách đau thương của cuộc đời, đồng thời biết thăng hoa cuộc sống. Nhờ đó, họ biết tích cực kiến tạo một thế giới tốt đẹp cho trần thế, để sửa soạn cho Nước Trời vĩnh cửu.

3. “Các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu” – Xin cho các nhà lãnh đạo các Quốc Gia nhận biết vương quyền Chúa, để họ biết tôn trọng sự thật, dẹp tan những tham vọng bạo tàn, hầu xây dựng một thế giới hòa hiệp và an bình, trong đó mọi người được tự do sống niềm tin của mình.

4. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhận Chúa là vua an bình của gia đình mình, biết biến đổi mình thành những chứng nhân tình yêu trong cuộc sống hôm nay, hầu góp phần kiến tạo Nước Đức Kitô đang hình thành giữa lòng thế giới.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua chiến thắng, là Vua hòa bình, là Vua yêu thương! tất cả chúng con là của Chúa, và muốn thuộc về Chúa. Xin giúp chúng con ở đời này biết đặt niềm tin cậy vào Chúa, để mai sau được cùng Chúa hưởng vinh quang bất diệt trong nhà Chúa Cha, Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
 

Phán xét

Đoạn Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta vào trong quang cảnh hùng vĩ của cuộc phán xét chung. Ở đó, Đức Kitô giữ vai trò xét xử bá nhân bá tánh. Vậy thì sẽ phải xét xử ra làm sao? Hơn nữa, mỗi người có những hoàn cảnh, những nhiệm vụ, những khả năng riêng, do đó quả cân nào sẽ phân định tội trạng và công phúc?

Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu mọi sự xem ra lại đơn giản. Muôn dân thiên hạ cuối cùng được phân chia thành hai loại được đặt ở bên phải và bên trái của Ngài. Tiêu chuẩn để phân biệt cũng rất đơn giản: Đã làm gì cho những kẻ bé mọn. Đối xử với những kẻ bé mọn, đói khát, trần truồng, tù tội, đau yếu là đối xử với chính Chúa vậy.

Sự phân xử của Chúa Giêsu trong ngày phán xét làm cho cả người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên sửng sốt. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi người trong cuộc đời của mình đã có lần được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, với một bảng tên rõ ràng và một lý lịch minh mạch. Biết bao nhiêu người đã xả thân để giải phóng thánh địa chỉ vì đó là nơi đã ghi dấu tích sự hiện diện của Chúa, huồng hồ là gặp Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu và tù tội. Ai có thể lại làm ngơ.

Nhưng cái làm cho chúng ta lúng túng đó là Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta, với những con người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày tại khu phố, tại trường học, trên đồng ruộng, nơi công sở, ngoài chợ ngoài đường và nhất là với những kẻ làm chúng ta khó chịu vì cái nghèo nàn, thô kệch và quấy rầy của họ. Mọi người đều ngạc nhiên.

Nhưng Đức Kitô trong cương vị Đấng xét xử, đã tuyên bố: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Thế là đã rõ. Đức Kitô xét xử theo tình yêu chúng ta đã có hay không có đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những người hèn mọn về chức tước, danh vọng và của cải. Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ.

Đức Kitô Vua

Đức Kitô có phải là Vua không? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.

Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng: Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.

Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán: Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.

Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa?

CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ - C
(Lc.
23:35-43) Lm Lã Mộng Thường

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô vua nhưng bài Phúc Âm nói về sự thể xảy đến nơi cuộc tử nạn của Ngài. Mọi người chúng ta đều nhận biết Đức Giêsu được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho nhân loại. Cũng vì nhiệm vụ này, cũng vì thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà người ta đã nhân danh Thiên Chúa để giết chết Ngài. Qua Phúc Âm chúng ta đọc được những đoạn nói về việc người ta muốn ném đá Ngài hoặc muốn giết Ngài bằng cách xô Ngài xuống triền đồi. Điều này minh chứng, trước đó người ta đã có những lời ong tiếng ve khinh chê hoặc mạt sát Ngài mà Phúc Âm đã không nhắc tới.

Kinh nghiệm sống minh chứng, nếu ai đề xướng bất cứ điều gì khác với quan niệm hoặc không thuận với thói quen hay tập tục của một tổ chức nào đều khiến những người thuộc tổ chức đó khó chịu hay tức giận. Chúng ta có thể kiểm chứng lời minh xác này nơi tâm tình mỗi người. Chẳng hạn người nào đó nói lên những điều gì hay ý kiến nên xét lại vấn đề tập quán giữ đạo của người Công Giáo, tất nhiên chúng ta dù không nói ra nhưng vẫn cảm thấy khó chịu. Hoặc rõ ràng hơn, những ý kiến hoặc nhận định không giống với những gì chúng ta đã được dạy dỗ 30, 40, hoặc 50 năm về trước thường bị chúng ta cho rằng rối đạo hoặc sai lầm. Sở dĩ sự kiện này xảy đến nơi tâm tưởng cũng chỉ vì cuộc sống thay đổi, não trạng và nhận định của con người thay đổi nhưng chúng ta không muốn thay đổi; có thể bởi chúng ta ỷ lại, không dám suy tư vì nếu suy tư chúng ta phải đối diện với muôn ngàn cố gắng hầu thỏa mãn khát vọng nhận biết Chúa nơi tâm tư mình; và cũng có thể chúng ta e sợ sự nhận biết thực thể nội tâm đó là sự nhận biết còn nhiều điều mình đã không biết.

Phúc Âm minh chứng chính Đức Giêsu đã phải đối diện với sự thể này khi ghi lại, “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc.
3:20-22).

Nhận định như thế, chúng ta phải đối diện với thực thể nội tâm nơi mỗi người đó là chúng ta tuyên dương, tuyên xưng Đức Giêsu là vua trong khi rất ngại ngùng hoặc cố tránh né tìm hiểu những điều Ngài giảng dạy nơi Phúc Âm. Lý do thật đơn giản và quá rõ ràng: chính vì Phúc Âm đã không được viết giống như những gì xưa nay chúng ta hằng tin tưởng. Hơn thế nữa, nếu ai đó cố gắng suy luận về ý nghĩa câu Phúc Âm nào đó để có thể áp dụng một cách hài hòa nơi cuộc đời thì đồng thời lại phải đối diện với những câu Phúc Âm khác mang ý nghĩa chống nghịch phá tan tành công trình suy tư để dồn mình vào ngõ bí không biết cách nào suy luận. Tâm trạng này có thể là nguyên nhân khiến chúng ta nhụt nhuệ khí, nhụt lòng hăng say hoặc cảm thấy chán nản khi suy tưởng Lời Chúa nơi Phúc Âm. Giả sử nếu ai trong chúng ta đã để ý suy nghiệm Phúc Âm và đã phải mang tâm trạng này, tôi đề nghị không nên nản lòng mà hãy để tâm trí luẩn quẩn với câu Phúc Âm nào đó đã mang nghĩa khó cho mình có thể chấp nhận. Hãy mở rộng lòng và không giới hạn suy tư để cố tìm hiểu Lời Chúa theo mọi chiều hướng có thể xảy đến nơi tâm trí. Một ngày vẫn chưa có giải đáp, hãy suy nghĩ một tuần. Một tháng vẫn mông lung, hãy để tâm đến câu Phúc Âm một năm và hơn thế nữa, hoặc hai, hoặc ba, và có thể mười năm, hai mươi năm hay hơn.

Thực ra, mười năm, năm mươi năm hoặc cả cuộc đời đem so với hành trình vĩnh cửu của linh hồn nào thấm thía chi. Cũng chỉ vì công bố Tin Mừng bằng cách rao giảng những lời nói khôn ngoan, Đức Giêsu đã bị anh em họ hàng cho là mất trí, bị người đời kết án, rình mò tìm cơ hội giết bằng nhiều cách và cuối cùng đã bị người ta nhân danh Thiên Chúa mà đóng đinh trên cây thập tự thì chúng ta không hiểu nổi lời Ngài tất nhiên là chuyện thường tình. Đức Giêsu không rao giảng cho những người thiếu khả năng nhận biết nhưng người ta đã không muốn nhận biết. Phúc Âm không dạy cho người ta lối sống đam mê thế tục nhưng chúng ta đã dùng sự hiểu biết thế tục để giải nghĩa Phúc Âm. Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho nhân loại nhưng con người đã dùng Ngài để quảng bá tin buồn, rao truyền tội lỗi cho những người đơn sơ chất phác, và dẫu không từ hỏa ngục hiện về, người ta đã cố dẫn đường để người khác nhận biết về một cái hỏa ngục đáng ghê sợ theo tưởng tượng suy luận thế tục.


Ngày xưa, người ta đã không suy nghiệm về những lời giảng dạy của Đức Giêsu, ngược lại chê cười Ngài. Ngày nay, chúng ta tôn kính Ngài nhưng chúng ta cũng đã không suy nghiệm những lời dạy của Ngài chẳng khác gì họ ngày xưa. Ai trong chúng ta không vương vấn đôi tâm tình khinh chê những người biệt phái và luật sĩ đã bị Đức Giêsu lên án, “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình vì các ngươi khóa nước trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi mà những kẻ muốn vào các ngươi chẳng để cho vào” (Mt.
23:13); ngược lại, bất cứ những gì nghe không thuận với sự hiểu biết giáo điều hạn hẹp nơi bổn đồng ấu chúng ta cho là rối đạo. Ăn ở không thuận phép đời, phép đạo thì chúng ta nhắm mắt cúi đầu ôm ấp nhiều khi còn cảm thấy hãnh diện, nghênh ngang, nhưng Lời khôn ngoan của Chúa dẫn dắt con đường cứu rỗi, chúng ta coi thường không cần để ý. Chúng ta chỉ tưởng tượng được Chúa cứu chuộc nhưng đã không cho Ngài cơ hội để cứu chúng ta thoát khỏi ngay cả lòng ham muốn của chính mình.

Thế nên, nhân ngày tôn kính Đức Giêsu Kitô vua, chúng ta nên lòng tự hỏi lòng và đặt lại vấn đề. Chúng ta tuyên dương Đức Giêsu là vua mang ý nghĩa gì và liên hệ đến cuộc đời cũng như hành trình đức tin của chúng ta thế nào. Chúng ta gọi Ngài là vua để sống theo những lời giảng dạy của Ngài nơi Phúc Âm hay chỉ thấy người ta nói sao mình lập lại như vậy cho có vẻ con nhà có đạo? Đức Giêsu dạy chúng ta những gì và chúng ta đã sống và theo Ngài ra sao? Những ai tuyên xưng Đức Giêsu là vua nhưng không cần biết Ngài lời Ngài dạy dỗ, phỏng họ thuộc thành phần như thế nào? Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng phỏng cuộc đời của chúng ta có đang minh chứng tin mừng Ngài đem đến hay đã biến tin mừng của Ngài thành tin buồn chẳng những cho chính mình mà còn cho những người sống chung quanh. Amen.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây