TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 19/11/2022 19:02 |   1463
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21, 6)

22/11/2022
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo

t3 t34 TN

Lc 21, 5-11


HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU
Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21, 6)

Suy niệm: Năm 70 sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt đi 97.000 tù binh, đại tướng Rô-ma là Ti-tô đã phóng hỏa đốt thành và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ. Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong suốt gần 2.000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giê-ru-sa-lem”. Những lời tiên tri của Đức Giê-su đã được ứng nghiệm! Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giê-su nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”. Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giê-su phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Kitô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Ki-tô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của bí tích hoà giải.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa .

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con. Xin biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 2, 31-45

“Thiên Chúa khiến một vương quốc dấy lên và tàn phá hết các vương quốc”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong những ngày ấy, Ðaniel tâu vua Nabukôđônôsor rằng: “Tâu đức vua, đức vua chiêm bao thấy một tượng to lớn; tượng ấy rất cao sang rực rỡ, đứng trước mặt vua, hình dung thật đáng sợ hãi. Ðầu tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân nửa sắt nửa sành. Ðang lúc vua trông thấy thế, thì có tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải do tay người ta làm, tảng đá ấy rớt trúng chân tượng nửa sắt nửa sành, làm nó đổ nát tan tành: Bấy giờ sắt, sành, đồng, bạc, vàng, đều tan nát một trật, bị gió cuốn đi mất, không còn tìm thấy đâu nữa: như bụi mùa hè trên sân lúa; còn tảng đá làm vỡ bức tượng, đã trở thành núi lớn choán khắp địa cầu.

Chiêm bao là như thế: tâu đức vua, thần xin giải thích chiêm bao trước mặt đức vua. Hoàng thượng là vua các vua. Thiên Chúa trên trời đã ban cho hoàng thượng vương quốc, sức mạnh, quyền thế, và vinh quang. Người còn trao vào tay hoàng thượng nhân dân các nước, thú đồng và chim trời, để hoàng thượng cai quản mọi sự. Vậy chính đức vua là đầu bằng vàng. Sau đức vua, thì có một vương quốc khác bằng bạc, kém hơn đức vua, sẽ dấy lên. Sau đó, có một vương quốc thứ ba bằng đồng, sẽ cai trị khắp địa cầu. Kế đó là vương quốc thứ tư bằng sắt. Sắt tàn phá và chế ngự mọi vật thế nào, thì nước này cũng tàn phá và chế ngự mọi sự như vậy. Ðức vua trông thấy chân và ngón chân nửa sành nửa sắt, đó là nước sẽ phân rẽ; đức vua trông thấy sắt sành lẫn lộn với nhau, đó là nền tảng nước kiên cố như sắt. Ngón chân nửa sắt nửa sành, là vương quốc sẽ nửa mạnh nửa yếu. Ðức vua trông thấy sắt lộn với sành: (chúng sẽ pha loại lai giống người với nhau), nhưng không thể hoà hợp với nhau, như sắt chẳng hoà hợp với sành vậy.

Trong thời đại có những vương quốc ấy, Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá và không bị trao cho dân tộc khác, sẽ tàn phá và huỷ hoại các nước này; nó sẽ đứng vững muôn đời. (Cũng như) Ðức vua trông thấy tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải (do) người ta làm, nó đã tàn phá sành, sắt, đồng, bạc và vàng. Ấy Thiên Chúa cao cả đã tỏ ra cho vua những sự sẽ xảy đến sau này: Ðây mới thật là chiêm bao, là lời giải thích rất chân thành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 57. 58. 59. 60. 61

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời

Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, mọi công cuộc của Chúa, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, các thiên thần của Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn cõi trời cao.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, ngàn nước trên cõi cao xanh.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn đạo thiên binh của Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 14-19

“Ðã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: “Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi”. Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: “Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi”. Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12. 13

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).

Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. 

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở! 

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-11

“Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

NGÀY PHÂN BIỆT… (Lc 21, 5- 11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái… Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!

Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một  kỷ niệm buồn tủi với nước mắt…

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc… Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.

Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo

Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện: vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Xê-xi-li-a xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Xê-xi-li-a là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Cécilia được tôn sùng như một trong các vị thánh tử đạo nổi tiếng nhất của Hội Thánh thời sơ khai, và việc sùng kính ngài đã được chứng thực ngay từ năm 545 ở Rôma. Thực vậy, theo Liber Pontificalis, Đức giáo hoàng Virgilê đi đến vương cung thánh đường thánh Cécilia ở Transtevere ngày 22 tháng 11 năm ấy, ngày kỷ niệm cuộc tử đạo của thánh nữ. Cũng vào thế kỷ VI này, trong nhà thờ thánh Apollinare Nuovo ở Ravenne, người ta vẽ cảnh thánh Cécilia đi rước giữa các trinh nữ. Vào thế kỷ V xuất hiện câu truyện truyền thuyết về đời sống và cuộc tử đạo của thánh Cécilia: Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce. Có vẻ như tài liệu này đã lấy một giai thoại trong cuộc bách hại của quân Vandales ở Châu Phi (cuối thế kỷ V) để kể về Rôma và chắc chắn là một sự pha trộn của truyền thuyết và lịch sử, nhưng chính nhờ tài liệu Cuộc Tử nạn này mà hình ảnh trong trắng, quảng đại và anh hùng của thánh Cécilia đã trở nên vô cùng rực rỡ trong toàn thể Hội Thánh. Tên của ngài cũng được đọc trong Lễ Qui Rôma.

Những điểm sau đây có vẻ là chắc chắn:

– Cécilia xuất thân từ gia đình quí tộc Rôma gọi là Caecilii, gia đình này có một thửa đất trên đường Appia mà thánh Calliste, sau này trở thành giáo hoàng năm 217, đã làm một nghĩa địa năm 210.

– Thánh nữ đã dâng cúng nhà mình ở khu phố Rôma Transtévère cho Hội Thánh sử dụng. Một vương cung thánh đường trên đường Transtévère được xây dựng để dâng kính thánh Cécilia.

– Cécilia là một Kitô hữu đã quyết định thánh hiến đời mình cho Chúa Kitô trong bậc sống trinh nữ. Theo truyền thuyết, bị cha mẹ ép buộc, ngài lấy một thanh niên ngoại giáo tên là Valérien, anh được ngài cải hóa trở lại Kitô giáo, tôn trọng sự đồng trinh của ngài, và anh cũng được tử đạo với em trai mình là Tiburce.

– Sách Cuộc Tử nạn kể rằng “khi tới ngày cưới, trong khi đàn nhạc nổi lên, Cécilia ca hát trong lòng cho một mình Chúa Giêsu.” Từ chi tiết này của câu truyện, từ thế kỷ XV, truyền thống đã gọi thánh Cécilia là quan thầy của các ca sĩ và nhạc sĩ. Cũng vì thế các tranh ảnh thánh thường vẽ thánh Cécilia gảy đàn và ca hát, chung quanh có các thiên thần (các bức hoạ của Le Dominiquin, le Guerchin ở Louvre; Nicolas Poussin ở Prado; Rubens ở Berlin; Véronèse ở Vienne).

– Truyện kể về Cuộc Tử nạn của thánh Cécilia mô tả cuộc tử đạo với nhiều yếu tố truyền thuyết, nhưng giàu ý nghĩa thần học và thiêng liêng. Theo truyền thống, thi thể của thánh nữ được đặt trong hang tử đạo thánh Caliste, gần hang mộ của các giáo hoàng, và một bản sao bức tượng của Maderna ngày nay được đặt trong lăng mộ ngài mô tả tư thế của ngài: thánh nữ nằm nghiêng đầu, với những vết búa của những tên đao phủ, các ngón tay của ngài chỉ dấu Ba Ngôi (một và ba). Hiện nay thi thể của thánh nữ tử đạo an nghỉ trong vương cung thánh đường mang tên ngài tại Rôma; thánh đường này được Đức giáo hoàng Pascal I († 824) xây dựng.

II. Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ của thánh lễ kính nhớ thánh Cécilia trinh nữ tử đạo gợi lên những chủ đề về sự tử đạo và sự trinh khiết.

Bài đọc I (Kh 19, 5-9), với các lời: Một thiên thần nói với tôi: Hãy viết lời này: Hạnh phúc những ai được mời dự tiệc cưới Chiên Con, trình bày Chúa Kitô như là phu quân của Hội Thánh. Chết vì Chúa Kitô, tức là được dự tiệc cưới Chiên Con. Và tác giả cuốn Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce viết: “Người ta trông thấy các ngài chạy đến với cái chết như đến một bữa tiệc.”

Bài Tin Mừng (Mt 19, 3-12) ca ngợi những giá trị của bậc trinh khiết thánh hiến: … Có những người đã chọn không kết hôn vì Nước Trời…

Sách Hạnh tử đạo của thánh Cécilia– cũng là một bài thơ ca ngợi sự trinh khiết Kitô giáo – kể lại những lời thánh nữ nói vào đêm tân hôn với Valérien: “Chàng trai xinh đẹp, em tiết lộ cho anh điều này: không bàn tay phàm tục nào được chạm tới em, vì em được một thiên thần canh giữ. Nếu anh tôn trọng em, ngài sẽ yêu mến anh giống như ngài yêu em, và ơn sủng của ngài sẽ đổ xuống trên anh.” Theo truyền thống, Valérien đã cam kết tôn trọng đức đồng trinh của vợ mình, và sau khi được cải hóa theo đức tin của Célicia, “chàng cũng được về trời với nhành vạn tuế tử đạo.”

Điệp ca của Magnificat lấy cảm hứng từ sách Hạnh tử đạo của thánh nữ, hát rằng: “Thánh Cécilia mang trong lòng mình Tin Mừng Chúa Kitô; ngày đêm ngài trò chuyện với Thiên Chúa.” Sự thân mật với Lời Chúa và đồng thời với lời cầu nguyện liên tục diễn tả rõ nét đặc trưng của sự thánh thiện Kitô giáo.

Giờ Kinh Sách đề nghị suy niệm một bản văn rất hay của thánh Augustin về Tv 32: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô nhã nhạc vang lừng.”

Truyền thống đã làm cho thánh nữ Cécilia trở thành người gợi lên sự hoà điệu của âm giọng, bài hát và thánh nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc đã tôn kính ngài như thế. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã sáng lập Hàn Lâm Viện thánh Cécilia (1847). Và các ban hợp xướng mang tên “Cécilia”, xuất phát từ Ratisbone năm 1867, cũng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh nữ tử đạo này. Theo lời thánh Augustin, vì Thiên Chúa là Đấng không thể diễn tả nổi, nên bạn hãy để cho lòng bạn ca mừng mà không cần lời nói, và đừng để cho niềm vui vô biên của bạn bị giới hạn bởi những âm tiết. Hãy hát cho hay, với tiếng reo hò vui sướng.”

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây