TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/01/2024 13:23 |   577
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3,31-35)

23/01/2024
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

t3 t3 TN

Mc 3,31-35


LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3,31-35) 

Suy niệm: Trong ngày truyền tin, Thiên thần vào “nhà” Đức Ma-ri-a để xin Mẹ trở thành “người thân” của Ngôi Lời. Khi Đức Giê-su đi rao giảng, Mẹ và anh em bà con “đứng ở ngoài” chờ gặp Ngài, còn Ngài ở trong “nhà” với một đám đông vây quanh, đang lắng nghe Ngài. Vậy “Người thân của Chúa” là ai? – Đó là người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (c.35). Như thế, Đức Giê-su thiết lập một gia đình thật sự, gồm tất cả những ai tin vào Ngài. Trong gia đình thiêng liêng của Đức Giê-su, người gần gũi thân thiết nhất là Mẹ của Ngài, người đã luôn “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), rồi đến những người tin. Con Thiên Chúa đã trở nên con cái loài người để cho con người làm con Thiên Chúa, trở nên anh chị em với nhau trong đức tin. “Loài người, khi sinh ra theo tính tự nhiên thì đông vô kể, nhưng khi được tái sinh làm con Thiên Chúa, thì cùng với Đức Ki-tô, họ chỉ là một” (Chân phước Isaac).

Mời bạn: Bạn là người thân của Chúa theo nghĩa nào? Là người đã lãnh Bí tích Thánh tẩy, vẫn ‘đi lễ’, ‘xem lễ’ theo thói quen, theo bổn phận? Hay bạn là người vẫn đang lắng nghe và thi hành ý Chúa trong bổn phận làm cha mẹ, làm con cái, làm linh mục, tu sĩ? “Đức Ki-tô ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a chín tháng, trong cung điện đức tin của Hội thánh đến tận thế, còn trong tâm hồn tín hữu đầy hiểu biết và yêu mến đến muôn đời” (Chân phước Isaac).

Sống Lời Chúa: Tôi tham dự Thánh lễ và thi hành bổn phận của mình với ý thức mình là “người thân của Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con nên nghĩa thiết với Chúa và với nhau trong gia đình giáo xứ, Giáo hội. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 1-10

“Lạy Chúa, này tôi đến để làm theo thánh ý Chúa”

Bài trích thơ gửi tín hữu Do thái.

Anh em thân mến, lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật.
Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo.

Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người làm việc phượng tự này, đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình có tội nữa.

Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi.

Bởi chưng máu bò dê không thể xóa bỏ tội lỗi.

Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giê-su phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.
Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội.

Nên tôi nói: Lạy Chúa, nầy tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách.

Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”.

Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, nầy đây tôi đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 39,2 và 4ab, 7-8a, 7-9, 10, 11

Ðáp: Lạy Chúa, nầy tôi xin đến, để thực thi ý Chúa. (8a và 9a)

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên tôi, và Ngài đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai tôi. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và đền tội, bấy giờ tôi đã thưa: “Nầy tôi xin đến”.

Xướng: Như trong cuốn sách đã chép về tôi: lạy Chúa, tôi sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận lòng tôi.

Xướng: Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Tôi chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng tôi: tôi đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa, tôi đã không giấu giếm gì với Ðại Hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 6, 12b-15, 17-19

“Ða-vít và toàn dân Ít-ra-en hân hoan đi rước hòm bia Thiên Chúa”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Ða-vít hân hoan đi mang hòm bia Thiên Chúa từ nhà Ô-vết Ê-đôm về thành Ða-vít. Vua dẫn theo bảy ca đoàn và đàn bò con làm của lễ. Khi những người mang hòm bia Thiên Chúa đi được sáu bước, thì Ða-vít hiến tế một con bò và một con bê. Ngài tận lực nhảy múa trước Thiên Chúa. Ngài mang khăn vải điều ngang lưng. Ngài và toàn thể nhà Ít-ra-en mang hòm bia Thiên Chúa hân hoan và trong tiếng kèn trống. Họ rước hòm bia Thiên Chúa vào đặt giữa nhà tạm mà Ða-vít đã dựng sẵn. Rồi ngài hiến dâng của lễ toàn thiêu và của lễ bình an; ngài nhân danh Chúa các đạo binh mà chúc lành cho dân chúng, đoạn ngài phân phát cho toàn dân Israel, nam cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh mì, một miếng thịt và một chiếc bánh chiên dầu. Và toàn dân giải tán, ai về nhà nấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10

Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy? Chính Người là Thiên Chúa

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá!

Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá.

Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh.

Alleluia: Ga 15,15b

Alleluia, Alleluia. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 31-35

“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, mẹ Chúa Giê-su và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.

Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.

Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG CỦA CHÚA (Mc 3,31-35)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi”. Phải chăng câu trả lời của Đức Giê-su nhắc cho mỗi người chúng ta rằng, ngoài sợi dây theo huyết nhục còn một sợi dây cao quí hơn do lời Chúa liên kết, biến chúng ta thành anh chị em với nhau. Thật vậy, mối dây bền chặt nhất là liên hệ với Thiên Chúa bằng cách nghe và thực thi ý Ngài. Vậy mỗi người chúng ta  luôn phải tìm hiểu và sống Lời Chúa. Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta  nên thân thiện với nhau và sống trong hạnh phúc.

2. Trong lúc Đức Giê-su đang rao giảng, dân chúng đông đảo vây quanh Ngài, khiến cho mẹ và thân nhân có việc muốn gặp Ngài, nên không thể chen chân vào được.

Sự việc xảy ra sau chuyện (M 3,20-27) bà con được tin Chúa làm việc quá sức mình, quên ăn quên nghỉ; đàng khác gây nên bao nhiêu thù địch nên muốn đến bắt Ngài, đưa về nơi yên ổn, giữ sức khỏe cho Ngài, nhất là để tránh những biệt phái gây chuyện khiến thế quyền và giáo quyền có thể thi hành  quyền đối với Ngài và liên lụy cho bà con họ hàng.

Lần này có sự hiện diện của Đức Mẹ cùng với bà con muốn đến gặp Đức Giê-su, khi Ngài đang giảng dạy ở Ca-phác-num, và có đông đảo dân chúng đến nghe. Sự việc này nói lên tính cách liên đới ruột thịt máu mủ giữa những phần tử trong gia đình và trong họ hàng.

3. “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi” (Mc 3,33)?

Câu nói của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là khi bắt đầu đời công khai, Đức Giê-su đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Đức Giê-su không ra gặp mẹ, mà còn nói: Ai là mẹ Ta, ai là anh em TaChính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta”.

Thật ra, qua câu nói này, Đức Giê-su gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Đức Giê-su, con của Mẹ. Như thế câu nói của Đức Giê-su cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.

4. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ Ta” (Mc 3,35).

Đối với bản thân mình, Đức Giê-su coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.

Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ và tự hỏi mình: bản thân tôi là Ki-tô hữu, tôi đã thuộc về Đức Ki-tô chưa. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Ngài. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Ngài như thế.

Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho Lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Đức Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Ngài.

Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn; mong cho cuộc sống được “sung túc”.

Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Ngài, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata).

5. Truyện: Thực hành Lời Chúa.

Trong Chúa nhật đầu tiên tại một giáo xứ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích, sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói: “Phun châu nhả ngọc”.

Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế vào Chúa nhật kế tiếp, nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các Chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chờ đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha xứ lại giảng một bài gần giống như bài giảng Chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong Thánh lễ Chúa nhật thứ 3, thứ 4, kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.

Hội đồng giáo xứ liền cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao mà ngài lại cứ giảng đi giảng lại một bài giảng hoài như vậy? Cha xứ bèn trả lời:

– Tại sao anh chị em vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần trước. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bầy tôi sẽ giảng bài giảng mới.

QUAN HỆ TỐI THƯỢNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

“Tôi đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho gia đình. Còn một điều tôi ước có thể mang lại cho họ nữa; đó là niềm tin vào Chúa Kitô! Nếu họ có Ngài, và tôi không có gì để cho họ, dù chỉ một xu, thì họ vẫn đã giàu rồi. Còn nếu họ không biết Chúa Kitô, không có Ngài, và tôi cho họ cả thế giới, họ thực sự vẫn nghèo!” - Patrick Henry.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy tầm quan trọng của việc “biết và có” Chúa Kitô của Patrick Henry. Chúa Giêsu chỉ ra mối ‘quan hệ tối thượng’ của chúng ta vốn cao hơn mọi mối quan hệ huyết thống. Đó là mối quan hệ với Thiên Chúa và những ai thuộc về Ngài.

Chúa muốn mối quan hệ của chúng ta thế nào? Trước hết, đó là mối quan hệ của sự tin cậy, tình yêu, sự cam kết, lòng trung thành, sự thuỷ chung, lòng tốt, sự chu đáo, lòng trắc ẩn, thương xót, sự giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ, sức mạnh, sự bảo vệ và rất nhiều phẩm chất khác gắn kết mọi người lại với nhau. Và còn hơn thế, Thiên Chúa mời chúng ta đi vào mối ‘quan hệ tối thượng’ với Ngài - sự kết hợp của trái tim, khối óc và tinh thần với chính Ngài, tác giả và là nguồn cội của tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu! Tình yêu Ngài không bao giờ thất bại, không bao giờ quên, không bao giờ thoả hiệp, không bao giờ dối trá, không bao giờ làm ai thất vọng. Nó nhất quán, không lay chuyển, vô điều kiện và không gì có thể cản ngăn. Bạn có thể chọn lìa xa Thiên Chúa, nhưng không gì khiến Ngài bỏ rơi hoặc xử tệ với bạn. Ngài đeo đuổi, yêu thương đến cùng, kêu gọi chúng ta quay về bất chấp mọi lực cản. Bản chất của Ngài là yêu! Đó là lý do Ngài tạo dựng chúng ta nên giống hình ảnh Ngài - để kết hợp và chia sẻ tình yêu của cộng đồng Ba Ngôi - Cha, Con và Thánh Thần. Ngài muốn tất cả mọi quan hệ bắt nguồn từ ‘quan hệ tối thượng’ - tình yêu vô cùng của chính Ngài.

Xuống thế làm người, Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, cống hiến cho chúng ta mối quan hệ cá nhân với chính Ngài. Ngài là mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên; người cha mong đứa con hư trở về. Ngài hiến mình trên thập giá để chúng ta được thứ tha và phục hồi địa vị làm con và tình bạn với Thiên Chúa. Chính nhờ Ngài, chúng ta trở nên con trai con gái của Chúa Cha. Đó là lý do tại sao Ngài nói với các môn đệ, “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”. Một vị tử đạo đã nói, “Người thân duy nhất của một Kitô hữu là các thánh!” - tức là những người đã được cứu chuộc bằng máu của Chúa Kitô, được nhận làm con cái Thiên Chúa. Như vậy, những ai được rửa tội trong Chúa Kitô và sống như môn đệ Ngài sẽ bước vào một gia đình mới, một gia đình gồm các ‘thánh’ ở trần gian và các thánh trên trời. Chúa Giêsu thay đổi trật tự các quan hệ và chỉ ra rằng, quan hệ thực sự không chỉ là vấn đề máu huyết, mà còn hơn thế: trở nên con cái Chúa. Và điều này biến đổi tất cả các mối quan hệ, đòi hỏi một trật tự mới về lòng trung thành với Thiên Chúa, với Vương Quốc công chính và bình an của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘thừa tiền’ mà ‘thiếu Chúa’; như thế, con mãi nghèo. Cho con ‘dư Chúa’ dù phải ‘hụt tiền’; vì dẫu vậy, con vẫn luôn luôn giàu!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây