TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/01/2024 13:05 |   707
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,1-9)

26/01/2024
THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Timôthê và Titô, giám mục

t6 t3 TN

Lc 10,1-9


VƯƠNG QUỐC NƯỚC TRỜI
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,1-9)

Suy niệm: Khi truyền lệnh cho các môn đệ ra đi truyền giáo: Anh em hãy ra đi,” Chúa Giê-su không che giấu vô vàn khó khăn, thách đố đang chờ các ông. Đứng trước khó khăn, thách đố ấy, các môn đệ như con chiên giữa sói rừng. Tựa con chiên luôn hiền hòa, người môn đệ cũng cư xử khoan dung, nhân hậu, thậm chí yêu thương cả thù địch, chứ không đòi trả đũa như Gia-cô-bê và Gio-an đối với người Sa-ma-ri (x. Lc 9,54). Đến với tha nhân, chúng ta phải mang lấy hình ảnh của Đức Giê-su: con chiên hiền lành bị đem đến lò sát sinh (x. Is 53,7). Tính cách dễ mến, dễ gần và vô hại của con chiên mới có thể thuyết phục, lôi cuốn người khác quan tâm đến những giá trị Nước Trời. Nhân loại hôm nay cần lắm những môn đệ mang mùi chiên, hơn là mùi sói, đón nhận bách hại mà không ‘kêu một tiếng’ như chính Thầy mình, Chiên Thiên Chúa xóa bỏ tội trần gian.

Mời Bạn: Tâm lý tự nhiên của con người là luôn muốn hơn người khác. Nhưng người môn đệ Đức Giê-su thì ngược lại, luôn để kẻ khác hơn mình. Họ sống theo những giá trị Nước Trời của Tin Mừng, chứ không theo thói đời. Bạn có can đảm sống những giá trị đó hay sợ bị ‘sói đời nuốt chửng,’ chùn bước trước mệnh lệnh “Anh em hãy ra đi”?

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ với nhóm những chống đối, cười chê, mệt nhọc… khi sống những đòi hỏi của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm ‘ơn Ta luôn đủ cho con’ (2 Cr 12,9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho mọi người Ki-tô hữu, để chúng con thực hành lệnh truyền ‘ra đi’, đem những giá trị Nước Trời đến cho anh chị em chúng con. Amen.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I(Năm I) Dt 10, 32-39

“Anh em đừng mất lòng kiên nhẫn”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước, khi anh em vừa lãnh nhận ánh sáng, anh em đã đương đầu với bao nhiêu trận đau khổ lớn lao. Khi thì anh em bị công khai sỉ nhục và hoạn nạn, khi thì anh em phải liên đới với những kẻ chịu những sự đối xử như thế. Vì chưng, anh em đã cùng chịu số phận của những tù nhân, anh em đã vui mừng chấp nhận người ta tước đoạt của cải, vì anh em biết rằng mình có của cải tốt hơn và bền vững. Vậy anh em đừng bỏ mất lòng tin tưởng của anh em, đáng được thưởng công bội hậu. Anh em cần phải kiên nhẫn, để khi làm tròn thánh ý Chúa, anh em được lãnh nhận điều Chúa hứa. Vì chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, Ðấng phải đến sẽ đến, và Người sẽ không trì hoãn. “Còn kẻ công chính của Ta thì sống theo đức tin. Nhưng nếu người đó tháo lui, thì sẽ không làm đẹp lòng Ta”. Còn chúng ta, chúng ta không thuộc hạng người tháo lui mà hư mất, nhưng chúng ta là con cái đức tin để cứu thoát linh hồn chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 5-6. 23-24. 39-40

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. 

Xướng: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động, Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ.

Xướng: Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối họ đi. Dầu có ngã, họ sẽ không nằm gục, vì Chúa sẽ nâng đỡ tay họ. 

Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 11, 1-4a. 5-10b. 13-17

“Ngươi đã khinh dể Ta và đã cướp vợ Uria làm vợ mình”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Khi ấy, sang năm mới, là lúc các vua thường ra trận, thì Ða-vít sai Giô-áp, các tôi tớ của vua và toàn dân Ít-ra-en đi tiêu diệt dân Am-mon và bao vây Ráp-ba. Còn Ða-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem. Khi chiến tranh đang diễn tiến, thì một bữa trưa nọ, Ða-vít ra khỏi giường ngủ, đi bách bộ trên sân thượng nhà vua, liền nhìn thấy một phụ nữ đang tắm trên sân thượng nhà bà. Bà rất xinh đẹp. Vậy vua sai dò hỏi người phụ nữ đó là ai. Người ta thưa đó là bà Bát Se-va, con ông Ê-li-am, vợ U-ri-a người Khết. Ða-vít sai cận vệ đi tìm bà. Khi trở về nhà, bà mang thai, nên sai người báo tin cho Ða-vít mà rằng: “Tôi đã có thai”.

Vậy Ða-vít sai người đến nói với Giô-áp rằng: “Hãy sai tướng U-ri-a người Khết về đây cho trẫm”. Giô-áp sai U-ri-a về gặp Ða-vít, và U-ri-a đến gặp Ða-vít. Ða-vít hỏi thăm tin tức về Giô-áp, quân sĩ, và trận chiến diễn tiến thế nào. Rồi Ða-vít nói cùng U-ri-a: “Ngươi hãy về nhà rửa chân đi”. U-ri-a rời khỏi hoàng cung, và người ta mang cho ông một phần ăn của nhà vua, nhưng U-ri-a cùng các cận vệ nằm ngủ ngay trước cửa nhà vua chứ không về nhà. Người ta đi báo tin cho Ða-vít hay “U-ri-a không đi về nhà”. Ða-vít mời ông ăn uống trước mặt mình và ép uống rượu cho say. Ðến chiều U-ri-a đi ra cùng với các cận vệ ngủ trên chõng, chớ không về nhà. Sáng hôm sau, Ða-vít viết một lá thư gởi cho Giô-áp và sai U-ri-a mang đi. Trong thư, ngài viết như sau: “Hãy đặt U-ri-a vào nơi giao tranh gay cấn nhất, rồi bỏ mặc hắn, để hắn bị đánh cho chết”. Vậy khi Giô-áp bao vây thành, liền cử U-ri-a đến địa điểm mà ông biết có những quân địch mạnh nhất. Quân trong thành kéo ra nghinh chiến với Giô-áp, nhiều quân sĩ của Ða-vít ngã gục, và cả U-ri-a người Khết cũng tử trận.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 6bc-7. 10-11

Ðáp: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con đã phạm tội (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. 

Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.

Xướng: Con thi hành điều ác trước thiên nhan, hầu tỏ ra Chúa công bình khi phê phán. Này coi, con đã chào đời trong ô uế, và trong tội, mẹ đã hoài thai con. 

Xướng: Xin cho con cảm thấy vui mừng hoan hỉ, cho xương bị Chúa đập hớn hở reo lên. Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xóa mọi điều gian ác của con.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 26-34

“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN HẠT CẢI (Mc 4, 26-34)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay Đức Giê-su đưa ra hai dụ ngôn để nói về Nước Trời. Chúa ví Nước Trời như hạt giống được gieo xuống đất. Nó tự mọc lên rồi trổ bông sinh trái, người gieo giống không hay biết gì hết. Còn dụ ngôn hạt cải nói lên sức phát triển mạnh mẽ của nó. Hạt cải là loại hạt nhỏ bé nhất trong các hạt giống nhưng khi nó mọc lên nó sẽ thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn dưới bóng nó được. Đức Giê-su dùng hai dụ ngôn này để ví với Hội thánh. Lúc đầu chỉ có ít người tin theo, nhưng dần dần, Hội thánh sẽ lan rộng khắp nơi, làm chốn nương tựa cho mọi người được hạnh phúc và được rỗi.

2. Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nảy sinh thành cây, rồi thành bông trái. Như người dân Pa-lét-ti-na, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Đức Giê-su cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Đức Giê-su chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tột độ, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

3. Đức Giê-su sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Chúng ta nên nhớ: cây cải ở xứ Pa-lét-ti-na khác với cây cải ở xứ ta. Ở Pa-lét-ti-na hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.

Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết: Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”.

Ví dụ này của Đức Giê-su không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế, Đức Giê-su mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.

4. Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn.

Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của Mác-cô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mê-si-a.  Cho đến lúc này, hành vi của Đức Giê-su có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Ki-tô hữu ở Rô-ma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình  đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

5. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta hãy tin tưởng vào sức phát triển của Nước Thiên Chúa. Nước Chúa vẫn âm thầm phát triển, nhưng Chúa cũng cần chúng ta góp phần vào, dù ít dù nhiều như thánh Phao-lô đã nói: Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như thánh Phao-lô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

6. Truyện: Giải đáp ba thắc mắc.

Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi:

– Anh em có thắc mắc gì không?

Một người đưa tay đặt câu hỏi:

– Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không?

– Có.

Câu hỏi thứ hai: các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?

– Có.

Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?

– Có.

– Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả đây.

Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:

Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không?

– Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.

Giáo hội Nhật Bản đã tái sinh.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Timôthê và Titô, giám mục

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta sẽ chọn cho Ta một vị tư tế trung thành, người sẽ hành động theo lòng Ta ước muốn, và theo thánh ý Ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô, những đức tính xứng bậc tông đồ. Xin nhận lời các thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban cho chúng con khi còn ở đời này biết sống ngay lành và thánh thiện, hầu xứng đáng đạt tới quê trời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Tm 1, 1-8

“Nhớ lại đức tin trung thành của con”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cha cảm tạ ơn Chúa, Ðấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Tt 1, 1-5

“Gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Phaolô, đầy tớ của Thiên Chúa, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, theo đức tin của những người được Chúa chọn, và sự hiểu biết chân lý theo lòng đạo đức, trong hy vọng được sống đời đời mà Thiên Chúa là Ðấng không lừa dối, đã hứa từ muôn đời; và khi đến giờ đã định, Người bày tỏ lời Người qua việc rao giảng mà Người đã giao phó cho cha theo lệnh của Thiên Chúa Ðấng Cứu độ chúng ta: gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin. Nguyện chúc cho con được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ chúng ta. Ðây là lý do cha để con ở lại Crêta, là để con tổ chức cho xong xuôi tất cả, và thiết lập hàng niên trưởng trong mỗi thành phố, như cha đã truyền dạy cho con.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng: Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.

Xướng: Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Alleluia: Mt 23, 9a. 10b

Alleluia, alleluia! – “Các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi chỉ có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con hiệp thông vào bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con nhờ đó đạt tới niềm vui bất tận với thánh hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô, người đã quản lý các mầu nhiệm cứu độ như tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bình an của Đức Giêsu Kitô
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong bài phúc âm hôm nay, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu đã truyền cho các ngài: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Sự bình an ở đây không có nghĩa chỉ là sự bình yên, không có xung đột, hay không xảy ra hoạn nạn, không có gì nguy hiểm… nhưng đó là bình an của Chúa. Thuật ngữ bình an trong truyền thống Kinh Thánh muốn nói đến tất cả những điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban cho dân người và những điều này sẽ được thực hiện nơi Đấng Messia (x. Is 9, 6). Bình an được dùng để diễn tả lời hứa của một cuộc sống mới và viên mãn mà thế gian này không thể mang lại được. Chúa Giêsu đến trần gian để cứu loài người khỏi tội lỗi và ban cho loài người được tham dự vào hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Người là sự sống mới mà Thiên Chúa hứa ban. Như vậy, chính Người là bình an cho các môn đệ và cho mỗi chúng ta. Ở đâu có Chúa, ở đó chan chứa niềm vui và bình an.

Thế giới ngày hôm nay, còn rất nhiều người chưa được biết Đức Giêsu Kitô. Cánh đồng truyền giáo vẫn còn rộng mênh mông trước mắt những người đi rao giảng. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở nên những thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Và trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta đều nghe lời chúc của vị chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Đây không chỉ là lời chào kết thúc để giải tán cộng đoàn nhưng còn là lời sai đi của Chúa giành cho mỗi người tín hữu chúng ta. Chúng ta đã được gặp Đức Giêsu qua bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã nhận được bình an của Người và vì thế, chúng ta được mời gọi ra đi để mang Chúa và bình an cho những anh chị em xung quanh. Với tất cả nhiệt huyết của người môn đệ Đức Giêsu Kitô, mỗi chúng ta hãy lên đường để đi đến với mọi nhà và mang cho họ lời chúc của Người: “Bình an cho nhà này”. Chắc chắn Chúa sẽ ở bên trợ giúp và trả công bội hậu cho những cố gắng của chúng ta.

 

Nước Chúa ở đâu? Cách nào?

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (Lc 10,9)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu căn dặn các ông hãy loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nước ấy “đã đến gần” thì phải đi tìm nước ấy ở đâu và như thế nào? Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy: 1/ Nước Thiên Chúa đã và đang đến trong lời rao giảng của các môn đệ, khi các môn đệ vào từng “thành” từng “nhà” với lời chúc bình an. 2/ Tìm Nước Thiên Chúa bằng cách đón nhận những sứ giả Tin Mừng cùng với lời loan báo bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.”

Mời Bạn: Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bạn không còn có thể sống trong một giáo xứ “toàn tòng.” Có khi nhà bạn đang đơn độc giữa bao nóc nhà không cùng tôn giáo, quan điểm với bạn. Dù vẫn biết rằng việc loan báo là rất khó khăn, vì sẽ có những “nhà” từ khước lời rao giảng, nhưng nói thực, bạn đã bắt đầu rao giảng chưa? Và bạn đã làm gì để rao giảng? Bạn nhớ Nước Thiên Chúa bắt đầu hiện diện khi bạn trở thành dấu chỉ của sự bình an, và bạn thực sự rao giảng Nước Thiên Chúa mỗi khi vào nhà nào mà bạn đem “bình an đến cho nhà này!”

Sống Lời Chúa: Kinh nghiệm cho biết kinh nguyện+Lời Chúa sớm hôm tại gia sẽ cung cấp sức mạnh cho việc sống đức tin và loan Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. Mời bạn thực hiện điều đó trong gia đình, cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Chúa để đem Tin Mừng đến với mọi người chúng con gặp gỡ.

Này con đây, xin hãy sai con!

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)

Suy niệm: Nhiều năm qua, người ở nông thôn ồ ạt di dân lên thành thị, việc thiếu thợ gặt trong ngày mùa đang là một thực tế nan giải tại nhiều nơi. Là người tâm huyết với cây lúa, nhìn những cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt, lại chưa có người gặt, ai lại chẳng băn khoăn. Song băn khoăn không phải chỉ để băn khoăn, nhưng là để đi đến một hành động. Chúa Giêsu cũng băn khoăn trước vụ mùa thiêng liêng đang thiếu thợ gặt và Ngài kêu gọi hành động: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Sao thế? Sao lại có cơ chế “xin-cho” ở đây? Đó là việc của chủ ruộng, “mắc mớ” gì mà tôi phải xin? Đúng vậy! Chủ mùa mới có quyền sai thợ gặt ra đi. Nhưng hãy xin! Vì tôi được mời gọi chia sẻ mối băn khoăn của Chúa. Nhưng liệu tôi có sẵn lòng để cho Chúa là chủ mùa gặt sai tôi đi không?

Mời Bạn: Ngày nay công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội vẫn đang cần rất nhiều con người biết quảng đại dấn thân. Hơn ai hết, và hơn lúc nào hết, chính bạn và tôi đang được mời gọi để cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng cao quý này. Chúng ta hãy để Chúa sai đi, và thưa với Ngài: Này con đây, xin hãy sai con!

Chia sẻ: Truyền giáo là căn tính của người Kitô hữu. Vậy bạn đã sống đúng căn tính của mình chưa? Xin chia sẻ một minh họa cụ thể.

Sống Lời Chúa: Ra đi đến với một người hàng xóm với tất cả lòng yêu thương chân thành và sẵn sàng giúp đỡ họ. Để qua ta, người khác nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…”


KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế


“Tất cả do ý muốn của Thiên Chúa!”.

Trong “Comme Des Cœurs Brûlants”, “Như Những Con Tim Cháy Bỏng”, A. Vidot tiết lộ lý do cải đạo của cô. “20 tuổi, tôi, sinh viên cần tĩnh lặng. Mua lại “phiếu đi nghỉ” tại một tu viện trên núi. Tôi điện thoại báo trước, tôi không đến để cầu nguyện; tôi chưa rửa tội. Họ nói, “Chúng tôi chờ cô!”. Ngay tối đầu tiên, sự quan tâm lắng nghe nhân ái của một nữ tu làm tôi bồi hồi. Nhưng động cơ thực sự là tôi nhận ra tình yêu của Chúa, một tình yêu duy nhất, đặc biệt. Bênêđictô 16 nói, “Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta hiện hữu như một sản phẩm vô nghĩa của một quá trình tiến hoá. Mỗi chúng ta được mong đợi, được yêu thương, mỗi chúng ta là cần thiết!”. Tôi cảm nhận điều này đến tận xương tuỷ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà Giáo Hội mừng kính Timôthê và Titô ngay sau ngày kính thánh Phaolô; ‘không phải ngẫu nhiên’ mà hai người được chọn làm cộng sự viên của ngài; và càng ‘không phải ngẫu nhiên’ khi người đi gieo lại gieo được hạt vào đất tốt như Tin Mừng hôm nay đề cập. Vì lẽ, “Tất cả do ý muốn của Thiên Chúa” như khẳng định của Phaolô - khởi đầu bài đọc một.
Timôthê và Titô được gọi là “sứ đồ của Sứ Đồ”. Quả vậy, trong buổi đầu ân sủng, các tông đồ đã xới được những rãnh sâu đầu tiên tại các vùng đất dân ngoại, gieo vào đó những hạt mầm mà những người đi sau sẽ tưới tẩm, vun xới và thu hoạch. Đó là những Kitô hữu có một nền giáo dục tốt, “Cha hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của con, lòng tin đã có nơi Lôít, bà ngoại con; nơi Êunikê, mẹ con, cũng như nơi con”.

Như vậy, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà Phaolô chọn Timôthê và Titô; cũng ‘không phải ngẫu nhiên’ Lôít và Êunikê được chúng ta, những người đọc thư này, tưởng nhớ. Hãy mơ về những gì Phaolô sẽ kể nếu ngài viết thư cho con cháu chúng ta và những ai Chúa trao vào tay chúng ta! Hãy là những người ‘tốt lành’ sẽ được “Kể cho muôn dân”, cho các thế hệ như Thánh Vịnh đáp ca nói đến. Với bài Tin Mừng, ‘không phải ngẫu nhiên’ Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai từng hai người đi trước Ngài vào các thành. Cũng ‘không phải ngẫu nhiên’ mà những người này được gọi, những người khác thì không!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tất cả do ý muốn của Thiên Chúa!”. Vidot còn nhắc lại lời của Bênêđictô 16, “Gốc ngọn của sự kiện chúng ta là Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một ý tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ cá vị với Đấng mang cho cuộc sống bạn một chân trời mới! Và đó là một định hướng quyết định cho cuộc sống!”. Đích thực đây là điều Vidot đã sống! Cũng thế, Timôthê, Titô có mặt trên đời, làm Giám mục, không phải chỉ do Phaolô đặt tay hoặc do bà ngoại, người mẹ, hay một ai sắp đặt; nhưng “do ý muốn của Thiên Chúa”. Cũng thế, nhờ Chúa Kitô, chúng ta được yêu thương, được chọn gọi bởi Thiên Chúa, dẫu Ngài luôn ẩn mình. Vấn đề là bạn và tôi biết giữ cho mình một tâm hồn lặng đủ để nghe Ngài. Chỉ khi mối tương quan với Ngài trở nên sâu sắc, chúng ta mới đủ sức tin tưởng, phó thác và mềm mỏng thực hiện ý muốn yêu thương ngàn đời của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà giờ này con đang ở đây với những gì con có, những gì con là. Đừng để con làm Chúa thất vọng!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây