TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/01/2024 13:30 |   665
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,... sỏi đá,... bụi gai,... đất tốt...” (Mc 4,1-20)

24/01/2024
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t4 t3 TN

Mc 4,1-20


HÃY GIEO CÁCH HÀO PHÓNG
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,... sỏi đá,... bụi gai,... đất tốt...” (Mc 4,1-20)

Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lestine hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống, mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh ‘đất tốt’ để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Nhưng các môn đệ của Ngài không được bó tay, mà phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân, phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).

Mời Bạn: Lòng người dù có là sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo đất. Các thánh Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê vốn là “sỏi đá” đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu!

Sống Lời Chúa: Việt Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì hoãn nữa, nhưng hãy gieo cách hào phóng bằng chính sinh hoạt thường ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đón nhận con làm người gieo Tin Mừng. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 10, 11-18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời”

Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người.

Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.

Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế.

Vì sau khi Chúa đã phán: “Này là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy”, thì Người còn thêm: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa”.

Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 88, 4-5, 27-28, 29-30

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái. (29)

Xướng: Ta sẽ ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ða-vít là tôi tớ Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của tôi”. và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

Xướng: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 7, 4-17

“Ta sẽ cho con của ngươi kế vị, và bảo đảm triều đại ngươi”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Na-than lời này rằng: “Hãy đi và nói với Ða-vít tôi tớ Ta rằng: Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng? Vì từ ngày Ta dẫn dắt con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, Ta không ở trong nhà, nhưng Ta di chuyển trong nhà tạm và trong trại. Khắp mọi nơi Ta đi qua với con cái Ít-ra-en, có khi nào Ta nói cùng một trong các chi họ Ít-ra-en mà Ta truyền dạy chăn dắt Ít-ra-en dân Ta rằng: “Tại sao không xây cất cho Ta một ngôi nhà bằng cây hương nam?”

Giờ đây, ngươi hãy nói cùng Ða-vít tôi tớ Ta rằng: “Chúa các đạo binh phán thế này: Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Ít-ra-en dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt để một nơi cho Ít-ra-en dân Ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Ít-ra-en dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một ngôi nhà. Ðến khi qua đời, ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó Ta sẽ cho con của ngươi kế vị và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người sẽ xây dựng cho danh Ta một ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn tại đến muôn đời. Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta. Nếu người có phạm lỗi, Ta sẽ sửa trị người bằng roi người lớn và bằng tai hoạ con cái loài người. Nhưng Ta sẽ không cất khỏi người lòng từ bi của Ta, như Ta đã xử với Sao-lê, kẻ đã bị Ta khai trừ khỏi mặt Ta. Và nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi!” Na-than đã thuật lại cho Ða-vít tất cả những lời và thị kiến này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 4-5. 27-28. 29-30

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái.

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ða-vít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

Xướng: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

Alleluia: 1Sam 3,9

Alleluia, Alleluia. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4,1-20

“Người gieo hạt đi gieo hạt giống”

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:

“Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống.

Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.

Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.

Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.

Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô.

Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được.

Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.

Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”.

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:

“Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.

Người nói với các ông:

“Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?

Người gieo hạt là gieo lời Chúa.

Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Sa-tan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.

Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.

Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.

Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.

Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.

Ðó là Lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (Mc 4,1-20)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Khi nói đến những vấn đề trừu tượng khó hiểu như Nước Trời chẳng hạn, Đức Giê-su hay dụng dụ ngôn để diễn tả những ý tưởng đó. Dụ ngôn người gieo giống trong đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy những thái độ và hiệu quả của việc đón nhận Lời Chúa khác nhau. Cũng vậy, Tin Mừng được gieo vào lòng chúng ta, thế nhưng mảnh đất tâm hồn chúng ta thế nào? Mảnh đất của chúng ta có điều kiện để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả; hay là mảnh đất khô cằn, chai cứng?

2. Để dễ hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần lưu ý: cách gieo giống của người Do-thái thời Đức Giê-su khác với cách gieo giống của ta ngày hôm nay:

–  Vì còn lạc hậu nên đất chia ra làm nhiều mảnh vụn. Ranh giới giữa các mảnh ruộng thường dùng làm đường đi nên khi gieo có nhiều hạt vương trên bờ.

– Vì vùng đất hoang khô cằn, nên mảnh ruộng có nhiều sỏi đá, và cây gai vì thế khi gieo có những hạt rơi trên sỏi đá và hạt chen vào bụi gai.

– Ngoài ra, cũng có những vùng đất tốt được phân làm nhiều loại và năng suất của mỗi loại đất cũng khác nhau.

3. Thực ra, các môn đệ cũng chưa hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn này, nên lúc còn một mình Chúa với các môn đệ, Ngài giải thích thêm cho các ông: người đi gieo là kẻ giảng lời Chúa. Hạt rơi bên dường chỉ ngươi nghe rồi bị ma quỉ cướp mất. Hạt rơi trên sỏi đá chỉ kẻ nghe thì vui nhận, nhưng vì thiếu kiên nhẫn khi bị gian nan thử thách thì bỏ qua. Hạt rơi trong gai góc là hạng người nghe lời giảng thì vâng giữ, nhưng vì ham mê danh vọng của cải thế gian nên Lời Chúa cũng bị chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt là những người nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng rồi chịu khó đưa ra thực hành trong đời sống hằng ngày, nên sinh bông trái là phần rỗi linh hồn.

4. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai. Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quí cùng những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thâm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

5. Tuy thế, lòng người dù có sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cầy xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo được. Chẳng hạn các vị thánh như Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu.

6. Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Đấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

7. Truyện: Lời Chúa biến đổi tâm hồn.                    

Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ đã trở lại Ki-tô giáo. Được Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn, Đức tin cũng như lòng mến Chúa chân thành của bác ngày càng trở nên mạnh mẽ, mạnh đến độ gặp ai, ở chỗ nào bác cũng sốt sắng nói về Chúa cho người ta nghe.

Một hôm, có một người vô thần đến gặp bác, với ý định đặt một số câu hỏi để dằn mặt bác để bác khỏi đi rao giảng về Đức Ki-tô.

Người vô thần hỏi:

– Ông có biết Đức Ki-tô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?

Bác nông phu trả lời:

– Ngày 25 tháng 12.

Người vô thần nhún vai, trợn mắt, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:

– Thế ông có biết Đức Ki-tô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?

Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời:     

– Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Ki-tô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.

Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:

– Tôi không biết nhiều về Đức Ki-tô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, không bao giờ tôi thấy vợ tôi nở một nụ cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tính xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Ki-tô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Ki-tô, cũng đã là quá nhiều rồi.

LUÔN LUÔN GIEO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Người gieo giống đi ra gieo giống”.

Vào thập niên 1930, một du khách thám hiểm dãy Alpes, anh đến một dải đất trọc, rộng mênh mông. Bỗng anh sững sờ, vì giữa vùng đất cằn cỗi ấy, một cụ già đang lom khom với một ống sắt dài; ông dùng ống sắt đâm xuống làm thành những chiếc lỗ. Đoạn bốc ra từ chiếc túi những hạt nhỏ, ông gieo vào mỗi lỗ một hạt. Ông nói, “Tôi đã trồng hơn 100 ngàn hạt sồi. Có lẽ chỉ một phần mười sẽ mọc lên”. 20 năm sau, du khách kia về lại vùng đất hoang. Không thể tin được, một rừng sồi xinh đẹp trải dài hàng chục dặm!

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện cụ già trồng rừng đưa chúng ta về dụ ngôn “Người Gieo Giống” của Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn này rất thời sự. Chúa Giêsu ‘luôn luôn gieo’ Lời!

Rất nhiều người ngày nay lắng nghe Chúa Kitô qua vị đại diện của Ngài là Đức Giáo Hoàng, các thừa tác viên và các giáo dân nam nữ trung thành. Có một ‘cơn đói Giêsu’ trong thế giới ngày nay! Chưa bao giờ Giáo Hội lại mang ‘tính công giáo’ như vậy; những người nam nữ thuộc mọi chủng tộc và màu da đều tìm được sự che chở dưới đôi cánh của Giáo Hội. Chúa Kitô sai chúng ta đi khắp thế giới để gieo Lời, ‘luôn luôn gieo’, bất chấp những bóng tối của bức tranh toàn cảnh.

Biển, thuyền, bờ được thay thế bằng những địa điểm, những màn hình lớn nhỏ và các phương tiện truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, Chúa Kitô hôm nay không khác hôm qua. Con người và sự thôi thúc ‘học cách yêu’ cũng không thay đổi. Ngay cả ngày nay, nhiều người tiếp nhận và hiểu Lời một cách trực tiếp hơn, nhờ ân sủng và sự thôi thúc của Thánh Thần… Đó là một mầu nhiệm! Dẫu thế, rất nhiều người cần được giải thích thêm, những giải thích mang tính cứu độ và có chủ ý hơn về mầu nhiệm Mặc Khải!

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Chúa Kitô vẫn chờ đợi hoa trái thánh thiện nơi mỗi Kitô hữu. Chúa Thánh Thần sẵn sàng giúp đỡ, ban ơn nhưng nếu không có sự hợp tác cá nhân của bạn và tôi với ý thức ‘luôn luôn gieo’ Lời ở bất cứ hoàn cảnh nào, thì thế giới vẫn luôn cồn cào vì ‘cơn đói Giêsu!’. Bởi thế, trước hết, cần có sự bền bỉ. Vì lẽ, nếu chúng ta phản ứng nửa vời, hoặc nếu bạn và tôi vẫn đứng ‘bên lề’ con đường Giêsu mà không đi vào đó, chúng ta sẽ dễ trở thành những con mồi cho quỷ dữ.

Thứ đến, hãy kiên trì cầu nguyện để hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô ngày một sâu sắc hơn. Thánh Josemaria Escrivà nói, “Thánh mà không cầu nguyện? Tôi không tin sự thánh thiện này!”. Cuối cùng, tinh thần nghèo khó và quên mình là điều không thể thiếu đối với một môn đệ Kitô. Sự giàu có sẽ ngăn cản chúng ta, khiến chúng ta ‘nghẹt thở’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người gieo giống đi ra gieo giống”. Để có thể ‘luôn luôn gieo’, trước hết, tâm hồn chúng ta phải luôn thao thức và cần được chăm sóc. “Việc chăm sóc tâm hồn tựa hồ việc xới đất: nhổ cái ác, trồng cái thiện; bứng tróc niềm kiêu hãnh từ gốc rễ, vun quén sự khiêm nhường; vứt bỏ mọi tham lam và giữ lấy lòng thương xót; khinh thường sự ô uế và yêu thích sự trong trắng!” - Thánh Caesarius Arles. Một yếu tố cần thiết khác là biết chờ đợi, “Gieo là một cử chỉ tin tưởng và hy vọng; nhưng sau đó, bạn và tôi phải bước vào thời gian chờ đợi. Vì rằng, việc mọc lên là công việc của Chúa!” - Bênêđictô XVI.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ dùng con như khí cụ bình an của Lời. Ngày nào con ngưng thở, ngày ấy con ngừng gieo!”, Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Phan-xi-cô đờ Xan, giám mục, biết trở nên tất cả để hòa mình với mọi người hầu muôn dân được ơn cứu độ. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại biết hết lòng phục vụ anh em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc 

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ cứu độ chúng con dâng; vì của lễ này, xin lấy lửa yêu mến của Thánh Thần đốt nóng tâm hồn chúng con, như xưa Chúa đã dùng ngọn lửa ấy thiêu đốt tâm hồn rất hiền hậu của Thánh Phan-xi-cô. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ bí tích chúng con vừa lãnh nhận, xin cho chúng con ở đời này sống hiền lành và bác ái như Thánh Phan-xi-cô, để mai sau được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Francois de Sales là một trong các tác giả nổi tiếng về văn chương linh đạo của tiếng Pháp, một nhân vật đặc biệt của Kitô giáo thời mới. Con người tỉnh Savoie sống giữa hai thế kỷ nhiễu nhương, thế kỷ XVI và XVII, mang đặc điểm của việc chống nhóm Tin Lành. Ngày lễ rơi vào 24.01, ngày kỷ niệm việc rước di hài ngài về Annecy, nơi ngài đã sống một thời gian dài.

Là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con, Francois-Bonaventure de Boisy sinh tại Savoie vào năm 1567 và nhận thêm tên de Sales của nơi sinh, trong lâu đài De Sales, gần Thorens. Ngài lên Paris và học trong trường các cha Dòng Tên (1578-1588); vào khoảng 19 tuổi, ngài bị thử thách về hy vọng, luôn khoắc khoải với câu hỏi: “Tôi được tuyển chọn hay bị kết án đời đời?” Và ngài đã chiến thắng khi học được sự hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa: “Ý muốn của Chúa có thế nào trên con, con cũng sẽ yêu mến Chúa trong suốt cuộc đời này”. Sau Paris, ngài còn học luật 3 năm tại đại học Padoue (1588-1591), ra trường với cấp bằng cao nhất. Trở về quê hương, ngài nổi tiếng ; nhưng vị luật sư trẻ tuổi này đã đáp lại danh vọng bằng một lời cầu xin khiêm tốn nơi giám mục Boisy: “Thưa cha, cha có vui lòng đón nhận con làm giáo sĩ hay không?”

Thụ phong linh mục vào năm 1593, lúc 26 tuổi, ngài nhận nhiệm vụ tế nhị trong vùng Chablais, nơi rất đông tín đồ theo phái Calvin. Biết bao thứ truyền đơn, bươm bướm thay nhau được phân phát, người ta tổ chức “40 giờ” cầu nguyện; người ta nói về các lạc thuyết của nhóm Calvin và tại Chablais, nhiều người đã trở lại với Công giáo. Quyển “Sách các phản đề” minh chứng cho thời gian này.

Giáng Sinh năm 1598: Francois được Đức Giáo Hoàng Clément VIII tiếp kiến tại Rôma và được gọi làm giám mục phụ tá ở Savoie. Năm 1602: trong sứ vụ ngoại giao ở Paris, ngài giảng ở Louvre trước vua Henri IV, đôi khi cũng có sự hiện diện của Pierre de Bérulle, Vincent de Paul… Ngày 08.12.1602: Francois tiếp ngôi giám mục của Đức cha De Granier như giám mục của Genève-Annecy: ngài đã ở ngôi cho đến lúc qua đời.

Francois de Sales qua đời cách yên lành ở Lyon ngày 28.12.1622, được 55 tuổi. Được phong thánh vào năm 1665, được công bố là tiến sĩ Hội thánh vào năm 1877 do Đức Giáo Hoàng Piô IX, vì đã đem lại cho các Kitô hữu một con đường thánh thiện “chắc chắn, dễ dàng và êm ái”. Ngài là thánh quan thầy của giới báo chí và các thành Annecy và Chambéry. Dòng Salésiens của thánh Don Bosco xem ngài như người cha tinh thần.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện nhập lễ gợi lên linh đạo của thánh Francoise de Sales; với sự bác ái dịu dàng, ngài đã đem lại gương mặt Kitô giáo cho Thuyết Nhân bản thời bấy giờ, thuyết này thường bị pha trộn các tư tưởng ngoại giáo. Từ đó nẩy sinh “Thuyết Nhân Bản Hy Vọng” có thể tin tưởng vào con người vì “không phải do bùn đất vô ơn mà tình yêu của người nông phu được sung mãn”.

– Thiên Chúa gần gũi với tấm lòng con người! “Đức Giêsu dịu hiền, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người, khao khát chúng ta yêu mến Người để chúng ta được cứu chuộc đời đời, và khao khát chúng ta được cứu độ để chúng ta có thể yêu mến Người đời đời” (Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa).

– Đời sống tận hiến (hay thánh thiện, thiện hảo) vừa tầm mọi người, trong mọi điều kiện. Thánh nhân viết: “Thật sai lầm và lệch lạc khi muốn loại đời sống đạo đức ra khỏi quân đội, khỏi hàng quán của các người thủ công, khỏi cung triều, khỏi chuyện bếp núc của những đôi hôn nhân.” Cũng vậy, “phải thích ứng việc thực hành đạo đức vào sức lực, vào công việc và trách nhiệm cũng mỗi người.”

– Tiến sĩ tình yêu nói, thuyết Nhân bản của thánh Francois de Sales chấp nhận và bảo vệ “sự tự do thánh thiện” của con người nhân linh. Thánh nhân viết cho bà Chantal: “Tôi để cho bà tinh thần tự do… nơi nào sự tự do thánh thiện này ngự trị, chúng ta sẽ không có một lề luật nào ngoài lề luật của tình yêu.” Dù vậy, ngài thêm vào: “Tôi chiến đấu khi bảo vệ sự tự do thánh thiện của tinh thần, đó là điều Bà đã biết, tôi hy vọng tự do này chân thật và được tránh xa sự bại hoại và phóng đãng, đó chỉ là một thứ giả hình.”

Người ta có thể tóm kết 20 năm giám mục của ngài như sau:

a. Ngài thực hiện những sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, chuyên tâm đầu tiên để canh tân đời sống tinh thần của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ngài thường triệu tập hội nghị, và nhờ qua các vị giám sát địa phận, thăm chừng các hoạt động xứ đạo, ngài lập lại trật tự trong các Đan viện.

b. Là giám mục, ngài vẫn đi dạy giáo lý, giúp đỡ kẻ nghèo, giải tội và rao giảng không mỏi mệt. Trong những năm 1618-1619, khi thi hành sứ vụ tại Paris, ngài đã giảng 360 lần. Phương thức của ngài rất cách mạng : với tài uyên bác, ngài thích trao đổi thân mật để rao giảng Tin Mừng, với cách đó mới có thể tâm tình được.

c. Francois de Sales là thầy và linh hướng cho nhiều vị phu nhân quí phái, trong đó Mẹ Angélique Arnaurd, Đan viện mẫu của Port-Royal, bà bá tước De Chantal, ngài đã hướng dẫn Bà này trong vòng 18 năm và cùng với Bà thành lập Dòng Thăm Viếng (les Visitandines) vào năm 1610 tại Annecy.

d. Người ta cho rằng Francois đã viết 50 ngàn lá thơ; vị thư ký của ngài nói rằng ngài không thể sống yên vài ngày nếu không viết 20 hay 25 lá thư, trả lời cho mọi hạng người trên nước Pháp và Savoie. Người ta đọc trong lá thư ngài viết cho Đức Frémyot, giám mục Dijon: “Có gì khác ngoài giáo lý các Giáo phụ Hội thánh, Tin Mừng được giải thích và Thánh Kinh được trình bày?” Ngày nay chúng ta còn giữ được 2100 lá thư hay trích đoạn được xuất bản trong “Tác phẩm toàn tập” của ngài.

f. Trong các tác phẩm, chỉ cần nhớ đến 2 tác phẩm vĩ đại:

“Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”, xuất bản tại Lyon vào năm 1608, tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nói với từng Kitô hữu, trong mọi hoàn cảnh của họ, thánh nhân hướng dẫn họ dấn thân vào lòng đạo đức “chân thật và sống động”. Mục đích của ngài như một nhà canh tân, vì cho đến bây giờ sự thánh thiện chỉ dành cho những kẻ xa lánh trần thế.

“Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa” (1616) được viết từ những kinh nghiệm thần bí và kinh nghiệm của Madame de Chantal. Tác phẩm này, tuyệt tác của văn chương linh đạo, là thủ bản cho đời sống tinh thần, tiếp nối quyển “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”. Là một nhà nhân bản lạc quan, ngài xem ý chí con người, dù có mang nguyên tội, vẫn còn có khả năng vươn lên để biết và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, nhờ sự trợ giúp của Người.

– Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả; Người hiện diện trong tất cả và “Lý trí của chúng ta hay đúng hơn, linh hồn chúng ta có khả năng suy lý, là Đền thờ đúng nghĩa của Thiên Chúa vĩ đại ; Người trú ngụ nơi đây cách đặc biệt”. “Linh hồn người thân cận, chính là cây trường sinh trong vườn địa đàng: cấm sờ mó vào vì thuộc về Thiên Chúa.”

– Thánh Vincent de Paul nói về thánh giám mục Genève: “Thiên Chúa phải tốt lành vô cùng, vì vị giám mục De Sales rất tốt lành !” Trong thực tế, Francois yếu mến Chúa và con người. Vì “Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người” vì thế Francois trở thành “người phục vụ mọi người trong tất cả”, hoàn toàn tín thác vào Vị Mục Tử nhân lành. Ai tiếp xúc với ngài đều cảm thấy mình là người duy nhất của ngài, vì họ cảm thấy được yêu thương với một tình yêu đơn thuần. Thánh nữ Jeanne de Chantal, trong cuộc thẩm tra phong thánh thánh Francois, đã làm chứng rằng biết bao người đã được thánh nhân giúp đỡ bằng những lời nói nồng ấm, tin cậy, bằng cách lắng nghe và đôi khi “chỉ bằng một cái nhìn”.

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây