TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/01/2024 13:14 |   506
“Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể đứng vững.” (Mc 3,22-30)

22/01/2024
THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Vinh-sơn, phó tế, tử đạo

t2 t3 TN

Mc 3,22-30


ĐOÀN KẾT TẠO SỨC MẠNH
“Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể đứng vững.” (Mc 3,22-30)

Suy niệm: Ở ngoài đời cũng như trong đạo, đoàn kết luôn tạo nên sức mạnh. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho thấy sức mạnh vô song của đoàn kết khi nói về cuộc chiến giữa Vương quốc Thiên Chúa và Nước của Xa-tan. Sở dĩ Nước của Xa-tan vững bền bởi vì ma quỷ chung lòng hiệp lực đem lại điều dữ cho con người. Đối lại, đoàn kết  giữa người với người, hiệp thông với Thiên Chúa qua Chúa Giê-su, chung tay xây đắp tình yêu trong Vương quốc Thiên Chúa giúp cuộc chiến chống lại Xa-tan dễ đưa đến chiến thắng hơn. Chia rẽ, bất cộng tác làm cho một tổ chức yếu hẳn đi nếu không muốn nói sớm muộn gì cũng sẽ tan rã. Những lời cảnh báo của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng một lần nữa nhắc ta ý thức rằng mình cần tham gia, hợp tác, hiệp thông với anh chị em trong các hoạt động đạo-đời hằng ngày; không ai là một hòn đảo, ai tự phụ ắt sẽ bị vấp ngã.

Mời Bạn: Vẫn biết rằng “hợp quần gây sức mạnh,” Chúa kêu mời chúng ta hiệp nhất trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhưng con người vì tính kiêu ngạo, tự cao, khó chấp nhận nhau. Trong năm mục vụ 2024 này, bạn hãy đáp lại lời mời gọi của Hội đồng giám mục Việt Nam, chịu khó, nỗ lực tham gia các sinh hoạt cộng đoàn để có thể là Giáo hội tham gia, giúp nhau thăng tiến.

Sống Lời Chúa: Hãy nhớ lời này: “Ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11,23), để rồi chung lòng chung sức xây dựng gia đình, hội đoàn, giáo xứ...

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho con có cơ hội góp công xây dựng Giáo hội. Xin cho con biết cộng tác với mọi người thiện chí loan báo Chân, Thiện, Mỹ của Chúa cho tha nhân.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 9, 15. 24-28

“Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Ki-tô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Ðức Giê-su không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Ki-tô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.

Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng:Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Ít-ra-en.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 5, 1-7. 10

“Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Ít-ra-en đến cùng Ða-vít tại Khép-rôn mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Sao-lê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Ít-ra-en. Và Chúa đã nói với ngài rằng: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Ít-ra-en”. Vậy tất cả các vị kỳ lão Ít-ra-en đều đến tìm nhà vua tại Khép-rôn, và tại đó, vua Ða-vít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ða-vít làm vua Ít-ra-en. Khi Ða-vít lên làm vua, ngài được ba mươi tuổi, và cai trị được bốn mươi năm. Tại Khép-rôn, ngài cai trị Giu-đa được bảy năm rưỡi. Còn tại Giê-ru-sa-lem, ngài cai trị toàn cõi Ít-ra-en và Giu-đa được ba mươi ba năm.

Nhà vua và tất cả quân sĩ theo ngài kéo đến Giê-ru-sa-lem, đánh đuổi dân cư Giơ-vút. Người ta nói với Ða-vít rằng: “Ông đừng vào đây, bằng không những người mù què sẽ đánh đuổi ông”. Như thế có nghĩa là: “Ða-vít sẽ không vào được nơi này”. Nhưng Ða-vít đã chiếm đóng đồn Si-on làm kinh thành của Ða-vít.

Và Ðavít vào thành, càng ngày càng trở nên cường thịnh, và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phù hộ nhà vua.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 20. 21-22. 25-26

Ðáp: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người

Xướng: Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. Xướng: Ta đã gặp Ða-vít là tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người.

Xướng: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Ta đặt tay người trên mặt biển, và tay hữu người, Ta đặt lên sông ngòi.  

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 22-30

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, những luật sĩ từ Giê-ru-sa-lem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Bê-en-dê-bun ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giê-su phán bằng dụ ngôn rằng: “Xa-tan lại trừ Xa-tan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Xa-tan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÍN THÁC VÀO CHÚA
Huệ Minh 

Trang Tin Mừng hôm nay thuộc phân khúc Mầu Nhiệm Đấng Mê-si-a mà trong đó, thánh sử Mác-cô giới thiệu phản ứng của các đối tượng trước những gì Đức Giê-su đã rao giảng và hành động: Dân chúng (1, 14 – 3,6) ngưỡng mộ, tìm nghe và xin Ngài chữa lành; thân nhân tưởng Ngài mất trí (3, 20 – 21); còn kinh sư và Pha-ri-sêu lại bảo Ngài bị quỷ ám (3, 22). Những ngộ nhận này khiến Đức Giê-su phải minh giải (3, 23 – 30).

Tin mừng thuật lại hoạt động của Chúa Giê-su ở Ca-phác-na-um, miền Bắc Ga-li-lê, đã có một tiếng vang đến Giê-ru-sa-lem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Ít-ra-en thời Chúa Giê-su. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và các luật sĩ từ Giê-ru-sa-lem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giê-su dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, các kinh sư đã ngoan cố không theo sự thật, không nhìn nhận vai trò thiên sai của Chúa Giê-su, thậm chí còn mặc cho Ngài chiếc áo xấu xa của ma quỷ. Thành ra có thể nói, chính các kinh sư mới đang mang bộ mặt của ma quỷ, mới đang bị quỷ ám, mới đang dựa vào thế quỷ để chống lại Chúa Giê-su.

Đức Giê-su được sai đến trần gian để thiết lập Vương quốc của Nước Trời bằng cách đem Ánh Sáng xua tan tối tăm, đem Sự Sống diệt tiêu cái chết, đem Niềm Vui đẩy lui đau khổ, đem Linh Thánh thay cho lỗi tội, … Ngài thi hành sứ mạng bằng biển xót thương, bằng đường sự thật và bằng quyền năng tuyệt đối. Trước mặt Ngài, Sa-tan phải đành thua, dù có vẫy vùng mọi cách để phá rối kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Ga-li-lê, quanh thành Ca-phác-na-um, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Giê-ru-sa-lem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giê-su chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.

Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Bê-en-dê-bun ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su biểu lộ quyền năng qua việc trừ quỷ. Dân chúng hồ hởi, phấn khởi trước quyền phép của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn chữa lành cho họ nhiều bệnh tật khác nhau và giảng dạy cho họ nhiều điều. Rất nhiều người trong họ, nhờ được nghe giảng, chứng kiến những phép lạ, mà tin vào Chúa Giê-su.

Lẽ ra, những luật sĩ phải vui mừng vì trong dân tộc họ xuất hiện một con người vĩ đại, hoặc ít ra họ cũng vui mừng vì một số người trong dân tộc họ được chữa lành bệnh. Là những người lãnh đạo trong dân, họ phải chia sẻ niềm vui với dân của họ vì những ân ban mà dân của họ đã nhận được. Thế mà họ tỏ ra ganh tức và tìm đủ mọi cách hạ bệ Chúa Giê-su, thậm chí họ còn dùng những lời lẽ hết sức là mâu thuẫn để chống báng Ngài. Trong bài Tin mừng hôm nay, họ lấy cớ là Chúa Giê-su lấy quyền lực của tướng quỷ mà trừ quỷ. Đây quả là một lập luận hết sức ngớ ngẩn. Thái độ của họ xuất phát từ lòng ganh tỵ và trái tim thiếu lòng bao dung.

Trong đời thường, lẽ ra rước một điều may lành nào đó của tha nhân, đúng ra chúng ta phải vui mừng với họ. Tuy nhiên, vì lòng ganh tỵ, chúng ta thường tỏ ra khó chịu vì họ may mắn hơn chúng ta. Hoặc khi một người nào đó có khả năng hơn chúng ta, làm được những công việc xem ra thành công hơn chúng ta thì chúng ta cũng lại khó chịu và ganh ghét. Thậm chí cũng tìm đủ mọi cách mà hạ bệ họ. Khi còn phản ứng như thế, chứng tỏ lòng chúng ta còn chất chứa nhiều ganh tỵ, trái tim chúng ta chưa có đủ bao dung.

Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

 

CHÚA LẤY QUYỀN NÀO (Mc 3,22-30)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giê-su chữa lành cho những người bị quỉ ám. Các luật sĩ không tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa nên cho rằng Ngài lấy quyền của tướng quỉ Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ. Nhưng Chúa nói cho họ biết: nước nào tự chia rẽ thì làm sao tồn tại được. Ma quỉ cũng vậy, nếu nó chia rẽ, nó sẽ tiêu vong. Còn nếu Ngài nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ thì ma quỉ đã tự chia rẽ nhau rồi, làm sao nó đứng vững được?

2. Các luật sĩ nói Chúa Giê-su bị quỉ vương Bê-en-dê-bun ám và dựa vào thế quỉ vương để trừ quỉ. Theo Chúa Giê-su, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Sa-tan không thể chống Sa-tan. Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Sa-tan cũng vậy. Mác-cô 3,27 cho thấy: “chẳng những Chúa Giê-su không bị quỉ chi phối, không theo phe quỉ, Ngài còn chống quỉ; quỉ là người mạnh, Chúa Giê-su còn mạnh hơn quỉ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).

3. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giê-su trong việc Ngài trừ quỉ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỉ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giê-su gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là nguồn bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ  thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Au-gút-ti-nô từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm  đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ? (Mỗi ngày một tin vui).

4. Có lẽ chúng ta không đến nỗi “tệ” tới mức “nghi” Chúa Giê-su bị quỉ Bê-en-dê-bun ám, nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn “tán chuyện” ra để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở…” sở làm, trong xóm ngõ của chúng ta? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phải phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.

5. Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Ki-tô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa  một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Ki-tô bị phân rẽ và tổn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do thái kết án Người là lấy quyền tướng quỉ đè bẹp lính quỉ.

6. Những người luật sĩ bị coi là phạm đến Chúa Thánh Thần vì họ chối bỏ chân lý, không chấp nhận sự sám hối thì làm sao có thể tha tội được. Qua lời phân định của Chúa Giê-su về mức độ tội trạng được tha và không được tha, mỗi người chúng ta, một đàng ý thức về tội trạng của mình khi xét mình trước mặt Chúa để khơi dậy lòng thống hối; đàng khác phải luôn luôn bảo vệ và phát triển lòng tin cùng kính mến Chúa để tránh những xúc phạm đến Chúa.  Nếu đã đã trót phạm tội mà ăn năn sám hối thì tội bao nhiêu cũng được tha. Cứ vững lòng tin.

7. Truyện: Không nghi ngờ và thất vọng.

Người ta kể: một hôm có một chàng thanh niên đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức, ở I-ta-li-a, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với cha Vicardi:

– Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

Cha Vicarđi đáp:

– Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi:

– Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội nào vậy?

Cha Vicardi trả lời:

– Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải tội. Vậy, nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

 

MỘT KẼ HỞ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời!”.

“Xét cho cùng, tha thứ là một điều buồn cười! Nó làm ấm trái tim và làm dịu vết đau. Bởi lẽ, sai lầm là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!” - William A. Ward. 

Kính thưa Anh Chị em,

“Tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”, đúng như William A. Ward nói. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến một thứ tội chẳng đời nào được tha. Có thứ tội đó thật sao? Câu trả lời là vừa có, lại vừa không! ‘Có’, khi con người khoá chặt lòng trước một Thiên Chúa hết sức yêu thương và tôn trọng nó; và ‘không’, khi trái tim nó có ‘một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, vẫn đủ cho Thiên Chúa thổi vào đó lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!

Sở dĩ Chúa Giêsu nói đến thứ tội “chẳng đời nào được tha”, vì sau khi Ngài trừ quỷ, các kinh sư cho rằng, Ngài dùng sức mạnh quỷ vương để trừ quỷ. Thật khó để tưởng tượng một đánh giá sai lầm hơn khi ai đó cho rằng, thần lực đang hoạt động trong Chúa Giêsu là thần lực của Satan; đang khi thực tế, đó là thần lực của Thánh Thần. Như thế, tội này sẽ là ‘có’, không phải Đấng hoạt động trong Ngài không muốn tha; nhưng đúng hơn, tình yêu thương xót của Ngài không thể xuyên thấu những trái tim cố chấp khi họ coi Chúa Giêsu là dụng cụ của Satan. Nói như thế là báng bổ Thiên Chúa, xúc phạm Thánh Thần, xúc phạm phẩm vị Thiên Chúa trong con người Ngài mà sau đó, không chút đau buồn, hoặc đơn giản chỉ lạm dụng lòng thương xót của Ngài mà không hề ăn năn.

Thứ đến, tội này ‘không’ thể có; vì hễ khi nào trái tim con người có ‘một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu khi người ấy bắt đầu ý thức tội mình và lớn lên trong một nỗi buồn chân thành, thì Thiên Chúa lập tức chào đón người ấy trở lại với vòng tay rộng mở. Ngài sẽ không bao giờ quay lưng với bất cứ ai quay lại với tấm lòng tan nát, dù tội họ nặng đến mấy!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tha thứ là của Thiên Chúa!”. Các kinh sư tìm kẽ hở để giết chết Chúa Giêsu; Ngài tìm ‘một kẽ hở’ để tha thứ cho họ, cứu lấy họ. Chỉ cần khiêm tốn nhìn nhận Ngài và hé mở trái tim cho Ngài, Ngài sẽ làm bao việc vĩ đại hơn những gì lòng người dám ước mong. Một bài học khác có thể rút ra là bạn và tôi hãy tập nhận ra Thánh Thần trong cuộc sống mình và trong cuộc sống người khác. Thánh Thần đang hoạt động theo mọi cách khác nhau nơi những con người khác nhau. Bảy ân đức của Ngài sẽ ân sủng hoá cuộc sống chúng ta và cuộc sống người khác. Hãy chú ý đến những dấu hiệu của Thánh Thần và vui mừng trước những dấu hiệu đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ ai chúng ta tìm thấy; nghĩa là làm sao nhận ra những điều tốt đẹp ấy nơi anh chị em mình ngay cả khi nó bị che giấu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để tim con khoá chặt trước lòng khoan dung của Chúa; và như thế, con không bao giờ mất lòng trông cậy vào Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây