TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/01/2024 13:42 |   557
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15-18)

25/01/2024
THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phaolô tông đồ trở lại
Kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các ki-tô hữu hiệp nhất

Phaolô ngã ngựa

Mc 16,15-18


LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15-18)

Suy niệm: Nhìn lại chặng đường hơn 400 năm truyền giáo tại Việt Nam, biết bao vị thừa sai đã đặt chân lên dải đất này để gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Họ là giáo sĩ I-nê-khu mà ngày nay chỉ còn biết được cái tên, cha Buzomi, người Ý, cha Francesco de Pina người Bồ, thầy Paul Saito người Nhật, cha Đắc Lộ, người Pháp, cha Juan de Santa Cruz người Tây Ban Nha, hai giám mục tiên khởi Francois Pallu và Lambert de la Motte người Pháp…. Họ đến từ những phương trời xa xôi để thực thi mệnh lệnh “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Họ là những người đã dám từ bỏ tất cả: quê hương, gia đình, sự nghiệp trần gian… để chuốc lấy những nhọc nhằn khổ đau và cả cực hình cũng như mạng sống mình, tất cả chỉ để loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Chưa cần phải đi “tứ phương thiên hạ” mới có thể loan báo Tin Mừng, chúng ta đã được sai đến với những người đang sống quanh mình: “Không ai có thể cảm thấy mình được miễn cộng tác với công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội! Quả thế, hơn bao giờ hết lệnh truyền của Chúa Giê-su thật khẩn thiết với thời đại của chúng ta hôm nay  biết bao nhiêu người chưa được  biết Chúa” (Sứ điệp Truyền giáo 2009).

Sống Lời Chúa: Tham gia vào một hoạt động truyền giáo trong giáo xứ / cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Cha xin thắp sáng ngọn lửa Tin Cậy Mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị Chứng nhân Đức Tin, biết củng cố và lưu truyền gia sản Đức tin cho các thế hệ tương lai. (Kinh Truyền giáo).

 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm tỏa trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 10, 19-25

“Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, và hãy thúc giục nhau thực thi bác ái”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhờ máu Chúa Giê-su, chúng ta tin tưởng bước vào cung thánh. Ðó là con đường mới và sống động mà Người đã mở cho chúng ta, xuyên qua tấm màn là thân xác Người; và ban cho chúng ta có một thượng tế cai quản nhà Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến đến với lòng chân thành, đầy đức tin, lòng được trong sạch khỏi lương tâm gian ác, và thân xác được tắm gội bằng nước trong sạch. Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín. Chúng ta hãy thúc giục nhau thực thi bác ái và làm việc thiện. Ðừng trốn tránh những buổi hội chung như ít người có thói quen, nhưng anh em hãy khích lệ nhau, nhất là khi thấy ngày đó gần đến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6.

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 7, 18-19. 24-29

“Lạy Chúa là Thiên Chúa, tôi là ai và gia đình tôi là chi?”

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Sau khi Na-than nói với Ða-vít xong, vua Ða-vít đến ngồi trước Thiên Chúa mà nói rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây? Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa, như thế Chúa còn cho là ít, nên Chúa còn nói đến nhà tôi tớ Chúa trong tương lai lâu dài, vì lạy Chúa, đó là thường tình của loài người.

“Chúa đã thiết lập dân Ít-ra-en làm dân Chúa đến muôn đời, và lạy Chúa, chính Chúa trở thành Thiên Chúa của họ. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy thực hiện mãi mãi lời Chúa đã nói về tôi tớ và về nhà của nó, và hãy làm như Chúa đã phán, để danh Chúa được ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng rằng: ‘Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Ít-ra-en’. Xin cho nhà tôi tớ Chúa được vững chắc trước nhan thánh Chúa. Lạy Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en, vì Chúa đã mạc khải cho tôi tớ Chúa biết những lời này: ‘Ta sẽ xây dựng cho ngươi một ngôi nhà’, vì thế, tôi tớ Chúa vững tâm thốt lên lời khẩn nguyện trên đây. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, và lời Chúa thì chân thật, vì Chúa đã tỏ ra cho tôi tớ Chúa những điều hạnh phúc ấy. Giờ đây, xin hãy khởi sự chúc phúc cho nhà tôi tớ Chúa, để nhà tôi tớ Chúa tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời, vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 1-2. 3-5. 11. 12. 13-14

Ðáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).

Xướng: Lạy Chúa, để thương Ða-vít, xin Chúa nhớ đến mọi nỗi ưu tư của người: người đã thề như thế nào với Chúa, người đã khấn hứa cùng Ðấng toàn năng nhà Gia-cóp rằng:

Xướng: “Tôi sẽ không vào lều trại nhà tôi, tôi sẽ không bước lên giường nằm, tôi sẽ không nhắm mắt ngủ, không để cho mi mắt tôi được nghỉ an, cho tới khi tôi gặp được nơi ngự điện cho Chúa, gặp được cung lâu cho Ðấng Toàn năng nhà Gia-cóp”. 

Xướng: Chúa đã thề hứa cùng Ða-vít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi”. 

Xướng: “Nếu các con ngươi tuân giữ điều ước của Ta và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi”.

Xướng: Bởi chưng Chúa đã kén chọn Si-on, đã thích lựa Si-on làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: “Ðây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”. 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 21-25

“Ðèn đốt lên là để đặt trên giá đèn. Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Và Người bảo họ rằng: “Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hóa, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN VỀ CÁI ĐÈN VÀ CÁI ĐẤU (Mc 4,21-25)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay Đức Giê-su đưa ra hai dụ ngôn nói về cái đèn và cái đấu để nói về việc nghe Lời Chúa và giới thiệu cho người khác. Chúa nói: “chẳng ai mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường”. Chúng ta đã nghe Lời Chúa, chúng ta không được giữ kín cho riêng mình. Chúng ta phải đem Lời Chúa đến cho mọi người. Chúng ta càng nhiệt tâm giảng dạy Lời Chúa cho kẻ khác thì Chúa càng ban thêm cho chúng ta. Còn nếu chúng ta ích kỷ giữ riêng cho mình thì dần dần cũng sẽ mất hết ơn Chúa.

2. Có hai chữ chúng ta phải biết để hiểu đúng Lời Chúa: đó là cái đèncái đấu. Đức Giê-su muốn dùng cái đèn để ám chỉ Tin Mừng của Ngài. Kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn. Họ phải loan báo Tin Mừng cho những người khác nữa và họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

Cái “đấu” là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận. Con người càng mở ra, càng sống Lời Chúa, thì càng nhận được nhiều hồng ân Thiên Chúa; trái lại, kẻ chỉ nghe mà không sống Lời Chúa thì không được ban thêm, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

3. “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không? Nào chẳng phải là đặt trên giá đèn sao” (Mc 4,21).

Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng cho ai, thì nó không còn phải là cây đèn nữa. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình ra, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng; hay nói cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay hiển hiện, việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Ki-tô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

4. “Một ngọn nến nhỏ tỏa sáng xa biết bao! Cũng vậy, một việc làm tốt tỏa sáng biết bao trong một thế giới mệt mỏi” (Văn hào W. Shakespeare).

Ngọn đèn muốn tỏa sáng xa thì phải được đặt trên đế cao có lẽ là chuyện chẳng cần bàn cãi. Thế nhưng, ngọn đèn mà Đức Giê-su muốn ta đặt trên đế lại là chuyện khác, vì đèn ấy chính là Tin Mừng của Ngài. Có vẻ ta có khuynh hướng che giấu, ngại bầy tỏ – nghĩa là đặt dưới thùng hay gầm giường – thay vì loan báo, trình bầy cho người lân cận. Sống triệt để tinh thần Tin Mừng của Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để đặt Tin Mừng ấy trên đế cao. Ngược lại, coi thường Tin Mừng, không quan tâm đến Tin Mừng ấy là cung cách thích hợp nhất cất giấu dưới thùng hay gầm giường.

5. Là ánh sáng, chúng ta phải chiếu soi cho thế gian bằng đời sống gương sáng và đem tinh thần Chúa Ki-tô thấm nhiễm vào môi trường sống của mình. Chúa bảo chúng ta: Các con là chứng nhân của Thầy”, nhưng nhiều khi chúng  ta vô tình hay hữu ý đã trở thành phản chứng, làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô, khiến người ta không muốn theo Chúa.

Vì thế, năm 1937, ông Gandhi, một lãnh tụ vĩ đại của Ấn độ, đã nói với các nhà truyền giáo câu này để chúng ta suy nghĩ: “Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa. Cả người mù không xem thấy hoa hồng, vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ đến sự cao cả của người Ki-tô hữu khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Ki-tô hữu, chứ không phải là chú giải nó”.

6. Lời Chúa có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.

7. Truyện: Ngọn hải đăng.

Vào một đêm mưa bão, ngọn hải đăng bị mất điện tắt ngấm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng:

– Ông đem tôi đi đâu vậy?

Ông trả lời:

– Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.

Cây nến lại nói:

– Nhưng tôi chỉ là cây nên nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi được?

Người phụ trách trả lời:

– Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.

Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể xử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an toàn.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô tông đồ trở lại

Ca nhập lễ

Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào, và tôi chắc chắn rằng: vị thẩm phán công minh là Đấng quyền năng, sẽ gìn giữ kho tàng của tôi cho đến ngày đó.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phaolô Tông Ðồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cv 9, 1-22

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con, như xưa Người vẫn soi sáng Thánh Phao-Lô Tông Ðồ, để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

 Lời tiền tụng tông đồ

Ca hiệp lễ

Tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa thánh Phao-lô tông đồ đã nhờ lửa yêu mến đó mà xả thân lo lắng cho tất cả các giáo đoàn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Thánh Phaolô tông đồ trở lại
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do-thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống buôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?… Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hylạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

– Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

– Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”.

– Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

– Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

– Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, tổng GP sài gòn, tháng 01.2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sống chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô… (Pl 3,7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do-thái hay Hy-lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3,27-28). Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2 Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “…lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai… (2 Tim 1,8-12). Vì đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình”. “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy “chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn;lâm bĩ nhưng không mạt lộ;bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2Cor 4,8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).

3. Những cú “ngã ngựa” trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo… Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 4,6-8; Rm 8,18-19.32.33.38.39)

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.

Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21 ; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).

Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống: Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội thánh và qua Hội thánh; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô: Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta ? nhưng lại nói: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta ?” (Cv 22,7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.

a. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.

“Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2,1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.

b. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách…” (Cv 20,19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo… Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11,27).

c. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ: Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).

Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe: “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô: “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại… Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới.”

Enzo Lodi

NHỮNG ƯỚC NGUYỆN: CẦU CHO CÁC KITÔ HIỆP NHẤT
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.


Trong Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất, ước gì chúng ta ý thức và cảm nhận được tính duy nhất của Hội Thánh: Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, khuôn mẫu và nguyên lý tối cao của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, Đấng sáng lập Hội Thánh là Chúa Con nhập thể, đã dùng Thánh Giá mà giao hòa con người với Thiên Chúa, tái lập sự hiệp nhất mọi người trong một Dân Thánh và một Thân Thể. Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, linh hồn của Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, Đấng điều khiển toàn thể Hội Thánh, Đấng làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách diệu kỳ và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách nhiệm mầu.

Hội Thánh là duy nhất, nhưng, rất đa dạng, bởi vì, có rất nhiều những ân huệ khác nhau xuất phát từ Thiên Chúa: những đa dạng của các dân tộc và của các nền văn hóa được quy tụ lại: thành sự duy nhất của Dân Thiên Chúa. Những phong phú lớn lao của sự đa dạng này, không nghịch lại tính duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên, tội lỗi và những hậu quả nặng nề của nó không ngừng đe dọa sự duy nhất này. Ước gì chúng ta luôn nhớ lời thánh Phaolô khuyên dạy: Hãy duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau (x. Ep 4,3).

Thật ra, trong Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai, cũng đã xuất hiện một số rạn nứt mà thánh Phaolô đã nặng lời khiển trách. Trong những thế kỷ sau đó, còn phát sinh những xung đột trầm trọng hơn, và có nhiều cộng đoàn đã tách biệt khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, những đoạn tuyệt này đã làm tổn thương sự duy nhất của Thân Thể Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết quý mến và tôn trọng các anh em ly khai, bởi vì, họ cũng đang sống đức tin vào Đức Kitô, nhờ phép Rửa Tội, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, và vì vậy, họ cũng mang danh Kitô hữu như chúng ta.

Ước gì khi cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, chúng ta luôn biết tôn trọng những cộng đoàn giáo hội khác như Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio mà Vaticanô II đã minh định: có nhiều yếu tố của sự thánh hóa và của chân lý, hiện hữu bên ngoài, những giới hạn hữu hình của Hội Thánh Công Giáo: Thần Khí của Đức Kitô dùng những cộng đoàn giáo hội đó, như những phương tiện, xuất phát từ sự sung mãn của ân sủng, và của chân lý, mà Đức Kitô đã giao phó cho Hội Thánh Công Giáo. Tất cả những điều thiện hảo đó, đều xuất phát từ Đức Kitô, và dẫn đến Người, tự chúng là lời kêu gọi: tiến đến “sự hiệp nhất phổ quát”.

Ước gì chúng ta luôn tin tưởng rằng: chính Đức Kitô ngay từ ban đầu, đã rộng ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất. Sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Hội Thánh Công Giáo và chúng ta hy vọng sự hiệp nhất này ngày càng phát triển cho đến ngày tận thế. Đức Kitô vẫn luôn luôn ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất, nhưng, Hội Thánh phải luôn luôn cầu nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hiệp nhất như Đức Kitô mong muốn: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga l7,2l). Do đó, lòng ao ước tái lập lại sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu là hồng ân của Đức Kitô và là lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần.

Để đáp lại lời kêu gọi hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, ước gì Hội Thánh luôn biết canh tân, để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình, và biết dùng việc canh tân như động lực thúc đẩy phong trào hiệp nhất; ước gì Hội Thánh luôn biết hoán cải, để sống phù hợp hơn với Tin Mừng, bởi vì, chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô: là nguyên nhân gây những chia rẽ giữa các chi thể; ước gì Hội Thánh không ngừng khơi dậy tinh thần cầu nguyện chung giữa các Kitô hữu, bởi vì, cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết và là mối dây liên kết các Kitô hữu trong tình hiệp thông huynh đệ; ước gì Hội Thánh biết quan tâm đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu, nhất là, cho các mục tử, cũng như, biết mở ra: đối thoại với các nhà thần học thuộc các cộng đoàn giáo hội khác; ước gì Hội Thánh biết hợp tác với các cộng đoàn giáo hội khác trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, để phục vụ con người ngày nay.

Trong Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất, ước gì toàn thể Hội Thánh: các tín hữu cũng như các mục tử, đều ý thức bổn phận của mình trong việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng: Ý nguyện thánh thiện: muốn hiệp nhất toàn thể các Kitô hữu trong một Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, đó là điều vượt quá sức lực và khả năng của loài người chúng ta. Chính vì thế, chúng ta phải biết: đặt hết hy vọng vào lời Đức Kitô cầu nguyện cho Hội Thánh, vào tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng đốt lên trong lòng chúng ta: ngọn lửa yêu thương và hiệp nhất.

 

NGÃ ĐAU MÀ LẠI SÁNG CHO NGƯỜI TÔNG ĐỒ
(Lễ Thánh Phaolô trở lại 25-01)
- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chẳng biết đang phi nước kiệu hay phi nước đại, nhưng đã ngã ngựa thì không tróc vảy cũng trầy da. Chàng thanh niên Phaolô trên đường Đamát dường như khó quên cú ngã năm nào. Chính vì thế mà Ngài, thánh Phaolô sau này thường xuyên nhắc lại biến cố ngã ngựa này. Cũng có thể có đau phần nào nhưng điều chính yếu là sau cú ngã ấy Ngài đã sáng ra, đã ngộ ra nhiều chân lý khiến cho cuộc đời, lối đi của Ngài đổi thay hoàn toàn. Phaolô đã ngộ ra những gì sau cú ngã ấy? Thật nhiều sự, nhưng xin liệt kê đôi điều:

1. Để thành công thì nguyên lòng nhiệt thành vẫn chưa đủ: Quả thật, để hoàn tất một dự định lớn, để đạt đích lý tưởng đặt ra thì ta không thể không có lòng nhiệt thành. Người có lòng nhiệt thành là người luôn can đảm đi đầu trong những việc khó và đó là những việc phải làm và nên làm. Không ngại gian nguy, không sợ vất vả… sẵn sàng đối diện với chông gai và cả thất bại đó là những đức tính của người nhiệt thành.

Dưới góc độ này thì ta có thể nói Phaolô có thừa sự nhiệt thành. Những nghĩ rằng nhóm người theo ông Kitô là thứ lạc đạo, là mầm mống nguy hại cho dân tộc, cho tôn giáo chính truyền, chàng thanh niên Phaolô tình nguyện xông pha tiền tuyến để tiêu diệt. Sau khi trở lại thì sự nhiệt thành của Phaolô càng rõ nét hơn nhiều. Dù gian nguy, dù khốn khó, không gì ngăn được bước chân người nhiệt thành Phaolô. Trong số các tông đồ hình như ít ai chịu thử thách khốn khó nhiều như Phaolô: “năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi” (2Cr 11,24-25).

Tuy nhiên nhờ cú ngã tại Đamát, Phaolô ngộ ra rằng chỉ nguyên sự nhiệt thành thôi vẫn chưa đủ. Một câu nói theo dạng công thức toán học như đã phổ biến với người sống trong xã hội được gọi là “xã hội chủ nghĩa”: nhiệt thành cộng với ngu dốt bằng phá hoại (nhiệt thành + ngu dốt = phá hoại). Ngu dốt ở đây không phải chỉ là không biết mà gồm cả cái sự biết không đúng, biết không đủ, biết một chiều… Nhờ cú ngã, Phaolô đã sáng ra cái sự thật này: cuồng tín là một hình thức “ngu dốt”.

2. Có lòng nhiệt thành và sự hiểu biết (có tri thức) vẫn chưa đủ: Nói về sự học hay xét về mặt kiến thức thì khó có ai bì với Phaolô. Xuất thân từ một gia đình khá giả, lại được làm môn sinh của Gamalien, một vị tôn sư lỗi lạc, Phaolô đáng làm thầy của tất cả các tông đồ còn lại. Đọc k các bài giảng thuyết của Ngài trong sách Công Vụ Tông Đồ hay thẩm định kiến thức và văn chương của Ngài qua các bức thư lớn nhỏ, chúng ta dễ dàng chân nhận sự uyên bác của thánh nhân. Có thể nói là tài ăn nói của Ngài bị hạn chế (Ngài có tật nói lắp), nhưng kiến thức của Ngài thật khó có ai sánh bì.

Thế nhưng Phaolô đã cảm nhận, đúng hơn là đã ngộ ra rằng nguyên chỉ sự nhiệt thành và kiến thức rộng vẫn chưa đủ cho người Tông đồ của Đức Kitô. Cần phải có sự cảm nghiệm rằng mình được yêu thương một cách nhưng không. Ngài đã xác nhận điều này nhiều lần, cách riêng với các môn đệ thân tín: “Sở dĩ tôi được xót thương là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1,16). Chính khi cảm nghiệm mình được yêu thương một cách vô điều kiện, nghĩa là không vì sự gì tốt đẹp nơi mình, thì ta sẽ sẵn sàng quảng đại hiến dâng cho tha nhân, vì như thánh nhân thú nhận: Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi.

3. Trong đời hoạt động tông đồ, nỗ lực một mình là không đủ, cần có sự hợp tác của nhiều người trong tinh thần hiệp nhất và sự hiệp thông. Con Thiên Chúa làm người không đơn thương độc mã trong hành trình rao giảng Tin mừng. Người đã chọn gọi 12 tông đồ góp sức, đã chọn gọi 72 môn đệ chung phần. Chứng nhân tập thể luôn có thế giá ưu việt. Phaolô đã ngộ ra rằng để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này thì Chúa dùng mỗi người mỗi việc, mỗi cách thế khác nhau. Người thì làm ngôn sứ, kẻ thì làm thầy dạy, người thì chữa bệnh, kẻ thì phân biệt Thần khí… Ngài đã dùng hình ảnh các chi thể trong thân thể để minh họa sự cần thiết lẫn nhau trong việc xây dựng nước Chúa (x.1Cr 12). “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Trong công cuộc xây dựng Nước Chúa thì “Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).

Để gìn giữ sự hiệp nhất, cần thiết phải có sự hiệp thông giữa các thành phần. Đặc biệt trong đời tông đồ chứng nhân, sự hiệp thông như là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công. Người sống trong tình hiệp thông với tha nhân là người đang cùng chung một sức sống với người khác. Sống hiệp thông thì không chỉ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, mà thực sự như lời thánh Công đồng Vatican II “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con nguời mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Thánh Phaolô đã sống tình hiệp thông này cách cụ thể: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần  phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,22-23).

4. Mọi sự đều là hồng ân: Để ngộ ra chân lý này, Phaolô cảm nghiệm và thú nhận sự hèn yếu của mình. Ngài chỉ là đứa trẻ sinh non, là vị tông đồ rốt hết và không xứng làm tông đồ của Chúa Kitô. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn còn đó nhiều điều Ngài muốn Ngài lại không làm còn những điều Ngài không muốn thì Ngài lại làm (x.Rm 7,17-20). Hơn nữa, cái dằm trong xác thịt của Ngài luôn làm Ngài nhức nhối và khiến cho ma quỷ thường xuyên v mặt Ngài (x 2Cr 7-8). Chính vì thế Ngài đã không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng Ngài không có gì để mà khoe khoang hay hãnh diện ngoài những yếu đuối của Ngài (x.2Cr 11,30; 12, 5).

Xuất phát từ thái độ khiêm nhu, chân thành nhìn nhận con người của mình, không chút che đậy hay lấp liếm thì ta sẽ dễ dàng nhận ra hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Từ chỗ nhìn nhận hồng ân của Chúa thì ta sẽ thấy quyền năng vô biên của Người. Phải, “điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi” (1Cr 1, 27).

5. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật  (Rm 14,8). Trước ân tình vô biên và nhưng không của Thiên Chúa, thì chẳng có sự đáp trả nào của chúng ta được gọi là cân xứng. Tình yêu mới đáp lại tình yêu. Giả như tôi có nói được nhiều thứ tiếng, làm được nhiều phép lạ… mà không có bác ái thì thì chỉ phèng la não bạt (x.1Cr 13). “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

Cú ngã của Thánh Phaolô không chỉ mở mắt thánh nhân mà con mở luôn con tim của Ngài. Ngài nhn ra mọi sự rồi sẽ qua đi, kể cả đức tin lẫn đức cậy. Duy chỉ đức ái mới tồn tại vạn đại thiên thu (x.1Cr 13,13).
 
MỘT VÀI TÂM TÌNH TỰ KIỂM CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ:

Ngã đau hay bị xây xước là chuyện như cơm bữa của kiếp người, dĩ nhiên ngoại trừ Mẹ Maria, người được Thiên Chúa ưu ái gìn giữ cách đặc biệt. Thot sinh ra, tôi đã ở trong tội. Chập chững bước vào đời, nhiều lần té đau, ngã nặng. “Đa thọ đa nhục; đa phú đa ưu” vốn là kinh nghiệm của người xưa xác nhận với cháu con hậu thế. Cuộc đời tông đồ không thể tránh những vấp váp, thất bại mặt này hay mặt khác, trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động tông đồ. Thế nhưng, sau mỗi lần vấp ngã, ta có ngộ thêm được điều gì hữu ích?

1. Lòng nhiệt thành của ta có gia tăng hay bị giảm sút sau những cái ngã? Tôi có quên đi và bỏ lại đằng sau những thất bại, vấp ngã để lao mình về phía trước? Để có được điều này, xin ghi nhớ một trong những tính cách của Chúa là “hay quên tội lỗi của con người”. Tâm tình của tác giả Thánh Vịnh và hầu chắc đây là tâm tình của vua Đavít: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, thì nào ai chịu nỗi được ư?”. Tuy nhiên cũng cần xét lại cung cách sống được gọi là nhiệt thành. Không dám so sánh với các thánh Tông đồ ngày xưa, chỉ cần nhìn lại sự dấn thân của các nhà truyền giáo đã gieo rắc Tin mừng trên quê hương đất Việt chúng ta ngày nào gần đây. Người tông đồ hôm nay có thực sự bị tiện nghi vật chất hay tâm lý hưởng thụ làm chùn chân bước?

2. Tôi có thấy ra một trong những nguyên nhân khiến tôi gặp thất bại hay bị vấp ngã đó là vì tôi không biết hay biết không đúng, biết chưa đủ? “Sự học như con thuyền đi nước ngược. Không tiến, ắt lùi”. Với người tông đồ thì việc không ngừng nâng cao kiến thức, không ngừng hoàn thiện tri thức là một đòi hỏi có tình tất yếu. “Mù dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Nếu ta mù thật thì có lẽ tác hại có phần hạn chế. Đằng này ta bị lệch lạc trong cái nhìn mà cứ tưởng mình thấy rõ, nhìn đúng thì thật lắm tai hại khó lường. Một thánh Giám Mục đã từng nói: Một linh mục tội lỗi thì làm thiệt hại cho Hội Thánh ít hơn là một linh mục lầm lạc, vì thiếu học hỏi. Đã là linh mục thì dường như có tâm lý là đã biết hết mọi sự? Không ai dám to gan vỗ ngực về điều này, thế nhưng việc ít trau dồi kiến thức, ít rèn luyện tri thức là một thiếu sót. Các giáo phận đã nỗ lực bù đắp thiếu sót này bằng một hai dịp “thường huấn” cho các linh mục. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ so với đà tiến bộ và phát triển của xã hội hôm nay, chưa kể thực chất hiệu năng những lần thường huấn ra sao. Phải công nhận rằng các chuyên gia về các lãnh vực đạo, đời hiện nay không là hiếm. Tuy nhiên vẫn còn đó tâm lý đồng hóa các chuyên gia với người chức trọng, quyền cao hoặc với người lãnh đạo. Đang là chủng sinh, vốn liếng âm nhạc của tôi ở bậc thường. Bỗng sau khi lãnh nhận thiên chức, người ta phong tôi lên hàng nhạc sư. Căn bản thần học của tôi năm cuối ở Chủng Viện có thể chưa đủ điểm trung bình, thế nhưng sau khi thụ phong linh mục, tôi có thể đinh ninh rằng mình nói gì cũng đúng. Dù rằng cần phải tin vào ơn hiện sủng (ơn đấng bậc), nhưng ân sủng của Chúa không loại bỏ tự nhiên.

3. Tinh thần hợp tác, hiệp nhất và sự hiệp thông giữa những người tông đồ như thế nào? Đã từng có nhận định: một người Việt Nam làm việc độc lập có thể bằng ba, bốn người Tây phương. Nhưng mười người Việt Nam làm việc chung thì chỉ bằng một phần ba của năm, sáu người Tây phương cộng tác. Không biết lời nhận định ở trên có phản ánh đúng thực trạng hoạt động tông đồ của Hội Thánh Việt Nam chăng? Dẫu sao, chúng ta cũng cần giật mình để tự kiểm về tinh thần hợp tác, hiệp nhất. Có lẽ điều cần tự kiểm trước tiên đó là sự hiệp thông giữa những người muốn theo sát Chúa Kitô trên con đường rao giảng Tin Mừng, phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân.

4. Thái độ khiêm nhu, tâm tình cảm tạ: Ngay sau ngày tuyên khấn hay lãnh nhận thiên chức Linh mục, Giám mục là những ngày “đại Lễ tạ ơn”. Các bài diễn văn cám ơn của tân khấn sinh hay của tân chức luôn đượm nét khiêm nhu và tâm tình cảm tạ. Dường như ngay sau khi đón nhận một hồng ân vô giá người ta dễ thấy sự “nhưng không” từ trời và sự bất xứng của bản thân. Thế rồi năm tháng dần trôi, cùng với nhiều thành công trong cuộc sống, trong đời hoạt động tông đồ, cùng với sự trân trọng và tôn kính có phần “thái quá” của giáo dân, thì sự khiêm nhu và tâm tình cảm tạ vơi dần. Sự hống hách, độc quyền, độc đoán… là những biểu hiện của thực trạng này.

5. Thiên Chúa là Tình yêu. Chính vì thế Đức ái phải là điểm tới của mọi hoạt động tông đồ. Là người tông đồ, có khi nào tôi tự kiểm về trái tim của mình đã lớn rộng thêm được bao nhiêu sau nhiều năm tháng hoạt động tông đồ? Khi đánh giá một chương trình hành động, một công trình thực hiện hay một quá trình xây dựng cộng đoàn, xây dựng giáo xứ, giáo phận, tôi có đặt tiêu chí đức ái lên hàng đầu không? Một giáo xứ lớn mạnh không phải là một giáo xứ đã có những công trình xây dựng đồ sộ… mà là đã có tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ không chỉ với bà con đồng đạo mà còn với anh chị em lương dân, bà con khác đạo, khác niềm tin, khác chính kiến. Có chăng sự kiện càng xây dựng thì càng thêm sự chia rẽ, bất đồng? Càng ở lâu một xứ nào đó thì càng chất gánh nặng lên bà con tín hữu?

CUỐN THEO THẦN KHÍ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Thập giá, cột thu lôi của ân sủng, làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng của tình yêu Ngài! Trên đường Đamas, một Saolô hung hãn đã bị cột thu lôi của ân sủng quật ngã, và người này đã ‘cuốn theo Thần Khí’ của Đấng Phục Sinh!”.
   
Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một con người đã bị “cột thu lôi của ân sủng quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài, có thể nói, là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau biến cố chết và sống lại của Chúa Giêsu vào những năm đầu Kitô giáo. Bởi lẽ, ân sủng của Ngài đã biến đổi Phaolô, một con người đã để mình ‘cuốn theo Thần Khí’.

Phaolô cho biết, trước khi được Chúa tỏ mình, ông “đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”; tuy nhiên, theo cách rất phá hoại! Phaolô đàn áp những người tin “Đạo mới”; và rồi, cuộc hiện ra của Ngài trên đường Đamas với câu hỏi, “Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ ta?”, kèm theo câu trả lời lạnh lùng, “Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ” đã khiến Phaolô dừng bước - bài đọc một. Từ đó, Đấng Phục Sinh đã biến “Saun”, có nghĩa là ‘tìm kiếm, đòi hỏi và khát vọng’, thành một “Phaolô”, có nghĩa là ‘hèn mọn, nhỏ bé và khiêm tốn’. Phaolô đã chỗi dậy, tiến về phía trước, ‘cuốn theo Thần Khí’, phục vụ Chúa theo một cách rất khác. Thay vì bắt bớ những người tin, Phaolô loan báo tình yêu của Ngài như lệnh truyền, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!” - Thánh Vịnh đáp ca.

“Tôi ngã xuống đất”; “Ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy”. Một nghịch lý mang nhiều ý nghĩa! Không chỉ trong bóng tối, con người không nhìn thấy; nhưng ngay cả trong ánh sáng, nó cũng mù loà! Lúc Phaolô tưởng mình sáng, đó là lúc tối tăm nhất đời ông. Phaolô buộc phải nhắm mắt để thấy rằng, sự bốc đồng theo kế hoạch riêng mình là mù tối, và tình yêu trong trái tim Đấng Phục Sinh thật ngời sáng. Ngài quật Phaolô xuống tận đất; để sau đó, nâng ông lên đến mức vị “Tông Đồ Dân Ngoại”. Thế nhưng, hình ảnh đẹp nhất vẫn là khúc phim người ta cầm tay dắt Phaolô vào thành, một ‘Phaolô chập chững’ trong hành trình của ‘một con người mới’ ‘cuốn theo Thần Khí’ trong Chúa Kitô!

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay - theo Đức Phanxicô - “Là một mệnh lệnh mang chiều kích truyền giáo của đức tin! Hoặc đức tin có chiều kích truyền giáo, hoặc không phải là đức tin. Đức tin không phải là điều gì đó chỉ dành cho riêng tôi, để tôi có thể lớn lên với nó: đây là một tà giáo ngộ đạo! Đức tin luôn dẫn bạn thoát ra khỏi chính mình, đi ra ngoài và truyền tải nó! Đức tin được truyền đạt, được cống hiến, trên hết bằng chứng tá, “Hãy đi, để mọi người thấy anh sống thế nào!”. Trong việc truyền bá đức tin, hành động vì đức tin, có Chúa luôn đồng hành với tôi. Tôi không bao giờ đơn độc. Chính Chúa, Đấng truyền đạt đức tin, ở cùng tôi; miễn sao tôi để mình được tự do ‘cuốn theo Thần Khí’ của Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cột thu lôi ân sủng Chúa quật ngã con mỗi khi con mải mê chạy theo những phù phiếm của thế gian. Cho con mềm mại ‘cuốn theo Thần Khí’ mỗi ngày!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây