TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY

Thứ ba - 20/02/2024 13:41 |   508
“Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng.” (Lc 15,1-3.11-32)

02/03/2024
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY

t7 t2 MC

Lc 15,1-3.11-32

 

ĐÃ CHẾT MÀ NAY LẠI SỐNG
“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,1-3.11-32)

Suy niệm:
“Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn.” Nói vậy nhưng có khi không phải vậy: với quan niệm trọng nam khinh nữ đã thâm căn cố đế, hẳn nhiều người mừng cho ông cụ này thật có phước vì sinh hạ được tới hai quí tử. Thế nhưng sinh con trai kiểu hai cậu ấm này chẳng biết có phải là phúc hay chăng? Được ở trong nhà cha mà chẳng nhận ra hạnh phúc mình đang được hưởng! May mà còn LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGƯỜI CHA là chìa khoá vàng lúc nào cũng sẵn sàng mở toang cánh cửa đưa vào ngôi nhà hạnh phúc. - Với người con thứ lỡ bỏ đi hoang nay trở về, CHA tiếp đón long trọng như một hoàng tử, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm tày trời của anh. - Với người con cả hờn dỗi không chịu vào nhà, CHA cắt nghĩa thật ân cần: “Mọi sự của cha là của con.” Thôi cứ vào nhà rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thoả.

Mời Bạn: Người cha giàu lòng thương xót ấy là chính hình ảnh Thiên Chúa. Ngài là điểm tựa vững vàng để những đứa con hư như tôi, như bạn dám tin tưởng trở về mà không sợ bị khước từ.

Chia sẻ: Có khi nào bạn không sẵn sàng trở về nhà với Chúa, vì mặc cảm với chính mình? vì hờn dỗi với người khác?

Sống Lời Chúa: - Bạn đến lãnh nhận bí tích hoà giải với tâm tình thống hối thật lòng, đồng thời, bạn cư xử nhân ái với mọi người, đặc biệt với anh em lương dân để họ cảm nhận được tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, con đã đắc tội với trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa”, nhưng xin Cha tha thứ và đón nhận con vào vòng tay ấm áp và âu yếm của Cha. Amen.


Thứ Bảy MC II: Lạy Chúa! Với tư duy logic, chúng con không thể hiểu cách hành xử của người cha “phung phí” đối với đứa con “phung phá”, cũng như với đứa con “làm công” của ông, bởi vì, toàn bộ hiện tượng “yêu” đều dựa trên sự nghịch lý. Khi yêu, chúng con không thể hỏi tại sao yêu? Mục đích gì? Nếu chúng con trả lời được, thì đó không phải là tình yêu, nhưng là một vụ mua bán. Chúng con có sao Chúa yêu chúng như vậy, hoàn toàn nhưng không. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: lấy tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, bằng những hành vi cụ thể của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa ban các bí tích làm linh dược chữa trị tâm hồn chúng con, để ngay khi còn ở dưới thế, chúng con được hưởng phúc lộc trên trời. Xin hướng dẫn chúng con trong cuộc đời hiện tại, và đưa về nơi Chúa ngự rạng ngời ánh vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Mk 7, 14-15. 18-20

“Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa, sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, xin tỏ cho chúng con thấy những việc lạ lùng.

Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa và cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho hiến lễ này đem lại cho chúng con sức toàn năng của ơn cứu chuộc: kéo chúng con ra khỏi vòng say đắm và dẫn đến phúc lộc trên trời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Hỡi con, con phải vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể: xin cho bí tích này thấm nhập vào tâm hồn chúng con và làm cho chúng con ngày thêm vững mạnh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TRỞ VỀ VỚI CHÚA BẰNG VIỆC NHÌN NHẬN ANH EM
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Tin mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh, những người thu thuế và tội lỗi nghe biết về lời giảng và lối sống của Chúa Giêsu, nên họ đã đến để nghe Ngài giảng. Điều này khiến cho các luật sĩ và biệt phái khó chịu. Họ lẩm bẩm trách Chúa đã đón tiếp và ăn uống với những hạng người tội lỗi. Đáp lại thái độ khó chịu của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu mới kể dụ ngôn hôm nay.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa được chính Ngài cụ thể hoá qua sự gần gũi của Ngài với các tội nhân. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, đừng bao giờ thất vọng về sự tha thứ của Ngài. Tình yêu của các người cha trần thế thật tuyệt vời nhưng không thể sánh được với tình yêu Thiên Chúa dành cho những ai Ngài đã tạo dựng.

Nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, Chúa Giêsu cũng nhắm đến thái độ chai đá của các biệt phái và luật sĩ, được Ngài tô vẽ qua hình ảnh người con cả. Trong một vài nét ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã phô bày được bộ mặt chai đá, ích kỷ, mù quáng của biệt phái và luật sĩ. Người con cả là hạng người không bao giờ nhận ra được tình thương của Thiên Chúa. Bao lâu nay sống bên cạnh cha, người con cả vẫn xem mình như một thứ người làm công trong nhà, mà không nghĩ rằng “tất cả những gì của cha đều là của con”. Vì không thể hiểu được tình thương của Cha nên người anh cả cũng không thể đón nhận được người em trong tình ruột thịt gia đình. Cách nào đó, khi từ chối người em của mình: “Còn thằng con của cha kia”, thì người anh cũng từ chối chính mối tương quan cha con với Cha.

Đó có thể là tâm tình của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tuân giữ và thực hành đúng đắn giới răn, nhưng có lẽ chúng ta chỉ ngước lên Chúa như một quan toà công thẳng hay như một viên cảnh sát lúc nào cũng rình rập theo dõi để trừng phạt chúng ta hay chỉ như một kẻ làm công, cố gắng chu toàn để được ân thưởng. Từ một hình ảnh như thế về Thiên Chúa, tâm tình mà chúng ta có đối với Ngài có lẽ chỉ là sợ hãi, nô lệ. Và bởi không nhận ra Thiên Chúa như một người cha, cho nên con người cũng không thể nhìn nhận tha nhân là anh em của mình và như vậy cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Mùa chay là mùa hoán cải. Hoán cải trước tiên là trả lại cho Thiên Chúa gương mặt mà Chúa Giêsu đã mặc khải, đó là gương mặt của người cha yêu thương con người đến thí ban Con Một Mình. Nhưng không thể trở với Thiên Chúa là Cha mà lại không yêu thương tha thứ cho người anh em của mình. Những người con mà Thiên Chúa yêu thương, hiến thân cứu độ.

 

TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA TRONG TÌNH THƯƠNG
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Có một người mẹ đã suốt một đời hy sinh cho con cái. Tuy nhiên, ngay cả đến lúc già nua tóc bạc, bà vẫn không nhận được một nghĩa cử đền ơn báo nghĩa nào của người con. Nhưng mang trong mình tâm tư của người mẹ, với một tình mẫu tử, bà vẫn hết mực thương con.

Câu chuyện trên đây phản chiếu một phần nào hình ảnh của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ông đã quá vất vả vì con cái! Tuy nhiên, thay vì tuổi già, ông được con cái phụng dưỡng, đằng này, nó lại đòi chia gia tài để rồi đi ăn chơi trác táng với phường tội lỗi gian dâm. Hết tiền, hết bạc, bị người ta coi thường, khinh miệt trong thân phận nô lệ và bụng đói thì mò về với Cha của mình!

Tuy nhiên, thay vì xua đuổi, ông lại tỏ ra nhân hậu khi đứa con tội lỗi trở về. Vì thế, người cha này đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và phục quyền cho đứa con lêu lổng một thời đi hoang, và cuối cùng là mở tiệc ăn mừng…

Thế nhưng, hành động của ông nhân từ bao nhiêu, thì hình ảnh, lời nói và thái độ của người con cả lại ngược lại với ông bấy nhiêu.

Người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay đã không chấp nhận tha thứ cho người em của anh. Anh ta trách móc cha mình rồi tỵ nạnh với em mình khi kể lể công trạng của anh ta với cha của anh.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh phóng đãng ăn chơi của người con thứ, hay thái độ ích kỷ, kiêu ngạo như người con cả ngay trong con người của chúng ta, mỗi lần chúng ta đi xa hay không chịu hiểu về tình thương của Thiên Chúa và lời mời gọi của Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, đứng dạy và trở về để được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đừng sợ tình thương của Thiên Chúa, vì tội lỗi của chúng ta có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từng ngày, từng giờ như người cha trong bài Tin Mừng hôm nay để tha thứ, tẩy rửa tội lỗi cho chúng ta.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng vì ích kỷ mà ngăn cản tình thương của Chúa xuống trên anh chị em mình như người con cả trong bài Tin Mừng vừa nghe.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này như người con thứ, biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ như người con cả, và biết mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu nơi người Cha trong dụ ngôn hôm nay. Amen.

LINH DƯỢC CHỮA TRỊ TÂM HỒN
(THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa ban các bí tích làm linh dược chữa trị tâm hồn chúng ta, để ngay khi còn ở dưới thế, chúng ta được hưởng phúc lộc trên trời. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong cuộc đời hiện tại, và đưa chúng ta về nơi Chúa ngự rạng ngời ánh vinh quang.

Linh dược chữa trị tâm hồn chúng ta chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Người ban Mười Điều Răn. Thật ra, đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là các nghi lễ tế tự, lại càng không phải là những điều răn cấm kỵ, nhưng trên hết mọi sự, đó chính là: sự thánh thiện vẹn toàn của một đời sống thiêng liêng và luân lý: nhằm đáp lại tiếng gọi của Tình Yêu Duy Nhất xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu: Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn; thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

Muốn hưởng phúc lộc trên trời, chúng ta phải gắn bó với Chúa, với đường lối của Người. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô kêu gọi chúng ta hãy gắn bó với Thiên Chúa duy nhất, chân thật và tốt lành: Chúng ta hãy gắn bó với Người, hãy đem tất cả tâm hồn, trái tim và sức lực của mình mà sống với Người, hầu được ở trong ánh sáng của Người, được chiêm ngưỡng vinh quang của Người, và được hưởng niềm hoan lạc thiên quốc.

Chúng ta thân phận yếu đuối mỏng dòn, cho nên, không phải lúc nào chúng ta cũng gắn bó mật thiết với Chúa: chúng ta thường hay lạc xa đường lối của Chúa. Chỉ cần chúng ta thành tâm ăn năn sám hối quay trở về với Chúa, chúng ta sẽ lại được Chúa xót thương. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Mikha cho chúng ta biết: Đức Chúa sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Một tấm lòng tan nát giày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê, cho nên, câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha. Lòng ăn năn sám hối của chúng ta bắt gặp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ tái tạo và làm cho chúng ta được hồi sinh, chính vì thế, trong bài Tin Mừng, người Cha Nhân Hậu đã nói với người Anh Cả: Em con đây đã chết mà nay sống lại.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là linh dược chữa trị tâm hồn chúng ta. Với tư duy logic, chúng ta không thể hiểu cách hành xử của người cha “phung phí” đối với đứa con “phung phá” và đối với người con cả, bởi vì, toàn bộ hiện tượng “yêu” đều dựa trên sự nghịch lý. Khi yêu, chúng ta không thể hỏi tại sao yêu? Mục đích gì? Nếu chúng ta trả lời được, thì đó không phải là tình yêu, nhưng là một vụ mua bán đổi chác. Người con cả suốt đời phục vụ cha không bao giờ trái lệnh vì mục đích gì? Nếu anh ta yêu cha mình thật sự, thì chính tình yêu là mục đích rồi, nó nằm ngay trong hiện tượng “yêu”, nếu không, thì mục đích luôn làm cho anh ta căng thẳng. Thánh Autinh nói: “yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm”. Tình yêu đích thực thì không bao giờ sai lầm, Thiên Chúa là tình yêu, cho nên, Người không bao giờ sai lầm. Sai lầm của chúng ta là nghi ngờ Tình Yêu, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đây chính là cám dỗ tinh vi nhất của Satan. Ước gì chúng ta không mắc phải sai lầm này! Ước gì được như thế!



HỌC CÁCH MỪNG VUI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

“Nó phải trở về nơi nó thuộc về!”. Đó là những gì tuyệt phẩm “Đứa Con Hoang Đàng” của Mitch Irion mô tả! Nó phải trở về dù nó ‘đen đủi hơn một thằng quỷ!’. Cha nó vui mừng vì nó đã tìm được nơi nó thuộc về; ở đó, nó mất hút! Vạt áo đỏ như máu, tượng trưng tình yêu của cha, đã lấp kín nó! Spurgeon nhận định, “Thật lạ khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho họ, nhưng lại quá tằn tiện nói về những gì người khác nhận được. Hãy ‘học cách mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng!

Kính thưa Anh Chị em,

‘Học cách mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng! Đó là những gì dụ ngôn hôm nay nói đến. Người anh tỏ ra bất bình trước bữa tiệc cha mình dành cho đứa em hư đốn trở về. Có công bằng không? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học cách mừng vui’ như cha anh vui mừng!

Bạn và tôi dễ sống theo cách ‘mọi thứ phải công bằng’; và khi người khác nhận nhiều hơn, chúng ta có thể tức giận và cay đắng. Hành động xót thương của cha dành cho đứa con ‘tàn đời’ chính là điều người anh cần học. Anh cần biết, bất kể cậu em đã làm gì, dẫu nó đòi chia gia tài - khác nào mong cha chết - hoặc coi bản thân là trung tâm dẫn đến việc cố tìm hạnh phúc ở bất cứ đâu, ngoại trừ một nơi mà nó thực sự tìm thấy: Cha! Dẫu thế, người cha vẫn yêu nó và hân hoan khi nó trở về. Như vậy, đứa em cần lòng thương xót không chỉ của cha, nhưng của cả anh nó, để nó có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.

Người anh đã chung thuỷ với cha suốt bao năm cũng không bị đối xử bất công chút nào! Sự bất bình của anh đến từ việc bản thân anh thiếu lòng thương xót như cha anh. Anh không thể thương đứa em ở mức độ tương tự cha anh thương; và do đó, không thấy được sự cần thiết cần có một lời an ủi như một cách giúp nó hiểu rằng, nó được tha và được chào đón trở lại. Lòng thương xót vượt xa những gì thoạt đầu được coi là công bằng. Muốn được thương xót, bạn và tôi cần sẵn lòng trao tặng nó cho ai cần đến nó nhất.

Thánh Vịnh đáp ca khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”, cũng là Đấng mà ngôn sứ Mikha xác tín, “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển” - bài đọc một.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân hậu và rộng lượng đến mức nào, đặc biệt là đối với những ai xem ra không xứng đáng với điều đó. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, ân sủng thường không tính đến công bằng; ân sủng hào phóng đến mức gây sốc! Hãy dấn thân vào lòng quảng đại sâu xa này đối với bất cứ ai, nhất là những ai đang tổn thương; đồng thời, tìm mọi cách mà bạn có thể ủi an người khác bằng lòng thương xót của Chúa. Nếu bạn làm thế, và biết ‘học cách mừng vui’ như Thiên Chúa, tình yêu quảng đại đó cũng sẽ ban phước dư dật cho lòng bạn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con xụ mặt xuống khi thấy ơn lành Chúa đổ xuống trên người khác. Cho con đủ cao thượng để mừng vui khi thấy anh chị em con may mắn hơn mình!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây