TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Từ Tabor đến Golgotha

Thứ ba - 20/02/2024 18:10 | Tác giả bài viết: Lm. Thiên Phúc |   1291
“Ðây là Con Ta rất yêu dấu” (Mc 9, 1-9)
Từ Tabor đến Golgotha

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay -B
Mc 9, 1-9
“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
         
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
         
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.
         
Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
         
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
         
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay -B
Tác giả: Lm. Thiên Phúc
Giọng đọc: Nguyên Hiệp


 
 

T Tabor đến Golgotha
Lm. Thiên Phúc

Một linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng sâu sắc như sau:
         
Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo. Đúng là một cặp “trai tài gái sắc”. Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.

         
Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận:

         
- Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!

         
Hai mươi năm sau. Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt:

         
- Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

         
Tất cả nguyên trạng, chỉ khác có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay “người đẹp” là trái táo ân tình. Hai mươi năm sau từ tay “nàng già” là trái táo ăn thừa. Nếu chỉ dựa vào nhan sắc, người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

***

Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Nếu người ta làm cho an toàn những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Đức Giêsu cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hóa giải chứ không gây mê.
         
Nhưng có lẽ cuộc biến hình đã phản tác dụng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môi-sê và một cho Êlia” (Mc 9,5). Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor. Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.

         
Các ông đâu biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê. Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp và leo lên thập giá với Thầy.

         
Cũng như ba môn đệ, đôi vợ chồng trong câu chuyện kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu tồn tại mãi, Chúa chỉ mặc “tấm áo trắng như tuyết” trong chốc lát vì niềm hy vọng Phục Sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp. Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc.

         
Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng chung thủy, chính do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa. Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Người.

         
Đức Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Đức Kitô rong ruổi trên các đường phố Palestine rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ.

         
Đức Kitô sáng láng của Tabor cũng chính là Đức Kitô thắm đẫm mồ hôi trong vườn Giếtsimani.

         
Đức Kitô rực rỡ của Tabor cũng chính là Đức Kitô treo trên thập giá đỉnh Golgotha.

         
Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường tình yêu. Theo Thánh Têrêsa thành Lisieux: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê”. Thánh Bernadette cầu nguyện: “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau”.

***

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn can đảm tiến bước trên đường đời chông gai vạn nẻo, với niềm hy vọng biến cố Phục Sinh sẽ bừng sáng. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây