TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,21-43)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 17/06/2024 14:22 |   86
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,57-66.80)

24/06/2024
thứ hai tuần 12 THƯỜNG NIÊN

Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

Gioan Tẩy Giả

Lc 1,57-66.80


“niềm vui được mở mắt”
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,57-66.80)


Suy niệm: “Trên nền nhạc du dương của ca khúc ‘Cha Mẹ Không Cho’…, bài múa là câu chuyện day dứt của những sinh linh không bao giờ được cất tiếng khóc chào đời… thể hiện ngay trong những ca từ của bài hát: ‘Có những đôi mắt chưa bao giờ được mở, đôi bờ mi chưa bao giờ được khóc, có những bàn tay chưa bao giờ được duỗi thẳng ra, cầm gì đó, sờ vào ai đó’…” (Tuổi Trẻ Online ngày 09/05/2013). Lời hát như tiếng khóc xé lòng: “Con nào có biết đâu vì sao lại như thế này… Vì sao lại không cho?... Không cho con niềm vui được mở mắt?...” Thánh Gio-an Tẩy Giả được diễm phúc chào đời trong vòng tay của “láng giềng thân thích đến chia vui” vì thấy “bàn tay Chúa phù hộ em”. Ngày sinh của Gio-an đã trở nên “tiếng kêu trong sa mạc”, đòi trả lại quyền làm người cho biết bao triệu sinh linh mà “cha mẹ không cho chào đời” đó.

Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 12/05/2013, ngỏ lời với hơn 20.000 người tham gia cuộc Tuần Hành Vì Sự Sống đã kêu gọi mọi người “tôn trọng sự sống con người ngay từ giây phút thụ thai” và ủng hộ việc “đòi hỏi sự bảo vệ pháp lý đối với các phôi thai, để con người phải được bảo vệ ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống.” Bạn đã làm gì để góp phần bảo vệ sự sống ngay trong môi trường bạn đang sống?

Sống Lời Chúa: Dành một phút để tưởng nhớ những sinh linh bị từ chối quyền sống khắp nơi trên thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là chủ của sự sống, xin cho mọi người biết tôn trọng sự sống mà Chúa đã ban cho thế giới.

Ngày 24: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúa đã thay thế sự bất tuân của chúng con bằng sự vâng phục của Chúa: Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời, mà muôn người bị liệt vào hàng tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời, muôn người cũng sẽ được kể là công chính. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: Nhờ vâng phục cho đến chết, Chúa đã đảm nhận hoàn toàn vai trò Người Tôi Tớ đau khổ, hiến mạng sống mình làm Của Lễ Đền Tội muôn dân. Chúa đã gánh lấy tội lỗi của chúng con, để làm cho chúng con nên công chính. Xin cho chúng con biết cùng chịu chết với Chúa, để được nên một với Chúa trong hy tế: đền bù tội lỗi chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 12 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 12, 1-9

“Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy”.

Trích sách Sáng Thế.

Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn; Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành cho ngươi, và sẽ chúc dữ cho ai chúc dữ cho ngươi. Nơi ngươi mọi dân nước sẽ được chúc phúc”.

Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy, và có ông Lót đi theo. Khi bỏ đất Haran, Abram được bảy mươi lăm tuổi. Ông đem Sarai, vợ ông, và Lót là cháu, cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran. Họ ra đi đến đất Canaan. Khi họ tới nơi, Abram rảo qua các xứ cho đến Sikem, thung lũng thời danh. Bấy giờ người Canaan đang ở xứ này.

Chúa đã hiện ra với Abram và phán rằng: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi”. Ông đã dựng ở đó một bàn thờ kính Thiên Chúa, Ðấng đã hiện ra với ông. Rồi từ nơi ấy, ông đi đến núi ở phía đông Bêthel mà cắm trại: phía tây của trại là Bêthel và phía đông là Hai. Ông cũng dựng ở đó một bàn thờ kính Chúa, và khấn cầu danh Chúa. Abram cứ tiến dần mãi về (Nageb ở) phía nam.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình 

Xướng:  Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta.

Xướng:  Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 17, 5-8. 13-15a. 18

“Chúa xua đuổi Israel khỏi mặt Chúa và chỉ còn lại chi họ Giuđa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Salmanassar, vua dân Assyria, xâm chiếm khắp miền và bao vây Samaria trong ba năm. Năm thứ chín đời vua Hôsê, vua Assyria chiếm được Samaria, và đem dân Israel sang Assyria, định cư họ ở Hala và ở Habor, gần sông Gozan, và trong các thành thuộc nước Mêđia.

Xảy ra như thế, vì con cái Israel phạm đến Chúa là Thiên Chúa họ, Ðấng đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, khỏi quyền lực Pharaon, vua nước Ai-cập. Họ đã thờ các thần ngoại bang; họ noi theo các tập tục của dân ngoại mà Chúa đã xua đuổi trước bước tiến của con cái Israel, và họ đã theo các nghi lễ mà vua Israel đã quy định.

Chúa đã dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa rằng: “Các ngươi hãy cải tà quy chính, hãy tuân giữ các điều răn và nghi lễ, theo đúng lề luật Ta đã dùng các tiên tri tôi tớ Ta mà truyền cho cha ông các ngươi, và chuyển lại cho các ngươi”. Nhưng họ không muốn nghe. Họ cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông họ, không muốn vâng phục Chúa là Thiên Chúa. Họ chối bỏ các huấn lệnh của Chúa và lời giao ước Người đã ký kết với cha ông họ, và cả những mệnh lệnh rõ ràng Người đã truyền, nên Chúa nổi giận dân Israel, và xua đuổi họ khỏi mặt Chúa. Chỉ còn lại chi họ Giuđa mà thôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 59, 3. 4-5. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, xin Chúa ra tay hữu phù trợ và nhậm lời chúng con (c. 7b).

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài đã hất hủi chúng con, Ngài đã làm cho hàng ngũ chúng con tan rã, Ngài đã thịnh nộ, nhưng xin cho chúng con được phục hồi!

Xướng: Ngài đã rung động đất nước và xâu xé, xin hàn lại chỗ đổ vỡ, vì nó đang xiêu té. Chúa để dân Ngài gặp những thử thách cam go, Ngài cho chúng con uống thứ rượu say mê choáng váng.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, há không phải Ngài đã hất hủi chúng con ư? Ôi Thiên Chúa, Ngài đã không xuất trận cùng quân đội chúng con. Xin Chúa giúp đỡ chúng con chống lại quân thù, vì sự hỗ trợ của người trần là vộ hiệu quả.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 1-5

Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Ðể tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Ðồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỪNG XÉT ĐOÁN VÀ ĐỪNG KẾT ÁN (Mt 7,1-5)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Con người chúng ta thường quá độ lượng với chính mình, nhưng lại khắt khe với người khác, thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giê-su nhiều lần cảnh báo.

Nhìn thấy cái rác trong mắt anh em dễ hơn là thấy cây đà trong mắt mình. Không phải ta không thấy vướng mắt, nhưng là vì ta quá quảng đại với bản thân, thậm trí viện dẫn muôn ngàn lý do để cho rằng cái đà trong mắt ta chẳng có là gì trước mặt mọi người. Tình trạng đó đưa ta đến một khả năng rất dễ thấy cái rác trong mắt anh em mình.

Việc Chúa dạy chúng ta phải làm là lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã. Chúa muốn thay đổi cái nhìn, nhận ra mình cần được sửa đổi trước đã, để nhờ thay đổi bản thân, ta không còn thấy và muốn nhặt rác trong mắt anh em mình nữa, rộng lượng hơn đối với anh em. 

Chúa bảo: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét” (Mt 7,1). Chúa dạy chúng ta đừng đoán xét và lên án là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, cũng không thể đoán xét đúng và công bằng được, chỉ có Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Vậy nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì đừng đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.

Chắc chắn không ai muốn sống mà lúc nào cũng bị người khác để ý từng hành vi, cử chỉ. Vậy đừng làm cho người ta cái gì mình không ưa thích. Chúa nhắc nhớ chúng ta: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt người trong mắt chúng ta trước, rồi lấy rác nơi anh em sau” (Mt 7, 5). Chúa sinh chúng ta ra mỗi người một vẻ để chúng ta đùm bọc nhau, sửa chữa nhau chứ không để hại nhau đâu. Đừng đoán xét và đừng lên án. Đó là điều Chúa nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nghe lời Chúa dạy và đem ra thực hành trong đời sống. Amen.

 

ĐỪNG XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC (Mt 7,1-5)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su nói với các môn đệ: anh em không được xét đoán lên án kẻ khác, vì việc đó thuộc quyền của Thiên Chúa. Anh em xét đoán kẻ khác thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy. Sao anh em thấy cọng rác nhỏ trong con mắt kẻ khác, còn cái xà trong mắt anh em, mà anh em không thấy, nghĩa là lỗi lầm nhỏ mọn của người khác thì anh em thấy rõ rồi phê bình lên án đủ thứ, còn tội nặng nề của anh em, anh em lại không chịu thấy, không chịu nhận, không lo sửa chữa. Hãy lo từ bỏ sửa chữa tội lỗi của anh em trước đã rồi anh em mới giúp được kẻ khác chừa bỏ lỗi lầm của họ.

2. Xénophon, nhà hiền triết Hy Lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN đã nói như sau: Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đằng trước, một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả những cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy dẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.

Khuynh hướng tự nhiên của con người là dễ dàng kết án người khác, nhưng lại tỏ ra dễ dãi với mình. Chúa Giê-su đến để chỉnh đốn khuynh hướng lệch lạc ấy. Ngài mời con người hoán cải, nghĩa là quay trở lại với mình, nhìn thẳng vào thực chất của mình, để từ những yếu đuối, bất toàn của mình để dễ dàng thông cảm và tha thứ cho người khác hơn. Đó là nội dung những lời khuyên của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.

3. Dân gian có câu:

Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Hay:

Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê.
(Việc mình thì quáng, việc người thì sáng).

Chúa Giê-su vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại soi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy”? Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tầy đình của bản thân…

4. Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giê-su, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lê-vi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Gia-kêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải, Ma-đa-lê-na đã dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giê-su (Mỗi ngày một tin vui).

5. Tóm lại, như lời Chúa Giê-su dạy: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong bằng đấu ấy cho anh em” (Mt 7,1-2), nghĩa là khi chúng ta dùng lăng kính chủ quan của mình để xét cho anh em thế nào, thì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa thể ấy. Vậy nên, nếu khi xét đoán, chúng ta cần biết nhìn lại chính mình, nhất là trong lời xét đoán về anh em có thực sự khách quan hay không, có thực sự vì yêu thương anh em và vì sự thật hay không.

6. Truyện: Biểu diễn trồng táo.

Tại một xứ Hồi giáo, có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì đã ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua:

– Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền lại cho hậu thế.

Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:

– Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không thể trồng được.

Nhà vua vẫn chiều lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:

– Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần nhận thấy không đủ điều kiện để trồng hạt táo này.

Nhà vua đưa mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.

Không tìm được ai, nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra lúc còn nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:

– Tâu bệ hạ, các ngài là những người quyền thế cao trọng, không thiếu thốn gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con người khốn khổ, chỉ vì lỡ lấy thức ăn của người khác cho đỡ đói, thế mà các ngài đã kết án treo cổ hạ thần.

Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

Ca nhập lễ

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến để chứng minh về sự sáng, và chuẩn bị cho Chúa một dân tộc hoàn hảo.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay toàn thể Hội Thánh cử hành lễ kính Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là vi tiên tri đặc biệt: vị tiên tri cuối cùng, vị tiên tri trung gian nối kết giữa Cựu ước và Tân ước. Ngài đã thi hành sứ vụ thật nghiêm túc bằng cuộc sống khắc khổ, khẩn thiết rao giảng sự thống hối để chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận ơn cứu độ; sẵn sàng chịu tù đầy và chết vì lẽ công chính, và khiêm tốn phục vụ Đức Kitô như chính Ngài đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.

Thánh lễ giờ đây thúc đẩy chúng ta noi gương anh dũng kiên cường của Thánh Gioan Tẩy Giả, để chúng ta được trở nên chứng nhân cho Đức Kĩtô trong thời đại hôm nay. Đó cũng là điều mà chúng ta tỏ lòng mến yêu và kính trọng vị Đại Tiên Tri của Đức Kitô. chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi để cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Ðức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.

Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng 

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã thử con và đã nhận biết con: Chúa nhận biết con khi con ngồi và khi con chỗi dậy. Từ lâu, Chúa đã hiểu biết các tư tưởng của con: Chúa thấu suốt đường lối của con rồi. 

Xướng: Tâm can con thuộc quyền sở hữu của Chúa; Chúa đã nhận lãnh con từ khi con còn trong lòng mẹ. Con ca ngợi Chúa vì con được tạo thành cách lạ lùng; các việc Chúa làm thật là kỳ diệu. 

Xướng: Chúa đã am tường linh hồn con; các xương con không giấu kín trước mặt Chúa, lúc con được tạo thành cách âm thầm, khi con được dệt trong lòng đất. – Đáp.

Bài đọc II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 76

Alleluia, alleluia! – Hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người. – Alleluia.

Phúc âm: Lc 1, 57-66. 80

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel. Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay Hội Thánh mừng lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Ngài đã được Chúa chọn để làm tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cùng với ông bà Giacaria và Isave, chúng ta hãy chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và hân hoan dâng lời nguyện xin.

1. “Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn ở trong lòng mẹ” Xin cho các vị Thừa Sai trong Hội Thánh luôn ý thức ơn gọi của mình và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, để muôn dân nhận biết và mến yêu phụng sự Chúa.

2. “Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giầy của Người”.- Xin cho dân Chúa được theo gương khiêm nhường của Thánh Gioan Tiền hô, sống và thi hành vai trò Chúa dùng để vinh danh Chúa.

3. “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.– Xin cho mọi Kitô hữu hằng nhớ đến tên thánh đã được nhận ngày chịu Phép Rửa Tội, mà cung kính, kêu cầu các ngài nâng đỡ, trong đời sông đức tin.

4. “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào, vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó”.- Xin cho các thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta luôn được cha mẹ và những nhà giáo dục chăm sóc dậy dỗ trong tình yêu thương, để các em được lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan.

Chủ tếLạy Chúa, Chúa đã dùng Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng và loan báo Đức Kitô: Đấng cứu độ thế giới. Xin cho chúng con sống xứng đáng với ơn gọi kitô hữu của mình, hầu trở nên nhân chứng đích thực của Chúa bằng đời sông bác ái yêu thương và phục vụ mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con đặt lễ vật này trên bàn thờ Chúa để long trọng mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan, vị tiền hô, đã loan báo Ðấng Cứu Ðộ trần gian khi người sắp đến, và giới thiệu khi người xuất hiện. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. Chúng con ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi thánh Gioan Tiền Hô. Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặt biệt giữa các người thế. Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng Cứu Ðộ trần gian ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Gio-đan, Người đã làm phép rửa cho Ðấng thiết lập bí tích thánh tẩy để thánh hoá mọi người. Sau cùng, người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Ðức Kitô. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả mà không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Do lòng từ bi của Thiên Chúa chúng ta, mà Đấng từ trời cao đã xuống viếng thăm chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa vừa bổi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Chiên Thiên Chúa. Xin cho Giáo Hội đang hoan hỷ mừng ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả được nhận biết rằng Ðức Kitô là Ðấng làm cho Giáo Hội được tái sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG

SUY NIỆM LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

(Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66, 80)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Nếu có ai đã từng đến đất nước Philippines, hẳn sẽ thấy điều đặc biệt trong ngày mừng sinh nhật. Tại đất nước này, ngày sinh nhật là một ngày trọng đại. Vì thế, dù nghèo hay giàu, họ đều tổ chức rất trang trọng. Trong dịp mừng đó, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là tiệc to hay nhỏ, đông người hay ít người, nhưng điều làm cho người tham dự cảm động và nhận ra giá trị cao quý của ngày sinh nhật, đó là: người mừng sinh nhật hôm đó, hiện diện giữa đám đông, mọi người đứng chung quanh và giơ hai tay hướng về nhân vật mừng sinh nhật kèm theo lời kinh nguyện để xin Chúa chúc lành cho đương sự. Thật cảm động và ý nghĩa!

Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Mẹ Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hiểu được tầm quan trọng của Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; đồng thời, cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương vị Tiền Hô vĩ đại của Chúa để là chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình, ngõ hầu sống xứng đáng sự hiện diện cao quý của mỗi người trên trần gian.

 1. Sự xuất hiện của Gioan là một điều vĩ đại

Con người được hiện hữu trên trần gian này là một mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Hiểu được giá trị của mình và sống giá trị ấy bằng những lựa chọn tốt là một hồng ân.

Vì thế, chúng ta tin nhận chắc chắn rằng: sự xuất hiện của mỗi người trên trái đất này không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Không! Mỗi người sinh ra đều mang đậm dấu ấn yêu thương của Thiên Chúa từ đời đời. Người đã có cả một kế hoạch đầy yêu thương riêng biệt cho chúng ta. Tác giả sách Isaia đã thốt lên: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-2). Vua thánh Đavít cũng đã cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của mình trong chương trình của Thiên Chúa, nên ngài đã viết: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139, 13).

Như vậy, trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều mang trong mình một sứ vụ. Thánh Gioan Tẩy Giả chính là một trong những người đó.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, và sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho ông về việc bà Êlisabet vợ ông sẽ mang thai trong lúc tuổi đã xế chiều. Hơn nữa, sứ thần còn truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ là Gioan. Tiếp ngay sau đó, sứ thần đã báo cho ông biết sứ vụ của người con mà ông và người vợ son sẻ cao niên sẽ sinh ra. Sứ thần nói về Con Trẻ là người: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Điều này cũng đã được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy ông Dacaria, để ông nói tiên tri về con của mình rằng: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Như vậy, sự xuất hiện của Gioan là một hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tỏ hiện lòng thương xót của Người cho cha mẹ Gioan cũng như cho họ hàng dòng tộc. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tình thương ấy được trải dài và lưu truyền cho muôn ngàn thế hệ khi Gioan thi hành sứ vụ ngôn sứ của Đấng Tối Cao trong vai trò là Tiền Hô.

 2. Thực thi sứ vụ trong tinh thần khiêm nhường

Quả thật, Gioan đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, vì ngài đã trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sau thời gian sống ẩn dật trong rừng vắng, Gioan đã ra đi và thi hành sứ vụ. Ngài đã trở thành tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn cho ngay… (x. Lc 3, 4-6).

Như vậy, Gioan nắm một vai trò trực tiếp có một không hai là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi ông công khai xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng đã tưởng là Đấng Cứu Thế! Lúc đó, nhiều người đã đến để thăm dò, chất vấn xem ông có phải là Đấng Kitô mà bao ngôn sứ đã loan báo, nay xuất hiện hay không? Khi đặt vấn đề ấy với ông, ông hoàn toàn phủ nhận và không những thế, Gioan còn đề cao Đấng Cứu Thế khi nói: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (x. Lc 3, 16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người dọn đường, vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến thì: “Ngài phải lớn lên còn tôi, tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3, 30). Khi uy tín của ông lên đến đỉnh điểm, có nhiều môn đệ đi theo, lẽ ra, lúc này, ông phải tự hào và hãnh diện cũng như củng cố uy tín…! Không! Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông sẵn sàng chỉ về phía Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). 

Quả thật, Gioan là một người khiêm tốn. Điều này được chứng minh qua thân thế của ông như sau: sinh ra trong một gia đình có truyền thống Tư Tế, thượng lưu, Gioan có quyền được hưởng một cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại âm thầm và gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và uống mật ong rừng. Ông sống nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã ân thưởng cho Gioan xứng với vai trò của ông, nên Ngài đã khen ngợi, công nhận Gioan là người vĩ đại khi nói: “Anh em vào sa mạc để xem gì? Một cây lau phất phơ trước gió ư?… Anh em xem thấy gì? Một vị ngôn sứ? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết,  trong con cái của người phụ nữ, không ai lớn hơn Gioan” (x. Lc 7, 28). 

Cuối cùng, cuộc đời của Gioan được kết thúc bằng cái chết trong ngục tù. Tuy nhiên, tưởng chừng như âm thầm chốn lao tù tối tăm! Nhưng không, cái chết của ngài đã được muôn đời ca ngợi vì vẻ cao quý hào hùng của bậc vĩ nhân.

 3. Sứ điệp ngày lễ

Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan hôm nay, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình trong trần gian. Hãy biết đặt ra cho mình câu hỏi: tôi sinh ra trên trần gian này để làm gì? Sự hiện hữu của tôi có đem lại lợi ích gì cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại không?

Khi đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, hẳn chúng ta sẽ thấy được sứ mệnh của mỗi người trong trần gian này.

Vậy, nếu sứ mệnh của Gioan là: dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng việc ăn chay, hãm mình và kêu gọi lòng dân sám hối quay về với Thiên Chúa, thì sứ mệnh của chúng ta sẽ là gì nếu không phải chính mình thi hành tinh thần sám hối và dạy người ta biết ăn năn để trở về nẻo chính đường ngay?

Tuy nhiên, muốn sám hối để quay trở về với Chúa, chúng ta phải noi gương Gioan Tẩy Giả, đó là sống khiêm nhường thẳm sâu.

Cuối cùng, khi đã khiêm nhường và sám hối, chúng ta nhớ lại sứ vụ mà mỗi người đã được trao trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Sứ vụ ấy là trở thành ngôn sứ và chứng nhân cho Đức Giêsu giữa cuộc sống hôm nay.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã cho thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên trần gian. Ngài chính là mẫu gương cho chúng con về việc thi hành sứ vụ. Xin cho chúng con biết quý trọng sự hiện hữu của mình và biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để sống đời chứng nhân cách nhiệt thành và anh dũng. Amen.

 

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ Tây Phương, có từ thế kỷ IV và nhanh chóng phổ biến trong các thế kỷ sau. Chúng ta biết rằng từ thế kỷ XVI, tại Rôma, trước ngày đại lễ, người ta tổ chức ăn chay cách long trọng và có một Thánh lễ vọng được dâng tại phòng rửa tội của thánh Đường Latêranô (xem Sách bí tích của Vêrone). Thời trung cổ, các linh mục dâng ba Thánh lễ vào ngày này. Nghi thức Phụng Vụ mới đã làm cho lễ vọng có được bầu không khí ngày lễ trọng và được cử hành vào ban chiều.

Lễ này đi trước lễ Giáng Sinh sáu tháng, do tham chiếu vào bản văn Tin Mừng Luca (1,36) và sau lễ Truyền Tin ba tháng. Từ thế kỷ III, vài thần học gia dựa trên khuynh hướng biểu tượng ví Đức Kitô như là mặt trời để quan tâm đặc biệt đến các chí điểm trong lịch sử Cứu độ. Như thế, họ cho rằng Gioan Tẩy Giả có lẽ được hình thành trong dạ mẹ vào ngày thu phân và sinh ra nhằm ngày hạ chí, bởi vì từ thời điểm hạ chí các ngày bắt đầu ngắn đi, trong khi từ đông chí, các ngày lại dài ra. Các Giáo hội theo nghi thức Byzantin cử hành lễ Bà Êlisabét thụ thai thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 9. Có một sự đối ngẫu giữa việc Chúa Giêsu sinh ra vào mùa đông, và việc Gioan Tiền Hô sinh ra vào mùa hè. Hai ngày sinh nhật này thường là dịp cho người dân tổ chức các lễ hội truyền thống, như đốt pháo hoa dịp lễ thánh Gioan. Các giờ kinh Phụng Vụ mừng lễ sinh nhật thánh Gioan bằng mười tám điệp ca và các bài đọc lấy từ Kinh thánh, không kể các thánh thi riêng.

Tại Canađa, thánh Gioan Tẩy Giả được mừng và tôn làm “thánh bảo trợ riêng của những người dân Canađa gốc Pháp.”

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ lễ vọng và chính lễ đều nhấn mạnh đến hai chủ đề trọng yếu trong các bản văn Tin Mừng. Trước mắt chúng ta, Gioan Tẩy Giả được trình bày như vị Tiền Hô của Đấng Mêssia (lời nguyện lễ vọng) và như ngôn sứ loan báo cuộc giáng lâm của Đức Ki-tô mà người gọi là “Con Chiên toàn thắng tội lỗi” (lời nguyện hiệp lễ lễ vọng và chính lễ).

Kinh Tiền tụng Thánh lễ nhắc đến cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô. Kinh mở đầu bằng cách nêu lên những lý do tại sao lễ này lại quan trọng hơn ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, vì lễ của Đức Mẹ chỉ là lễ kính chứ không phải lễ trọng. Các lý do chính là những điều kỳ diệu đã được thực hiện nơi Gioan Tẩy Giả. Bởi lẽ trong các con cái loài người, chính người đã được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để dọn đường cho Chúa đến. “Chưa sinh ra, người đã nhảy mừng khi Đấng Cứu Độ trần gian ngự đến. Lúc chào đời, người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Đức Ki-tô là Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Giorđan, người đã làm phép rửa cho Đấng thiết lập bí tích Thánh Tẩy để thánh hóa mọi người. Sau cùng người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô.” Gioan Tẩy Giả không tự mãn khi rao giảng sự sám hối vì nước Thiên Chúa đang ở ngay bên. Nhưng ngài cũng loan báo rằng Đức Kitô đang hiện diện ở giữa mọi người. Do đó, người còn hơn cả ngôn sứ nữa (Mt 11,9). Gioan là một chứng nhân anh dũng đến độ đổ máu đào nhưng lòng khiêm hạ khiến ngài đứng tách biệt: Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (Ga 3,30). Ngài xử sự như người tôi tớ, vì người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng (Ga 3,29). Trong Bài giảng được Bài đọc – Kinh sách, thánh Augustinô đã lập một bản đối chiếu giữa Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả. Trước câu hỏi mà Gioan cho các môn đệ của mình hỏi Đức Kitô: Thầy có thật là Đấng phải đến không…? Đức Giêsu trả lời: Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11,2-6) Gioan không chỉ loan báo và chỉ cho thấy Đấng Mêssia, mà còn ủng hộ Người nữa.

Enzo Lodi
 

BƯỚC VÀO ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
(LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ 24/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho Dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin Chúa rộng ban cho chúng ta được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin Chúa hướng dẫn chúng ta bước vào con đường cứu độ và bình an. Hội Thánh hân hoan mừng ngày thánh Gioan Tẩy Giả chào đời. Sứ mạng của người là “làm chứng cho ánh sáng”, đang đến khai mạc thời đại mới: đó là Đức Giêsu Kitô. Khi đề cập đến vai trò có một không hai của vị tiền hô, chính Đức Giêsu đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”

Bước vào con đường cứu độ là bước vào ơn cứu độ, mà Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta qua các ngôn sứ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ông Giêrêmia đã được chọn làm ngôn sứ: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân. Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước.

Bước vào con đường cứu độ là bước vào ơn cứu độ, mà Chúa đã sai ông Gioan đi trước, mở lối cho Người, và bảo cho Dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Ông Dacaria bị câm, không nói được cho đến khi Gioan, vị tiền hô của Chúa chào đời, nhờ đó, ông lại nói được. Sự im lặng của ông Dacaria có nghĩa gì, nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, tức là bị che giấu và đóng lại cho tới khi Đức Kitô đến rao giảng? Khi ông Gioan đến, thì lời ngôn sứ được mở ra, và khi Đấng được tiên báo đến, thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng.

Bước vào con đường cứu độ là bước vào ơn cứu độ, mà Chúa đã chọn ông Isaia, khi ông còn trong lòng mẹ, và đặt ông làm ánh sáng muôn dân, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ cũng cho thấy: Theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ítraen một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

Bước vào con đường cứu độ là bước vào ơn cứu độ, mà Chúa đã dành sẵn cho mỗi người chúng ta, trước cả khi, chúng ta thành hình trong dạ mẹ, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 138, vịnh gia đã cho thấy: Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại: Ông Dacaria xin một tấm bảng nhỏ và viết: Tên cháu là Gioan. Ông Gioan xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước: Cựu Ước và Tân Ước. Ông đại diện cho thời đại cũ, khi được sinh ra bởi hai ông bà già; ông đại diện cho thời đại mới, khi được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ. Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho Dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô, ước gì chúng ta biết ngoan ngùy, để Chúa hướng dẫn chúng ta bước vào con đường cứu độ của Chúa. Ước gì chúng ta cũng biết hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao phó như thánh Gioan Tẩy Giả. Ước gì được như thế!

RỒI SẼ NÊN THẾ NÀO?
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó!”.

Suy niệm “Năm chiếc bánh và hai con cá”, Philip Clarke Brewer viết, “Chúa sử dụng những gì bạn có, để lấp đầy một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; sử dụng nơi bạn ở, để đưa bạn đến một nơi bạn không bao giờ có thể đi đến; sử dụng những gì bạn làm, để hoàn tất những gì bạn không bao giờ có thể thực hiện. Ngài sử dụng bạn, dù bạn là ai, để trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành, và không biết ‘rồi sẽ nên thế nào!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không biết ‘rồi sẽ nên thế nào!’”; đó cũng là những gì họ hàng của Zacharia - Êlisabeth tự hỏi về Gioan! Tin Mừng ngày lễ Sinh Nhật Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế tường thuật cảnh nhộn nhịp dưới mái nhà của ông bà khi xóm diềng đến chúc mừng họ.

Một em bé chào đời là cách Thiên Chúa nói với thế giới rằng, “Nó sẽ tiếp tục!”; ngày sinh của một thơ nhi phản ánh vẻ đẹp và sự huyền nhiệm vô hạn của Ngài, Đấng nói rằng, “Đã có những phóng chiếu của Ta trên hình hài nó!”. Cha mẹ của em bé có thể coi đó là một nhầm lẫn, sai sót; nhưng Thiên Chúa thì không! Một đôi vợ chồng hiếm muộn ‘mong mỏi’ nó; Thiên Chúa thì ‘khát khao’ nó! Với bất cứ một sinh linh nào, chúng ta đều tin như vậy, phương chi đối với Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế! Tôma Aquinô viết, “Gioan đã được thánh hoá từ dạ mẹ”; còn Luca, “Em đã đầy Thánh Thần ngay trong lòng mẹ!”.

Isaia chia sẻ một trải nghiệm tương tự, “Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ; lúc tôi chưa chào đời, Người nhắc đến tên tôi”. Được tạo thành cách lạ lùng; Isaia được sai đi còn lạ lùng hơn, “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất!” - bài đọc một. Kỳ diệu thay, những lời này ứng nghiệm trên Gioan, trên Chúa Giêsu, Ánh Sáng Muôn Dân. Phaolô xác nhận, “Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Để dọn đường cho Người, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” - bài đọc hai. Trước huyền nhiệm của việc tạo thành và sai đi này, dẫu không biết ‘rồi sẽ nên thế nào’, Thánh Vịnh đáp ca cũng trào tràn tâm tình tạ ơn, “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?”. Bàn tay Chúa ở với Gioan, Gioan được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt cho một sứ mệnh đặc biệt! Nhờ ơn Chúa, Gioan nghiêm túc chu toàn sứ mệnh và hoàn tất nó cách tuyệt vời. Cũng thế, sự xuất hiện của bạn và tôi trên hành tinh này không phải là ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ ý định ngàn đời của Thiên Chúa. Ân sủng và tình thương Ngài ‘không rời chúng ta nửa bước’. Ngài kỳ vọng mỗi người sẽ trở thành ‘một ai đó’ mà ngay cả chúng ta cũng không biết ‘rồi sẽ nên thế nào!’. ‘Một ai đó’, chúng ta không biết, nhưng Thiên Chúa biết! Vậy, hãy cộng tác với ân sủng, nghiêm túc chu toàn bổn phận theo đấng bậc mình và hoàn tất nó cho tuyệt vời! Và như vậy, bạn và tôi đã làm vui lòng Đấng đã nắn đúc mình như Ngài đã nắn đúc Gioan!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con làm Chúa thất vọng khi con không trở nên ‘một ai đó’ mà Chúa kỳ vọng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây