TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 17/06/2024 14:09 |   455
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,1-4)

28/06/2024
thứ sáu tuần 12 THƯỜNG NIÊN

Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

t6 t12 TN

Mt 8,1-4


NẾU NGÀI MUỐN…
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,1-4)


Suy niệm: Luật Do Thái quy định 61 khoản người phong và ai tiếp xúc với họ phải tuân giữ. Đụng đến người phong thì bị ô uế, chỉ sau việc đụng đến xác chết! Nơi lộ thiên, phải đứng cách xa họ hai mét. Họ bị xã hội loại trừ, sống nhưng tựa như đã chết với cộng đồng. Thế mà người phong này, với cử chỉ quỳ bái lạy khiêm tốn, cùng với lời thỉnh cầu đầy tính khiêm nhu “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn…” Nghĩa là tôi thì tôi muốn lắm, muốn đến chết đi được, ai lại không muốn được Ngài chữa lành trong trường hợp bệnh nan y như tôi, nhưng tùy Ngài, tùy ý muốn của Ngài. Anh thả mình, phó thác cuộc đời tăm tối cùng với hy vọng cuộc sống mới trong tình yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Hãy chiêm ngắm xem Ngài đã làm gì. Trái tim, bụng dạ Ngài chạnh lòng thương xót, Ngài giơ tay đụng vào anh dù luật cấm, nói lời quyền năng để chữa anh sạch bệnh, hòa nhập với cộng đồng.

Mời Bạn: Mẹ Tê-rê-xa nói với ta rằng căn bệnh trầm trọng của thời đại không phải là bệnh phong, ung thư hay lao phổi, mà là bệnh cảm thấy không ai cần đến, chẳng ai quan tâm, bị ruồng bỏ. Có lẽ bên cạnh bạn cũng đang có những con người như vậy, bạn hãy bày tỏ lòng thương xót, sự quan tâm, nâng đỡ, ủi an, giúp họ ra khỏi tình cảnh ấy, để chữa lành, với tình thương như Chúa Giê-su. 

Sống Lời Chúa: Tôi nhìn ngắm những gì Chúa Giê-su làm cho người phong, để rồi chia sẻ tình yêu thương với những anh chị em lân cận, đang gặp đau khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chạnh lòng thương, và  làm mọi cách để bày tỏ lòng thương xót với người phong. Xin cho con cũng có trái tim biết chạnh lòng thương như Chúa. Amen.

Ngày 28: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Thập Giá cho thấy tình yêu đi bước trước của Chúa Cha. Thật vậy, khi trao nộp Chúa vì tội lỗi chúng con, Chúa Cha đã cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng con. Tình yêu này không loại trừ một ai, như Chúa đã nói: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Chúa quả quyết rằng: Chúa hiến dâng mạng sống, để làm giá chuộc muôn người. Xin cho chúng con biết nối gót các Tông Đồ xưa, xác quyết rằng: Chúa đã chết cho hết thảy mọi người chúng con. Trước kia, hiện nay, cũng như sau này, không có một ai, mà Chúa đã không chịu chết cho họ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 12 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 17,1.9-10.15-22

“Mọi đứa con sẽ chịu cắt bì để làm dấu giao ước. Sara sẽ sinh cho ngươi đứa con trai”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Khi Abram vừa được chín mươi chín tuổi, Chúa hiện ra với ông và phán bảo ông rằng: “Ta là Chúa toàn năng, hãy đi trước mặt Ta và hãy nên trọn lành”.

Chúa lại phán bảo Abram rằng: “Vậy ngươivà dòng dõi ngươi qua muôn thế hệ, hãy giữ giao ước của Ta. Ðây là giao ước phải giữ giữa Ta với ngươi, nghĩa là dòng dõi ngươi sau này: Tất cả con trai của các ngươi sẽ chịu cắt bì”.

Chúa lại bảo Abraham rằng: “Ngươi sẽ không còn gọi Sarai vợ ngươi là Sarai nữa, nhưng gọi là Sara. Ta sẽ chúc phúc cho Sara; và Sara sẽ sinh một con trai; Ta sẽ chúc phúc đứa con đó, nó sẽ làm đầu nhiều dân, và do nó sẽ sinh ra nhiều vua nhiều nước”.

Abraham cúi mặt cười, nghĩ trong lòng rằng: “Già đã trăm tuổi mà còn có con được sao? Sara đã chín mươi tuổi sẽ sinh con ư?”

Rồi ông thưa cùng Chúa: “Xin Chúa cho Ismael được sống trước mặt Chúa!”

Chúa phán bảo Abraham rằng: “Sara vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai, ngươi đặt tên nó là Asaac. Ta sẽ lập giao ước muôn đời với nó, và dòng dõi nó. Ta cũng nghe lời ngươi cầu cho Ismael: này Ta sẽ chúc phúc cho nó sinh sản nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai tướng quân, và Ta sẽ làm cho nó nên một dân tộc lớn. Còn lời giao ước của Ta chỉ ký kết với Isaac, do Sara sẽ sinh ra cho ngươi mùa này sang năm”.

Sau khi nói hết lời cùng Abraham, Thiên Chúa biến đi.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: 127,1-2,3,4-5

Ðáp: Ðó là ơn phúc dành cho người kính sợ Chúa.

Xướng: Phúc cho ai biết kính sợ Chúa, và bước đi trong đường lối Người. Ngươi sẽ hưởng công khó của tay ngươi, ngươi có phúc và sẽ được may mắn.

Xướng: Vợ ngươi như cây nho sai trái, trong nội cung gia thất nhà ngươi. Con cái ngươi như chồi non cây dầu ở chung quanh bàn ăn của ngươi.

Xướng: Ðó là ơn phúc dành cho người kính sợ Chúa. Từ Sion xin Chúa chúc lành cho ngươi. Chúc ngươi thấy Giêrusalem thịnh đạt suốt mọi ngày trong đời sống của ngươi.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 25, 1-12

“Cả dân Giuđa bị di chuyển khỏi lãnh thổ mình”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Ngày mồng mười tháng mười năm thứ chín triều đại Sêđêcia đã xảy ra như thế này: Nabucôđônôsor vua Babylon kéo cả đạo quân tấn công Giêrusalem, dựng trại quanh thành và đào hầm quanh tường thành. Thành bị bao vây cho tới năm thứ mười một đời vua Sêđêcia. Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, dân chúng không còn bánh ăn. Tường thành bị chọc thủng một khoảng, thừa đêm tối tất cả các chiến sĩ chạy trốn qua lối cửa giữa hai tường, gần vườn vua. Khi ấy, quân Calđê vẫn bao vây thành. Vậy vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán.

Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon.

Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem.

Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác. Còn hạng cùng đinh chỉ để lại (làm) những kẻ trồng nho và những người làm ruộng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion”.

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 8, 1-4

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh”. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: “Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đứng theo giờ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA CHỮA NGƯỜI PHONG CÙI (Mt 8,1-4)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trước lời cầu xin của anh phong cùi, Chúa Giê-su không thể làm ngơ vì nỗi khao khát được sạch của anh. Người đã đụng chạm đến anh và chữa lành mà không sợ mình bị nhiễm uế theo quan niệm người Do thái thời bấy giờ. Điều đó chứng tỏ Chúa Giê-su có quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi. “Sạch” ở đây không chỉ có nghĩa là khỏe về phần xác, mà còn được hiểu là sự đổi mới trong tâm hồn nữa.

2. Trong những chuyến đi diễn thuyết để kêu gọi giúp đỡ những người phong cùi trên khắp thế giới, vị đại ân nhân của họ là Raoul Folereau thường kể câu truyện như sau: Tại một thị trấn nọ, có một người đàn ông được mọi người yêu mến bỗng ngã bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh phong cùi. Từ đó, người ta không còn thấy ông ra đường nữa, và ngay cả trong nhà, ông cũng không còn được đi lại tự do nữa. Gia đình ông đã giam ông trên giường, khung trời còn lại của ông chính là tấm mùng. Một ngày nọ, người đàn ông trốn ra khỏi nhà, nhưng đã bị bắt lại. Và rồi một lần nữa, ông đã trốn thoát được, không phải để được sống tự do, mà là để tự vẫn. Người ta đưa xác ông đến giảo nghiệm, và kết quả cho thấy ông không hề mắc bệnh phong cùi.

Kể lại câu truyện trên đây, Raoul Folereau muốn nêu bật nỗi khổ tâm của những người mắc bệnh phong cùi. Nỗi đau đớn trong thể xác có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với sự ruồng bỏ, mà xã hội ở bất cứ thời đại nào cũng dành cho người phong cùi.

3. Hôm nay, Chúa Giê-su đã chữa lành cho một người bị bệnh phong cùi vì anh có lòng tin. Anh tiến lại bái lạy Người và nói: Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết. Vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giê-su “giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống. Không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay A-dong. Thiên Chua ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa, Thiên Chúa trả lại sự sống (ĐGM Ngô Quang Kiệt).

4. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thể xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giê-su muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người (Mỗi ngày một tin vui).

5. “Người giơ tay đụng vào anh” (Mt 8,3).

Hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh của Chúa Giê-su hôm nay đã làm cho người phong cùi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Chúa Giê-su, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Chúa Giê-su. Còn Chúa Giê-su đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiến anh ta được sạch.

Hành động này của Chúa Giê-su đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phung cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi… Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị…

6. Truyện: Tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa Calcutta đến khu nhà của những người hấp hối do chính Mẹ thiết lập để tạo điều kiện cho những người nghèo khổ tìm được cái chết xứng với nhân phẩm con người. Buổi tối hôm đó, người ta đưa đến một người đàn bà đói khát và bệnh tật. Mẹ đã đến thăm và săn sóc người đàn bà này với tất cả sự ưu ái, dịu hiền. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào nói với Mẹ:

– Thưa bà, tại sao bà săn sóc tôi như thế?

Mẹ Têrêsa trả lời:

– Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Trên khuôn mặt mà bóng tử thần đang chập chờn cướp lấy sự sống, đôi mắt người thiếu phụ bỗng sáng lên niềm vui. Người thiếu phụ cố gắng thì thào:

– Bà hãy lặp lại lần nữa đi.

Với tất cả âu yếm, Mẹ Tê-rê-sa mỉm cười trả lời:

– Vâng, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người thiếu phụ tiếp tục nói:

– Một lần nữa, xin bà hãy lặp lại điều đó một lần nữa.

Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay Mẹ Tê-rê-sa đặt trên ngực mình như muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của niềm hạnh phúc mà chỉ có một tâm hồn quảng đại mới có thể ban phát.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe dọa của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh giám mục I-rê-nê thành công bênh đỡ đức tin chân chính và xây dựng sự thuận hoà trong Giáo Hội. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà củng cố niềm tin và lòng mến của chúng con, để chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này, nhân ngày lễ kính thánh I-rê-nê. Ước chi của lễ này làm vinh danh Chúa và giúp chúng con yêu mến sự thật. Ðể chúng con vừa gìn giữ đức tin mãi tinh tuyền vừa duy trì sự hiệp nhất luôn bền vững. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự các mầu nhiệm thánh này, xin Chúa thêm đức tin cho chúng con. Xưa thánh I-rê-nê đã được vinh quang vì giữ vững đức tin cho đến chết, nay xin cho chúng con cũng biết trung thành với đức tin ấy để trở nên công chính thánh thiện. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Hiêrônimô là người đầu tiên gọi Irênê là thánh tử đạo. Lễ nhớ người được danh mục các thánh tử đạo xác nhận, là ngày 28 tháng 6. Mãi đến năm 1928, khi được đưa vào lịch Giáo triều Rôma, thì việc tôn kính ngài, trước tiên trong giáo đoàn Lyon, đã có từ lâu đời bên Đông Phương. Irênê, tên gọi có nghĩa là “Hiếu hòa”, sinh tại Smyrne khoảng 130, và sống trong khu thuộc địa gồm các Kitô hữu Hy Lạp gốc Tiểu Á. Ngài là môn đệ của thánh Polycarpe, mà vị này lại là môn đệ của Tông Đồ Gioan. Ngài được nhập cư vào xứ Gaule và tham quan Rôma, nơi đây ngài gặp vị triết gia đã trở lại đạo, đó là thánh Justinô. Điều này về sau sẽ giúp ngài thu thập rất nhiều tài liệu viết về các lạc giáo quan trọng nhất, đặc biệt về Ngộ đạo (gnose = trí thức cao đẳng về Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật, dựa trên niềm tin vào các uy thần vĩnh cửu lưu xuất từ hữu thể tối cao, các thần trung gian, và qua các uy thần đó Thiên Chúa hành động trong trần thế).

Khoảng năm 177, người ta gặp lại ngài tại Lyon, lúc ấy là trung tâm thương mại và địa lý của xứ Gaule đang còn là vùng đất truyền giáo. Đó là thời kỳ bách hại khủng khiếp của Marc Aurèle, đã sát hại hơn 50 vị tử đạo tại Lyon ngày 2 tháng 6 năm 177. Trong các vị này, có các thánh Pothin, Maturus, Sanctus, Attale, Ponticus, một thiếu niên 15 tuổi, và Blandine, Bà đi vào chốn cực hình lòng “đầy vui mừng và hoan lạc” (Eusèbe). Vào lúc ấy, các Kitô hữu rất lo lắng vì các lời tiên tri đến từ Phrygie. Nơi đây, các lời tiên tri ấy lưu hành giữa những người theo phong trào Montaniste, nhưng đã bị Đức Giáo Hoàng Eleuthère nghiêm khắc phê phán. Bởi lẽ chúng loan báo Đức Kitô sắp quang lâm, với các thần sứ vây quanh. Sau khi được thụ phong linh mục tại giáo đoàn Lyon, Irênê được phái đến với Đức Giáo Hoàng Eleuthère trong cương vị đặc sứ hòa bình giữa các Giáo hội. Khi trở lại Lyon, ngài được mời kế vị giám mục Pothin. Lúc ấy, ngài lo đấu tranh chống phong trào duy lý ngộ đạo và chăm lo rao giảng Tin Mừng cho xứ Gaule. Ngài phái các nhà truyền giáo đến các vùng trong xứ đồng thời cũng đóng vai trò làm trung gian. Theo truyền thuyết được thánh Jerôme và thánh Grégoire de Tours xác nhận, ngài được tử đạo dưới thời Septime Sévère.

Thông điệp và tính thời sự

Cả ba lời nguyện Thánh lễ đều nêu bật các nét đặc trưng chính của thánh Irênê:

a.Trước hết, lời nguyện trong ngày, cũng như lời nguyện trên lễ vật, đều ca tụng Chúa đã cho “thánh giám mục Irênê thành công bênh đỡ đức tin chân chính”. Giáo đoàn Lyon nhìn nhận tước hiệu tiến sĩ dành cho ngài đã biết vạch trần các thuyết sai lầm, cách riêng ngộ đạo thuyết, như thuyết của Valentin, đồng thời tố giác các hệ tư tưởng sai lầm này là những nền thần học mang tính huyền thoại đang còn sót lại. Irênê là một trong những nhà thần học lớn nhất của thế kỷ IV: Khảo luận Chống Lạc giáo của ngài bác bỏ các kiến thức sai lầm, cũng như tập Diễn giải lời rao giảng của các Tông Đồ là một tác phẩm nhỏ hơn, viết bằng tiếng Armenie, được tìm thấy vào năm 1904. Cả hai tác phẩm đều thông chuyển cho chúng ta giáo lý đức tin chân chính lấy từ các nguồn Thánh Kinh và thánh Truyền, để củng cố niềm tin và lòng mến của chúng ta (xem lời nguyện).

Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của thánh Irênê, được biết “giữ gìn niềm tin tinh tuyền vào Hội thánh”. Các Ki-tô hữu ở Lyon gởi cho các anh em tại Tiểu Á và Phrygie, cũng như cho Đức Giáo Hoàng Eleuthère lá thư, qua đó, họ gửi gắm Irênê và ca ngợi đức tin của ngài: “Chúng con nhờ anh Irênê chuyển cho ngài các lá thư này và xin ngài xem anh ấy như là người nhiệt thành bênh vực Giao ước của Đức Kitô. Nếu chúng con biết rằng chính phẩm hàm biện minh cho tư cách đứng đắn của một con người, thì chúng con xin giới thiệu với ngài anh ấy, trước hết là linh mục của Hội thánh và quả thật là như thế” (Eusèbe de Césarée, Lịch Sử Hội thánh, V,4,2). Lời nguyện hiệp lễ được diễn tả như sau: “Chính đức tin được thánh Irênê bảo vệ cho đến giọt máu cuối cùng, đã làm cho thánh nhân nên vinh hiển: Ước gì cũng chính đức tin đó mà chúng con sống cách chân thành, đem lại cho chúng con ơn công chính hóa”. Nhà thần học cao cả này đã nêu gương kiên vững trong đức tin. Lòng kiên vững này biến chúng ta nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô: Đặc biệt ngài đã triển khai các lý chứng nơi truyền thống và của các Tông Đồ mà “đã trở thành hiển nhiên trên khắp thế giới ngõ hầu bất kỳ ai đi tìm chân lý đức tin đều có thể chiêm ngắm chân lý ấy trong mọi Giáo hội.” Rồi ngài viết tiếp: “Chúng ta có thể liệt kê các giám mục đã được các Tông Đồ thiết lập, cũng như những đấng kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay. Thế nhưng, các ngài đã không giảng dạy điều gì, cũng như không quen biết người nào mà rập theo các thuyết điên rồ của họ (các thuyết ngộ đạo). Tuy nhiên, nếu các Tông Đồ đã biết các mầu nhiệm bí ẩn mà các ngài sẽ mạc khải cho những kẻ “hoàn hảo” rồi loại trừ các kẻ khác, thì các ngài sẽ thông truyền các mầu nhiệm ấy trước hết cho những ai đã được các ngài giao phó coi sóc các Giáo Hội. Bởi lẽ các ngài đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, không thể chê được nơi những kẻ kế vị là đã được giao trọng trách giảng dạy thay cho các ngài” (khảo luận Chống Lạc giáo, III, 3,1).

Một yếu tố khác được nêu bật trong các lời nguyện Thánh lễ: “Xin cho chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí” (lời nguyện) “và gìn giữ Hội thánh luôn được hiệp nhất, không hề bị lay chuyển” (lời nguyện trên lễ vật).

Tuy trung thành với Truyền thống Hội thánh, song Irênê vẫn là người biết đối thoại. Mười bốn năm sau khi ngài làm đặc sứ tại Rôma bên cạnh Đức Giáo Hoàng Éleuthère, sự hiệp nhất của Hội thánh suýt bị tan vỡ trở lại, do việc Giáo Hoàng Victor đe dọa ra vạ tuyệt thông cho các Giáo Hội Tiểu Á đang trung thành với truyền thống của thánh Gioan. Theo những điều Eusèbe cho chúng ta biết sau đó một thế kỷ (lịch sử Hội thánh) khi thuật lại các lời tranh cãi, thì Irênê đã biên thư cho Đức Giáo Hoàng Victor, “nhân danh các Giáo Hội xứ Gaule mà thánh nhân là kẻ lãnh đạo: người xác định trước hết rằng mầu nhiệm Phục Sinh chỉ được cử hành vào ngày chúa nhật. Rồi người cung kính xin Giáo Hoàng giữ các mối liên hệ hiếu hòa với những Giáo Hội này. Bởi lẽ cho dù việc tuân giữ các nghi thức của họ quả thật không giống như Giáo Hội Rôma, nhưng nó được thể hiện bởi các giám mục sống lâu đời hơn Victor như Soter, Anicet, Piô, Hygin, Télesphore hay Sixte.”

Đối với Irênê, tiêu chuẩn hỗ trợ sự hiệp nhất trong hòa bình và tôn trọng các truyền thống khác nhau, đó là quyền kế vị các Tông Đồ, biết rằng quyền này đặc biệt luôn được thực thi trong Giáo Hội Rôma. Nên ngài đã viết: “Có lẽ bản liệt kê sẽ quá dài nếu tính nơi đây những đấng kế vị các Tông Đồ trong các Giáo Hội. Chúng tôi chỉ lưu ý đến Giáo Hội lớn nhất và lâu đời nhất, được mọi người biết đến, đó là Giáo Hội được thành lập tại Rôma bởi hai vị thánh Tông Đồ rất vinh hiển, Phêrô và Phaolô. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng truyền thống mà Giáo hội ấy nhận được từ các Tông Đồ và chân lý đức tin Giáo Hội loan báo cho chư dân, tất cả đều được chuyển giao cho chúng tôi qua quyền kế vị liên tục của các giám mục… do bởi quyền hạn đã được ban cho Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, tất cả các Giáo Hội khác đều phải qui chiếu và tuân theo Giáo Hội (Rôma) này, nghĩa là các giáo hữu ở khắp nơi. Truyền thống các Tông Đồ luôn luôn được gìn giữ trong Giáo Hội Rôma vì lợi ích của mọi người ở mọi nơi” (khảo luận chống Lạc giáo, II,3,1-2). Chính bởi các nguyên tắc này mà Irênê đã xứng đáng với tên gọi hiếu hòa và là người xây dựng hòa bình.

Một đặc điểm khác của vị chứng nhân cho đức tin này là quan niệm của thánh nhân về con người. Câu danh ngôn được Bài đọc- Kinh sách trích dẫn, đã tóm tắt quan niệm ấy như sau: “Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa” (khảo luận chống Lạc giáo IV). Đối với Hội thánh, điều này xác định chương trình không hề thay đổi của mình là luôn tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin như thể Hội thánh chỉ có “một con tim, một tâm hồn và một miệng lưỡi” (khảo luận chống Lạc giáo I,10,2).

Endo Lodi

XÂY DỰNG THUẬN HÒA
(LỄ THÁNH IRÊNÊ 28/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Irênê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh giám mục Irênê thành công bênh đỡ đức tin chân chính, và xây dựng sự thuận hòa trong Giáo Hội. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà củng cố niềm tin và lòng mến của chúng ta, để chúng ta đem hết sức mình, làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí. Chào đời khoảng năm 130, lớn lên học ở Ximiếcna, Irênê trở thành môn đệ của thánh Pôlycáp, giám mục thành này. Năm 177, người chịu chức linh mục tại Lyông (Pháp). Sau đó, một thời gian ngắn, người làm giám mục giáo phận này. Trong nhiệm vụ mục tử, người lo loan báo Tin Mừng cho các dân xứ Gôlơ, nhưng, người cũng lo bảo vệ đức tin tinh tuyền chống lại những sai lầm của phái ngộ đạo. Các tác phẩm của người cho ta có được cái nhìn sâu sắc về kế hoạch của Thiên Chúa, về ơn gọi của con người và mầu nhiệm Hội Thánh. Người lãnh nhận triều thiên tử đạo khoảng năm 200.

Bênh đỡ đức tin và xây dựng thuận hòa, sẽ tránh được những xung đột không cần thiết, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển I cho thấy: Như bất cứ ai cầm đầu băng nhóm, Đavít có chuyện không hay với các chủ đất trong vùng. Nếu không gặp bà Avigagin khôn khéo, ông đã trả đũa bằng cách thanh toán các kẻ thù. Đây mới chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời ông. Rồi đây, ta sẽ thấy ông tha thứ những lời lăng mạ, nhiều thế kỷ, trước khi có Tin Mừng. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen, hôm nay đã sai bà đến gặp tôi! Vì hôm nay bà đã giữ không cho tôi đi tới chỗ đổ máu và tự tay trả thù. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Bênh đỡ đức tin và xây dựng thuận hòa, theo diễn tiến hài hòa, tuần tự, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê nói: Con của Chúa Cha, vì từ đầu Người vẫn ở với Chúa Cha. Người là Đấng đã tỏ cho loài người một cách tuần tự, hài hòa và đúng thời đúng lúc, những thị kiến tiên tri, những ân điển và tác vụ khác nhau để tôn vinh Chúa Cha, đồng thời mưu ích cho nhân loại. Quả vậy, ở đâu có tuần tự, thì ở đó có hài hòa; ở đâu có hài hòa, thì ở đó đúng thời đúng lúc; và ở đâu đúng thời đúng lúc, thì ở đó có ích lợi.

Bênh đỡ đức tin và xây dựng thuận hòa, cho dẫu, đang phải đối mặt với những tai họa do chính mình chuốc lấy, vì không trung thành với Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển II tường thuật lại: Chúng bắt vua Xítkigiahu và đem lên Rípla gặp vua Babylon, chúng tuyên án kết tội vua. Chúng cắt cổ những người con của vua Xítkigiahu trước mắt vua cha. Rồi vua Babylon đâm mù mắt vua Xítkigiahu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Babylon. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 136, vịnh gia cũng đã diễn tả tâm tình này thật da diết: Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại việc Đức Giêsu chữa cho người bệnh phong được sạch. Chính vì nhân loại mà Đức Giêsu đã thực hiện biết bao việc diệu kỳ, để mặc khải Thiên Chúa cho con người và tỏ bày con người với Thiên Chúa. Thật vậy, con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa. Quả thế, nếu việc Thiên Chúa được nhận biết qua thụ tạo, đã mang lại sự sống, cho mọi kẻ hiện hữu trên mặt đất, thì, việc Chúa Cha được nhận biết qua Đức Giêsu, càng mang lại sự sống hơn biết bao, cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa. Ước gì ta cũng biết bắt chước thánh Irênê: bênh đỡ đức tin và xây dựng thuận hòa, để ta có thể nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời ta. Ước gì được như thế!

Ý THỨC NỖI KHỐN CÙNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.

“Chúa Giêsu lấy khỏi chúng ta ‘bản tính bệnh hoạn’ của nhân loại và chúng ta nhận lại từ Ngài ‘bản tính chữa lành’ của Thiên Chúa. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Hoà giải, Bí tích chữa lành mỗi người khỏi chứng phong cùi tội lỗi!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện một người cùi đầy đau đớn ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Anh đến gần Chúa Giêsu và nói, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.

Cả chúng ta, nhiều lần chúng ta nhìn thấy Chúa rất gần nhưng lại cảm thấy đầu óc, trái tim và đôi tay mình quá xa so với kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Vì thế, bạn và tôi hãy cầu xin cho mình ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của bản thân để có thể háo hức, có thể thốt lên một lời cầu tương tự, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.

Tuy nhiên, một xã hội thiếu ý thức về tội lỗi có thể xin Chúa tha thứ không? Nó có thể yêu cầu một hình thức thanh luyện nào không? Thưa, tất cả chúng ta đều biết có rất nhiều người đau khổ, tâm hồn bị tổn thương, nhưng bi kịch của họ là không phải lúc nào họ cũng ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Vậy mà, bất chấp mọi sự, Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, Ngài chờ đợi một lời cầu: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn!”. Để được vậy, chúng ta phải hợp tác với Ngài. Thánh Augustinô nhắc nhở, “Chúa tạo ra bạn, không cần bạn; nhưng Ngài sẽ không cứu được bạn nếu không có bạn!”. Vì thế, bạn và tôi phải có khả năng cầu xin ân sủng Chúa trợ giúp và ước muốn thay đổi với sức mạnh của Ngài.

Nhưng ai đó có thể hỏi, tại sao việc nhận ra tội lỗi, ăn năn tội và muốn thay đổi lại quan trọng đến thế? Đơn giản là vì, nếu không ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra tội, ăn năn vì chúng, chúng ta sẽ khó cảm thấy ước muốn hoặc nhu cầu tìm kiếm Chúa để xin ơn chữa lành. Vì vậy, khi đến với Bí tích Hoà Giải, chúng ta cần loại bỏ quá khứ, những vết nhơ đang lây nhiễm thân xác và linh hồn mình. Đừng nghi ngờ! Cầu xin sự tha thứ là thời điểm quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo, vì đó là thời điểm mà những chiếc vảy rơi khỏi mắt, bệnh cùi được sạch để bắt đầu một khởi đầu mới. Vì một khi đã ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra hoàn cảnh của mình thì không ai không muốn biến đổi. Người ta thường nói, “Không ai mù cho bằng những người không nhìn thấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Và Chúa Giêsu nói, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”. Ngài muốn người phong cùi, muốn bạn và tôi được chữa lành, sạch sẽ, toàn vẹn. Qua bàn tay của vị Linh mục, Ngài chữa lành và mời gọi chúng ta hãy thanh sạch để không còn ở trong tội lỗi nữa. Tội lỗi khoá cửa cuộc đời chúng ta, nhưng với ân sủng thứ tha, chúng ta không cần phải tiếp tục ở trong đó nữa. Khi chữa lành chúng ta, Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh - ân sủng - để duy trì sức khoẻ của linh hồn hầu mỗi người có thể tự do bước đi với Ngài. Có người cùi nào trước đây mong muốn được trở lại với bệnh phong của mình? Vì vậy, hãy cầu nguyện liên lỉ, lãnh nhận Bí tích và nỗ lực để làm những gì chúng ta biết là đẹp lòng Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con khi con ngồi, khi con đứng. Giúp con sống trong ánh sáng, đáp lại ân sủng Chúa và trải nghiệm niềm vui chữa lành đến từ tình bạn với Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây