TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 17/06/2024 14:36 |   411
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó.” (Mt 7,6.12-14)

25/06/2024  
thứ ba tuần 12 THƯỜNG NIÊN

t3 t12 TN

Mt 7,6.12-14


Hẹp – SỐNG, rộng – CHẾT!
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó. (Mt 7,6.12-14)


Suy niệm: Thích Minh Tuệ có lẽ là cái tên ‘nổi như cồn’ trong thời gian gần đây vì đã rong ruổi khất thực từ nam chí bắc. Có người cho rằng không dễ gì làm được vì phải hy sinh, buông bỏ và thậm chí chịu thị phi. Nếu hiểu đơn giản ‘tu’ là buông bỏ như thế thì ‘tu’ trong đạo Công giáo cũng từ bỏ, nhưng xa hơn một chút, là để ‘bước theo’ Thầy Giê-su trên con đường hẹp. Đường hẹp thường khó đi, và vì khó đi nên cũng ít người theo, nhưng không vì vậy mà kém giá trị. Ra khỏi mình, sống khiêm tốn, tha thứ, đem lại những thiện ích cho người khác, nhất là vâng lời Chúa Cha đến độ hy sinh mạng sống cho nhân loại, là những gì làm nên giá trị cho con đường hẹp Thầy Giê-su đã chọn, đã sống và mời gọi. Con đường này là hạnh phúc cho bao người, nhưng đồng thời cũng là thách đố, gánh nặng với ai chưa thực sự từ bỏ, hy sinh để bước theo.

Mời Bạn: Nếu biết con đường ấy sẽ dẫn đến cửa tử, bạn có đi? Chắc chắn là không rồi! Vậy mà nhiều người biết đó là sự chết mà vẫn đi vào. Các thánh tử đạo Việt Nam là thế! Biết chọn thập giá là chết nhưng các ngài vẫn quyết tâm bước theo. Lắm lúc ta phải hy sinh mạng sống vì đức tin, cho thấy đức tin ấy có giá trị như thế nào. Mời bạn chiêm ngắm lối sống từ bỏ ấy và áp dụng vào đời mình.

Chia sẻ: Theo bạn, đâu là ‘cửa sinh’ trong đời sống thiêng liêng của bạn?

Sống Lời Chúa: Tập hy sinh và từ bỏ một tật xấu nào đó trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, xin cho con ý thức đường thênh thang dễ dẫn đến diệt vong, để biết quyết tâm bước vào đường hẹp theo Thầy. Amen.

Ngày 25: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Hy tế của Chúa có giá trị cứu chuộc và đền bù; xá tội và phạt tạ. Không người nào có thể gánh hết tội lỗi mọi người. Vì Chúa, vừa vượt trổi vừa đồng thời bao gồm hết tất cả mọi người, và vì Chúa là đầu của toàn thể nhân loại, nên Chúa mới có thể dâng hy tế cứu chuộc loài người chúng con. Hy lễ duy nhất của Chúa là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu. Nhờ Cuộc Khổ Nạn trên Thập Giá, Chúa công chính hóa chúng con. Khi tôn kính Thánh Giá, chúng con ca ngợi: “Ôi Thánh Giá, nguồn cậy trông duy nhất của chúng con!” Ước gì chúng con luôn biết quy hướng về Thập Giá, kín múc từ Thập Giá sự khôn ngoan, mà thế gian cho là điên dại. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 12 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 13, 2. 5-18

“Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu: vì chúng ta là anh em với nhau”.

Trích sách Sáng Thế.

Bấy giờ Abram rất giàu, có nhiều vàng bạc. Ông Lót, người đi với Abram, cũng có nhiều đàn chiên, bò và lều trại. Miền đó không đủ chỗ cho cả hai cùng ở, vì họ có nhiều tài sản, nên không thể ở chung với nhau. Bởi thế các người chăn chiên của Abram và của Lót hay xảy ra cãi lẫy nhau. Khi ấy dân Canaan và dân Phêrêzê ở miền này.

Vậy Abram nói cùng Lót rằng: “Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau. Trước mặt cháu có cả một miền rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác: nếu cháu đi bên tả, thì bác sẽ đi bên hữu; nếu cháu chọn phía tay phải, thì bác sẽ đi về phía tay trái”. Vậy Lót ngước mắt lên trông thấy cả miền đồng bằng sông Giođan, có nước dồi dào. (Trước khi Chúa huỷ diệt thành Sôđôma và Gômôra, cả miền ấy và phía Segor như vườn địa đàng của Chúa và như đất Ai-cập). Lót chọn miền đồng bằng sông Giođan và đi về phía đông. Thế là hai bác cháu lìa xa nhau. Abram ở lại đất Canaan, còn Lót ở các đô thị gần sông Giođan, và cư ngụ tại Sôđôma. Dân thành Sôđôma rất xấu xa, vì quá tội lỗi trước mặt Chúa.

Sau khi Lót đi rồi, Chúa phán cùng Abram rằng: “Hãy ngước mặt lên và từ nơi ngươi đang ở, hãy nhìn tứ phía: đông tây nam bắc. Tất cả đất mà ngươi trông thấy, Ta sẽ ban vĩnh viễn cho ngươi và dòng dõi ngươi. Ta sẽ làm cho con cháu ngươi đông như bụi đất. Nếu ai có thể đếm được bụi đất thì mới có thể đếm được con cháu ngươi. Hãy chỗi dậy và đi khắp miền này, vì chưng Ta sẽ ban miền này cho ngươi”. Bởi vậy Abram di chuyển lều trại đến ở thung lũng Mambrê, thuộc miền Hebron, và dựng bàn thờ kính Chúa ở đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? 

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

Xướng:  Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36

“Ta sẽ che chở và cứu thành này vì danh Ta cùng vì Ðavít”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong các ngày ấy, Sennakêrib, vua dân Assyria, đã phái các sứ giả đến với vua Êdêkia và dặn rằng: “Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này: “Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó thế nào. Có lẽ nào một mình vua sẽ thoát khỏi?”. Vua Êdêkia đã nhận và đọc thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất, Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem. Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa”.

Vậy Isaia con trai Amos sai người đến tâu vua Êdêkia rằng: “Ðây là những điều Chúa là Thiên Chúa Israel phán: Ta đã nghe các điều ngươi cầu xin Ta về Sennakêrib, vua dân Assyria. Ðây là lời Thiên Chúa phán về vua ấy: Trinh nữ Sion khinh chê và cười ngạo ngươi; thiếu nữ Giêrusalem chế diễu sau lưng ngươi. Từ Giêrusalem sẽ còn lại một số người, và từ núi Sion sẽ có một số người được cứu thoát: Ðó là điều mà lòng nhiệt thành của Chúa các đạo binh sẽ thực hiện. Bởi thế, Chúa phán những điều này về vua dân Assyria: Vua sẽ không vào được thành này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì danh Ta cùng vì Ðavít tôi tớ Ta”.

Chính đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 10-11

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành của Người tới muôn đời (c. 9d).

Xướng: Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.

Xướng: Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 6. 12-14

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.

“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.

“Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (Mt 7,6.12-14)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mọi người đối với tha nhân. Sự độc đáo nơi nguyên tắc của Ngài: không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em, nghĩa là sống bác ái, cho đi với tất cả với lòng quảng đại và yêu mến.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp, Chúa Giê-su dạy ta phải khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống để được vào Nước Trời. Muốn theo Chúa Giê-su, chúng ta phải phấn đấu với chính mình và đi trên con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

2. Chớ phạm thánh: Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em”. Với lời dạy này Chúa Giê-su, trước hết, được hiểu là Bí tích không thể phát bừa bãi cho kẻ không tin và không có ý ngay lành. Lời này cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta sự cẩn trọng đối với đồ thánh, nơi thánh và tất cả những gì liên quan tới phụng tự. Vì những gì dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh thì cần được trân trọng và gìn giữ. Đặc biệt, mọi Ki-tô hữu luôn ý thức mình đã được hiến thánh khi chịu các Bí tích, thì hãy luôn giữ mình trong sạch để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự, và xứng đáng đến tham dự cử hành các mầu nhiệm thánh trong đạo (Hiền Lâm).

3. Khuôn vàng thước ngọc. Trước Chúa Giê-su, sách Tô-bi-a cũng đã viết: Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy: Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”.

Tuy nhiên, các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực. Còn Chúa Giê-su khuyên bảo theo cách tích cực: Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của Ki-tô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa. Thật vậy, đừng làm điều ác mà thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho mình, lúc đó xã hội mời hy vọng tốt đẹp được (Hiền Lâm).

4. Phải đi qua cửa hẹp. Có những con đường chẳng ai muốn đi, bởi vì nó chật hẹp, đầy chông gai. Bởi vì thường người ta muốn đi trên những con đường thênh thang, êm ái, muốn hưởng thụ một cuộc sống đầy tiện nghi, thoải mái. Biết bao nhiêu phát minh khoa học kỹ thuật đều nhằm thỏa mãn khát vọng đó. Thế mà Chúa Giê-su giới thiệu với chúng ta con đường hẹp, con đường ít người muốn đi: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 6,14).

Cửa hẹp và đường chật chẳng ai thích đi, trừ phi họ được Thiên Chúa dẫn vào. Thời Xuất hành, nếu dân Ít-ra-en không trải qua cảnh cùng cực bên Ai cập, làm sao họ chịu vào sa mạc để tìm về Đất Hứa? Kể cả Chúa Giê-su, Ngài cũng từng được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1), Ngài cũng xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng (Mt 26,42) (5 phút Lời Chúa).

5. Phải cộng tác với Chúa. Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự cố gắng nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng phải trổi vượt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt cùng đích ấy, như thánh Au-gút-ti-nô nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Ngài không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Ngài cần ta cộng tác”.

Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nổ lực giải thoát trong Phật giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

6. Truyện: Trên bước đường chông gai.

Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý-Áo, Đại tướng Bonaparte của Pháp đã đưa quân đội đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến của địch.

Khi trận chiến đã đến hồi quyết định, Bonaparte hô quân tiến qua cầu, nhưng không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô to:

– Ai yêu tổ quốc thì theo ta.

Lịch sử kể lại rằng, lúc đó trên cầu người ta chỉ thấy có mình ông với lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Rất may sau đó có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ thấy vậy liền tràn qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh.

8 năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã xin nghỉ phép để về đưa đám tang mẹ. Napoléon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến tận huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp:

– Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!


CỬA HẸP - CỬA SỐNG
(THỨ BA TUẦN 12 TN NĂM CHẴN)

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 12 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình hằng biết trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, thì Chúa chẳng bỏ rơi bao giờ.

Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, thì sẽ được Chúa che chở trước sự tấn công của kẻ muốn làm hại ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển I cho thấy: Ngay từ lúc bước vào triều vua Saun, Đavít vốn là bạn hữu của Thiên Chúa, và vị thế của ông lớn dần lên. Ông có thể làm cho vua sinh lòng ghen ghét, nhưng, tất cả những gì người ta làm: nhằm mục đích chống ông, lại trở thành thuận lợi cho ông. Như thế, Thiên Chúa bẻ gãy âm mưu người phàm, khi họ tìm cách phá chương trình cứu độ của Người. Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa, vì người ta giày xéo thân con, và suốt ngày tấn công chèn ép. Con tin tưởng vào Ngài. Vì Ngài cứu mạng con khỏi chết, lại ngăn ngừa kẻo phải hụt chân.

Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, thì những tư tưởng hàm chứa trong các danh hiệu của Đức Kitô sẽ hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta sống khiêm tốn và đạo hạnh, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nítxê nói: Sự trọn lành của đời sống Kitô hữu hệ tại điểm này: chúng ta được chia sẻ mọi tước hiệu nói lên danh Đức Kitô, chúng ta phải đem hết tâm hồn, kinh nguyện và cách sống mà bày tỏ sức mạnh của các danh hiệu ấy. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa.

Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, thì Chúa sẽ can thiệp giải cứu khỏi kẻ thù tấn công ta: như Chúa đã cứu vua Khítkigia vua Giuđa, khỏi tay vua Xankhêríp vua Átsua, mà trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển II đã tường thuật lại: Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Átsua. Vua Átsua là Xankhêríp nhổ trại và lên đường. Ông rút về Ninivê và ở lại đó. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 47, vịnh gia cũng cho thấy: Thiên Chúa củng cố thành đô đến muôn đời muôn thuở. Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh, chúng con hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương. Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Chúa là ánh sáng, theo Chúa thì sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống: Ánh sáng là cửa hẹp, là đường chật, là cửa, là đường đưa đến sự sống, nhưng, ít người tìm theo lối ấy. Những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, thì Chúa chẳng bỏ rơi bao giờ: muốn được chiếu sáng, thì hãy đến gần ánh sáng; muốn được sống, thì hãy đi trên con đường sự sống; muốn thuộc về Chúa, thì hãy gần gũi, gắn bó với Danh Thánh của Người. Ước gì chúng ta biết trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, để những tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta luôn phản ánh hình ảnh và danh hiệu của Đấng là mạch suối tinh tuyền, là suối nguồn bình an, và hoan lạc vĩnh cửu. Ước gì được như thế!

TƯ CÁCH CON CHÚA
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta!”.

“Cái chết không dập tắt được ánh sáng từ người Kitô hữu; họ như ngọn đèn phải tắt vì bình minh đã đến! Lúc đó, bạn sẽ để lại tất cả những gì bạn có và mang theo tất cả những gì bạn là! Chớ gì, cuộc sống của bạn là một cuộc sống yêu như Chúa yêu, yêu như con cái Thiên Chúa; và bạn sẽ từ giã cuộc đời với tư cách con Chúa!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ từ giã cuộc đời với ‘tư cách con Chúa!’”. Để được vậy, xem ra, chúng ta còn phải đi xa hơn những gì căn bản mà Lời Chúa hôm nay gợi ý, “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta!”.

Nói như thế, khác nào nói ‘Hãy yêu, để được yêu lại!’. Rõ ràng, đó mới chỉ là cấp độ con người; nó còn phải đạt đến một cấp độ cao hơn, cấp độ Giêsu, cấp độ Thiên Chúa, “Yêu như Chúa yêu, yêu với ‘tư cách con Chúa!’”.

Bạn sẽ “làm gì” để người khác sẽ “làm gì” đó với bạn? Tôi muốn được tôn trọng, được đối xử công bằng; nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, tôi muốn được yêu, được hiểu, được biết đến và được chăm sóc. Trong thâm sâu, ai trong chúng ta cũng nhận ra nỗi khát khao tự nhiên này, vì tự bản chất, tôi được tạo dựng cho tình yêu! Tuy nhiên, chính con người Chúa Giêsu còn cho thấy sự cần thiết của một điều ngược lại, bạn và tôi còn phải ‘cho đi’ những gì chúng ta mong nhận được. Có ‘khát khao nhận’, ắt cũng cần ‘khát khao trao!’. Nói cách khác, cần nuôi dưỡng cho mình một khao khát ‘biết yêu’ ở mức độ khao khát ‘mình được yêu’ của chính Chúa Giêsu!

Thật thú vị, ‘Hãy yêu!’, không chỉ áp dụng cho con người, nhưng còn áp dụng cho Thiên Chúa. Bài đọc Các Vua cho biết, nhận bức thư đe doạ của Átsua, vua Khítkigia đem nó lên đền thờ trải trước mặt Chúa. Trong niềm cậy, ông cầu xin, “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin đoái thương cứu chúng con khỏi tay vua ấy!”. Chúa đã thương nhận lời, Ngài đã cứu vua, “Chúa củng cố thành đô đến muôn đời muôn thuở!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta!”, hoặc, ‘Hãy yêu, để được yêu!’, dù được xem như khuôn vàng thước ngọc; nhưng thực ra, nó chỉ nói lên rằng, nếu sống tốt, bạn sẽ được đối xử tốt. Nhưng kìa, một điều gì đó còn hơn thế. Hãy nhìn lên thập giá! Chúa Giêsu đã yêu với tình yêu ở một tầm cao siêu phàm vượt trội. Ngài yêu cho đến chết - không chỉ yêu những kẻ yêu mình - nhưng yêu cả những kẻ thù đóng đinh Ngài. Tình yêu Ngài vượt quá quy tắc vàng của con người; bất chấp nó, Ngài không ‘yêu để được yêu’ lại. Ngài yêu không tính toán, không cần đền đáp, cũng không cần ăn mày tình yêu của ai. Lý do? Vì Ngài là Thiên Chúa Tình yêu. Vì thế, ai yêu như Chúa Giêsu yêu, người ấy sống đúng ‘tư cách con Chúa’, người ấy được Thiên Chúa yêu thương. Như vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đi xa hơn, “Yêu như Chúa yêu, yêu với ‘tư cách con Chúa!’”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con ý thức rằng, một khi từ giã cõi đời, con sẽ để lại tất cả những gì con có và mang theo tất cả những gì con là. Con là con với ‘tư cách con Chúa!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây