23/09/2024
THỨ HAI TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Thánh Piô Pietrelcina, linh mục
Lc 8,16-18
toả lan ánh sáng
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi… nhưng đặt trên đế để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16-18)
Suy niệm: Ngọn đèn được thắp sáng là để lan toả. Trong nghi thức Thánh tẩy, người đỡ đầu nhận nến được thắp từ nến Phục sinh, trao cho người lãnh nhận bí tích. Cử chỉ này nói lên ánh sáng đức tin được chuyển trao từ người đỡ đầu cho con đỡ đầu của mình. Đây không chỉ là sứ mạng của riêng người đỡ đầu, nhưng là sứ mạng chung của mọi Ki-tô hữu: lan tỏa ánh sáng đức tin cho trần gian. Để có thể toả lan ánh sáng, ngọn đèn đức tin của mỗi người phải được thắp lên và luôn cháy sáng trên hành trình dương thế. Nếu không chính ánh sáng đó sẽ phải lụi tàn: “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
Mời Bạn: Chúng ta đều biết mình phải “toả lan ánh sáng”, nhưng toả lan thế nào, có khi chúng ta không biết phải làm sao. Tin Mừng hôm nay cảnh giác chúng ta: “Vậy hãy để ý cách thức anh em nghe.” Quả thật, lắm khi ngay sau một Thánh lễ, chúng ta không nhớ Lời Chúa vừa nghe dạy chúng ta điều gì. Nếu không nhớ, làm sao bạn thực hành và lan toả Lời Chúa đây? Mời bạn xem xét và điều chỉnh “cách thức bạn nghe Lời Chúa” để Lời ấy khỏi bị lụi tàn.
Sống Lời Chúa: Để khắc sâu Lời Chúa được nghe trong Thánh Lễ, từ tối hôm trước bạn đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng của ngày lễ hôm sau; và trong ngày bạn dành ít phút đọc lại và nghiền ngẫm cũng đoạn Tin Mừng ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường chúng con đi. Xin cho chúng con luôn nhận thấy vẻ đẹp, sự ngọt ngào khi chúng con đọc, suy niệm và sống theo ánh sáng của Lời Chúa.
Ngày 23: Lạy Chúa! Chính vì quá kỳ vọng, nên chúng con mới thất vọng, mộng ước xa vời nên mới tiêu tan, chất chứa quá nhiều, nên khó lòng bộc bạch. Xin cho chúng con đừng quá tin tưởng vào mắt mình, vì có khi, những gì chúng con nhìn thấy, là những điều chúng con đang mong muốn, còn những thứ không thích, đã bị chúng con lướt qua. Thật ra, người bị chúng con hiểu lầm không hề mất mát gì, chính chúng con, những kẻ nhìn nhận sai người khác mới thật sự mất đi cơ hội. Xin cho chúng con biết nhìn mọi người, mọi việc như Chúa nhìn. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 1, 1-6
“Ai thuộc dân Chúa, hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà Chúa”.
Khởi đầu sách Esdra.
Năm thứ nhất triều đại Kyrô vua nước Ba-tư, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi miệng Giêrêmia, Chúa giục lòng Kyrô vua nước Ba-tư, và ông truyền công bố bằng lời rao và sắc chỉ trong khắp nước rằng: “Ðây là lệnh của Kyrô vua nước Ba-tư: Chúa là Chúa Trời đã ban cho ta mọi nước trên mặt đất, chính Người truyền dạy ta phải xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong nước Giuđêa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Người? Xin Thiên Chúa của nó ở cùng nó. Nó hãy lên Giêrusalem trong xứ Giuđêa, và xây cất nhà của Chúa là Thiên Chúa Israel, chính Người là Thiên Chúa ngự ở Giêrusalem. Và tất cả những người khác đang cư ngụ bất kỳ nơi nào, thì từ nơi mình ở, hãy giúp họ bằng vàng bạc, của cải và súc vật, đừng kể những gì tình nguyện dâng cho đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem.
Các trưởng tộc thuộc chi họ Giuđa, Bêngiamin, các tư tế, các thầy Lêvi và mọi người được Chúa thúc giục trong lòng, đều vùng dậy tiến lên, để xây cất đền thờ Chúa ở Giêrusalem. Toàn thể dân chúng sống trong vùng lân cận cũng tiếp tay giúp họ vàng bạc, của cải, súc vật, những đồ quý, không kể những gì họ tự ý dâng cúng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 3, 27-34 {hoặc 27-35}
“Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối”.
Trích sách Châm Ngôn.
Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm. Con chớ nói với người bạn của con rằng: “Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi”, khi con có thể cho ngay.
Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con, khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối, và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó nghèo, còn nhà người công chính sẽ được chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng những kẻ gian dối, và ban ơn cho những kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang, nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.]
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
Xướng: Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa..
Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em. – Alleluia.)
Phúc Âm: Lc 8, 16-18
“Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
DỤ NGÔN CÁI ĐÈN (Lc 8,16-18)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao chiếu ánh sáng, Đức Giê-su muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác; Đức Giê-su đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Ki-tô hữu, phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt; trái lại, phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra cho mọi người chung quanh.
2. Chiếc đèn được đốt lên phải được đặt trên cao để soi sáng cho mọi người trong nhà. Lý do hiện hữu của chiếc đèn là để soi sáng. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Ki-tô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình. Việc làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những Ki-tô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả đời sống Ki-tô hữu chúng ta.
Chiếc đèn ấy được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Đấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Ki-tô hữu chỉ thực sự là Ki-tô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.
3. “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường” (Lc 8,18).
Ánh sáng có nhiều tên gọi khác nhau. Ánh sáng mặt trời được gọi là ánh nắng; ánh sáng mặt trăng là ánh trăng; ánh sáng đèn được gọi là ánh đèn… Trong đêm Vọng Phục Sinh, khi mọi sự đang chìm trong bóng tối, ngọn nến phục sinh được thắp lên và được khởi xướng: “Ánh sáng Chúa Ki-tô”. Ánh sáng ấy là chính Chúa Ki-tô, là Lời Chân lý. Người Kitô hữu đón nhận ánh sáng Phục Sinh trong ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy, được mời gọi giữ cho ánh sáng chân lý ấy tỏa sáng mãi trong suốt cuộc đời, để những người lân cận cũng nhìn thấy ánh sáng ấy. Nghĩa là, bằng nhiều cách thế, những ai tiếp xúc, “đi vào nhà”, đều nhìn thấy ánh sáng Chúa Ki-tô đang được ta “đặt trên đế” – trong cuộc sống của mình. Khi ấy, bạn được gọi tên “Ánh sáng cho trần gian” (Mt 13,14) (5 phút mỗi ngày).
4. Quả thật, Lời Chúa luôn có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn mà chúng không chịu cháy, nên chúng cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên thế giới có bị đốt hết đi thì người ta cũng vẫn có thể nhìn vào cuộc sống chúng ta mà chép lại Tin Mừng đúng từng câu, tững chữ”.
Đức Cha Jean Koret, vị Gám mục Tiệp Khắc đã từng phải sống lén lút ở chế độ Tiệp Khắc trước kia, tâm sự rằng: Ngài đã gặp gỡ được nhiều người tốt, lúc ngài phải đi làm việc như một công nhân, hơn là lúc ở trong tòa Giám mục. Tiết lộ trên đây của Đức cha Jean Koret, đã phản ánh trung thực điều Chúa Giê-su đã phán: “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không”?
5. Tuy nhiên, muốn trở nên đèn sáng để chiếu soi trần gian, người môn đệ phải biết gắn bó đời mình với Đức Giê-su là nguồn Ánh Sáng. Luôn biết sẵn sàng để cho Lời Chúa soi chiếu cuộc đời của mình trước, rồi kế đó, người môn đệ sẽ chiếu tỏa cho anh chị em của mình những giá trị Tin Mừng.
Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người đều được đón nhận một cây nến cháy sáng qua lời mời gọi của vị chủ sự: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Ki-tô”. Như thế, chúng ta thuộc về Ánh Sáng, hay nói đúng hơn, chúng ta là ánh sáng và bổn phận phải chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người chung quanh. Không bao giờ chúng ta được phép chỉ giữ ánh sáng cho riêng mình. Hoặc có khái niệm: ”Đèn nhà ai nấy rạng”. Nếu chúng ta có chủ trương ích kỷ, hẳn là một điều vô lý, vì: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường”.
Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Ki-tô hữu chúng ta, luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin trong cuộc sống và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống và cũng để cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
6. Truyện: Ngọn đèn tỏa sáng.
Vào buổi chiều nọ, một người lấy từ trong hộp một cây nến nhỏ và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
– Chúng ta đang đi đâu vậy?
– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tầu bè vào cảng.
– Nhưng tôi bé nhỏ thế này làm sao tầu bè thấy được?
– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc để ta lo.
Tới đỉnh tháp, người ấy đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, mà ánh sáng lan tỏa ra và mọi tầu bè có thể thấy được.
ĐÈN LÀ ĐỂ THẮP SÁNG (Lc 8, 16-18)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đèn để thắp sáng, bóng tối cần có đèn. Đèn ở trong bóng tối mà không sáng, đèn vô dụng. Chúa Giê-su nói: “Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường” (Lc 5,16). Thắp đèn mà để trong thùng hay gầm giường, đèn mất công dụng của nó.
Từ cái đèn tỏa sáng, Chúa Giê-su nói đến một thực tại cao hơn đó là người đón nhận Lời Chúa. Chúa đã từng tuyên bố: “Các con muốn đất… là sự sáng thế gian” (x.Mt 5,13-16). Nghĩa là chúng ta phải trở thành ngọn đèn soi sáng cho môi trường xung quanh. Chúng ta nghe lời Chúa, nhờ lời Chúa biến đổi cách sống của ta, từ đó ta sẽ trở nên gương mẫu giúp người chung quanh sống lời Chúa như đèn soi sáng cho người khác, để mọi người nhìn vào ta mà nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Cũng như ngọn đèn, không ai có thể che giấu được ánh sáng của nó. Người có Chúa Giê-su trong mình cũng thế, họ không thể che giấu được thân phận của mình. Nếu người ấy sống đúng với những giáo huấn của Chúa Giê-su, thì cho dù họ có trà trộn, ẩn giấu trong đám đông, người ta cũng nhận ra, vì họ như ngọn đèn cháy sáng, “hữu xạ tự nhiên hương”, bản chất của họ đã có hương thì tự nhiên sẽ toả ra cho mọi người nhận biết.
Tóm lại: Như đèn thắp lên là tự tỏa sáng, người môn đệ Chúa cùng thế, không được phép giữ lời Chúa cho riêng mình, mà phải biết loan báo lời Chúa cho mọi người. Vì thế, chúng ta hãy cẩn thận, ý tứ xem cách thức mình nghe lời Chúa như thế nào sống lời Chúa ra sao để có ích cho mọi người.
CHUNG PHẦN THẬP GIÁ
(THÁNH PIÔ PIẾTRENSINA 23/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Piô Piếtrensina, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Piô, linh mục, ơn đặc biệt là được chung phần thập giá với Con Chúa, và nhờ thừa tác vụ của thánh nhân, Chúa đã tái thực hiện những kỳ công của lòng Chúa thương xót. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa cho chúng ta luôn được kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức Kitô để mai sau đạt tới vinh quang phục sinh.
Thánh nhân sinh tại làng Piếtrensina gần Bênêventô nước Ý năm 1887. Người vào tu Dòng Anh Em Hèn Mọn, ngành Capútxinô, và sau khi thụ phong linh mục đã tận tình lo việc mục vụ nhất là tại tu viện ở thị trấn Xan Giovanni Rôtônđô miền Pulia. Trong tinh thần cầu nguyện và khiêm nhường, người phục vụ Dân Chúa qua việc linh hướng, Bí Tích Hoà Giải và việc săn sóc giúp đỡ những người ốm đau, nghèo khổ. Người đã được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh và ngày 23 tháng 09 năm 1968, người kết thúc cuộc hành trình ở thế gian này.
Kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức Kitô, để được sống và sống dồi dào, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Dân lưu đày, tù tội đâu còn có vua để hướng dẫn vận mạng của mình, nhưng Thiên Chúa không quên lời đã hứa. Ngay từ bây giờ, Thiên Chúa chăm sóc đoàn chiên của Người. Rồi chẳng bao lâu nữa Người sẽ gửi Đấng tự nhận là Mục Tử Nhân lành. Ta sẽ kéo chiên của Ta ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác vào ngày mây đen mù mịt, sẽ đưa chúng vào đất của chúng, sẽ chăn dắt đoàn chiên trong đồng cỏ tốt tươi… Phần tôi, tôi đến cho chiên được sống, và được sống dồi dào.
Kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức Kitô, để tất cả cùng vươn lên thành ngôi đền thờ Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Piô Piếtrensina nói: Thiên Chúa là nhà Nghệ Sĩ đã tìm cách chuẩn bị những viên đá để xây nên ngôi đền vĩnh cửu, bằng những nhát đục đẽo miệt mài và gọt giũa chuyên cần, tài khéo… Trong Đức Kitô Giêsu, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau, và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với nhau thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
Kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức Kitô, bằng cách sống công minh chính trực để được ở trên núi thánh của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Châm Ngôn nói: Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 14, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài? Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng phải được chiếu giãi, đèn phải soi sáng cho người khác. Chúng ta phản chiếu vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa. Qua thập giá, Thiên Chúa là nhà Nghệ Sĩ tài ba dùng những nhát búa, nhát đục, để đẽo gọt các bóng tối: sợ hãi, buồn phiền, sầu não ra khỏi tâm hồn chúng ta, để chúng ta phản chiếu vinh quang rạng ngời của Người trước mặt thiên hạ. Thánh Piô linh mục, đã được chung phần thập giá với Đức Kitô, ước gì chúng ta luôn được kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức Kitô để mai sau đạt tới vinh quang phục sinh. Ước gì được như thế!
RẠNG RỠ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng!”.
Rufus Jones vừa kết thúc buổi thuyết trình với chủ đề “Hãy Rạng Rỡ!”, một phụ nữ có khuôn mặt ‘rủi ro’ đến khó tin đón ông và hỏi, “Ông sẽ làm gì nếu có một khuôn mặt như tôi?”. Jones nói, “Tôi cũng có những rắc rối tương tự về loại này, nhưng tôi khám phá ra rằng, nếu bạn rạng rỡ từ bên trong, bất kỳ khuôn mặt nào cũng sẽ ngời sáng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nếu bạn ‘rạng rỡ’ từ bên trong!”. Khám phá của Rufus Jones được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi Chúa Giêsu nói đến ánh lửa tâm hồn của các môn đệ Ngài vốn sẽ tự nhiên toả rạng ra bên ngoài.
Sách Châm Ngôn gọi ánh lửa ấy là những điều lành, “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành!”; “Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ‘Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh!’” - bài đọc một. Điều lành ‘rạng rỡ’ ở đây là yêu thương, cảm thông, chia sẻ; là cầu thay nguyện giúp, trăn trở, xót thương… đó cũng là những phẩm tính của những ai ở trên núi Chúa, “Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài?” - Thánh Vịnh đáp ca.
Chúa Giêsu gọi ánh lửa ấy là ánh sáng không thể che giấu mà mọi người cần “nhìn thấy!”. Điều này xảy ra khi những người khác nhận ra ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta. Nhen lên, thổi bùng lên ngọn lửa của Ngài trong lòng mình, chúng ta biết chắc một điều là ánh sáng đó sẽ toả rạng và những người khác được hưởng nhờ. Như vậy, không toả sáng Chúa Kitô, thì không phải vì bạn và tôi che giấu Ngài, mà là vì Ngài đã không thể thắp lên từ bên trong mỗi người ánh lửa của Ngài. Một khi Ngài thắp sáng nội tâm chúng ta, ánh sáng của Ngài không thể bị che khuất. Nó nhất định ‘rạng rỡ!’.
Sự thật này giúp chúng ta đánh giá đúng mức mối quan hệ của linh hồn mình với Chúa. Nếu Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, nếu mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta thực sự được sống, hiệu quả của mối quan hệ ‘Chúa và tôi’ đó nhất định sẽ tác động nơi người khác; họ sẽ dễ dàng nhận ra ánh sáng không thể che giấu đó. Trở thành Kitô hữu không phải là đạt đến một cấp độ nhất định và duy trì ở đó. Về căn bản, nó có nghĩa là liên tục phát triển và tăng trưởng - giữ nguyên trạng thái hoặc trì trệ có nghĩa là thụt lùi.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nếu bạn rạng rỡ từ bên trong!”. Qua Bí tích Rửa Tội, Chúa Kitô thắp lên ánh lửa Phục Sinh của Ngài trong tim chúng ta. Đó là ánh sáng của tình yêu, hy vọng, niềm vui, lòng thương xót và thiện hảo. Ngài giao nhiệm vụ giữ gìn ánh sáng ấy cho Giáo Hội; cụ thể, cho giáo xứ và gia đình. Qua từng biến cố, từng phút giây, Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên ánh sáng này để nó ngày càng ‘rạng rỡ’. Và Chúa đặt mỗi người vào đúng “đế” của họ từ chức vụ, nơi chốn, hoàn cảnh… Như vậy, khi người khác không thấy được ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta; phải chăng ánh lửa của Ngài trong chúng ta đang leo lét! Vậy nếu tha nhân không được lôi kéo vào tình yêu của Chúa Kitô qua chúng ta, bạn và tôi hãy nhìn lại mình, nhìn lại cung cách lắng nghe và sống Lời Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để thế gian thắp sáng con từ bên ngoài, hãy thắp sáng con từ bên trong, khởi đi từ các việc lành con chắt chiu mỗi ngày!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn