TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 17/09/2024 14:11 |   336
“Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,46-50)

30/09/2024
Thứ hai tuần 26 THƯỜNG NIÊN

Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

t2 t26 TNb

Lc 9,46-50


‘ganh’
“Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,46-50)

Suy niệm: Công nghệ quảng cáo tận dụng tối đa xu hướng ‘ưa làm lớn’ bám rễ sâu trong lòng con người. Chúng ta được thuyết phục rằng dùng sản phẩm này thì sẽ đẹp như hoa hậu; ăn món ăn kia thì sẽ thông minh vượt trội như thần đồng; phải mua sắm những món hàng hiệu sang trọng, ‘mô-đen’ đời cuối để trở thành ‘siêu nhân’, ‘sành điệu’, hơn người. Quảng cáo thành công vì ai trong chúng ta đã không để cho chữ “ganh” ám ảnh một lần nào đó trong đời?! Tin Mừng thuật lại các môn đệ cũng đã từng “ganh” nhau như thế, để tranh dành vị trí là người lớn nhất. Điều đáng chua xót là các ông “ganh” nhau ngay sau Chúa Giê-su báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài. Đức Giê-su đã khéo léo sửa dạy các ông: Thái độ ganh tị này quả thật trái ngược với con đường thập giá. Ngài đã “đồng hóa” mình với trẻ nhỏ và dạy các ông rằng: ai là muốn là người lớn nhất trong tất cả anh em, thì phải trở nên người nhỏ nhất.

Mời Bạn: Thói ganh tị làm đảo điên con người; cả trong lĩnh vực tông đồ cũng không tránh khỏi: “Có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp” nhưng thánh Phao-lô cho rằng: “Không sao cả! Dù thế nào đi nữa…, miễn là Đức Ki-tô được rao giảng” (x. Pl 1,15-18). Bạn học được gì về bí quyết của thánh Phao-lô trước thói hay “ganh” này?

Sống Lời Chúa: Tập chừa bỏ thói ganh tị bằng cách làm một việc phục vụ nhỏ bé âm thầm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ để dạy bài học khiêm tốn phục vụ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa. Amen.

Ngày 30: Lạy Chúa! Trong cuộc sống có rất nhiều việc không phải cứ theo ý chúng con mới là tốt. Mặt trời không vì chúng con không vui, mà sớm mai không mọc. Ánh trăng cũng không vì chúng con trách hờn, mà cuối đêm không lặn. Chúng con bịt mắt mình lại, không có nghĩa, thế giới sẽ biến thành màn đêm tăm tối; làm mờ mắt người khác, cũng đâu phải, ánh sáng là của riêng chúng con. Thay vì muốn mọi người, mọi việc cứ phải theo ý mình, thì xin cho chúng con luôn biết quy hướng mọi sự về Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 1-8

“Ta sẽ cứu dân Ta khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: “Ðây Chúa các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức nó với cơn phẫn nộ quá sức”.

Chúa các đạo binh còn phán như thế này: “Ta trở về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh”.

Chúa các đạo binh lại phán như thế này: “Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố”.

Chúa các đạo binh phán thêm rằng: “Trong những ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó sẽ làm chướng mắt Ta sao?” Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo binh còn phán rằng: “Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Ðáp: Chúa sẽ tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang sáng lạng (c. 17).

Xướng: Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang sáng lạng; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Ðáp.

Xướng: Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Ðáp.

Xướng: Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 1, 6-22

“Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: nguyện danh Chúa được chúc tụng”.

Trích sách ông Gióp.

Một ngày nọ, con cái Thiên Chúa đến chầu truớc mặt Chúa, Satan cũng có mặt ở đó. Chúa hỏi Satan rằng: “Ngươi từ đâu đến?” Nó thưa lại rằng: “Tôi chạy vòng quanh trái đất và đi khắp mọi nơi”. Chúa hỏi nó rằng: “Chớ thì ngươi có lưu ý đến Gióp, tôi tớ Ta chăng? Trên trần gian, không một ai giống như y là con người ngay thật, công chính, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh sự dữ”. Satan thưa lại cùng Chúa rằng: “Ðâu có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa cách luống công? Chớ thì Chúa chẳng che chở quanh nó, nhà cửa nó và tất cả những gì thuộc về nó đó sao? Chớ thì Chúa chẳng chúc phúc các việc tay nó làm, và sản nghiệp nó gia tăng rợp đất đó sao? Nhưng Chúa hãy giơ tay Chúa lên một chút và chạm đến tất cả những gì nó đang có, ắt nó sẽ phỉ báng Chúa nhãn tiền”. Vậy Chúa bảo Satan rằng: “Ðây, tất cả những gì nó đang có đều nằm trong tay ngươi: chỉ trừ một điều là ngươi chớ chạm tay đến thân nó”. Satan liền lui ra khỏi mặt Chúa.

Một ngày nọ, khi các con trai, con gái của ông Gióp đang dùng bữa uống rượu tại nhà anh cả, thì có kẻ đến báo tin cho ông Gióp rằng: “Các con bò đang kéo cày và các con lừa đang ăn cỏ bên cạnh, bỗng các người Sabêô xông đến cướp lấy hết, và dùng gươm giết các đầy tớ, chỉ một mình tôi chạy thoát về báo tin cho ông”. Khi nó còn đang nói, thì một người khác đến thưa rằng: “Lửa Thiên Chúa từ trời xuống thiêu huỷ hết bầy chiên và các đầy tớ, chỉ một mình tôi thoát được về báo tin cho ông”. Khi nó còn đang nói, thì một người khác đến thưa rằng: “Các người Calđêô chia làm ba toán xông vào cướp đoạt các con lạc đà, và còn dùng gươm giết các đầy tớ, chỉ một mình tôi trốn được chạy về báo tin cho ông”. Nó còn đang nói, thì đây một người khác bước vào thưa rằng: “Lúc các con trai, con gái của ông đang dùng bữa và uống rượu tại nhà anh cả, bỗng có gió mạnh từ hoang địa thổi đến, hắt vào bốn góc nhà, khiến nhà sụp đổ đè chết các con ông, chỉ một mình tôi thoát được về báo tin cho ông”. Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo trọc đầu, sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: “Từ lòng mẹ, tôi sinh ra trần truồng, thì tôi cũng sẽ trở về đó trần truồng. Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: như đẹp lòng Chúa thế nào, thì xin xảy đến như vậy: nguyện danh Chúa được chúc tụng!”

Trước mọi thảm cảnh đó, ông Gióp không hé môi xúc phạm và không thốt lời ngu dại phạm đến Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7

Ðáp: Xin Chúa ghé tai về bên con, và xin nghe rõ tiếng con (c. 6ab).

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành! – Ðáp.

Xướng: Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. – Ðáp.

Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. – Ðáp.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 46-50

“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI (Lc 9,46-50)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Các môn đệ được Chúa gọi mời và mạc khải cho biết: ơn gọi và sứ mạng cuộc đời theo Chúa của các ông là phục vụ trong khiêm nhường. Vậy mà các ông vẫn quan tâm đến việc ai là người lớn nhất. Khuyết điểm đó lại lộ ra khi các ông “tranh cãi nhau” (Lc 22,24). Chúa Giê-su buồn biết bao khi thấy họ lại tranh giành địa vị. Thay vì quở trách các môn đệ về thái độ và hành vi của họ, Chúa Giê-su lại dùng một em nhỏ để dạy các môn đệ một bài học quan trọng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất” (Lc 9,47-48).

Chúa có ý dạy rằng, các môn đệ Chúa cần phải khiêm nhường, giống như trẻ nhỏ vậy. Đúng, tất cả chúng ta đều có thể học được nhiều điều từ người khác, ngay cả nơi trẻ nhỏ. Những lời dạy dỗ của Chúa Giêsu quan trọng hơn ý tưởng riêng của mình.

Trẻ nhỏ hay bắng nhắng, quấy rầy, làm mất thời giờ của người lớn, nên bị coi nhẹ. Các em không biết nhiều và làm những việc như người lớn, nhưng các em rất chăm học hỏi.

Quả là một bài học tuyệt vời! Để hưởng được Nước Trời, chúng ta phải có tính khiêm nhường và sẵn lòng học hỏi giống như trẻ nhỏ. Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương trẻ nhỏ bằng cách ôm chúng vào lòng và ban phước cho chúng. Ngài cũng có tình yêu thương trìu mến như vậy đối với tất cả những ai “tiếp nhận Nước Trời như một đứa trẻ” (Lc 18,17).

Chúa Giêsu dạy chúng ta:

Này Ta bảo thật các ngươi
Nếu không trở lại giống người tiểu nhi
Nước Trời đừng nói làm chi
Các người không thể có hy vọng vào.

 

AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT (Lc 9,46-50)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi nghe Đức Giê-su loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người, trong tâm tưởng của các Tông đồ đã nảy ra một ý tưởng rất tự nhiên: Thầy chết rồi, ai sẽ đứng đầu các anh em? Ý tưởng đó làm các ông thắc mắc và đem ra bàn cãi lúc đi đường. Thừa dịp này, Đức Giê-su đã ban nhiều lời huấn dụ các ông. Trước những suy nghĩ của các ông, Đức Giê-su nhẹ nhàng dạy các ông chân lý của Người: “Muốn làm lớn, hãy trở nên bé nhỏ”. Người làm lớn trong Nước Trời phải là người biết phục vụ anh chị em mình.

2. Sống với Đức Giê-su gần ba năm, các ông đã nghe lời Ngài giảng, đã chứng kiến việc Ngài làm, nhất là gương khiêm hạ, phục vụ của Ngài, thế mà các ông tranh luận nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Thấy vậy, Đức Giê-su đã nói với các ông: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” Để minh họa cho lời nói ấy, Đức Giê-su đưa một em nhỏ ra cho họ thấy gương mẫu điển hình và Ngài nói: Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này, tức là đón nhận Thầy, mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong các con, đó là người cao trọng nhất”.

Qua đó, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trốc. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.

3. Chúng ta thấy cái nghịch lý của Nước Trời là “càng bé thì càng lớn, càng cao thì càng sâu”. Bởi vì:

Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ,
Ai muốn làm lãnh tụ thì phải phục vụ tha nhân.

Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Trong khi giữ chức quyền là để phục vụ chứ không phải để cai trị,  Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hy sinh. Vì thế, Đức Giê-su không trả lời trực tiếp là ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: Ai muốn làm lớn thì phải cố tự hạ nên như trẻ nhỏ”.

4. Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta phải trở nên giống trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời, vì trẻ nhỏ có những đức tính sau đây:

Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là biết sống tự hạ, khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo  thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán  so đo hay những tính toán nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn.

Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo hoàng rồi sau này trở nên kể rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tùy theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

5. Đức Giê-su đã nêu gương khiêm nhường cho chúng ta qua hành vi rửa chân cho các môn đệ. Vì thế, người môn đệ Chúa cũng được mời gọi trở nên những người phục vụ, và khiêm nhường. Thế nhưng, trong cuộc sống, có mấy ai nghĩ tới điều đó, ai cũng nghĩ người khác phải phục vụ mình, tranh giành quyền lợi, địa vị, loại trừ người khác… Đối với Đức Giê-su thì khác, những người làm lớn phải là người phục vụ kẻ khác. Muốn được như thế, mọi người phải có lòng yêu thương nhau, vì có tình yêu  thì những cạnh tranh không còn nữa. Là người lãnh đạo, Đức Giê-su đã sẵn sàng hiến mạng sống mình cho nhân loại. Là Thầy, Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

6. Truyện: Phục vụ trong khiêm tốn.

Sau đệ nhị thế chiến, những người dân ly tán khắp nơi còn sống sót đều trở về làng quê cũ, họ gạt nước mắt và sẵn sàng đổ mồ hôi để nỗ lực hàn gắn lại những vết thương chiến tranh và xây dựng lại cuộc sống trong hòa bình.

Tại một thị trấn nọ, tất cả nhà cửa, phố xá, ruộng vườn đều đã tan hoang đổ nát. Một nhóm bạn trẻ bước vào ngôi nhà thờ thân yêu ngày xưa, nay chỉ còn lại bốn vách tường và mái ngói tương đối là đứng vững, còn bên trong là những gạch vữa, gỗ đá vỡ vụn. Họ tìm thấy pho tượng Chúa Giê-su nằm sõng sượt dưới đất, chỉ còn có thân mình là nguyên vẹn.

Tuy thế, họ vẫn dọn dẹp sạch sẽ gian cung thánh, rồi họ đặt bức tượng trên một chiếc bàn con, ở ngay trung tâm của những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện của giáo xứ. Và người ta đã ghi lại được một lời cầu nguyện bộc phát rất cảm động của một chị thiếu nữ như sau:

“Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành đôi mắt của Chúa, để chúng con diễn tả được tình yêu thương của Chúa. Xin biến chúng con trở thành đôi tay của Chúa, để chúng con nâng đỡ phục vụ anh chị em. Xin cho chúng con trở thành đôi chân của Chúa, để chúng con sẵn sàng đến với tha nhân. Xin biến chúng con trở thành con tim của Chúa, để chúng con biết thực sự yêu thương hết thảy mọi người”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Ngươi chớ bỏ đọc sách luật này, ngày đêm ngươi hãy suy gẫm nhhững điều ghi chép trong đó, để tuân giữ và thi hành những điều ghi chép trong đó: như thế, ngươi sẽ am hiểu, và đi đúng đường lối của Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh linh mục Giê-rô-ni-mô trí thông hiểu và lòng mến yêu Kinh Thánh. Xin cho chúng con hằng thiết tha tìm đến lời Chúa là nguồn mạch ban sức sống dồi dào. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con đã hân hoan đón nhận lời Chúa, xin cho chúng con cũng theo gương thánh Giê-rô-ni-mô mau mắn dâng lên Chúa của lễ đem lại ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa, tôi đã tìm thấy lời Chúa, tôi lấy nó làm của ăn; lời của Chúa trở nên niềm vui mừng cho tôi, và làm hoan lạc tâm hồn tôi, vì danh Chúa được kêu cầu trên tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con vừa chia sẻ Mình và Máu Thánh Con Một Chúa để mừng lễ thánh Giê-rô-ni-mô. Ước chi bí tích này nung nấu tâm hồn chúng con, giúp chúng con chăm chú nghe theo lời giáo huấn của Kinh Thánh, và nhờ đó mà biết được con đường phải theo để đạt tới sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Giê-rô-ni-mô (Jérôme) qua đời tại Bethléem ngày 30 tháng chín năm 419 hoặc 420. Lễ kính Ngài đã khá phổ biến ở Gaule trong thế kỷ VIII, sau đó lan khắp phương Tây (thế kỷ IX – X).

Eusebius Hieronimus Sophronius sinh khoảng năm 340 tại Stridon, gần trên giới Dalmatie, trong một gia đình Kitô giáo, sung túc. Đến Roma, Jérôme theo học trường của nhà tu từ nổi tiếng Donatius và vì rất mê say văn chương cổ điển, Jérôme đã tạo cho mình một thư viện phong phú. Được Đức giáo hoàng Libère (352-366) rửa tội cho, Jérôme lưu lại Trèves ít lâu, sau đó tới Aquilée; tại đây Jérôme có ấn tượng về lòng đạo đức của các giáo sĩ thành phố. Khoảng năm 372, Jérôme sang phương Đông, đến Antiochia thì ngã bệnh. Trong bức thư (nổi tiếng) gửi Eustochium, Jérôme kể lại trường hợp lương tâm Kitô giáo của ông bị mê hoặc theo văn chương đời, vì, trong một thị kiến, Thiên Chúa xét xử đã nói với Jérôme rằng: “Người là đệ tử Cicéron, chứ không phải môn đệ Kitô…”. Lúc bấy giờ Jérôme rút vào hoang mạc Chalcis (Syrie), nơi đây có nhiều nhà khổ tu; tại đây ông học tiếng Hébreu. Sau đó ông trở lại Antiochia, thụ phong linh mục, rồi đến Constantinople (380-381), tiếp tục học khoa chú giải với thánh Apollinaire de Laodicée và thánh Grégoire de Naziance, dịch các bài giảng của Origène từ tiếng hy lạp và cuốn Chronique của Eusèbe de Césarée. Năm 382, Jérôme tháp tùng Paulin d’Antioche và Epiphane de Salamine dự công đồng chung Roma. Jérôme được đánh giá là chuyên viên giỏi. Ngài ở lại Roma, được chỉ định làm cố vấn cho Đức giáo hoàng Damase; Đức Damase giao cho Ngài xem lại bản văn la tinh các sách Phúc âm và Thánh vịnh. Đồng thời, Ngài làm linh hướng cho nhiều phu nhân trong giới quí tộc như Marcella, Paula, Eustochium …

Sau khi Đức giáo hoàng Damase qua đời, Ngài trở thành nạn nhân của một nhóm tố cáo Ngài quá cứng rắn trong các yêu sách về dòng khổ tu và quá mới mẻ trong các công trình về Kinh Thánh. Thánh nhân từ giã Roma, xuống tàu trở lại phương Đông. Ngài đi viếng Palestine, thăm Ai-cập và hoang mạc Nitrie (Hạ Ai Cập), vùng có nhiều thầy khổ tu sinh sống. Tại Alexandria, Ngài tham vấn nhà thần học trứ danh là Didyme Mù. Sau hết, Ngài đến Bethléem và ở đây cho đến khi qua đời. Tại đây thánh nhân có thể toàn tâm toàn ý hoàn tất bản dịch Kinh thánh từ tiếng Hy lạp (bản Septuaginta) và từ Hébreu (phần lớn Cựu Ước). Trong các tác phẩm lịch sử của thánh nhân, ngoài các tác phẩm khác, có thể kể De viris illustribus (Những con người lừng danh) là bản tổng kết quí báu bốn thế kỷ văn chương Kitô giáo. Cũng cần nhắc đến lượng thư từ đồ sộ Ngài viết, từ mẩu giấy nhỏ đến cả thiên luận thuyết quan trọng, hiện giờ chúng ta còn lưu giữ được trên một trăm hai mươi thư.

Jérôme cũng là một nhà bút chiến dữ dội và đáng gờm. Năm 383, Ngài từng phản bác Helpidius phủ nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria. Sau đó, Ngài tấn công Vigilance để bênh vực việc tôn kính các vị tử đạo và một số tập quán trong đời tu dòng. Trong cuộc tranh luận lâu dài về Origène (393-402), thánh Jérôme chống lại Rufin và Jean, giám mục Jérusalem. Những năm cuối đời Ngài gặp nhiều chuyện buồn: các đồ đệ và bạn hữu qua đời; quân man di xâm chiếm, đốt phá các tu viện. Cuối cùng Ngài qua đời ở Bethléem, thọ tám mươi tuổi. Bethléem là nơi Ngài từng lao động trí tuệ và đền tội suốt ba mươi lăm năm cuối đời.

Thánh Jérôme là một trong những vị thánh thường được nhiều ảnh tượng công giáo ghi khắc, khi là một hối nhân nơi hoang mạc (Lorenzo Lotto, Louvre; Rubens, Dresde; Van Dyck, Dresde; L.Giordano, Madrid…), khi là một tiến sỹ Hội thánh hay một hồng y, đôi khi có thêm một con sư tử mà Ngài từng nhổ cái gai ở chân cho (Durer, Petit Palais, Paris).

Thông điệp và tính thời sự

Ba lời nguyện trong thánh lễ nhấn mạnh các công phúc của thánh Jérôme, một trong các tiến sỹ lớn của Giáo hội phương Tây

Lời nguyện trong ngày đệ đạt lên Chúa là Đấng đã ban cho thánh Jérôme “được thưởng thức hương vị của Thánh Kinh và sống tinh thần Kinh Thánh một cách mãnh liệt”. Công trình lớn của Ngài là duyệt xét có phê phán bộ Kinh Thánh đã dịch sang tiếng La tinh (Bản Vulgata) và giải thích trong bộ chú giải. Bản Vulgata dựa trên những bản dịch La tinh cổ (Vetus Itala), nhưng cũng dựa trên các bản gốc bằng tiếng Do thái và Hy lạp. Bản này được xem là bản dịch chính thức của Giáo hội công giáo và sẽ được công nhận là bản đích thực có giá trị, do công đồng Trente năm 1546.

Phụng vụ bài đọc nhắc lại câu nói trứ danh của thánh Jérôme: “Kẻ nào không nhận thức đúng thánh kinh thì cũng không nhận thức đúng quyền năng và sự khôn ngoan Thiên Chúa: không hề biết thánh kinh, tức không biết Đức Kitô” (chú giải sách Isaia, lời dẫn).

Lời nguyện trên lễ vật thúc giục chúng ta đón nhận lời Chúa noi gương thánh Jérôme, để “chúng ta được mau mắn dâng lễ hy sinh cứu rỗi”. Quả thực bàn tiệc lời Chúa đi trước bàn tiệc thánh thể (xem PV51). Thánh Jérôme trọn đời miệt mài với Thánh Kinh. Trong bài giảng về thánh vịnh 41, thánh nhân nhắc nhở các tân tòng: “Giờ đây anh em đã mặc lấy Đức Kitô, anh em đi theo sự hướng dẫn của chúng tôi, giống như những chú cá nhỏ bơi theo mồi, anh em hãy để lời Chúa cứu anh em khỏi các đợt sóng thế gian này”.

Lời Chúa đó khi “được đọc và giải thích dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần Đấng đã soi rọi hầu viết ra nó (MK 12) là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu tận đáy tâm hồn … (DT 4,12).

Enzo Lodi
 

VĨ ĐẠI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

“Khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, nhưng là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một tính cách cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái được gọi là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng vĩ đại!” - Phillip Brooks.

Kính thưa Anh Chị em,

Tư tưởng của Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, “Càng nên bé nhỏ, bạn càng vĩ đại!”. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ai ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘vĩ đại!’.

Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa, Đấng đem Gióp ra khoe với Satan và đây là đầu dây mối nhợ của câu chuyện dài - bài đọc một. Chúa ném Gióp trước Satan, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta? Chẳng ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp. Nhưng Gióp chẳng một lời trách móc; trái lại, thêm lòng cậy trông, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca. Hú hồn! Chúa toàn thắng. Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp trở nên ‘vĩ đại!’.

Trong Tin Mừng hôm nay, biết các môn đệ nghĩ trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng - đặt một đứa trẻ bên cạnh mình. Đừng ngạc nhiên! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị, quyền lực luôn tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”. Một đứa trẻ tiết lộ cho chúng ta nhiều điều. Trong thế giới cổ đại, trẻ em ở dưới cùng bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ; trẻ không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên. Đặt một đứa trẻ bên cạnh mình cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải. Ai là người lớn nhất? Đó là kẻ mang thân phận của một tôi tớ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. Thật thú vị, sự ‘vĩ đại’ được tìm thấy ở đứa trẻ chứ không phải ở người ‘tiếp đón’ đứa trẻ! Đứa trẻ đại diện cho tất cả những ai dễ bị tổn thương, yếu đuối và bất lực. ‘Tiếp đón’ những người bé mọn như thế là đối xử với họ bằng sự tôn trọng phẩm giá cao nhất, chấp nhận họ và nâng đỡ họ. Trong mắt Chúa Giêsu, ai nhỏ bé như thế mới thực sự ‘vĩ đại’, họ là những người mà chúng ta có thể đặc biệt gặp Chúa Giêsu, yêu thương và phục vụ Ngài. Còn hơn thế, phục vụ Chúa Cha! Bản thân Chúa Giêsu sẽ đạt đến đỉnh cao ‘vĩ đại’ khi Ngài bị treo trên thập giá, hấp hối và bất lực. Đây là bài học mà các tông đồ sẽ học và chấp nhận theo thời gian. Chúng ta cũng phải tiếp tục thực hiện điều đó vốn không dễ dàng với bất kỳ ai. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở nên ‘vĩ đại!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết xấu hổ khi ‘nhón lên’ một tính cách cao hơn nào đó so với độ cao thực của con. Giúp con hiểu rằng, ‘vĩ đại’ hệ tại việc con biết xoá mình!”, Amen.

HẠT MẦM YÊU THƯƠNG

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Sau khi hoàn tất bộ phim “Tiểu Sử Têrêxa”, L. Younce trở lại đạo! Cô viết, “Điều tôi khám phá ở Têrêxa là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Chúa. Tôi cảm phục sự nhịn nhục và phục vụ ân cần của Têrêxa - một hạt mầm yêu thương - với nữ tu già Augustine khó thương; Têrêxa yêu quý bà và biến hành vi ấy nên của lễ cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói đến những em bé. Và một em bé - như Têrêxa - là một mảnh đất bí ẩn, mảnh đất của những ‘hạt mầm yêu thương!’.

Isaia mô tả tình yêu Thiên Chúa, “Mẹ Giêrusalem”, dành cho dân Ngài - bài đọc một. Têrêxa mất mẹ lúc 4 tuổi, mất luôn ‘người mẹ thứ hai’ - chị Pauline vào dòng - lúc 9 tuổi. Èo uột “như một cọng hành”, may thay, hạt mầm Têrêxa cảm nhận tình mẹ của Thiên Chúa vốn cho phép Têrêxa “bú sữa, được ẵm vào lòng, được nâng niu trên đầu gối”. Hạt mầm ấy càng bí ẩn khi Têrêxa là một nữ tu ở tuổi 15. Và dẫu kết thúc chỉ sau 9 năm, Têrêxa đã nên mảnh đất của những ‘hạt mầm yêu thương!’.

Nếu Têrêxa không vâng lời mẹ Bề trên - chị ruột Agnes - để viết “Một Tâm Hồn”, không ai biết Têrêxa. Đọc nó, bạn thấy “Bông Hoa Nhỏ” không chỉ toả hương đơn sơ, phó thác, nhưng còn man mát cả những tham vọng, tự tôn, can đảm, lãng mạn và cả bướng bỉnh. Têrêxa ước bay lên mặt trời chói lọi Ba Ngôi; “Em muốn như các thánh, làm những chuyện ngông cuồng cho Ngài!”; “Ôi Giêsu, cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác; tốt hơn, cả hai!”. Như một người tình, Têrêxa thả hồn rong ruổi Tình Quân, “Khi tâm hồn bị cuốn hút bởi làn hương say đắm của Ngài, nó không chạy một mình; tất cả những người nó yêu đều được cuốn theo!”. Như chú bọ ngựa vênh váo, Têrêxa sánh mình với cây cọ ba xu để Chúa vẽ nên những kiệt tác, “Phần cây cọ, nó đâu tự hào về một kiệt tác là do nó; nhưng nó biết, ‘Người Nghệ Sĩ’ không bối rối mà còn bỡn cợt với những khó khăn; và đôi khi, cần một dụng cụ yếu đuối và bất toàn như nó!”.

Têrêxa thông minh, hài hước, lắm tưởng tượng, “Archimède cần một điểm tựa bên ngoài để bẩy trái đất lên, ông không tìm ra! Các thánh thì khác, Chúa cho họ một điểm tựa, chính Ngài. Đòn bẩy là kinh nguyện bốc cháy yêu thương, cầu nguyện là cách thức các thánh nâng vũ trụ lên, nâng cho tới tận thế, ‘Các thánh tương lai’ cũng sẽ nâng!”. Têrêxa có những biện minh lạ lùng, “Con không nản chí vì những lỗi lầm của mình, vì trẻ con thường ngã luôn, nhưng vì chúng bé quá, nên không thấy đau mấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trẻ con thường ngã luôn, nhưng không thấy đau mấy vì quá bé!”. Chấp nhận mình bé nhỏ, nhiều khuyết điểm, ít tài năng; nhiều thất bại, ít thành công; nhiều tội lỗi, ít thánh thiện… là những đòn bẩy nâng bạn và tôi lên. Chớ gì biết rõ mình là ai, chúng ta đặt trọn tin yêu vào Chúa; trở nên mảnh đất cho những ‘hạt mầm yêu thương’ mà Chúa Thánh Thần không ngừng gieo vãi. Như Têrêxa, chúng ta tham vọng bẩy lên thế giới bi luỵ bằng cầu nguyện, chống lại tội lỗi và sự dữ. Được vậy, chúng ta có thể hát lên “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết dâng Chúa những đau khổ người khác gây ra cho con, và những hành vi ấy cũng sẽ biến nên của lễ cứu độ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây