21/10/2021
THỨ NĂM TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12, 49-53
BÙNG CHÁY NGỌN LỬA “GIÊSU”
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12, 49)
Suy niệm: “Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn con người” (Thống chế Foch). Lửa mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên trong tâm hồn con người là lửa nào? Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu mến Chúa Cha, lửa yêu thương không giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy, Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái tôi.
Mời Bạn: Để ngọn lửa tình yêu, nhiệt thành ấy có thể bùng cháy lên trong trái tim, bạn cần -như Đức Giêsu- phải dìm sâu trong trong một kinh nghiệm kinh khủng: từ bỏ mình, từ giã ý riêng, từ biệt một số sở thích cá nhân. Vượt qua kinh nghiệm kinh khủng này, với trái tim bùng cháy lửa “Giêsu, ” bạn có thể làm được cả những điều tưởng như ngoài tầm tay của mình.
Chia sẻ: Lửa “Giêsu” còn bùng cháy trong nhóm, hội đoàn, hội dòng… của bạn không, hay đã lụi tàn?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay tôi sẽ làm bùng cháy lên lửa “Giêsu” nơi trái tim mình bằng cách từ bỏ một sở thích không hợp với tinh thần Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong ước ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành bùng cháy lên trong cộng đoàn chúng con. Xin cho trái tim chúng con bùng cháy lửa yêu thương, nhiệt tình ấy qua cung cách sống mỗi ngày. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23
“Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa
Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 14-21
“Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.
Nguyện cho Ðấng toàn năng ban cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong Hội Thánh và trong Ðức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 11-12. 18-19
Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).
Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa. Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.
Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
Xướng: Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.
Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 49-53
“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..
Ca hiệp lễ
Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Hoặc đọc:
Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
BÌNH AN ĐÍCH THẬT LÀ GÌ? (Lc 12,49-53)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Những trang Tin Mừng trước, Đức Giêsu nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ gặp phải sự đau khổ, bất hạnh, bởi vì chính lúc không ngờ, Con Người sẽ đến. Sang bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng và chương trình cứu độ của Ngài khi loan báo về cuộc thương khó cũng như cái chết, đồng thời cũng xác định những hệ quả của những người đón nhận Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu muốn tiên báo về chính cái chết của mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”.
Sau khi đã nói về sứ mạng của mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của những người tin và theo Ngài, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Nhưng không! Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: không phải Đức Giêsu đến để đem hòa bình theo kiểu trần gian, mà là một nền hòa bình của Thiên Chúa và chỉ dành cho những ai xây dựng đời mình từ nền tảng Tin Mừng mà thôi. Hòa bình này là một thứ mà tiền không mua được, quyền cao chức trọng cũng chẳng có. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ có thể nhận được sau khi đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Còn những ai không yêu mến, trung thành và tuân giữ thì sẽ không bao giờ gặp được bình an thực sự. Nhưng ngược lại, họ sẽ bất hạnh và chống đối lại hòa bình của Đức Giêsu nơi anh chị em khác.
Thật vậy, trong thực tế, chúng ta thấy rất rõ sự mâu thuẫn này ngay từ trong gia đình. Cha chống lại con, con chống lại cha; nàng dâu, mẹ chồng chống đối nhau; anh chị em phản bội lẫn nhau là chuyện bình thường. Tất cả khởi đi từ những lựa chọn thuộc về giá trị sống. Những người chọn Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài làm lẽ sống, chắc hẳn sẽ bị những người trong nhà không ưa, không thích bởi vì những người đó, họ đối lập hoàn toàn với những người môn đệ của Đức Giêsu, nên họ chọn cho mình sự đảm bảo nơi tiền, quyền và những thứ vui khác…
Trong số 118 thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta, hẳn có quá nhiều người bị chính con ruột hay người thân trong huyết tộc bán đứng bằng cách báo với vua quan để nhận tiền thưởng, hay thăng quan tiến chức, hoặc thỏa mãn cơn giận… nhiều khi chỉ vì những lời dạy dỗ của các ngài dựa trên Tin Mừng của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con bình an của Chúa. Xin cho chúng con cam đảm đón nhận và giữ gìn sự bình an đó trong cuộc sống của chúng con mãi mãi, để chúng con được hạnh phúc thật. Amen.
NGỌN LỬA CHÂN LÝ
(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXIX TN – Lc 12,49-53) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Lửa mà Chúa Kitô đem xuống trần gian là gì? Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh đồng thuận với nhau đó là sức mạnh hủy diệt và cũng là nguồn lực thanh tẩy. Thánh Gioan Tẩy giả đã rao giảng rằng Ngài làm phép rửa bằng nước để kêu gọi dân Chúa bấy giờ sám hối, ăn năn, nhưng chính Chúa Kitô, Đấng đến sau ngài sẽ làm phép rửa cho họ bằng Thánh Thần và lửa (x.Mt 3,11-12).
Lửa là một trong các dấu chỉ nói về Chúa Thánh Thần như trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhiều nhà tu đức luận suy ngọn lửa mà Chúa Kitô mang xuống gian trần chính là Tình yêu cực thánh. Điều này cũng dễ hiểu vì Thánh Thần là hồng ân vô giá mà Chúa Cha và Chúa Con tặng ban cho nhân trần. Tuy nhiên, trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả thì Thánh Thần và lửa là hai thực tại khác nhau. Xin có vài nghĩ suy theo chiều kích này.
Hai hiệu quả chính của lửa là sự sáng và sức nóng. Nếu hiểu ngọn lửa mà Chúa Kitô ném vào thế gian là nguồn lực thanh tẩy thì nguồn lực ấy chính là ánh sáng chân lý. Trước mặt Philatô chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi xuống thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai hâm mộ chân lý thì nghe tiếng Tôi (x.Ga 18,37). Ánh sáng chân lý vừa có sức hủy diệt sự xấu, điều sai lầm vừa là nguồn lực thanh tẩy lương tri nhân loại.
Với góc nhìn này thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn những lời Chúa Giêsu nói tiếp sau. Trước hết là phép rửa mà Người sắp chịu, đó là khổ hình thập giá. Lời chân lý Người rao giảng vạch trần sự tham lam, giả dối của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo. Lời ấy cũng làm rõ sự sai lầm trong cách giảng dạy của họ. Và cái giá mà Chúa Giêsu phải trả theo ba lần tiên báo của Người là cái chết trên thập giá do bởi tay các Thượng Tế, luật sĩ và kỳ lão ở Giêrusalem (x.Mt 16,21).
Cũng với góc nhìn này chúng ta có thể hiểu lời Người nói rằng Người đến không phải để đem bình an nhưng là đem sự chia rẽ và sự chống đối nhau ngay cả giữa những người thân trong gia đình. Bằng ngọn lửa chân lý, Chúa Kitô muốn đốt cháy và thiêu hủy thứ rượu cũ là niềm tin còn hạn chế của dân Chúa khi nhìn Đấng Tạo Thành như là một ông chủ quyền uy khả úy, nhưng đầy sự nghiêm khắc và lắm khi quá “khó tính” nữa. Và Người muốn đốt cháy luôn một vài kiểu cách sống đức tin mà nhiều vị lãnh đạo bấy giờ thiết lập khiến cho dân Chúa khó có thể đến với Cha trên trời trong tình con thảo.
Qua ngọn lửa chân lý, Chúa Kitô gieo vào trần gian thứ rượu mới đó là lời mạc khải hoàn hảo về Đấng Tạo Thành. Người là Cha Toàn Năng đầy lòng thương xót. Và cái bình mới chính là tâm tình và cung sống của những người con đích thực. Con cái bày tỏ lòng thảo hiếu với Cha trên trời là nỗ lực làm rạng rỡ Danh Cha, làm cho nước Cha trị đến và thánh ý Cha thể hiện, đồng thời hết lòng yêu thương tha nhân như anh chị em một nhà trong tình hiệp thông và liên đới.
“Không ai đang uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “rượu cũ thì ngon hơn” (Lc 5,39). Đây chính là lý do làm phát sinh sự chia rẽ ngay cả giữa các thành viên trong gia đình mà Chúa Giêsu nói rõ. Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Ngài được sai đến để soi sáng hướng dẫn chúng ta hiểu đúng và đủ đầy lời mạc khải của Chúa Kitô (x.Ga 16,12-15). Theo dòng thời gian Chúa Thánh Thần luôn không ngừng tác động để Giáo hội canh tân theo ý Đấng thiết lập. Công đồng Vatican II là một đan cử việc Giáo hội đón nhận ngọn lửa chân lý. Và điều đã xảy ra từ xưa thì nay vẫn tái hiện. Đó là sự chống đối, chia rẽ cách này thể khác vì người ta nói: cái xưa, kiểu cách sống đạo cũ tốt hơn”.
Phải chăng những nỗ lực cải tổ Giáo hội của Đức Phanxicô vài năm gần đây cũng là một hiện tượng lịch sử đang lặp lại? Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ khẳng định: “Chân lý đang còn ở phía trước”. Quả thật Chúa Thánh Thần chưa hề “thất nghiệp”. Ngài mãi vẫn hoạt động trong Giáo Hội và đang cùng với Tân Nương là Giáo Hội cất lời: “Xin Người (Chúa Kitô) ngự đến” (Kh 22,17).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn