TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những thách đố của đời sống đức tin

Chủ nhật - 27/06/2021 10:58 |   1194
Nhìn lại những thăng trầm trong Lịch sử Cựu Ước về đời sống đức tin của Dân Chúa qua từng giai đoạn và tìm hiểu nguyên nhân.

Những thách đố của đời sống đức tin

 


NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ
Germany, ngày 20-03-2021

Mục lục
I. Kinh nghiệm về những thách đố đức tin trong Cựu Ước
     1. Cuộc sống vật chất đầy đủ làm cho người ta quên Thiên Chúa
     2. Thiên Chúa không quên lời hứa – Ơn gọi của Mô-sê:
II. Từ Xuất Hành cho đến Chúa Giê-su
     1. Núi Khô-rép, điểm hẹn thứ nhất
     2. Cuộc gián đoạn thứ nhất : Tội tổ tông trong hoang địa, làm ra một ông thần (Xh 32).
     3. Cuộc gián đoạn thứ hai: Ba-an Pơ-o (Ds 25)
     4. Lạm dụng hình thức bên ngoài để che đậy bất công, tàn bạo
III. Dân của Giao Ước Mới là dân được sai đi
IV. Những thách đố cho đời sống đức tin hôm nay
     1. Những thách đố cho đời sống đức tin thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần.
     2. Sự đảo lộn các giá trị.
     3. Thách đố ngẫu tượng mới
V. Sư phạm của Thiên Chúa
     1. Thiên Chúa đã giáo dục tổ phụ Áp-ra-ham thế nào.
     2. Thiên Chúa đã giáo dục dòng dõi Áp-ra-ham
VI. Truyền đạt đức tin cho người trẻ hôm nay

WHĐ (20.04.2021) – Bài viết trình bày kinh nghiệm lịch sử thăng trầm của đời sống đức tin của Dân Chúa để rút bài học cho thời đại và đặc biệt cho việc truyền đạt đức tin cho thế hệ con cháu giữa những biến đổi nhanh chóng theo “tốc độ điện tử”.

I. Kinh nghiệm về những thách đố đức tin trong Cựu Ước

Nhìn lại những thăng trầm trong Lịch sử Cựu Ước về đời sống đức tin của Dân Chúa qua từng giai đoạn và tìm hiểu nguyên nhân.

Sách Sáng Thế kể cho chúng ta biết các tổ phụ đã đón nhận và sống đức tin như thế nào: từ khi Áp-ra-ham được Thiên Chúa gọi và bắt đầu cuộc phiêu lưu với Thiên Chúa, cho tới khi Gia-cóp đưa dòng dõi gồm 70 người qua Ai Cập tị nạn, nhờ có Giu-se đã được Thiên Chúa sai đi trước do sự ghen ghét của anh em, nhưng đã được Thiên Chúa biến dữ ra lành, đưa lên địa vị thay quyền Pha-ra-ô cai quản nước Ai Cập. Chính ông sẽ giải thích cho anh em về đường lối kỳ diệu của Thiên Chúa và báo trước cuộc giải thoát kỳ diệu vĩ đại Thiên Chúa sẽ thực hiện như Người đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham:

Người phán với ông: “Ngươi phải biết rằng: dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm. 14Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản. 15Còn ngươi sẽ về với cha ông ngươi bình an, và sẽ được chôn cất sau khi hưởng tuổi già hạnh phúc. 16Đến đời thứ bốn, chúng sẽ trở về đây, vì sự gian ác của người E-mô-ri chưa đủ mức.” (St 15,13-16)

Và với Gia-cóp / Ít-ra-en khi ông lên đường đưa dòng dõi qua Ai-cập, Thiên Chúa hứa:

Ông Ít-ra-en lên đường, đem theo tất cả những gì ông có. Ông đến Bơ-e Se-va và ông dâng những lễ tế lên Thiên Chúa của cha ông là I-xa-ác. 2Thiên Chúa phán với ông Ít-ra-en trong thị kiến ban đêm, Người phán: “Gia-cóp ! Gia-cóp !” Ông thưa: “Dạ, con đây !” 3Người phán : “Ta là En, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. 4Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giu-se sẽ vuốt mắt cho ngươi.” (St 46,1-4).

Cái chết của Giu-se như khép lại một giai đoạn và cái xác ướp của ông nằm đó như bảo đảm và chờ ngày cùng về Đất Hứa với dân (St
 50,24-26)

1. Cuộc sống vật chất đầy đủ làm cho người ta quên Thiên Chúa

Sách Xuất Hành mở đầu với danh sách các con ông Gia-cóp đã theo ông sang Ai-cập, nơi Giu-se đã được sai đi trước để chuẩn bị và đang chờ cha cùng toàn thể gia đình qua lánh nạn, sau đó nói về sự sinh sôi nảy nở đông đúc và cuộc áp bức:
Rồi ông Giu-se qua đời, cũng như anh em ông và tất cả thế hệ đó. 7Con cái Ít-ra-en sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ.
8Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. 9Vua nói với dân mình: “Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. 10Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ.” 11Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai. (Xh 1,6-11).

Một điều sách không nói, nhưng tôi thấy có thể đọc ra từ sự im lặng.

Giu-se đã chọn phần đất phì nhiêu nhất cho gia đình (St 47,1-10). Sống trên phần đất màu mỡ này, dòng dõi Gia-cóp “sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ”.

Giu-se là người cuối cùng nhắc đến Thiên Chúa và lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Áp-ra-ham (St 50,24-25). Thời gian qua đi, vua mới không biết đến Giu-se, và chỉ thấy mối đe dọa từ một giống dân không phải là người Ai-cập, coi họ như một mối đe dọa. Phải ra tay trừ hậu họa: “Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. 10Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ.” Sự khôn ngoan của Giu-se đã giúp dân Ai Cập thoát họa đói kém. Sự khôn ngoan của Pha-ra-ô được dùng để đối phó với dòng dõi Gia-cóp đã trở thành nguy cơ “chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ”.

Pha-ra-ô không sử dụng giải pháp diệt chủng trực tiếp, nhưng dùng họ làm nô lệ để làm những việc nặng nhọc: “Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. 14Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc : phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng ; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm” (Xh 1,13-14).

Đồng thời áp dụng một chính sách diệt chủng tinh vi: 15 “Vua Ai-cập nói với những bà đỡ đi giúp sản phụ Híp-ri, một bà tên là Síp-ra, một bà tên là Pu-a : 16 ‘Khi đỡ cho sản phụ Híp-ri, các người hãy xem đứa trẻ là trai hay gái . Nếu là trai thì giết đi, nếu là gái thì để cho sống.” (Xh 1,15-16).

Một điều nghịch lý là suốt giai đoạn từ sau khi Giu-se chết, ta không nghe một người nào trong dòng dõi Gia-cóp nhắc tới Thiên Chúa, nhưng lại nghe hai bà đỡ [dĩ nhiên là người Ai-cập] “kính sợ Thiên Chúa” mà không làm theo lệnh vua, vẫn để cho con trai Ít-ra-en sống (Xh 1,17).

Tệ hơn nữa họ thờ các thần của Ai-cập. Trong hoang địa, ngay sau Giao Ước Xi-nai, họ yêu cầu ông A-ha-ron làm cho họ một ông thần... Ông A-ha-ron chẳng cần suy nghĩ, thu vàng của họ và đúc ngay một con bê[1]
...

2. Thiên Chúa không quên lời hứa – Ơn gọi của Mô-sê:

Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” 4ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” 5Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7 ĐỨC CHÚA phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. 9Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta ; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. 10Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”

11 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” 12Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.”

Trong sách Xuất Hành, chương thứ nhất đã kể về kế hoạch “khôn ngoan” của Pha-ra-ô, chương thứ hai đã kể lai lịch ông Mô-sê, tại sao ông lưu lạc tới xứ Ma-đi-an này và trở thành người chăn chiên cho nhạc phụ.

Thiên Chúa đến tìm ông tai núi Khô-rép, tỏ cho ông biết Người là ai và tại sao Người đến tìm ông. Đọc kỹ những lời Thiên Chúa phán với Mô-sê:

Danh xưng: Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Thiên Chúa nhìn nhận Mô-sê là con cháu của ba vị tổ phụ, còn Ngài là Thiên Chúa của các Tổ Phụ ấy bằng giao ước, nên Mô-sê không phải là kẻ xa lạ, nhưng là người nhà của Ngài lưu lạc một mình ở nơi xa xôi này. Ông không biết Ngài nhưng Ngài vẫn biết tên gọi và tông tích của ông.

Tại sao Thiên Chúa đến tìm Mô-sê? 9Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta ; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập.
Lời kể không nói họ kêu lên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn nghe, vẫn thấy và tự ý đến cứu họ.

Một mình Mô-sê lưu lạc Thiên Chúa còn biết, nói chi cả con cái Ít-ra-en, cả dòng dõi của ba vị Tổ Phụ đang sống cảnh áp bức tại Ai cập. Thiên Chúa đối xử với họ như người cha, người mẹ nghe tiếng con khóc, thấy con đau thì chạy tới.

Thiên Chúa đã tự nhận trách nhiệm giữ con, giữ cháu và giữ đất đã hứa cho con cháu để Áp-ra-ham và Gia-cóp / Ít-ra-en được ngủ yên. Dù con cháu của các ông quên Người, nhưng Người không quên họ, không quên lời hứa. Đúng hẹn thì Người tới đưa họ về Đất Hứa. Người đến tìm Mô-sê vì muốn dùng ông làm sứ giả của Người để thực hiện cuộc giải cứu Người đã hứa với Áp-ra-ham (St 15,12-16) nhắc lại cho Gia-cóp / Ít-ra-en trước khi ông dẫn cả gia đình qua Ai-cập (St 46,2-4), và Giu-se đã nhắc cho anh em trước khi nhắm mắt lìa đời (St 50,24-25).

10Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.” Thiên Chúa không sai ông lão chăn chiên này đi lập một đạo quân và mở một cuộc chiến tranh giải phóng nhưng chỉ đến gặp Pha-ra-ô thôi.
Mô-sê nhận biết mình quá nhỏ bé trước sứ mạng. Đúng, Mô-sê chỉ là một công cụ rất nhỏ bé. Thiên Chúa mới là Đấng lo việc giải thoát. Thiên Chúa sai ông đi và Thiên Chúa ở với ông. Thiên Chúa cho ông một dấu hiệu làm bảo chứng cho sự thành công:

Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.”

Thiên Chúa giải thoát cho dân vì Người đã nhận họ là dân của Người do giao ước với tổ phụ của họ bằng một lời thề theo nghi thức long trọng và quyết liệt nhất của thời ấy (St 15,6-21). Dù họ quên Người, chẳng biết Người là ai nữa. Mô-sê cũng không biết Người.

Cách Mô-sê xin Chúa cho biết tên để trả lời cho dân, lộ cho thấy thêm rằng dân đã theo các thần của Ai-cập[2], nên hỏi tên vị thần nào sai ông Mô-sê:
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” 14Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.’” 15Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia. (Xh 3,13-15).

Thiên Chúa cho hai câu trả lời. Câu thứ nhất vẫn được hiểu là Người nói thánh danh tuyệt đối của Người. Dịch sát : TA LÀ ĐẤNG TA LÀ. Rồi dạy ông Mô-sê cách trả lời cho dân : « ĐẤNG TA LÀ sai tôi đến với anh em. »

Rồi ngay sau đó, Người lại phán: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em”Có vẻ như nếu nói thánh danh tuyệt đối của Thiên Chúa thì họ không biết và cũng không thấy tương quan đặc biệt gần gũi giữa Người với họ, nên Thiên Chúa cho truyền ông Mô-sê sử dụng danh xưng liên hệ tới Giao Ước, vừa nói lên tính duy nhất, vừa nói lên sự gần gũi, và từ nay dân Ít-ra-en sẽ mãi mãi dùng danh xưng đó khi nói về Thiên Chúa.
Trong một thế giới đa thần, người ta khó mà nhận ra được Thiên Chúa là duy nhất, không có thần nào khác. Mỗi bộ lạc, mỗi dân có thần của mình. Tình trạng này đặt ra một vấn đề sư phạm trong việc giáo dục đức tin. Trong luật Giao Ước (Xh 20) và lời tuyên xưng đức tin của Ít-ra-en «Nghe đây, hỡi Ít-ra-en» (Đnl 6,4-6) nói rõ không có thần nào khác.

Bài ca của Mô-sê trong sách Đệ nhị luật (32,8-9), lại dùng cách diễn tả Thiên Chúa là Đấng chia phần thế giới cho các thần, và Ngài chọn Ít-ra-en làm phần riêng của Ngài, nên đối với Ít-ra-en thì Ngài là Thần duy nhất của họ. Khi Đấng Tối Cao định phần riêng cho muôn nước, và khiến loài người khắp ngả chia tay, thì Người vạch biên cương cho từng dân tộc theo số các thần minh.

9Nhưng sở hữu của ĐỨC CHÚA chính là dân Chúa, nhà Gia-cóp là cơ nghiệp của Người.

Thần nào cũng có hình dạng khiến người ta nhìn thấy được bằng mắt, sờ được bằng tay. Thiên Chúa của Giao Ước là Đấng vô hình. Trong thế giới đa thần thì sấm sét và mọi hiện tượng thiên nhiên đều có vị thần điều khiển. Mạc khải về Thiên Chúa thật sẽ dẫn người ta tới Thiên Chúa là Đấng tạo nên thế giới, mọi sự thuộc quyền của Người. Người tỏ vinh quang, uy quyền của Người bằng âm thanh, ánh sáng, mây đen, mây sáng, lửa, khói…

Một tiến trình giáo dục lâu dài. Cũng như các ký hiệu ghi số rất tiện lợi mà chúng ta quen dùng ngày nay, quen gọi là chữ số Ả-rập, phải đến thế kỷ 11 người ta mới nghĩ ra con số “dê-rô”! Thời Cựu Ước người ta chưa quan niệm được các thần của dân ngoại là hư vô, là không có, nên các ngôn sứ, các thánh vịnh và các sách khôn ngoan sẽ dùng nhiều cách để dạy cho người tin Thiên Chúa hiểu rằng các tượng thần người ta tự nặn ra theo ý mình chẳng có giá trị gì, chỉ là đất, đá, vàng, bạc.
Áp-ra-ham cũng sống trong cái xã hội đa thần, đầy ngẫu tượng đó. Khi Thiên Chúa gọi ông ra khỏi gia đình, bộ lạc… ông đã bỏ cả các «thần» của họ[3]. Nhưng khi dòng dõi ông sống bên Ai-cập thì lại theo các «thần» và ngẫu tượng của Ai-cập, vốn đầy tính huyền bí.

Chúng ta hãy tạm kết luận phần này, nhận định mấy điều giải thích tại sao dòng dõi Áp-ra-ham không nhớ gì về Thiên Chúa của các tổ phụ:

Thứ nhất là cuộc sống vật chất thoải mái, no đủ làm người ta quên Thiên Chúa;

Thứ hai là đời trước không kể lại cho đời sau, cha mẹ không kể lại cho con cái;

Thứ ba là sự cuốn hút của nếp sống văn hóa, xã hội, tôn giáo chung quanh;

Thứ tư là sự hấp dẫn của các ngẫu tượng và tính huyền bí của các truyện về thần linh của Ai-cập;


Bốn yếu tố này sẽ thay hình đổi dạng theo thời gian và nơi chốn, tiếp tục tác động như những thách đố cho đời sống đức tin của Dân Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước xuyên dòng lịch sử cho đến thời chúng ta và sẽ tiếp tục cho tới ngày Chúa đến trong vinh quang để kết thúc lịch sử.

II. Từ Xuất Hành cho đến Chúa Giê-su 

Đọc lại câu chuyện từ khi Mô-sê gặp Pha-ra-ô lần đầu cho đến khi vượt qua Biển an toàn, thấy xác quân của Pha-ra-ô, chúng ta mới có câu kết luận nói lên hiệu quả của biến cố giải thoát này:

Ngày đó, ĐỨC CHÚA đã cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. 31Ít-ra-en thấy ĐỨC CHÚA đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người. (Xh 14,30-31).

Suốt thời gian trước, trong khi Mô-sê thi hành sứ mạng, phản ứng tàn bạo, ngoan cố của Pha-ra-ô dội lên đầu dân, họ chỉ than trách ông Mô-sê vì làm cho họ khổ thêm. Cuộc đụng độ xảy ra giữa một bên là đại diện của dân đến gặp vua để kêu van, bị trả lời gay gắt. Vừa đi ra thì gặp ông Mô-sê và A-a-ron đứng ngoài chờ vô tiếp tục nói với Pha-ra-ô, họ liền trút uất hận lên đầu hai ông và xin Chúa mà Mô-sê nói là Đấng đã sai ông đến giải thoát họ kết án hai ông vì chỉ làm họ khổ thêm.
Các ký lục của con cái Ít-ra-en đến kêu với Pha-ra-ô: “Tại sao bệ hạ lại xử với các bề tôi như thế ? 16Rơm thì người ta không cung cấp cho bề tôi nữa, mà lại bảo: Sản xuất gạch đi ! Bệ hạ coi: người ta đánh bề tôi, như thể dân của bệ hạ đây có lỗi .” 17Vua đáp: “Các ngươi là quân lười biếng, quân lười biếng ! Vì thế, các ngươi mới nói: chúng ta hãy đi tế lễ ĐỨC CHÚA. 18Bây giờ đi làm việc đi ! Sẽ không cung cấp rơm cho các ngươi nữa, nhưng gạch thì các ngươi vẫn phải nộp…
Ra khỏi đền Pha-ra-ô, họ gặp ngay ông Mô-sê và ông A-ha-ron đang đứng chờ họ. 21Họ nói với hai ông: “Xin ĐỨC CHÚA chứng giám và xét xử cho: các ông đã làm cho chúng tôi trở nên đáng ghét trước mắt Pha-ra-ô và bề tôi của vua ; thật các ông đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi.” 

Quả là thử thách lớn. Ông Mô-sê thấy mình kẹt giữa hai bên: Thiên Chúa sai ông đi, nhưng sứ mạng có vẻ thất bại, dân thì oán trách ông. Ông chỉ biết hướng lên Thiên Chúa mà than:

22Ông Mô-sê hướng về ĐỨC CHÚA và thưa: “Lạy Chúa, tại sao Ngài đã làm khổ dân này? Tại sao Ngài đã sai con đi ? 23Từ khi con đến với Pha-ra-ô để nhân danh Ngài mà nói, thì vua ấy làm khổ dân này, và Ngài chẳng giải thoát dân Ngài gì cả !” (Xh 5,15-23)

Thiên Chúa trả lời cho Mô-sê, dạy ông phải kiên nhẫn chờ đợi. Đây là việc của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ làm chứ không phải ông. Ngài sai ông chuyển lời cho Pha-ra-ô thì ông cứ làm việc được trao. Chính Thiên Chúa đang rèn luyện lòng tin của Mô-sê. Đến bờ biển khi dân thấy mình bị kẹt, sau lưng thì quân đội hùng hậu của Pha-ra-ô đuổi theo, trước mặt là biển… Họ kêu trách Mô-sê thật cay chua: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc ? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập ? 12Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao ? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập ! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc !” (Xh 14,11-12).

Nhưng ông Mô-sê tỏ ra đã biết quyền năng của Thiên Chúa: Ông Mô-sê nói với dân: “Đừng sợ ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. 14ĐỨC CHÚA sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.” (15,13-14).

Khi cuộc giải thoát thành công oanh liệt thì mọi người vui mừng ca tụng Thiên Chúa. Nhưng lời ca còn đang vang xa dần trong hoang mạc thì thử thách mới đã ập tới: nước uống và bánh ăn. Sa mạc đâu phải là kho lương thực, đâu phải là dòng sông… Kinh nghiệm 40 năm rong ruổi dẫn đàn chiên trong hoang địa cũng không đủ giúp ông tìm ra nguồn nước. Một chút bột mỗi gia đình mang theo từ Ai-cập thì ăn được bao nhiêu ngày… Dân lại chĩa mũi dùi oán trách lên đầu ông Mô-sê, ông lại kêu lên Thiên Chúa, và Người cho ngay cách giải quyết.

Kết luận được rút ra ngay: chính tại đó Người đã thử lòng họ. (15,25). Ta bắt đầu thấy sư phạm của Thiên Chúa. Thử thách vừa cho người ta thấy sự thật về mình và học biết Thiên Chúa.

Con người thật mỏng dòn trong tương quan với nhau và với Thiên Chúa. Chỉ trong khó khăn con người thật mới lộ ra. Thử thách là một yếu tố không thể thiếu trong sư phạm
.

1. Núi Khô-rép, điểm hẹn thứ nhất

Núi Khô-rép là nơi Thiên Chúa đã đến tìm Mô-sê và sai ông đi nói với Pha-ra-ô. Dấu hiệu Thiên Chúa cho ông để biết rằng Đấng sai ông đi chính là Thiên Chúa của tổ tiên ông: Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp là: «Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.»

Chính sự thành công là dấu hiệu cho ông, bởi vì tự sức ông không thể làm nổi.
Chỉ có Thiên Chúa mới làm nổi, lời ông nói chẳng thể lọt tai Pha-ra-ô, đã thế ông lại nói «cà lăm» ! Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng của Người bằng cách sử dụng một người vô tài bất lực để làm một việc vượt sức loài người. Ông Mô-sê nói với Pha-ra-ô bằng thứ hình ảnh mà Pha-ra-ô hiểu được. Mô-sê tỏ ra có óc sáng tạo, dùng chính lời hứa đến núi Khô-rép làm lý do: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc.” (Xh 5,1). Câu trả lời của Pha-ra-ô ngạo nghễ, thách đố “ĐỨC CHÚA là ai, khiến ta phải nghe lời mà thả cho Ít-ra-en đi ? Ta chẳng biết ĐỨC CHÚA, cũng sẽ không thả cho Ít-ra-en đi.” (5,2).

Mô-sê nghĩ nói thánh danh Thiên Chúa thì Pha-ra-ô không hiểu nên đổi kiểu nói, thêm lời đe dọa, không cho chúng tôi đi tế lễ «Thần của chúng tôi» thì Thần sẽ tiêu diệt chúng tôi và vua sẽ mất cả cái dân nô lệ này: “Thiên Chúa [Thần] của người Híp-ri đã hiện ra với chúng tôi. Xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi ; nếu không, Người sẽ dùng dịch hạch hay gươm giáo mà giết chết chúng tôi.” Óc sáng tạo của Mô-sê chỉ làm cho Pha-ra-ô quyết liệt hơn và làm ngược lại lời yêu cầu.

Cuộc đấu từ nay là cuộc đấu tay đôi giữa Thiên Chúa với Pha-ra-ô. Mô-sê chỉ có sứ mạng chuyển lời của Thiên Chúa và nhìn. Tay Thiên Chúa mạnh hơn tay Pha-ra-ô.
Mô-sê đã đưa được dân tới núi Khô-rép. Bây giờ Thiên Chúa mới cho thấy rõ kế hoạch của Người: Không chỉ là để tổ chức một cuộc lễ mừng như Mô-sê đã hiểu, nhưng là một Giao Ước biến đám dân nô lệ hỗn tạp, gồm dòng dõi Áp-ra-ham và «Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ» (12,38) thành một dân duy nhất để thờ phượng một mình Thiên Chúa là Đấng đã đưa họ thoát ách nô lệ:

“Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 3Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta (Xh 20,2-3). 

Sau đó Mô-sê tổ chức một cuộc lễ để công bố thiết lập Giao Ước: Mô-sê tuyên đọc Luật Giao Ước rồi rảy máu của những con vật đã sát tế làm lễ toàn thiêu và lễ hiệp thông lên sách Luật và dân đã chấp nhận Luật Giao Ước.


Cuộc lễ này mở đầu cho một cuộc lễ lâu dài suốt lịch sử Dân Chúa. Nhưng cuộc lễ sẽ bị gián đoạn nhiều lần, vì Dân của Giao Ước không trung thành. Cuộc gián đoạn đầu tiên không phải chờ lâu.

2. Cuộc gián đoạn thứ nhất : Tội tổ tông trong hoang địa, làm ra một ông thần (Xh 32).

Đám mây trên núi đã biến đi, ông Mô-sê lên núi, vào trong đám mây, bao nhiêu ngày rồi dân ngồi chờ trong lều dưới chân núi không thấy ông trở xuống. Thiên Chúa đã nói bằng tiếng sấm tiếng sét, họ chẳng thấy mặt mũi ra sao. Trước khi lên núi, ông Mô-sê đã bảo họ: có chuyện gì thì cứ đến với ông A-ha-ron.

Bên Ai-cập thì người ta «làm ra ông thần» rồi khiêng đi theo ý mình…

Họ yêu cầu ông A-ha-ron: Dân thấy ông Mô-sê lâu quá không xuống núi, bèn tụ họp bên ông A-ha-ron và nói với ông: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” (Xh 32,1).

Ông Mô-sê bảo họ là «Thần của tổ tiên» đã sai ông đến để đưa họ ra. Họ chỉ biết ông Mô-sê là người đã đưa họ lên từ đất Ai-cập tới đây.

Họ vẫn thấy là cần một ông thần mới dẫn họ đi tiếp được. Ông A-ha-ron làm theo ý họ ngay. Thấy công trình tay ông làm ra, dân chúng tự hô lên: đây là vị thần đã đưa các ngươi lên từ đất Ai cập. Thấy vậy, ông A-ha-ron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to: “Mai có lễ kính ĐỨC CHÚA !”6Ngày hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.


Một cuộc lễ có ăn uống, vui chơi chứ không khắc khổ. Ông thần này sẽ dẫn họ theo ý họ: muốn đi đâu thì khiêng ông thần đi trước rồi dân theo sau, cứ như một đám rước liên tục. Muốn nghỉ thì đặt ông thần xuống. Đi, nghỉ, theo ý mình chứ không cần chờ lệnh ai. Ông thần này lệ thuộc vào họ, nên họ hoàn toàn tự do. Ông thần này không nói được nên không thể ra luật lệ cho họ.

3. Cuộc gián đoạn thứ hai: Ba-an Pơ-o (Ds 25)

1Khi trú ngụ tại Sít-tim, dân Ít-ra-en bắt đầu dâm đãng với gái Mô-áp. 2Bọn này rủ rê dân thờ cúng các thần của chúng ; dân đã ăn uống và thờ lạy các thần của chúng3Ít-ra-en bán mình cho Ba-an Pơ-o và ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với họ.4ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đem tất cả các thủ lãnh của dân ra ngoài nắng mà treo lên trước mặt ĐỨC CHÚA, để ĐỨC CHÚA nguôi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en.” 5Ông Mô-sê nói với các thẩm phán: “Mỗi người trong anh em hãy giết những kẻ đã bán mình cho Ba-an Pơ-o.”

Lần này thì đầu mối câu chuyện lại khác. Con gái Mô-áp rủ rê dân thờ cúng các thần của chúng. Không thấy nói tên các thần, nhưng có vẻ hấp dẫn: trực tiếp thỏa mãn nhục dục, lễ hội thì có lễ và có lạc. Lễ là kính thần, lạc là ăn uống và vui chơi.
Lần trước Thiên Chúa đe dọa tiêu diệt toàn dân và đặt Mô-sê làm thủy tổ mới. Mô-sê xin được Thiên Chúa tha. Nhưng Mô-sê tự ý mở thánh chiến, tiêu diệt hơn ba ngàn người trong một ngày. Ông nói đó là lệnh của Thiên Chúa, nhưng không nói dựa trên tiêu chuẩn nào.

Lần này thì Thiên Chúa quy tội lên đầu các kẻ cầm đầu dân, và ra lệnh: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đem tất cả các thủ lãnh của[4] dân ra ngoài nắng [5]mà treo lên trước mặt ĐỨC CHÚA, để ĐỨC CHÚA nguôi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en.” 5Ông Mô-sê nói với các thẩm phán[6]: “Mỗi người trong anh em hãy giết những kẻ đã bán mình cho Ba-an Pơ-o.” Truyện điển hình kể ở câu 7, Pin-khát cầm giáo đâm xuyên người đàn ông Ít-ra-en và cô gái Mô-áp có thể hiểu là “ngay giữa bụng” [như bản dịch của chúng tôi], hay là ngay trong cái lều dành làm nơi thờ thần Ba-an Pơ-o.

Truyện thần Ba-an Pơ-o này sẽ được nhắc tới trong Tv 105/106,28 và sách Hô-sê 9,10 như tiêu biểu cho sự bất trung với Thiên Chúa của Giao Ước trên đường từ Ai-cập về Đất Hứa.

Vụ con bê và vụ thần Ba-an Pơ-o được kể khá chi tiết, như mô hình để đọc ra bản chất và lý do hấp dẫn của việc thờ ngẫu tượng thay vì thờ Thiên Chúa của Giao Ước suốt lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước do Mô-sê làm trung gian, và những biến dạng của nó trong lịch sử Dân Chúa thời của Giao Ước Mới do Chúa Giê-su làm trung gian cho tới thời chúng ta. Vụ nổi loạn ở Xi-nai và vụ Ba-an Pơ-o cho chúng ta thấy một nguyên nhân thứ năm ảnh hưởng sự lạc đường, sai hướng trong hành trình đức tin là giới lãnh đạo.

Điều khó hiểu là việc giết con tế thần, một thứ tế lễ mà chúng ta khó có thể tưởng tượng và chấp nhận, nhưng có vẻ rất phổ biến trong nhiều dân ở vùng này. Sách Giô-suê 6,26, ông Giô-suê đã có lời nguyền rủa thành Giê-ri-khô:

Thuở ấy, ông Giô-suê bắt phải thề rằng:
“Trước nhan ĐỨC CHÚA, khốn cho kẻ đứng lên tái thiết thành Giê-ri-khô này !
Kẻ nào đào móng dựng nền, thì con đầu lòng của nó phải chết ;
kẻ nào dựng cổng xây tường, thì con út của nó phải mạng vong !”
Sách I Vua 16,24 kể rằng: Trong thời vua [A-kháp], ông Khi-ên, người Bết Ên, xây cất lại Giê-ri-khô, nhưng ông đã phải mất người con đầu lòng là A-vi-ram khi đặt nền, và mất đứa con út là Xơ-gúp khi dựng cửa, như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Giô-suê, con ông Nun, mà phán.

Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a cho chúng ta thấy ngay khi thảm họa đã đến ngoài cửa thành Giê-ru-sa-lem, người ta vẫn còn giết con tế thần tại thung lũng Ghê-him-non[7] (Gr 7,30-32).

Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham, truyền ông đem con duy nhất là I-xa -ác đi tế lễ cho Thiên Chúa, rồi phút chót Thiên Chúa bảo ông dừng tay lại, Thiên Chúa nhận lòng yêu mến của ông, không tiếc gì với Người, và chúc phúc cho ông (St 22,1-18). Đó là một cách Thiên Chúa xóa bỏ cách tế thần của các dân chung quanh.

Trong sách Xuất HànhThiên Chúa sẽ truyền phải dâng các con vật đầu lòng cho Thiên Chúa bằng cách giết nó. Nhưng con lừa là con vật chuyên chở quan trọng trong đời sống của họ, thì có thể “chuộc” bằng một con chiên. Còn con đầu lòng của người thì được chuộc lại. “Mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại.” (13,13)

“Mọi con đầu lòng đều thuộc về Ta: mọi con đực trong súc vật ngươi, con đầu lòng của bò cũng như của chiên. 20Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại, nếu ngươi không chuộc lại thì đánh gãy ót nó đi; còn mọi con đầu lòng trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại.” (34,20).

Nhìn lại những kinh nghiệm kể trên, chúng ta có thể tạm kết luận về việc bất trung, bỏ Thiên Chúa để thờ ngẫu thần lộ ra xu hướng của con người là đảo lộn trật tự: thay vì là hình ảnh của Thiên Chúa thì lại nặn ra thần theo hình ảnh của mình; thay vì vâng phục và phụng sự Thiên Chúa thì muốn Người là ông thần để mình sai khiến, thỏa mãn những dục vọng của mình.

Sự lôi cuốn của nếp sống của các dân chung quanh.

Thánh vịnh 105/106 xưng thú tội lỗi của Dân Chúa từ khi ra khỏi Ai-cập, cho tới khi bị lưu đày, nhắc tới một điều là họ đã không tiêu diệt các dân sống trên đất Ca-na-an (34-39), như Thiên Chúa đã truyền, họ sống chung với các dân này, để các dân này nên cạm bẫy cho họ (Xh 23,33; Đnl 7,16; Tl 2,3; Kn 14,11).

Ngày nay giải pháp trừ hậu họa tận căn này khó lọt tai chúng ta. Nhưng nhìn vào thực tế ngay trong thời chúng ta, những cuộc diệt chủng vẫn tiếp tục hàng ngày, viện cớ tôn giáo, tuy sự thực là vì các lý do chủng tộc, chính trị, ích kỷ. Chúng ta than phiền, chúng ta lên án khi thấy các nhóm quá khích Hồi Giáo, Ấn giáo... hiện nay vẫn nhân danh tôn giáo mà hủy diệt người khác. Nhưng chúng ta quên rằng trong Lịch sử Hội Thánh, thời khủng hoảng trước Công Đồng Tri-đen-ti-nô, Tòa Án Giáo Hội (Inquisition) cũng đã kết án tử hình “những kẻ rối đạo”. Ấy là chưa kể đến thời Binh Thánh Giá...

Trong câu trả lời cho ký giả trên chuyến bay từ Bagdad về Rô-ma hôm 8/3 vừa qua[8], liên quan tới văn kiện Đức Phan-xi-cô đã ký với vị lãnh đạo Hồi Giáo Sunni Ai cập ở Abou Dhabi hai năm trước và thông điệp “Fratelli Tutti”, ngài đã không ngại nhắc đến lời của người đứng đầu Hồi Giáo Si-ít ở I-rắc, Ayatolla Al-Sistani mà ngài tâm đắc và cố ghi nhớ: người ta là anh em do tôn giáo hay bình đẳng do tạo dựng. Trong tình huynh đệ, có sự bình đẳng, nhưng chúng không thể đi bên dưới sự bình đẳng.

Ngài nói thêm: Tôi tin rằng đó cũng là con đường của văn hóa. Hãy nghĩ đến bản thân chúng ta, những Ki-tô hữu. Để làm thí dụ, nghĩ tới cuộc chiến tranh 30 năm, nghĩ tới biến cố đêm lễ thánh Ba-tô-lô-mê-ô[9]. Cách thức não trạng đã thay đổi giữa chúng ta: bởi vì đức tin của chúng ta đã giúp chúng ta khám phá ra rằng điều Chúa Giê-su mạc khải là yêu thương và bác ái dẫn chúng ta tới đó; nhưng phải cần bao nhiêu thế kỷ để đem ra thực hành! Đó là điều quan trọng, tình huynh đệ giữa người với người, trong tư cách là người, tất cả là anh em; và chúng ta phải tiến lên cùng với các tôn giáo khác: Bạn là người, bạn là con cái Thiên Chúa, và bạn là người anh em của tôi, chấm. Đó là chỉ dẫn quan trọng nhất, và đôi khi phải liều mà thực hành.

Bản thân ông Mô-sê, người đã được vào trong đám mây để nghe Thiên Chúa dạy và nhận hai bia đá khắc Luật Giao Ước, rồi đã xin được Thiên Chúa tha cho dân vì ở dưới chân núi họ đang thờ ông thần mà A-ha-ron đúc cho họ, mở lễ hội, ăn uống, vui chơi theo kiểu dân Ai-cập. Nhưng khi ôm hai bia đá Thiên Chúa khắc Luật Giao Ước trao cho ông, xuống tới chân núi, thấy cảnh tượng diễn ra trước mắt, ông đã đập vỡ hai tấm bia, tuyên bố thánh chiến, tiêu diệt ba ngàn người trong một ngày (x. Xh 32,11-34). Hôm sau ông còn bảo dân rằng ông trở lên gặp Thiên Chúa để năn nỉ, may ra xin được Thiên Chúa tha cho dân. Ông xin thế mạng cho họ, nhưng Thiên Chúa trả lời: chuyện trừng phạt kẻ phạm tội là việc của Ngài, còn việc của ông là dẫn đưa dân tới nơi Thiên Chúa đã truyền cho ông.

Sau đó thay vì lên núi gặp Thiên Chúa, Mô-sê sáng kiến dựng cái lều bên ngoài trại làm nơi Hội Ngộ với Thiên Chúa, không chỉ cho một mình ông mà cho cả dân, ai muốn hỏi ý Thiên Chúa cũng có thể ra đó. Thiên Chúa cũng chấp nhận sáng kiến của ông và ngự xuống đó cho ông gặp như đã cho ông gặp trong đám mây ở trên núi.

Tại lều Hội Ngộ này, lời cầu nguyện của ông Mô-sê cho chúng ta biết ông ý thức là ông chưa biết Thiên Chúa, vì chưa biết đường lối của Thiên Chúa: “Nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.” (Xh 33,13). Chú ý tới thứ tự và tương quan giữa hai ơn Mô-sê xin: biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa. Có lẽ sau vụ việc ông tự ý tuyên bố thánh chiến sau khi đã xin được Thiên Chúa tha cho dân, ông đã nhận ra vấn đề.

Sau này Chúa Giê-su sẽ dạy tương tự: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ 23Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! (Mt 7,21-23).

Biết tên và nguồn gốc một người thì chưa phải là biết người đó. Biết cách suy nghĩ, ứng xử, sở thích... của một người mới có thể nói là biết người đó. Với Thiên Chúa của Giao Ước thì còn thêm một bước nữa: biết Ý Thiên Chúa và thi hành. Biết mà không thi hành còn tồi tệ hơn là không biết (x. Mt 21,28-31).

Thiên Chúa đã truyền cho Áp-ra-ham khi tuyên bố thiết lập Giao Ước với ông:
Khi ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. 2Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông.” (St 17,1-2).

Sách Đệ Nhị Luật kể rằng Thiên Chúa hứa sẽ sai các ngôn sứ để dạy dỗ, nhắc nhở Dân về đường lối của Thiên Chúa, để họ đừng theo lối sống của dân ngoại và cho cả tiêu chuẩn để nhận ra ai thật sự là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến (X. Đnl 18, 9-22), bởi vì sẽ có những kẻ mạo danh Thiên Chúa, mạo danh ngôn sứ. Vì thế Thiên Chúa cho một tiêu chuẩn khác nữa để phân biệt và đối xử triệt để, không thương tiếc:

Nếu ở giữa anh (em) xuất hiện một ngôn sứ hay một kẻ chuyên nghề chiêm bao và nó báo trước cho anh (em) một dấu lạ hay một điềm thiêng, 3nếu dấu lạ hay điềm thiêng nó đã nói xảy ra, và nó bảo: “Chúng ta hãy theo và phụng thờ các thần khác”, những thần mà anh (em) không biết, 4thì anh (em) đừng nghe những lời của ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không. 5Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải theo ; chính Người là Đấng anh em phải kính sợ ; anh em phải giữ các mệnh lệnh của Người, phải nghe tiếng Người ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ ; anh em phải gắn bó với Người. 6Ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy sẽ bị xử tử, vì nó đã hô hào nổi loạn chống ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập và đã chuộc anh (em) khỏi cảnh nô lệ, và vì nó đã muốn lôi cuốn anh (em) ra khỏi con đường ĐỨC CHÚA đã truyền cho anh (em) phải đi. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác không cho tồn tại giữa anh (em).
7Nếu người anh em của anh (em), con của mẹ anh (em), hoặc con trai con gái anh (em), hoặc người vợ anh (em) âu yếm, hoặc người bạn anh (em) coi như chính mình, lén lút rủ rê anh (em): “Chúng ta hãy đi phụng thờ các thần khác”, những thần mà anh (em) và cha ông anh (em) không biết, 8trong số các thần của những dân ở chung quanh, gần hay xa anh (em), từ đầu đến cuối xứ, 9thì anh (em) đừng ưng thuận, đừng nghe nó, đừng nhìn nó mà thương hại, đừng xót thương, đừng bao che nó ; 10trái lại, nhất định anh (em) phải giết nó. Anh (em) phải là người đầu tiên tra tay giết nó, rồi toàn dân tiếp tay sau. 11Anh (em) phải ném đá cho nó chết , và nó phải chết vì đã tìm cách lôi cuốn anh (em) xa ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 12Nghe nói thế, toàn thể Ít-ra-en sẽ sợ và không còn làm điều xấu như vậy giữa anh (em).

13Nếu tại một trong những thành mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) để ở, anh (em) nghe nói rằng 14có những tên vô lại phát xuất từ giữa anh (em) và lôi cuốn dân thành chúng mà rằng: “Chúng ta hãy đi phụng thờ các thần khác”, những thần mà anh (em) không biết, 15thì anh (em) sẽ điều tra, dò xét, sẽ hỏi han kỹ lưỡng, và nếu thật sự và chắc chắn là người ta đã làm điều ghê tởm đó giữa anh (em), 16thì anh (em) phải dùng lưỡi gươm giết dân thành ấy, phải tru hiến thành ấy với tất cả những gì trong đó ; cả súc vật ở đó cũng phải dùng lưỡi gươm mà giết. 17Tất cả những gì chiếm được trong thành, anh (em) phải gom vào giữa quảng trường, rồi phóng hoả thành ấy với mọi thứ chiếm được, tất cả để dâng kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em). Thành ấy sẽ mãi mãi là một phế tích. (Đnl 13,3-17).

Tiêu chuẩn cuối cùng vẫn là sự trung thành với Thiên Chúa.

Chúa Giê-su cũng nhắc lại tiêu chuẩn này dưới hình thức khác, quyết liệt không kém:

 “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? 17Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. 18Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. 19Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
21“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! (Mt 7,15-23].

Suốt lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước Thiên Chúa luôn sai các ngôn sứ để giúp Dân Chúa sống đúng đường lối của Ngài. Trong lịch sử Hội Thánh, dù Chúa Giê-su đã trao cho thánh Phê-rô và các tông đồ sứ mạng dạy người ta giữ những điều Chúa đã truyền, rồi các tông đồ đã đặt những người kế thừa sứ mạng, nhưng thời nào cũng vẫn có những người được sai đến canh tân, chấn chỉnh những lệch lạc, khủng hoảng xảy đến do hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội gây ra, vì Chúa Giê-su đã hứa bảo vệ Hội Thánh chống lại mọi âm mưu của Xa-tan. Vì thế thời nào chúng ta cũng chứng kiến cuộc chiến giữa sự thật và sự dối trá, giữa ngôn sứ thật do Thiên Chúa sai đến và ngôn sứ giả hiệu. Cuộc chiến ấy diễn ra ngay trong lòng chúng ta, giữa Thánh Thần và thần dối trá. Thánh I-nha-xi-ô đã dạy con đường phân định thần loại Chúa đã dạy ngài ngay năm đầu khi được ơn trở lại, mà ngài kể rằng tâm hồn ngài còn đơn sơ, mộc mạc nên Thiên Chúa đích thân dạy ngài như thầy giáo dạy một đứa trẻ (Tự thuật, s.27).

Vào những thời kỳ khủng hoảng lớn, Thiên Chúa sai nhiều ngôn sứ, nhưng cũng nhiều ngôn sứ giả hiệu xuất hiện. Thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en có thể coi là tiêu biểu. Các ngôn sứ thật luôn bị bách hại, như chính Chúa Giê-su sẽ tổng kết trong lời cảnh cáo những kẻ giả hình:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

33“Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục. 34Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. 35Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống đầu các người, từ máu ông A-ben, người công chính, đến máu ông Da-ca-ri-a, con ông Be-réc-gia, mà các người đã giết giữa đền thánh và bàn thờ. 36Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này. (Mt 23,29-36).

Trong các cuộc khủng hoảng tôn giáo và chính trị, các ngôn sứ
 Thiên Chúa sai đến thường phải đối đầu với các người lãnh đạo và các ngôn sứ giả hiệu, vì các người lãnh đạo thường lạc đường làm cho dân lạc đường trong việc thờ phượng Thiên Chúa nên dẫn tới khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng quyết liệt dẫn tới thảm họa mất nước và Lưu đày Ba-by-lon là điển hình.

4. Lạm dụng hình thức bên ngoài để che đậy bất công, tàn bạo

Khi đời sống tôn giáo được tổ chức chặt chẽ, có nơi chốn, có nghi lễ thì nảy sinh một thứ lạc đường mới. Ngôn sứ I-sai-a đã tố cáo sự giả hình của những kẻ ăn chay mà không hoán cải:

Chúng nói : “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,
chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?”
Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
4Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.
5Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng
trong ngày con người phải thực hành khổ chế ?
Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay, trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA ?

6Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ?
7Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (58,3-7)

Chúa Giê-su cũng sẽ tố giác sự giả hình của thời Ngài và dạy bố thí, cầu nguyện và ăn chay, tận đáy lòng, như một cách tỏ bày lòng tin yêu Thiên Chúa là Cha và yêu thương người nghèo (Mt 6,1-18).

Ba việc này được con như ba cột trụ của việc thực hành đời sống đức tin liên kết mật thiết với nhau:

Bố thí đứng đầu, vì muốn tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy thì hãy tỏ lòng yêu mến anh em mà ta thấy bên cạnh, chung quanh ta:

Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy .
21Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình (1Ga 4,20-21).

Cầu nguyện là bày tỏ lòng tin, cậy mến Thiên Chúa, là sống tình con cái, thân mật với Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giê-su cũng phải dạy thế nào là cầu nguyện thật, và dạy cả lời cầu nguyện như cha mẹ dạy con biết nói năng cho đúng (x.Mt 6,5-15; Lc 11,1-13; 18,1-14). Nhưng phải chiêm ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện trên núi Cây Dầu trước khi nộp mình để đi vào cuộc Thương Khó và trên thập giá mới hiểu được giáo huấn về cầu nguyện và học biết cầu nguyện.

Ăn chay. Chúng ta quen nói mùa chay là “ăn chay hãm mình”, hạ mình trước trước mặt Thiên Chúa. Đúng, nhưng chưa đủ: ăn chay là bớt miếng ăn của mình để chia sẻ cho anh chị em[10]
 nghèo đói, chứ không phải để dành ngày khác ăn.

III. Dân của Giao Ước Mới là dân được sai đi

Dân của Giao Ước Xi-nai được đưa vào một phần đất dành riêng cho họ, giống như một mầm non của đức tin và mạc khải về Thiên Chúa phải được bảo vệ tối đa. Cuộc lưu đày Ba-by-lon mà dân coi như một tai họa, một sự trừng phạt. Thánh vịnh 136/137 tỏ thái độ quyết liệt “treo đàn”, thề độc, không hát thánh ca miền đất ngoại bang...Sách Tô-bi-a mới nói lên những điều nghịch lý Thiên Chúa đã làm trong cuộc lưu đày:

Trước hết, đây là một cách Thiên Chúa sai họ ra khỏi “vườn ươm” để tập sống giữa muôn dân và học biết Thiên Chúa chỉ là Đấng cao cả ở Giê-ru-sa-lem, và Thiên Chúa hành xử để tỏ ra người là cha của họ, chứ không chỉ là Thiên Chúa ngự trên cao...

Con cái nhà Ít-ra-en hỡi, nào xưng tụng Chúa trước mặt chư dânchính Người đã phân tán anh em vào giữa họ4tại đó, Người đã cho anh em thấy: Người là Đấng cao cả muôn trùng.Trước toàn thể sinh linh, nào hãy suy tôn Chúa! Bởi Người là Chúa Tể, là Thiên Chúa ta thờ, là Thân Phụ của ta, là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Vì anh em làm điều gian ác, Người đánh phạt nhưng rồi lại thương xót anh em hết thảy mà quy tụ anh em về từ giữa chư dân, nơi anh em đã bị phân tán. 6Nếu anh em hết lòng hết dạ trở về với Chúa mà sống theo sự thật trước tôn nhan Người, thì Người sẽ trở lại với anh em, không còn ngoảnh mặt làm ngơ nữa[11].
Tô-bi-a đưa ra một lập trường ngược với thánh vịnh 136/137:
Vậy giờ đây, hãy chiêm ngưỡng việc Chúa đã làm cho anh em mà lớn tiếng xưng tụng Người. Hãy chúc tụng Người, là Chúa công minh chính trực, suy tôn Người, là Vua hiển trị thiên thu.
8Phần tôi, giữa cảnh lưu đày, xin xưng tụng Chúa và làm cho dân tội lỗi biết rằng: Người là Đấng cao cả quyền năng(Tb 13,3-9).

Quan điểm, lập trường của sách Tô-bi-a và những lời sách ngôn sứ I-sai-a về vai trò của Giê-ru-sa-lem như một tiền đề, một chuẩn bị cho sứ mạng của Dân Giao Ước Mới.

Trong lời nguyện hiến tế trước cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su đã xin với Cha:
Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến (Ga 17,14-19).

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giê-su đến trao sứ mạng và ban Thánh Thần cho các môn đệ:

Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (20,21-23)

Dân của Giao Ước mới được tham dự vào sứ mạng của Chúa Giê-su, với cùng một quyền năng Thánh Thần. Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kết thúc với việc Chúa Giê-su sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, đến tận cùng thế giới và tận cùng thời gian. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định rõ ràng bản chất và sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang là một mẫu gương sống động cho toàn thể Hội Thánh: Phải đi ra, phải đi đến mọi biên cương, không có ranh giới.

Chúng ta thấy có những nhóm bảo thủ (đặc biệt bên châu Mỹ) tự xưng là Công Giáo, nhưng ở thế kỷ XXI mà họ vẫn sống với não trạng Cựu Ước hoặc thời Binh Thánh Giá, không thể chấp nhận việc ĐTC Phan-xi-cô tìm cách đối thoại với người Hồi Giáo. Họ coi là ĐTC đầu hàng Hồi Giáo[12].

Thánh Phan-xi-cô Át-si-di, giữa thời Binh Thánh Giá quyết tiêu diệt Hồi Giáo, đã dám một mình đi gặp vị lãnh đạo đế quốc Hồi Giáo bên Ai Cập, ở lại cả tháng trời và trở thành bạn của nhà lãnh đạo này, xin được đặc ân cho anh em dòng Phan-xi-cô ở lại Đất Thánh, giữ gìn các nơi thánh mà ngày nay khách hành hương kính viếng, trong khi Binh Thánh Giá lập một thứ vương quốc xâm lược của người Âu Châu ở Thánh Địa, tồn tại được hơn một thế kỷ. Năm 2020, Dòng Phan-xi-cô kỷ niệm 800 năm hiện diện trên Đất Thánh!

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô là người Dòng Tên (mới kỷ niệm 63 năm vào Dòng) nhưng khi được bầu lên kế vị thánh Phê-rô đã chọn tên thánh Phan-xi-cô, kế thừa tinh thần hòa giải giữa các dân tộc, các tôn giáo và yêu mến thiên nhiên. Hai Thông điệp Laudato Sí và Fratelli Tutti cùng với nỗ lực thiết thực gặp gỡ, đối thoại với các nhà lãnh đạo hai phái Hồi Giáo Sun-ni tại Ai cập và Si-I tại I-rắc chứng thực sự chọn lựa của ngài. Ngài nói rõ trong câu trả lời cho ký giả trên chuyến bay từ Bagdad về Rô-ma ngày 8/3 là, trong nỗ lực đối thoại với nhà lãnh đạo Hồi Giáo Al-Sistani, “Ngài không sai trệch tinh thần đối thoại của Công Đồng Va-ti-ca-nô II một mi-li-mét.”

Đó cũng là một thách đố cho đời sống đức tin hôm nay: tinh thần đối thoại, hòa giải mà Chúa Giê-su đem tới để “chữa lành”, “hàn gắn” ba mối tương quan do tội làm đổ vỡ: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với thiên nhiên, tương quan giữa con người với con người: nam nữ: chồng thống trị vợ; anh em ghen ghét, giết nhau (x. St 3,15-4,9).

Điều kiện là “ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”, giống như Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, làm người, sống trọn thân phận con người, “dãi dầu thử thách mọi bề giống chúng ta nhưng không phạm tội” (Hr 4,15), “để kể ra cho chúng ta biết về Cha của Ngài” (Ga 1,18), đưa chúng ta tới với Cha, “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (20,17).

Chúa Giê-su là hình ảnh toàn hảo của Cha (Cl 1,15) đến nỗi Người trả lời tông đồ Phi-líp-phê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? (Ga 14,10).

Lý tưởng của Ki-tô hữu là “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su” (Rm 8:20) từ trong lòng, trong cách suy nghĩ, tâm tình, cách nhìn và đánh giá người khác:
“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5).

Chúa Giê-su dạy muốn được Thiên Chúa chấp nhận thì phải làm hòa với anh em trước: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,27). Điều khó chấp nhận là không phải tôi có chuyện bất bình với người anh em, mà người anh em có chuyện bất bình với tôi, thế mà Chúa đòi tôi phải đi bước trước! Đó là cách thức của Thiên Chúa: ngay trong vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã đi tìm A-dong như người cha đi tìm con: “A-dong, con ở đâu?” (St 3,9). Trong dụ ngôn người mục tử, người chăn chiên đi tìm con chiên lạc và tìm cho kỳ được (Lc 15,4-7).

Chúa sai các môn đệ đi đến với mọi dân tộc, từ Giê-ru-sa-lem đến tận cùng thế giới (Cv 1,8) và tận cùng thời gian (Mt
 28,20). Vì thế mà chúng ta luôn phải đương đầu với những thách đố của thời chúng ta.

IV. Những thách đố cho đời sống đức tin hôm nay

Thuở ấy lâu rồi các nước Âu Châu đều theo Ki-tô giáo. Những nhà truyền giáo từ các nước Âu Châu đã truyền ngọn đuốc Tin Mừng đến các dân tộc Á Châu.

Tính trạng của chúng ta hơi giống tình trạng con cháu Gia-cóp bên Ai cập. Họ di cư tránh nạn đói ở xứ Ca-na-an. Họ được ở phần đất phì nhiêu nhất. Chúng ta di cư tránh chế độ cộng sản, nghèo đói và chủ nghĩa vô thần. Nhiều người vượt biên vì muốn cho con cái khỏi mất đức tin. Anh chị em vượt biên được các nước giàu có này đón tiếp, có mức sống vật chất cao, có bảo đảm xã hội, dù thất nghiệp cũng không sợ chết đói.

Chúng ta mang theo nếp sống đạo quen thuộc từ quê hương Việt Nam xa xôi, với nền văn hóa khác, với bầu khí đạo đức và cách thức biểu lộ đức tin, cách tổ chức khác. 30-40 năm đã qua đi. Thế hệ đầu đang lần lượt qua đi.

Trong khi ấy thì đời sống Hội Thánh ở đây thay đổi nhanh. Tại miền Bắc Đức và Đan Mạch, Hội Thánh Công Giáo là thiểu số. Và cũng đang trải qua nhiều khủng hoảng. Anh chị em còn sự giúp đỡ của một vài linh mục gốc Việt Nam, hoặc từ Việt Nam mới qua, hoặc đã qua lâu rồi.


Chúng ta quen với nếp sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở xứ lạ quê người mà nay đã nhận làm quê hương mình. Con cháu chúng ta sinh ra ở quê hương mới này được giáo dục khác chúng ta: Nhìn cuộc sống khác chúng ta... Việt Nam trở thành một xứ xa xôi, chúng chỉ biết là ông bà, cha mẹ đã di cư từ đó qua đây...

1. Những thách đố cho đời sống đức tin thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần.

Thời Pha-ra-ô đàn áp dân Ít-ra-en họ không còn nhớ đến Thiên Chúa của tổ tiên. Họ chỉ than thân trách phận, rên siết. Họ đã thành nô lệ, không còn phẩm giá con người, thành công cụ lao động cho Pha-ra-ô để có miếng bánh ăn.

Khi Mô-sê đến nói với vua rằng Đức Chúa bảo: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc.” 2Pha-ra-ô đá: “ĐỨC CHÚA là ai, khiến ta phải nghe lời mà thả cho Ít-ra-en đi Ta chẳng biết ĐỨC CHÚA, cũng sẽ không thả cho Ít-ra-en đi.  “Bây giờ dân trong nước thì đông, mà các ngươi lại muốn cho chúng nghỉ lao động!” (Xh 5,1-2).

Sau đó Pha-ra-ô chỉ thị cho bọn cai nô lệ: “Phải giao cho bọn người ấy những công việc thật nặng nhọc để chúng lo làm, mà khỏi chú ý vào những lời dối trá” (5,9).
Dân quay ra oán trách Mô-sê: “Xin ĐỨC CHÚA chứng giám và xét xử cho: các ông đã làm cho chúng tôi trở nên đáng ghét trước mắt Pha-ra-ô và bề tôi của vua; thật các ông đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi.”(5,20) 

Phần ông Mô-sê ông thấy Thiên Chúa lừa dối ông: 22Ông Mô-sê hướng về ĐỨC CHÚA và thưa: “Lạy Chúa, tại sao Ngài đã làm khổ dân này ? Tại sao Ngài đã sai con đi? 23Từ khi con đến với Pha-ra-ô để nhân danh Ngài mà nói, thì vua ấy làm khổ dân này, và Ngài chẳng giải thoát dân Ngài gì cả!” (5,22-23)

Đọc chương này trong sách Xuất Hành
, tôi thấy nó gợi lên những yếu tố biểu trưng cho thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần đang lấn sân của đời sống đức tin. Nó không đả động tới Thiên Chúa nữa, cũng không quan tâm tới những cách Ki-tô giáo đưa ra về thế giới vật chất, về các giá trị tinh thần, về phẩm giá con người. Cả thế giới vật chất chỉ là nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến, tạo những sản phẩm mới để tìm lợi nhuận – và người ta bắt đầu tìm cách lấy nguyên liệu từ các hành tinh khác. Vũ trụ không còn phải là sự phô bày những công trình kỳ diệu cho người ta chiêm ngắm và ca tụng Đấng Tạo Hóa, là nguồn cảm hứng cho thi nhân...

2. Sự đảo lộn các giá trị.

Người ta cũng không nghĩ tới dành phần cho con cháu: cứ khai thác hết mọi nguồn tài nguyên để thỏa mãn đời mình, không phải nhu cầu mà thỏa mãn lòng tham, sự ích kỷ.

Xa hơn một bước: người ta coi việc phá thai là quyền lợi. Con cái trở thành gánh nặng, thành sự cản trở cho cuộc chơi của đời mình. Đời sống trở thành cuộc chơi, cuộc hưởng lạc: “Nếu không chơi thiệt đấy ai bù!”

Con người trở thành công cụ sản xuất và cỗ máy tiêu thụ. Nhịp sống như tiếng tíc tắc của đồng hồ: “tíc” sản xuất, “tắc” tiêu thụ.

Ngày xưa người gánh hàng đi bán, vai gánh nặng, chân đi, miệng rao... Ngày nay tất cả các khâu thành công nghệ: sản xuất, rao hàng và giao hàng là ba khâu liên hoàn. Máy móc chiếm cả chỗ lao động của con người: người ta vừa tạo ra công việc, vừa tạo ra máy móc để thay con người.

Pha-ra-ô viện cớ dân đông thì phải cần nhiều người lao động hơn. Ngày nay thì dân đông càng có lợi nhuận nhiều, càng tiêu thụ nhiều, càng sản xuất.

Nhưng điều nghịch lý là lại thừa người lao động: thất nghiệp. Nghề gì cũng phải học, phải có bằng cấp...Nhưng kiếm được việc làm hay không lại là chuyện khác. Vòng luẩn quẩn!

Sự thách đố đời sống đức tin lại đến từ sự đảo lộn mọi giá trị, từ phẩm giá con người tới giá trị của thế giới vật chất, giá trị của lao động. Đức Tin mà các tổ phụ từ Áp-ra-ham qua Mô-sê để lại, Sách Thánh truyền đạt dạy cho chúng ta giá trị của thế giới vật chất và phẩm giá con người. Trình thuật tạo dựng và cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ cho một cái nhìn về thế giới và con người: Thiên Chúa tạo nên tất cả thế giới và mọi sinh vật dưới biển, trên trời và trên mặt đất như người cha chuẩn bị cái nôi và mọi thứ cần thiết trước khi con ra đời.. Mọi sự khác Thiên Chúa truyền cho nước, cho đất sản sinh, còn con người thì Thiên Chúa như bàn định với chính mình rồi “tự tay làm ra” và truyền hơi thở của mình cho con người thành loài có sự sống. Con người có phẩm giá trên các loài thọ tạo, vì được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa như một công trình tuyệt vời, và được trao quyền làm chủ mọi thọ tạo khác:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?6Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,7cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân : 8Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,9nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

10Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! (Tv 8,4-10)


Con mắt hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần không còn thấy những giá trị ấy nữa, không còn cái nhìn thán phục, ca tụng mà chỉ còn cái nhìn thực dụng về mọi sự và cả về con người...

3. Thách đố ngẫu tượng mới

Thách đố ngẫu tượng ngày nay mang những hình thức mới tinh vi và phổ biến hơn. Ngày xưa người ta nặn ra ông thần, vì muốn thấy được, sờ được. Ông thần là hình tượng của chính những đam mê của con người để dễ thỏa mãn bằng lễ hội.
Ngày nay không cần nặn ra ông thần, vì có đủ mọi thứ thoả mãn giác quan và mọi đam mê. Chỉ cần bấm nút là ông thần có mặt và có thể thỏa mãn theo ý mình. Không cần đi xa để tìm thần lạ. Bấm nút là gặp mọi thứ thần ở khắp thế giới.

Các phương tiện truyền thông ngày càng nhanh, hình ảnh, âm thanh càng hấp dẫn. Cả một ngành công nghiệp mới béo bở. Nhưng nó càng hạ thấp phẩm giá con người, giản lược con người thành một kho đam mê để tìm thỏa mãn và đem lợi nhuận cho họ.

Ngay chương đầu thư gởi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô liệt kê những điều ghê tởm người ngoại làm:

Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. 19Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ , vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. 20Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người . Do đó, họ không thể tự bào chữa được, 21vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. 22Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ23Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
24Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. 25Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thụ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men 
26Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. 27Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
28Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, 29lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, 30vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, 31không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. 32Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy. (Rm 1, 18-32).

Thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần này, đâu còn ai để người ta sợ! Chẳng những người ta tán thành mà còn hãnh diện, phô trương và mời gọi người khác nhập cuộc với họ. Những điều thánh Phao-lô gọi là dục tình đồi bại (c.26) thì ngày nay người ta coi là tự nhiên, là quyền lợi được pháp luật bảo vệ!

Những gì thánh Phao-lô coi là đương nhiên phải nhận ra (c.18-22), không nhận ra là mê muội ngu si, điên rồ, thì ngày nay ngược lại, người của thời hậu vô thần coi những ai cho rằng mình nhận ra mới là mê muội, ngu si, điên rồ!

Tạm tổng kết những thách đố

Thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần thách đức tin thời chúng ta ngược với thời tổ phụ Áp-ra-ham, người cha của của chúng ta trong đức tin: Ông được Thiên Chúa gọi ra khỏi cái “thế giới quen thuộc của tổ tiên ông, trong đó tất cả là thần, những ngẫu tượng biểu trưng có một quan niệm sai lầm về sự thánh thiêng đích thật.

Thời hậu Ki-tô giáo và hậu vô thần, với chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng thụ và khoái lạc, phá bỏ mọi giá trị: từ phẩm giá con người đến mọi thứ trên trời dưới biển, trên mặt đất và trong lòng đất. Không còn gì là thánh thiêng. Tình yêu vốn là giá trị cao nhất của con người thì cũng biến thành công cụ, thay thế bằng hưởng thụ khoái lạc. Gia đình không còn là nền tảng của xã hội nữa.

Chúng ta đừng quên kể cho con cháu nguồn gốc của chúng ta và tại sao chúng được sinh ra ở đất nước này, được hưởng cuộc sống văn minh này. 45 năm trước, cả thế giới mở rộng đôi tay đón những người Việt di cư, tị nạn từ chế độ cộng sản sau cuộc chiến tàn phá đất nước chúng ta. Hãy nhìn TV, hãy nghe tin tức: người di cư ngày nay từ Mỹ La-tinh, từ Phi Châu, từ Trung Đông bị mọi nước từ chối, xa lánh như những người cùi, như mối đe dọa. Cái gì đã thay đổi? Trên chuyến bay từ Bagdad về Rô-ma ngày 8/3 vừa qua ĐTC Phan-xi-cô đặt vấn đề: “Ai bán vũ khí cho những cuộc chiến tàn phá vùng Trung Đông, gây ra cảnh tàn phá, chết chóc, nghèo đói, di cư
?”

V. Sư phạm của Thiên Chúa

1. Thiên Chúa đã giáo dục tổ phụ Áp-ra-ham thế nào.

Trong cái thế giới đầy ngẫu thần, đầy những cái phàm tục trở thành thánh thiêng, thần linh. Ông Áp-ra-ham nghe tiếng Thiên Chúa gọi, ra đi vào một cuộc phiêu lưu do Thiên Chúa dẫn ông từng bước, đối xử với ông như một người bạn. Thiên Chúa là bảo đảm duy nhất cho ông và tương lai của ông. Nơi nào ông cũng là người lạ, là người ngụ cư. Thiên Chúa hứa cho ông một phần đất, nhưng khi vợ ông chết ông phải đi mua miếng đất với giá cắt cổ để mai táng bà và sau này ông sẽ đoàn tụ với bà tại đó. Sống làm kẻ ngụ cư, chết vẫn là thân ngụ cư.

Thiên Chúa đích thân giáo dục, dạy dỗ ông rằng Ngài là gia nghiệp, là tất cả cho ông và chỉ có lời của Ngài đưa dẫn ông trên mặt đất này:

Ở tuổi 75, tuổi mà người ta đã an phận, ông đã tin Lời Thiên Chúa hứa, bỏ tất cả ra đi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.”

Có lúc ông đã gặp khủng hoảng và thưa với Thiên Chúa:
Sau các việc đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng : “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi ; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” 2Ông Áp-ram thưa : “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không con cái.” (St 15,1-2).

Thiên Chúa đưa ông ra ngoài cái lều du mục tăm tối, bảo ông nhìn lên bầu trời đầy sao khẳng định lại với ông: “Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán : “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !” 6Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính”.

Thiên Chúa mượn nghi lễ thề long trọng nhất để cam kết theo phong tục thời đó để thề hứa với ông. Nhưng Ngài tiếp tục để cho ông sống “hy vọng khi không còn gì để hy vọng”. Ngài ban cho ông món quà mừng đại thọ một trăm tuổi: được ẵm đưa con trai do bà vợ già 90 tuổi sinh cho ông. Nhưng rồi Ngài lại thử thách ông đến tột cùng khi đòi ông đem đứa con ấy lên một ngọn núi do Ngài chọn để dâng làm của lễ toàn thiêu cho Ngài. Ông cũng lẳng lặng làm theo. Ông sẵn sàng trở về điểm khởi đầu, từ số không. Khi mọi sự sẵn sàng, con một mà ông yêu dấu, niềm an ủi hy vọng của ông, đã nằm yên trên bàn thờ, trên đống củi do chính cậu vác lên núi thì Thiên Chúa can thiệp:

Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình .
11Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham ! Áp-ra-ham !” Ông thưa : “Dạ, con đây !” 12Người nói : “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa : đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc !” (St 22, 10-12)


Đó là thử thách cuối cùng, bài tập cuối cùng về lòng tin. Ông Áp-ra-ham đã vượt qua và trở thành cha của những kẻ có lòng tin.

2. Thiên Chúa đã giáo dục dòng dõi Áp-ra-ham

450 năm sau, Thiên Chúa lại đem con cái ông ra khỏi đống đất làm gạch và cuộc sống khổ sai giữa một dân đầy ngẫu thần và bắt đầu giáo dục họ, đưa họ vào một cuộc lưu lạc 40 năm qua hoang địa, để dạy cho họ biết đâu là sự thánh thiêng đich thật, và tiếp tục công cuộc giáo dục này trong miền Đất Hứa. Thiên Chúa rất kiên nhẫn, Ngài thách đố sự cứng đầu cứng cổ của dòng dõi Áp-ra-ham suốt 15 thế kỷ. Mô-sê và các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa sai đến giáo dục họ. Các vị ấy đều đã phải trả giá đắt, bị chính dân mình bắt bớ và phần nhiều trả giá bằng chính mạng sống của mình như Chúa Giê-su đã tóm tắt (X. Mt 23,33-38)
Cuối cùng Thiên Chúa đã sai Lời của Ngài, Con Một yêu dấu của Ngài đến làm người, sống trọn kiếp người, từ lòng mẹ đến lòng đất, kể cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha của Ngài, là Đấng Thánh duy nhất, là nguồn mạch và điểm tới của tất cả công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã trả cái giá lớn nhất, trao nộp Con yêu dấu của mình cho sự độc ác tàn bạo mà tội lỗi đã dạy con người. Rồi đã cho Con Một, thắng cả tội lỗi và cái chết để cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và dạy cho chúng biết THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU và dạy cho chúng ta biết thế nào là tình yêu đích thật, làm sao sống và yêu như Thiên Chúa hằng sống đã yêu chúng ta đến nỗi ban Con Một cho chúng ta, và Con Một, hình ảnh toàn hảo của Cha đã yêu chúng ta đến cùng: hiến mạng vì chúng ta. Bài học cuối cùng cho chúng ta là yêu mến anh em đến thí mạng sống mình vì anh em. Và niềm hy vọng mới Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta là điều chúng ta tuyên xưng cuối cùng: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.

Mọi giá trị được phục hồi nhờ và trong Chúa Giê-su Ki-tô:

Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.
13Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; 14trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi .
15Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo ,
16vì trong Người,muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.
17Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người .
18Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu .

19Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,
20cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình .
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. (Cl 1,12-20)

Phẩm giá thật của con người được phục hồi:

Dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, 23mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa “Tất cả thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô.” (1 Cr 3,22-23).

Chúng ta đừng quên rằng đời sống đức tin từ thời Áp-ra-ham tới chúng ta vẫn là cuộc lội ngược dòng, cuộc chạy ngược chiều với “thế gian”, tức là cái thế giới dưới quyền của sự giả dối thiên hình vạn trạng, kể từ khi Xa-tan lừa dối được con người đầu tiên. Chúa Giê-su nói cái thế gian đó sẽ luôn thù ghét các môn đệ của Chúa cũng như nó đã ghét Chúa:

“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga
 15,18-21).

VI. Truyền đạt đức tin cho người trẻ hôm nay

Tôi phải nói ngay: Tôi không có câu trả lời sẵn, tôi chỉ rút từ những thách đố đã phân tích trên đây và gợi ý một chút để anh chị em suy nghĩ, trao đổi với nhau theo bối cảnh từng nơi anh chị em sống, nhận diện những thách đố anh chị em và con cái anh chị em phải đương đầu.

Điều căn bản mà thời hậu vô thần tạo ra là hủy bỏ khái niệm thánh thiêng, hủy bỏ mọi giá trị. Chẳng có gì là thánh thiêng, tất cả ở trong tay con người nhờ khoa học kỹ thuật. Con người hoàn toàn tự do sử dụng tất cả để thỏa mãn chính mình.
Sách Thánh đã đúc kết sư phạm của Thiên Chúa đã giáo dục dân của Cựu Ước. Đứng đầu là sách Sáng Thế. Với trình thuật tạo dựng, dùng ngôn ngữ và hình ảnh của thời đó dạy cho người ta biết giá trị thật của mọi sự và sự cao cả đặc biệt của phẩm giá con người. Mọi sự do Tình Yêu và quyền năng của Thiên Chúa trao cho con người, để đưa con người tập làm con Thiên Chúa trên trần gian và tham dự sự sống vinh quang vĩnh cửu của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là bảo đảm cho phẩm giá con người và giá trị của thọ tạo.

Chúng ta cũng phải bắt đầu từ đó. Ngược dòng với xu hướng phá bỏ mọi giá trị, từ phẩm giá con người tới mọi sự vật trên trời dưới đất, dưới nước và trong lòng đất. Tiêu thụ và vứt bỏ. Số lượng thực phẩm các nước giàu vứt bỏ hàng ngày đủ nuôi cả phân nửa nhân loại sống tại các nước nghèo.

Con cái chúng ta thoát tầm tay chúng ta rất sớm để ở dưới quyền dạy dỗ của các phương tiện truyền thông.

Dạy con từ thuở còn thơ”, dạy cho trẻ giá trị của mọi thứ, từ ly sữa, miếng bánh hàng ngày. Sớm cho nó ý thức rằng nhờ tình thương của cha mẹ nó mới có miếng bánh, ly sữa chứ không phải tự dưng mà tới tay nó...

Khi nó bắt đầu biết nhận thức, nên cho nó thấy hình ảnh những trẻ em nghèo đói ở các nước nghèo, để nó biết nó được may mắn ra sao.

Khi con bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông, cần tập cho nó biết phê phán, cần dành thời gian nói chuyện với con, để nó sống với người thật việc thật chứ không chỉ sống với không gian ảo, với “người ảo...”

Bao lâu con còn sống trong gia đình thì gương sống đức tin của cha mẹ trong mọi lãnh vực là yếu tố quyết định cho việc giáo dục đức tin. Có gia đình cha mẹ đi lễ hàng ngày nhưng các con lại chẳng tha thiết gì tới nhà thờ, tới các bí tích, tới cầu nguyện... Tại sao? Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng đó? Có gia đình mẹ là giáo lý viên, nhưng các con của bà lại sống như không có đức tin. Tại sao? Thiếu cái gì?
Đến đây thì tôi nhường cho chính các bậc cha mẹ, gặp gỡ, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm của mình với con cái mình.

Nhưng trước hết và trên hết đừng bao giờ quên ĐỨC TIN LÀ MỘT ƠN THIÊN CHÚA BAN NHƯNG KHÔNG, như Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ Áp-ra-ham. Chúng ta cần xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta và ban cho con cái chúng ta. Chính các Tông Đồ đã xin Chúa Giê-su : “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).

Thánh nữ Mô-ni-ca là gương mẫu cho chúng ta: ngài đã tha thiết cầu xin bao nhiêu năm cho người con trai là Âu-tinh (Augustin), say mê triết học Rô-ma, mất đức tin, để Chúa ban đức tin cho con. Và Âu-tinh đã trở thành thánh Giám mục tiến sĩ [Thầy Dạy đức tin] của Hội Thánh.
 
[1] Đền thờ ở núi Serabit El Khadem ở vùng Xi-nai, nơi người ta đến cầu khấn khi đi tìm đá quý.
[2] Tiếng Việt dịch là Thiên Chúa thì rõ ràng, nhưng từ dùng trong bản văn là từ chung, nghĩa là “thần” thôi.
[3] Khi Gia-cóp trở về đây lấy vợ là người trong gia đình cậu ruột, rồi tới lúc lại phải phải dẫn vợ con trốn về Đất Hứa, bà vợ cưng là Ra-khen lấy trộm các tượng thần của cha đem theo... (St 31,19.34-35). Đây có thể coi là chuyện châm biếm sâu sắc, độc địa nhất về các ngẫu tượng: Ra-khen lấy trộm được, rồi sẽ giấu ở dưới yên lạc đà, ngồi lên trên, Laban lùng sục hết mọi ngóc ngách trong lều và đồ đạc để tìm, bà viện cớ đang “vướng cái thường tình của người phụ nữ”. Trong Sách Thánh thì người phụ nữ đang khi có “cái thường tình” là ô uế, và cái khăn (ngày nay là băng vệ sinh) được dùng như biểu tượng của cái ô uế nhất!
[4] ds: các kẻ đứng đầu dân
[5] ds: hướng về phía mặt trời. – Phải chăng ám chỉ việc thờ thần mặt trời mà sách Ê-dê-ki-en 8,16 còn nói tới, diễn ra ngay tại trong Đền Thờ; Giê-rê-mi-a 7,18; 44,17-19 sẽ nói tới việc thờ Mặt Trăng như Nữ Thiên Hoàng. Điều này giúp ta đọc chương đầu sách Sáng Thế, nói về việc Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao... Giê-rê-mi-a nói rõ, làm như thế là tự làm nhục chính mình (7,19).
[6] Vai trò các thẩm phán là do lệnh Thiên Chúa hay do Mô-sê? Vì mỗi thẩm phán phải giết những kẻ đã bán mình cho thần Ba-an Pơ-o
[7] Thành Giê-ru-sa-lem nằm giữa hai thung lũng Kit-rôn (phía Đông, ngăn với núi Ô-liu và thung lũng Ghê-him-non phía Tây, hai thung lũng này nhập lại ở phía nam chạy về phía Biển Chết. Phía cuối Ghê-him-non là nơi đổ và đốt rác nên dùng làm biểu tượng cho hỏa ngục, từ La-tinh “Gehenna” sẽ đi vào các ngôn ngữ phương Tây để nói về hỏa ngục.
[9] Cuộc chiến tranh 30 năm giữa Công Giáo và Tin Lành 1618-1648, kết thúc bằng hiệp ước Westphalie làm nước Đức kiệt quệ. Đêm lễ thánh Ba-tô-lô-mê-ô: Cuộc tàn sát người Tin Lành đêm 24 sang 25 tháng 8 năm 1572 tại Paris, do vua Charles IX tổ chức dưới sự thúc đẩy của bà Catherine de Médicis.
[10] Mẹ Tê-rê-sa Côn-cát-ta kể câu chuyện này có thể minh họa cho chúng ta: Mẹ đem một bịch gạo tới thăm một gia đình nghèo, mẹ góa con côi. Bà mẹ gia đình nhận bịch gạo, cám ơn rồi vội vàng chia làm hai. Xách phân nửa chạy đi. Mẹ Tê-rê-sa không hiểu bà xách đi đâu. Lát sau bà trở về, Mẹ Tê-rê-sa hỏi, bà giải thích: mẹ con tôi mới có một ngày chưa có gì ăn, còn gia đình kia ba mẹ con, mà ba ngày rồi chưa có gì ăn...
[11]  Cf. Hr 12,5-13 nói về các thử thách, đau khổ là cách Thiên Chúa giáo dục như một người cha sửa dạy con. Nếu không được sửa dạy thì không phải là con.
[12] Hãy tưởng tượng nếu những người ấy sinh ra trong một gia đình Hồi Giáo ở một nước Hồi giáo và theo các nhóm cực đoan thì họ sẽ ra sao ? 
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-thach-do-cua-doi-song-duc-tin-41792

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây