Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 22/03/2024 22:35 |
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |
522
Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Thánh lễ Tiệc Ly Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 1-15).
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Suy niệm Tin Mừng -Thánh lễ Tiệc Ly
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Hôm nay, mọi người tín hữu Kitô được mời gọi cùng Thầy Chí Thánh bước vào những ngày đặc biệt gọi là Tam Nhật Thánh. Chiều này năm xưa, Thầy trò tâm sự, trao nhau những lời yêu thương, trao nhau cả Thịt và Máu mình làm của ăn thiêng liêng cho các học trò, trao nhau cả những cử chỉ yêu thương là cúi xuống rửa chân cho các học trò. Rồi từ đây, Thầy trò cùng trải qua những phút giây nặng trĩu của đức tin, đối diện với những chọn lựa khó khăn nhất trong cuộc đời. Chọn con đường thánh ý Cha, hay trở lại với ý riêng và kế hoạch của mình, chọn con đường hiến dâng vì người mình yêu, hay đi tìm cho bản thân một con đường an toàn và hạnh phúc. Những phút giây đối diện với cuộc chiến nội tâm, đầy nước mắt, đầy đau thương.
Để chuẩn bị cho ngày trở về, dân Do-thái được Thiên Chúa hướng dẫn phải làm gì, phải chuẩn bị những gì, đặc biệt phải thanh tẩy tâm hồn và con người, để xứng đáng với sự cúi xuống của Thiên Chúa: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm”. Chuẩn bị lễ vật để bày tỏ cuộc vượt qua của sứ thần bên đất Ai-cập, được coi là hình ảnh của biến cố vượt qua ngưỡng cửa cái chết, đi vào vương quốc sự sống và tự do. Người tín hữu Kitô được mời tham dự tam nhật thánh, để thanh tẩy nhận thức, thanh tẩy trái tim và niềm tin của mình, từ đây, họ được tắm trong máu con chiên, được tham dự vào sự sống mới của Đấng phục sinh.
Trao ban sự sống của mình cho người mình yêu là một cử chỉ xem ra bất thường trong một xã hội thực dụng này, thế nhưng, bước vào tuần thánh, người tín hữu luôn được mời hãy trao ban, hãy can đảm hy sinh để được cùng Thầy dự bàn tiệc trên trời, ai sẽ là người dám vâng nghe lời Con Thiên Chúa, để cùng Người bước vào mầu nhiệm tử nạn: “Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Thầy đã trao hiến cho anh em, vậy anh em có đủ tự tin và can đảm để trao hiến cho nhau không? Thầy ơi, khó quá, chắc bây giờ chúng con chưa làm được, cần có thêm thời gian để tình yêu trong con đủ lớn, đủ sâu và đủ mạnh, chúng con sẽ thực hiện lời mời của Thầy.
Nấc thang của tình yêu thật kỳ diệu, Con Thiên Chúa đã đi từng bước để nêu gương cho các học trò, cho con cái sau này. Khởi đi là dạy dỗ, thứ đến là quan tâm lo lắng cho cái ăn cái mặc, rồi tiếp là sửa dạy để loại bỏ tham – sân – si trong người, rồi hướng dẫn họ sống phục vụ qua cử chỉ cúi xuống rửa chân cho nhau. Cuối cùng, mời các học trò hướng lên cây thập giá, để thấy sắc màu của tình yêu: “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Sắc màu của tình yêu là thế. Điểm đến là sự hy sinh tất cả, sự sống và cuộc đời.
Khuôn mặt của Thiên Chúa được hiển lộ nơi cuộc đời của người Con chí ái của Ngài là Đức Giêsu. Chấp nhận làm người như một tội nhân, chấp nhận một gia đình như một con người yếu đuối, chấp nhận cảnh thiếu thốn và vất vả như bao người đau khổ, chấp nhận bị sỉ nhục khi mong cho con người được giải thoát, chấp nhận bị đối đầu chỉ mong họ đừng quá u mê trong tội. Sau cùng, chấp nhận trao gởi lại sự sống là Thịt và Máu cho con người, để con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng hàng ngày nhờ lương thực thần thiêng. Nét đẹp linh thánh của tình yêu tự hiến là thế, Ngài không mong con người khắc họa lại tất cả, chỉ mong con người nhận ra đó là tình yêu đích thực và cố gắng đi lại con đường đó trong sự cố gắng và ân sủng của trời cao.
Cứ mải mê với những tính toán của thế gian, các học trò của Đức Giêsu chỉ biết tranh giành quyền bính, địa vị, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi trong việc đi theo Thầy, chưa thể lãnh hội ơn gọi mà điểm đến cuối cùng của hành trình đó là gì. Bao ngày tháng đi bên cạnh Con Thiên Chúa, chắc họ chưa hiểu được niềm vui là môn đệ của Đấng Cứu Thế, chỉ quẩn quanh với những toan tính thế gian, đến lúc thấy Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình, cũng chưa hiểu vì sao là thế, còn đòi hỏi được tắm cả mình. Khuôn mặt của các môn đệ đó hôm nay đang ẩn hiện nơi những người môn đệ của Ngài. Biết rằng theo Chúa sẽ được tự do ngay từ hôm nay, nhưng nhu cầu và tính thực dụng, họ sẵn sàng cúi đầu, hy sinh sự tự do đích thực. Giáo huấn và ân sủng mỗi ngày vẫn được trao ban, thế nhưng chỉ biết đón nhận, chỉ biết ngụp lặn trong tình yêu cứu độ, chưa mạnh dạn lên đường thực thi sứ vụ loan báo tin vui và làm chứng bằng chính cuộc đời.
Lạy Chúa, được theo chân Chúa làm người môn đệ, nhưng các Tông đồ xưa và chúng con hôm nay, chưa lãnh hội được chiều sâu của tình yêu tự hiến, chỉ biết hưởng thụ và đón nhận, xin tha thứ cho sự vô tâm vô tình của chúng con. Chúa trao hiến sự sống của mình cho con người, để con người được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con biết chia sẻ sự sống chúng con nhận được cho anh chị em sống quanh mình. Xin Chúa cho chúng con theo chân Chúa vào phòng tiệc ly, để được chung tấm bánh và cùng một chén với Chúa, được Chúa rửa chân để có thể rửa chân cho anh em, được theo Chúa vào vườn Cây Dầu, cùng thức với Chúa trong những phút giây đau khổ và sợ hãi. Amen.