TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Thứ hai - 18/03/2024 14:18 |   569
Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)

31/03/2024
CHÚA NHẬT PHỤC SINH -Năm B

cn phuc sinh

Ga 20,1-10

ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)

Suy niệm: Trực giác hay giác quan thứ sáu là khả năng nhận biết, hiểu thấu một vấn đề mà không cần qua lý thuyết hoặc quá trình suy nghĩ. Trực giác giúp ta đưa ra những phán đoán nhanh, và thường là những quyết định thay đổi cuộc đời. Vào sáng sớm Chúa nhật Phục sinh đầu tiên ấy, người môn đệ Chúa yêu, đã nhờ trực giác, để có thể đưa ra một xác tín sinh tử: đã thấy và đã tin. Thấy gì và tin gì? Ông thấy ngôi mộ trống, băng vải quấn xác để ở đó, khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Điều ông thấy đủ để ông tin chưa? Thưa, chưa. Điều ông thấy + trực giác của một người yêu mến Thầy đưa ông đến chỗ tuyên xưng: Thầy mình đã sống lại. Ông tự xưng mình là người môn đệ Chúa yêu và hẳn cũng phải yêu mến Chúa lắm, là Tông đồ duy nhất đứng dưới chân thập giá, được Ngài trao phó Đức Mẹ cho mình chăm nom. 
 

Mời Bạn: “Trực giác là một điều vô cùng mạnh mẽ, theo ý tôi, còn mạnh mẽ hơn cả trí tuệ” (S. Job). Người có trực giác về kinh doanh, khoa học… dễ đạt được thành công nhờ những đột phá quý giá về lãnh vực chuyên môn của mình. Là môn đệ Đức Ki-tô, bạn được mời gọi rèn luyện trực giác yêu thương: yêu mến Chúa và tha nhân hơn. Lắng nghe tiếng Chúa trong khi cầu nguyện, khi đọc Lời Chúa, sống chậm lại, và thỉnh thoảng cũng nên đặt câu hỏi cần làm gì để tình yêu mến ấy tăng trưởng trong đời mình.
 

Sống Lời Chúa: Chọn một phương cách rèn luyện trực giác trên đây để có thể yêu mến Chúa và người lân cận tốt hơn.
 

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục sinh, con tin Chúa đang hiện diện, đồng hành với con mọi giây phút trong cuộc đời. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, sau khi chịu khổ nạn, chết trên Thập Giá và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho đức tin của chúng ta. Nhưng thử hỏi biến cố đó có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho cuộc đời của chúng ta không, hay chỉ là một kỷ niệm được lập lại hàng năm, chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi? Chúa Giêsu phục sinh là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, tại đây và lúc này. Như vậy, để được sự sống mới, chúng ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, con người vị kỷ, phải lột xác toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, cách ăn nói, hành động, để trở thành con người mới thực thụ. Có như thế, việc Chúa Giêsu phục sinh mới thực sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng nhau xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm để xứng đáng cử hành Thánh Lễ trọng đại này.

Ca nhập lễ

Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu – Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Được tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta phải biết loan truyền mầu nhiệm ấy bằng cách dứt bỏ những đam mê và khát vọng trần thế, sống gắn bó với Chúa Kitô. Với lòng cậy trông và phó thác, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1 .”Chúng tôi là nhân chứng tất cả những gì Người đã làm trong nước Do Thái và tại Gỉêrusalem” .-Xia cho các vị chủ chăn có tinh thần nhiệt thành, hăng say, can đảm của các tông đồ, để các ngài khôn ngoan hướng dẫn dân Chúa, giúp họ sống đức tin một cách quả cảm và trung kiên.

2. “Anh em hãy tìm những sự trên trời”. Xin lửa nhiệt thành truyền giáo nung nâu tâm hồn mọi người tín hữu biết hướng nhìn về những giá trị cao siêu, khả dĩ thúc giục mọi người tìm về chân lý.

3. “Ông thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào”.- Xin cho những thành phần cấp tiến trong Hội Thánh, biết noi gương Thánh Gioan trong việc tôn trọng quyền phán quyết tối thượng của Đức Thánh Cha, không cố chấp theo những tư tuởng ngược với giáo huấn của Hội Thánh.

4. “Theo Kinh Thánh thì Người phải sống lại từ cõi chết”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho đời sống đức tin, để có thể đương đầu với mọi chống đối và xuyên tạc, trung thành giữ đức tin tông truyền, theo giáo huấn của Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, thôi thúc chúng con tiến sâu vào sự hiệp thông cùng Ba Ngôi Thiên Chúa, để sức mạnh của .tình yêu Chúa biến đổi chúng con thành những con người mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I: “nhất là trong ngày cực thánh này”

Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh “Cùng hiệp thông…” và kinh “Vậy, lạy Cha…”

Ca hiệp lễ

Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:

X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia

Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.

Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.

Suy niệm

Niềm tin
(sưu tầm)

Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là con tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?

Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.

Như chúng ta đã biết Phục Sinh là một biến cố quan trọng bởi vì không có nó thì niềm tin sẽ trở thành một việc luống công vô ích, thế mà biến cố quan trọng ấy chỉ được ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: Ngôi mộ trống rỗng. Thế nhưng điều đơn giản ấy nếu không là dấu chứng lịch sử để mà biện bạch thì lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.

Thực vậy, từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan khi ông nối kết những dấu chỉ kia với lời Kinh Thánh để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng: ông đã tin.

Mồ rỗng và khăn liệm còn đó là gì nếu không phải là một dấu chỉ cho sự phục sinh theo Kinh Thánh. Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân. Bởi đó không còn một cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.

Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.

MỘT CUỘC ĐỜI TRÀN NGẬP ÁNH SÁNG
(CHÚA NHẬT PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng ta vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng ta đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh.

Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời can đảm làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật: ông Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: Trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.

Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời luôn tìm kiếm những sự trên trời, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô mời gọi: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời ăn mừng chiến thắng vinh quang: theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở Chúa trong vinh quang, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã cho thấy: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cũng cho thấy điều đó: Đức Kitô đã chịu hiến tế, làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa mà ăn mừng đại lễ.

Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã tường thuật lại: Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Trong ngôi mộ trống có băng vải (τὰ ὀθόνια: vải điều trang trí lễ cưới) và có cả khăn che đầu (τὸ σουδάριον: tấm vải liệm). Thất bại và chiến thắng, sỉ nhục và vinh quang, tất cả đều được tìm thấy nơi ngôi mộ của Đức Giêsu.

Trong cuộc sống hằng ngày, những gì Chúa cho phép xảy đến: chúng không tốt, cũng chẳng xấu; không tích cực, cũng chẳng tiêu cực. Những biến cố xảy đến, những hoàn cảnh sống, chỉ là những gì phải được thể hiện ra mà thôi. Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời hoàn toàn chấp nhận những gì đang hiện hữu, đang diễn ra theo ý Chúa, dù chúng ta cho là: “tốt” hay “xấu”, “tích cực” hay “tiêu cực”. Thuận theo thánh ý Chúa thì ánh sáng và bóng tối cũng như nhau. Ước gì chúng ta ý thức rằng: mỗi khi có chuyện gì không may xảy đến với mình, thì đằng sau những nghịch cảnh đó, luôn ẩn tàng một ân huệ cao cả, một bài học sâu xa mà Chúa muốn gửi đến, dù rằng, có thể, lúc đó, chúng ta vẫn chưa nhận ra được. Ước gì chúng ta có được cái nhìn chiêm niệm, để nhận ra rằng: những biến cố Chúa gửi đến luôn là điều tốt nhất, mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Ước gì được như thế!

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1-9).

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.


Suy niệm Tin Mừng Đại Lễ Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Chúa đã sống lại rồi. Đây là một bản tin ngắn nhất, đem lại niềm vui nhất và nội dung ý nghĩa nhất của tất cả mọi bản tin. Không dừng lại ở đó, bản tin đó còn đem lại niềm hạnh phúc, đem lại sự sống và sự bình an đích thực cho mọi người thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc dưới bầu trời này. Đúng là một bản tin ngắn nhất nhưng có nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Con Thiên Chúa đã sống lại bởi quyền năng của Thiên Chúa Cha, đây là một cánh cửa mới, mở ra cho nhân loại một chân trời tương lai sáng lạn, bởi từ nay, họ được Con Thiên Chúa chỉ cho thấy một con đường, giúp họ trở về với vị thế ban đầu khi được Thiên Chúa cho hiện hữu trong thế giới này. Nhờ cái chết và sống lại của Ngài, con người mới thực sự được nhận lãnh tròn đầy sự thánh thiện công chính nguyên thủy, như ông bà nguyên tổ ngày xưa trước khi phạm tội.

Lời chứng của thánh Phê-rô sau khi được nghe, được gặp lại Thầy, luôn là một lời chứng đáng tin cậy và đầy xác tín. Lời chứng đó không dừng lại nơi biến cố Đức Giêsu đã sống lại, nhưng lời chứng đó còn minh chứng rằng, các ngài là những người đã được nghe, được sống và được chứng kiến mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời con người có tên gọi là Giêsu: “Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Các Tông đồ đã được gọi, được ở bên cạnh Thầy, được Thầy giáo huấn, được chứng kiến nhiều phép lạ, được nghe nhiều lần lời tiên báo về sứ mạng của Thầy, nay được chứng kiến Thầy sống lại từ cõi chết, vậy lời chứng đó có đáng cho con người hôm nay tin cậy và tiếp nối sứ vụ của các ngài trong thế giới hôm nay không?

Dù không được cùng anh em chứng kiến Thầy tử nạn và phục sinh như thế nào, nhưng thánh Phaolô đã bộc bạch kinh nghiệm niềm tin của mình, sau khi được gọi làm Tông đồ. Sự trở lại của anh chàng Sao-lê không phải là một thay đổi hành trình cuộc đời, nhưng là một sự hoán đổi niềm tin và nhận thức của bản thân về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng nhân từ của Ngài, vì thế, thánh nhân đã bày tỏ kinh nghiệm đó qua lá thư gởi cộng đoàn Cô-lô-sê rằng: Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa”. Đức Giêsu phục sinh đã hoán đổi con người Phaolô, từ nhận thức đến thái độ sống, từ tâm tình tôn giáo, đến tương quan tình người, do đó, thánh nhân muốn rằng từ kinh nghiệm đức tin của mình, mọi con cái hãy để cho Đấng Phục sinh hoán đổi nội tâm con người, có như thế mới được gặp Đấng Phục sinh trong mỗi công việc và ngay giữa gia đình mình.

Làm sao chỉ có cái mồ trống mà các môn đệ cũng như mấy người theo Chúa tin rằng, Thầy mình đã sống lại, tất nhiên là phải có một động lực nào nữa. Và đó là tình yêu, người được tha thứ sẽ hiểu được tình yêu của người tha cho mình thế nào, người được chọn làm học trò, sẽ hiểu được tình yêu thương Thầy dành cho mình ra sao. Những bài giáo huấn đem lại sự sống, niềm tin và hy vọng cũng có thể giúp nhìn ra chiều sâu của tình yêu Thầy – trò. Câu chuyện mồ trống sau có thể khởi đầu một hành trình khám phá niềm tin: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Thấy và tin là những hành động không dừng lại ở lý trí, nhưng cần có sự nhạy bén của trái tim. Thấy chỉ là một sự việc bên ngoài, giúp phần nào cho sự thật, còn sự nhạy bén của trái tim, sẽ giúp xâu chuỗi lại tất cả mọi biến cố, mọi bài học và mọi tương quan giữa hai con người, hai tâm hồn với nhau.

Quyền năng của Thiên Chúa Cha đã cho người Con mình sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa. Đó là một chân lý, một sự thật hiển nhiên, ngay cả những người đứng chứng kiến cái chết của Con Thiên Chúa, cũng không thể hiểu được. Khi người Con vâng lời Cha, bước vào thế gian với một con người tầm thường, người Con đó luôn vâng lời Cha, luôn được Cha ưu ái, luôn tìm thánh ý Cha để thực hiện, dẫu có những phút giây đối diện với khổ đau, với cô đơn, người Con đó vẫn một mực trung thành. Trong vai trò là người Cha, Thiên Chúa Cha luôn dõi theo từng bước chân của người Con, luôn hài lòng với mọi việc làm, mọi bài giáo huấn của người Con, thế thì làm sao người Cha đó có thể bỏ rơi người Con được. Chỉ vì yêu con người, người Cha đó đã chấp nhận của lễ người Con dâng lên là sự sống của Người, để cứu độ con người. Người Cha không chấp nhận dừng lại nơi nấm mồ, nhưng đã cho người Con sống lại, để con người thấy được Thiên Chúa có quyền trên tội lỗi, sự chết và ma quỷ.

Về phần chúng ta, sau bao ngày tháng được mời gọi sám hối, mời gọi hoán cải tâm hồn và niềm tin, con người có đủ can đảm để thay đổi khuôn mặt của Thiên Chúa trong tâm hồn, trong trái tim và trong tương quan cuộc sống mình không. Không thiếu những lúc tội lỗi, thói quen xấu và cả những quan niệm sống đạo không phù hợp, đã làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa bị biến dạng, bị méo mó, đầy máu và vết thương. Nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa đang bị thay đổi như thế, con người cố gắng đổi thay mọi thói quen, đổi thay mọi nhận thức và mối tương quan giữa bản thân với Ngài, trả lại nét đẹp vinh quang của Thiên Chúa trên khuôn mặt đó, trả lại vẻ đẹp nhân lành của người Cha trên khuôn mặt đó, trả lại nét đẹp tha thứ của Thiên Chúa trên khuôn mặt đó. Và đó có phải là lúc con người đang cố gắng làm cho khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi người được sống lại, được phục sinh.

Lạy Chúa, được ngụp lặn trong niềm vui của ngày Chúa sống lại, chúng con như nhận ra con người mới của mình, đó là một con người được Con Thiên Chúa tẩy xóa mọi lỗi lầm, xin giúp chúng con được cộng tác với ơn Chúa, để thay đổi khuôn mặt của Chúa trong cuộc đời chúng con. Chúa đã làm thay đổi trái tim và tâm hồn các Tông đồ, các người phụ nữ theo Chúa, xin cũng làm thay đổi trái tim và tâm hồn chúng con, để chúng con biết cố gắng đi ra khỏi sự ích kỷ của mình, loan tin vui phục sinh cho anh chị em đang sống bên cạnh chúng con. Amen.

NGÀY CHÚA ĐÃ LÀM RA
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”.

Đội quân của Napoléon dẫn đầu bởi tướng Massena bất ngờ xuất hiện với 18.000 quân trước một thị trấn. Hội đồng bô lão họp, “Đầu hàng là câu trả lời duy nhất!”. Nhưng một cựu quan chức nói, “Hôm nay là lễ Phục Sinh, hãy mừng lễ và để mọi rắc rối cho Chúa, Chúa có cách của Chúa!”. Trong đêm, họ cử người đến xin cha xứ gõ mõ dâng lễ. Nghe tiếng mõ khắp nơi, Massena suy nghĩ, quân đội Áo đã đến giải vây! Viên tướng ra lệnh lui binh và biến mất trước khi chuông nhà thờ đổ trong lúc cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, Thánh Vịnh đáp ca Chúa Nhật Phục Sinh nói về ngày sống lại của Chúa Kitô như thế. Chúng ta vui mừng hoan hỷ vì “Chúa có cách của Chúa!”. Ngài ôm tội lỗi của nhân loại vào trong mộ và đã chỗi dậy để khởi đầu một sự sống mới.

Nhiều nơi trên thế giới mừng lễ Phục Sinh vào mùa xuân. Đây là thời điểm mà thiên nhiên, tự nó, mang đến sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Những bông hoa tulips sắp vươn lên khỏi mặt đất giá lạnh, những chồi non trên cành sắp biến khu rừng thành biển xanh. Thiên Chúa nói theo nhiều cách, chu kỳ của thiên nhiên là một trong những cách thức dễ thấy nhất. Vậy nếu Cha Trên Trời nâng niu từng đọt cây, ngọn cỏ, những tạo vật nhỏ bé như thế, thì Ngài quan tâm đến sự phục sinh của Con Chí Ái biết bao? Và nhất là, quan tâm đến việc những con trai, con gái của Ngài bước vào một cuộc sống mới vừa giành được cho từng người nhờ sự Phục Sinh của Con Một Ngài nhường nào!

Hãy để vẻ đẹp của tạo vật trở nên dấu chỉ cho bạn về ‘một thực tại vĩ đại hơn vô hạn!’. Hãy cho phép bản thân được cuốn hút vào những mới mẻ trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vươn lên có nghĩa là trở nên một tạo vật mới! Hãy gẫm suy những lời tuyệt diệu này, “Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra’, ‘ngày’ vui mừng trong cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó ‘ở đây, lúc này!’. Đó là ‘ngày’ mà bạn và tôi được biến đổi bởi một con người, Giêsu, Đấng Phục Sinh. Cuộc sống mới phải bắt đầu ngay giờ này và phải liên tục trở nên mới mẻ, rạng ngời, khi chúng ta đi sâu hơn vào vinh quang của Ngài.

“Chúa đã sống lại!” không phải là một công thức ma thuật làm tan biến các vấn đề. Không! Mầu nhiệm Phục Sinh không làm điều này; thay vào đó, là sự chiến thắng của tình yêu đối với cội rễ của điều ác, một chiến thắng không ‘bỏ qua’ đau khổ và cái chết, nhưng ‘vượt qua’ chúng, ‘đứng trên’ chúng, ‘mở ra một con đường’ trong vực tối; biến sự ác thành sự lành, và đây là dấu ấn độc đáo cho thấy quyền năng của Thiên Chúa.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”, là ngày Chúa Kitô tái tạo trời mới đất mới mà con người đã phá hỏng; ngày Ngài tái giao hoà ‘người với Chúa’, ‘người với người’ mà tội lỗi đã cắt đứt. Đúng thế, nơi sự Phục Sinh, Chúa Cha đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới. Nhưng không chỉ hôm nay mà mọi ngày là ‘ngày Chúa đã làm ra’. Hãy để cho mình tưng bừng hỷ hoan và tha nhân được tưng bừng hoan hỷ! Muốn thế, bạn và tôi hãy giao mọi rối ren vào tay Chúa, “Chúa có cách của Chúa!” và thôi làm điều dữ, hãy gieo điều thiện. Hãy là con cái của Đấng Phục Sinh; bớt tìm “những sự thuộc hạ giới và không ngừng tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” như thư Côlôssê hôm nay mời gọi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sống từng ngày với ‘tư chất’ của một người con đã được cứu chuộc: tưng bừng hỷ hoan; và nhờ con, anh chị em cũng tưng bừng hoan hỷ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây