TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Thứ hai - 18/03/2024 14:31 |   191
Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1-15)

28/03/2024
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh Lễ Tiệc Ly

t5 tuan thanh

Ga 13,1-15

THIÊN CHÚA YÊU ĐẾN CÙNG
Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1-15)

Suy niệm: Yêu ai nửa vời thì ta giữ lại cho mình thật nhiều, mình phải được hơn là mất. Trái lại, yêu ai đến cùng, ta không còn dè giữ nữa, mà cho đi tất cả. Yêu nhân loại đến cùng, Đức Giê-su cho đi những gì quý giá nhất, làm điều gì tốt đẹp nhất mà một vị Thiên Chúa làm người có thể thực hiện được. Ngài đã làm bốn điều sau đây để cho ta thấy thế nào là yêu đến cùng: rửa chân cho các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể, chết trên thập giá, và sống lại hiển vinh. Rửa chân cho môn đệ là hạ mình, đặt người yêu mến lên trên mình, chi phối cuộc đời mình. Lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế một cách gần gũi, thân thiết, hữu hình. Chết trên thập giá minh chứng cho tình yêu hy sinh, tự hiến sự sống cho người mình yêu thương. Sống lại để đưa con người lên địa vị cao sang, thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời. 
 

Mời Bạn: Chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa chúng ta khi Ngài hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ: cởi áo choàng, lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, rửa chân cho các ông, lấy khăn mà lau… để bạn cảm nghiệm được thế nào là tình Ngài yêu thương đến độ trút bỏ cả vinh quang lẫn địa vị của một vị Thiên Chúa để hiến thân cho chúng ta.
 

Sống Lời Chúa: Suy gẫm bốn điều Thiên Chúa vì yêu đến cùng đã làm cho mình, tôi nỗ lực đáp trả lại bằng việc dành nhiều thời gian cho Chúa hơn trong đời thường của mình.  
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm nghiệm thế nào là yêu đến cùng của Chúa với nhân loại, và riêng với con. Xin giúp con biết cách đáp trả với cả con tim. 

Thứ Năm Tuần Thánh: Lạy Chúa! Giuđa có những hiểu biết sai lệch về sứ mạng Thiên Sai của Chúa. Cái nhìn sai sẽ dẫn đến hành động sai. Chúng con có thể tích lũy mọi kiến thức sẵn có trên thế giới, chúng con có thể trở thành bách khoa từ điển, nhưng điều đó sẽ không ích gì. Chúng con trở thành cuốn từ điển biết đi, nhưng sự thiếu hiểu biết của chúng con không biến đi thông qua điều đó. Bên ngoài chúng con là một người hiểu biết, nhưng, bên trong chúng con vẫn là kẻ thiếu hiểu biết. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: đừng có cái nhìn sai lệch về Chúa và về chính mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Thứ năm Tuần Thánh là ngày lễ của tình yêu. Thật vậy, vào chiều hôm nay cách đây hơn 2000 năm, trong bữa tiệc ly, trước khi lìa xa các môn đệ để thi hành tôn ý Chúa Cha mà cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ hết sức ngỡ ngàng là Người chỗi dậy khỏi bàn ăn, lấy khăn thắt lưng, rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường. Chúa dạy các ông bài học này trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu. Vì muốn yêu đến cùng nên Người dạy khiêm nhường bằng việc rửa chân để mọi người biết yêu nhau. Vì muốn yêu đến cùng nên Người lập Bí tích Thánh Thể để ờ lại với chúng ta đến tận thế. Chúa Gíêsu lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác vụ của các linh mục.. Để tưởng niệm bữa tiệc ly này cho xứng đáng chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Chúng ta phải được vinh dự nơi Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người là sự cứu thoát, sự sống lại của chúng ta, nhờ Người chúng ta được cứu độ và được giải thoát

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14

“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô .

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con.

Xướng: Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã quá yêu nhân loại bằng một trái tim nồng nàn rực cháy. Người đã trối lại cho nhân loại một gia sản vĩ đại, đó là gia sản tình yêu. Tin vào tình yêu cao siêu đó chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :

1. “Hãỵ nói với toàn thề cộng đồng con cái Israel”.- Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục theo gương ông Moisen và ông Aaron, mau mắn thi hành lệnh Chúa, loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.

2. “Mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.- Xin cho tâm hồn người tín hữu đã được rước máu châu báu của Chúa Giêsu, luôn can đảm tuyên xưng việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến.

3. “Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng”.- Xin cho các nhà truyền giáo tinh thần phục vụ hăng say, hi sinh quên mình vì phần rỗi những người Chúa trao phó cho.

4. “Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.- Xin cho giáo xứ chúng ta biết sống bài học khiêm nhường nơi Đức Kitô, để chân thành yêu thương hết mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cần sự trợ giúp của ơn Thánh Chúa, để được thanh luyện và lớn lên trong đức tin và đức ái. Xin soi sáng và nâng đỡ chúng con thi hành tốt mệnh lệnh sống bác ái, để hy lễ của Chúa diễn ra qua các thế kỷ vẫn mang đậm nét yêu thương, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con, cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Thánh Thể I

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Này là mình Ta, sẽ bị nộp vì các con, chén này là Tân Ước trong Máu Ta, mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, chiều nay chúng con đã được bổ sức tại bàn tiệc của Ðức Ki-tô, mai ngày, xin Chúa cũng đón nhận chúng con vào dự tiệc muôn đời trong nước Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm:

PHỤC VỤ TRONG SỰ KHIÊM NHƯỜNG
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Vào thời của Chúa Giê-su, đối với người Do-thái, hành động rửa chân là bổn phận của người nô lệ đối với ông chủ, của người vợ đối với người chồng, của người con đối với người cha. Thậm chí ngay cả ông chủ người Do-thái cũng không chấp nhận để một người hầu Do-thái rửa chân cho mình. Tuy nhiên Chúa Giê-su, là “Thầy” và là “Chúa” của các môn đệ, đã cúi xuống để rửa chân cho các ông. Hành động này của Người đã khiến cho ông Phê-rô kinh ngạc và ông cảm thấy mình không xứng đáng: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao”.

Nhưng nếu nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su thì chúng ta không cảm thấy lạ về việc làm trên của Người. Người là Đấng đã từ bỏ vinh quang uy quyền chốn trời cao, chấp nhận một cuộc sống phàm nhân và muốn trở thành người “nô lệ” để phục vụ con người (x. Pl 2,6-8). Người “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44).

Giờ đây, qua việc rửa chân, chính Chúa Giê-su đang trở thành tấm gương về sự phục vụ cho các môn đệ và Người đòi hỏi các ông “phải” ra đi phục vụ anh em trong sự khiêm hạ: “anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Hơn nữa, sự phục vụ cần khởi đi từ tình yêu mến. Thánh Gio-an, một cách tinh tế, đã lý giải cho chúng ta nguyên nhân dẫn đến việc rửa chân của Chúa cho các tông đồ. Người làm như vậy bởi vì Người “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian” và “yêu thương họ đến cùng”.

“Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14) và cùng với lệnh truyền của Chúa, mỗi người chúng ta hãy đứng lên, ra đi và hạ mình để phục vụ những anh chị em đang gặp cảnh nghèo khó, cơ cực và thiếu sự quan tâm, tình thương trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta cùng hát lên lời ca: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ. Phục vụ là cho không phục vụ là quên mình. Phục vụ là cho không, phục vụ vì Chúa Ki-tô” (Bài ca phục vụ, Lm. Mi Trầm).

 

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU

LỄ TIỆC LY (Ga 13, 1 – 15)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”.

1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này: “... như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”.

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.

2. Một dấu tích sống động được tiếp diễn

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.

3. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành. Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào quỹ đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng”.

Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

4. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăn trối của Đức Giêsu

Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26).

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ… Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen.


BẰNG CHỨNG TÌNH THƯƠNG
(THỨ NĂM TUẦN THÁNH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong Bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới: muôn đời tồn tại, làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng ta đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng ta được đầy tràn tình yêu và sức sống viên mãn của Người.

Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là bài học vâng lời Chúa Cha cho đến cùng. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Người đã lớn tiếng dâng lời nguyện xin và đã được nhậm lời, vì Người đã tôn kính Thiên Chúa.

Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là hình ảnh Con Chiên chịu sát tế để cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Cha Mêliton đã nói: Chính Người là con chiên không kêu một tiếng, là con chiên bị giết, sinh ra từ chiên mẹ xinh đẹp là Đức Maria. Người là con chiên được lấy ra trong bầy để mang đi giết, bị sát tế vào buổi chiều, rồi ban đêm được mai táng. Trên thập giá, Người không bị đánh giập ống chân; dưới lòng đất, Người không bị tiêu tan. Người đã trỗi dậy từ trong kẻ chết và làm cho con người trong mồ sâu sống lại.

Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là Tiệc Vượt Qua. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành đã ghi nhận lại những chỉ thị về Bữa Ăn Vượt Qua với lệnh truyền: Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng nhắc nhở: Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia đã cho thấy: Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Đức Kitô. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã cho thấy: Bài học yêu thương và phục vụ mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ của mình, qua trình thuật Rửa Chân. Thánh Gioan cố tình dùng chỉ 6 động từ (con số 6 là con số chưa trọn vẹn), để nhắc nhớ rằng: Thầy là Thầy, là Chúa, mà Thầy còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải yêu thương phục vụ lẫn nhau, như Thầy đã nêu gương cho anh em, nhưng, gương yêu thương của Thầy chỉ được hoàn tất vào cuối bữa ăn này, với hành động thứ 7: là trao hiến chính Thịt Thầy, Máu Thầy cho anh em, và anh em phải làm việc này mà nhớ đến Thầy. Nhớ đến Thầy không phải là gợi nhớ về một nhân vật lịch sử, nhưng, chính là hiện thân hóa, để trở nên giống như Thầy: đổ máu mình ra để yêu thương và phục vụ. Ước gì khi chiêm ngắm biến cố Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hãy để cho mình thật lắng đọng, chìm vào trong từng cử chỉ yêu thương của Chúa, và nhất là, với quyết tâm thực hành cho bằng được hành động cuối cùng của Chúa, là dám đổ máu mình ra để yêu thương và phục vụ như Chúa, hầu ơn cứu độ của Chúa được tỏa lan đến khắp mọi người và khắp mọi nơi. Ước gì được như thế!

Thánh lễ Tiệc Ly
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 1-15).

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

 

Suy niệm Tin Mừng -Thánh lễ Tiệc Ly
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

Suy niệm

Hôm nay, mọi người tín hữu Kitô được mời gọi cùng Thầy Chí Thánh bước vào những ngày đặc biệt gọi là Tam Nhật Thánh. Chiều này năm xưa, Thầy trò tâm sự, trao nhau những lời yêu thương, trao nhau cả Thịt và Máu mình làm của ăn thiêng liêng cho các học trò, trao nhau cả những cử chỉ yêu thương là cúi xuống rửa chân cho các học trò. Rồi từ đây, Thầy trò cùng trải qua những phút giây nặng trĩu của đức tin, đối diện với những chọn lựa khó khăn nhất trong cuộc đời. Chọn con đường thánh ý Cha, hay trở lại với ý riêng và kế hoạch của mình, chọn con đường hiến dâng vì người mình yêu, hay đi tìm cho bản thân một con đường an toàn và hạnh phúc. Những phút giây đối diện với cuộc chiến nội tâm, đầy nước mắt, đầy đau thương.

Để chuẩn bị cho ngày trở về, dân Do-thái được Thiên Chúa hướng dẫn phải làm gì, phải chuẩn bị những gì, đặc biệt phải thanh tẩy tâm hồn và con người, để xứng đáng với sự cúi xuống của Thiên Chúa: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm”. Chuẩn bị lễ vật để bày tỏ cuộc vượt qua của sứ thần bên đất Ai-cập, được coi là hình ảnh của biến cố vượt qua ngưỡng cửa cái chết, đi vào vương quốc sự sống và tự do. Người tín hữu Kitô được mời tham dự tam nhật thánh, để thanh tẩy nhận thức, thanh tẩy trái tim và niềm tin của mình, từ đây, họ được tắm trong máu con chiên, được tham dự vào sự sống mới của Đấng phục sinh.

Trao ban sự sống của mình cho người mình yêu là một cử chỉ xem ra bất thường trong một xã hội thực dụng này, thế nhưng, bước vào tuần thánh, người tín hữu luôn được mời hãy trao ban, hãy can đảm hy sinh để được cùng Thầy dự bàn tiệc trên trời, ai sẽ là người dám vâng nghe lời Con Thiên Chúa, để cùng Người bước vào mầu nhiệm tử nạn: “Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Thầy đã trao hiến cho anh em, vậy anh em có đủ tự tin và can đảm để trao hiến cho nhau không? Thầy ơi, khó quá, chắc bây giờ chúng con chưa làm được, cần có thêm thời gian để tình yêu trong con đủ lớn, đủ sâu và đủ mạnh, chúng con sẽ thực hiện lời mời của Thầy.

Nấc thang của tình yêu thật kỳ diệu, Con Thiên Chúa đã đi từng bước để nêu gương cho các học trò, cho con cái sau này. Khởi đi là dạy dỗ, thứ đến là quan tâm lo lắng cho cái ăn cái mặc, rồi tiếp là sửa dạy để loại bỏ tham – sân – si trong người, rồi hướng dẫn họ sống phục vụ qua cử chỉ cúi xuống rửa chân cho nhau. Cuối cùng, mời các học trò hướng lên cây thập giá, để thấy sắc màu của tình yêu: Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Sắc màu của tình yêu là thế. Điểm đến là sự hy sinh tất cả, sự sống và cuộc đời.

Khuôn mặt của Thiên Chúa được hiển lộ nơi cuộc đời của người Con chí ái của Ngài là Đức Giêsu. Chấp nhận làm người như một tội nhân, chấp nhận một gia đình như một con người yếu đuối, chấp nhận cảnh thiếu thốn và vất vả như bao người đau khổ, chấp nhận bị sỉ nhục khi mong cho con người được giải thoát, chấp nhận bị đối đầu chỉ mong họ đừng quá u mê trong tội. Sau cùng, chấp nhận trao gởi lại sự sống là Thịt và Máu cho con người, để con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng hàng ngày nhờ lương thực thần thiêng. Nét đẹp linh thánh của tình yêu tự hiến là thế, Ngài không mong con người khắc họa lại tất cả, chỉ mong con người nhận ra đó là tình yêu đích thực và cố gắng đi lại con đường đó trong sự cố gắng và ân sủng của trời cao.

Cứ mải mê với những tính toán của thế gian, các học trò của Đức Giêsu chỉ biết tranh giành quyền bính, địa vị, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi trong việc đi theo Thầy, chưa thể lãnh hội ơn gọi mà điểm đến cuối cùng của hành trình đó là gì. Bao ngày tháng đi bên cạnh Con Thiên Chúa, chắc họ chưa hiểu được niềm vui là môn đệ của Đấng Cứu Thế, chỉ quẩn quanh với những toan tính thế gian, đến lúc thấy Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình, cũng chưa hiểu vì sao là thế, còn đòi hỏi được tắm cả mình. Khuôn mặt của các môn đệ đó hôm nay đang ẩn hiện nơi những người môn đệ của Ngài. Biết rằng theo Chúa sẽ được tự do ngay từ hôm nay, nhưng nhu cầu và tính thực dụng, họ sẵn sàng cúi đầu, hy sinh sự tự do đích thực. Giáo huấn và ân sủng mỗi ngày vẫn được trao ban, thế nhưng chỉ biết đón nhận, chỉ biết ngụp lặn trong tình yêu cứu độ, chưa mạnh dạn lên đường thực thi sứ vụ loan báo tin vui và làm chứng bằng chính cuộc đời.

Lạy Chúa, được theo chân Chúa làm người môn đệ, nhưng các Tông đồ xưa và chúng con hôm nay, chưa lãnh hội được chiều sâu của tình yêu tự hiến, chỉ biết hưởng thụ và đón nhận, xin tha thứ cho sự vô tâm vô tình của chúng con. Chúa trao hiến sự sống của mình cho con người, để con người được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con biết chia sẻ sự sống chúng con nhận được cho anh chị em sống quanh mình. Xin Chúa cho chúng con theo chân Chúa vào phòng tiệc ly, để được chung tấm bánh và cùng một chén với Chúa, được Chúa rửa chân để có thể rửa chân cho anh em, được theo Chúa vào vườn Cây Dầu, cùng thức với Chúa trong những phút giây đau khổ và sợ hãi. Amen.

 

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”.

“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của ‘người yêu’ cho bằng tâm tình của ‘người tặng’. Chúa Giêsu vừa là người yêu, vừa là người tặng! Quà Ngài trao là chính mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài ‘tự hiến’ mỗi ngày! Một lần tặng, muôn lần trao!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần’ vào hai chiều cuối đời; nhưng không chỉ ‘ba lần’, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến; và như thế, Ngài là Món Quà Tự Hiến ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.

Tin Mừng nói, “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến… Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình, và Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Chính trong bữa ăn yêu thương mà người Do Thái phải cử hành hằng năm - bài đọc Xuất Hành - Chúa Giêsu tự hiến trong phục vụ yêu thương khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ! Cũng trong bữa tối đó, Ngài tự hiến dưới hình thức của ăn, của uống khi cầm lấy bánh rượu, thiết lập Bí tích Thánh Thể - và theo thánh Gioan Phaolô II, Ngài thiết lập chức Linh mục - “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết!” - bài đọc hai.

Như vậy, khi cúi xuống rửa chân các môn đệ, cũng như khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một “Món Quà” thiết thực hơn, lớn lao hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau: một thân xác nát tan, đỏ một màu máu trên thập giá. Vì thế, chỉ trong hai ngày Tuần Thánh đầu tiên ấy, Ngài đã tự hiến chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”; với các Linh mục của Hội Thánh Ngài, mầu nhiệm đức tin này còn được cử hành liên lỉ trên các bàn thờ. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau. Khi chúng ta phục vụ nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người ‘trong chúng ta và qua chúng ta!’. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng liên lỉ trao đến tận thế!

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Thông hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể, chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài; nhờ đó, tìm thấy sức mạnh để “yêu đến cùng” như Ngài đã “yêu!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô!”. Nhờ thông hiệp Máu Chúa Kitô, chúng ta mới có khả năng khiêm nhường cúi xuống phục vụ tha nhân như Ngài. Thánh Thể nuôi dưỡng sự phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Thánh Thể biến đổi chúng ta nên ‘những Giêsu khác’, Đấng “yêu cho đến cùng”. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; đúng hơn, hãy để Thánh Thể Chúa Kitô dạy chúng ta biết tự hiến như Ngài! Noi gương tình yêu vĩ đại của Ngài, bạn và tôi cũng tự hiến mỗi ngày, chết cho chính mình để khiêm nhường phục vụ và “yêu cho đến cùng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây